Cải lương và Phan Thiết
Theo cố học giả
Vương Hồng Sển, cải lương có gốc tích từ Nam kỳ, phát triển trên nền tảng của ca ra bộ và nhạc lễ. Ông không biết chính xác thời điểm cải lương ra đời nhưng vào
đêm 16 tháng 11 năm 1918, tại Rạp hát Tây Sài Gòn, một đoàn hát của người Việt đã diễn vở tuồng:
Pháp – Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc), điều đó nói lên vào năm 1918 cải lương đã có rồi. Đó là thời kỳ phôi thai của cải lương.
Chữ cải lương xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam là vào năm 1920 trên bảng hiệu rạp hát Tân Thịnh dưới dạng câu đối: Cải cách hát ca theo tiến bộ; Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.Từ năm 1920 trở đi, cải lương trải qua giai đoạn khởi đầu mạnh mẽ, một phần do các vở tuồng có lớp lang, nam nữ đào kép khi hát vừa ra bộ tịch thể hiện tình cảm, không cứng nhắc, hoặc cách điệu như hát bội, đã như một luồng gió mới thổi vào đời sống tinh thần của người dân Nam kỳ. Phần nữa trong thời kỳ này, Pháp khuyến khích người dân vui chơi, lập gánh hát để làm giảm nhuệ khí đấu tranh, tinh thần yêu nước của dân Việt. Những nghệ sĩ xuất hiện trong thời kỳ này được gọi là lớp nghệ sĩ tiền phong.
Cải lương từ Nam kỳ lan dần ra Phan Thiết. Đến đất Phan Thiết, cải lương lại như diều gặp gió bởi hai yếu tố: vào thời điểm ấy, Phan Thiết đã là nơi nhộn nhịp, ghe thuyền đánh cá có lúc đậu kín sông Cà Ty.
Phan Thiết vào thời ấy đã hình thành nghề chế biến nước mắm, bán vô trong Nam, ngoài Bắc.. để những năm sau này (giai đoạn 1930), theo một tài liệu của ông Lê Hữu Lễ cho biết: Phan Thiết đã bán nước mắm sang tận Nam Vang, (Phnompenh).Thứ hai, đa phần dân Phan Thiết là người miền ngoài, vốn đã mê hát bội, nay thấy cải lương say như điếu đổ; đi biển thì thôi chứ vô đất liền rôi cứ đi coi cải lương, xem chớp bóng. Vì sớm là thị tứ, nên thập niên 20 của thế kỷ trước tại Phan Thiết đã có 3 rạp hát. Đó là rạp Modern, rạp Cine star, và một rạp chuyên hát cải lương tên là Ode’on sau đổi là rạp Hồng Lợi. Tại rạp cải lương, các bầu gánh nổi tiếng thời bấy giờ như : Sâm,Tiền Kiểm, Hoạch... thường rước các đoàn cải lương về diễn, nhất là dịp cúng tế, và lẽ dĩ nhiên, các gánh hát này không thể thiếu vắng các cô đào chánh nổi tiếng như:
Năm Phỉ, Phùng Há…
NSND Phùng Há (bên trái) và cô Sáu Ngọc Sương (bên phải)
Cải lương mê hoặc cô gái biển
Làng Đức Nghĩa ven sông Cà Ty những năm 20 thế kỷ trước là xóm dân chài. Ở đó,
có cô bé tên là Sáu mê xem hát. Không chỉ xem hát thôi mà cô còn sà vào chỗ người kéo đờn cò, đánh trống… xin đánh thử bằng được. Khi gánh hát có đào
Phùng Há diễn tại Phan Thiết, nhà nghèo, không có tiền mua vé, nhưng bằng cách chui rào, năn nỉ người gác cửa, Sáu không bỏ đêm hát nào. Coi ban đêm, sáng ra tranh thủ lúc cha mẹ ra sông, Sáu một mình đóng lại một số vai, dĩ nhiên có vai của đào Phùng Há. Đó cũng là thời điểm trong tâm hồn cô gái vùng biển non trẻ, tiếng đàn, điệu phách, tiếng trống của sân khấu cải lương đã rung lên để sau này cô gái quyết tâm đi theo gánh hát.
Vào khoảng năm 1932, mới 17 tuổi, Sáu quyết định vô Sài Gòn tìm thần tượng. Đến nơi, có người nói gánh hát Trần Đắc cùng với các nghệ sĩ:
Phùng Há, Tư Chơi,Tư Út, Kim Thoa… đã diễn ngoài Bắc, Sáu quyết định ra Bắc. Trên đường cô ra thì gánh Trần Đắc đi vào, ấy là người con gái miền biển mê hát phải lộn vô tìm. Cuối cùng, cô cũng gặp gánh hát, được bầu gánh thương tình cho đóng vai tì nữ. Thời gian không lâu sau, gánh Trần Đắc rã, nghệ sĩ mỗi người mỗi nơi,
Sáu bây giờ lấy nghệ danh là Sáu Ngọc Sương, gia nhập đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng năm 1935…
Thế nhưng, đoàn Tiếng Chuông sau đó cũng rã, không thể quay về Phan Thiết vì chuyện bỏ nhà đi trước đó,
Sáu Ngọc Sương gia nhập đoàn Đại Phước Cương của bầu Cương, nơi quy tụ những tài danh như: Ba Du, Ba Vân, Tám Vân, Năm Phỉ, Bảy Vĩnh Long, Bảy Nam và Mười Truyền… Tại đây, Sáu Ngọc Sương đóng chung với đào nhất
Năm Phỉ (chị ruột
NSND Bảy Nam sau này). Có bạn diễn giỏi, thầy giỏi, Sáu Ngọc Sương dần dà đảm nhận vai chính của nhiều vở diễn. Năm 1940, cô Sáu gia nhập đoàn Phụng Hảo, lại đóng chung với thần tượng của mình ngày nào. Năm 1941, lại đầu quân cho Việt Kịch Năm Châu, trở về Phan Thiết, diễn các vở:
Thành Cát Tư Hãn, Tâm hồn thôn nữ, Bức màn Yên Bái...Lần trở về này cô đã là đào chánh khá tiếng tăm… vì vậy người Phan Thiết đi coi Sáu Ngọc Sương hát rất đông. Tại cửa rạp Hồng Lợi, ảnh Sáu Ngọc Sương treo nhiều ngày song vẫn có nhiều người đi qua đi lại nhìn ngó.
Tháng 3 năm 1946, cô Sáu tiếp tục diễn bên cạnh cô
Bảy Phùng Há, cô Ba Thanh Loan. Cô chỉ rời ánh đèn sân khấu vào năm 1956, khi các bài ca vọng cổ có sự cách tân đã làm ít nhiều nghệ sĩ lớp tiền phong của cô không thể theo kịp. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lớp nghệ sĩ tiền phong đến với nghề chỉ bằng lòng đam mê, và năng khiếu. Họ không được học hành như nhiều nghệ sĩ sau này.
Vả lại, sau gần 30 năm đứng trên sân khấu, dầu giữ đến mấy, cô Sáu cũng đã qua thời xuân sắc, điều tối cần của nghệ thuật sân khấu. Cô Sáu lui về tính chuyện hôn nhân với một người không phải trong nghề. Cô mở tiệm uốn tóc tại Vũng Tàu kiếm sống. Những lúc biết ai là người Bình Thuận, cô thường hỏi về Phan Thiết, về phường Đức Nghĩa… Cuối đời, người đàn bà của sân khấu sống trong căn phòng 5m2 của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc trở về với cát bụi, vào ngày
21/7/ 2000. Nhắc lại nghệ sĩ
Sáu Ngọc Sương để thấy rằng đất
Phan Thiết từng sản sinh ra những con người giỏi giang trên một số lĩnh vực.
Hà Thanh Tú
(Theo baobinhthuan.com.vn, 17/09/2010)