1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Việc tiếp sức của Nhà nước đối với các sân khấu xã hội hóa không chỉ cần thiết cho các sân khấu truyền thống mà cả những sân khấu kịch nói.

    Sau 8 năm hoạt động, nhóm xã hội hóa sân khấu cải lương Thắp sáng niềm tin đã được Nhà nước hỗ trợ bằng cách chuyển thành đoàn 3 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được đầu tư trang thiết bị biểu diễn; diễn viên, nhân viên của đoàn có lương tháng từ ngân sách của Nhà nước. Sự kiện này ít nhiều có tác động đến các đơn vị xã hội hóa ở những loại hình sân khấu khác.

    Tiếp sức không phải công lập hóa.

    Theo NSND Lệ Thủy: “Đây là sự tiếp sức đúng lúc của Nhà nước đối với một đơn vị xã hội hóa đã có quá trình 8 năm hoạt động. Sự hỗ trợ này mở ra một hướng đi mới cho sân khấu cải lương trong điều kiện khó khăn”.

    Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, phân tích: “14 diễn viên trẻ từng đoạt HCV giải Trần Hữu Trang đã ý thức được trách nhiệm làm nghề nên cánh cửa bảo trợ của Nhà nước đã mở đúng lúc để họ yên tâm cống hiến cho sân khấu cải lương”.

    Nghệ sĩ Võ Minh Lâm - diễn viên chính của đoàn 3 - phấn khởi: “Chúng tôi từ nay được lãnh lương, có bảo hiểm y tế, có được dàn âm thanh, ánh sáng mới được sắm hơn 4 tỉ đồng do Nhà nước cấp. Với kế hoạch dựng 3 vở/năm, 14 diễn viên, 2 công nhân hậu đài yên tâm công tác.

    Cảnh trong vở Hoa vương tình mộng, vở diễn ra mắt của nhóm Thắp sáng niềm tin sau khi được công lập hóa thành đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang

    Ngoài những suất cuối tuần tại rạp Thủ Đô, chúng tôi còn nhận biểu diễn ở ngoại thành, tham gia biểu diễn phục vụ theo chỉ tiêu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TPHCM giao, đồng thời tham gia các chương trình truyền hình của HTV, VTV và các đài phát thanh - truyền hình các tỉnh”.

    Cách làm này, theo một số người, chưa phải là tối ưu khi đưa một đoàn hát xã hội hóa thành đoàn công lập, thay vì vẫn giữ nguyên cơ chế xã hội hóa nhưng được Nhà nước hà hơi tiếp sức.

    Việc tiếp sức của Nhà nước đối với các sân khấu xã hội hóa không chỉ cần thiết cho các sân khấu truyền thống mà cả những sân khấu kịch nói.

    Chỉ xin được vay vốn

    Tác giả Lê Duy Hạnh đánh giá: “Sân khấu xã hội hóa tại TPHCM những năm gần đây bộc lộ một số hạn chế, đó là nhiều đơn vị thiếu chiến lược phát triển để bảo vệ thương hiệu. Trong khi đó, một số đơn vị có kế hoạch, chiến lược đều ăn nên làm ra. Nhìn từ các sàn diễn kịch xã hội hóa tại TPHCM, rõ ràng Kịch IDECAF phát triển có chiến lược khi đầu tư xây dựng tác phẩm có tầm vóc như những vở kịch lịch sử hoặc chương trình kịch thiếu nhi “Ngày xửa, ngày xưa”.

    Kịch Phú Nhuận cũng có chiến lược rõ ràng, một mặt khai thác những kịch bản chuyển thể từ những tác phẩm văn học của dòng hiện thực phê phán lên sân khấu hoặc khai thác kịch giải trí đạt doanh thu cao”.

    Tuy nhiên, nhiều năm qua, những đơn vị này đã tự thân vận động, nỗ lực lấy thu bù chi để dàn dựng đều đặn vở diễn mới và được công chúng đón nhận. Sự lớn mạnh của các đơn vị này đã làm nên diện mạo mới cho sân khấu kịch phía Nam. Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa diễn ra tại Huế đã vỡ ra nhiều điều: các đơn vị sân khấu kịch nói xã hội hóa đang phát huy vai trò của mình trong đời sống kịch, trong khi các đoàn kịch công lập tỏ ra trì trệ, không tiếp cận được với công chúng.

    Thế nhưng, trong tình hình sân khấu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc dàn dựng những kịch bản đỉnh cao, nhất là kịch lịch sử, kịch chính luận mà vốn đầu tư mỗi tác phẩm có thể lên đến tiền tỉ là một sự liều lĩnh. NSND Hồng Vân tâm sự: “Chúng tôi không dám xin Nhà nước tiền đầu tư, chỉ xin được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ văn hóa thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM để có vốn đầu tư cho vở diễn đỉnh cao, sau đó sẽ trả dần”.

    NSƯT Thành Lộc cho biết: “Khi làm kịch lịch sử, chúng tôi muốn đầu tư hoành tráng hơn, lộng lẫy hơn nhưng đều phải liệu cơm gắp mắm. Nhiều năm qua, nếu không có doanh thu của sân khấu thiếu nhi bù đắp cho việc dựng kịch lịch sử thì không thể có những vở như: Vua thánh triều Lê, Bí mật vườn Lệ Chi… Nói thật, nghĩ đến việc xin tiền của Nhà nước để dựng vở, chúng tôi không dám, chỉ mong có tài trợ, đặt hàng một cách thiết thực để chúng tôi có thể yên tâm mà sáng tạo”.

    Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Sân khấu & Nghệ thuật Thái Dương (Chủ nhiệm Sân khấu Kịch IDECAF), nhắc lại: “Sau liên hoan sân khấu xã hội hóa cách đây 8 năm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn hứa sẽ cho Sân khấu Kịch IDECAF 200 triệu đồng để trang bị dàn âm thanh, ánh sáng, đưa kịch và múa rối đến với các trường tiểu học ngoại thành, nơi cần những món ăn tinh thần, nhưng nay cũng chỉ là lời hứa”.

    ĐẠO DIỄN VÕ TRỌNG NAM,
    PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL TPHCM:

    Nhà nước sẵn sàng chia sẻ khó khăn.

    Theo tôi, những thế mạnh mà các đơn vị xã hội hóa làm được như kịch, thời trang, ca nhạc... vẫn nên để họ thực hiện, còn các loại hình nghệ thuật đang gặp khó khăn thì Nhà nước phải làm. Sân khấu cải lương cần có sự đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bởi đời sống nghệ sĩ đang gặp nhiều thử thách nếu sàn diễn cứ tắt đèn.

    Đến một giai đoạn nào đó, sân khấu cải lương buộc phải được bảo tồn như nghệ thuật hát bội nhưng phải sang trọng, có chiến lược và phát huy những hiệu quả của quá trình hình thành, phát triển của bộ môn này. Riêng đối với các đơn vị kịch xã hội hóa, rất cần có những dự án được thiết lập một cách cụ thể. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn, thậm chí hỗ trợ kinh phí để dựng tác phẩm đỉnh cao khi có những đề án cụ thể.

    Bài và ảnh: THANH HIỆP
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Giang Tiên (15-08-2012), romeo (14-08-2012), Thanh Hậu (14-08-2012)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Tham luận qua bài : Tiếp sức sân khấu xã hội hoá.

    Gần đây một số báo loan tin "nhóm thấp sáng niềm tin" trở thành đoàn hát nhà nước với "vốn điều lệ" là 4 tỷ, đặc biệt bài mới nhất "Tiếp sức sân khấu xã hội hoá" cùa Báo Người Lao Động ngày 08/14/2012. Thế là nhà hát Trần Hữu Trang có thêm đoàn 3, còn đòan một, hay đoàn hai thành lập khi nào thì chắc ít khán giả được biết. Nhận được sự tiếp sức từ ngân sách nhà nước, không những giới nghệ sĩ mà không ít khán giả tỏ ra mừng hổ hởi ra mặt.

    Theo NS Lệ Thủy: “Đây là sự tiếp sức đúng lúc của Nhà nước đối với một đơn vị xã hội hóa đã có quá trình 8 năm hoạt động. Sự hỗ trợ này mở ra một hướng đi mới cho sân khấu cải lương trong điều kiện khó khăn”.Còn nghệ sĩ Võ Minh Lâm - diễn viên chính của đoàn 3 - phấn khởi: “Chúng tôi từ nay được lãnh lương, có bảo hiểm y tế, có được dàn âm thanh, ánh sáng mới được sắm hơn 4 tỉ đồng do Nhà nước cấp. Với kế hoạch dựng 3 vở/năm, 14 diễn viên, 2 công nhân hậu đài yên tâm công tác.

    Thật sự không hiều vì sao những nhà làm ngân sách nhà nước lại chọn mặt gởi vàng nhóm "Thắp sáng niềm tin" , khi mà mới đây báo sân khấu, tờ báo duy nhất độc quyền của cải lương đăng bài " Nhớ thắp sáng niềm tin" có viết"



    Thời gian gần đây, nhiều người cũng xôn xao về vở kịch - cải lương Chuyện tình Lương - Chúc. Thế nhưng dù có lạ, có độc đáo thì cải lương vẫn chỉ là yếu tố phụ trợ, làm nổi bật câu chuyện kịch mà thôi. Sàn diễn cải lương vẫn trống vắng......

    Tôi nhớ những con người mỗi khi bước lên sân khấu là ''cháy'' hết mình và cái đẹp của họ chỉ tỏa ra dưới ánh đèn sân khấu chứ không từ bất cứ sự hào nhoáng bên ngoài nào như kiểu cách của những ngôi sao. Tôi nhớ những tối cuối tuần ngồi trong rạp rộng mênh mông để ''khóc cười'' cùng những nhân vật của họ mà bên dưới chỉ vỏn vẹn hai hàng ghế khán giả. Sự lạnh lẽo của khán phòng không thể làm giảm được ''nhiệt'' trên sân khấu.....

    Gần một năm nay, Thắp sáng niềm tin không còn ''đốt sáng'' sân khấu. Nghệ sĩ quá bận rộn chăng hay niềm tin, hy vọng, nỗ lực của người nghệ sĩ đã dần cạn kiệt? Lửa nghề có cao đến mấy thì có lẽ cũng không chịu nổi sự ghẻ lạnh triền miên từ những hàng ghế khán giả.

    Không ngôi sao, lại không đủ tiềm lực để làm những chuyện ''động trời không giống ai để thu hút sự chú ý, ''đốm lửa'' Thắp sáng niềm tin đã lặng lẽ ''ủ ấm'' cho sân khấu cải lương đang trong giai đoạn ''đóng băng'' một thời gian dài nay có thực sự tắt khi không thể đơn thương độc mã chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt cũng là điều dễ hiểu. """

    Khi còn là tư nhân mà nhóm hát hát không có khán giả hay nói như cách nhà báo Chiêu Văn là bị khán già ghẻ lạnh thì khi thành đoàn nhà nước, cái câu "cha chung không ai khóc" không biết có còn linh không? Không biết nhà hát có kế họạch bảo toàn vốn của nhà nước hay của nhân dân khi mà nhà hát bị động từ các khâu tác giả, tác phẩm mới có giá trị, còn danh ca còn "nằm trong lá ủ"...Chỉ có mình soạn giả Hoàng Song Việt, một soạn giả chưa gây được tiếng vang tả xung hữu đột. Hay chỉ là vài năm sau, nhà nước mất cả chì lẫn chài như đầu tư 10 tỷ vào chương trình thể nghiệm hiện đại hoá cải lương " Chiếc Áo Thiên Nga, Kim Vân Kiều", nhưng cuối cùng có được "tạp bí lù".

    Có bốn tỷ, nhưng làm biết bao nhiêu gương mặt rạng rỡ, nhiều người đã thấy "lối đi mới" dù rằng lối đi ấy chưa định được. Nhưng trong quá khứ, khi nhà hát cầm tiền tỷ mà không biết quý, không biết tự cứu mình hay tập đi trên đôi chân của mình. Có được vài tỷ từ doanh thu " Chiếc áo Thiên Nga" hay Kim Vân Kiều, giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang lại vội vã làm từ thiện nhưng tặng "nhằm" người, để giờ đây lại dang tay rút tiền tỷ khác từ ngân sách nhà nước.

    Kiểu làm từ thiện này có đáng được khen ngợi hay không? Bốn tỷ trong cải lương giờ đây tuy là con số "khủng" nhưng đối với nhiều nghệ sĩ cải lương làm từ thiện cho người ngoài ngành là con số chẳng là bao. Giọt máu cải lương sao mà nhạt nhẽo.

    Dường như một số nhà báo, tờ báo khi viết về cải lương xem đọc giả không phài là đối tượng viết của họ, họ cố viết ra nhiều bài càng tốt dù đó là xào đi nấu lại nhưng pha một chút gia vị mới nhưng chứa nhiều thông tin sai mà không bao giờ cáo lỗi cùng đọc giả, họ chi xem một số ý kiến quen thuộc mà qua sự kiềm duyệt của họ mà thôi, nhiều bài làm đọc giả khó chịu đến từ báo Người Lao Động, Báo Sân Khấu...

    Một số nhà quản lý các khâu quan trọng như truyền hình họ tự cho mình vị trí đứng trên luật, điền hình là luật chống hát nhép đã thực thi nhưng trường ban văn nghệ đài HTV vẫn lên báo cho hát nhép một số ngôi sao lớn tuổi để câu khách. Nếu có thông cảm hay muốn ngoại lệ ngoại luật thì nên trình lên ngành tư pháp đề tiến hành sửa chính. Liệu trong cái tình hình rối như tơ vò, bốn tỷ của nhân dân tồn tại trong bao lâu, cải lương có thoát cảnh "trống vắng", sân khấu xã hội chúng ta hoá thành gì?

    Loc Nguyen minh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (15-08-2012), Giang Tiên (15-08-2012), romeo (15-08-2012), Thanh Hậu (15-08-2012)

ANH EM CHANNEL