1. MEM
    Avatar của MEM
    Hồng Nga - vai diễn cuộc đời - Kỳ 1:
    Giấc mơ lạ lùng của cô đào không nhan sắc


    Nghệ sĩ Hồng Nga có thể đảm nhận nhiều loại vai: lẳng, độc, mùi, mụ, hề... Nổi bật nhất là vai những bà mẹ. Bà đã mang cả cuộc đời đầy biến động bi thương của mình vào từng vai diễn để trở nên đa dạng và rất độc đáo.
    Nghệ sĩ Hồng Nga đã mang cả cuộc đời bi thương của chính mình vào từng vai diễn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Có lúc như một đào thương xuất sắc, bà lấy được “cả biển nước mắt” người xem trong số phận nhỏ mọn tội nghiệp của một người vợ bé...

    Hai năm nay, nghệ sĩ Hồng Nga về sống trong một chung cư nhỏ và cũ tại Cao Bá Nhạ, Q.1 (TP.HCM). Bà mua một phòng ở tầng trệt, chừng 40m2, sửa sang lại thật sáng sủa với gạch men trắng ốp tường xen kẽ những hoa văn trang trí vui mắt. Căn hộ - giờ đây có vẻ tươm tất gọn gàng - nhưng cũng chỉ có hai chiếc ghế.

    Nếu khách đến tới người thứ ba là phải ngồi dưới đất rồi. Và tuyệt đối chẳng có món gì gọi là xa hoa sang trọng. Hồng Nga nói đó là bản tính của bà. Căn cơ, thực tế, không se sua ra bên ngoài.

    Bà còn mỉm cười nói thêm: “Thật ra nết của tôi tằn tiện, nhiều khi hà tiện. Giờ có tiền rồi nhưng chưa bao giờ tôi dám mua đôi giày 1 triệu đồng. Chừng trăm rưởi hai trăm là mang được rồi”.

    Trong căn hộ này bà sống cùng một người giúp việc kiêm quản gia, kiêm bạn già - thường gọi là cô Bảy. Buổi tối, nhà chỉ có một phòng, hai người ngủ chung. Ban ngày cô Bảy lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí tính toán tiền nong... cho bà đi hát. Và bà không cảm thấy buồn.

    Bà cũng mới sắm một chiếc xe Chaly sơn lại với hai màu vàng và đỏ! Nó rất tiện lợi. Vì chiếc Wave khá cao đã trở nên nguy hiểm khi có lần suýt làm bà té nhào lúc đang chạy xuống dốc của hầm xe.

    Từ nhà, với chiếc Chaly an toàn, đi cũng dễ, dắt cũng dễ, bà mỗi ngày chạy đi chạy lại khắp nẻo với đủ thứ việc của cuộc sống vẫn còn bận rộn ở tuổi 70.


    Giấc mơ lạ lùng

    Nhà ở hiện nay chỉ cách rạp Công Nhân (rạp Nguyễn Văn Hảo cũ) một đoạn đường rất ngắn. Chính là rạp hát của niềm đam mê đầu đời cách nay 60 năm. Dạo đó, cô bé mới 7, 8 tuổi mê đi coi cải lương “cọp” bằng cách giả bộ thấy người sang trọng đi vào là lân la đi theo, qua mặt mấy anh gác cửa.

    Hôm nay, trong căn phòng vẫn “quanh quẩn” trên vùng đất cũ chất chồng ký ức, bà lại một lần nữa lật giở những trang đời, trong câu chuyện kể dằng dặc những đắng cay.
    Nhiều nghệ sĩ tài danh có may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, là con nhà nòi, mỗi bước đi lên đều có sự dìu dắt, tận tình truyền dạy nghề của người thân.

    Hồng Nga không nằm trong trường hợp này. Cô bé Kim Nga - tên cúng cơm của bà ngày bé - là con gái một đôi vợ chồng nghèo.

    Quê chồng ở Thái Bình, quê vợ ở Hà Bắc, trôi dạt gặp nhau và dắt díu vào Nam trong đoàn phu cạo mủ cao su thời Pháp thuộc. Năm 1946, cô bé Kim Nga sinh ra ở miền Nam.
    Vừa tròn 3 tuổi, cha cô đã qua đời. Ký ức của một đứa trẻ độ tuổi đó về người cha chỉ là duy nhất gương mặt già già, một dáng người ốm ốm.

    Ông thường bồng con gái nhỏ ra chợ cho ăn hủ tiếu... vậy thôi. Cô không nhớ gì nữa hết. Và sau này, như tất cả những đứa con không còn cha, Hồng Nga mang tâm cảm mồ côi, từ nơi sâu thẳm luôn chới với, hoang mang, thèm khát một chỗ dựa. Tâm cảm phiêu dạt ngay từ khi có chút trí khôn...

    Mẹ cô tái giá hai năm sau đó.

    Nhưng gia đình sau của mẹ cô cũng rất nghèo túng. 12 tuổi, cô đã biết đi gánh nước mướn. Nhỏ xíu, đen thui, cô bé quảy gánh nước nặng trên vai kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.
    Có lúc nó vừa kéo lết đôi thùng thiếc vừa cất giọng lanh lảnh ca bài vọng cổ Cô gái bán đèn hoa giấy. Nó cũng sớm biết buôn bán từ đầu chợ đến cuối chợ, đủ thứ mặt hàng.

    Được mẹ cấp cho 100 đồng tiền vốn, nó buôn chanh ớt, trái cây, bánh kẹo, đĩa nhựa, khăn lông... mỗi ngày nộp đủ cho mẹ 20 đồng. Và thường thường do lanh lợi, nó vẫn còn dư ra mấy chục đồng nữa để dành... mua vé vô rạp Nguyễn Văn Hảo coi cải lương.

    Khi những trò ma lanh coi “cọp” không còn hiệu nghiệm nữa, nó móc ra mớ tiền lẻ nhàu nát, vuốt lại, đếm kỹ, bấm bụng mua vé hạng “cá kèo” leo tuốt lên lầu ba, mê mẩn coi hát trong bộ đồ hôi rình vì mồ hôi và mùi chợ búa.

    Mơ ước của người mẹ là một ngày nào đó cô bé sẽ để dành đủ tiền mua được chiếc xe đẩy hàng đi bán. Nhưng con gái nhỏ đen đúa, xấu xí của bà lại kể cho bà nghe về một mơ ước lạ lùng đã khiến bà cười chảy nước mắt: trở thành nghệ sĩ.


    Nhất quyết phải làm đào

    Cũng không lâu lắm, ba năm sau, 15 tuổi cô bé đã được bước chân lên sân khấu. Như thế đã được gọi là nghệ sĩ chưa? Cô không biết. Nhưng cô đã sớm học được bài học đầu đời: khi người ta vào nghề làm đào mà không có nhan sắc thì sẽ rất lâu và rất khó khăn mới chạm được đến danh vọng hay tiền bạc.

    Và thực tế, cô đào với nghệ danh Hồng Nga suốt thời trẻ, rồi qua tuổi trung niên, lăn lộn cười khóc với nghề - hình như vẫn chưa qua khỏi cái phận nghèo của cô bé mồ côi thuở ấy.

    Cô nhớ lần đầu đi hát không lương tại quán Lệ Liễu chỗ cầu Thị Nghè, một quán từa tựa quán bia vọng cổ ngày nay, cô bé 15 tuổi mặc bộ áo dài cũ của mẹ, mang guốc của mẹ.
    Chúng rộng và dài một cách kỳ cục, dù đã được sửa chữa, nhưng khoác lên con bé mà coi vẫn như con bù nhìn giữ dưa mặc áo tơi. Giống hề hơn giống đào.

    Ấy vậy nó vẫn bấm gan đứng hát say sưa, mặt ngố ngố bướng bướng được mấy ông khách chìm trong hơi men vỗ tay tán thưởng, khi cao hứng liệng lên sân khấu mấy đồng bạc lẻ.

    Thời gian sau, có lúc cô được làm đào chính ở Đoàn Hằng Xuân - An Hưởng. Lần này có lương: chừng đủ mua hai tô hủ tiếu/suất hát.

    Tiền nong như thế nên phải lấy bông trang làm má hồng rồi cạo nồi lấy lọ nghẹ trộn với “birăngtin” để vẽ chân mày. Đói, tủi và cả tuyệt vọng nữa nhưng cô đã nhất quyết phải làm đào. Nhất quyết không trở về cái kiếp bán hàng rong. Ở đây không được thì tìm chỗ khác. Chỗ khác vẫn chưa được thì tìm chỗ khác nữa. Nhưng phải đi thôi...

    Hồng Nga không bao giờ quên cái ngày cô được nhận vào Đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn, người mà cô thần tượng và thậm chí không bao giờ dám mơ được hát chung.
    Cô được ký côngtra ba năm. Nghệ sĩ Út Trà Ôn khen cô hát hay. Cũng như sau này đi đến đoàn nào, cô cũng nhờ giọng ca ấy mà được nhận mau chóng. Tuy nhiên, dù ở tuổi 17 đang thì con gái, cô vẫn cứ không trắng, không cao, không nhan sắc. Cô lận đận mãi.

    Cho nên ký ức đậm nhất trong đời đi hát của cô là những đêm ngồi bó gối trong cánh gà nhìn đồng nghiệp diễn. Vì mình không có vai, mà mê quá nên học thuộc làu tất cả các vai, tất cả các tuồng.

    Cứ ba ngày học hết một cuốn, hết cuốn này đến cuốn kia. Chỉ để mong ngóng đến một hôm nào đó có một cô đào đang diễn bỗng bị ốm, bị bận việc, bị đánh ghen, bị... một cái việc không báo trước nào đó mà bỏ ngang đêm diễn thì mình có cô này mà thế vô!
    Tuy là có hợp đồng nhưng cũng phải có hát thì mới có tiền, không hát thì làm công việc lặt vặt trong đoàn. Mà có được hát đâu! Thời gian đầu ở Đoàn Thống Nhất cô chỉ được... ngâm thơ hậu trường. Thi thoảng lắm mới có một vai nhỏ xíu.


    Nỗi ám ảnh của một mái nhà

    Hát xướng như vậy nên Hồng Nga phải lăn lộn làm thêm đủ thứ nghề. Cách đây chừng nửa thế kỷ ở Sài Gòn có rất nhiều chiếu bạc nhỏ.

    Hồng Nga có lúc được gọi là “người đàn bà lấy sòng bài làm mái nhà”. Không phải là đánh bài, tiền đâu mà đánh. Đó là cô vô sòng bài làm đủ thứ việc: quét nhà, trải chiếu, chia bài, pha cà phê, đi mua cơm, đi cầm đồ giùm... tất tần tật mọi việc.

    Có lúc cô còn làm nghề mua xe máy cũ về sửa rồi đem bán. Nên bây giờ chỉ cần nghe tiếng máy xe nổ là Hồng Nga cũng có thể biết xe đang bị bệnh gì!

    Tính lại thời đó, đi hát ròng rã 20 năm sau, cô vẫn còn phải mượn tiền trả góp. Khoảng những năm 1968, 1970 có những người cho vay góp đi theo đoàn hát. Cứ mượn 30.000 mỗi ngày góp 1.000 trong 36 ngày.

    Đầu tháng cô mượn gửi về cho mẹ nuôi con, những đứa con cô sinh ra trên bước đường lênh đênh lưu diễn. Một đứa... hai đứa rồi năm đứa. Đi hát mãi rồi người mẹ trẻ cũng lần hồi gom góp mua được một cái nhà, đúng hơn là một cái chòi nhỏ nhỏ bên quận 4.
    Mẹ cô và lũ con nhỏ sống ở đó, lúc đầu nhà lợp lá, sau có tiền thì gỡ lá lợp tôn.

    Nỗi ám ảnh phải có một mái nhà luôn thôi thúc trong cô. Đó cũng là niềm mơ ước khôn nguôi về một mái ấm của đứa trẻ mồ côi cha ngày nào, của cô đào hát lấy đình chùa bến bãi làm nhà suốt một thời tuổi trẻ. Hồi tưởng tất cả, Hồng Nga nói: “Đời tôi giống một chiếc ghe nhỏ và cũ. Tròng trành sấp ngửa giữa trời nước mênh mông...”.

    Vào tuổi trung niên, Hồng Nga mới mua được một miếng đất ở Bình Dương, cũng là mua trả góp - vào đúng thời điểm cuộc hôn nhân cuối cùng tan vỡ.

    Ban đầu bà tính về đây ở ẩn luôn, ngưng hát luôn, vì đau khổ quá. Nhưng sau rồi lại đổi ý, vẫn hát tiếp và nhiều người bảo bà hát còn hay hơn, “độc” hơn.

    Còn lại một mình, bà lụi hụi vừa lo trả góp tiền đất, vừa lo chắt chiu tiền xây, nên từ vai nhỏ, vai lớn của sân khấu cải lương rồi hài kịch, rồi phim truyện bà đều làm. Bà tự chở từng viên gạch, từng bao ximăng, tự thiết kế ngôi nhà mơ ước...

    Nếu những vai diễn của bà trên sân khấu không lộng lẫy với những vai đào chánh đẹp đẽ sang trọng, mà chỉ thường âm thầm với những vai mụ nghèo và nhiều đau khổ, thì những đồng tiền mà bà kiếm được từ nghề cũng khó khăn và thấm đẫm mồ hôi.

    Phận đàn bà không có số nhờ chồng
    Nghệ sĩ Hồng Nga trước giờ lên sàn diễn vở Bên cầu dệt lụa tháng 3-2014 - Ảnh: T.T.D.

    Vào những năm 1990 khi phong trào tấu hài bùng phát, cặp tấu Hồng Nga - Ngọc Giàu rất ăn khách. Hồng Nga kể: “Dạo đó hai chị em ráng cố gắng ngày chạy 5, 7 show kiếm tiền, chở nhau trên chiếc “Yamaha vạt mỏ”, tức chiếc xe có cái bửng ngay bánh trước rách te tua, tôi bèn mượn cây cưa cưa bỏ luôn. Có đêm khuya hai chị em đến diễn ở điểm xa, không có điện, sân khấu đốt hai cây đèn măng xông, phía trước rọi đèn pin rồi hát. Micro nghe lúc được lúc mất, chắc khán giả cũng chỉ thấy mình nhép miệng mà thôi. Lúc về xe tự nhiên bể bánh giữa đồng trống. Khuya lơ khuya lắc tối thui hai chị em sợ quá. Rủi gặp ăn cướp có nước chết luôn. Thời may gặp hai vợ chồng người đi buôn tôm về khuya, dừng lại gửi giùm chiếc xe vô nhà người quen, rồi cho hai chị em quá giang ra ngoài lộ. Chiếc xe Cub 50 mà chở tới bốn người thêm mấy giỏ tôm, tôi ngồi trên cái baga phía sau đội một giỏ tôm lên đầu.

    Ra tới lộ đã là 3g sáng, hai chị em kiếm được chiếc xích lô, leo lên ngồi mà nước mắt tuôn rơi, nhìn nhau khóc cho cái phận đàn bà không có số nhờ chồng, một mình bươn chải kiếm tiền nuôi con...”.

    NGỌC LIÊN
    Theo TTO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Duongtonhu (25-03-2014), Giang Tiên (27-03-2014), linhhueforever (23-03-2014), romeo (25-03-2014), Thanh Hậu (26-03-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Hồng Nga - vai diễn cuộc đời - Kỳ 2:
    “Tuyệt tình ca” và những bà mẹ độc đáo


    Nói đến nghệ sĩ Hồng Nga là nói đến những vai phụ, vai nhỏ. Rồi các vai già, trong nghề gọi là vai mụ. Con đường dẫn bà đến những vai đó đầu tiên là vì không đủ sắc vóc để đóng đào đẹp, đào mùi...
    Nghệ sĩ Hồng Nga năm 24 tuổi - Ảnh nhân vật cung cấp

    Bà nhớ như in lần đầu tiên đi ca ở quán Lệ Liễu, ca những bài của nhạc sĩ Bảy Bá như Con gái của mẹ, Lan và Điệp, rồi ca Khốc hoàng thiên, Nam ai, Nam xuân... với vẻ tự tin. Nhiều nghệ sĩ thành danh lúc đó đã vuốt đầu khen bà ca hay, làn hơi trong, giòn, sáng nhưng lại “tối thui” trên sân khấu. Nếu một cô đào chánh phải như thiên nga thì cô bé ngày ấy đúng bóc là vịt ròm xấu xí.

    Vậy mà có lần bà được đóng vai quận chúa. Lên sân khấu run răng đánh lập cập mà khán giả cũng vỗ tay. Nhưng cha nuôi của bà - nhạc sĩ Tám Đen, người đã đào tạo bà một cách bài bản từ năm 13 tuổi - đã khuyên bà một điều mà bà dùng suốt một đời: “Đừng sợ. Không đẹp không có nghĩa là không hay. Ra sân khấu, con hãy nhìn vào một khuôn mặt nhân hậu nhất, cứ nhìn họ, diễn vì họ, như tâm sự với họ hết lòng mình. Đừng để ý xung quanh”. Lời khuyên mầu nhiệm đó đã khiến bà không còn run sợ nữa, mà ngược lại rất tự tin để đi theo con đường không bằng phẳng của riêng mình trên con đường nghệ thuật.
    Hồng Nga nói: “Những bài vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua radio đã cứu lấy cuộc đời cơ cực của tuổi thơ tôi. Con bé gánh nước mướn đã tự cho mình cái quyền bước chân vào thử thách”.


    Cô đào trẻ lấy “một biển nước mắt”

    ...Phải chăng ngay từ đầu khí chất của bà đã vừa non trẻ vừa già dặn, nên cha nuôi bà từ lúc dạy bà những bài ca đầu tiên đã nói hơi hướng của bà phù hợp với tâm sự của những cô đào vô phước. Nghĩa là buồn bã và chắc chắn lấy nước mắt người xem khi bị hành hạ. Nhận xét này của ông trùng khớp với nhiều người. Soạn giả Hoa Phượng - người thầy tinh thần của nhiều nghệ sĩ tài danh, người được xem là có “con mắt thần” nhìn thấu tâm tư họ - đã lần đầu viết cho bà một vai khai thác trọn nét bi thương nơi cô đào trẻ.

    Ông nói: “Số cô lăng nhăng, nhưng cô quả. Tình duyên dầm dề, nhưng lại là một đứa con gái chung thủy, chung tình...”. Bà nhận vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca, lên sàn tập khi 18 tuổi, vừa sinh con gái đầu lòng chỉ mới 17 ngày. Hoa Phượng nói thêm: “Tôi cho cô vai diễn này, nó sẽ theo cô suốt đời!”. Quả thật, vai diễn rất giống số phận của bà.

    Sự thấu hiểu sâu sắc của ông đã giúp bà có một vai diễn để đời. Ông đi vào những ngõ ngách tâm hồn của một phụ nữ bất hạnh trong tình duyên, liệu ông có biết rằng ông cũng đang khơi dậy một mạch nguồn bất tận.

    Vai diễn xuất hiện ở màn cuối đã khiến ông Cò (nghệ sĩ Út Trà Ôn) bật lên nỗi ray rứt sau 20 năm gặp lại vợ con. Hồng Nga đã thể hiện quá thật những nỗi trách móc, hờn ghen mà cam chịu dịu dàng nên càng bi cảm. Lời ca chan chứa: “Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình, về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi... Mình còn nhớ không, ngày xưa thấy tôi cực khổ, mình thường ví tôi với loài chim dương nga... Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi một mực với mình. Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài...”.

    Những người cùng thời với Hồng Nga kể lại cô giáo Lan thuở ấy đã lấy được “cả biển nước mắt”. Họ đã chứng kiến cảnh... đàn ông trong rạp khóc nức lên mỗi khi Hồng Nga nâng bàn tay người chồng cất tiếng: “Mình... mình còn sống đây sao mình”. Ngay từ dạo đó, người ta đã thấy chữ “tình” trong nét diễn, giọng ca của bà mênh mang u uẩn dù tuổi còn trẻ, đầu còn xanh. Và vai diễn thành công bởi lẽ “Người diễn vì tình mà diễn. Người xem vì tình mà đau”.


    Cố mẫu - vai diễn không thể thay thế

    Những năm 1980, nghệ sĩ Hồng Nga vào vai cố mẫu - thái hoàng thái hậu của triều Đinh, mẹ của vua Đinh Tiên Hoàng trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, đã được nhiều người trong giới đánh giá là một vai diễn không thể thay thế. Hồng Nga đã sáng tạo một nhân vật đầy hấp lực, độc đáo, không hề theo khuôn mẫu. Bà hoàng ở đây không chỉ cao sang. Cái chính là bà rất quyền uy. Quyền uy này thể hiện rất rõ và rất hợp lý. Bởi lúc đó vua Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất, ấu quân còn nhỏ tuổi. Cứ trong trường hợp đó thì người đứng đầu triều đình sẽ là những bà hoàng. Ở đây là cố mẫu và thái hậu Dương Vân Nga. Hồng Nga đã thể hiện rất có nét hình tượng bậc mẫu nghi thiên hạ trong mối tương quan với vận mệnh non sông đang thời nghiêng ngả. Bà rất cương quyết, đanh thép và kiên cường. Bà thể hiện một lòng yêu nước không lay chuyển.

    Tuy nhiên, nét độc đáo nhất của nhân vật nằm ở chỗ khác. Đó chính là ở những khoảnh khắc rất “mẹ chồng” của cố mẫu với “nàng dâu” Dương Vân Nga. Là một phụ nữ, bà hiểu rõ nỗi lòng của con dâu. Bà cũng thương nàng góa bụa, con trai bị bắt cóc, áp lực của đất nước, của vương triều nhà chồng đè nặng trên vai. Phải nói Hồng Nga thật sắc sảo, khi để bà cố mẫu cũng vì là đàn bà mà lo sợ cảnh giác cho những khoảnh khắc “đàn bà” của con dâu. Bà sợ nàng yếu lòng. Cũng vì thế, bà mẹ chồng trở nên cay nghiệt. Cộng với quyền lực, bà trở nên đáng sợ. Khi bà nghe nói rằng Dương Vân Nga sẽ trao long bào cho Lê Hoàn, bà đã bật lên một cơn thịnh nộ. Con trai vừa mất, người mẹ tự đặt vào tay mình bổn phận giữ gìn cơ nghiệp họ Đinh. Và cơn giận dữ đầy uy lực đã khiến nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai thái hậu Dương Vân Nga sợ hãi cúi đầu. Lớp đối đáp giữa hai bà hoàng trở thành một lớp rất hay.

    Nhưng người mẹ trong bà vẫn rõ là người mẹ, cho dẫu là mẹ chồng. Nghiệt ngã bao nhiêu thì lúc vỡ ra cũng ngọt ngào lắng đọng bấy nhiêu. Lúc hiểu rõ lòng con dâu, Hồng Nga và Bạch Tuyết đã có một lớp diễn cảm động của hai mẹ con, hai người đang nắm trong tay vận mệnh đất nước, cũng là hai người đàn bà đau khổ yếu mềm, đều góa bụa và đều đau nỗi mất con.


    Người mẹ độc đáo trong Tình nghệ sĩ

    Thập niên 1990, Hồng Nga đóng một vai người mẹ rất hay trong vở Tình nghệ sĩ. Nhiều bạn diễn lúc ấy nói diễn như vậy gọi là “quá siêu”. “Siêu” với cái ở trong vai diễn, ở ngoài vai diễn và cả những gì không nói được bằng lời, chỉ có thể cảm nhận.

    Hồng Nga buồn mà vẫn “lanh”, hay nói cách khác là đau thương mà ham sống hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện càng rõ qua tháng năm. Đôi mắt của người mẹ luống tuổi và gian truân, nơi Hồng Nga vẫn ánh lên cái ranh mãnh của kẻ luôn biết nắm bắt thời cơ, đã tóm gọn được trong tay trái tim nhà thơ Dạ Sầu (Thành Hội đóng). Nó cũng âm thầm say đắm, bất chấp khuôn mặt và vóc dáng già nua, vẫn sáng lên ánh sáng của người đàn bà còn biết yêu, còn giấu kín một mảnh nhỏ của tâm hồn thiếu nữ.

    Với Tình nghệ sĩ, hình ảnh người mẹ của Hồng Nga nghiêm khắc và bao dung. Nhưng ngộ nghĩnh và sống động hơn là bà chẳng cần bận tâm xây dựng một khuôn mẫu “mẹ hiền”. Cứ hễ “mẹ” là phải “hiền” sao? Hồng Nga đã đi qua cả sự hồn nhiên, bà tự tin đến mức phóng khoáng. Lý giải rất thật rất đời: “Có bao nhiêu người đàn bà thì có bấy nhiêu bà mẹ, hà tất ai giống ai. Hơn nữa, có bao nhiêu cảnh đời thì bấy nhiêu cảnh mẹ với trăm đường truân chuyên làm mẹ. Mẹ mà có phải xù lông xù cánh như con gà mái cũng là lẽ tất nhiên”. Cảm nhận về nhân vật đầy bản năng, với vốn liếng cả cuộc đời từng trải đã khiến người mẹ của Hồng Nga bỗng bừng lên sức sống, cuồn cuộn niềm đau. Nỗi đau xát lòng xát dạ, đau gấp mấy lần con gái khi con bị ruồng bỏ dối lừa. Đứa con chỉ đau một lần vấp ngã, người mẹ đau sự bất lực một đời...

    Ít thấy ai diễn thật như Hồng Nga - cũng chắc rằng hiếm ai diễn kỹ thuật như Hồng Nga. Trong từng tích tắc, giữa những lớp diễn, có những khi bà chủ động cứa vào sự thương cảm của người xem những vết thật sắc sảo, thật đúng lúc. Bà tính toán thật kỹ, để một câu vọng cổ buông ra như một tấm lưới khiến khán giả không thoát được. Những lớp kịch có Hồng Nga, tiết tấu không giãn, không chùng, như đã được đo đếm từng li. Kỹ thuật đến thế mà không chân thành là hỏng. Vậy thì, bà đã luôn rất chân thành...

    NGỌC LIÊN
    Nghệ sĩ Hồng Nga (phải) trong một lớp diễn với nghệ sĩ Lệ Thủy trong live show Nụ cười và nước mắt - Ảnh: M.C.


    Gửi phận mình vào tiếng khóc

    Một vai diễn nữa cũng in đậm dấu ấn - lần này trong chính Hồng Nga trước rồi sau nữa mới đến khán giả. Đó là lần Hồng Nga được má Bảy Nam (NSND Bảy Nam) giao đóng vai mẹ của cô Diệu - vai của má trong trích đoạn Lá sầu riêng, chương trình Những cánh chim không mỏitại nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Má Bảy nói với Hồng Nga: “Hồi đầu má diễn vai này đâu có hay như con. Nhưng mỗi ngày lại thêm tình cảm, tới lúc nó ngấm vào máu. Riết rồi đã hơn 40 năm. Giờ đây má trao lại cho con... nhưng con diễn đừng có khóc nhiều quá, phải chừa cho khán giả khóc nữa’’. Hồng Nga kể: “Má Bảy Nam đâu biết tôi đã gửi chính thân phận mình vào nước mắt. Hồi nhỏ tôi không biết sinh nhật là gì, cũng chưa từng có cái đám cưới. Nên khi diễn cảnh bà mẹ đưa đôi bông mù u cho Diệu và nói: “Con cất đi, cất làm kỷ niệm. Kỷ niệm của bà ngoại cho má, giờ má cho lại con... Tội nghiệp con gái tôi không có cái đám cưới như chị em bạn” thì tôi khóc mùi...”.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Duongtonhu (25-03-2014), Giang Tiên (27-03-2014), romeo (25-03-2014), Thanh Hậu (26-03-2014)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Hồng Nga - vai diễn cuộc đời - Kỳ 3:
    Người mẹ tìm con


    Nếu mỗi người đều có một niềm ân hận vì một điều gì đó mình không tránh được trong cuộc đời, thì với Hồng Nga đó là nỗi đau không nguôi khi dạo còn trẻ, trồi sụt trên đường lưu diễn bà đã để thất lạc hai đứa con gái, hai núm ruột của mình.

    Tiếng khóc - cười trên sàn diễn cũng là tiếng khóc - cười của cuộc đời nghệ sĩ Hồng Nga - Ảnh: M.C.

    Hồng Nga nhớ lại câu chuyện tang thương bắt đầu từ khi vì quá vất vả, một mình với năm đứa con, bà đã mang gửi hai đứa, một 3 tuổi một 5 tuổi cho một người bạn.
    Ba năm sau, người bạn ra nước ngoài mang theo hai đứa trẻ nhưng lại để lạc mất cả hai ở xứ lạ. Bà chỉ nhận được thông tin duy nhất là con mình đã được định cư tại Thụy Sĩ rồi bặt vô âm tín.
    Biết bao nhiêu năm trong những đêm khóc vì ân hận, vì nhớ thương con, bà lần giở bức thư của bé Nhung, năm đó 8 tuổi viết về cho mẹ một lần duy nhất: “Con đang ở đảo. Tụi cướp nó ác lắm, ác lắm, nó xô con muốn té...”.
    Bà hình dung con bé đang kêu cứu. Nó gặp hiểm nguy, nó bé bỏng sợ hãi trong đêm tối và sóng dữ mà bà không có ở bên con.
    Ai đã từng làm mẹ mà không hình dung nỗi khắc khoải này? Nó đi xa rồi, sống chết, lành rách, no đói đều mù mịt - thì bữa cơm giấc ngủ của người mẹ có lúc nào yên được.

    "Hỏi Hồng Nga có phải là một người si tình không, bà nghĩ ngợi một lúc rồi nói: Không phải si tình. Nhưng quá lụy tình. Vì lụy tình mà khổ..."


    Khúc đoạn trường nơi xứ lạ

    18 năm sau, năm 1996, Hồng Nga mới có dịp lưu diễn ở Thụy Sĩ. Trời lúc đó rất lạnh.

    Hồng Nga không bao giờ quên giây phút bà hát trên sân khấu mà tâm hồn lang thang quay ngược về những năm tháng gian nan nơi quê nhà, người mẹ nghèo khốn khổ đã phải rứt ruột xa con. Nước mắt bà tuôn rơi như suối.


    Nghệ sĩ Bảo Quốc nói với khán giả: “Chị Hồng Nga khóc là vì chị ấy có hai đứa con ở trên đất Thụy Sĩ này”. Khán giả hỏi: “Vậy nó đâu? Nó đang ở đâu?”. Hồng Nga bèn đưa ra tấm ảnh duy nhất đã ố vàng. Cả khán phòng cùng khóc với bà.

    Tưởng là vô vọng như mò kim đáy biển, không ngờ một Việt kiều truy tìm được tung tích của hội từ thiện đã nhận nuôi hai đứa trẻ 18 năm trước.

    Ông cũng kiên nhẫn lần tìm theo dấu điện thoại vì tại Thụy Sĩ mỗi người chỉ dùng một số điện thoại bàn, nếu chuyển chỗ ở số điện thoại vẫn đi theo. Cuối cùng, sự kiên trì và tấm lòng của ông như một phép thần kỳ, ông đã tìm ra cả hai chị em.

    Nhưng vào ngày hôm đó, đoàn của Hồng Nga đã rời Thụy Sĩ sang hát ở Hà Lan. Người Việt kiều tốt bụng - ông Ba Hối - đã cho người con rể lái xe sang Hà Lan đón Hồng Nga về Thụy Sĩ ngay trong đêm. Chiếc xe chạy hết tốc độ để anh kịp sáng sớm về đi làm. Hồng Nga ngồi sau nhắm mắt niệm Phật, xin cho mình sống sót để gặp con.

    Trở về Thụy Sĩ không có hộ chiếu, một Việt kiều khác đã “liều” cho bà mượn. Với cái hộ chiếu mượn trong túi, trong đêm giữa một trời tuyết trắng Hồng Nga được dắt đến trước cửa ngôi nhà có con gái bà đang sống.

    Người dẫn đường gọi điện thoại nói chuyện trước. Cô gái trả lời cô không có người mẹ nào hết. Anh bước tới gõ cửa. Cửa mở. Hồng Nga nghe nghẹn trong lồng ngực. Trái tim bà đau thắt.

    Dù 18 năm đã trôi qua nhưng khuôn mặt con gái bé bỏng vẫn còn quá quen thuộc với lúm đồng tiền xoáy sâu trên má - đôi má thơm mùi sữa bà hôn hít ngày nào sau những ngày đêm vất vả đi hát, trở về căn nhà lụp xụp. Nó vẫn tóc đen và mắt đen. Nhưng nó đã quên hết tiếng Việt và cương quyết không nhận mẹ.

    Nó chỉ vào trong nhà, nơi có bà mẹ nuôi người Đức và nói dứt khoát: “Tôi chỉ có người mẹ duy nhất đó mà thôi. Không có người mẹ nào khác”... Câu nói lạnh lùng như một nhát dao.
    Cánh cửa đóng mạnh. Trời đông lạnh như vậy mà lòng Hồng Nga như có lửa đốt. Bà muốn bước thêm một bước, vào nhà, ôm con, nhưng đôi chân lạnh cóng và trái tim tê dại. Người dẫn đường kéo bà lên xe, mặc cho bà khóc la trong cơn vật vã không kiềm chế nổi.


    Lòng mẹ bớt đau

    Họ tiếp tục tìm đến nhà người con gái thứ hai. Người bạn trai của cô ra mở cửa và nói Laura Nhung không có nhà. Người dẫn đường nói: “Đây là mẹ của Nhung. Ngày mai bà ấy sẽ về VN và không biết đến bao giờ mới trở lại. Tóc bà ấy đã bạc và bà có thể sẽ chết...”. Anh vừa dứt lời, người con gái xuất hiện trên ngưỡng cửa, nói: “Tôi đây”.

    Cô không cho mẹ ôm hôn, cũng không đồng ý chụp hình chung, nhưng cuối cùng cũng đưa tay cho bà bắt. Bà nắm đôi tay con gái, nhìn như để ghi dấu hình ảnh của nó rồi lê bước trở về.

    Suốt chặng đường quay lại Hà Lan, bà và người dẫn đường cùng khóc. Rồi những ngày sau đó bà cũng không biết mình diễn những tuồng gì, làm sao còn nhớ tuồng mà diễn. Bà chỉ nhớ bà đã buồn rũ rượi, và cứ cất lên câu hát là khóc như mưa. Ôi câu hát nào giữa xứ người cũng rứt lòng người mẹ...

    Năm sau, bà trở lại Thụy Sĩ trong một chuyến lưu diễn khác. Vừa bước tới cửa nhà hát, trong tuyết trắng bà nhìn thấy một bóng dáng thân thương cầm trong tay một bông hồng.
    Đó là Laura Nhung. Cô đến xem bà biểu diễn. Cô đã chờ đợi bà. Cô đã chịu lắng nghe lời khuyên giải kể lể của ông Ba Hối, về tất cả uẩn khúc trong cuộc đời của mẹ cô ngày ấy nơi quê nghèo. Cô cũng nghe lời người bạn trai: “Tóc em và mắt em đen, dù thế nào em vẫn chính là con của người đàn bà ấy. Em cũng không thể từ chối cội nguồn...”.

    Nhìn thấy con, bà ngất xỉu. Con gái đưa tay ra đỡ. Cô ôm mẹ trong tay sau 18 năm. Mẹ cô khóc, khán giả khóc. Rồi rất nhiều người lên sân khấu tặng quà, đủ mọi thứ.

    Laura Nhung ngạc nhiên hỏi ông Ba Hối: “Tại sao tặng quà? Ở đây người ta chỉ tặng quà ngày Giáng sinh và sinh nhật”. Ông giải thích: “Họ tặng quà vì họ ái mộ mẹ cô. Ở VN bà rất được yêu thích. Hôm nay họ tặng quà còn là vì cô. Cô đã bằng lòng nhận bà làm cho bà vui, hàn gắn vết thương của bà. Bà sẽ bớt đau lòng từ nay...”.

    Năm sau nữa, cô trở về VN thăm mẹ. Dù vẫn không nói được tiếng Việt nhưng khi được mẹ dẫn về ngôi trường cũ, những nơi kỷ niệm tuổi thơ, cô đã mỉm cười. Rồi có một buổi tối ngồi bên nhau trong căn phòng ấm áp, bà nói: “Con có một cái sẹo ở sườn bên phải. Hồi con còn nhỏ bị nước trong phổi, bác sĩ phải chọc ống vào đó hút nước ra. Đau lắm. Má đứng ngoài nghe con la mà xót dạ, muốn đau giùm con có được đâu”. Laura nhìn bà. Phải. Cô có một cái sẹo tròn ở sườn phải. Cô là con của bà. Bà đã không đủ sức để giữ cô ở bên cạnh ngày thơ ấu, nhưng người mẹ nào cũng vậy, dù làm gì cũng vì muốn tốt cho con. Giờ đây cô cũng đã làm mẹ và cô hiểu...


    “Xin mẹ cho con dứt được nỗi đau này”

    18 tuổi, Hồng Nga lấy chồng và mang thai ngay sau đó. Tuy nhiên, mơ ước về một ngôi nhà ấm cúng để đêm đêm bên nhau chồng chồng vợ vợ lúc ấy là một chuyện quá xa vời.
    Bà kể chồng bà cũng là một kép hát, ông đi theo đoàn của ông, bà theo đoàn của bà. Người vợ trẻ yêu chồng bằng lòng với việc vài ba bữa gặp nhau một lần. Hồng Nga vẫn tự mình kiếm tiền nuôi con. Tự mình kiếm tiền nuôi mình như lúc chưa có chồng.

    Bà cũng có thêm cái cảm giác vui sướng khi cắc ca cắc củm kiếm thêm tiền đưa cho chồng xài, mà chưa một lần tự hỏi tại sao ông không hề có ý định giúp đỡ mẹ con mình, ngay cả khi vợ túng thiếu phải mượn tiền trả góp. Người con gái ngây thơ vẫn tưởng mình đang hạnh phúc cho đến một ngày chợt nhận ra người ấy chỉ lợi dụng mình mà thôi.
    Cuộc chia tay đơn giản. Và nỗi đau đầu đời như một vết hằn trong cái bi kịch của sự trao gửi không đúng chỗ.

    Người chồng thứ hai sống với nhau có tới ba mặt con trong những tháng ngày sóng gió mà bây giờ nghĩ lại Hồng Nga vẫn còn thấy tủi thân. Lúc đó bà bảo không hiểu sao cứ mỗi lần vợ có thai thì chồng lại bỏ nhà đi biền biệt.

    Chỉ sau này xa nhau rồi Hồng Nga mới hiểu đơn giản là vì người chồng ấy chẳng có chút tình thương cũng chẳng có trách nhiệm. Cái gọi là vợ chồng chỉ là tự mình sinh con, nuôi con, đi hát khắp nơi kiếm tiền và những trận cãi cọ, ghen tuông triền miên.

    Tuyệt vọng. Bà đội đèn lên Châu Đốc vào khấn bà Chúa Xứ: “Xin mẹ cho con dứt được nỗi đau này, cái nợ này. Hoặc là con phải can đảm từ bỏ, hoặc là con sẽ chết”.

    Có lẽ bà Chúa Xứ linh nghiệm hoặc có lẽ giun xéo mãi cũng quằn, hoặc có lẽ cuối cùng lòng kiêu hãnh của người đàn bà bất hạnh nhưng quật cường đã thắng. Bà đã tìm được cái can đảm để dứt bỏ...

    Người chồng thứ ba rất yêu thương Hồng Nga. Hai người có thêm một con trai nữa nhưng hạnh phúc vẫn không mỉm cười. Ông bị sự quyến rũ của ma men, suốt ngày đắm chìm trong rượu. Say say tỉnh tỉnh, mỗi lần vợ buồn thì quỳ gối xin lỗi. Hồng Nga lại rớt nước mắt tha cho. Nhưng cuối cùng tình thương, tình yêu, sự nhẫn nhục ấy cũng chẳng thay đổi được gì...

    Người sau cùng Hồng Nga gặp và yêu là một soạn giả nổi tiếng. Bà yêu ông vì tài hoa và bởi nét phong trần. Bà đã ao ước mình giữ được mối tình này, hạnh phúc này. Nhưng... Hồng Nga kể: “Tôi đã thật sự có một quãng đời hạnh phúc. Nhưng rồi tính hào hoa, trăng gió và cái ngông cuồng của người cầm bút nổi danh, anh đã làm tôi đau khổ. Mười năm chung sống, chia tay trong năm phút. Anh nói đơn giản đã có người đàn bà khác. Thế là xong. Hôm sau khi tôi đi tập tuồng trở về, anh đã dọn đồ đạc đi hết. Nhìn căn nhà trống hoác, tôi biết từ nay tôi sẽ căm ghét lũ đàn ông bội bạc”.
    NGỌC LIÊN

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Duongtonhu (27-03-2014), Giang Tiên (27-03-2014), romeo (25-03-2014), Thanh Hậu (26-03-2014)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ tới: Gai góc đi hết phận mình
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (26-03-2014), Thanh Hậu (26-03-2014)

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Hồng Nga - vai diễn cuộc đời - Kỳ cuối:
    Gan góc đi hết phận mình


    ... Giữa chừng câu chuyện kể, Hồng Nga lau nước mắt. Bốn đời chồng, năm đứa con, nhưng dường như bà vẫn chưa từng có một gia đình đúng nghĩa.
    Nghệ sĩ Hồng Nga (trái - vai nữ tướng Lê Chân) trong vở Tiếng trống Mê Linh công diễn tháng 3-2014 - Ảnh: T.T.D.

    Ký ức vẫn còn nguyên. Những lúc đau khổ quá cô gái trẻ nhìn vào gương và nghiến răng tự nhủ: “Mình không được chết lúc này. Mình phải đứng thẳng. Mình không được chết vì một người không xứng đáng”.

    Có những ngày sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, vãn hát bà chạy vòng vòng ra bến Bạch Đằng khóc cho đã mới dám về nhà ôm con, nhìn con ngủ ngon chép chép miệng lại khóc thêm lần nữa.

    Có những đêm không ngủ nằm nhìn trừng trừng lên trần nhà, nhớ lại những lúc đi hát xa thương chồng không có cà phê uống, nửa khuya đi lượm lá khô, lấy lon sữa bò đun nước pha đúng một ly cà phê nhỏ nghi ngút khói, chờ nước sôi thì đôi mắt đã đỏ hoe vì khói lá khô cay.

    Nhớ những năm khó khăn chồng thèm ăn một trái táo, lúc đó là trái cây nhập cảng mắc tiền, mua về gọt cho chồng ăn rồi mình ăn cái vỏ.

    Nhớ những ngày chỉ còn đủ tiền mua một tô hủ tiếu, chồng ăn xong mình bưng tô nước còn lại xuống bếp ăn với cơm nguội... Nhớ tất cả quá khứ, đẹp và đáng thương.

    Giờ đây nếu có ai hỏi tại sao Hồng Nga lại có nhiều chồng, bà thường trả lời đơn giản: “Vì tôi không thể sống mãi với một người đàn ông không còn yêu thương, một mối tình đã chết. Nó giống như một khối ung thư, cắt đi chỉ đau một lần”.


    “Hồng Nga đã hết lụy tình!”

    "Tôi tâm lành tướng lộ. Không giả dối luồn cúi ai. Ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ cả đời. Người ghét tôi cũng không ít. Nhưng cuối đời tôi cũng được hưởng phước"
    “Hết cơn bĩ cực, tới hồi thới lai” - đó là câu bây giờ Hồng Nga hay nói. Đời bà tới nay - 70 tuổi - xem như mãn nguyện rồi. Vì thật ra bà chưa từng mơ ước gì nhiều. Làm việc hết sức. Yêu thương hết lòng. Lận đận gian nan vấp ngã. Càng bị vùi dập càng phải mạnh mẽ thêm lên. Bà đã gan góc đi hết phận mình. Vậy thôi.

    Bà kết luận: “Tôi vốn là đứa con gái khờ khạo, lăn lóc với đời, mình trần thân trụi, đầu đội trời chân đạp đất, lầm lũi mãi rồi cũng tự mình vươn lên”.

    Nhờ trời thương, mảnh đất heo hút ở Bình Dương ngày nào bà mua để mẹ con dắt díu nhau về ở tạm, sau này cũng bán được giá. Bán rồi về mua nhà ở Sài Gòn. Rồi làm di chúc chia của cải cho các con vì không biết mình sẽ ra đi lúc nào. Bây giờ bà yên tâm rồi.
    Ngôi nhà ở Bình Dương đó đã chứng kiến 20 năm người đàn bà cô lẻ đi về khuya sớm một mình. Có những nỗi đau khi lạnh người chạy trên đường đêm vắng lặng. Có những khoảng trống kinh người trong ngôi nhà trơ trọi không có đàn ông. Nhưng Hồng Nga nói bà biết biến đau thương thành sức mạnh.

    Đời một người nghệ sĩ, bà đã gặt hái được nhiều thành công. Giờ đây nhắc đến Hồng Nga, khán giả thường mỉm cười trìu mến, đầy thiện cảm về một người diễn viên độc đáo. Diễn mùi quá hay, diễn mẹ xuất sắc, diễn độc ra độc mà hài ra hài. Có một chỗ đứng như vậy không đơn giản.

    Chuyện tình duyên, tất cả đã qua lâu, giờ bà mỉm cười nói: “Hồng Nga đã hết lụy tình. Hồi trước người ta hay nói tôi thờ chồng, nhưng bây giờ tôi đã dẹp hết bàn thờ rồi nghe...”.
    Bà nói đùa thêm: “Mấy ông thầy tử vi tướng số ông nào cũng nói tôi có tình thì không có tiền. Có tiền thì không có tình. Vậy bây giờ tôi chọn bỏ tình lấy tiền. Mình đã không có số hưởng hạnh phúc thì ít ra cũng còn có tiền cho con...”. Bà cười sảng khoái.

    Năm đứa trẻ ngày nào đã trưởng thành hết, cũng đã chọn riêng con đường đi cho mình. Người con gái đầu lấy chồng bên Áo. Hai người khác ở Thụy Sĩ. Hiện ở Việt Nam bà còn một người con gái và một con trai út.

    70 tuổi, cưới vợ cho con xong rồi, hiện bà vẫn đang tất bật lo mua nhà, một căn xinh xắn ở đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi vẫn tự mình thiết kế, kêu thợ sửa chữa, lựa chọn nguyên vật liệu, đi làm giấy tờ để... cho con, chẳng khác nào anh vẫn còn là một đứa trẻ dù anh đã trưởng thành từ lâu.

    Bà tâm sự: “Con tôi coi vậy mà nó vẫn còn nhỏ, còn khờ. Nó vẫn chưa biết hết giá trị của đồng tiền. Như tôi bao nhiêu năm đi hát, dây thanh đới đã muốn tét ra, mắt đã mờ vì khóc nhiều. Gom được bao nhiêu tiền tôi muốn giữ cho nó. Chứ tôi còn sống mà nhìn nó khổ tôi không đành lòng”.


    70 tuổi vẫn còn run...

    Vừa rồi tôi có đến xem bà diễn vai Lê Chân trong Tiếng trống Mê Linh, cũng một vai phụ. Nhưng vẫn hấp dẫn lắm. Hồng Nga mà!

    Bà biết cách để không có giây phút nào trên sân khấu mà uổng phí. Hình như ở tuổi 70, lần đầu tiên bà đóng vai một nữ tướng!

    Bà kể hồi trẻ có đóng hương xa, kiếm hiệp nhưng cái đó là tưởng tượng cả, còn Lê Chân là một nữ tướng có thật. Nên phải kỹ lưỡng, phải có thần thái, phải oai hùng - đừng để người ta thấy lộ ra Hồng Nga tấu hài thì hỏng!

    Bà mở điện thoại di động cho tôi nghe những câu hát của Lê Chân mà bà thu lại, rồi tối nào cũng mở ra nghe để học cho thuộc.

    “Già rồi có mấy câu học hoài không thuộc con ơi. Mà nè, con coi cô hát vậy có được không? Lê Chân như vậy ra nữ tướng không?”.

    Tôi trả lời: “Hay quá chớ. Oai lắm, đẹp lắm, hát hay lắm”. Bà cười ha ha: “Nói thiệt hồi đó giờ cô đâu có biết ca bản Tây Thi. Lần đầu ca đó. Tập gần chết. Lên hát còn run, sợ quên tuồng, sợ hát không đúng”.

    Tôi nhìn bà tự nhiên muốn khóc. 70 tuổi, bà từng lên sân khấu hàng bao nhiêu trăm lần vẫn còn run sao? Vai diễn nhỏ xíu vẫn nôn nao, xúc động vậy sao? “Xúc động chứ con. Trời, diễn như Tiếng trống Mê Linh với các nghệ sĩ gạo cội như vậy thì cải lương hay quá, sang quá. Cứ khán giả vỗ tay là cô nổi ốc hết trơn. Cho nên cô phải tập thiệt kỹ mới diễn được vậy đó con” - bà hào hứng.

    Bà cũng kể cho tôi nghe những trích đoạn và tiết mục bà đang tự mình hình thành trong đầu, để chuẩn bị cho live show kỷ niệm 70 năm đi hát.

    “Nếu trời thương cho còn sống, năm sau cô sẽ làm sô này”. “Cô còn khỏe, còn lanh lợi, còn ham hát mà” - tôi nói vậy với bà. “Tui còn đẹp nữa nghe. Thấy tui minhon không. Tui ăn kiêng giữ dáng mà. Mỗi bữa có chút xíu cơm thôi. Giữ dáng, giữ sức khỏe, giữ giọng là nhiệm vụ của nghệ sĩ đó. Già cũng phải đẹp. Vừa đẹp vừa hát hay khán giả mới coi chứ”.
    Tôi bật cười nhớ lúc mới đây bà mặc bộ đồ ôm sát “quậy tưng” trên sân khấu Kịch Sài Gòn. Rồi đột ngột “trở bi” chọc người ta khóc ngọt xớt.

    Phải, ai cũng phải tự tin mình đẹp, mình “ngộ”, mình lạ lùng mới đứng trên sân khấu được chớ. Hồng Nga rất có lý khi vô cùng tự tin bất chấp mọi trở ngại.

    Người nghệ sĩ ấy cũng đã chầm chậm cùng trái tim mình đi qua bao cuộc giả chân, để có đủ ma lực cống hiến cho người xem những khoảnh khắc rối bời.

    Người của giới bình dân

    Tới giờ Hồng Nga có đi đâu, ăn cái gì cũng vẫn nhớ mua một phần về cho con. Bảo con làm cái gì cũng căn dặn thật kỹ. Hồng Nga hiện nay không còn đi hát nhiều. Ở trong nước có khi một tháng mới hát một lần, đi nước ngoài thì cũng thỉnh thoảng, đợt đi chừng vài tháng nhưng chỉ hát ít suất, mỗi suất cách nhau nửa tháng. Anh em đi hát chung thường đùa: “Má già quá rồi còn hát gì nữa?”. Bà cãi: “Kệ tao. Tao hát kiếm tiền xài. Kiếm tiền làm từ thiện, không được sao”.

    Dĩ nhiên là được. Như nhiều người già khác, bà hay làm từ thiện bằng chính những suất hát của mình. Nếu là live show, sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại bà chuyển cho Nhà dưỡng lão nghệ sĩ, các nghệ sĩ neo đơn... Nếu là catsê hát lẻ bà cũng chia bớt một phần. Nếu đi ngoài đường gặp một bà lão ăn xin mà không quay xe lại được vì đường quá đông, bà rơi nước mắt. Hàng xóm quý mến bà, thậm chí có chút tự hào về bà. Nếu có khách tìm bà, họ thường niềm nở dắt giùm xe, chỉ giùm nhà, rồi gọi bà ơi ới. Chứng kiến những cảnh đó, tôi mỉm cười nghĩ bà có lý khi bảo rằng mình là người của giới bình dân. Bà nói: “Tôi tâm lành tướng lộ. Không giả dối luồn cúi ai. Ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ cả đời. Người ghét tôi cũng không ít. Nhưng cuối đời tôi cũng được hưởng phước”.
    NGỌC LIÊN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Duongtonhu (27-03-2014), Giang Tiên (27-03-2014), romeo (27-03-2014), Thanh Hậu (27-03-2014), tường vi (27-03-2014)

ANH EM CHANNEL