1. MEM
    Avatar của MEM
    Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) được xem là nơi khai sinh nghệ thuật cải lương. Ngày 15-3-1918, tức cách đây tròn 96 năm, vở cải lương đầu tiên đã trình làng. Và cũng ở vùng đất cây lành trái ngọt đã sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh cho sân khấu cải lương. Tìm về quá khứ, chúng tôi phát hiện thêm nhiều câu chuyện thú vị mà có lẽ chưa nhiều người biết.


    Kỳ 1: Ban nhạc tài tử Mỹ Tho đi Tây


    Theo GS.TS Trần Văn Khê, cải lương được sinh ra từ ca ra bộ, mà ca ra bộ được hình thành từ nghệ thuật đờn ca tài tử. Có một câu chuyện thú vị là ca ra bộ chỉ ra đời sau khi ban nhạc tài tử đầu tiên của VN được mời sang Pháp biểu diễn cách đây hơn 100 năm.

    Ban nhạc tài tử Tư Triều tại Marseille năm 1906 - Ảnh: tư liệu


    Bước ngoặt Marseille

    Những năm đầu thập niên 1900 ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) rất nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Tiếng đờn kìm Tư Triều càng ngày càng hay. Ông Diệp Văn Cương - một trí thức có tiếng thời ấy - đã dùng những mỹ từ để nói về Tư Triều: “Sau khi tôi nghe Tư Triều đờn kìm và tiếng đờn tì bà của ông Năm Diệm thì tôi không muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác”. Ông Pierre Châu Văn Tú (còn gọi là thầy Năm Tú) là chủ rạp chiếu bóng ở Mỹ Tho mời ban nhạc của ông Tư Triều cộng tác, đờn ca tài tử trước khi chiếu phim nhằm mục đích câu khách. Cũng vì sự nổi tiếng này mà ban nhạc tài tử của ông Tư Triều được mời đi Pháp biểu diễn.
    Trong quá trình tìm hiểu về sự kiện này, chúng tôi đã tiếp cận khá nhiều tư liệu. Phần lớn đều viết ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp năm 1910 hoặc 1911. Còn điểm đến ở Pháp là thủ đô Paris. Với những tư liệu chúng tôi có được, những chi tiết đó không chính xác.

    Tại hội thảo về cải lương tổ chức ở Tiền Giang ngày 18-1, TS Mai Mỹ Duyên cũng khẳng định các tư liệu hình ảnh mới tìm thấy đã “đính chính” thời điểm ban nhạc tài tử của ông Tư Triều sang Pháp: năm 1906. Ban nhạc này biểu diễn tại hội chợ đấu xảo cho các nước thuộc địa tổ chức ở TP cảng Marseille từ ngày 15-4 đến 15-11-1906. Hình ảnh chụp gần 100 năm nhưng vẫn rất rõ nét cho thấy ban nhạc đứng bên căn nhà gỗ được mang từ VN sang Pháp lắp đặt.

    Ban nhạc có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp biểu diễn với các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Điểm đặc biệt của ban nhạc tài tử Tư Triều trong thời gian ở Pháp là được nhà tổ chức đưa lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem chứ không phải ngồi dưới sân khấu đờn hát cho khán giả nghe như ở VN.

    Khi về nước, ông Tư Triều kể lại sự việc ban nhạc của ông được người Pháp cho xuất hiện trước công chúng một cách rất trịnh trọng và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Thầy Năm Tú thấy có thể áp dụng cách này được bèn đưa hẳn ban nhạc đờn ca tài tử lên sân khấu của rạp chiếu bóng của mình trình diễn. Cái màn bạc dùng làm phông, giữa sân khấu có lót một bộ ván. Đến lượt ai ca thì người đó đứng trên bộ ván, trình diễn một bài ca và có ra điệu bộ để minh họa. Vì có thêm yếu tố diễn xuất nên các bài ca thu hút thêm người xem hơn trước. Hồi ký của cụ Vương Hồng Sển xác nhận việc này như sau: “Trước năm 1915, chưa có tỉnh nào dám đưa đờn ca lên diễn trên sân khấu công khai. Tỉnh khởi đầu việc này có lẽ là tỉnh Mỹ Tho, vì danh tiếng không thua Sài Gòn. Và dàn đờn tài tử ra đờn cho công chúng đi xem hát bóng thưởng thức chờ quay phim, y như giáo đầu tuồng bên hát bội, là dàn đờn của ông Tư Triều ở Mỹ Tho”.

    Một ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu


    Ca ra bộ

    Hồi ký 50 năm mê hát của cụ Vương Hồng Sển và quyển Sân khấu VN của học giả Trần Văn Khải đều đề cập chuyện sau khi đi Pháp về, ông Tư Triều có nhận lời mời của ông chủ khách sạn Minh Tân (nằm cạnh ga xe lửa Mỹ Tho, bây giờ là khu vực công viên Lạc Hồng, TP Mỹ Tho) và thầy Năm Hộ (chủ rạp chiếu bóng Casino ở Mỹ Tho) đưa ban nhạc tài tử đến biểu diễn hằng tuần. Ở khách sạn Minh Tân diễn cho khách thưởng thức, còn ở rạp Casino diễn trước khi chiếu phim.

    Học giả Trần Văn Khải kể về thời kỳ đầu của đờn ca tài tử được đưa lên sâu khấu từ “hiệu ứng Marseille” thế này: “Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh Mỹ Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm phông, kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang”. Tuy nhiên với ban nhạc tài tử của ông Tư Triều thì khác.
    Cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán nhan đề Bùi Kiệm-Nguyệt Nga một mình cô diễn xuất vai của ba nhân vật: Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga rất duyên dáng: “Kiệm từ khi thi rớt trở về/ Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề/ Cũng tại mầy ham bề vui chơi/ Kiệm thưa: Tài bất thắng thời/ Con dễ nào không lo bề công danh/ Tuổi con còn xuân xanh/ Ơn cha mẹ chưa đền/ Bùi Ông nghe/ Tiếng nỉ non vuốt ve khuyên Kiệm/ Thôi con ở nhà, đặng khuya sớm với cha”. TS Mai Mỹ Duyên cho rằng ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp biểu diễn đã học hỏi được phong cách trình diễn âm nhạc mới mẻ, tiến bộ của các nước trên thế giới. Khi về VN, ban nhạc này áp dụng theo nên đã làm thay đổi phong cách biểu diễn, với cách thức trình diễn gần gũi với công chúng hơn.

    Thời ấy người ở các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá... muốn đi Sài Gòn đều phải ghé ga xe lửa Mỹ Tho nghỉ một đêm rồi sáng hôm sau đi xe lửa lên Sài Gòn. Trong số du khách ấy có ông Tống Hữu Định (còn gọi là Phó Mười Hai) ở Vĩnh Long, là người rất hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho nghỉ chân, ông đi xem hát và được nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán nói trên. Lúc này cô không ngồi chung dàn nhạc ca như trước mà đứng riêng. Sau khi trở về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định nảy ra ý tưởng cho các tài tử ca ở nhà mình đứng trên bộ ván ca và có ra điệu bộ minh họa. Thay vì một tài tử ca đóng vai ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga như ban nhạc tài tử của ông Tư Triều làm ở Mỹ Tho, ông Tống Hữu Định phân vai cho mỗi người ca và diễn xuất một nhân vật. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, khoảng năm 1915-1916.
    Bài Tứ đại oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga là tác phẩm ca ra bộ đầu tiên của ông Trương Duy Toản. Nó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp - một yếu tố cho điệu cải lương sau này. Ông Trương Duy Toản có bút danh là Mạnh Tử (1885-1957), từng bôn ba ở nước Pháp, là cây bút tài hoa về văn chương, báo chí, về sau là tác giả của những vở cải lương đầu tiên như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha. Từ lớp Tứ đại oán ca ra bộ mà một số nơi đã thử nghiệm, ông Toản phát triển thêm bài bản và lời ca đối đáp cho từng nhân vật.

    Năm 1916 Lê Văn Thận (André Thận, chủ hãng tàu người Sa Đéc) đã thành lập gánh xiếc và ca nhạc Tân Nam Việt (Cirque Jeune Annam) chính thức trưng biển quảng cáo ca ra bộ như sau: “Gánh hát Thầy Thận. Ca ra bộ. Các diễn viên của gánh gồm có Bảy Thông, Tám Cang, Tư Hương, Hai Cúc, Năm Thoàng, Hai Biêu, Ba Vui ca toàn những bài lớn như sáu bài Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản và ba bài Nam: Đảo ngũ cung, Nam xuân, Nam ai”. Hình thức ca ra bộ dần đạt đến đỉnh cao, nhiều người ca diễn gọi là hát chập. Đây mới là tiết mục sân khấu, là sự thai nghén chuẩn bị cho sự ra đời của sân khấu cải lương.
    VÂN TRƯỜNG
    Theo TTO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    huongle (09-03-2014), Koala (11-03-2014), romeo (10-03-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 2: Rạp Thầy Năm Tú và vở diễn đầu tiên

    Rạp hát cải lương đầu tiên ở VN chính là rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Rạp Thầy Năm Tú hiện nay vẫn còn được gìn giữ ngay trung tâm TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với tên gọi mới là rạp Tiền Giang.

    Rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, sau này trở thành hí viện Vĩnh Lợi và hiện nay là rạp Tiền Giang - Ảnh tư liệu

    Và cũng chính tại rạp hát này, công chúng lục tỉnh Nam kỳ đã được xem vở cải lương đầu tiên vào tối 15-3-1918.


    Vở cải lương đầu tiên

    Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử cải lương VN, chúng tôi đọc được một số tài liệu ghi vở cải lương đầu tiên của VN trình diễn tại rạp Thầy Năm Tú có tên là Lục Vân Tiên, lại có tài liệu nói là vở Kim Vân Kiều. Ngay cả quyển Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương mới xuất bản năm 2013 của tác giả Lê Ái Siêm ở trang 58 cũng ghi: “Đêm 15-3-1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho, vở cải lương Lục Vân Tiên được công diễn. Ghe thuyền của dân lục tỉnh đặc kín sông Bảo Định. Thiên hạ đen nghẹt, xô đẩy giành nhau mua vé.

    TS Võ Thị Yến (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) nói rằng đề tài luận văn tiến sĩ của bà mới bảo vệ thành công là về lịch sử cải lương nên đã nghiên cứu rất sâu, rất kỹ. TS Yến khẳng định vở cải lương đầu tiên ra mắt ngày 15-3-1918 là chính xác. Còn đêm đó diễn vở gì thì TS Yến cho rằng: “Tuồng hát Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản được chọn làm tuồng khai trương gánh hát Thầy Năm Tú”. Thạc sĩ Nguyễn Thành Lợi (Trường CĐSP trung ương TP.HCM) nói cụ thể hơn: “Ngày 15-3-1918, ông Lê Văn Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú, gọi là gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho và diễn vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản tại rạp Cinéma Théâtre - tức rạp Thầy Năm Tú”. Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Tấn Nhì bổ sung: “Tuồng hát Kim Vân Kiều được chọn làm tuồng khai trương đúng vào ngày sinh nhật của chủ nhân gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho là ngày 15-3-1918 tại rạp hát mang tên ông”.

    Vậy vở Lục Vân Tiên diễn vào thời điểm nào? TS Võ Thị Yến cho biết vở này cũng do Trương Duy Toản dựng và diễn vào năm 1917 tại đoàn hát của André Thận, trước khi ông dựng vở Kim Vân Kiều.

    Thầy André Thận ở Sa Đéc được xem là người có công trong việc phát triển loại hình ca tài tử mới là ca ra bộ, rồi cũng đi tiên phong trong việc tổ chức dựng vở tuồng mang hơi hướng cải lương sau này. Tuy nhiên do quản lý kém và ăn chơi quá trớn nên phải bán gánh hát cho thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Khi thầy Năm Tú tiếp nhận gánh hát đã tuyển thêm một số đào, kép mới và chuộc luôn các vở tuồng của thầy André Thận; mướn thợ vẽ tranh theo lối trang trí rạp hát ở Sài Gòn; may thêm nhiều trang phục biểu diễn cho đào, kép; đồng thời mời ông Trương Duy Toản về làm thầy tuồng cho gánh hát của mình. “Trương Duy Toản là soạn giả hữu danh đầu tiên của sân khấu cải lương trong thời kỳ thứ nhất (1917-1922) và là tác giả của các vở: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu... Ông cũng là người sáng tác vở tuồng ca ra bộ đầu tiên có tên Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, được xem là người khởi công xây dựng một sân khấu mới” - TS Yến nói.

    Thầy Năm Tú - Ảnh tư liệu

    Thầy Năm Tú và đĩa hát Pathé Phono

    TS Mai Mỹ Duyên nói rằng xưa nay các tài liệu về lịch sử cải lương đề cập đến thầy Năm Tú không nhiều, chủ yếu là lướt qua vì “người ta tìm hiểu sâu về đào, kép chứ ít có ai ghi chép về các bầu gánh”. Cũng vì vậy mà tài liệu từ trước đến nay đều không có thông tin gì về năm sinh, năm mất của thầy Năm Tú. Thậm chí nhiều tài liệu chỉ lướt qua vài dòng rồi chuyển đề tài sang nói về đào, kép nổi danh lúc đó như Năm Phỉ, Bảy Nam...

    Tại hội thảo về cải lương ngày 18-1 ở Tiền Giang, TS Võ Thị Yến nói về ông chủ gánh hát cải lương đầu tiên thế này: “Thầy Năm Tú lập gánh hát chơi chứ không chú trọng nhiều về mặt kinh doanh và sống với anh em nghệ sĩ rất tốt. Ông sắm cho gánh một chiếc ghe rất lớn, đào kép có thể ăn ở, tập tuồng ngay trong ghe. Năm 1922 ông đem gánh hát lên Sài Gòn biểu diễn tại Chợ Lớn. Ông còn có sáng kiến giới thiệu đào kép (tableau vivant) bằng cách cho đào kép ra chào khán giả trước khi biểu diễn”. Thầy Năm Tú cũng có quan điểm về nghệ danh của đào kép rất đơn giản rằng kép hát, đào hát cũng là người sống trong giang hồ, nên lấy quy củ giang hồ mà đặt tên. Để cái thứ trong gia đình trước cái tên là xong. Vì thế ông cũng tự đặt cho mình cái tên rất gần gũi là thầy Năm Tú.

    Khi trò chuyện với GS.TS Trần Văn Khê, chúng tôi được biết ông là đồng hương của thầy Năm Tú, tức ở làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho. GS Khê cho biết thêm thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, có người gọi là Pierre Tú vì ông có quốc tịch Pháp, có vợ là cô Tám Hảo (em ruột cô Năm Thoàn là đào hát của gánh hát thầy Năm Tú). Ông là người hào hoa phong nhã, cũng là người Việt đầu tiên mua chiếc xe hơi tại nước Việt. Sau mấy năm nhờ có rạp hát và bán đĩa hát hái ra tiền nên sinh tật xài lớn. Sử sách không ghi rõ lý do gì nhưng thấy làm ăn ngày càng sa sút, đến nỗi phải bán rạp hát cho người khác.

    “Mặc dù thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh; đồng thời tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ lừng danh như Tám Danh, Ba Du, Năm Châu... đều coi thầy Năm Tú như một ân nhân, giúp họ bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương” - ông Khê nói.

    Nhà văn Bình Nguyên Lộc nói thêm về đĩa hát thầy Năm Tú: “Lẽ dĩ nhiên là tuồng hát và ban hát của thầy Năm Tú được vô đĩa hết. Đĩa hát nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi”. Nhớ bạn hát chứ không phải ban hát, có dấu nặng dưới chữ a, bạn có lẽ do bọn mà ra. Văn chương thật kỳ lạ. Tại sao không hát cho thính giả toàn quốc nghe mà chỉ hát cho Hãng Pathé Phono nghe? Và văn chương tuồng tích thì... À thôi, xin không phê bình, cứ trích thử một câu để hồn ma của Hãng Pathé Phono thưởng thức chơi: “Than ôi! Cầu ván chung chinh (chông chênh) nhịp bước, còn cái giải Bích Nguyên lai láng giọt sương”. Văn chương mùi mẫn như vậy nên các bà các cô nghe thì mủi lòng rơi lệ hết ráo, vì hay quá xá. Thế là máy hát bán chạy như tôm tươi. Dần dần các đĩa thầy Năm Tú ở Mỹ Tho được đưa vào thôn ổ vài cái câu khơi mào kỳ khôi ấy được từ thành thị đến thôn quê thuộc làu và đọc lên chơi cho vui miệng”.

    Chuyện về đĩa hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho thời kỳ đó trở nên rất nổi tiếng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều người Sài Gòn xem thầy Năm Tú như là một nhân vật, một sự kiện đặc biệt, đến mức khi hỏi về vật dụng khác cũng đề cập đến ông. Chẳng hạn: “Cái cà vạt của anh chắc đã sắm vào thời thầy Năm Tú phải không?”. Còn cách quảng cáo quê mùa của Thầy Năm Tú trên đĩa hát kiểu như: “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi! Tuồng Kỳ duyên tao ngộ. Alô! Tăng... tắng... tằng...tăng/ Than thở than, đất rộng ông trời dài/ Ra vô, lụy ứa châu mày”, thì ông được xem là tổ sư của ngành tiếp thị. Đó là việc ông có dụng ý bắt hãng đĩa này phải trực tiếp quảng cáo cho gánh hát của ông, nhờ vậy mà đâu đâu cũng biết tiếng gánh hát Thầy Năm Tú. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoài Anh còn cho hay thời đó các nghệ sĩ của gánh hát Thầy Năm Tú được Hãng đĩa Pathé Phono mời thu đĩa đầu tiên.

    Tuy nhiên về sau do thiếu vốn làm ăn nên gánh hát Thầy Năm Tú đã tan rã vào năm 1928. Việc sản xuất đĩa cũng bị dừng không lâu sau đó.
    VÂN TRƯỜNG
    Theo TTO

    Đúng như GS.TS Trần Văn Khê nói, sau sự kiện rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt thì thầy Năm Tú đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi của rạp hát mình; đồng thời truyền bá cải lương đi xa hơn. Khi đại diện Hãng đĩa hát Pathé Phono đến rạp Thầy Năm Tú xem cải lương thì họ rất hài lòng nên đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất đĩa cải lương. Máy hát thầy Năm Tú có đặc trưng riêng là mang nhãn hiệu Con Chó; đĩa hát thì hiệu Con Gà Trống Đỏ. Đĩa hát có hai loại: phát tiếng Hoa cho người Hoa nghe và loại thứ hai phát tiếng Việt cho người VN. Do đĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6-12 đĩa. Lúc bấy giờ nhờ có máy hát đĩa nên nhiều người dân thuộc làu làu các bài ca mà các tài tử ca ở các gánh hát.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Hoàng Hải Minh (11-03-2014), huongle (09-03-2014), romeo (10-03-2014)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 3: Gánh hát toàn là phụ nữ

    Đó là gánh hát có tên Đồng Nữ Ban ra đời năm 1927 do bà Trần Ngọc Diện (còn gọi là cô Ba Diện, 1884-1944) sáng lập và làm chủ. Bà Ba Diện là cô ruột của GS.TS Trần Văn Khê. Điểm đặc biệt là gánh hát này được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo Tỉnh bộ VN thanh niên cách mạng đồng chí hội Mỹ Tho.


    Gánh hát Đồng Nữ Ban - Ảnh: Tư liệu

    Mặc dù chỉ tồn tại hai năm nhưng đã gây khiếp sợ cho thực dân Pháp nên chúng buộc phải thẳng tay đàn áp, bắt bớ.


    Hát cải lương để làm cách mạng

    Ông Trần Văn Khê kể khi gánh hát Đồng Nữ Ban được thành lập thì ông đã 5-6 tuổi. Lúc đó ông cũng khá rành rẽ về nhạc tài tử bởi gia đình ông từ ông nội đến cha, mẹ, cô của ông ai cũng am tường âm nhạc và nổi tiếng thời bấy giờ. Khi gánh hát ra đời thì công chúng mới “chưng hửng” vì diễn viên toàn phụ nữ và không có ai là đào kép rành nghề. Đặc biệt hơn là lập ra không phải với mục đích mưu sinh mà để làm cách mạng, giúp khơi dậy tấm lòng yêu nước của người Việt qua tuồng tích. Một gánh cải lương có kỷ luật như trường nội trú, đòi hỏi diễn viên không phải chỉ biết hát mà còn phải có văn hóa. Sau khi trang trải tất cả chi phí, tiền lời dùng để giúp những nhà cách mạng

    Nhiều tài liệu ghi tên bà Ba Diện là Viện. Thế nhưng ông Khê quả quyết tên đúng của cô ông phải là Diện. Bà Ba Diện là một nhạc sĩ, nghệ sĩ đa tài. Tiếng đàn của bà rất độc đáo, điêu luyện nhất là ngón đàn tì bà và đàn tranh nên được nhiều người mến mộ. Bà có chồng là con một ông phán mê nhạc ở Mỹ Tho, hơn năm sau có con nhưng chỉ nuôi được ba tháng thì mất. Không lâu sau chồng bà cũng mất nên gia đình chồng cho bà trở về quê Vĩnh Kim. Vì buồn nên bà lên Sài Gòn dạy nữ công gia chánh ở Trường Áo Tím nữ học đường (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Tại đây bà tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ của các nhà yêu nước nên sớm giác ngộ tư tưởng của các nhà cách mạng đấu tranh chống thực dân Pháp. Năm 1926 bà Ba Diện đưa học sinh đi dự đám tang cụ Phan Chu Trinh nên bị nhà trường đuổi việc. Trở về quê, bà được gặp và giúp đỡ ông Nguyễn An Ninh khi ông tới Vĩnh Kim hoạt động cách mạng. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ VN thanh niên cách mạng đồng chí hội Mỹ Tho được thành lập. Sau đó chi bộ Vĩnh Kim cũng ra đời và chỉ đạo thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban để làm cách mạng.

    Theo hồi ký của bà Trần Thị Ới (diễn viên của gánh hát) viết ngày 23-3-1976 được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, gánh hát Đồng Nữ Ban ra đời nhằm nhiều mục đích chứ không đơn thuần là hát. Đó là nơi tập hợp, vận động quần chúng đấu tranh công khai và hợp pháp trên sân khấu chống lại chế độ thực dân Pháp. Đó cũng là nơi biểu thị tinh thần bất khuất của nữ giới, phụ nữ có tài không kém đàn ông, nam nữ bình quyền và bình đẳng đúng như câu: “Hai vai gánh nặng sơn hà, Làm cho rỡ mặt đàn bà VN”. Gánh hát có khoảng 30 chị em tuổi từ 17-21 (cá biệt bà Hà Thị Lan gia nhập đoàn khi mới 13 tuổi và sau này trở thành một cán bộ lãnh đạo ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).


    Nữ đóng vai nam mà khán giả không biết

    Ông Trần Văn Khê kể: tại gánh hát Đồng Nữ Ban, các diễn viên được đào tạo về nghề nghiệp, nhưng bắt buộc phải học văn hóa như những học sinh trường trung học. Ngoài ra còn học võ thật sự với một người thầy võ Bình Định để diễn các vai có múa võ, đi quyền. Thời khóa biểu tập luyện và sinh hoạt rất chặt chẽ trong cả tuần. Các diễn viên phải tuân theo kỷ luật được đặt ra như trong nhà thì mặc áo bà ba nhưng khi ra đường (đến rạp hát, đi chợ) phải mặc áo dài tím như nữ sinh Trường Áo Tím nơi bà Ba Diện từng dạy. Tóc chị em diễn viên phải bỏ xõa và kẹp sau lưng. Diễn viên sống chung với nhau và theo thời khóa biểu như những học sinh nội trú: ăn, ngủ, học văn hóa, ca, múa, võ thuật...

    Bà Trần Thị Ới được giao nhiệm vụ quản lý gánh hát nên nhớ rõ sự phân vai trong vở Giọt lệ chung tình - vở ra mắt của đoàn. Chị Nhuận đóng vai Võ Đông Sơ, chị Hà Thị Lan đóng vai Triệu Dõng, chị Lợi đóng vai Bạch Thu Hà, chị Trần Thị Tước đóng vai hề đồng. Sau khoảng sáu tháng tập luyện tại Vĩnh Kim, giữa năm 1928 gánh hát Đồng Nữ Ban ra mắt vở tuồng đầu tiên tại cầu Bà Lung, xã Vĩnh Kim được người dân hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ trong một đêm gánh hát thu được 270 đồng, một số tiền rất lớn thời điểm đó. Điều làm cho khán giả lúc đó cảm phục là các vai kép trong vở tuồng đều do diễn viên nữ đóng nhưng người ngoài không hề biết vì diễn rất hay, rất giống đàn ông. “Nhiều người không tin nên tò mò vạch phòng hóa trang hoặc đón ở cửa để nhìn tận mặt xem các vai kép vừa trên sân khấu bước xuống là đàn ông hay phụ nữ”-bà Ới kể.

    Theo quy định của chính quyền thực dân, mở đầu trước khi vào tuồng phải có một lớp đầu tất cả đào kép đứng trên sân khấu ca bài La Madelon. Khi vãn tuồng phải ca phần điệp khúc của bài La Marseillaise (Quốc ca Pháp). Thế nhưng thầy tuồng Nguyễn Tri Khương (ông Trần Văn Khê gọi ông Khương là cậu) đặt ra những câu mang đậm tư tưởng dân tộc như: dân ta phải giúp cho ta, máu nóng quyết rưới vì nước. Và thay vì hát điệp khúc bài La Marseillaise, bà Ba Diện và ông Khương đồng ý thay bằng bài Long Hổ hội.


    Ngăn cản Đồng Nữ Ban

    Khi chúng tôi may mắn tìm được những trang giấy đã ố vàng ghi lại lời của bà Trần Thị Ới thì thấy rõ hơn trí thông minh và uy tín của bà Ba Diện cũng như nỗ lực rất lớn của chị em diễn viên thời ấy.

    Trong lần ra mắt thứ hai của gánh hát Đồng Nữ Ban ở xã Bình Trưng (Mỹ Tho), địch cho côn đồ lấy đá đổ lên đường không cho đoàn di chuyển, buổi tối thì giả làm ma nhát chị em diễn viên rồi giật tiền của đoàn. Mặc dù vậy gánh hát vẫn biểu diễn thành công và thu được tới 300 đồng tiền bán vé. Lần thứ ba gánh hát Đồng Nữ Ban ra mắt là tại rạp Thầy Năm Tú - Mỹ Tho, bị côn đồ xông vào phòng hóa trang chọc ghẹo và đe dọa. Rồi khi gánh hát Đồng Nữ Ban sang tỉnh Bến Tre biểu diễn lại bị phá hoại một cách táo tợn hơn trước. Bà Ới kể: Khi ghe chở gánh hát vừa cập bến, địch cho côn đồ cởi truồng giả đi tắm sông lảng vảng trước mũi ghe của chị em và buông lời trêu ghẹo khiến chị em sợ phải chui vào ghe đóng cửa lại. Tối, bọn côn đồ ném đá vào rạp hát và cướp tiền bán vé. Bà Ba Diện phải đến gặp tên quận trưởng yêu cầu can thiệp vì nếu để như vậy thì “mất lịch sự và luật pháp bị coi thường”. Cuối cùng đêm diễn cũng diễn ra thành công.

    Khi gánh hát Đồng Nữ Ban về Bến Cát (Thủ Dầu Một) thì chúng không cho dọn đồ lên rạp. Bọn mã tà, mật thám bắt bớ không cho bán vé. Khi đoàn cố đưa đồ lên rạp chuẩn bị diễn thì chúng thẳng tay ngăn cản. Bà Ba Diện phải chạy về Sài Gòn cầu cứu. Bác Tôn Đức Thắng cử bốn ôtô chở trí thức tiến bộ như bác sĩ Nhã, Diệp Văn Kỳ... và một số mật thám cảm tình với cách mạng đến tận nơi can thiệp, bảo vệ gánh hát diễn xong mới về Sài Gòn.

    Nhưng bước ngoặt quan trọng khiến gánh hát Đồng Nữ Ban phải giải tán năm 1929 là việc Hòe và Lưu bị địch bắt giam với lý do gánh hát Đồng Nữ Ban làm chính trị, tuyên truyền sách động quần chúng phá rối trật tự trị an. Lúc này tổ chức phải cho gánh hát ngưng hoạt động và cho diễn viên phân tán để đề phòng bị địch bắt. Ngoài ra thời điểm này bác Tôn Đức Thắng đi Trung Quốc để dự đại hội hợp nhất ba tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc chủ trì nên chỉ đạo giải tán gánh hát Đồng Nữ Ban. Bà Ba Diện trở về quê Vĩnh Kim sinh sống, góp công nuôi dạy các anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Thị Mộng Trung ăn học thành tài. Bà mất tháng 8-1944, thọ 60 tuổi.

    Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bà Hà Thị Lan (1915-1992) sinh tại xã Vĩnh Kim trong một gia đình nông dân nghèo, không được học hành. Bà được cha mẹ đồng ý cho tham gia gánh hát cải lương Đồng Nữ Ban khi mới 13 tuổi. Sau khi gánh hát giải tán, bà Lan tiếp tục tham gia phong trào Nam kỳ khởi nghĩa. Năm 25 tuổi, bà được bầu làm bí thư Quận ủy Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thành công ở địa phương. Vì lý do an toàn khi hoạt động cách mạng, bà đổi tên thành Nguyễn Thị Hồng. Bà từng bị địch bắt tra khảo dã man nhưng vẫn giữ khí tiết của người cộng sản. Bà từ trần vào ngày 2-3-1992. Để ghi nhớ công lao của bà, Đảng bộ và nhân dân Vũng Liêm đã đặt tên trường mầm non thị trấn mang tên bà: Trường Mầm non Nguyễn Thị Hồng.



    VÂN TRƯỜNG
    Theo TTO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    huongle (09-03-2014), romeo (10-03-2014)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 4: Bạch công tử và cô đào Phùng Há

    Gần cùng thời với gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho còn có gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử cũng đình đám ngang nhau. Bạch công tử cũng cất một rạp hát cho riêng mình ngay bên cạnh nhà ông ở tại P.3, TP Mỹ Tho bây giờ.



    Nghệ sĩ Phùng Há trong vở Tô Ánh Nguyệt - Ảnh: Tư liệu

    Sở dĩ gánh hát Huỳnh Kỳ gây tiếng vang là vì có dàn diễn viên hùng hậu, đi lưu diễn khắp nơi bằng thuyền máy chứ không phải thuyền chèo như các gánh hát khác. Ngoài ra, gánh hát này còn thu hút mọi người bởi sự hiện diện của cặp vợ chồng rất nổi tiếng thời bấy giờ: Bạch công tử và cô đào Phùng Há.


    Công tử nhà giàu mê cải lương

    Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (sinh năm 1897), là con ông đốc phủ Lê Công Sũng ở Mỹ Tho. Nhà giàu nên Phước được cho đi du học tại Pháp bảy năm và nhập quốc tịch Pháp, lấy tên là Phước George. Thời ấy ở miền Tây có hai công tử giàu có, nức tiếng ăn chơi là công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) và công tử Mỹ Tho chính là Phước George (Bạch công tử).

    Ông Vương Hồng Sển kể trong hồi ký của mình thế này: một năm nọ ở chợ Sóc Trăng xảy ra cuộc đụng độ giữa hai công tử, một người đen là Hắc công tử ở Bạc Liêu, một người là Bạch công tử ở Mỹ Tho nổi tiếng đào hoa, ăn chơi hào phóng. Khi buổi hát đã về khuya, Hắc công tử lấy ví thuốc ra hút. Loay hoay thế nào mà tờ giấy con công 5 đồng bạc lúc ấy từ trong túi rơi xuống đất nên phải sờ soạng, mò mẫm dưới đất tìm như lão thợ may đánh mất kim. Bạch công tử thấy mắc cỡ giùm nên hỏi:
    - Toa (Toi - tiếng Pháp có nghĩa là anh, mày...) làm gì kỳ cục vậy?
    - Moa (Moi - tiếng Pháp có nghĩa là tôi, tao...) kiếm tờ giấy con công. Đ.M. mới rớt xuống đây là mất tiêu như có ma giấu.
    - Nè, để moa cho mượn cây đuốc.

    Nói rồi Bạch công tử lấy tờ giấy Vingt (20 đồng bạc) đốt lên soi sáng cho Hắc công tử tìm tờ 5 đồng bạc.

    Sau khi thầy Năm Tú mở gánh hát cải lương, vùng đất Mỹ Tho cũng rộ lên phong trào lập gánh hát. Bạch công tử cũng rất mê cải lương và quen nhiều đào, kép ở xứ này nên cùng với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương năm 1926. Thế nhưng chỉ khoảng một năm thì Bạch công tử tách ra thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và cưới cô đào nổi danh lúc bấy giờ là Phùng Há làm vợ (bà Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 và mất năm 2009). Sau đó Bạch công tử đầu tư tiền của xây dựng rạp hát Huỳnh Kỳ vào năm 1928 và sắm bốn chiếc thuyền lớn chạy bằng máy được trang bị đầy đủ để đi lưu diễn khắp nơi. Gánh hát Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch công tử-Phùng Há nổi danh không thua gì gánh hát Thầy Năm Tú lúc bấy giờ vì quy tụ lực lượng đào, kép đình đám như Phùng Há, Ba Vân, Tám Du, Năm Phỉ...

    GS-TS Trần Văn Khê cho biết thêm thời ấy chỉ có duy nhất gánh hát Huỳnh Kỳ đi lưu diễn bằng ghe máy, dùng cờ vàng làm hiệu. Chiếc đi đầu dành riêng cho chủ gánh có lầu, giống như một du thuyền hay dinh thự trên bờ với nhiều phòng đầy đủ tiện nghi như: phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí. Ba chiếc sau dành riêng cho đào-kép hát và chở đạo cụ. Để tạo khí thế, mỗi lần thuyền rời bến Bạch công tử cho đốt pháo vang dội rồi cả ba chiếc ghe hụ còi inh ỏi. Bạch công tử bắn chỉ thiên một phát súng lục, ra lệnh khởi hành. Khi đến nơi diễn thì Bạch công tử cho kéo cờ lên, bắn ba phát súng, đào kép cùng ca bài Đoàn ca viết về đoàn Huỳnh Kỳ. Gánh hát này đi đến đâu gây tiếng vang đến đó, khán giả tới xem rất đông. Bạch công tử còn thuê võ sĩ quyền anh người Philippines theo bảo vệ đoàn cùng với các thân hữu là võ sĩ người Việt.


    Hết tiền thì bán đất để hát tiếp

    Một trong số ít người còn sống hiện nay biết khá rõ về cuộc đời của bà Phùng Há chính là người cháu gọi bà bằng ngoại-bà Nguyễn Thị Bích Hoa (52 tuổi, thường gọi là Thủy) đang sống ở chùa Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM. Bà Hoa kể rằng từ nhỏ bà đã theo phụ giúp bà Phùng Há nên biết và được nghe kể lại nhiều chuyện từ rất xưa. Bà Hoa cũng là người ghi chép lý lịch và các sự kiện liên quan đến bà Phùng Há khi bà còn sống.

    Bà Hoa kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chi tiết về gánh hát Huỳnh Kỳ và mối tình ngắn ngủi của Bạch công tử - Phùng Há. Tài sản mà bà Hoa cất rất kỹ và nâng niu như báu vật mấy chục năm nay chính là album hình thời trẻ của ngoại Phùng Há. Chỉ tay vào bức ảnh cô gái trẻ đẹp mặc áo dài có ghi chú “Phùng Há 17 tuổi - gánh Huỳnh Kỳ”, bà Hoa nói rằng bà Phùng Há làm vợ Bạch công tử khi chỉ mới 16-17 tuổi. Trước đó, năm 15-16 tuổi bà Phùng Há đã làm vợ của nghệ sĩ Tư Chơi nhưng chia tay sau đó không lâu.

    Tuy nhiên mối lương duyên Bạch công tử-Phùng Há chỉ kéo dài được bảy năm. Hai người sinh hai con nhưng cả hai đều chết khi chỉ được vài tháng tuổi. “Ngoại kể lại là khi sống với Bạch công tử bà rất hạnh phúc, được xem như bà hoàng lúc bấy giờ. Có điều Bạch công tử nổi tiếng đào hoa, ăn chơi xả láng nên nhiều lúc ngoại cũng buồn. Ngoại là người rất mê hát, được Bạch công tử bỏ tiền lập gánh hát rồi đi diễn khắp nơi nên dù buồn ngoại cũng không phiền hà chồng bởi bà quan niệm về hạnh phúc rất giản đơn là được hát cải lương phục vụ khán giả là vui rồi” - bà Hoa kể.


    Nghệ sĩ Phùng Há chuẩn bị ra sân khấu - Ảnh tư liệu


    Vở cải lương ra mắt của gánh hát Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình do thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh dựng. Trong vở này, Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà, Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ. Ngoài ra, gánh hát Huỳnh Kỳ còn diễn nhiều vở gây tiếng vang là: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Người đàn bà không tên, Kim Tinh nương xuất thế, Tình chung tình...
    Ghe hát của đoàn Huỳnh Kỳ đi các tỉnh miền Tây thường chọn các sân đình lớn để dựng sân khấu, bán vé, biểu diễn. Mỗi nơi như vậy gánh hát thường ở lại hát liên tục 7-10 ngày vì mỗi lần dựng và tháo dỡ sân khấu rất cực nhọc. Phùng Há chỉ mê ca hát, không quan tâm chuyện làm ăn của gánh hát Huỳnh Kỳ. Bạch công tử cũng không quan tâm mà giao cho người quản lý. Nhiều lúc bán vé ế, gánh hát khó khăn thì Bạch công tử về Mỹ Tho bán đất. Cách bán đất của Bạch công tử cũng không giống ai vì bán lần một “mớ” chứ không đo đạc gì hết. Nếu người mua đất than thở thiệt thòi thì Bạch công tử cho thêm một “mớ” nữa như bán rau ở chợ vậy.

    Ngoài ra, theo thạc sĩ Lê Ái Siêm, Bạch công tử luôn mang theo một đội bóng để thi đấu giao lưu với địa phương nơi gánh hát Huỳnh Kỳ tới. Ban ngày đội Huỳnh Kỳ đấu với đội bóng địa phương. Dù thắng hay thua Bạch công tử cũng chiêu đãi tiệc và mời xem hát cải lương buổi tối. Vì vậy buổi diễn nào cũng rất đông người xem. Một bằng chứng khác cho thấy gánh hát Huỳnh Kỳ có khán giả rất đông là hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu của nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Trong hồi ký này ghi: “Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai”.

    Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hoa, lúc sinh thời bà Phùng Há hay nhắc nhiều đến Bạch công tử dù hai người chia tay nhau từ lâu. Bà bảo thời ấy người ta còn gọi Bạch công tử là “công tử Uy” (oui, tiếng Pháp có nghĩa là đồng ý). “Bạn bè đến nhà chơi, thấy bộ salon đẹp nên ngỏ ý xin, Bạch công tử lập tức nói: “Uy, toa cứ lấy về xài đi!”. Rồi bất cứ thứ gì trong nhà, thậm chí đang mang trên người mà bạn bè xin ông cũng trả lời ngay “Uy”. Cũng vì xem trọng bạn bè, ăn chơi xả láng, phóng khoáng như vậy nên chẳng mấy chốc tài sản, của cải của Bạch công tử “đội nón ra đi” hết và trở thành người trắng tay. Khoảng năm 1930, hầu hết gánh hát cải lương ở VN rơi vào khó khăn. Gánh hát Huỳnh Kỳ của đại công tử Bạch công tử cũng không ngoại lệ.

    Đến năm 1935 Bạch công tử cho phục hồi gánh hát Huỳnh Kỳ nhưng không còn gây tiếng vang nữa. Một thời gian ngắn sau gánh hát này tan rã và mối tình trai tài gái sắc Bạch công tử - Phùng Há cũng kết thúc. Sau khi chia tay Phùng Há, Bạch công tử tiếp tục ăn chơi đến mức phải sống nhờ bạn bè. Ông được Nguyễn Hoàng Phi (con trai Huyện Chung) ở Chợ Gạo, Tiền Giang đưa về cưu mang, chăm sóc. Khoảng năm 1950 Bạch công tử qua đời. Còn Phùng Há sau khi chia tay Bạch công tử đã được gánh hát Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ mời về làm đào cho gánh hát này.
    VÂN TRƯỜNG
    Theo TTO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    huongle (09-03-2014), romeo (10-03-2014)

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 5: Thầy Năm Châu

    Không chỉ là cái nôi của cải lương, đất Tiền Giang còn là nơi sinh ra rất nhiều nghệ sĩ (NS) tên tuổi trên lĩnh vực này ngay từ thuở khai sinh loại hình nghệ thuật này cho đến nay.




    Nghệ sĩ Năm Châu - Ảnh tư liệu


    Có thể kể ra như Năm Phỉ, Bảy Nam, Phùng Há, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Trần Văn Khê, Hoàng Tuyển, Kim Cương, Ngọc Giàu, Minh Phụng... Trong đó, NS Năm Châu được xem là thầy của những bậc thầy về cải lương vì ông vừa là kép giỏi, vừa là soạn giả, đạo diễn kỳ tài.


    Đa tài và đa tình

    NS Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu, sinh năm 1906 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc P.2, TP Mỹ Tho). Năm 16 tuổi, ông gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú và nhanh chóng trở thành kép chính sáng giá nhất sân khấu bởi ngoại hình đẹp trai lẫn giọng ca trời phú.

    Viết về ông, soạn giả Viễn Châu nhận định: “Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chính sáng giá nhất của ban cải lương Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông. Thế nhưng, anh lại không đoán được số phận long đong của con tim mình, mà có lẽ đây cũng là cái bệnh chung (khó trị) của giới NS”.

    Người vợ đầu tiên của NS Năm Châu là nữ diễn viên Sáu Trâm. Hai vợ chồng ông từng là một cặp đào kép ăn khách nhất giữa thập kỷ 1920 với hình tượng Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà trong vở Giọt máu chung tình. Sau khi cô Sáu Trâm đột ngột rời bỏ về quê nhà An Giang, NS Năm Châu kết hôn với NS cùng quê với ông: NS Tư Sạng, với biệt danh nữ đệ nhất danh ca thời tiền chiến. Cả hai có với nhau năm mặt con thì NS Tư Sạng bỏ đi lấy chồng khác.

    Đây là một cú sốc lớn trong cuộc đời NS Năm Châu, và từ đó vở kịch Phũ phàng ra đời, sau chuyển thành tuồng cải lương Men rượu hương tình. Nội dung vở kịch nói về cô đào hát tham tiền, phụ rẫy người chồng là NS nghèo để chạy theo kẻ khác giàu sang. Anh chồng kép hát vẫn đeo đuổi theo nghiệp cầm ca, giải buồn bằng men rượu và gục chết trên sân khấu sau đêm diễn tuồng. Đến năm 1948, NS Năm Châu kết hôn với NS Kim Cúc, cả hai có với nhau sáu người con, cùng chung tay tạo nên một nền móng nghệ thuật cải lương “thật và đẹp” cho đến lúc ông mất năm 1977.

    NS Năm Châu còn có một mối tình với NS Phùng Há. Theo hồi ký của soạn giả Viễn Châu, mối tình giữa hai người đã chớm nở khi gặp nhau vào năm 1925. Sau đó bị chia cắt khi NS Phùng Há kết hôn với nhạc sĩ Tư Chơi. Lúc NS Năm Châu gá nghĩa với Tư Sạng, sinh con đẻ cái thì NS Phùng Há chia tay Bạch công tử. Lúc NS Năm Châu bị NS Tư Sạng bỏ rơi thì NS Phùng Há cũng đã kết duyên cùng người khác. Tuy vậy, mối tình ấy vẫn được cả hai gìn giữ đến cuối đời.

    Một apphich quảng cáo vở diễn có nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há ngày 22-8-1952 - Ảnh tư liệu



    Trong ký ức Bạch Tuyết

    NSND Bạch Tuyết kể lại: “Năm 1961, lúc tôi về ban Thống Nhất thì tên tuổi của ba Năm Châu, má Bảy Phùng Há đã được lứa hậu sinh chúng tôi xem như tổ nghề. Tôi may mắn được ba Năm chỉ dạy từ lúc ấy. Ông là người thầy rất tinh tế. Biết tôi giọng yếu, ông đã hướng tôi tập trung luyện sắc cảm của mình thành một nét riêng biệt để có thể thành công trong thời gian ngắn nhất”.

    Theo NSND Bạch Tuyết, NS Năm Châu là một người ít nói. Ông lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề. Là học trò thân cận và làm việc với NS Năm Châu một thời gian dài, nhưng NSND Bạch Tuyết chưa thấy ba Năm của mình nhậu nhẹt hay có một cử chỉ nào thái quá bao giờ. Đời ông gần như gắn liền với việc soạn tuồng, tập tuồng và dạy tuồng. “Vừa là một người làm cách mạng, vừa có quá nhiều nỗi niềm tình cảm riêng tư có thể là nguyên nhân để ông trở thành một người trầm tính. Ông chỉ nói những lúc cần nói và nói câu nào cũng triết lý sâu sắc” - NSND Bạch Tuyết nhận xét về người thầy của mình.

    Đến tận bây giờ, NSND Bạch Tuyết vẫn còn nhớ như in lời dạy của NS Năm Châu khi lên sân khấu: “Vở diễn nhiều vai, nhưng khi con đã bước lên sân khấu thì làm sao khán giả chỉ nhìn thấy mỗi con, mặc cho sân khấu có ồn ào như thế nào”.

    Từ khi thành danh, NS Năm Châu đã là một bậc đàn anh hướng dẫn, chỉ dạy cho nhiều NS tên tuổi sau này như Phùng Há, Tư Sạng, Sáu Ngọc Sương, Thanh Loan... Nhưng phải đến khi thành lập ban Việt kịch Năm Châu vào năm 1948, NS Năm Châu mới chính thức bắt đầu vai trò chủ yếu là đạo diễn và đào tạo diễn viên cải lương. Lúc này, NS Năm Châu và NS Trần Hữu Trang đã tham gia cách mạng, hoạt động chống thực dân Pháp. Là người đặt nền móng cho một nền cải lương “thật và đẹp”, NS Năm Châu rất chú trọng đến tri thức và hình ảnh đời sống NS. Ban kịch của ông rất có lề lối, kỷ cương. Ông nghiêm khắc đề ra các điều nội quy “cấm nói tục, cờ bạc, hút nghiện”. Ông còn thuê người về dạy chữ cho những NS trong ban kịch của mình.

    NSND Bạch Tuyết nhớ lại: “Với ông cải lương phải thật và đẹp, người NS phải mang hồn thật sự của vai diễn. Ba Năm Châu buộc chúng tôi phải am hiểu kỹ càng, nghiên cứu không ngừng về cả lịch sử dân tộc trước những tuồng cổ. Có những vai diễn chúng tôi tập đi tập lại mấy ngày vẫn không vừa ý ba Năm”. Nhưng quan trọng nhất, những người được NS Năm Châu dạy luôn cảm nhận được tấm lòng nhiệt huyết của một người làm cách mạng đang muốn chống lại thực dân thời bấy giờ.

    NSND Bạch Tuyết kể tiếp: “Lời lẽ trong tác phẩm Bình Tây Đại nguyên soái của ông thể hiện rất rõ ý chí chiến đấu của mình. Sau này kể lại cho chúng tôi, ba Năm Châu cho biết ông đã quan niệm làm sao mình chửi được Pháp mà Pháp không bắt được mình từ lúc mới bước chân vào nghiệp diễn”. Năm 1962, NS Năm Châu trở thành một trong những giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Ông còn là một chuyên gia trong việc chuyển âm, lồng tiếng phim nước ngoài khi thể loại này mới phát triển ở Việt Nam.

    Khi tu nghiệp tiến sĩ tại Anh, NSND Bạch Tuyết càng bất ngờ và nể trọng hơn người thầy Năm Châu của mình. Bà nói: “Nghiên cứu sâu rộng về Tây học nên NS Năm Châu thấm nhuần phương pháp diễn xuất của trường phái Stanislavski, một phương pháp diễn xuất biểu hiện tâm lý và dạy chúng tôi rất kỹ. Mãi mấy chục năm sau khi học ở Anh tôi mới biết những điều ba Năm Châu dạy mình toàn là phương pháp hiện đại của thế giới. Ông học bố cục trong các tác phẩm của phương Tây, cách đẩy mâu thuẫn cao trào theo phát triển của tâm lý và soạn kịch thường theo quan điểm này”.

    Trong hồi ký của mình, soạn giả Viễn Châu viết về NS Năm Châu một cách trân trọng, xem như một người thầy đáng kính: “Anh Năm Châu thường lấy tích tuồng từ các sách truyện của Pháp và Anh để chuyển thể cải lương và bắt đầu khai sáng trào lưu cải lương “thật và đẹp”. Chính anh Năm Châu đã cho tôi niềm tin vào khả năng để tự tin thử sức. Tôi đã đi theo chủ trương của anh, sân khấu cải lương phải thật và đẹp”.

    SƠN LÂM
    Theo TTO


    NS Năm Châu để lại cho đời hơn 50 tác phẩm dài và vô số vở ngắn mà ông viết theo yêu cầu chưa thể thống kê hết. Một số tác phẩm nổi tiếng có thể kể như: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Tư sinh tử, Đóa hoa rừng, Thái tử Hàm Lệ, Túy Hoa vương nữ, Miếng thịt người, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình, Nước biển mưa nguồn... Cuối đời ông viết Ngọn cờ đầu, Ngao sò ốc hến... Đặc biệt ba vở Men rượu hương tình, Nợ dâu, Sân khấu về khuya được liệt vào những vở kinh điển về hình tượng người NS và cũng xem như tuyên ngôn nghệ thuật về sân khấu của ông.
    Với những đóng góp to lớn của mình, NS Năm Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1988. Tên của ông cũng được đặt cho giải thưởng truyền thống “Giọng ca cải lương trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh Tiền Giang” nhiều năm nay.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    huongle (09-03-2014), romeo (10-03-2014)

  11. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 6: Năm Phỉ và những vai diễn huyền thoại


    Nói đến nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người ta hay nhắc những cái tên như: Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương... chứ ít ai nói đến Năm Phỉ. Thế nhưng với những người lớn tuổi yêu nghệ thuật cải lương thế hệ trước thì Năm Phỉ mới là nghệ sĩ kỳ tài bậc nhất thiên hạ.


    Nghệ sĩ Năm Phỉ - Ảnh tư liệu


    Soạn giả Nguyễn Ngọc Minh (giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang) nói về nghệ sĩ Năm Phỉ với sự kính trọng: “Xưa nay tôi chỉ mới nghe có một người hát cải lương hay đến mức khán giả tưởng những gì đang diễn ra trên sân khấu là ở đời thật nên leo lên hành hung nhân vật phản diện, hoặc đồng thanh xin tha chết cho nhân vật mà nghệ sĩ Năm Phỉ đóng. Bà không có danh hiệu do Nhà nước phong tặng nhưng lại có vô số danh hiệu trong lòng nhân dân”.


    Vai diễn trăm lần, khán giả vẫn khóc

    Tài liệu của tác giả Lê Tấn Chí ghi lại được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang xuất bản năm 1993 cho biết nhiều người thế hệ trước năm 1954 rất yêu mến nghệ sĩ Năm Phỉ. Vai diễn bất hủ của bà là Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi. Vai diễn này đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Năm Phỉ lên tột đỉnh vinh quang. Cũng vì diễn vai này quá tuyệt vời nên năm 1931 gánh Phước Cương của bầu Nguyễn Phước Cương (chồng nghệ sĩ Năm Phỉ) được chọn sang Pháp tham dự hội chợ đấu xảo quốc tế tại Paris và cũng diễn vở này cho khán giả xem. Sau khi xem nghệ sĩ Năm Phỉ diễn vai Bàng Quý Phi, ký giả của tờ La Comédia đã viết: “Nữ diễn viên tài nghệ này muốn dẫn dắt ta đến đâu cũng được”. Sự kiện này còn được nhạc sĩ Lê Thương kể lại vào tháng 10-1988 thế này: “Năm 1931 cô Năm Phỉ được mời sang Paris cùng các tài tử gánh Phước Cương, trong đó có anh Hai Nhiêu, để lưu diễn hai tuồng xuất sắc nhứt thời đó là Xử án Bàng Quý Phi và Phụng Nghi Đình. Các tài tử trứ danh Pháp và báo chí quốc tế ở Paris ngạc nhiên và khen ngợi cô vô cùng.

    Ký giả Ngọc Điền trong một bài báo thời ấy đã kể lại: “Người ta vẫn nhớ mãi hình ảnh của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ có vóc dáng mảnh khảnh, đài các ấy qua ba vai tuồng thật đặc sắc: Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình, Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi và Lan trong vở Lan và Điệp... Tài nghệ xuất chúng của cô Năm Phỉ được diễn tả qua sắc diện, điệu bộ không thiếu một nét đã làm rơi nước mắt biết bao khán giả. Xem cô diễn, người ta phải tội nghiệp cho Bàng Quý Phi mặc dù có đoạn làm người ta rất ghét người đàn bà nham hiểm ấy”. Đoạn Bàng Quý Phi - Năm Phỉ làm khán giả xúc động nhất là khi Địch Thái Hậu bảo vua ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Bàng. Lúc này Năm Phỉ diễn xuất thần: run rẩy toàn thân từ đầu đến chân, mặt cắt không còn chút máu. Bàng Quý Phi thụp ngay xuống đất, lết đến chân vua cầu khẩn, van xin. Đôi mắt, sắc diện của Năm Phỉ diễn rất tha thiết làm cho nhiều người xem rơi lệ. Nhiều khán giả thương yêu Bàng Quý Phi quá bèn la lớn: “Tha đi! Tha đi!...”.

    Ký giả Thanh Đạm viết: “Chúng tôi biết cô Năm Phỉ từ thuở còn cắp sách đến trường. Cuộc đời học trò với cơm cha áo mẹ làm gì có tiền nhưng chúng tôi cũng ráng ky cóp dành dụm đủ mua cái vé hạng bét nửa phần tiền vào chiều thứ bảy để thưởng thức tài nghệ cô Năm Phỉ... Đặc sắc nhứt là vai Bàng Quý Phi. Nghệ thuật diễn xuất của cô Năm Phỉ hấp dẫn, lôi cuốn hầu hết khán giả. Nhiều ông già lấy khăn lau nước mắt, lắm bà cụ mếu máo khóc không thành tiếng, một đứa trẻ như tôi cũng thấy điếng lòng”.

    Một số tài liệu ghi lại rằng từ ngày có cải lương đến khi nghệ sĩ Năm Phỉ còn chói sáng trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương thì chưa có vở diễn nào đạt nhiều kỷ lục như vở Xử án Bàng Quý Phi. Vở này nghệ sĩ Năm Phỉ phải diễn đi diễn lại mấy trăm suất mà khán giả vẫn đông nghẹt. Ngoài ra nghệ sĩ Năm Phỉ còn được tặng bốn huy chương của bốn quốc gia, nhận 186 bức thư tỏ tình của khán giả, 1.009 tấm danh thiếp với những lời khen nức nở, 167 kiểu ảnh và 42 bài báo viết về vở diễn này. Tiền thù lao mà nghệ sĩ Năm Phỉ nhận được với vai Bàng Quý Phi lên đến 230.000 đồng thời đó, trị giá hàng ngàn lượng vàng. Vai diễn Bàng Quý Phi của nghệ sĩ Năm Phỉ đã trở thành huyền thoại nên sau này những diễn viên khác đóng vai Bàng Quý Phi thì khán giả không còn cảm giác “hỉ, nộ, ái, ố” như trước.


    Thiên tài đoản mệnh

    Năm lên 13 tuổi, tài năng của Năm Phỉ được ông thợ bạc trong xóm là Hai Cu phát hiện. Sau khi thuyết phục được mẹ bà Năm Phỉ cho con theo nghề hát, năm 1920 ông Hai Cu vận động giới thợ bạc ở Mỹ Tho thành lập đoàn hát Nam Đồng Ban. Tuy nhiên cha của Năm Phỉ phản đối kịch liệt vì ông rất ghét “xướng ca vô loài”. Cũng vì việc này mà Năm Phỉ bị ông tuyên bố từ con.

    Khi gia nhập đoàn hát, Năm Phỉ yêu kép chính là Hai Giỏi. Thế nhưng sau đó Hai Giỏi ngã bệnh bất ngờ rồi ra đi mãi mãi. Năm Phỉ đau buồn tuyệt vọng vì lần đầu tiên biết yêu và được yêu lại bị gãy đổ. Nhưng đó chưa phải là mất mát lớn nhất mà Năm Phỉ phải chịu đựng bởi vì vài tuần sau đến lượt cha ruột bà cũng từ giã cõi đời. Điều an ủi duy nhất của Năm Phỉ khi trở về nhà thọ tang cha là được mẹ thông tin lại: “Trước khi chết ba đã tha thứ cho con. Ba đã gọi tên con...”. Hai cái tang ập đến cùng lúc, Năm Phỉ bỏ hát nên đoàn Nam Đồng Ban cũng tan rã. Đó là năm 1921. Được một thời gian thì bà Tư Sự đến mời Năm Phỉ đi hát lại và lập đoàn hát lấy tên là Tái Đồng Ban. Nghe cô đào chính Năm Phỉ tái xuất trên sân khấu, khán giả lại ùn ùn kéo đi xem. Sau đêm diễn đầu tiên Năm Phỉ nhận được thư khen và động viên của một công tử từng du học ở Pháp tên Nguyễn Phước Cương.

    Đến năm 1926 Năm Phỉ rời đoàn Tái Đồng Ban sang đầu quân cho gánh Văn Hí Ban của ông Huỳnh Văn Vui. Tại đây Năm Phỉ gặp lại ông Nguyễn Phước Cương khi ông bao rạp Moderne cho gánh Văn Hí Ban biểu diễn. Sau đó hai người yêu nhau. Ông Cương lập gánh hát lấy tên là Phước Cương và Năm Phỉ trở thành đào chính. Lúc này tài năng của Năm Phỉ càng chói sáng. Cũng vì vậy mà năm 1931 gánh hát Phước Cương đã được chọn sang Pháp biểu diễn và gây tiếng vang lớn.

    Ngoài ra, Năm Phỉ còn nổi tiếng với vai Lan trong vở Lan và Điệp. Năm Phỉ diễn vai này hay đến mức các soạn giả và nghệ sĩ cải lương lão thành cho rằng đây là vai độc quyền của bà, chưa có ai thay thế nổi. Mẹ của Năm Phỉ xem vở này nhiều lần vẫn tưởng chuyện trên sân khấu là ở đời thực nên cứ khóc nức nở. Năm Phỉ thường nói: “Hễ bước ra sân khấu thì phải hát hết mình, sống trọn vẹn với vai tuồng các nhân vật đó, phải hát thật hay chớ không phải làm điệu bộ huê dạng để làm đẹp, để mua tiếng vỗ tay của khán giả”.

    Ngày 2-6-1954 nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ qua đời vì bệnh tai biến mạch máu não. Năm Phỉ qua đời khi chỉ mới 46 tuổi, đã làm giới nghệ sĩ bàng hoàng. Nghệ sĩ, soạn giả nổi danh thời ấy là Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu - cũng là người bạn thân thiết của Năm Phỉ) đau buồn thốt lên: “Thôi rồi! Một tấn kịch đã hạ màn, một quyển truyện dài 46 năm đã được đọc đến dòng chữ chót. Một người lầm. Một thế hệ có thể lầm, nhưng nhân loại không lầm được. Hậu thế sẽ phê phán một cách công bằng và đặt cô đúng vào vị trí. Tôi xin nhường lời cho hậu thế. Ở đây, chúng tôi chỉ bồi hồi thương tiếc một thiên tài đáng mến, ngậm ngùi khóc cho một nghệ sĩ dầu có được tiến lên nấc thang danh vọng cao vút mà số kiếp vẫn ghi nhiều ít thiệt thòi”.

    Theo Lê Tấn Chí, cuộc đời nghệ sĩ Năm Phỉ như quyển sách nhiều chương, sang chương nào cũng tuyệt tác, không có vết mực hoen ố, không có đoạn văn nào lạc nghĩa. Cô rất thủy chung. Khi cô gặp luật sư Huỳnh Văn Chín đã xe duyên cầm sắt với cô cho đến hơi thở sau cùng. Luật sư Huỳnh Văn Chín là một mối tình lớn trong cuộc đời cô. Sau khi cô nằm xuống rồi, chiều nào trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cũng có người ăn mặc chỉnh tề mang bó hoa hường đến đặt trên mộ cô để tưởng nhớ lại hình ảnh người bạn tình chung đã yên nghỉ dưới ba tấc đất.

    VÂN TRƯỜNG
    Theo TTO

    5 anh chị em theo nghệ thuật
    Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1908 tại làng Điều Hòa, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình công chức. Thân sinh ra Năm Phỉ là cụ Lê Tấn Công - một trí thức Tây học nhưng chịu ảnh hưởng khá rõ nét tư tưởng Nho giáo. Ông Công có 11 người con, được đặt tên có ý nghĩa: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để. Trong số này có năm người theo nghệ thuật và rất thành danh là: Ba Danh, Năm Phỉ, Bảy Nam (thân sinh NSND Kim Cương), Chín Bia, Mười Truyền.

    Ghi nhận tài năng, đóng góp lớn lao của Năm Phỉ cho nghệ thuật sân khấu cải lương của nước nhà, tỉnh Tiền Giang đã lấy tên bà đặt tên cho một con đường ngay trung tâm TP Mỹ Tho - đường Lê Thị Phỉ.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (10-03-2014)

  13. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ cuối: Trăm năm sân khấu đèn vẫn sáng

    19g ngày 20-2, cả trăm người dân đã có mặt trước rạp Tiền Giang (rạp Thầy Năm Tú xưa) để chờ xem chương trình nghệ thuật cải lương miễn phí định kỳ hằng tháng do Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức.



    Một buổi diễn trước cửa rạp Thầy Năm Tú - Ảnh Sơn Lâm

    Do sở đã giao mặt bằng rạp hát cho nhà thầu trùng tu, nâng cấp để bảo tồn nên buổi diễn này được tổ chức phía trước cửa rạp, trên đường Lý Công Uẩn. Một sân khấu dã chiến nho nhỏ và tấm phông sân được dựng lên có vẻ tạm bợ gợi cho người xem nhớ những gánh hát đơn sơ về vùng sâu, vùng xa khoảng 30 năm trước nhưng luôn đông nghịt người xem.


    Thăng trầm rạp hát Thầy Năm Tú

    Ông Nguyễn Huỳnh Anh, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang, là người đề xướng và cũng là người được giao cầm trịch hoạt động này nhằm mục đích giữ cho sân khấu cải lương đầu tiên ở VN vẫn luôn sáng đèn phục vụ công chúng. Ông cho biết khoảng thập niên 1950, thầy Năm Tú bán lại rạp hát cho chủ tiệm vàng Phước Tín đối diện rạp hát. Ông chủ mới Phước Tín đã cho xây dựng một vòng cung cao ở mặt trước của rạp, gắn biển mới là hí viện Vĩnh Lợi. Mái ngói bị mục nát nên được lợp lại bằng tôn cho đến ngày nay. Trong một thời gian dài, hí viện Vĩnh Lợi vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn, vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng.


    Ngôi nhà của Bạch Công Tử
    nay là Phòng thông tin văn hóa TP Mỹ Tho - Ảnh: V.TR

    Sau ngày đất nước thống nhất, ông chủ tiệm vàng Phước Tín đi định cư nước ngoài. Hí viện Vĩnh Lợi được Ty Văn hóa - thông tin Tiền Giang quản lý và đổi tên thành rạp hát Tiền Giang. Đến năm 1981 rạp được trùng tu lại toàn bộ. Thời gian này cũng là thời điểm cực thịnh của nghệ thuật cải lương. Tại rạp hát luôn có mặt những tài danh sân khấu như Thanh Nga, Út Bạch Lan biểu diễn nên trở thành điểm đến lý tưởng nhất của người dân Mỹ Tho.

    Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, cho biết khoảng đầu thập niên 1990 số người mê cải lương ít dần do xuất hiện nhiều loại hình giải trí khác. Rạp hát hầu như bỏ không và xuống cấp trầm trọng. UBND tỉnh đã giao Đài Phát thanh - truyền hình Tiền Giang xây dựng phim trường nhưng không có vốn nên trả lại. Sau đó tỉnh giao UBND TP Mỹ Tho quản lý, đầu tư một dự án nào đó. Tuy nhiên cũng vì thiếu vốn mà thành phố chưa làm ngay. Năm 2011 Sở VH-TT&DL lập đề án bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật cải lương và đề nghị tỉnh giao lại rạp hát này. Sở giao cho Hội Văn học nghệ thuật lập kế hoạch tổ chức biểu diễn cải lương hằng tháng để giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo cải lương và để giữ cho sân khấu Thầy Năm Tú xưa vẫn sáng đèn. Hội đã chọn ngày 20 hằng tháng để tổ chức biểu diễn ca cổ, cải lương... Từ đó đến nay sân khấu này luôn sáng đèn đúng vào ngày 20, bất kể trời mưa bão hay sáng trăng. Số lượng khán giả đến xem cải lương ngày càng nhiều, từ người già đến thanh niên. Thậm chí nhiều buổi diễn chúng tôi còn bắt gặp người nước ngoài đến xem. Cuối năm 2013 chúng tôi tình cờ gặp ông Robert Nugier (người Pháp) cùng vợ là người quê gốc ở Tiền Giang đến xem cải lương rất chăm chú. Ông bảo nghe vợ nói ở Tiền Giang có rạp hát cải lương gần 100 tuổi và cải lương là nghệ thuật độc đáo của người dân quê vợ nên đòi đến xem cho biết.

    Lúc tiếp nhận lại rạp, bên trong gần như là một đống hoang tàn. Phải mất một thời gian dọn dẹp, tu sửa sơ sài, những buổi biểu diễn không vé vào ngày 20 hằng tháng của ông Huỳnh Anh cùng các nghệ sĩ cải lương mới được suôn sẻ. Trước tết Giáp Ngọ 2014, kế hoạch trùng tu tổng thể rạp hát được duyệt, nhà thầu đóng cửa rạp hát để chuẩn bị thi công, ông Huỳnh Anh mới quyết định dọn ra ngã ba đường trước rạp để tiếp tục tổ chức.


    Giữ nghiệp trăm năm

    19g30, tiếng đàn guitar phím lõm bắt đầu nổi lên vang vọng cả một khu vực chợ Mỹ Tho. Những Mỵ Châu - Trọng Thủy, những Thạch Sanh - Nguyệt Nga sống động lần lượt cất lên tiếng ngân nga ngọt ngào. Cả trăm người ngồi ngay ngã ba đường Nguyễn Huệ - Lý Công Uẩn hướng mắt về phía sân khấu dã chiến “ngấu nghiến” từng lời ca, tiếng đàn. Giữa ngã ba đường, những nghệ sĩ cải lương cùng khán giả như hòa vào nhau, chia sẻ niềm vui được hát và được thưởng thức nghệ thuật dân tộc gần gũi đã được những nghệ sĩ thiên tài Phùng Há, Bảy Nam, Năm Phỉ, Năm Châu phát triển thành loại hình nghệ thuật đỉnh cao lấy biết bao nước mắt, nhưng cũng đem tới bao nhiêu cảm xúc cho người dân Nam bộ.

    “Những nghệ sĩ tham gia biểu diễn ở rạp Thầy Năm Tú xưa thuộc câu lạc bộ đờn ca tài tử và cải lương Tiền Giang, cũng như nghệ sĩ đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về. Họ đều là những nghệ sĩ chuyên nghiệp”, ông Huỳnh Anh cho biết. Kinh phí một đêm diễn không quá 5 triệu đồng nên việc biểu diễn hằng tháng tại rạp Tiền Giang gần như không có thù lao. Có chăng chỉ hỗ trợ tiền xăng xe cho nghệ sĩ ở xa về Mỹ Tho biểu diễn. Ông Huỳnh Anh cũng là một soạn giả có tên tuổi trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Phần lớn những đoạn tuồng biểu diễn tại đây đều do ông sáng tác không lấy thù lao. Ông cũng kiêm luôn công việc của một đạo diễn từ viết chương trình đến tập dượt cho diễn viên trước khi biểu diễn.

    Cởi bộ trang phục Trọng Thủy vừa biểu diễn xong tuồng cải lương, diễn viên Minh Tuấn gấp một cách cẩn thận cất vào túi xách để chuẩn bị cho tiết mục vọng cổ mới. Anh tâm sự: “Một bộ đồ diễn giờ mấy triệu đồng, tụi tui phải giữ để biểu diễn nhiều lần. Được diễn ngay chính trên sân khấu của những giọng ca lừng lẫy từng khiến mình theo nghiệp cải lương là cả một niềm tự hào”. Diễn viên Ngọc Hiền đứng bên cạnh tiếp lời: “Cái nghiệp cải lương đã thấm vào người thì được diễn là nhất rồi”. Họ là những giọng ca trưởng thành từ Câu lạc bộ đờn ca tài tử và cải lương Tiền Giang. Với các diễn viên này, việc diễn hằng tháng ở rạp hát gần trăm năm tuổi cũng là một cách để tạ ơn với tổ nghề.

    Bà Nga (60 tuổi, người dân ở P.10, TP Mỹ Tho) tâm sự: “Tôi mê cải lương cũng từ rạp hát này ngày xưa. Giờ già rồi nhưng ngày 20 tháng nào cũng tranh thủ đi gần 10 cây số đến đây xem hát cải lương”. Với những người yêu cải lương như cô Nga, sẽ không có bất cứ dàn âm thanh, hình ảnh hiện đại nào có thể sánh được với không khí của những buổi biểu diễn cải lương gần gũi mà sống động như tại rạp hát Thầy Năm Tú xưa. Hiểu được mong muốn của người dân, ông Huỳnh Anh quả quyết: “Chúng tôi sẽ tổ chức đúng kế hoạch ngay bên ngoài cửa rạp để giữ không khí và tạo thói quen cho người dân. Khi nào trùng tu xong, rạp hát mở cửa trở lại sẽ có một nơi rất đàng hoàng, lịch sự để chào đón những người yêu nghệ thuật cải lương đến xem những nghệ sĩ nổi tiếng, những giọng ca trẻ đầy triển vọng biểu diễn những vở cải lương bất hủ mấy chục năm trước”.
    SƠN LÂM
    Theo TTO


    Trùng tu rạp hát và nhà Bạch công tử
    Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Rạp hát Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chấp thuận làm hồ sơ xem xét chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Việc trùng tu rạp hát, cùng với việc trùng tu nhà của Bạch công tử ở P.3, TP Mỹ Tho thành điểm du lịch cũng là một trong những nội dung của đề án xây dựng, bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương ở Tiền Giang”.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL