Nghệ sĩ Đức Minh,
người đưa đò thành kép chánh Đại Ban
Một thiếu niên 14, 15 tuổi làm nghề đưa đò trên bến sông Mỹtho qua bến Rạch Miểu – Tân Thạch, nhờ có giọng ca thiên phú, chịu cực chịu khổ rèn luyện nghề hát nên sớm nổi danh và có một cuộc sống ngày một nâng cao, đó là nghệ sĩ tài danh Đức Minh, người đang được khán giả ái mộ và các bạn đồng nghiệp mến phục.
Nghệ sĩ Đức Minh tên thật là Lê Văn Nhuận, sanh năm 1952 ở Châu Thành tỉnh Bến Tre. Lúc học cấp 2 em Lê Văn Nhuận buổi sáng đi học, buổi chiều phụ gia đình đưa đò cho khách qua sông, những đêm trăng sáng em Nhuận ca nghêu ngao các bài vọng cổ học được trên dĩa hát. Giọng ca trong sáng, cao vút, thu hút sự thưởng thức của khách sang sông và một vài nhà sư đang tu tại Chùa Ông Đạo Dừa ở Cồn Phụng. Trong số các tu sĩ đó có một nhạc sĩ cổ nhạc trước kia đi đờn cho gánh hát, ông chán thế sự mới vào chùa quy y. Thấy em Nhuận có giọng ca quyến rũ nhưng chưa rành nhịp điệu, ông sư bèn dạy cho em Nhuận căn bản cách ca vọng cổ và nhiều bài cổ nhạc khác. Em Nhuận ngày càng ca điêu luyện nhưng em chưa có ý muốn theo đoàn hát.
Sau Tết Mậu Thân, gia đình em Nhuận bị chiến nạn, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống, nên em Nhuận xin cha mẹ cho em đi theo đoàn hát để đở gánh nặng cho gia đình. Thấy Nhuận có giọng tốt, có thể thành công trên con đường nghệ thuật nên cha mẹ bằng lòng. Em Nhuận theo một đoàn hát nhỏ của tỉnh, hát loanh quanh trong các làng xã, sau đó lên Saigon đăng ký học ca với nhạc sĩ Văn Vĩ. Sau vài tháng học ca, em Nhuận và cô bạn cùng học lò Văn Vĩ là nữ nghệ sĩ Trang Mỹ Hường gia nhập đoàn hát Trúc Giang của ông bầu Năm Sơn.
Em Nhuận đẹp trai, nước da trắng mịn, vóc dáng lý tưởng cho sân khấu, giọng ca ngọt ngào và làn hơi rất khoẻ nên ông bầu Năm Sơn giao đóng vai kép nhì và đặt cho nghệ danh là Đức Minh.
Đức Minh thông minh sáng dạ, thường đêm ngồi bên cánh gà học theo cách ca và diễn của các vai đào kép chánh. Chỉ sau hai tháng cộng tác với đoàn hát Trúc Giang, Đức Minh có thể hát thế vai kép chánh khi anh này bị bệnh bất ngờ, ông bầu Năm Sơn rất mừng vì sức thu hút khán giả của Đức Minh vượt hơn anh kép chánh cũ rất xa.
Ông bầu đoàn hát Trường Sơn nghe danh Đức Minh, một nghệ sĩ trẻ có giọng ca quyến rũ nên cho anh Quản lý của đoàn hát về Nam, bí mật mời Đức Minh ký hợp đồng với một số tiền lớn để Đức Minh ra miền Trung hát cho đoàn hát Trường Sơn.
Chỉ mới một năm hát trên sân khấu Trúc Giang, Đức Minh đã trở thành kép chánh, hát với một số lương cao, có ký contrat với một số tiền lớn với đoàn hát Trường Sơn, Đức Minh không thể bỏ lỡ dịp may này nên anh rời đoàn Trúc Giang, ra miền Trung, hát chia vai kép chánh với nghệ sĩ Nhật Quỳnh trong các tuồng Chàng Cuôi Lên Cung Trăng, Trường Hận Huyết Lan, Luật Giang Hồ… Sức hút khán giả của nghệ sĩ Đức Minh hơn hẳn kép chánh Nhật Quỳnh khiến cho anh này rời đoàn Trường Sơn để cho Đức Minh trở thành trụ cột đắt giá nhất của đoàn hát Trường Sơn trong ba năm ròng rã.
Tuy nhiên Đức Minh còn có cao vọng tiến xa hơn trong nghề hát. Làm kép chánh một đoàn hát nhỏ ở tỉnh thì khó có cơ hội nổi tiếng ở Saigon và ở các tỉnh Hậu Giang, vì vậy năm 1973, nghệ sĩ Đức Minh về làm kép ba cho gánh hát Thanh Hải – Văn Hường để học nghệ và tìm đường tiến thân ở Saigon. Đức Minh đã có một sự lựa chọn khôn ngoan để rèn luyện nghề hát vì gánh hát của nghệ sĩ Thanh Hải « Vua Tao Đàn » hùng vốn với « Vua vọng cổ hài hước »Văn Hường có một thành phần diễn viên rất hùng hậu gồm có Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, Thanh Hải, Đức Lợi, Ngọc Bích, Tô Kim Hồng, Văn Hường.
Ngoài ra vì hát ở Saigon, giọng ca vọng cổ của Đức Minh được hãng dĩa Việt Nam mời thu thanh một số bài ca tân cổ, ca chung với các nghệ sĩ Lệ Thủy, Lệ Quyên.
Năm 1974, Đức Minh được bà Bầu Thu , đoàn hát Việt Nam – Minh Vương mời ký hợp đồng, hát chung sân khấu với danh ca Minh Vương, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Hà Bửu Tân, Kim Lệ Thủy, Văn Ngà, Tuấn Hùng… Sự nghiệp trên đà thăng tiến thì ngày 30 tháng 4 ập đến, gánh hát tư nhân phải giải tán, Đức Minh trở về quê ở Bến Tre chờ thời.
Mặc dầu, tỉnh BếnTre có thành lập các đoàn hát cải lương nhưng Đức Minh trở lên Saigon gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 3 đóng vai kép nhì, hát chung với kép chánh Minh Tâm, Thanh Kim Huệ, Tài Lương, Thanh Điền, Thúy Lan, hề An Danh…
Nghệ sĩ Đức Minh tuy đóng kép nhì trong các vở tuồng Mái Tóc Người Vợ Trẻ, Quán Hương Tràm, Nàng Sa Rết, Tình Ca Biên Giới… nhưng Đức Minh được khán giả nhiệt liệt khen giọng ca vọng cổ. Khi hai nghệ sĩ Minh Tâm và Tài Lương xuất ngoại định cư tại nước Pháp theo diện đoàn tụ gia đình, nghệ sĩ Đức Minh thế vai của Minh Tâm, trở thành kép chánh của đoàn cải lương Saigon 3.
Năm 1980, Bà Tư Yến, bầu gánh hát Trùng Dương Vũng Tàu mời Đức Minh cộng tác với số tiền contrat là 5 cây vàng và lương 70 đồng một suất hát. Thời kỳ này lương của nghệ sĩ còn bị Sở Văn Hóa quy định đồng loạt cho nghệ sĩ kép đào chánh là lương hạng A, 10 đồng một suất hát. Lương định cho nghệ sĩ hạng B là 5 đồng một suất hát.
Đức Minh theo đoàn hát Trùng Dương – Vũng Tàu đi lưu diễn ở miền Trung. Đức Minh hát cặp với đào chánh Xuân Lan. Được một năm, Xuân Lan và chồng là Tấn An rời đoàn, Nữ nghệ sĩ Kiều Lan ( em của nữ nghệ sĩ Kiều Hoa) đóng cặp với Đức Minh tạo thành một liên danh rất ăn khách. Đức Minh có những vai hát để đời như vai Tony Done trong tuồng Hoa Thiên Lý, vai Tú Uyên trong vở Người Đẹp Trong Tranh.
Năm 1984, Đức Minh rời đoàn hát Trùng Dương trở về Saigon gia nhập đoàn hát của Thành Phố, hát chung với các nghệ sĩ Minh Phụng, Mỹ Châu, Thoại Miêu, Thanh Hồng, Tô Kiều Lan, Hoàng Giang, Hùng Minh, Khả Năng, Phi Thoàn…hát các tuồng Nàng Hai Bến Nghé, Tiếng Sáo Đêm Trăng, Mùa Thu Trên Non Cao, Hai Phương Trời Thương Nhớ, Dốc Sương Mù…
Nghệ sĩ Đức Minh đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân Khấu Cải Lương năm 1985. Đức Minh và Mỹ Châu hát chung trên một sân khấu liên tục sáu năm từ 1984 đến 1990. Đến năm 1989, Đức Minh và nữ nghệ sĩ Mỹ Châu chính thức kết hôn nhau.
Sáu tháng sau, Mỹ Châu không chánh thức cộng tác với một đoàn hát nào mà cô chỉ đi hát tăng cường cho đoàn cải lương Kiên Giang. Nghệ sĩ Đức Minh hát cho đoàn Huỳnh Long, với thành phần nghệ sĩ Ngọc Huyền, Vân Hà, Chí Linh, Đức Lợi, Tiểu Linh, Bạch Mai…
Năm sau Đức Minh về cộng tác với đoàn hát Phước chung, hát cặp với đào chánh Kiều Phượng Loan và các nghệ sĩ Kim Tử Long, Hồng Tơ, Bảo Trang, Hiếu Liêm.
Năm 1993, Đức Minh trở về cộng tác với đoàn cải lương Saigon 2, hát cặp với vợ anh là nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, với thành phần nghệ sĩ Tuấn An, Hoàng Minh Vương, Thanh Vân, Ngọc Hà, Tô Kiều Lan, Mai Thành…
Năm 1994, vợ chồng Đức Minh và Mỹ Châu về hát cho đoàn hát Tiếng Chuông Vàng – Minh Phụng, hát những vở tuồng cải lương cũ trong thời hoàng kim của sân khấu Kim Chung như tuồng Người Gọi Đò Bên Sông, Kiếp Chồng Chung, Hội Chọn Chồng, …với thành phần diễn viên Minh Phụng, Kiều Tiên, Đức Minh, Mỹ Châu, Ngân Giang, Ngọc Cẩm Thúy, Bảo Ngọc, Đường Tử Lang, hề Giang Tâm…
Nghệ sĩ danh ca Đức Minh chỉ hát 4 năm cho đoàn hát Trùng Dương – Vũng Tàu và 6 năm cho một đoàn hát ở thành phố, đó là hai đoàn hát mà anh cộng tác lâu nhất. Sau đó, Đức Minh đưọc nhiều đoàn mời về hát tăng cường, mỗi đoàn anh chỉ hát trong vòng một năm là anh thay đổi sang đoàn hát khác. Điều đó chứng tỏ giọng ca vọng cổ của Đức Minh rất ăn khách, có thể cứu giúp những đoàn hát đang suy yếu được tăng thêm doanh thu, nhưng điều đó cũng chứng tỏ là sân khấu cải lương ngày một xuống dốc. Hát tăng cường thì chỉ hát những tuồng cũ, quen thuộc, dùng sự thu hút của giọng ca lạ, nghệ sĩ mới chớ không thể đến một đoàn hát hát tăng cường mà lại phải tập tuồng mới. Sân khấu cải lương không có tuồng mới, khán giả cứ phải xem tuồng cũ, dù có giọng ca hay, khán giả cũng phải chán.
Đến năm 2001, Đức Minh được con của anh bảo lảnh sang định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2003, Đức Minh bảo lảnh cho vợ anh là nữ nghệ sĩ Mỹ Châu sang Hoa Kỳ sum hợp với anh.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA