Nhạc sĩ Minh Nhường tên thật là Nguyễn Văn Nhường, sanh năm 1952 tại tỉnh Kiến Hoà (nay là Bến Tre). Là con thứ 10 của nghệ nhân Ba Móng, thầy đờn nhạc lễ (Cao Đài Bến Tre), nhạc tài tử nổi tiếng ở Kiến Hoà (Bến Tre). Từ 10 tuổi được cha dạy đờn, (trong gia đình anh, chị, em đều biết đờn ca) chơi hay nhiều nhạc cụ như guitar phím lõm, tranh, kìm, cò, gáo, violon. Từng là cây đờn chánh cho nhiều đoàn hát khi mới tròn 18 tuổi.
Từ năm 1975 đến 1983, trưởng ban nhạc tân, cổ của đoàn cải lương Bến Tre, năm 1983 rời đoàn Bến Tre Minh Nhường lên Sài Gòn, đờn chánh cho Đoàn 2 nhà hát Trần Hữu Trang, đến năm 1985 ông Chín Bùng, Trưởng đoàn cải lương Trung Hiếu, người cùng quê Bến Tre mời về nắm dàn nhạc cho đoàn, đang chuyển từ bán chuyên nghiệp, lên chuyên nghiệp. Năm 1990 anh nghỉ đờn ở đoàn Trung Hiếu, lập nhiều nhóm nhạc lễ phục vụ cho các đám tang, đám cúng đình, mở lớp dạy đờn ca, học trò của anh như Lệ Thu Thảo, Ngọc Thảo, Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê... đều đã thành danh.
Năm 1991 Minh Nhường được cô Sáu Liên, Giám đốc hãng dĩa Việt Nam mời ký độc quyền đờn violon, hợp cùng anh cầm Sáu Lệ, danh cầm Văn Hải lập nên ban nhạc cổ thường trực cho hãng dĩa Việt Nam danh tiếng. Nhạc sĩ Sáu Lệ qua đời, Văn Hải chuyển qua cộng tác cho các trung tâm băng nhạc khác, danh cầm Văn Giỏi, danh cầm Minh Thảo thay thế, cùng Minh Nhường để lại cho đời hơn 500 chương trình tuồng cải lương, bài ca tân cổ với những danh ca Minh Cảnh, Minh Vương, Thanh Tuấn, Châu Thanh, Linh Vương, Vũ Linh, Vương Linh, Thanh Nam, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Phượng Hằng, Cẩm Tiên… Tuy sở trường là cây đàn guitar phím lõm, nhưng đờn violon, đờn cò, đờn gáo Minh Nhường mới thật xuất sắc, đứng vào số ít nhạc sĩ đờn kéo hàng đầu, xứng đáng được coi là một trong vài danh cầm trẻ tiếp nối, theo thế hệ danh cầm Hai Thơm, Tư Thiên, Tư Huyện, Ngọc Sáu…
Khi diễn tấu anh đờn nhạc lễ ra nhạc lễ, tài tử ra tài tử, cải lương ra cải lương. Là con nhà nòi, được học cơ bản, nền tảng nhạc lý rất giỏi, đúng gốc giai điệu của từng thể loại nhạc cổ Nam bộ, nên không bị pha trộn. Không ít những tay đờn hay, ngón đờn rất ngọt, nhưng hay bị pha tạp không giữ đúng nguyên gốc, khi hòa tấu hay đờn dựa, đờn mượn, coi như thiếu căn bản. Minh Nhường thì khác, nhất là khi anh kéo violon, hay cò, gáo, âm điệu loại đờn nào ra âm loại đờn ấy, không có chuyện chữ đờn cò, gáo, violon lộn xộn, nghe cây nầy, giông giống cây kia. Khi diễn tấu nhạc lễ thì trầm hùng, ai oán tiếng nhạc khơi mở cõi tâm linh, khi chơi đờn ca tài tử thì trang trọng, điệu nghệ, hơi điệu, nhịp nhàng vững chắc ra phong thái của những nghệ nhân bậc thầy, khi đờn tuồng cải lương hay bài ca tân cổ thì trữ tình, du dương, mượt mà, trẻ trung, tiếng đờn hòa quyện theo tâm trạng của nghệ sĩ thể hiện, của nội dung bài ca. Nhạc sĩ đờn kéo thường thì người hay cung dài, người hay cung ngắn, Minh Nhường thì tuyệt hảo cả hai cung, xốc cung dài tung bay, lả lướt, nhẹ cung ngắn rỉ rả, ru êm, giỏi cả 3 dòng nhạc, chính là nền tảng để Minh Nhường khẳng định vị trí, làm sáng danh những tay đờn xuất sắc xuất thân từ xứ dừa có truyền thống nhạc lễ,, nhạc tài tử. Ngoài đờn nhạc lễ, đờn sân khấu, hãng dĩa, anh còn là tay đờn cộng tác thường xuyên của Đài TNND TP.HCM trong các hội thi giọng ca cải lương hằng tuần, giải Bông Lúa Vàng, có gần 30 năm làm cộng tác viên gắn bó.
Trong sự nghiệp của mình, Minh Nhường đã sáng tác ra dây Tam Giang cho đờn guitar phím lõm. Năm 1997 trong một lần cùng đoàn văn nghệ sĩ TPHCM, phối hợp với văn nghệ sĩ Cà Mau đi công tác vào vùng nông thôn các huyện thuộc tỉnh Cà Mau, tàu đang lướt êm êm trên dòng sông Tam Giang, khung cảnh mây nước hữu tình, lòng nghệ sĩ dễ dàng tràn cảm xúc, trong lúc cao hứng Minh Nhường lấy cây guitar thùng rao lên mấy tiếng nhạc du dương, dây đờn lạt, bấm thử vài chữ đờn nghe là lạ, hay hay mới xuống dây 2, buông thành chữ xừ, giữ nguyên dây 1, (khác với dây Ngân Giang, khi đờn dây Ngân Giang phải xuống cả dây 1 dây 2) khi đờn dây 1, 2 buông nhiều. Đờn dây đào nghe rất mùi, Minh Nhường đờn thử cho mọi người nghe, Đạo diễn NSND Huỳnh Nga khen hay, Tác giả NSƯT Thanh Vũ đặt tên là dây Tam Giang. Từ đó, Minh Nhường đờn dây Tam Giang nhiều lần trên sóng phát thanh, thu âm trong CD làm tư liệu gốc, dây Tam Giang song hành cùng dây Ngân Giang làm phong phú thêm bản đờn vọng cổ dây đào cho cây đờn guitar phím lõm, ghi nhận sáng tác của người nghệ sĩ tài hoa. Trong gia đình Minh Nhường hầu hết đều tham gia nghề đờn, kể cả các chị gái, em gái cũng đờn hay. Người em kế Minh Nhường là nhạc sĩ Minh Lời là người nghiên cứu nhạc lễ và nhạc tài tử đã có ra sách, hai người con trai của chị thứ tư, gọi Minh Nhường bằng cậu là nhạc sĩ Minh Đậm đờn guitar phím lõm chánh cho đoàn cải lương Bến Tre, nhạc sĩ Minh Được đờn chánh cho đoàn cải lương Long An. Đời nhạc sĩ cổ nhạc lắm thăng trầm, buồn vui, nhưng được sống với nghề, tiếp nối sự nghiệp của ông cha truyền lại đã thành nếp nhà tự nhiên của gia đình Minh Nhường. Hằng ngày anh vẫn dạy đờn ca, đi đờn cho Đài TNND TPHCM, thời gian còn lại nghiên cứu, thu âm lại nhiều bài bản xưa với nhiều loại nhạc cụ như kìm, cò, tranh, gáo, sến, mỗi chương trình hòa tấu hay độc tấu của anh có sắc thái độc đáo, thể hiện đúng phong cách dòng nhạc do ba anh, nghệ nhân Ba Móng truyền lại. Lên TP được trao đổi thêm lý thuyết, kinh nghiệm dân gian từ danh cầm Văn Vĩ, Văn Giỏi, Ba Tu, Vũy Chổ, Sáu Lệ… Đã bổ sung rất nhiều vào kho kiến thức nghề nghiệp của mình. Anh dạy học trò đờn, trước khi phát triển cái mới, phải nắm vững cơ bản, gốc cội, từ gốc cội mới sáng tạo thêm hoa lá cành. Sáng tạo mới mà không giữ căn bản, sẽ chệch hướng, thành một thứ khác. Cổ nhạc miền Nam theo đà phát triển của xã hội cần phải biết thích nghi, nhưng không được mất gốc, lai căng, đó là kim chỉ nam của Minh Nhường và của gia đình đã mấy đời theo nghiệp tổ. Người nghệ sĩ đờn cổ nhạc ngày nay không chỉ đờn giỏi, đờn hay, mà còn phải biết hệ thống, đúc kết lại những tinh hoa, tiếp tục kế thừa và phát triển nghề đờn cổ nhạc tài tử, cải lương.
(sưu tầm)