Nhân vật Dương Vân Nga là nhân vật lịch sử. Và việc bà dâng áo lông bào để Lê Hoàn lên làm vua cũng để lại nhiều khen chê khác nhau. Việc đúng sai lịch sử sẽ ghi nhận. Trước khi thưởng thức các phiên bản cải lương đã trở thành kinh điển, mời cả nhà đọc qua một vài luận điểm về nhân vật lịch sử này.
----------------- Dương Vân Nga : Đời luận anh hùng
Lê Phước, Theo RFI
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các nhân vật nữ không được nhắc đến nhiều như các đàn ông. Đấy không phải là vì phụ nữ nước ta kém tài, mà vì họ luôn bị ràng buộc trong cái lễ giáo trọng nam khinh nữ của các vương triều phong kiến. Thế nhưng, đến với Lưỡng triều Hoàng hậu Dương Vân Nga thì lại khác. Bà là hoàng hậu của hai Triều Đinh và Lê. Bà là người từng có quyết định ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc. Và cũng là người hứng chịu búa rìu của cái việc “đời luận anh hùng”.
Dương Vân Nga là một nhân vật lớn trong lịch sử Việt Nam. Thế mà, ngay chính bà cũng không thoát được cái vòng “trọng nam khinh nữ” của các sử gia phong kiến. Các bộ sử lớn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn không hề dành phần riêng nói rõ về thân thế của bà như trường hợp những nhân vật nam khác. Đến thời đương đại này, các sử gia mới ra sức tìm hiểu nguồn gốc xuất thân của bà. Nhưng kết quả thu được chẳng có bao nhiêu bởi sử cũ không chép lại thì thế hệ hiện tại lấy gì mà tra khảo.
Xuất thân của Dương Vân Nga
Trong thực tế đó, xuất thân của Dương Vân Nga vẫn còn là đều bàn cãi. Bà có lẽ là người của vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Sử cũ chỉ ghi bà họ Dương, còn tên thì hiện có hai thuyết: Dương Vân Nga và Dương Ngọc Vân. Tuy nhiên, theo như tên ghi ở Đền thờ Vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư, thì bà tên là Dương Vân Nga.
Có người cho rằng, cái tên Dương Vân Nga được phổ biến trong dân gian và nhờ vào các vở cải lương nói về Dương Vân Nga. Thế nhưng, xét thấy ngôi đền nói trên được xây dựng cách đây trên dưới 300 năm, còn cải lương thì chưa được 100 tuổi, bởi vậy cái tên Dương Vân Nga ất phải có trước cải lương. Hơn nữa, người Việt Nam đã quá quen với cái tên Dương Vân Nga, các sử gia khi đề cập đến bà cũng hay dùng tên Dương Vân Nga. Bởi vậy, ở đây xin được dùng cái tên quen thuộc là Dương Vân Nga.
Quê quán của Dương Vân Nga hiện cũng chưa rõ lắm. Có người nói ở Ninh Bình, có người lại bảo là Thanh Hóa. Năm sinh của bà hiện vẫn là một ẩn số. Sử cũ chỉ chép rõ ràng năm mất của bà là năm 1000. Nhiều sử gia ước đoán bà thọ khoảng từ 55-60 tuổi. Như vậy, năm sinh của bà có thể là trong giai đoạn 940-945.
Nhường ngôi cho người ngoại tộc
Các chi tiết liên quan đến nguồn gốc xuất thân của Dương Vân Nga còn khá mù mờ, nhưng trái lại sự kiện bà nhường ngôi nhà Đinh vào tay Lê Hoàn và là hoàng hậu của hai Triều Đinh-Lê thì các bộ sử đều chép rõ với những lời khen chê khác nhau.
Về việc Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều chép: “Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi (triều đình) đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ (mới 6 tuổi-LP), chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn".Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế ". Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu (980), giáng phong vua (Đinh Toàn-LP) làm Vệ Vương”.
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hồi đầu thế kỷ 20 cũng chép lại sự việc như trên. Trần Trọng Kim cũng nhấn mạnh đến sự kiện sau đây: “Vệ Vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái Hậu tư thông. Các quan đại thần bấy giờ là bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc thấy Lê Hoàn nhiếp chính lộng quyền quá, mới cử binh mã đến đánh, nhưng bị Lê Hoàn giết cả”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau: “Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy”.
Khâm Định nhà Nguyễn thì tỏ ra nghi ngờ về việc mọi người cùng nhau suy tôn Lê Hoàn lên ngôi, khi có giọng mỉa mai rằng: “Bờ cõi Bắc Nam tuy có khác, nhưng vận hội vẫn như nhau: nhà Lê thì có chuyện khoác áo long cổn, nhà Lý thì lời sấm truyền ghi trên thân cây, sao mà giống chuyện với bên Tống thế! Hay là người làm sử thấy thế, gò ép gán gẩm vào với nhau để cho thần dị câu chuyện, chứ trời kia có ý làm ra như thế đâu?”.
Lưỡng Triều Hoàng hậu
Khi ở ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng lập đến 5 Hoàng hậu, Dương Vân Nga là một trong số 5 Hoàng hậu đó. Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn theo điển của vua Đinh mà lập đến 5 người làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, điều nhạy cảm là Lê Hoàn lại phong cho Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, tức tên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo Nho Giáo mà nói, thì rõ ràng là việc lấy vợ của vua trước là điều đáng phê phán. Bởi vậy mà Đại Việt Sử Ký toàn thư chép lời bàn nặng nề như sau: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sao?”
Khâm Định nhà Nguyễn thì chép lời bàn: “Đại thắng minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình: Thật là không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu”.
Đến việc năm 1001, Lê Hoàn mang quân đi đánh Cử Long: Vệ vương Đinh Toàn đi theo. Sử cũ chép : « Bấy giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua”.
Đinh Toàn là chúa cũ của Lê Hoàn, nhưng khi nhường ngôi cho Lê Hoàn đã bị giáng xuống làm Vệ Vương. Về sự việc Đinh Toàn mất nói trên, Khâm Định nhà Nguyễn chép lời phê như sau: “ Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu”.
Ta thấy các sử gia phong kiến luôn có thái độ phản đối việc Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn, nên mới có những lời nặng nề như vậy.
Quyết định cứu nguy cho toàn dân tộc
Việc Dương Vân Nga nhường ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn lợi hại thế nào ? Để trả lời cho câu hỏi này, ta cần xem xét bối cảnh lịch sử của sự kiện này.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm 968, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích giết hại. Con trai nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn được tôn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn được nắm quyền nhiếp chính, chỉ huy quân đội của cả nước và tự xưng là Phó vương. Các đại thần nhà Đinh như Đinh Điền và Nguyễn Bặc bất mãn với điều đó nên phát binh làm phản và bị Lê Hoàn đánh dẹp. Bên ngoài thì nhà Tống phát binh đánh xuống, toan chiếm nước Đại Cồ Việt.
Trong bối cảnh nền độc lập quốc gia bị đe dọa như vậy, Dương Vân Nga với tư cách là Thái hậu nhiếp chính đã quyết định tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế.
Lịch sử đã chứng minh, đây là một quyết định sáng suốt, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Khi quân Tống tràn sang xâm lấn, vua Đinh Toàn chỉ là cậu bé 6 tuổi, trong khi Dương Vân Nga thì dù sao cũng là đàn bà nên không thể vùng vẫy trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ như xưa kia được. Các tướng có tài từng sát cánh Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc thì đã nổi loạn chống Lê Hoàn và đã bị giết. Lê Hoàn lại nắm trong tay đến 10 đạo quân, và như sử sách đã chép là ông rất được lòng quân. Ông lại là tướng có tài. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã thân chinh đánh lui quân Tống phía Bắc, bình quân Chiêm ở miền Nam, cứu lấy giang sang Đại Cồ Việt.
Có phải chỉ một mình Dương Vân Nga muốn tôn Lê Hoàng lên làm vua còn bá quan và quân sĩ thì không muốn ? Nếu quả thật chỉ một mình Dương Vân Nga muốn điều đó thì bà cũng không thể tự tiện quyết định việc nhường ngôi nhà Đinh cho người ngoại tộc, bởi chuyện nhường ngai vàng đâu phải là chuyện nhỏ, bởi còn đó bá quan văn võ nhà Đinh, còn đó gia tộc họ Đinh. Như câu chuyện đã kể bên trên về sự nhường ngôi, thì dù chỉ trích hành động này, nhưng hai Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và Khâm Định nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận rằng : « Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế ».
Một điểm cần nhấn mạnh nữa là, việc Lê Hoàn lên ngôi phải hợp lòng quân và lòng dân lúc ấy. Bằng chứng là ông đã chỉ huy quân dân đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Nếu Lê Hoàn không được sử ủng hộ của ba quân và của nhân dân, thì ông lấy đâu đủ sức mạnh mà chiến đấu chống lại một kẻ thù lớn mạnh gấp nhiều lần. Lịch sử đã chứng minh rằng, trong bất kì cuộc chiến chống ngoại xâm nào của Việt Nam, nếu không được lòng dân và lòng quân, thì tự nhiên sẽ thất bại, như trường hợp của Nhà Hồ của Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần dẫn đến chỗ trong nước « chính sự phiền hà » để trong nước « lòng dân rối loạn », và để đất nước rơi vào tay của giặc Minh.
Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã tỏ ra là một minh quân. Nếu trong sự nghiệp chống ngoại xâm, ông nổi tiếng với các chiến công « Phá Tống, Bình Chiêm », thì việc nội trị ông cũng là người tài giỏi. Chính ông khởi đầu cho Lễ tịch điền, tức lễ mà vua đích thân xuống cầm cày, một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Lê Hoàn cũng là vị vua mở đường cho công cuộc đào kênh rạch khai thông đường thủy và lấy nước phục vụ nông nghiệp.
Về ngoại giao, Lê Hoàn đã có chính sách ngoại giao mềm dẽo khôn khéo. Sử cũ đã ghi lại việc Lê Hoàn nhận chiếu nhà Tống mà không quỳ lạy, sứ Tống cũng phải lơ đi. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhà vua còn bố trí cho sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục, đã trở thành giai thoại thú vị trong lịch sử bang giao và văn học. Sau đó, về Lý Giác đã làm một bài thư gửi tặng ngỏ ý « tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống ».
Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định: « Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy ».
Sử gia Lê Văn Hưu, dù phê phán việc Lê Hoàn lên ngôi, cũng phải thừa nhận tài năng của Lê Hoàn : « Đại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện , Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được ».
Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí đã nhận định : “Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân ngũ... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng”.
Ngay như Trần Trọng Kim là một sử gia rất sùng Nho, cũng thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » của Lê Hoàn. Và cũng thừa nhận việc Lê Hoàn bình loạn đảng trong nước và ca ngợi : « Thanh thế vua Đại Hành lúc bấy giờ rất là lừng lẫy ».
Lê Hoàn phong cho Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, việc này bị các sử gia phong kiến chê trách, cho là bất kính với vua trước là Đinh Tiên Hoàng, vì tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Ta thấy, ở đây Lê Hoàn giữ lại tước hiệu cũ cho Dương Vân Nga. Không chỉ việc đó, khi lên ngôi, Lê Hoàn đã lấy niên hiệu là Thiên Phúc, mà Thiên Phúc lại chính là niên hiệu của Đinh Toàn, con trai của Đinh Tiên Hoàng, người tiền nhiệm của Lê Hoàn. Tại sao ở đây ta không cho rằng, Lê Hoàn có thái độ lưu luyến triều Đinh nên đã giữ lại những tên đó, và để khẳng định là ông lên ngôi là vì tình thế ép buộc, là vì vận mệnh xã tắc ? Những chiến công chống ngoại xâm, bình nội loạn, xây dựng kinh tế đã cho thấy Lê Hoàn thật sự là một ông vua vì nước. Sử gia đương đại Nguyễn Khắc Thuần trong Việt Sử Giai Thoại đã cho rằng : « Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay ».
Không dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện muôn nhà
Đến đây ta có thể nói rằng, thái hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt và có quyết định đúng đắn khi trao ngai vàng nhà Đinh lại cho Lê Hoàn. Đặt giả thuyết rằng những lời đồn đại về việc bà là người tình thuở hàn vi của Lê Hoàn, hay là bà đã tư thông với Lê Hoàn khi làm Thái hậu, là đúng, thì quyết định nhường ngai vàng của bà cũng vẫn là một quyết định lịch sử trọng đại, có lợi cho toàn đại cục lúc bấy giờ. Nhờ quyết định đó, mà nước Đại Cồ Việt đánh thắng ngoại xâm, dẹp được nội loạn, trở nên phồn thịnh. Nếu Dương Vân Nga lúc đó đặt lợi ích gia tộc lên trên lợi ích quốc gia, tức là khư khư giữ ngôi cho đứa con trai 6 tuổi của mình khi đất nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì vận mệnh đất nước sẽ ra sao?
Đương nhiên, theo giáo điều Nho Giáo thì việc thay quyền đổi chủ như trên luôn bị phê phán. Bởi vậy mà các sử gia Nho Giáo đã không tiếc lời chỉ trích việc Lê Hoàn lấy ngôi nhà Đinh. Thế nhưng, cũng chính các sử gia này đã thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » và việc xây dựng đất nước phồn thịnh của Lê Hoàn.
Xưa nay, cái việc « đời luận anh hùng » luôn lắm bề rối rắm, việc khen chê luôn rất khó phân biệt ai có lý hơn ai. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đến mức mà việc đánh giá anh hùng cũng phân làm hai loại : nam thì mới được gọi « anh hùng », còn nữ nhi thì phải gọi là « anh thư ». Thế nhưng, xin được gọi Dương Vân Nga là một «anh hùng », vì bà phải có đủ can đảm và sáng suốt để có được một quyết định đúng đắn mang tầm vóc lịch sử như vậy. Bà đã có cái nhìn lấy đại cục làm trọng. Bà đã không đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà.
Và cái chuyện « không đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà » của Thái hậu Dương Vân Nga quả là một bài học có giá trị ở mọi thời đại.
----------- Thái hậu Dương Vân Nga: Từ lịch sử đến nghệ thuật Lê Chí Trung, Theo NLD
LTS: Bài viết này là góc nhìn văn hóa của một người viết văn từng đề cập nhiều về đề tài lịch sử, đặc biệt là thân phận của những người đàn bà bị bôi đen, vùi dập hoặc thổi phồng thái quá trên sân khấu Việt Nam...
Hoàng hậu 2 triều minh chúa (Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành) Dương Vân Nga là một mỹ nhân tài sắc. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê và cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược sau đó. Tước vị được tấn phong của bà là Đại thắng Minh hoàng hậu, sử sách viết là Dương hậu hay Dương thái hậu, còn dã sử gọi là Dương Vân Nga. Hiện nay, bài vị của bà có trong nhiều điện thờ và hàng loạt đường phố, trường học mang tên Dương Vân Nga. Trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, người ta gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga. Trong bài viết này, chúng ta hãy tạm dùng tên dân gian của bà.
Tài sắc vẹn toàn
Thái hậu Dương Vân Nga sinh vào khoảng năm 952 và mất năm 1000 tại cố đô Hoa Lư. Chính sử chỉ cho biết bà họ Dương, không ghi rõ tên và nguồn gốc xuất thân. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng bà tên Dương Ngọc Vân, là con gái của Dương Tam Kha hoặc Dương Nhị Kha - 2 sứ quân trước thời nhà Đinh.
Hình tượng nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga được thể hiện qua các nghệ sĩ: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phượng Loan, Trịnh Kim Chi (Ảnh: THANH HIỆP - TƯ LIỆU)
Gần đây, cuốn "Phả hệ họ Ngô Việt Nam" đã đặt vấn đề bà là hoàng hậu 2 triều - trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã là vợ hậu Ngô vương Ngô Xương Văn (?). Các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong tác phẩm "Nhìn lại lịch sử" (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003) đã ủng hộ giả thiết này nhưng còn nhiều tranh cãi và chưa có luận chứng thuyết phục. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, có những cứ liệu lịch sử về vương triều nhà Nguyễn cách đây trên dưới 300 năm còn nhiều điểm mập mờ, mang tính giả định, huống hồ đây chỉ là chuyện về một hoàng hậu (bị coi như tiểu tiết, chép cạnh các đấng quân vương) hơn 1.000 năm trước..
Sinh thời, Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có gương mặt bầu bĩnh phúc hậu nhưng vẫn đầy nét thanh tú, cao sang. Nước da bà trắng hồng, mắt phượng mày ngài luôn long lanh tình tứ. Bà không chỉ đẹp mà còn đầy sinh lực, quyến rũ. Nhan sắc của bà được mô tả trong cuốn sử thi "Hoàn vương ca tích" được tìm thấy tại tỉnh Hà Nam: "Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn/ Mắt kia sao mọc cờn cờn/ Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân". Hay: "Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng/Suối trong tựa ánh nguyệt tràn/Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây/Chim kề mỏ, bướm xỏ mày/Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm".
Thái hậu Dương Vân Nga không chỉ có sắc đẹp làm say lòng các đấng quân vương. Bản lĩnh chính trị, thời cuộc của bà cũng hiếm thấy, nếu xét theo thân phận của người đàn bà dưới thời phong kiến xa xưa.
Nỗi oan của người đàn bà đẹp
Người ta không tin Đỗ Thích, một tên hoạn quan tép riu, chỉ vì giấc mơ hoang đường mà đã ra tay ám hại cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng, hòng lên ngôi báu. Bởi lẽ, dù có giết vua cũng không ai cho hắn làm vua.
Chính vì không tin câu chuyện khá dễ dãi, hoang đường trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" nên nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ giả thiết này, đặt ra nghi vấn việc sát hại cha con Đinh Tiên Hoàng có bàn tay quan Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, với sự hậu thuẫn của chính Dương Vân Nga? Họ cho rằng động cơ của Lê Hoàn là toan tính tiếm ngôi, còn Dương Vân Nga muốn giành giật ngai vàng cho con trai nên đã câu kết với vị tướng quân này. Tuy nhiên, dù bác bỏ giả thiết Đỗ Thích lập mưu giết vua, lập luận sau cũng không có bằng chứng lịch sử đáng tin cậy.
Các sử gia thời phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, Lê Văn Hưu - với cái nhìn Nho giáo khắt khe - đã gay gắt chỉ trích khía cạnh luân thường đạo lý, nghĩa vợ chồng của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Một số nhà nghiên cứu sau này đều ở trong tâm thế "suy đoán có tội" chứ không trưng ra được những bằng chứng cụ thể. Việc kết tội không bằng cớ những nhân vật lớn của lịch sử tưởng như không phải cách làm khoa học lịch sử. Còn chuyện các vua đời sau thu nạp cung tần mỹ nữ của vua đời trước thì vẫn thường xảy ra trong lịch sử. Ngay cả Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân cũng lấy vợ Nam Tấn Vương đó thôi.
Người ta thường nói cái gì dân thờ thì đó là sự thật. Tuy nhiên, riêng trường hợp Dương Vân Nga, dân gian và thái độ con người đời sau có quá nhiều mâu thuẫn. Phải chăng đó cũng từ tâm lý đoán mò?
Giờ đây, nhìn lại lịch sử rối ren lúc bấy giờ, chúng ta thấy Dương Vân Nga rơi vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, bị xâu xé bởi rất nhiều thế lực. Chồng chết năm bà mới khoảng 28 tuổi, con trai lên ngôi mới 6 tuổi. Lê Hoàn làm nhiếp chính, tự xưng phó vương, không phải không có ý dòm ngó ngôi vua. Bằng chứng là các thuộc hạ của Lê Hoàn, như Đại tướng quân Phạm Cự Lượng và các tướng khác, nhiều lần lăm le, sau tôn Lê Hoàn làm vua.
Một thế lực khác là phe bảo hoàng, đứng đầu là Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp… muốn dấy binh về kinh sư giết Lê Hoàn. Phương Nam thì phò mã Ngô Nhật Khánh vì hận Đinh Tiên Hoàng đã dẫn cả ngàn chiến thuyền của Chiêm Thành vào cướp, muốn tiến đánh Hoa Lư. Phương Bắc thì triều đình nhà Tống thừa cơ nước ta bất ổn, định đem quân sang xâm lấn.
Trước tình thế đó, Dương Vân Nga đã đi một nước cờ rất cao tay, cùng lúc hóa giải tất cả. Một mặt, bà đã góp phần giữ cho giang sơn yên ổn thanh bình, chuyển giao quyền lực đúng thời điểm lịch sử, chọn đúng người tài đứng ra giúp nước. Mặt khác, bà đã bảo toàn được mạng sống, danh vọng, địa vị cho mình và con trai, thông qua việc nhường ngôi cho Lê Hoàn. Nếu không đi nước cờ chính sự sáng suốt trước tình thế thù trong giặc ngoài này, liệu mẹ con bà và giang sơn rồi sẽ về đâu?
Không thể nói khác, hành động của người đàn bà mới qua tuổi 28, lại vừa mất chồng, mang dáng dấp một nhà chính trị già dặn. Bà chính là gương mặt tài sắc vẹn toàn, đặc biệt trong thời khắc rối ren của lịch sử.
Trở thành hình tượng đẹp trên sân khấu
Sau năm 1975, sân khấu TP HCM có tác phẩm rất nổi tiếng ca ngợi Thái hậu Dương Vân Nga, gắn liền với vai diễn bất hủ của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" (Huy Trường chuyển thể cải lương từ kịch bản chèo của Trúc Đường; đạo diễn: Ca Lê Hồng, ra mắt năm 1977 tại Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Sau này nhóm tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân cũng phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường làm thành kịch bản mới; đạo diễn Chi Lăng dàn dựng trên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang- TS).
Ngay sau khi Thanh Nga bị bọn cướp giết hại, hàng loạt nghệ sĩ tài danh như Phượng Liên, Bạch Tuyết… đã thay nhau thủ diễn vai này nhưng không ai vượt qua được cái bóng sừng sững, cả về vóc dáng sân khấu và nghệ thuật ca diễn của Thanh Nga.
Tuy nhiên, tác phẩm này còn hơi say hiệu ứng thời sự, duy lý một chiều, khi các tác giả chỉ tập trung tô vẽ quá đà lòng yêu nước của Dương Vân Nga, mà chưa thấy những góc khuất mang tính nhân văn và sự sắc sảo về thời cuộc trong tâm hồn nhiều uẩn khúc của thái hậu. Kịch bản này từ đó đến nay được tái dựng nhiều lần trên sân khấu.
Sau đó ít lâu, một vở kịch xuất hiện (tôi không tiện nêu tên) có nhiều chi tiết bôi bác, bóp méo, đổi trắng thay đen lịch sử và nhân vật lịch sử. Các đại công thần khai quốc nhà Đinh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc… vì muốn bảo vệ hoàng tộc nhà Đinh nên chống đối Lê Hoàn và bị giết chết, đã bị biến thành những kẻ theo giặc, bán nước cầu vinh. Đến mức ,con cháu 2 dòng họ này đã viết báo phản ứng quyết liệt và mang đơn đi kiện nhiều nơi. Đó cũng là câu chuyện buồn về bi kịch của nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh, trạng nguyên khai khoa đầu triều Việt Nam, bị bôi nhọ trong một vở chèo hết sức nổi tiếng.
Nhân đây cũng nói thêm rằng văn học nghệ thuật không làm thay công việc nghiên cứu lịch sử. Nhiều tác phẩm hay về đề tài lịch sử bị bắt đổi sang dã sử vì những lý do hết sức vẩn vơ hoặc bị suy diễn một cách hết sức "thô sơ" về một vài chi tiết vụn vặt. Điều cốt lõi là văn học nghệ thuật có quyền hư cấu, sáng tạo nhưng phải hết sức cẩn trọng với đề tài lịch sử. Văn nghệ sĩ có lương tâm không được quyền bóp méo, bịa đặt, đổi trắng thay đen bản chất lịch sử.
Sự ghi nhận của dân gian
Ngày xưa, dân chúng lập đền thờ các vua Đinh - Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu. Đó là sự ghi nhận của dân gian về công lao của bà, bất chấp thị phi nhưng đến đầu đời vua Lê Thái Tổ bị cho là trái đạo mà bỏ đi. Hơi ngược với thái độ tâm linh này, tại Hoa Lư cũng có hai đền thờ riêng Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành và bà Dương hậu ngồi chung tòa với Lê Đại Hành.Ngày nay, tại TP Ninh Bình, tên Dương Vân Nga cùng với Lê Đại Hành được đặt cho hai con đường rất đẹp, nằm song song nhau bên bờ sông Vân. Tên sông cũng ẩn nghĩa thơ mộng như giường mây, ghi dấu truyền thuyết tình yêu giữa hai người.Nhân đây cũng nói thêm rằng, đã có ý kiến phản biện về việc nên hay không dùng tên dã sử hay tên trong các vở tuồng để đặt cho các đường phố? Đây cũng là điều nghiêm túc, đáng suy nghĩ.