Nguyễn Phương :Nữ nghệ sĩ Phượng Liên, giọng ca vàng trên đất Mỹ
Nhà học giả Vương Hồng Sển có nói: “Ở đâu còn người thích áo dài Việt Nam và thích nghe ca vọng cổ thì ở đó còn có tâm hồn Việt Nam.”
Nữ nghệ sĩ Phượng Liên, giọng ca vàng trên đất Mỹ
Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp.
Nữ nghệ sĩ Phượng Liên đoạt giải Thanh Tâm năm 1966.
Nữ nghệ sĩ Phượng Liên ngày còn ở Việt Nam nổi danh là viên ngọc quý miền Tây, khi định cư ở Hoa Kỳ, cô nổi danh giọng ca vàng miền Nam Cali.
Theo lời của Phượng Liên kể thì cha của cô tên Nguyễn Tùng Sơn, hạ sĩ quan của một tiểu đoàn kỵ binh Pháp trú đóng tại quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Ông cưới vợ năm 1946 và sanh con gái đầu lòng năm 1947. Hai tháng sau, ông Nguyễn Tùng Sơn bị tử trận tại quận Phụng Hiệp và được an táng tại đất thánh Tây tỉnh Cần Thơ. Một người bạn thân của ông làm khai sanh cho con gái của ông Sơn, lấy tên là Lữ Phụng Liên mà sau này trở thành nữ nghệ sĩ tài danh Phượng Liên.
Phượng Liên học trường Tiểu học Đạt Đức ở Cần Thơ. Năm cô 12 tuổi, Phượng Liên tham gia Ban Văn nghệ Tây Đô của nhà trường, nổi danh ca sĩ trong các chương trình văn nghệ học đường do nhà trường tổ chức gây quỹ giúp học bổng cho các sinh viên nghèo trong tỉnh. Nghệ sĩ Phước Hậu phát hiện giọng ca khỏe và lạ của Phượng Liên nên dạy cho Phượng Liên ca vọng cổ. Sau đó soạn giả Điêu Huyền giới thiệu cho Phượng Liên gia nhập đoàn hát cải lương Kiên Giang. Ông trưởng ban cổ nhạc đoàn Kiên Giang dạy cho Phượng Liên ca vọng cổ và các bài bản cổ nhạc khác. Phượng Liên rất sáng dạ, đêm đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học theo cách ca cách diễn của các nghệ sĩ trong đoàn, Phượng Liên thuộc nhiều vai tuồng nên khi có nghệ sĩ bịnh hay vắng mặt, Phượng Liên được yêu cầu hát thế vai, những lần thế vai cấp bách đó, Phượng Liên đều hát thành công.
Năm 1960, Phượng Liên gia nhập đoàn hát Tinh Hoa của bà Bầu Mười Cơ, hát vai đào nhì. Một năm sau, năm 1961, Phượng Liên đã là đào chánh của đoàn hát Tuấn Kiệt, trong tuồng Quán Trọ Hoàng Hôn, hát cặp với nghệ sĩ Tuấn Kiệt, sau này đổi tên là danh ca vọng cổ dài hơi Châu Thanh. Nữ nghệ sĩ Phượng Liên được các ký giả kịch trường tặng cho mỹ danh là Viên Ngọc Quý Miền Tây khi cô hát tuồng Quán Trọ Hoàng Hôn tại rạp Nguyễn Văn Hảo.
Năm 1963, nữ nghệ sĩ Phượng Liên ký hợp đồng với bà bầu Kim Chưởng về hát vai đào chánh thế cho nữ nghệ sĩ Ngọc Hương.
Người trong giới nói là Phượng Liên được tổ đãi, ngay bước đầu khởi nghiệp Phượng Liên đã được nhiều may mắn. Giọng ca có sức truyền cảm đặc biệt và vang lộng của Phượng Liên cộng với cái nhan sắc trời cho của cô gái đẹp Tây Đô là bệ phóng đưa ngôi sao Phượng Liên vút cao trên bầu trời nghệ thuật.
Giải Thanh Tâm năm 1966
May mắn lớn nhứt của Phượng Liên là có được các danh sư truyền nghề hát. Lần thứ nhứt Phượng Liên được soạn giả lão thành Điêu Huyền dạy hát và bố trí cho các nhạc sĩ dạy cho cô ca. Sau đó Phượng Liên được sự chỉ dạy của soạn giả Nhựt Quang, chồng của bà bầu Mười Cơ. Và khi Phượng Liên đi gánh hát Kim Chưởng thì chính bà bầu kiêm nghệ sĩ Kim Chưởng dạy hát cho Phượng Liên. Năm 1966, Phượng Liên đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm trong vai diễn đào lẳng tuồng Mặt Trời Đêm, hát trên sân khấu Kim Chưởng.
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của nữ nghệ sĩ Phượng Liên. Phượng Liên cao ráo, dáng điệu khoan thai, phong cách sang trọng, da trắng như tuyết, mịn như nhung, miệng cười như hoa nở, đôi mắt tình tứ, liếc bén như dao, một cô đào hội đủ các ưu điểm về “thinh” và “sắc”, lại được danh sư truyền nghề hát, Phượng Liên đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm là một điều có thể thấy trước. Vì được rèn luyện trong lò sân khấu tuồng chưởng và hương xa nên diễn xuất của Phượng Liên ồ ạt, sợ nguôi sân khấu. Trong thập niên 60, Phượng Liên diễn các vai đào lẳng, đào mùi, quyến rũ, duyên dáng.
Kể từ đầu thập niên 70 trở về sau, Phượng Liên diễn các vai đào mùi, đào chánh trong nhiều tuồng xã hội. Cô diễn đạt tâm lý nhân vật một cách tinh tế, lối diễn thâm trầm, sâu lắng, đào sâu tâm lý nhân vật. Phượng Liên và Thành Được xuất sắc trong các trích đoạn tuồng Tuyệt Tình Ca.
Phượng Liên từng diễn vai đào chánh, hát cặp với các nam nghệ sĩ tài danh Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tú… Giọng ca của Phượng Liên vẫn giữ âm sắc tươi mát và truyền cảm, làm nên một phong cách rất riêng của Phượng Liên nên khách mộ điệu cải lương ở Hoa Kỳ gọi Phượng Liên là giọng ca vàng miền Nam Cali.
Về gia đình, năm 1964, Phượng Liên kết hôn với nghệ sĩ Diệp Lang, sanh một trai, một gái. Đến năm 1968, hôn nhơn gảy đổ. Trong thập niên 70, Diệp Lang có vợ khác, Phượng Liên bước thêm bước nữa với ông Nguyễn Đình Vinh, đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Nữ nghệ sĩ Phượng Liên cộng tác với đoàn hát Dạ Lý Hương, có những vai hát để đời qua các tuồng Trăng Thề Vườn Thúy, Cho Trọn Cuộc Tình, Cánh Hoa Chùm Gởi, Tuổi Hồng Cho Em, Tuyệt Tình Ca, Nắng Thu Về Ngõ Trúc…
Nỗi buồn duyên phận lỡ làng cuối thập niên 60 ảnh hưởng sâu sắc đến giọng ca và phong cách diễn xuất của Phượng Liên, giọng ca ngọt ngào của Phượng Liên thêm sâu lắng, ngậm ngùi và lấy được nước mắt của khán giả qua các cảnh bi thương của nhân vật mà Phượng Liên thủ diễn.
Năm 1976, Phượng Liên gia nhập đoàn cải lương Saigon 1, hát xuất sắc qua các tuồng Phụng Nghi Đình, Đời Cô Lựu, Bình Tây Đại Nguyên soái, Nghêu Sò Ốc Hến… Thời gian này Phượng Liên cố thu xếp thì giờ để đi thăm nuôi chồng là ông Nguyễn Đình Vinh bị bắt ở tù trong trại cải tạo ở núi rừng miền Bắc. Khi ông Vinh ra khỏi trại cải tạo, ông và Phượng Liên là đôi vợ chồng hợp pháp nên Phượng Liên được cùng ông Vinh đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO.
Hiện nay vợ chồng cô Phượng Liên có một ngôi nhà khang trang ở gần khu Phước Lộc Thọ, cuộc sống tự do, sung túc, Phượng Liên cùng các bạn nghệ sĩ định cư ở Hoa Kỳ hát những trích đoạn cải lương hoặc ca vọng cổ gợi nhớ quê hương, có thêm thu nhập và gây quỹ từ thiện.
Phượng Liên tổ chức kỷ niệm 45 năm sân khấu, thành công rực rỡ về nghệ thuật và tài chánh. Giọng hát của Phượng Liên vẫn vang lộng, truyền cảm và thể hiện được cái hay và sức hút của bài ca vọng cổ, một điệu hát tiêu biểu cho cổ nhạc Việt Nam.
(Theo Nguyễn Phương)
..................Nữ nghệ sĩ Phương Liên 50 năm sân khấu
‘Kiếp sau, xin được hát cải lương một lần nữa’
Trong cuộc phỏng vấn với nữ ca sĩ Phượng Liên, hiện định cư tại Orange County, cô cho biết đã đi hát từ trên 50 năm rồi, khi còn ở trường học, đóng góp cho đoàn văn nghệ thông tin Tây Ðô... Nhưng Phượng Liên muốn lấy mốc 50 năm, là từ lúc cô bắt đầu hát cho một đoàn hát hẳn hòi, dù chỉ là một đoàn hát nhỏ của địa phương, như đoàn Kiên Giang của các bầu Sáu Nhỏ, Mười Cơ... hồi năm 1960, ở Rạch Giá, Kiên Giang, rồi đoàn Tinh Hoa...
Nữ nghệ sĩ Phượng Liên, mừng 50 năm đứng trên sân khấu vào ngày 9 Tháng Năm, 2010, tại hí viện La Mirada, Orange County. (Hình: Phượng Liên cung cấp)
Phượng Liên kể lại rằng lúc đầu cô chỉ được đóng các vai phụ, hát thế các nghệ sĩ vắng mặt... đi hát “lòng vòng” ở các tỉnh mà thôi.
Nghệ sĩ Phương Liên, tên đầy đủ là Lữ Phụng Liên, sanh quán tại Cần Thơ, năm nay 64 tuổi, cho biết về sau cô ký hợp đồng với đài phát thanh Cần Thơ, để hát trên đài này, trong các năm 1961,1962.
Sau khi hát lòng vòng ở các tỉnh, đến năm 1963, Phượng Liên mới bắt đầu lên thủ đô Sài Gòn, mặc dù cô cũng mới ký hợp đồng ba năm với đoàn Tinh Hoa, rồi Hoa Sen ở Cần Thơ.
Tại Sài Gòn, Phượng Liên gia nhập một trong những đại ban vào lúc đó, là Ðoàn Kim Chưởng, với các nghệ sĩ cùng đoàn như Phước Thành, Phương Quang, Kim Ngọc... và năm 1966 được mời xuất hiện trên truyền hình quốc gia, tức đài Truyền hình Sài Gòn (quen gọi là đài số 9), lúc đó còn thu hình tại Trung Tâm Quốc Gia Ðiện Ảnh ở đường Thi Sách, Sài Gòn.
Cũng trong Ðoàn Kim Chưởng này, nữ nghệ sĩ Phượng Liên đã đoạt Giải Thanh Tâm, xác nhận tài nghệ của cô trong giới nghệ sĩ cải lương vào lúc đó.
Năm 1967, Phượng Liên gia nhập Ðoàn Tân Hoa Lan của cô đào Út Bạch Lan, nhưng hát không được bao lâu thì xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân (1968) khiến mọi sinh hoạt nghệ thuật phải đình lại không những tại Sài Gòn, mà còn trên toàn miền Nam Việt Nam.
Vào năm 1969, sân khấu cải lương cũng sống lại, thì nữ nghệ sĩ Phượng Liên sang hát cho đoàn Dạ Lý Hương, năm 1971, Phượng Liên gia nhập đoàn Thái Dương 3, rồi năm 1972, khi Bạch Tuyết - Hùng Cường lập gánh, thì nữ nghệ sĩ Phượng Liên lại được mời về ban này, nhưng chưa được một năm thì rã gánh.
Phượng Liên sau đó về hát cho Ðoàn Việt Nam của nghệ sĩ Minh Vương cho denTháng Tư năm 1975).
Sau đó nữ nghệ sĩ Phượng Liên bị xếp vào đoàn tập thể Sài Gòn 1, sau đó Phượng Liên tham gia vào đoàn Trần Hữu Trang... khi phong trào cải lương chỉ còn là bóng mờ so với trước năm 1975.
Tháng Tư 1993, Phượng Liên sang Hoa Kỳ định cư theo diện HO , vì phu quân của cô là cựu Ðại Tá Dù Nguyễn Ðình Vinh, nay cũng đã 79 tuổi, .
Tại Hoa Kỳ, Phượng Liên cùng với các nghệ sĩ Thành Ðược (hiện ở San Jose), Văn Chung, Chí Tâm, Ngọc Huyền, Lê Tín, Tuấn Châu, Hương Huyền, Linh Tuấn, Trâm Anh, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh... đã dần dần làm sống lại bộ môn cải lương, và giờ đây tiếp tục phát triển thêm, với nhiều ngôi sao trẻ mới xuất hiện, và các nghệ sĩ từ trong nước ra đóng góp thêm.
Sự phát triển của cải lương ở hải ngoại khiến Phượng Liên phát biểu, rằng “Nếu muốn xem cải lương, thì phải ra hải ngoại... vì trong nước, cải lương không còn đất dụng võ...”
Phượng Liên cũng nói, là “Kiếp sau nếu có, thì cũng sẵn sàng làm ca sĩ cải lương Việt Nam một lần nữa...”
Nhìn lại sự nghiệp cải lương của mình, nữ nghệ sĩ Phượng Liên cho biết cô đã đóng đến cả trên trăm vở, trong đó có các vở nổi bật như Quỷ Bão; Quyết Chiến; Nhạn trắng; Gái điếm, Vợ hiền; Lấy chồng xứ lạ; Tướng cướp Bạch Hải Ðường; Sân Khấu Về Khuya; Nửa Ðời Hương Phấn; Mạnh Lệ Quân, Chuyện cổ Bát Tràng; Tiếng Trống Mê Linh (thế Thanh Nga, sau khi nữ nghệ sĩ này qua đời)...
Cùng thời với Phượng Liên, có Thanh Nga, Mộng Tuyền... là các cô đào cải lương tài, sắc vẹn toàn...
Chương trình “Phượng Liên 50 năm sân khấu & Quê hương Việt Nam” này, sẽ được Trung Tâm Asia thâu hình, để phát hành thành DVD... (L.T.)
Tâm sự về quãng đời đi hát, chị kể: “Tôi sinh ra ở Cần Thơ, ba tôi mất lúc tôi hơn một tháng tuổi. Tôi họ Nguyễn nhưng được một người cha nuôi tên Lữ Văn Đức nhận làm con đỡ đầu, vì vậy tôi mang họ Lữ, tên khai sinh là Lữ Phụng Liên. Ba nuôi của tôi có một người bạn là bác ba Sâm làm việc ở ban văn nghệ Tây Đô - Cần Thơ thời đó. Ông sang nhà chơi, thấy tôi đưa võng ru em, ca hát nghêu ngao những bài tân nhạc. Thật tình hồi đó tôi không biết ca vọng cổ nên được nhận vào ban văn nghệ để ca tân nhạc và đóng kịch. Tôi toàn được giao đóng vai con trai. Trong ban văn nghệ còn có Mộng Tuyền và anh Phước Hậu. Thấy cả hai ca vọng cổ tôi thích lắm nên nhờ anh Phước Hậu dạy ca. Tôi bắt đầu yêu thích bài vọng cổ, thích nghe chị Ngọc Giàu ca bài Lan và Điệp, Bến nước Hà Tiên... Trích đoạn đầu tiên tôi được đóng là Chim vịt kêu chiều năm tôi 13 tuổi...
Đến năm 1966, qua ba vai diễn: Túy Lữ Lam Kiều (vở Mùa trăng nhiều nước mắt) - một vai gom ba tính cách: độc, lẳng, mùi; vai Đông Phương Huệ (vở Quỷ bảo) - vai giả trai và vai Quách Phù (vở Song long thần chưởng) - vai võ hiệp kỳ tình tôi đã được trao HCV giải Thanh Tâm cùng một năm với anh Phương Quang. Khi đặt chân lên đỉnh vinh quang cũng là lúc tôi gặp nhiều thử thách trong nghề. Tôi may mắn được má hai Kim Cúc, cô Kim Nên chỉ dạy. Những vai diễn của tôi mang nhiều nước mắt có lẽ trong đó có phần đời gặp những trắc trở của tôi. Con đường tình cảm của tôi rất lận đận nhưng tôi đã tìm được một người chồng giàu tư cách, hết lòng vị tha, đó là anh Nguyễn Đình Vinh, một người rất cảm thông cho nghề diễn viên của vợ và không bao giờ chen vào công việc của vợ”.
Những ngày trên đất Mỹ
Năm 1992, gia đình nghệ sĩ Phượng Liên sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Những tháng ngày mới đặt chân lên đất Mỹ, chị phải làm những công việc cực nhọc và vất vả. Chẳng ai có thể tin nghệ sĩ Phượng Liên nổi tiếng đã có thời gian đi bán thức ăn nhanh, rồi phụ bán hàng ở khu Phước Lộc Thọ (Tiểu Sài Gòn ở Cali). Có giai đoạn chị nhận đồ may gia công về nhà cắt chỉ, cắt khuy áo để có đủ thu nhập lo cho gia đình. Ông xã chị đi làm bồi bàn ở nhà hàng, sau vài năm anh phải mổ tim nên gánh nặng gia đình ngày càng chồng chất. Cải lương không thể sống trên đất Mỹ vì thiếu thốn mọi thứ cần thiết. Cho đến lúc chị gặp nghệ sĩ Thành Được, cả hai diễn lại trích đoạn Tuyệt tình ca (năm 2000), khán giả hải ngoại mới bắt đầu yêu thích cải lương và hiện nay có thêm nhiều nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn, cải lương càng thêm rực rỡ trên đất khách. Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết: “Hội Sân khấu TPHCM đã ngỏ lời mời chúng tôi về nước biểu diễn trong thời gian tới. Có thể tôi và anh Thành Được sẽ thực hiện những chương trình biểu diễn trong nước nhằm mục đích từ thiện. Rất tiếc trong thời gian về nước, nghệ sĩ Thanh Sang có mời tôi tham gia đêm diễn của anh, nhưng vì gia đình gặp chuyện buồn nên tôi không thể nhận lời”.
Còn nhớ cách đây 6 năm, nghệ sĩ Phượng Liên đã về nước tham gia với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn vở Ngao sò ốc hến (tác giả Năm Châu), chị đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Nói về kế hoạch trong năm 2007, nghệ sĩ Phượng Liên cho biết: “Tôi sẽ viết hồi ký về quãng đời 45 năm theo nghề hát. Trong đó sẽ công bố những điều đau lòng về những sự kiện dồn dập đến với cuộc đời của một nghệ sĩ. Tôi nghĩ đã là hồi ký thì phải trung thực với tất cả những vui buồn trong đời để chia sẻ với khán giả, bạn đọc những điều mình trăn trở. Trên hết vẫn là những quãng đường vượt khó để giữ được chính mình - người nghệ sĩ chân chính trong lòng khán giả mộ điệu. Sắp tới tôi sẽ phát hành DVD 45 năm sự nghiệp nghệ thuật của Phượng Liên”.
( Thanh Hiêp)
Thập niên 80 thế kỷ trước, NS Phượng Liên nổi tiếng trên SK Nhà hát Trần Hữu Trang với vở tuồng Chuyện cổ Bát Tràng, hát chung với các nghệ sĩ Bảo Anh, Kiều Mai Lý....
Năm 1990 chị về công tác đoàn cải lương Sân Khấu Tài năng trực thuộc NH THT, hát các vở Giấc Mộng Đêm Xuân, Nửa Đời Hương Phấm, Nỗi Oan Thị Kính,...với các nghệ sĩ Minh Vương, Ngân Hà, Tuấn Thanh, Phú Quý....
NS Phượng Liên trong vòng tay các đồng nghiệp tại rạp Hưng đạo
Gặp chúng tôi, chị nhắc lại những tháng ngày sống xa quê hương, bao giờ chị cũng nhớ khán giả trong nước và các đồng nghiệp, vẫn giữ vững tình yêu nghệ thuật. chị có về nước tham gia biểu diễn trong vở Ngao Sò Ốc Hến của Nhà hát Trần Hữu Trang
Chị nói: “Dù sao cũng cảm thấy ấm lòng,vì mình được gặp lại bạn bè nghệ sĩ và khán giả
Xin hẹn một dịp gần nhất sẽ tái ngộ với khán giả mộ điệu cải lương ngay trên quê hương mình”.