Nói như NP thì 15 câu song cước NP viết cho tôi đàn cung hò tư hay hò nhất?
Chữ đờn ký âm trong bản Song Cước mà NP viết cho chú là chữ đờn theo dây hò tư.
Chú cứ đờn y như ký âm đó thì tự nó sẽ ra hơi giống như hò nhất là hơi của Song Cước, vì đang đờn Đảo Ngũ Cung ở dây hò tư thì chữ đờn phải là chữ đờn của dây hò tư.
Cách nói chuyển qua hò nhất là cái hơi của hò nhất mà thôi. Còn nói chuyển cung hò nhất là nói theo cách nói của mấy thầy đờn vườn, tức là nói kiểu bình dân cho giới bình dân dễ hiểu, đại khái như nói Vọng cổ dây xề.
Cái khổ là những thầy đờn hấu hết là chỉ có khiếu về ngón đờn mà không có học lực để thông hiểu nhạc lý về cung bậc, nên cứ dùng lẫn lộn giữa cung bậc với các cách lên dây đờn. Lâu dần qua nhiều thế hệ thành thói quen cứ lẫn lộn hoài.
Biết rằng Song Cước là do Trống Xuân mà thành, mang chữ đờn của Trống Xuân. Khi đờn Trống Xuân thì chữ XÀNG nằm ở vị trí phím thứ 2 dây tồn. Nhưng khi đàn Song Cước thì chữ XÀNG này nằm ở vị trí phím thứ 2 dây tang, mà phím thứ 2 dây tang là chữ PHAN. Đang đờn, chúng ta không đổi dây thì đó là chữ PHAN, không thể gọi XÀNG. Phải thông nhạc lý mới hiểu điều này. Không thông thì cãi hoài suốt đời. Chẳng hạn người học lực lớp 3 mà nói căn số hay phương trình bậc 3 thì làm sao họ hiểu.
Tượng tự như vậy, những người nói Vọng cổ dây XỀ, thì xét coi học lực họ tới đâu và trình độ nhạc lý của họ tới đâu.
Đã nói nhạc tài tử là nhạc bác học thì tại sao lại nghe lời những người học lực quá kém, mà người xưa đã nói: "nhân bất học bất tri lý".
Ngay cả những người hiện nay là "bậc thầy" đang giảng dạy... xuất thân học lực của họ cũng không cao, chẳng qua họ có khả năng về chuyên môn (tài tử, cải lương) mà thôi.
Khi đờn Đảo Ngũ Cung trở qua Song Cước thì trở hơi mùi (hơi Ai) tại chữ PHAN thì tại sao gọi đó là XÀNG (mặc dù trong Lớp Trống thì đó là chữ XÀNG).
Cổ nhân nói "nhập gia tuỳ tục", khi Lớp Trống trở thành Song Cước (đã nhập tịch vào Đảo Ngũ Cung) thì phải gọi theo chữ đờn của Đảo Ngũ Cung.
Xưa nay giới đờn ca tài tử hay cãi nhau triền miên cũng vì có những người không thông nhạc lý. Nói theo tục ngữ Việt Nam là:
"Nói ngang, ba làng cãi không lại".
Nếu vẫn dùng chữ đờn của Trống Xuân thì người ta dễ lẫn lộn với Lớp Mái (Mái Ai), vì cái "air" của Mái Ai và Song Cước giống nhau. Bởi vậy có rất nhiều người không rành khi nghe Song Cước mà nói là Mái Ai.
Chú nghe Lệ Thu Thảo ca Song Cước rồi so với Mái Ai thử coi, nếu không biết thì tưởng là một bản.