Bích Phượng không là nghệ sĩ cải lương dù rằng thân phụ cô là cố nghệ sĩ Út Trà Ôn tài danh mà ai cũng biết. Ngoài một ít ca cảnh ngắn mình đã từng xem được khi còn bé xíu, chắc lúc đó Bích Phượng cung chỉ mười chín đôi mươi, thì hầu như cô chỉ hát dân ca, nhạc cách mạng và một số ít bài ca cổ. Dù rằng cô không có nhiều "sắc", nhưng mình lại thích Bích Phượng qua cái "thanh" của cô
Thực ra cũng không nhớ chính xác cô đã từng hát bài ca cổ nào, vì cô ít hát ca cổ quá, chỉ nhớ là từng đôi lần nghe rồi quên mất. Giọng cô k trao chuốt, không điệu đàng, mà mộc mạc, chân phương, ngọt ngào một cách tự nhiên đậm chất miền Tây. Nghe giọng cô cất lên, mình nghe đươc như mùi lúa non ngai ngái, mùa rạ đốt đồng sau vụ gặt, hay mùi đất ở vùng quê hăng hăng sau trận mưa rào. Không nhớ bài ca cổ cô từng hát, nhưng đặc biệt ấn tượng bài hát "Lời ru của đất" mà cô từng trình bày:
"Ai về miền Tây vấn vương bao ân tình, Tháp Mười đồng sâu nhớ thương con sông dài. Đất đượm phù sa cây lúa đã đơm bông, thắm trên quê nghèo ôm ấp bao thiết tha..."
Lời ca mộc mạc, giọng ca cô cũng chân phương nhưng nhẹ nhàng thấm vào lòng người cái tình cảm của những con người miền Tây, của mảnh đất quê nghèo đã từng cưu mang nuôi lớn một đứa con. Lần đầu tiên nghe bài hát này qua giọng ca của Bích Phượng trên tivi, mình đã dùng cassete thu âm để nghe đi nghe lại và đó cũng là bài tân nhạc ruột mà mình hay sử dụng khi đi giao lưu văn nghệ lúc trước.
Dòng thời gian cứ trôi, cái "sắc" ít ỏi của cô cũng theo thời gian phai tàn dần, nhưng cái "thanh" của cô vẫn không hề thay đổi, vẫn mặn mà hơn, ngọt ngào tha thiết hơn dù rằng gần đây hiếm khi thấy cô xuất hiện trên tivi hay sân khấu.