1. MEM
    Avatar của MEM
    Nghệ sĩ Văn Chung từng có biệt danh ‘Sáu Nancy’



    Nghệ sĩ Văn Chung thời còn trẻ
    (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

    Ðọc cái tựa trên đây chắc không ít người thắc mắc, bởi Nancy là tên của phụ nữ, không lẽ Văn Chung là đàn bà, hay là hồi thuở nhỏ thích mặc đồ con gái, hơn nữa sau này có vở tuồng ông ăn mặc giả phụ nữ mới nhìn cũng tưởng là “cô.” Hoặc có người nghĩ rằng do nghệ thuật yêu cầu, Văn Chung từng đóng vai “bà Bóng” ở mấy buổi hát đình hát miễu chăng?

    Thưa không! Nghệ sĩ Văn Chung là nam nhi hoàn toàn, có vợ con đàng hoàng, và vợ ông là nữ danh ca Thanh Hương, tiếng ca ngọt ngào từng vô dĩa hát “Cô Bán Ðèn Hoa Giấy” làm say mê người nghe một dạo.

    Cuộc tình của Văn Chung-Thanh Hương với nhiều tình tiết sẽ đề cập ở phần sau, giờ đây xin nói về vấn đề do đâu mà Văn Chung có biệt danh “Sáu Nancy” mà hầu như ở đây không ai biết ông từng mang biệt danh này.

    Văn Chung hiện định cư tại Orange County, nhưng viết lên loạt bài này chúng tôi không có phỏng vấn ông, bởi từ 7, 8 năm nay không có tiếp xúc với ông, mà chỉ nhìn thấy vài lần trên sân khấu và sau hậu trường rạp hát, tóm lại chúng tôi biết gì viết nấy do sự tìm hiểu mà thôi. Vả lại cũng không muốn phỏng vấn một người ở tuổi 80 ngoài, không biết Văn Chung thế nào, chớ phần lớn các cụ 80 thì nhớ trước quên sau, thời gian lẫn lộn. Vấn đề nữa là phỏng vấn chưa chắc gì đầy đủ bằng sự hiểu biết của người từng theo dõi hoạt động bộ môn nghệ thuật cải lương từ hơn nửa thế kỷ nay.

    Khi xưa thập niên 1960 thời kỳ cải lương thịnh hành (và có lẽ luôn cả bây giờ) có những tay chẳng hiểu biết bao nhiêu về cải lương cũng nhảy ra đóng vai ký giả kịch trường, và cũng do đâu biết gì để viết nên mang máy chụp hình đi phỏng vấn lung tung. Lúc ấy có một tay “ký giả kịch trường” ngang xương viết bài phỏng vấn trao cho ký giả Hoài Ngọc để nhờ đưa vô tòa soạn báo Buổi Sáng, do ông Trần Tấn Quốc làm chủ bút. Vài ngày sau Hoài Ngọc trả lại bài viết nói rằng ông Quốc từ chối không đăng, do bởi nữ nghệ sĩ mà anh ta phỏng vấn đang ở đoàn Thủ Ðô, trước khi đi hát cô ta làm nghề thợ may chứ đâu có học trường Ðầm bao giờ. Hoài Ngọc còn nói thêm rằng khi phỏng vấn có mấy ai đâu nói thật mà nói toàn chuyện tốt, cái gì hơi “quê” là cố tránh, có hỏi cũng lờ đi. Trường hợp kép Hữu Phước qua nhiều cuộc phỏng vấn đăng báo, có bao giờ ông ta tiết lộ dĩa hát đầu tiên được thâu thanh mình đóng vai con quạ.

    Khoảng 1955 hãng dĩa hát Hoành Sơn phát hành bộ dĩa “Cây Khế Ngọt” vai con quạ không ai chịu đóng, bởi vai trò này quê quá, với lời ca “Ăn khế ta trả vàng, mua túi ba gang, để dành mà đựng, ăn khế ta trả vàng...” và Hữu Phước lãnh vai con quạ để mở đường đi vào làng dĩa nhựa. Thật vậy, sau khi làm con quạ thì Út Trà Ôn mới chịu thu thanh với Hữu Phước trong tuồng “Tình Huynh Ðệ” phỏng theo sự tích chia lúa.

    Cũng vì phỏng vấn nghệ sĩ khó có ai nói sự thật, do đó mà trang kịch trường của ông Trần Tấn Quốc chẳng có bài viết nào thuộc loại phỏng vấn.

    Trở lại vấn đề Văn Chung và cái biệt danh “Sáu Nancy” có đầu đuôi như sau:

    Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, năm nay 80 tuổi ngoài, sinh quán tại Hiệp Hòa, nơi có lò đường Hiệp Hòa thuộc quận Ðức Huệ, tỉnh Long An. Thời kỳ chiến tranh, quận Ðức Huệ sáp nhập tỉnh Hậu Nghĩa, và bây giờ thì Hiệp Hòa thuộc Long An như cũ. Thân phụ của Văn Chung là nhạc sĩ Quách Văn Hồ chuyên sử dụng cây độc huyền cầm và thổi tiêu. Gia đình nhạc sĩ chẳng khác gì cái “lò” nho nhỏ vậy nên lên 9 tuổi là Văn Chung có điều kiện học hát, nhưng lúc bấy giờ không tài nào đoán được sau này trở thành ca sĩ kép mùi, và lại càng không đoán được Văn Chung sẽ trở thành hề nổi danh như hiện giờ.

    Năm 1946 lúc chiến tranh nổi lên, đa số dân chúng vùng Hiệp Hòa đi lánh nạn, và Văn Chung đi Sài Gòn xin vào làm kiểm soát viên cho hãng xe điện Sài Gòn Chợ Lớn. Thời đó con đường Trần Hưng Ðạo được gọi là đường xe lửa giữa, nhà ga chính của hãng xe lửa điện đối diện rạp hát Văn Cầm, Chợ Quán và gần đó là chợ Nancy.

    Xuống Sài Gòn Văn Chung cư ngụ xóm lao động gần chợ Nancy, ngày đi làm, tối đến đi với nhóm đờn ca tài tử cổ nhạc để luyện giọng ca và giới cổ nhạc ở đây đã gọi Văn Chung là Sáu Nancy (do ở xóm nhà lá gần chợ Nancy). Vào năm 1955 do cuộc chiến với Bình Xuyên, xóm nhà lá này bị thiêu rụi, không biết lúc ấy Văn Chung có còn ở đây không.

    Có điều là giới nghệ sĩ trẻ sau này đã gọi Văn Chung là chú Bảy nên không biết ông thứ Sáu hay là thứ Bảy, xin bà con cứ hỏi ngay Văn Chung để được giải đáp. Kỳ sau sẽ nói đến vấn đề Văn Chung vô ngành cảnh sát, làm việc ra sao, cũng như đi hát lúc nào.

    Ngành Mai
    (Người Việt)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL