1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    (VOH) - Nghệ sĩ Vũ Luân không những được mệnh danh là “hoàng tử” sân khấu chuyên sắm những vai kép đẹp mà anh còn rất nhạy bén khi đứng ra thành lập nhóm sân khấu xã hội hóa Vũ Luân. Từ lúc thành lập đến nay cũng đã hơn 10 năm, mỗi suất diễn của nhóm đều thu hút một lượng khán giả lớn bởi sân khấu của anh, ngoài kinh phí của cá nhân, anh còn vận động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp nên khá mạnh tay trong từng khâu từ kịch bản, âm nhạc sân khấu đến việc mời các sao trong vở diễn.

    Tuy nhiên, nghệ sĩ Vũ Luân cho biết, dù được khán giả hết lòng ủng hộ nhưng nhóm sân khấu Vũ Luân cũng không thể diễn thường xuyên vì không có điểm diễn và không có nhiều kịch bản hay đủ thu hút khán giả. Các doanh nghiệp thì khi tài trợ lại luôn thích một dự án dài hơi để quảng bá cho sản phẩm của họ nên khi mình làm cắt khúc họ cũng không mấy mặn mà.
    Biểu diễn tại sân khấu Sen Việt.

    Một trong những sân khấu cải lương theo phương thức xã hội hóa đã có những ngày khởi đầu không “dễ thở” là sân khấu cải lương của nghệ sĩ Linh Huyền. Năm 2011, sân khấu cải lương của Linh Huyền chính thức ra mắt với nhiều kịch bản được đầu tư chỉn chu nhưng kết quả không như được như ý.

    Không nản lòng, Linh Huyền tiếp tục tìm kịch bản, tăng cường công tác quảng bá, thực hiện các chương trình sân khấu tổng hợp xen kẽ với các kịch bản cải lương và đến hôm nay.

    Sau nhiều nỗ lực thì sân khấu này cũng đã bắt đầu đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, việc không có một nơi diễn ổn định, phải đi thuê sân khấu cho những buổi tập cũng như buổi diễn đã làm nguồn kinh phí đội lên gấp bội.

    Cùng khó khăn chung với nghệ sĩ Vũ Luân, bà bầu Linh Huyền chia sẻ: “Những yếu tố dẫn đến thành công trước tiên là chất lượng nghệ thuật, bên cạnh đó là cơ sở vật chất. Hiện tại, phần lớn những đơn vị làm cải lương xã hội hóa rất chật vật để tìm điểm diễn.

    Không có sân khấu của riêng mình thì làm sao có những chương trình theo đúng ý tưởng để thu hồi vốn và tái đầu tư. Đây là một trong những yếu tố mà những người làm sân khấu như chúng tôi đang trăn trở”.

    Những sân khấu trẻ hơn, dù phải “vất vả” hơn rất nhiều nhưng vẫn quyết bám trụ để giữ lửa và giữ nghề, có thể kể đến một số cái tên như: sân khấu Duyên Tằm, sân khấu tuồng cổ Trường Giang, CLB sân khấu Lạc Long Quân…

    Thành lập được gần 2 năm, sân khấu cải lương tuồng cổ Trường Giang dù nhận được nhiều lời động viên khen ngợi từ những người trong nghề cũng như khán giả nhưng họ vẫn phải hoạt động ở trạng thái cầm chừng vì phải loay hoay với doanh thu và điểm diễn.

    Yếu tố tiếp theo đó là công tác truyền thông, một sân khấu trẻ với nguồn kinh phí hạn chế, không có nhiều cơ hội quảng bá nên dù có diễn hay đến đâu mà vắng khán giả thì cũng xem như “đổ sông đổ biển”, một chút bâng khuâng, nghệ sĩ trẻ Trường Giang – chủ nhiệm của sân khấu này bày tỏ:

    “Khó khăn trước tiên là kinh tế, hiện nay sân khấu không còn như trước nên rất khó để kéo khán giả đến. Khó khăn kế tiếp là ý tưởng chương trình, thời gian qua, việc thực hiện chương trình còn những hạn chế. Cuối cùng, yếu tố quan trọng không kém là rạp hát, không có rạp, hoặc có được một rạp hát ưng ý không đơn giản".

    Một trong những sân khấu cải lương theo phương thức xã hội hóa thành công nhất hiện nay chính là sân khấu cải lương Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt. 3 năm không phải là con số quá lớn, nhưng 3 năm qua sân khấu này đã cho ra đời nhiều kịch bản hay với lượng khán giả ổn định.

    Một trong những bí quyết thành công được đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ đó chính là chiến lược, với mục tiêu rõ ràng sẽ dẫn đến thành công hơn là cứ làm rồi tính tiếp. Tuy nhiên cũng như nhiều sân khấu khác.

    Sen Việt cũng gặp phải khó khăn về sàn diễn, không phải lúc nào cũng tìm được một điểm diễn ưng ý, mà sàn diễn của cải lương thì lại mang tính đặc thù riêng, không như những loại hình nghệ thuật khác.

    “Tôi cho rằng sự đồng tâm hợp lực của các nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu hiện nay nhiều. Vậy vấn đề còn lại là tính chiến lược cho từng đối tượng khán giả. Thời gian qua, chúng ta đã mất nhiều khán giả đến với cải lương chúng ta thiếu những kịch bản hấp dẫn.

    Muốn sáng tạo nhiều hơn nhưng chúng ta không có một nhà hát cho cải lương, điều này gây khó khăn nhiều”, Thạc sĩ, Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết thêm.

    Khó mà đem loại hình nghệ thuật này để so sánh với loại hình nghệ thuật kia vì mỗi thể loại có những đặc thù riêng nhưng nhìn những thành công của các sân khấu kịch theo phương thức xã hội hóa mà không khỏi chạnh lòng cho các sân khấu cải lương.

    Trong khi các sân khấu kịch thỏa sức thăng hoa với sàn diễn của riêng mình thì nhiều nhóm sân khấu cải lương phải chen chút trong cùng một sân khấu.

    Thiếu kịch bản hay, thiếu nhạc công, hạn hẹp về kinh phí... là những rào cản cho những sân khấu cải lương xã hội hóa tính đến thời điểm hiện tại. Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nhấn mạnh: "Xã hội hóa hoạt động của kịch nói nổi trội hơn cải lương. Kịch nói chỉ cần diễn viên còn cải lương phải hội tụ cả âm nhạc.

    Cải lương hiện nay đang trong tình trạng không có cơ sở hạ tầng, vừa thiếu những vở mới lại vừa thiếu vắng khán giả. Điều này làm sân khấu cải lương ít có những đêm sáng đèn”.

    Có thể thấy khi sân khấu cải lương đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong lúc chờ nguồn kinh phí của nhà nước, nhiều nơi đã chấp nhận rủi ro tự đầu tư kinh phí để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu cũng như tiếp thêm lửa đam mê cho các nghệ sĩ trẻ.

    Nếu có sự đầu tư đúng mức, một chiến lược rõ ràng thì chắc chắn trong tương lai các sân khấu cải lương ở dạng này sẽ là những dấu son đẹp cho đời sống sân khấu cả nước. Đây thật sự là một cơ hội tốt để giữ nghề, giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống.

    Cơ hội luôn đi đôi với thách thức, vậy thì mỗi người hãy dang một bàn tay để các nghệ sĩ cùng vượt qua thách thức này để lưu giữ và viết tiếp những giá trị vàng son cho sân khấu cải lương./
    Ngọc Thu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (23-09-2014), romeo (22-09-2014)

  3. thuyduyen
    Avatar của thuyduyen
    kêu gọi nhà nước bỏ tiền ra hổ trợ cho cải lương dể rồi giết cải lương theo sự gò bó của nhà nước phải không
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to thuyduyen For This Useful Post:

    romeo (22-09-2014)

ANH EM CHANNEL