1. Chào mừng bạn đến với CLB Yêu Cổ Nhạc ANH EM ! Nếu đây là lần đầu bạn tham gia, để có thể cùng mọi người chia sẻ các vở cải lương hay hoặc thảo luận về các vấn đề trên diễn đàn vui lòng ĐĂNG KÍ thành viên !
trungnguyen - Đến Vọng Thê nhớ vợ nhà
VỌNG CỔ

ĐẾN VỌNG THÊ NHỚ VỢ NHÀ

***

* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Nói lối:

Đến “Vọng Thê”chợt nhớ vợ mình
Nghĩ ai đặt cái tên thiệt ngộ
Chắc đàn ông xứ này vô cùng tử tế
Nên tên làng người đã chọn Vọng Thê

VỌNG CỔ

I. Chẳng biết ai là người đầu tiên đặt cái tên kêu nghe thiệt ngộ, mình nhớ vợ mình can chi cho người ta biết hay bởi đàn ông xứ này hiền lành chất phác cái bụng làm sao thì miệng nói ra… lời. Chỉ hai chữ thôi mà chứa biết bao tình. Cái nghĩa tào khang trăm năm vàng đá, chia ngọt sẻ bùi muối mặn gừng cay. Ghé Vọng Thê thấy khói bếp nhà ai nhớ dáng vợ vào ra tất tả; nhớ tiếng kẽo kẹt võng đưa, nhớ tiếng vợ ru con mỗi khi chiều xuống.

II. Chuyện kể ngày xưa những người lưu dân xa xứ, tụ họp về đây khai phá đồng hoang, dẫn thủy nhập điền. Cố quán mờ xa tận cuối chân trời. Khói un muỗi làm cay đôi mắt hay nỗi nhớ nhà khiến giọt lệ tuôn! Những người đàn ông nhớ vợ xa quê, chiều dõi mắt theo cánh chim về tổ. Hai chữ Vọng Thê người đời sau ghi lại để nhớ tấm chân tình của lớp người mở cõi khai hoang.

Nói lối:

Nhớ vợ. Ừ! Thì mình thiệt tình
Cái bụng làm sao miệng thời nói vậy
Ngọn gió đồng thơm nhớ mùi cơm vợ
Mỹ vị xứ nào ăn cũng hổng ngon.


VỌNG CỔ:

V. Ta đã từng ngạo nghễ cho là mình từng trải nay ghé lại Vọng Thê tự thấy lòng mắc cỡ, có hai chữ thôi mà nói biết bao… điều. Chẳng hoa mỹ, sâu xa hay đẹp đẽ, mỹ miều.
Hò ơ…
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Ngẫm lại cha ông xưa thật thâm thúy vô cùng, đàn ông không nhớ vợ chắc là sanh chuyện. Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội để khi đói lòng.

VI. Xin nghiêng mình cảm ơn người đặt tên làng, bài hát này xem như nén nhang thắp muộn. Dẫu xác thân theo thời gian rã nát thì tấm chân tình cũng đâu thể nào quên. Chúng tôi chỉ là những kẻ hậu sinh, dừng chân Vọng Thê để hiểu mình thêm chút nữa. Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…

Mình nhớ vợ mình chuyện hợp lẽ đời
Chẳng can cớ gì mà phải giấu
Nhớ mấy chữ vàng “Xã Anh hùng” thương vợ!
Hẹn với lòng sẽ một ngày quay lại nơi đây.


Thơ Phạm Hữu Quang
trungnguyen - Tổ quốc nhìn từ biển
Nói lối:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

VỌNG CỔ:

I. Trên mảnh đất yêu thương cong hình chữ S, hết ngàn năm đến trăm năm chống giặc; biển Tổ quốc vẫn chưa một ngày yên ả, bão tố phong ba lăm le ẩn hiện phía chân… trời. Ôi! Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn. Đất cha ông khi chập chờn bóng giặc, các con nằm thao thức phía Trường Sơn. Có nơi nào không thấm máu xương, con cháu Lạc Long Quân cùng rủ nhau về; trong hồn người ngọn sóng quặn đau bởi Tổ quốc hôm nay lại đang nhìn từ biển.

II. Năm mươi con theo cha xuống biển, cởi áo làm dây, dang tay làm lưới; biển mặn pha máu người rỏ xuống trầm tích tháng năm gìn giữ cơ đồ. Mẹ Âu Cơ vẫn chưa thể yên lòng. Lời cha dặn phải giữ từng thước đất, máu xương này con cháu vẫn còn ghi. Đây Bạch Đằng Giang sóng cuộn trời Nam, đây đất Việt vốn sinh nòi hào kiệt. Sóng trùng điệp chồm lên thềm lục địa, ghi nhớ trong đầu: “… Ta thường tới bữa quên ăn…”.


Nói lối:
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

VỌNG CỔ
V. Mỗi tấc đất non sông hôm nay cho ta biết bao niềm kiêu hãnh, trải Đinh – Lê – Lý – Trần cha ông gìn giữ từ những vết tích đau thương trận mạc đã qua… rồi. Từ Thánh Gióng gậy tre vút ngựa lên đồi. Từ dáng núi còn mang hình góa phụ, vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi. Tổ quốc quặn mình hiểm họa biển Đông, mười lần giặc đến mười lần nuốt nhục. Những ngọn sóng hóa cọc đồng cảm tử; lũ Thoát Hoan bạc tóc, khiếp vía kinh oai tiếng vọng trống đồng.

VI. Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo, suốt ngàn năm bóng giặc vẫn hăm he. Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy, bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân. Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (**), còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh. Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả, có những chàng trai ra đảo đã quên mình.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.


Hịch tướng sĩ Trần Hưng Đạo

(**) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa.
trungnguyen - Quê tôi vùng sâu
VÙNG SÂU QUÊ TÔI


* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN


Quê tôi – bạn bè gọi “vùng sâu”
Độ mặn của nước – tính bằng lớp lớp váng phèn
bám vào da cha, da mẹ
Tóc ông nội bạc - lẫn cả màu vàng của nắng
Lưng bà còng – cong như con ốc lác mùa khô

Ngày cha sinh - ông nấu nước chụm rơm
Bà đẻ rớt trên đồng mùa giáp hạt
Bông súng, cù nèo cũng qua ngày đói rét
Hạt gạo dầu hơi – nữa trắng nữa vàng không đủ mà ăn

Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai!
Bây ráng học để làm người nhân nghĩa”
Vậy mà Lục Vân Tiên – không hiểu sao ông chẳng quên một chữ
Cái nghĩa “bất bằng…” bám vào ông như rể đước, rể còng

Chúng tôi lớn lên nghe quen vần trắc, vần bằng
Đã thuộc tự bao giờ câu thơ lục bát
Mẹ bảo chúng tôi nhớ câu: “Nhân sinh tự cổ…”
Cha dạy chúng tôi: “Cái cò lặn lội bờ sông…”

Vùng sâu quê tôi – hạt lúa lớn lên cũng chẳng dễ dàng
Mùa khô nức nẻ – lũ cuối nguồn đầy mãi
Thế kỷ mới – vẫn còn chuyện lo cứu đói
Chỉ có chữ tình – mái lá nào cũng thật dư thừa

Tôi đi học xa – Thiếm Bảy chèo xuồng tiển đưa
Bác Năm dúi vào bọc đòn bánh tét
“Ráng học nghe con! Thành tài về giúp quê – giúp nứoc”
Câu dặn dò chung của cả xóm nghèo

Thành thị xa cứ nhớ mãi vùng sâu
Đêm thắt thỏm tiếng ễnh ương: “Quềnh quệch…”
Mẹ lên thăm kể: “Quê mình có điện…”
Tôi nghe mà nước mắt rưng rưng.
trungnguyen - Nhà bác ở cà mau
VỌNG CỔ

NHÀ BÁC Ở CÀ MAU
***

* Nguyễn Trung Nguyên


Nói lối:

Nơi Đất Mũi tận cùng Tổ quốc
Đước xanh êm thơm ngát hương tràm
Bác vẫn đến từng nhà trong ấp nhỏ
Nhánh đước vươn mầm tay Bác nâng niu

VỌNG CỔ

I. Ngày Bác mất cả nước phủ một màu tang trắng, nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc bao dòng lệ nhỏ xuống khóc thương người cha kính yêu đã mãi mãi không… còn. Ôi! Nỗi tiếc thương biết mấy cho vừa. Nhớ da diết tháng năm dài mong đợi, cả miền Nam chờ Bác vào thăm. Bom đạn quân thù xé nát quê hương, đền thờ Bác vẫn thiêng liêng trong rừng thẳm. Thắp nén nhang thơm trước giờ ra trận, cả cuộc đời này chúng con nguyện dâng cho Tổ quốc.

II. Người Cà Mau tấm lòng chơn chất, muối mặn gừng cay dẫu gian nan chết chóc, vẫn vững chí bền gan mãi mãi không sờn. Nhà Bác dựng lên giặc phá biết bao lần. Từ cụ già ở Viên An, Cái Nước cho đến em bé lên mười của đất Đầm Dơi. Mỗi người một tay nhà Bác lại dựng lên, hương hoa lẫn hương tràm thơm ngát. Chân dung Bác mẹ giấu trong tà áo ướt, nắng bưng biền ảnh Bác lại khô mau.

Nói lối:

Bác trăn trở nhiều nỗi lo dân tộc
Như cơm ăn, áo mặc, học hành
Lẽ công bằng, tự do, no ấm
Khi Bác về rừng đước lại thêm xanh

VỌNG CỔ

V. Nhớ khi xưa những năm còn giặc giã, mẹ gởi Bác nắm đất từ chót mủi Cà Mau gói ghém cả thâm… tình. Đây Năm Căn, kia Ngọc Hiển, Thới Bình.
Hò ơ…
“Con ra thưa với cụ Hồ
Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao!”
Bác lại về với đất Cà Mau như cây vú sữa miền Nam trổ hoa trên đất Bắc. Nén nhang kính viếng Bác ửng hồng mơ ước, cháy lên bao khát vọng của muôn đời.

VI. Đã có biết bao hy sinh mất mát trong chiến tranh, sống chết là những điều rất thực. Thuốc độc giết rừng nhưng người không chết được, người cứ bền lòng như cây đước mọc lên. Quê hương mình nay liền một dải non sông, điện đã sáng từng ngôi nhà của Bác. Rừng đước thêm xanh, hương tràm thắm nhụy; thiêng liêng biết bao nhiêu bóng dáng Bác Hồ.

Nơi dải đất trọn hình Tổ quốc
Nhà Bác đơn sơ, thân thiết vô cùng
Tay Bác vẫy giữa mênh mông tràm đước
Ánh mắt Người nhân hậu bao dung.


Nhà Bác ở Cà Mau – Thơ Bùi Văn Bồng
trungnguyen - MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (Tân cổ)
TÂN CỔ

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN
***
Nhạc: Văn Cao
Chuyển thể: Nguyễn Trung Nguyên

NHẠC:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

VỌNG CỔ

I. Người nhạc sĩ già trải lòng mình trên từng nốt nhạc nghe giọt xuân tha thiết đang rơi rơi trên những phím dương… cầm. Ôi! Mùa xuân đầu tiên bao mơ ước đã về. Ngày đất nước Bắc Nam liền một dãy người dân quê mình không còn cảnh cắt chia. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn Nghe gió xuân đang về rưng rưng trong từng khóe mắt.

II. Mùa xuân đầu tiên không còn tiếng súng mẹ ra cửa ngóng trông bao bóng dáng thân yêu ra đi từ dạo ấy chưa… về. Đàn én chao nghiêng ríu rít trong chiều. Giọt nước mắt tưởng đã khô vì chờ đợi nay lệ tuôn trào sưởi ấm vai anh. Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh Niềm vui phút giây như đang long lanh… Trong suốt cuộc đời mình với mẹ đó là mùa xuân trọn vẹn đầu tiên.


NHẠC:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.



VỌNG CỔ

V. Chợt thấy yêu quê hương mình hơn trong mùa xuân đầu tiên không còn bom đạn, bao mất mát đau thương qua rồi như giấc mộng, người vợ trẻ chờ chồng tháng năm dài mòn mỏi, trong vòng tay nhau nghe như đâu đây hạnh phúc đang… cười. Tiếng trẻ bi bô rộn rã một góc trời. Rồi cây lại xanh, lúa đồng đồng trổ hạt dâng cho đời từng hạt cơm ngon. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người… Tiếng ai ca vẵng lại từ xa nghe chếnh choáng hơi men như vừa nhấp cạn xuân hồng.

VI. Xin cám ơn ông người nhạc sĩ tài hoa đã cho chúng tôi biết sự ngọt ngào của mùa xuân đầu tiên khi chiến tranh đã dứt. Từng giai điệu thiết tha dặt dìu theo cánh én, mùa bình thường mùa của yêu thương. Quê hương mình nay đổi thịt, thay da; mai đã nở từ đầu làng cuối xóm. Xin được nghe lại một lần từng câu hát để thấy yêu thương hơn những người sống quanh mình.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.


Chữ nghiêng ca theo nhạc
trungnguyen - Cho anh xin
VỌNG CỔ

CHO ANH XIN

oOo

* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Ngâm:
Cho anh xin một ngón tay
Ngón tay đeo nhẫn – ngón tay nuột nà
Cho anh xin một bàn tay
Dìu nhau đi suốt đời nầy nhé em!

VỌNG CỔ

I. Anh chỉ xin em một ngón tay thôi, cái ngón nuột nà áp út, để anh vịn vào đó mà đi; cái niềm hạnh phúc quá to, quá lớn trong… đời. Đừng khó chịu nghe em, có gì bâng khuâng cứ nói thành lời. Anh cầm một chút để thấy đời thật đẹp; thấy ngôi sao trên trời, thấy gió lộng ngoài sân. Thấy hai đứa mình đang hát giao duyên, trong câu chuyện có vợ chồng chàng dế. Sau chuyến phiêu lưu quay về nhà cưới vợ, có anh và em được mời đến làm phụ dâu, phụ rể.

II. Anh sẽ nắm cả bàn tay em cho cuộc đời ấm áp, cho mùa đông rét mướt cô đơn chẳng dám đến gần. Bàn tay yêu thương năm ngón ân cần. Bàn tay của những người yêu nhau tiễn biệt, chút nuối tiếc vội vàng khi phải rời xa. Bàn tay dịu dàng chăm sóc cho con, bước chập chững đầu đời dễ dàng ngã té. Bàn tay ấy của người con gái nhỏ, anh yêu thương suốt cuộc đời dù tóc bạc răng long.


Ngâm:
Cho anh xin đôi bàn tay
Bàn tay đan áo, bàn tay đỡ đần
Bàn tay nâng giấc con thơ
Ru nhau bằng những lời thơ tuyệt vời



VỌNG CỔ

V. Cái tiếng gọi “mình ơi!” anh nghe suốt một đời không chán, chẳng biết tại vì sao, chắc vì cái lẽ em… hiền. Đôi má xinh xinh hai lúm đồng tiền. Anh đã viết vạn câu thơ, trăm nghìn nốt nhạc; ngẫm lại chưa bằng hai tiếng “mình ơi!”. Hoá ra cuộc đời nầy nhiều cái thật trái ngang, cứ mải miết tìm cái hay, cái đẹp trên trời dưới biển. Trong khi đó ở ngay trước mặt, có một nàng tiên sát cạnh bên mình.

VI. Nhà vắng em một phút thôi anh đã thấy buồn, bởi trái tim yêu suốt ngày dào dạt. Anh sẽ cầm hai tay em thật chặt, cho dù đất trời có bão tố phong ba. Con người rất thật thà khi bắt đầu yêu, sẽ cho đi mà không chờ được nhận. Anh tự nguyện tặng cho em tất cả; cả mắt, cả môi, và cả cuộc đời.

Mùa Xuân chim hót trên cao
Hai con chim nhỏ làm đôi vợ chồng
Cho anh – anh sẽ cho em
Đời anh cộng với đời em một nhà.
trungnguyen - Từ bài thơ "tự sự" đến "chiếc ba lô của người lính"
THƠ

TỰ SỰ


* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN


Cha đi lính khi con chưa sinh ra
Và mẹ là cô gái mà cha chưa được gặp
Thuở ấy trong ba lô cha ngược xuôi lép kẹp
Chỉ có dăm tờ giấy mõng làm thơ

Mỗi lần trở về bà nội mong chờ
Cứ nhắc nhở: “mầy già rồi đấy”
Cha thả nụ cười bay theo gió
Con chưa thỏa chí tang bồng

Chiến trận tàn cha gặp mẹ bến sông
Những chuyến đò ngang dọc
Thân thể cha hằn vết đạn
Trong ba lô có thêm cái chết bạn bè

Mẹ con dạo ấy xõa tóc thề
Thương người lính nghìn lần khốn khó
Gia tài chỉ có những câu thơ
Không đủ làm tả cho con dăm bận

Mẹ gặp cha lại gặp thêm lận đận
Quên mộng mơ lo chuyện gạo tiền
Cha buông cây súng lại cầm cây viết
Nghề nào chiếc bóng cũng che nghiêng

Chiếc ba lô cha cất giữ riêng
Nay chứa thêm tiếng con bập bẹ
Thử đeo lên vai – sao mà nặng lạ
Hóa ra đầy ắp nghĩa tình

Người lính năm xưa không quên bạn mình
Càng nhớ những người đang sống
Vậy đó con! Giàu nghèo không trọng
Bằng lẽ đời biết sống cho nhau

Nay cha đi đâu cũng muốn về mau
Nơi có mẹ và con đợi cửa
Cái tang bồng xưa hóa ra ngọn lửa
Âm nồng sưởi cả ba người.


VỌNG CO

CHIẾC BA LÔ CỦA NGƯỜI LÍNH


* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Nói lối:
Cha đi lính khi con chưa sinh ra
Và mẹ là cô gái mà cha chưa được gặp
Thuở ấy trong ba lô của cha ngược xuôi lép kẹp
Chỉ có dăm tờ giấy mỏng làm thơ


VỌNG CỔ

I. Chỉ có dăm tờ giấy mỏng làm thơ theo cha đi suốt một thời trai trẻ, người lính cất kỹ dưới đáy ba lô như thể trái tim… mình. Ở đấy có bóng bà thân yêu, có miền quê nghèo khó nghĩa tình. Chiếc ba lô trên vai cha xông pha mọi nẻo đường chiến trận, đạn dập bom dày chẳng một phút rời xa. Mỗi lần về nhà bà lại rầy la: “Cứ đi mãi, mầy già rồi đấy!”. Cha thả nụ cười bay đi trong gió, cánh chim bằng vẫn còn chưa thỏa chí.

II. Chiến trận tàn cha quay về dòng sông cũ, gặp được mẹ con trong một chiều thu có lá rơi nhiều. Nón lá nghiêng nghiêng che mái tóc thề. Thân thể cha hằn bao vết đạn, chiếc ba lô mang về có thêm tình đồng đội anh em. Con ra đời cha hết mừng lại lo, mấy bài thơ còm không đủ tiền mua tả cho con dăm bận. Vừa buông cây súng cha lại cầm cây viết, đâu hay rằng nghề nào chiếc bóng cũng che nghiêng!

Ngâm:
Chiếc ba lô cha cất giữ riêng
Nay chứa thêm tiếng con bập bẹ
Thử đeo lên vai, sao mà nặng lạ
Hóa ra đầy ắp nghĩa tình

VỌNG CỔ

V. Người lính trong đời thường với nhiều vất vả lo toan, cũng có khi mềm lòng trước bao cám dỗ. Nhưng lúc đó con ơi cha lại thấy, chiếc ba lô như đang ở bên… mình. Trong ấy có bóng bà liêu xiêu, có đồng đội không còn. Có cả tiếng con khóc oa oa ngày mọc răng nóng sốt; có dáng mẹ tảo tần hôm sớm buồn lo. Cha biết mình chẳng giỏi giang chi, để mẹ gặp cha lại mang thêm lận đận. Nhưng con ơi! Ngày mai khôn lớn, hãy biết sống cho nhau bằng cả tấm lòng.

VI. Người lính năm xưa không quên đồng đội cũ, càng nhớ những người đang sống hôm nay. Vậy đó con, giàu nghèo không trọng; bằng lẽ đời biết sống cho nhau. Nay cha đi đâu cũng muốn về mau, nơi có mẹ và con đợi cửa. Cái tang bồng xưa hóa ra ngọn lửa, mặn nồng sưởi ấm cả ba người.

Chiếc ba lô cũ lắm rồi
Chắt chiu đựng cả ơn đời nặng mang
Cái gì như thể chứa chan
Dang tay nhận lấy cả hàng lệ rơi.
trungnguyen - Quê tôi vùng sâu
VỌNG CỔ

QUÊ TÔI VÙNG SÂU

* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Nói lối:
Quê tôi – bè bạn gọi vùng sâu
Độ mặn của nước tính bằng lớp lớp váng phèn
bám vào da cha – da mẹ
Tóc ông nội bạc lẫn cả màu vàng của nắng
Lưng bà còng – cong như con ốc lác mùa khô

VỌNG CỔ

I. Như con ốc lác mùa khô, lưng bà tôi ngày thêm còng xuống. Còn bông lúa đồng xa nắng cháy úa thêm… dần. Vùng sâu quê tôi gian khó chất chồng. Ngày cha tôi sinh ra, ông nấu nước chụm rơm làm lông mày cháy xém; cánh đồng giáp hạt ngày chào đời cha nhận làm nôi. Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai, bây ráng học để làm người nhân nghĩa”. Vậy mà Lục Vân Tiên không hiểu sao ông chẳng quên một chữ; cái nghĩa “bất bằng” bám vào ông như rễ còng, rễ đước.

II. Vùng sâu quê tôi quanh năm nghèo khó, hết sợ đạn bom lại tới nạn thiên thời. Thiếu mặc, đói ăn cái điệp khúc ấy cứ ngân hoài. Bông súng, cù nèo càng ngày, càng ít; hạt gạo dầu hơi nửa trắng, nửa vàng không có mà ăn. Chúng tôi lớn lên bằng tiếng hò ơ; bằng số phận nàng Kiều trong câu thơ lục bát. Mẹ bảo chúng tôi nhớ câu: “nhân sinh tự cổ”; cha cũng dạy rằng: “cái cò lặn lội bờ sông”.

Ngâm:
Hò ơ!
Quê mình nghèo lắm ai ơi!
Hai sương một nắng mong ngày ấm no
Chiều nghiêng nắng trĩu con đò
Bôn ba nhớ bóng mẹ dò trước sân

VỌNG CỔ

V. Vùng sâu quê tôi bạc tiền không có, nhưng dư dã yêu thương và thắm đượm nghĩa… tình. Biết tìm được ở nơi đâu như chốn quê mình. Thiếm Bảy chèo xuồng đưa tôi ngày lên phố học; bác Năm nghẹn ngào dúi mấy đòn bánh tét kèm theo. “Ráng học nghe con thành tài về giúp quê, giúp nước”. Suốt bao nhiêu năm dẫu gặp nhiều gian khó; tôi cũng không quên câu dặn dò chung của cả xóm nghèo.

VI. Vùng sâu quê tôi hôm nay đã dần thay đổi. Cũng bến nước con đò, hàng cau đường làng rũ bóng. Cũng người nông dân nhọc nhằn sớm tối, hạt gạo nồng nàn thắm đượm mồ hôi. Cũng lũ bạn đầu trần chân đất, thân nhau từ độ mới biết bò, biết lẩy. Vùng sâu quê tôi xưa nay vẫn vậy, chỉ khác chăng đầu làng cuối xóm, trong ánh mắt thân thương quanh đây đã vang rộn tiếng cười.

Thành thị xa cứ nhớ mãi vùng sâu
Đêm thắt thỏm tiếng ểnh ương: “quềnh quệch”
Mẹ lên thăm kể: “Quê mình có điện”
Tôi nghe mà nước mắt cứ rưng rưng.
trungnguyen - Bài tình buồn gởi biển

Thơ:
Mười năm chưa về thăm biển
Còn không chú nhỏ dã tràng
Còng lưng xe tình yêu để
Ngẩn nhìn em bước sang ngang

VỌNG CỔ

I. Đã mười năm tôi chưa một lần về thăm chốn cũ, nơi xứ biển yêu thương có người con gái nhỏ; một sáng mùa xuân lòng tôi héo hắt đứng ngơ ngẩn nhìn em rộn rã bước theo… chồng. Kẻ tiễn người đưa áo đỏ, khăn hồng. Trên khóe mắt của em cũng long lanh đôi dòng lệ, vì thương cha mẹ già hay nuối tiếc cuộc tình xưa. Tôi đứng một mình nghe tiếng gió nhặt thưa, biển lồng lộng ngoài kia ngàn đời sóng vỗ. Có ai hiểu cho kiếp lãng du thuyền không bến đợi, trái tim yêu dại khờ như dã tràng xe cát.

II. Nếu biết rằng tôi đã có chồng. Trời ơi! người ấy có buồn không? Em hỏi làm chi cái điều cay đắng ấy, bởi trái tim tôi đã tan nát lâu rồi. Cánh nhạn yêu thương nay lẻ bóng bên trời. Em lên xe cưới về quê chồng, cách mấy đò ngang cách mấy sông (**). Em bỏ xứ biển mà đi mặn nồng vui duyên mới, còn tôi lại chẳng dám quay về một nơi có quá nhiều kỷ niệm tình yêu.

Thơ:
Mười năm chưa về thăm biển
Nghìn đời sóng vẫn lao xao
Cuốn trôi một đời lữ thứ
Em đợi chờ nhau bến nào?

VỌNG CỔ

V. Em sẽ đợi chờ tôi ở nơi đâu như lời xưa hẹn ước, hay tình yêu chỉ là vốc cát trên tay tuôn chảy lâu… rồi. Mộng mị mà chi khi nắng đã qua cầu. Hơn ba ngàn sáu trăm ngày tôi dặn lòng đừng nhớ, vậy mà lại không thể nào quên. Nụ hôn muộn mằn giã biệt bâng khuâng, lồng lộng phố người buông tay nhau lạc mất. Chắc có lẽ em là con gái biển nên bờ môi tôi cứ mặn đắng suốt đời.

VI. Trở lại nơi nầy sóng biển vẫn reo, bờ cát vẫn in hình bàn chân đôi lứa. Đâu rồi cơn gió chiều của mười năm trước, hương tóc một thời làm say đắm hồn tôi. Đừng ai cất giọng hát câu bướm vàng mù u đã cũ, để tôi đứng ngẩn ngơ như đứa bé lạc đường.

Chắc đời đã là định mệnh
Ta làm thơ chỉ để buồn
Chắt từng nỗi đau vần điệu
Vô tình biển vẫn mênh mông.



Thơ TTKH
(**) Thơ Kiên Giang
trungnguyen - Trong di chúc của người

Ngâm:
Bác bình yên viết di chúc ngay giữa ngày sinh nhật
Khi non sông đang chúc thọ Người
Dẫu ra đi cũng là ngày gieo hạt
Giấu niềm đau dưới một ngày vui…
(Thơ Chế Lan Viên)

Vọng cổ:

I. Trong suốt cuộc đời mình có lúc nào Bác không nghĩ về dân về nước; mỗi chữ Người viết ra trong lời di chúc chính là nhịp tim Bác thương dân nồng ấm đến vô… cùng. Bác Hồ ơi! Miền Nam không đón kịp nữa rồi. Tấm lòng Bác chan hòa mọi nhà mọi ngõ, câu dặn dò nghe như đang buổi hàn huyên. Bác đi xa rồi vẫn gởi lại niềm tin, con không khóc mà sao bờ mi ngấn lệ. Lời Bác viết như lời tâm sự: “… đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc”.


II. Quá thương đời và lo nỗi dân đau, Người căn dặn Đảng mình như cha dặn con khi không còn gặp mặt: “Phải thật sự kiệm cần liêm chính, thật sạch trong, người đầy tớ thật trung thành”. Bác nâng niu từng cháu bé thơ như nâng búp trên cành. Nước còn giặc, dân còn khi đói lạnh, Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ăn. Thắng quân thù dẫu phải mấy mươi năm nhưng hạt thóc rụng giữa đồng Bác tiếc. Nguồn biển lớn uống muôn đời chưa hết, vẫn không được phí hoài từng hạt nước sông.


Ngâm:
Bác Hồ ơi! Vị muối mặn con ăn
Đã kết đậm bao tình thương của Bác
Manh áo ấm con mặc khi trở rét
Đã dệt vào trăm mối Bác lo toan…


Vọng cổ:

V. Như người làm vườn chưa kịp nhìn hoa trái đơm bông, Bác để lại cả chiều dài đất nước, cả những lo toan luôn canh cánh bên… lòng. “Muôn vàn tình yêu thương” Bác chưa nói thành lời. Chúng con nghe Bác để hiểu thêm tầm thời đại, để sáng thêm lòng nhân ái Việt Nam. Trong di chúc của Người dồn nén bốn nghìn năm, có máu xương của bao anh linh liệt sĩ; có đỉnh non cao, có dòng nước chảy; có làng Sen muôn thuở dang rộng vòng tay chào đón Người về.

VI. Chỉ duy nhất một lần Người nói đến niềm riêng, cả nước òa lên khóc khi nghe lời dặn cuối. Trời thì rộng, núi thì cao vời vợi; sông biển nào sánh được Bác thương ta! Bữa cơm Bác ăn luôn đạm bạc đơn sơ, “Lúc nhắm mắt xin đừng tang chế…”. Chúng con đọc nghẹn ngào thấm thía, tấm gương sáng ngời muôn thuở hãy soi cùng.

Bác Hồ ơi! Xin Bác cứ yên tâm
Lời Bác dặn chúng con xin nguyện ước
Mỗi giọt lệ thấm xuống dòng di chúc
Một lời nguyền vang đến suốt mai sau.

Thơ Việt Phương
(Chữ nghiêng: di chúc của Bác)
trungnguyen - Con côi nhớ mẹ


Ngâm:

Vẫn biết trần gian là cõi tạm
Đời người như gió thoảng mây bay
Mẹ về với đất ơi là lạnh
Lạnh cả trời cao lẫn đất dày
VỌNG CỔ

I. Ngày mẹ mất quanh con đất trời như sụp đổ, đốt mấy nén nhang mà nghe lòng quặn thắt như có ai đang cầm dao cứa nát tim… mình. Mẹ bỏ chúng con ra đi vào cõi vô hình. Giũ bỏ hết bụi trần vương vấn, từ nay thôi không còn mưa nắng gió sương. Bưng bát cơm ăn lại tủi phận mồ côi, không còn mẹ để quạt nồng ấp lạnh. Tấm áo mới cho mẹ chần chừ chưa kịp sắm, nay không còn nữa rồi cả lời trách mắng.


II. Rằm tháng bảy đi chùa lễ Phật, con cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng trắng mà nghe thương nhớ mẹ vô ngần. Để có một chữ cho con mẹ trăm nỗi u hoài. Mẹ hay nói “Tấm áo rách phải cần kim chỉ, bữa cơm nhà nghèo đừng để thiếu ngô khoai…”. Lừa xương mớm cá nuôi đàn con khôn lớn, quấy quá qua ngày dáng mẹ gầy hơn. Bên mưa tạt mẹ nằm che gió lạnh, con ấm đầu mẹ thức tàn đêm.


Ngầm:

Có được bữa ngon thì đã muộn
Chiều rơi chầm chậm xuống đêm rồi
Cơm ơi trắng dẻo làm chi nữa
Mẹ không còn đũa cũng mồ côi

VỌNG CỔ

V. Cả cuộc đời mẹ niềm vui chưa lúc nào trọn vẹn, hết nỗi lo con lại thêm bạc tóc mong… chồng. Trỉu nặng hai vai mình mẹ gánh gồng. Sáng ngóng lo mưa, chiều rơi lo nắng; quanh quẩn ra vào tất cả vì con. Nay mẹ không còn nhà trống trải hơn, con nhớ mẹ, cháu gọi bà nấc nghẹn. Cau trổ muộn sòng sành buổi chợ, râu tép râu tôm lỡ hẹn bí bầu.


VI. Mẹ mất rồi con mới thấy thương mẹ hơn, hóa ra mình bất hiếu mà vô tình chẳng biết. Để mẹ lo, mẹ chờ, mẹ đợi… đâu biết trăm năm chỉ làn gió thoảng qua. Những ai may mắn còn có mẹ, có cha, xin đừng để muộn màng ân hận. Thắp nén nhang thơm nguyện cầu cho mẹ, thanh thản tiêu dao nơi chốn suối vàng.

Vẫn biết trần gian là cõi tạm
Đời người như gió thoảng mây bay
Con không còn mẹ bơ vơ quá
Trắng cánh hoa hồng bay lắt lay.

(Viết trong ngày Lễ Vu lan 2010 - 24/8/2010)




Thơ Phan Thành Minh
trungnguyen - Tâm sự nàng kiều
VỌNG CỔ



TÂM SỰ NÀNG KIỀU
* Chuyển thể: NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
Thơ: Trịnh Bửu Hoài

Nói lối:

Cửa khép phòng loan đời bẩn chật
Vòng tay em rộng cũng là không
Khách ơi! Có phải buồn lưu lạc
Ghé bến trăng hoa cợt má hồng



VỌNG CỔ

I. Anh ơi! Người đời thường nói hồng nhan phận bạc, cụ Nguyễn Du xưa viết chi áng văn chương tuyệt tác mà sao em nghe như tan nát cả tâm… hồn. Sông Tiền Đường rửa cũng chẳng sạch đâu bao nỗi đoạn trường. Nàng Kiều xưa vì cha bán mình chuộc tội, nay em vì nghèo phải một kiếp gian truân.
Cạn ly đi anh đêm đã sắp tàn canh, em muốn được say để thấy cuộc đời vẫn đẹp; rồi sáng mai đây khi men nồng đã nhạt, có còn chăng là đôi dòng nước mắt.

II. Anh biết không ngày xưa khi còn là một cô gái nhỏ, em cũng từng ước mơ hoàng tử, lâu đài. Giấc mộng thơ ngây nay vỡ tan rồi. Bão tố cuộc đời dập vùi thân xác, biết có ai còn tiếc ngọc thương hoa. Các anh như cơn gió vô tình hờ hững lướt qua, để lại trong lòng em từng cơn giá buốt. Tay nâng ly rượu mà lệ lòng lả chả, đêm có dài bằng nước mắt em rơi.

Nói lối:

Hương sắc em còn một chút đây
Xin anh mang lửa thắp tim nầy
Bỗng dưng em sợ người hờ hững
Sợ lạnh hồn nhau trong đêm nay

VỌNG CỔ

V. Anh ghé lại đây đêm nay rồi sẽ chia tay mỗi người mỗi ngã, cuộc vui nào rồi cũng qua nhanh nhưng sao em nghe như dao cắt ở trong… lòng. Cuộc đời em người ơi đã lỡ làng rồi. “Thương khách hào hoa em cũng lụy. Ngập ngừng lo cạn hết đêm vui…” . Rồi anh lại quay về với mái ấm yêu thương, có khói bếp mỗi chiều lan tỏa. Chỉ còn lại em với cơm hàng cháo chợ, với nỗi đắng cay chua xót trong lòng.

VI. Đời con gái biết đâu là bến đổ, khi đã một lần lỡ bước sa chân. Thì một chút tình anh ơi đừng tiếc, cho dù em không là của riêng anh. Em chỉ lừa chính em trong khoảnh khắc mà thôi, để cảm thấy tim mình ngập tràn hạnh phúc. Chút nữa đây anh lại trở thành dĩ vãng, quên người con gái anh đã đi qua vội vả trong đời.

Cửa mở tình em thành hư ảo
Anh thành sương khói của chân mây
Nhìn tấm chăn nhàu em bật khóc
Đem đời cợt nhả với tàn phai.




Thơ Trịnh Bửu Hoài
Nickname : trungnguyen
Tên thật : Nguyễn Trung Nguyên
Sinh nhật : 12-24-1961
Email : samsonct@gmail.com
Nghề nghiệp : Chưa có thông tin !
Sở thích : Chưa có thông tin !
Đến từ : Chưa có thông tin !
Tổng số bài viết
Số tin nhắn
Được cám ơn
Chữ ký
Chưa có chữ ký !
Tin nhắn
Hình ảnh
Bài hát
trungnguyen TRÌNH BÀY
Bài hát
HOẠT ĐỘNG GẦN ĐÂY