1. Chào mừng bạn đến với CLB Yêu Cổ Nhạc ANH EM ! Nếu đây là lần đầu bạn tham gia, để có thể cùng mọi người chia sẻ các vở cải lương hay hoặc thảo luận về các vấn đề trên diễn đàn vui lòng ĐĂNG KÍ thành viên !
nguyenphuc - Sách Cầm ca tân điệu
Cầm ca tân điệu là quyển sách làm nền tảng cho sự định hình và phát triển của đờn ca tài tử Nam Phần


Đờn ca tài tử Nam phần là dòng nhạc hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, đờn ca tài tử bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam phần, đờn ca tài tử được người dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam phần hát ca sau những giờ làm việc chăm chỉ cật lực.
Xuất hiện hơn 100 năm trước, đờn ca tài tử được diễn tấu với ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn độc huyền.
Về sau nầy, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.

Trong bối cảnh cuộc sống của người dân Nam phần, loại âm nhạc nầy được xem là là loại nhạc thính phòng thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội.
Sau khi thu hoạch mùa vụ, đờn ca tài tử thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng.
Nhưng để cho đờn ca tài tử hình thành và phát triển như một loại hình nghệ thuật không chỉ mang tính chất dân gian, mà còn mang tính “hàn lâm, bác học”, không thể quên công lao của tác giả Trần Phong Sắc (Đằng Huy) cùng với nhạc sĩ Lê Văn Tiếng (Cử Thiện) trong việc biên soạn quyển sách “Cầm ca tân điệu” in tại nhà in Joseph Nguyễn văn Viết – Sài Gòn , năm 1926.
Bởi lẽ hầu hết những cuốn sách, hoặc tài liệu, ấn phẩm sưu tầm được trước đó, bài bản đờn ca tài tử chưa có sự phân loại hơi, điệu, câu cú, lớp lang gì cả.
Nhờ có quyển sách, các bài hát đờn ca tài tử ưa được sắp xếp thành hệ thống các điệu thức như Bắc, Lễ, Nam, Oán và các hơi như Xuân, Ai, Đào, Ngự.

Tương truyền qua các thế hệ nghệ nhân học trò của nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tục danh Ba Đợi) xuất thân từ nhạc cung đình Huế.
Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, những người nầy theo phong trào Cần vương vào miền nam dạy nhạc, ở vùng Cần Đước Cần Giuộc, Sài Gòn, Chợ Lớn.
Vào khoảng những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, nhạc sư Ba Đợi, cùng với các nhạc sư tiền bối tên tuổi vùng nầy như các ông Sâm, Hồ, Ngô, Đạo đã tổ chức cuộc họp với các các nhạc sư, nhạc sĩ nổi tiếng đương thời cả hai miền Đông, Tây Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Tại nhà ông Tư Trì ở làng Tân Thành, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), các ông đã trao đổi về chuyên môn, đi đến thống nhất hệ thống đờn ca tài tử như Bài, Bản, Hơi, Điệu, Lớp lang, Câu cú, Nhịp nhàng.
Trên cơ sở đó các nhạc sư đã cho ra đời hệ thống hai mươi bài bản Tổ và nhiều bài bản lớn, nhỏ, vắn, dài khác, hình thành nhạc mục Đờn ca tài tử Nam phần và sân khấu Cải Lương Nam phần.
Những bài bản nầy được nghệ nhân nhạc sư Lê văn Tiếng (người quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An) sưu tầm ghi chép đầy đủ.
Soạn giả Trần Phong Sắc (tỉnh Tân An) là người soạn lời, từng câu, từng lời ca đều trùng khớp với chữ nhạc, rất dễ đờn ca đối với những người mới học.
Mở đầu quyển sách, chẳng những các tác giả có lời tiểu dẫn nêu rõ mục đích, yêu cầu, là ngoài việc hệ thống hóa Bài, Bản mang tính học thuật, đã được các nhạc sĩ, nhạc sư thống nhứt, mà còn đề cập ý nghĩa nội dung giáo dục đạo đức gia đình và xã hội của môn âm nhạc dân tộc cổ truyền nầy.
Kế đến là phần hướng dẫn, có hình minh họa trên cây đờn Kìm thật chi tiết, tỉ mỉ.
Từ cách lên dây theo thang âm ngũ cung:
Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.
Rồi các loại dây tương ứng với các giọng điệu, các loại nhịp như:
Nhịp Trường canh, nhịp Song lang, nhịp Nội, nhịp Ngoại…
Cho đến:
“Cách đặt bài ca thì cần phải tùng theo (tuân theo) dấu của chữ đờn…

Phần còn lại của quyển sách gồm 60 bản nhạc, in song hành với 60 bài ca trên từng trang sách, tuần tự theo hệ thống.
Trước tiên là 20 bản Tổ gồm:
– Sáu Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản)
– Bảy Lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc)
– Bốn Oán chánh (Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu hoàng)
– Ba Nam (Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung)
Và bốn mươi bản còn lại đến cuối quyển sách là những bài bản khác

“Cầm ca tân điệu” ra đời đã nhanh chóng trở thành quyển sách gối đầu giường của giới nghệ nhân nhạc sĩ đờn ca tài tử và sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Từ đó trở đi quyển sách có vai trò nền tảng căn bản, để các thế hệ hậu bối vừa luyện tập, vừa sáng tác bổ sung ngày càng hoàn thiện danh mục bài bản âm nhạc đờn ca tài tử và sân khấu cải lương phong phú như ngày nay.
Ngày nay, đờn ca tài tử Nam phần không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng, trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần thường nhật trong đời sống cộng đồng người Việt, không chỉ ở Nam phần, mà lan tỏa cả nước và hải ngoại.
Ngoài nghệ nhân nhạc sư tiền bối Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) được xem như Hậu Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam phần, không thể không nhắc đến công lao đóng góp to lớn và rất quan trọng của hai ông Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng với quyển sách “Cầm ca tân điệu”.

-----o0o-----
nguyenphuc - ĐỜN CA TÀI TỬ (Nguyễn Tấn Nhì)
Còn bài Sâm Thương lý do nào gọi là "Lý Sâm Thương"? Khal đem câu hỏi này hỏi nhiều người nhưng có đáp án cụ thể, ai là người đầu tiên gọi là Lý Sâm thương?
Trong 10 loại bài bản cổ truyền của cổ nhạc nam phần, thì loại đầu tiên là Nhứt Lý chỉ có 6 bản Lý mà thôi. Đó là:
-Lý con sáo
-Lý Giao Duyên
-Lý Vọng Phu
-Lý Ngựa Ô Nam
- Lý Ngựa Ô Bắc
-Lý Phước Kiến
That's it (chỉ có vậy thôi),
Sau 30/4/1975, mấy ông cố tổ ở trong bưng ra, ở trên rừng xuống, không biết mắc chứng gì, bản nào cũng gài thêm chữ Lý vào như Lý Sâm Thương, Lý Chuồn Chuồn, Lý Thập Tình v.v... thật là ngu xuẩn và dốt nát. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, đừng có chế tầm bậy không giống ai, không giống con giáp nào!
Cũng như bản vọng cổ nhịp 32, mỗi câu chỉ có 32 nhịp (tức là 32 trường canh). Vậy mà ông cố nội Trần Nam Dân viết lời bài ca (vọng cổ) "Đài Hoa Dâng Bác", viết câu 4 dôi ra (dư) tới 2 khuôn, tức là 8 nhịp. Báo hại Út Trà Ôn ca chạy chữ muốn đứt hơi vì thở không kịp, ca xong mồ hôi tuôn xối xả y như tắm hơi.
Ai không tin cứ vô google tìm bài ca "Đài Hoa Dâng Bác" nghe thì rõ. Ông cố nội Trận Nam Dân giành hết cái ngu cái dốt trong thiên hạ. Thiệt là bó tay với ông cố nội Trần Nam Dân này!
nguyenphuc - Ai là tác giả đích thực của Dạ Cổ Hoài Lang?


  • Từ trước đến nay khi viết về Dạ Cổ Hoài Lang, hầu hết tác giả đều mặc nhiên khẳng định nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã sáng tác cả nhạc lẫn lời bài hát bất hủ nầy. Theo ông Trần Văn Khải và Giáo sư Trần Văn Khê thì ông Sáu Lầu sanh ra lối 1890 tại xã Thuận Lễ, quận Tầm Vu, tỉnh Tân An, năm lên sáu tuổi ông theo cha về Bạc Liêu (1). Ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1920 tại nhà đèn Bạc Liêu (2).
  • Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho rằng ông Sáu Lầu sáng tác Dạ Cổ Hoài Lang vào khoảng 1919-1920 (3). Soạn giả Nguyễn Phương đã dẫn lời của nghệ sĩ Bảy Cao cho rằng lúc nhỏ ông Sáu Lầu làm sa di ở chùa Vĩnh Phước (Bạc Liêu) cách nhà Bảy Cao ở xóm Hàng Cóc độ 50 thước và là cha đẻ bài Dạ Cổ Hoài Lang. Ông Sáu Lầu là học trò của nhạc sư nổi tiếng Hai Khị ở Bạc Liêu và là thầy dạy cổ nhạc của nghệ sĩ Bảy Cao (4).
  • Thật ra cho đến nay vẫn còn một số nghi vấn về lời của bài Dạ Cổ Hoài Lang. Có người cho rằng lời bài hát do ông Trần Xuân Thơ đặt ra. Người khác cho nói lời bài hát vốn là một bài từ của nhà sư Nguyệt Chiếu. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin chép bài Thử tìm hiểu xuất xứ bài Vọng Cổ của ông Nguyễn Tử Quang đăng trong tạp chí Bách Khoa số 63 ngày 15 Tháng Tám 1969:
  • … Vào khoảng năm 1920 tại chùa làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có một nhà sư tên họ thật là gì người làng không biết được mà chỉ biết pháp danh là Nguyệt Chiếu. Vì ở xa lại nên người ta không rõ được tông tích nhà sư. Nhưng thấy nhà sư sự học uyên thâm với tư tưởng ẩn dật, người ta đoán chừng là một văn thân chống Pháp trong thời Cần Vương, nay thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật.
  • Tuy đã đi tu nhưng vẫn mang nặng tình non nước, lòng còn hoài bão chí khí lớn lao với một cuộc đổi thay, nên nhà sư mới đem tâm sự mình ký gởi trên bài từ đề là Dạ Cổ Hoài Lang, nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng. Đại ý của nó cũng tựa như tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.
  • Bài thơ này lại được vào tay ông Sáu Lầu, một nhạc sĩ có danh tiếng lúc bấy giờ. Lời thơ tuy tầm thường nhưng có lẽ lúc bấy giờ đôi bên thông cảm được mối tình thương nhà nhớ nước nên ông Sáu Lầu mới đem bài thơ ấy phổ ra nhạc. Đó là bài Dạ Cổ Hoài Lang, nhịp đơn, âm điệu mường tượng như hai bài Hành Vân và Xuân Nữ.
  • Bài ấy lời lẽ như thế này:
  • Từ phu tướng
  • Báu kiếm sắc phong lên đàng
  • Vào ra luống trông tin chàng
  • Gan vàng thêm đau
  • Chàng dầu say ong bướm
  • Xin chớ đừng phụ nghĩa tào khang
  • Đêm luống trông tin bạn
  • Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
  • Vọng phu, vọng luống trông tin chàng
  • Năm canh mơ màng
  • Chàng hỡi chàng có hay
  • Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
  • Bao thuở đó đây sum vầy
  • Duyên sắt cầm tình thương
  • Nguyện cho chàng
  • Đặng chữ bình an
  • Trở lại gia đàng
  • Cho én nhạn hiệp đôi.
  • ___________
  • Trở lại trường hợp sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ký giả Thanh Cao trong bài phỏng vấn ông Sáu Lầu về ngày chào đời của bài Vọng Cổ đăng trong báo Dân Mới ngày 20 Tháng Mười Hai 1953 có viết câu trả lời của ông Sáu Lầu: “Tôi không nhớ rõ là đã được bao nhiêu lâu, nhưng lại nhớ năm ấy tôi được 29 tuổi và bây giờ tôi đã 63”. Dựa vào bài báo, ta có thể đoán Ông Sáu Lầu chào đời năm 1890. Và năm ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1919 lúc “khủng hoảng tinh thần” trong “hoàn cảnh đau thương” bị cha mẹ bắt buộc phải bỏ vợ sau tám năm chung sống vì lý do bà vợ không sanh con nối dòng. Ông buồn nhớ bạn lang nên đặt ra bài ca tên Hoài Lang. Sau đó ông Bảy Kiến đề nghị thêm vô hai chữ Dạ Cổ tức là Dạ Cổ Hoài Lang.
  • Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong thì cho rằng: “Ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào khoảng năm 1919-1920, không phải vì thương nhớ bạn lang, nhớ vợ bị bắt buộc phải ly dị, mà nhân dịp có một nhóm nghệ sĩ từ Huế vào trình diễn trong Nam, ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang để đáp lễ nhóm nghệ sĩ Huế (5).
  • Theo soạn giả Nguyễn Phương và nghệ sĩ Bảy Cao thì sau ba năm chung sống mà không có con nên ông Sáu Lầu bị cha mẹ buộc phải ly dị vợ. Nhưng hai người “Cái căn không bỏ, cái nợ không rời” nên thường lén lút gặp nhau. Và cái chái nhà của ông Lê Văn Đại – thân phụ nghệ sĩ Bảy Cao, chính là điểm hẹn hò cũng như tiếng đàn kìm điêu luyện của ông Sáu Lầu đã kết nối mối tình dang dở của vợ chồng ông (6).
  • ___________
  • Về hoàn cảnh sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, chúng tôi đồng ý với ông Vương Thư Sinh khi cho rằng Ông Sáu Lầu chỉ đặt ra bài nhạc còn lời ca là của một nguồn gốc khác (7).
  • Thật vậy đọc toàn lời ca của bài Dạ Cổ Hoài Lang, ta thấy toát lên lời thở than thương nhớ của một người vợ có chồng đi chinh chiến phương xa. Nàng ở nhà mòn mỏi trông tin, luôn mong mỏi phút giây trùng phùng. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thiếu phụ Việt Nam thời bấy giờ, khi người chồng vì bổn phận, vì nhiệm vụ phải “chấp kiếm lên đường” đi ra biên ải… Đây không phải tâm sự ai oán của người chồng vì hoàn cảnh phải sống xa lìa người vợ thủy chung gắn bó. Ông Sáu Lầu không thể đặt ra lời một người đàn bà nhớ chồng để gởi gắm tâm sự nhớ vợ của ông.
  • Hơn nữa ông còn sáng tác cả nhạc lẫn lời những bài như “Minh Hoàng thưởng nguyệt”, “Giọt mưa đêm…” thì hẳn nhiên ông có thừa khả năng để sáng tác một bài Dạ Cổ Hoài Thê” thay vì “Dạ Cổ Hoài Lang”!
  • Qua những điều vừa dẫn trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Nguyễn Tử Quang nên đã viết trong quyển Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam (1972) cũng như phát biểu tại trung tâm Văn Hóa Giáo Dục Hồng Đức Montréal (Canada) về Ca dao miền Nam ngày 13 Tháng Năm 2001 như sau: “Thật ra lúc đầu bản Vọng Cổ nầy chỉ là một bài thơ tựa đề là Dạ Cổ Hoài Lang của nhà sư Nguyệt Chiếu ở chùa làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, sáng tác vào khoảng năm 1920. Bài thơ nầy được ông Sáu Lầu một nhạc sĩ danh tiếng cũng ở Bạc Liêu phổ ra nhạc…” (8).
  • Sau năm 1975 có dịp tới Sóc Trăng, tôi lại có cái duyên lành gặp được ông Nguyễn Tử Quang, người cùng thời với ông Sáu Lầu và được nhà nghiên cứu xác nhận chi tiết về tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang như đã đăng trong báo Bách Khoa năm 1969 là đúng sự thật.
  • Từ Dạ Cổ Hoài Lang đến Vọng Cổ
  • Miền Nam là miền đất mới màu mỡ, phì nhiêu với những kho tàng vô tận như đồng ruộng bao la, cây lành trái ngọt và sông nước hữu tình đã nổi tiếng là miền trù phú bậc nhứt nước Nam.
  • Chính vì vậy Nguyễn Văn Xuân có viết trong cuốn Khi Những Lưu Dân Trở Lại: “Cái lợi lớn của miền Nam là được thu nhập một nền giáo dục Khổng Mạnh song ít khắt khe hơn mà đồng thời nhờ sinh hoạt xa triều đình lại ở vào khu vực cây ngọt trái lành, vườn rộng đồng xanh thênh thang nên tình cảm cũng nẩy nở phong phú hơn nhiều lắm” (9).
  • Dân tộc miền Nam luôn gặp gỡ nhiều dân tộc khác lại có một tâm hồn cởi mở phóng khoáng, cho nên gặp một dân tộc nào, họ cũng muốn tìm cái điệu nhạc của dân tộc đó với mục đích làm sao phối hợp làm giàu cho cái vốn của mình. Do đó chúng ta thấy âm nhạc tài tử từ miền Trung đi vào trong Nam nó biến thành màu sắc đậm đà hơn vì cấu trúc trong Nam là cấu trúc phóng khoáng. Đó là cấu trúc động và mở. Nó khác với cấu trúc tịnh và đóng của âm nhạc tài tử miền ngoài.
  • Chẳng hạn như một bài Lưu Thủy ở miền Trung, ban đầu chỉ đơn sơ mấy nét:
  • Hò xự xang xế xang hò xự xang
  • Xế xang xự xang xáng xự
  • Hò cống cống xang cống xê xang cống líu…
  • Từ Lưu Thủy thục giang vô trong Nam biến thành Lưu Thủy đoản (Lưu Thủy vắn). Từ Lưu Thủy đoản biến ra thành Lưu Thủy trường, dài hơn nhiều. Từ Lưu Thủy trường nó biến hóa không ngừng từ nhịp bốn rồi nhịp tám v.v… Không thích giữ nguyên xi, biến chuyển mà vẫn giữ cái gốc, đó là cái cấu trúc phóng khoáng, động và mở của âm nhạc miền Nam (theo GS
  • Trần Văn Khê).
  • Bài Dạ Cổ Hoài Lang cũng không vượt ra ngoài cái quy luật nói trên. Ở đây có vấn đề được đặt ra: Tại sao bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu được nhiều người ưa thích và truyền tụng đến ngày nay, trong khi bài Dạ Bán Chung Thinh (Nửa đêm nghe tiếng chuông) của thầy ký Trần Quang Quờn bị mai một không còn ai nhắc tới?
  • Theo giáo sư Trần Văn Khê có ba lý do để giải thích:
  • -Một là bài Dạ Bán Chung Thinh theo hơi Nam nhưng bí hiểm còn Dạ Cổ Hoài Lang cũng theo hơi Nam nhưng dính liền với tiếng ru của bà mẹ, cũng như dính liền với bài Hành Vân lúc đó rất thịnh hành.
  • -Hai là Thế chiến thứ nhứt (1914-1918) bùng nổ, nhiều thanh niên Việt Nam bị bắt đi làm lính đánh thuê cho Pháp. Cảnh biệt ly diễn ra khắp mọi gia đình. Tâm sự ai oán của người chinh phụ diễn tả trong Dạ Cổ Hoài Lang ai nghe cũng xúc động.
  • -Ba là thời bấy giờ có mấy gánh hát cải lương ra đời như gánh hát của André Thận (1917) và gánh hát của thầy Năm Tú (1918). Đặc biệt thầy Năm Tú có công trong việc đưa nhạc cải lương đến với mọi tầng lớp người Việt từ Nam chí Bắc qua dĩa hát Pathé Phono 78 vòng. Và không ai ngờ rằng chính thầy Năm Tú đã đi tiên phong trong việc đưa Dạ Cổ Hoài Lang lên
  • sân khấu như nhận định của Toan Ánh trong Cầm Ca Việt Nam: “Bài này (tức Dạ Cổ Hoài Lang) được đưa lên sân khấu bởi gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho lần đầu tiên rồi lần lượt các gánh hát khác cũng xử dụng nhất là trong các tuồng cải lương” (10).
  • Bài Dạ Cổ Hoài Lang lúc đầu chỉ có nhịp đôi được phổ biến rộng rãi trong giới cải lương khoảng năm 1925-1927, dần dần thay thế bản Tứ Đại Oán. Về sau nó biến chuyển không ngừng từ nhịp hai được tăng lên nhịp bốn với bài “Tiếng Nhạn Kêu Sương” của soạn giả Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung). Từ nhịp bốn lên nhịp tám do thầy Giác khởi xướng khoảng năm 1929-1930 và phát triển khoảng 1935-1937 với bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” do nghệ sĩ Năm Nghĩa phổ biến.
  • Từ năm 1938 nghệ sĩ Bảy Hàm tăng lên thành “Vọng Cổ nhịp 16” với tiếng hát cô Tư Sạng trong bài “Tình mẫu tử”. Sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), vọng cổ nhịp 16 càng được phổ biến rộng rãi hơn với tiếng hát điêu luyện của nghệ sĩ Út Trà Ôn với các bài “Tôn Tẫn giả điên”, “Thái sư Văn Trọng” do hãng dĩa Asia phát hành. Theo soạn giả Viễn Châu từ năm 1947 dĩa “Tôn Tẫn giả điên” bán chạy như tôm tươi, còn dĩa “Thái sư Văn Trọng” cũng tạo cơn sốt trong giới mộ điệu Lục tỉnh (11).
  • Từ đó cải lương miền Nam đã có một đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, một giọng ca đi vào lòng bao thế hệ. Đến khi dĩa “Tình Anh Bán Chiếu” được hãng Hồng Hoa phát hành, ký giả Nguyễn Ang Ca gọi Út Trà Ôn là “Vua Vọng Cổ”. Từ năm 1954 “Vọng Cổ nhịp 32” xuất hiện, tiêu biểu nhứt là bài “Đội gạo đường xa” của Kiên Giang được Hữu Phước hát rất ngọt, rất muồi. Từ năm 1964, soạn giả Viễn Châu là người đầu tiên đưa Tân nhạc vào Vọng Cổ tạo thành loại hát Tân Cổ giao duyên. Tuy nhiên các bản Tân Cổ giao duyên được rút ngắn thành Vọng Cổ bốn câu thay vì sáu câu nhịp 32 như trước.
  • Như trên đã nói, cấu trúc âm nhạc miền Nam là cấu trúc phóng khoáng, động và mở. Nó biến chuyển không ngừng nhưng vẫn giữ cái gốc ban đầu. Soạn giả Nguyễn Phương đã viết:
  • “Đặc điểm của bài Vọng Cổ là tự do trong khuôn phép. Bản Dạ Cổ Hoài Lang được dùng như một cái khung (còn được gọi là lòng bản) để trên đó mỗi người nghệ sĩ tự do sáng tạo theo cảm hứng của mình. Bởi vậy khi mới nghe thì bản Vọng Cổ có vẻ giống nhau, nhưng thật ra thì không ai đờn giống ai, không ai ca giống ai nhưng cũng không ai thoát ra khỏi những chữ nhạc đã được qui định trong mỗi khung nhạc nên không làm mất đi cái bản sắc của bài Vọng Cổ” (Thời Báo Montréal số 743 ngày 26 Tháng Ba 2004).
  • Thật vậy, về giọng ca nức nở của Vua Vọng cổ Út Trà Ôn, hai soạn giả Nguyễn Phương và Viễn Châu đã hết lời ca ngợi. Đó là “giọng ca có hơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm khoan thai, chững chạc (…), giọng ca không chân phương quá mà cũng không luyến láy kỹ thuật quá, nhưng từng lời từng chữ rõ ràng truyền cảm khiến cho người nghe thấm sâu ý nghĩa của bài ca” (Nguyễn Phương, Thời Báo số 743).
  • Riêng soạn giả Viễn Châu đã viết: “Bài bản Cải lương có nhịp nhàng, ai ca cũng trúng nhịp được, giống như con tàu cứ vô ga là phải ghé, nhưng ảnh (Út Trà Ôn-NKT) không ghé như công thức như người ta mà về trước một chút, lòn ở phía sau một chút, rồi lại lướt lên trên để rồi mới ghé về đích, nên đường đi của ảnh lả lướt không ai bằng” (Thời Báo số 612 ngày 21 Tháng Chín 2001).
  • Ngoài ra giới Cải Lương còn biến hóa Dạ Cổ Hoài Lang thành những bản Vọng Cổ hài (Thời Báo số 717). Theo thiển ý chúng tôi, đây là sự biến chuyển sau cùng của Dạ Cổ Hoài Lang nhưng vượt ra ngoài cái quy tắc vì không còn giữ nguyên xi cái gốc là nét sầu của bài ca nguyên thủy.
  • __________
  • Kết
  • Vọng Cổ là một hiện tượng độc đáo, là bản ruột, là cái nhụy của cải lương. Sau hơn 100 năm, bản Vọng Cổ vẫn là vị hoàng đế không ngai của nền âm nhạc miền Nam. Âm nhạc miền Nam nói chung, và Vọng Cổ nói riêng, có cái lịch sử của nó. Và lịch sử âm nhạc miền Nam là lịch sử tâm hồn dân tộc. Ở đây là lịch sử tâm hồn dân tộc miền Nam. Tìm hiểu những nét độc đáo của âm nhạc miền Nam trong đó có bài Vọng Cổ là tìm hiểu tâm hồn, tánh cách của dân tộc ở một vùng đất mới để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc của cả nước Việt Nam thân yêu.
  • Bất giác tôi nhớ tới mấy câu thơ:
  • Khi đất Bắc vang lên lời cò lả
  • Khi miền Nam Vọng cổ ấm hương tình
  • Khi miền Trung vững lời thề sắt đá
  • Trong câu Hò mái đẩy hẹn ba sinh.
  • Tôi cũng thấm thía lời phát biểu của giáo sư Nhựt Bổn Kishibe Shigeo trong hội nghị UNESCO tại Téhéran năm 1961 về bảo vệ vốn cổ:
  • “Người Nhựt từ hơn một trăm năm nay đã cố gắng trèo lên những ngọn núi cao và đẹp của âm nhạc Tây phương. Các đỉnh ấy là Beethoven, Mozart, Chopin. Khi đến đỉnh, chúng tôi thấy ở chân trời có một đỉnh núi khác cũng cao, cũng
  • đẹp như đỉnh núi chúng tôi đang đứng. Đó là núi nhạc truyền thống Nhựt Bổn. Các bạn Châu Á, Châu Phi đừng mất một trăm năm như chúng tôi mới thấy trong nước các bạn cũng có những đỉnh núi cao đẹp như núi nhạc Tây phương” (12).
  • Miền Nam nói riêng, Việt Nam nói chung đều có sẵn những núi nhạc truyền thống. Chúng ta khỏi mất công tìm kiếm, đôi khi cả trăm năm, những núi nhạc khác. Vấn đề ở đây là làm sao dung hòa được hai nền nhạc Âu và Việt trên căn bản vẫn giữ cái gốc của nó.
  • GS Trần Văn Khê đã đánh giá về bài Dạ Cổ Hoài Lang-Vọng Cổ như sau: “Trong Cổ nhạc Nam Phần
  • MờiViệt Nam chưa có bài nào bản nào được như bài Dạ Cổ Hoài Lang biến thành Vọng Cổ, từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu” (Thời Báo số 476).
  • Chúng tôi tin chắc như vậy. Cuối cùng, chúng tôi muốn góp “thêm chút ánh sáng” về xuất xứ của bản Vọng Cổ mà tên gọi đầu tiên của nó là bài Dạ Cổ Hoài Lang. Từ sau năm 1975 đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cả hai miền Nam-Bắc đều khẳng định: Chính ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác cả nhạc và lời bài Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ nầy. Để rộng đường dư luận, tránh sự ngộ nhận, chúng tôi muốn có một cái nhìn mới khi viết: “Lời của Dạ Cổ Hoài Lang ban đầu là bài từ – tức một thể loại thơ, do nhà sư Nguyệt Chiếu viết, nhạc sĩ Sáu Lầu
  • chỉ có công phổ nhạc mà thôi”.
  • Ước mong các nhà biên khảo văn hóa, văn học sử làm sáng tỏ vấn đề trên.
  • __________
  • Chú thích:
  • 1/Trần Văn Khải: Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam. Sài Gòn, Khai Trí xuất bản 1970;
  • 2/Trần Văn Khê: Dạ Cổ Hoài Lang, một xuất xứ buồn. Thời Báo số 476 ngày 12/02/1999;
  • 3/và 5/ Thuyết Phong: Thế Giới Âm Thanh Việt Nam. Hoa Cau CA xuất bản;
  • 4/và 6/ Nguyễn Phương: Ngũ Đại Gia Sân Khấu Cải Lương. Montréal 2004;
  • 7/Vương Thư Sinh: Dạ Cổ Hoài Lang. Đồng Nai-Cửu Long số 3, tháng 1/2006;
  • 8/Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận Án Cao Học Văn Chương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1972;
  • 9/Nguyễn Văn Xuân: Khi Những Lưu Dân Trở Lại. Sài Gòn, Thời Mới xuất bản, 1969;
  • 10/Toan Ánh: Cầm Ca Việt Nam. Sài Gòn, Lá Bối xuất bản, 1969;
  • 11/Người Tân Định: Lá Thư Sài Gòn. Thời Báo số 612 ngày 21/09/2001;
  • 12/Trần Văn Khê: Âm Nhạc Đông Nam Á. Đông Nam Á xuất bản.
-----o0o-----



nguyenphuc - Giao lưu với thành viên THAYDAT từ An Giang
NHẠC SĨ VĂN CÒN VÀ DÂY NGÂN GIANG

Trong nửa thập niên đầu 1930, cây đàn ghi-ta của châu Âu đã đứng khá vững trong dàn nhạc tài tử – cải lương Nam bộ, từ đây theo dòng thời gian, giới nhạc sĩ đã cải tiến và phát triển những hệ thống dây trên cây đàn ghi-ta cổ nhạc Nam bộ như dây Rạch Giá, dây Sài Gòn, dây Tứ Nguyệt… về sau này lại có thêm hệ thống dây tổng hợp (dây Lai), giới chuyên môn gọi là dây tổng hợp vì nó có ưu điểm lớn là đáp ứng được mọi tình huống diễn tấu mà không cần chỉnh, sửa dây trong các hơi điệu Bắc – Hạ – Oán – Quảng… hoặc chuyển cung từ giọng kép qua giọng đào. Ưu điểm này của hệ thống dây tổng hợp được xem là hoàn chỉnh nhất và tưởng như các lớp nhạc sĩ sau đó không cần sáng tạo gì thêm cho hệ thống dây đàn ghi-ta cổ nhạc.

Thế nhưng, vẫn có sự đóng góp mới cho cây đàn ghi-ta cổ nhạc. Đó là sự ra đời và trụ rất vững của hệ thống dây Ngân Giang của cố nhạc sĩ Văn Còn (hay Ba Còn – Dĩ An). Nhạc sĩ Nguyễn Văn Còn sinh năm 1924 tại làng Tân Ninh, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tuổi thiếu niên ông đã yêu thích nhạc tài tử, cải lương và bộc lộ năng khiếu về đàn, tài năng ấy đã nhanh chóng nở hoa với ngón đàn ghi-ta khi ông đặt chân tới đất Sài Gòn. Ông là nhạc sĩ của nhiều đoàn cải lương, vinh quang nhất, thành đạt nhất là những năm tháng đàn cho các đoàn đại ban và các hãng dĩa (những kỷ niệm đẹp nhất trong thời gian phục vụ tại đoàn Thanh Minh – Thanh Nga).

Năm 1953, ông tạm nghỉ đàn cải lương, lên Trảng Bom – Long Khánh sống bằng nghề khai thác gỗ rừng. Trong những đêm nhớ sân khấu, nhớ người thân, bè bạn… ông mang cây đàn ghi-ta ra rỉ rả những cung thương, cung oán, từ trong hoàn cảnh này, người nhạc sĩ tha hương đã sáng tạo một hệ thống dây đàn ghi-ta mới… Sau đó trở lại Sài Gòn, ông được mời vào đàn cho bar Lệ Liễu ở Thị Nghè (một điểm kinh doanh giống như quán cổ nhạc hiện nay).

Với hệ thống dây “mới chế”, tiếng đàn ghi-ta của ông đã nhanh chóng chinh phục giới mộ điệu. Nhiều người hỏi ông đàn dây gì mà nghe lạ và mùi mẫn quá, ông nói đó là dây Bảo Chánh vì nó ra đời tại sân ga Bảo Chánh – Trảng Bom… Thế là, ông lại được mời đàn cho các đoàn cải lương và các hãng dĩa. Giới mộ điệu bốn phương được nghe dây đàn nầy lần đầu tiên qua bài vọng cổ Nắm Xương Tàn do cố nghệ sĩ Hữu Phước ca. Từ đây, danh tiếng nhạc sĩ Văn Còn càng vang xa hơn trước, nhiều hợp đồng với các hãng dĩa Asia, Hồng Hoa, Hoành Sơn, Việt Nam càng làm cho tiếng đàn tài hoa này được công chúng ái mộ nhiều hơn. Đồng thời, nhiều nhạc sĩ ghi-ta cũng học cách đàn dây Bảo Chánh và phát triển những láy đàn theo tư duy riêng, trong đó, người đàn dây này hay nhất, sáng tạo nhất là cố nhạc sĩ Văn Vỹ.

Hệ thống dây tổng hợp đang thông dụng hiện nay (từ thấp lên cao) là Tồn – Xàng – Ho – Xê – Liu. Nhạc sĩ Văn Còn “chế” ra dây Bảo Chánh là Tồn – Xề – Ho – Xư – Xê, tức là từ hệ thống dây tổng hợp ta giữ nguyên dây Tồn (5), nâng cao độ dây Xàng (4) lên Xề, giữ nguyên dây Hò (3), hạ cao độ dây Xê (2) xuống Xư (bán cung xự hay “xự già”) và hạ cao độ dây Liu (1) xuống Xê. Đây là hệ thống dây để đàn bản vọng cổ và các bản hơi nam, oán dành cho giọng nữ (dây đào hay còn gọi là dây hò tư). Đối với giọng nam thì chỉ cần nâng cao độ dây xê (2) của hệ thống dây tổng hợp lên Xư (cung Xang – tức là lấy xang làm hò hay còn gọi là dây kép – hò nhứt). Đặc điểm của hai hệ thống dây này khi đàn lên, nhạc sĩ thường khảy những chữ dây buông (không nhấn) tạo nên những âm mênh mông, dàn trải, hòa quyện với những chữ nhấn, chữ rung độc đáo được chất sâu lắng, mùi mẫn.

Năm 1956 nhạc sĩ Ba Còn trở về quê, sống đạm bạc ở Dĩ An bằng việc dạy đàn ca đấp đổi qua ngày. Theo ý kiến của nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu), nhạc sĩ Văn Vỹ đã tìm đến nhà nhạc sĩ Văn Còn để đề nghị đổi tên dây Bảo Chánh thành dây Ngân Giang, vì hệ thống dây này khi đàn lên nghe lâng lâng, bay bổng giọng đàn sáng lên “như những áng mây bàng bạc tựa dãy ngân hà”… cách nhận xét, phân tích này đã làm hài lòng ông Ba Còn. Từ đó mới có tên gọi mới là dây Ngân Giang. Ngân Giang chứ không phải ngân vang.

Xung quanh chuyện dây đàn Ngân Giang đã có những ý kiến tranh luận như sau: Có người nói đó là hệ thống dây của cây Hạ-uy-cầm. Ông Ba Còn xác nhận là đúng, nhưng thủ thuật đàn thì rất khác bởi những chữ đờn dây buông hòa quyện với những chữ rung và nhấn tạo ra hiệu ứng độc đáo, dàn trải mà sâu lắng, mùi mẫn. Còn cây đàn Hạ thì sử dụng nhiều chữ vuốt… Dây Ngân Giang đàn cho giọng kép chỉ cần chỉnh cao độ dây số 2, như vậy phải gọi là “bán Ngân Giang”. Tác giả đã không đồng ý, bởi vì chỉnh một dây hay chỉnh cả năm dây thì đó cũng là hệ thống của riêng nó, vẫn bảo đảm hiệu quả diễn tấu. Dây Ngân Giang chỉ đàn được bản vọng cổ và một số bản nhỏ hơn ai, hơi oán, không dễ dàng chuyển cung từ giọng đào qua giọng kép và ngược lại… Điều này chưa khẳng định, vì chính tác giả đã biểu diễn cả những bản hơi bắc, hơi hạ và chuyển cung giọng đào qua giọng kép bằng hệ thống dây này. Ông tin rằng, những lớp nhạc sĩ nối tiếp nếu để tâm nghiên cứu, luyện tập thì sẽ đàn được nhiều hơi – điệu, nhiều cung bậc khác nhau trên hệ thống dây Ngân Giang. (Thiết tưởng, cần được tham khảo thêm với các nhạc sĩ ghi-ta cổ nhạc về những ý này).

Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Văn Vỹ đàn dây Ngân Giang hay hơn tác giả. Ông Ba Còn lấy làm vui mừng về điều này và lý luận rằng được như vậy mới có giá trị, mới gọi là kế thừa và phát triển, đâu có gì lạ, tài hoa nghệ thuật mỗi người khác nhau, như ông Sáu Nhỏ ở Sa Đéc là tác giả của dây đàn kìm Sa Giang nhưng người học trò của ông là nhạc sĩ Sáu Trinh lại đàn dây Sa Giang hay hơn ông thầy, nhạc sĩ Bảy Điều ở Chợ Búng – Lái Thiêu dù học lại qua mấy buổi cà phê thuốc lá với ông Sáu Trinh, cũng đã biểu diễn đàn kìm dây Sa Giang thật xuất sắc. Nhạc sĩ Thanh Kim là người đầu tiên đàn vọng cổ bằng cây đàn Hạ-uy-di, nhưng người học trò của ông là nhạc sĩ Hoàng Ân lại cũng đàn cây Hạ hay hơn ông thầy.

Nhạc sĩ Văn Còn tâm sự: tôi không dám nói Văn Vỹ là học trò, nhưng quả thật tôi là người trực tiếp truyền lại cách lấy dây, cách đàn, rồi với thiên tư, tài nghệ, chú hai Văn Vỹ đã đàn dây Ngân Giang nghe hay hơn tôi, được vậy mới đáng mừng, vì nghệ thuật mà truyền lại cho những người kế tiếp lại càng sút kém thì đó là biểu hiện của sự mai một, hoặc sự sáng tạo nghệ thuật đó không có giá trị.

nguyenphuc - Giao lưu với thành viên THAYDAT từ An Giang
Tốt quá!
Thấy anh em có up mấy clip đàn của mấy nhạc sĩ gạo cội trước đây. Rảnh NP đem vào topic phù hợp chia sẻ cái hay của từng thầy đàn đi. Năm Vĩnh, Văn Vĩ, Thanh Kim, Văn Giỏi, Ba Tu, Chín Trích...

Khán giả hồi đó giờ ít để ý nhạc sĩ/ thầy đàn. Thường thầy đàn hồi đó ít sáng sân khấu, bữa xem hình nhạc sĩ Năm Vĩnh thấy đẹp trai và sáng trưng luôn và cũng thuộc hàng danh cầm. Chắc ko có mấy người được như ông.
Nhạc sĩ Năm Vĩnh đàn kìm tay trái. Ông là người sáng tác ra dây Hò Năm của đàn kìm.
nguyenphuc - Giao lưu với thành viên THAYDAT từ An Giang
NP ở Mỹ ổn hả? Chích vác xin xong chưa Nguyên Phúc ơi?
Dạ, em vẫn ổn anh MEM.
Em đã chích vaccine Moderna lần 2 xong hồi tháng 3/2021.
Sắp chích đợt thứ 3 vào tháng 9/2021
nguyenphuc - Cuộc đời sầu nữ Út Bạch Lan
CUỘC ĐỜI SẦU NỮ ÚT BẠCH LAN

…"Dạ kính thưa ông bà cô bác, tụi con mồ côi cha, anh con bị mù, không biết làm gì để sống, xin mượn tiếng nhạc lời ca để giúp vui, mong bà con cô bác mở rộng lòng thương cho xin đồng tiền chén gạo để nuôi dưỡng mẹ già….
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng…”


Đó là sự khởi nghiệp của nghệ sĩ Út Bạch Lan và danh cầm Văn Vĩ. Có lẽ số trời đã cho họ gặp nhau rồi trở thành anh em kết nghĩa khi Út Bạch Lan 7 tuổi và Văn Vĩ mới lên 9 tuổi. Hai người mẹ bị bỏ rơi, dắt hai đứa trẻ đi lang thang giữa chợ đời, tình cờ gặp nhau rồi kết nghĩa chị em, sống trong một trạm gác cũ bên hông chợ Bình Tây. Mỗi sáng, Út Lùn – tên cô thưở ấy – được các bà chủ sạp sai đi mua thức ăn và được trả công bằng những thứ hàng của sạp như trứng vịt, rau cải, thịt heo, tôm cá… đủ để nuôi sống hai bà mẹ và người anh trai mù lòa. Ban đêm, hai người mẹ ngủ trong lô-cốt, hai anh em ngủ trên sạp hàng.

Cô Út kể: Không biết Văn Vĩ biết đàn từ khi nào, nhưng năm lên 9 tuổi thì tiếng đàn của ông như thần sầu quỷ khóc. Đêm đêm trên sạp hàng trong chợ Bình Tây, Văn Vĩ dạy cô ca vọng cổ. Rồi bỗng một ngày, cô rủ Văn Vĩ ra đường hát rong để xin tiền nuôi mẹ. Không ngờ công việc ấy thành công. Khi bài Dạ Cổ Hoài Lang cất lên cùng với tiếng đàn guitar trên hè phố, trời đất như chim sa cá lặn, những kẻ qua đường dừng lại lắng nghe, những đồng tiền xu rơi xuống chiếu. Bỗng một ngày nọ, có một lão già tốt bụng ngồi lại hỏi thăm, xong ông bảo: “Nhà ông ở gần chợ Bàu Sen, phía sau có một chái lá bỏ trống, hai cháu đưa hai người mẹ về đó ở”. Về ở được mấy hôm, ông lại bảo: “Đi hát kiểu nầy nắng mưa cực lắm, để ông mở lớp cho hai cháu dạy đờn ca”. Thế rồi ông viết tấm bảng nhỏ “Tại đây có dạy đờn ca vọng cổ” đóng lên cây sao trên hè phố trước nhà. Chẳng bao lâu, lớp dạy đờn ca vọng cổ của Văn Vĩ và Út Lùn thu nhận gần ba chục học trò cùng lứa tuổi. Một hôm, cô Năm Cần Thơ tìm tới mời hai người lên đài phát thanh Pháp Á để thu bài “Trọng Thủy – Mỵ Châu” rồi được ký luôn một hợp đồng làm việc cho đài. Nghệ sĩ Thành Công nói rằng: “Đã thành ca sĩ của đài rồi thì phải chọn một nghệ danh chớ không thể gọi là Út Lùn được. Bên đài Quốc Gia có ca sĩ Bạch Huệ, hay là ta đặt tên em là Bạch Lan”. Cô Út nói: “Tên Bạch Lan cũng hay, nhưng cho em xin lại chữ Út”. Thế là giọng ca Út Bạch Lan với tiếng đàn Văn Vĩ bắt đầu từ đó. Năm ấy cô mới tròn 11 tuổi.

Hỏi vì sao gọi là “Sầu Nữ Út Bạch Lan”, cô nói: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình. Những năm đầu của thập niên sáu mươi, ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã bình luận về cô như vậy trong một bài viết có nhan đề “Sầu Nữ Út Bạch Lan”, rồi thành danh cho đến bây giờ.

Một cuộc tình buồn

Có thể nói, sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, thế hệ Út Bạch Lan là những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ. Những năm cuối của thập niên năm mươi, cặp diễn viên “thinh sắc lưỡng toàn” Út Bạch Lan–Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng qua những vỡ tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa …. Năm 1961, cũng chính Út Bạch Lan–Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tình Xuân Muôn Tuổi… Thế nhưng, thành công trên kịch trường bao nhiêu thì Út Bạch Lan lại thất bại chốn tình trường bấy nhiêu, thất bại đến cay đắng, nghẹn ngào và khổ đau chất chồng theo năm tháng. Trên sân khấu, cô khóc cho nhân vật của mình đến đầm đìa nước mắt để rồi sau bức màn nhung, cô lại khóc cho thân phận chính mình.

Cô với Thành Được có một đám cưới rất huy hoàng trước sự chúc mừng của hàng trăm ký giả, hàng trăm đồng nghiệp do cô Bảy Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn. Sau đám cưới, hàng chục bài báo ca tụng cuộc tình của hai ngôi sao sân khấu. Nhưng dường như tất cả chỉ có thế rồi kết thúc, để lại cho cô một nỗi đau đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, vừa nuôi mẹ chồng trong một căn nhà chung cư còn Thành Được thì tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ. Cô yêu Thành Được vì sự tài hoa, lãng mạn, đa tình và cô khổ cũng chính vì những điều cô yêu ông ấy. Đám cưới chưa được bao lâu thì có một thiếu phụ dẫn đứa con gái lên ba tuổi đến giao cho cô, nói rằng đây là con của anh Thành Được, nhờ cô nuôi giùm một thời gian để tránh những mâu thuẫn gia đình. Cô vừa thương đứa trẻ vô tội, vừa sợ mất chồng nên đã nhận nuôi.

Hai năm sau, khi người thiếu phụ ấy vừa đến xin đón đứa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện cùng với cái bào thai, cô vừa khóc vừa kể: “Em là Thu Hà, nữ sinh ở Huế. Hôm ấy đoàn ra ngoài Huế hát, em tìm đến xin anh Thành Được tấm hình, ảnh hẹn em ở khách sạn… Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ em đuổi em ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng …”. Một lần nữa vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Hà ở, hàng ngày thuê xích lô mang cơm tới cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Hà lại van xin cô: “Em còn quá trẻ, không thể sống như thế nầy được, em lạy chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời!”. Không một chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. Trước nghĩa cử của cô, nghệ sĩ Thành Được đã không cầm được sự xúc động, cô thì cảm thấy mình hạnh phúc vì đã làm đẹp lòng chồng. Cứ nghĩ, mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng bằng tấm lòng người mẹ. Ý nghĩ ấy đã đem đến cho cô một niềm hạnh phúc để xua bớt nỗi đắng cay, nhất là khi thời gian càng trôi qua, cô càng thương yêu Dũng như con ruột của mình.

Mấy năm sau, trong một chuyến lưu diễn ở miền tây, tình cờ cô gặp một cô gái tên Trinh ở Gò Công sau khi vãn hát. Thấy một cô gái vừa đẹp vừa sang trọng xin theo mình, cô cứ nghĩ Trinh thích hát cải lương. Nhưng Trinh lại nói: “Em không biết hát, em mê chị và xin theo làm người giúp việc cho chị để được gần chị mà thôi”. Thế là cô nhận Trinh làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình, chăm sóc hai người mẹ và trông coi Dũng. Rồi bất chợt một ngày, cô phát hiện Trinh đã mang thai. Hỏi mang thai với ai, Trinh chỉ khóc mà không nói. Cô bảo nói ra thì cô tha thứ, còn không nói thì cô tự tử. Cuối cùng thì: “Em mang thai với anh Thành Được!”. Một lần nữa, Út Bạch Lan đứng tên làm mẹ, đặt tên con là Châu Điền Sơn – Điền Sơn là tên nhân vật trong vở cải lương Khi Hoa Anh Đào Nở do Thành Được thủ vai đã làm nên tên tuổi của hai người. Nhưng cũng như lần trước, khi mẹ tròn con vuông thì Trinh lặng lẽ ra đi, để lại lá thư nhờ cô nuôi Điền Sơn để về quê làm lại cuộc đời. Khi hai người chia tay, nghệ sĩ Thành Được vẫn hào hoa phong nhã, vẫn tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ, còn cô thì trở thành góa phụ với gánh nặng hai con. Những năm sau đó, cô về đoàn Kim Chung diễn với Hùng Cường, nhưng ngặt nỗi Kim Chung mua lại những tuồng mà trước đây Thành Được diễn với cô. Cứ mỗi lần Hùng Cường xuất hiện thì trong mắt cô lại là Thành Được, cô không diễn nổi, quên tuồng, quên vai và khóc nức nở với thân phận của chính mình.

Qua một vòng đời nghiệt ngã, sau năm 75, cô hội ngộ với Thành Được qua vai hai vợ chồng ông Bảy Đờn trong vở Người Ven Đô. Khi bước lên sân khấu, Thành Được xúc động nói một câu ngoài kịch bản: “Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?”. Lúc ấy bỗng dưng cô khóc, khóc thật nhiều dù cảnh ấy không có trong kịch bản.

Cuộc đời cô cũng có những đoạn kết như sân khấu, cô bé đầu tiên cô nuôi dưỡng hai năm, sau nầy vẫn gọi cô bằng mẹ và cư xử như một đứa con máu thịt, ruột rà. Những năm tám mươi cô gặp lại Thu Hà giữa Sài Gòn, Hà trở thành goá phụ vì chiến tranh, đau khổ vì hai đứa con trai luôn vào tù ra khám, Dũng vừa hiếu thảo với cô, vừa hết lòng chia sẻ khổ đau với người mẹ ruột. Và, cũng vì bi kịch của người mẹ ruột mà Dũng chết vì một tai họa bất ngờ.

Điền Sơn lớn lên được cô cưới vợ và cất nhà cho ra riêng. Rồi trong một chuyến đi lưu diễn sang Mỹ, cô bất ngờ gặp lại bà Trinh, hai chị em ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Bà Trinh nhã ý muốn bảo lãnh Sơn qua Mỹ, cô nói: “Ừ, thì về đi rồi chị lo”. Thế là, gần bốn mươi năm nhọc nhằn nuôi dưỡng, giờ lại nhọc nhằn chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục để trả Sơn về với cội nguồn. Ngày tiễn Sơn ra sân bay, sau cái vẫy tay mừng cho mẹ con Sơn đoàn tựu, cô lại quay về với sự cô đơn, kết thúc sự ràng buộc mong manh cuối cùng với một cuộc tình buồn. Từ ấy đến nay, cô gởi những năm tháng còn lại của đời mình vào cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gỏ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. Nếu bảo rằng tu là khổ hạnh thì xem ra, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã là bậc chân tu từ thuở thiếu thời.

Võ Đắc Danh
nguyenphuc - Giao lưu với thành viên THAYDAT từ An Giang
Năm mới vui vẻ. Hạnh phúc sum vầy. Gói trọn tài lộc. An khang thịnh vượng.
Còn mùng còn chúc.
Nhân dip đầu năm, kính chúc chú thaydat anh MEM và tất cả ACE gia đình CLS dồi dào sức khỏe an khang thịnh vượng.
nguyenphuc - Giao lưu với thành viên THAYDAT từ An Giang
Hoàng Liên là ai vậy NP? Giọng chị nhẹ nhàng và truyền cảm quá heng.
Chị chơi đờn ca tài tử ở bên Mỹ hả NP?
Dạ, không phải Hoàng Liên ở Mỹ anh MEM ơi.
Mà Hoàng Liên là vợ của nhạc sĩ trẻ Hoàng Vũ (đàn guitar) ở Việt Nam đó. Em thấy trên mạng nên đem về đây... hihihi...
Vào Hoàng Vũ Liên Official YouTube thì có rất nhiều bài do Hoàng Liên ca nghe truyền cảm lắm.
Nickname : nguyenphuc
Tên thật : Nguyễn Phúc
Sinh nhật : 12-31-1985
Email : andynguyenphuc@gmail.com
Nghề nghiệp : Chưa có thông tin !
Sở thích : Chưa có thông tin !
Đến từ : Orange State
Tổng số bài viết
Số tin nhắn
Được cám ơn
Chữ ký
Chưa có chữ ký !
Tin nhắn
Hình ảnh
Bài hát
nguyenphuc TRÌNH BÀY
Bài hát
HOẠT ĐỘNG GẦN ĐÂY