Trong chừng mực nào đó, dường như đám đông, dân tộc nào, cũng dành cho giới văn nghệ sĩ một cái “lề”, một đường biên rộng, đủ cho họ sống một đời sống tương đối phóng khoáng hơn người bình thường.
Tại sao?
Có thể từ lòng yêu mến tác phẩm hay, tài năng một văn nghệ sĩ mà đám đông đã mặc nhiên có cái nhìn bao dung, rộng lượng với các văn nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền. (Nguồn: tranquanghai.com)
Cũng vẫn thuộc về đám đông, có người lý trí hơn cho rằng, để giới văn nghệ sĩ có thể cung ứng những sản phẩm tinh thần giá trị, hay để họ phát huy được rực rỡ hơn tài năng trời cho họ, xã hội nên dành cho họ một vài biệt lệ, miễn không quá đáng...
Có người còn nhiệt tình hơn, khi lý luận rằng: Nếu bắt nhà thơ A, nhà văn B, nhạc sĩ C, phải là có đời sống của một công chức chính ngạch, thuộc loại “thượng hạng ngoại hạng”, hay một nhà đạo đức, một nhà mô phạm gương mẫu... thì làm sao họ có thể cho chúng ta những tác phẩm thơ mộng, lãng mạn như chúng ta đã từng được thụ hưởng?
Chẳng biết có phải từ những cái nhìn ưu ái đặc biệt vừa kể mà, người Việt Nam dường đã có chung một kết luận mang đầy tính thông cảm, rằng: “Có tài, có tật”.
Tóm gọn lại, trong sinh hoạt xã hội, đôi khi bạn có một vài hành vi vượt ngoài khuôn khổ đời thường, thí dụ cờ bạc, hút xách, trai gái, sống bừa bãi, cẩu thả... nhưng, nếu được đám đông “phê” cho mấy chữ, đại loại “văn nghệ sĩ mà”... thì kể như bạn đã được tha thứ hoặc, chí ít cũng được giảm khinh.
Lời phê ấy, giống như một thứ giấy phép “đi trong giờ giới nghiêm” vậy.
Nhìn vào sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ thời tiền chiến, người ta thấy có nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện thuốc phiện, mê đi hát cô đầu...
Thế hệ kế tiếp, tính từ điểm mốc 1954, ở miền Nam Việt Nam, số văn nghệ sĩ nghiện thuốc phiện không nhiều. Nhưng số người thích đỏ đen và, những cuộc phiêu lưu tình ái... lại có phần gia tăng...
Nói như thế, không phải tất cả những văn nghệ sĩ được đám đông công nhận tài năng, tên tuổi đều là những người “sử dụng” cái giấy phép “đi trong giờ giới nghiêm” mà xã hội đã ưu ái ban, cấp cho họ.
Chẳng những thế, trong số này, còn có nhiều văn nghệ sĩ vẫn sáng tác được những tác phẩm giá trị mà, đời riêng của họ, lại rất nghiêm chỉnh, mẫu mực. Phẩm chất đời sống xã hội của họ, có phần cao hơn người bình thường nữa.
Một trong những văn nghệ sĩ có được cùng lúc hai mặt tưởng chừng đối chọi nhau kia, là cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Saigòn, cuối đường Phan Ðình Phùng, cùng với thi sĩ Ðinh Hùng. (Tiệm lấy số nhà 44, làm tên.)
Thời gian đó, tôi đang viết cuốn “Năm sắc diện, năm định mệnh” mà cố thi sĩ Ðinh Hùng là 1 trong 5 người tôi chọn, nên chúng tôi thường gặp nhau.
Tôi muốn mở một cái ngoặc ở đây, để nói rõ hơn rằng: Trong số những văn nghệ sĩ miền Nam không bao giờ lái xe, dù xe hai bánh hay xe hơi, không phải là cố nhà văn Mai Thảo.
Thời gian tham gia kháng chiến nhà văn Mai Thảo đã từng phải đạp xe từ khu này qua khu khác. Thời gian chủ trương tạp chí sáng Tạo ở Saigòn, ông có xe hơi riêng và tự lái. Chỉ sau khi bán đi chiếc Austin, lúc đó tác giả “Ðêm giã từ Hà Nội” mới dùng tới phương tiện xích lô...
Riêng thi sĩ Ðinh Hùng thì tuyệt đối không.
Thời gian ở trong vùng kháng chiến, tác giả “Mê hồn ca” cũng chưa một lần đạp xe đạp. Di cư vào miền Nam, ông cũng chưa một lần tự lái xe. Dù cho công việc buộc ông phải thường xuyên xê dịch.
Phương tiện di chuyển quen thuộc nhất của tác giả “Mộng dưới hoa” là taxi, xích lô...
Trở lại với tiệm phở 44, giữa khi chúng tôi đang ăn thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bước vào. Ðó là một người đàn ông nho nhã, trắng trẻo. Ông có dáng dấp một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ đã có nhiều năm chơi nhạc cho một số dancing nổi tiếng ở Hà Nội cũng như Saigòn.
Là bạn thân của nhau, nên khi thấy bạn, thi sĩ Ðinh Hùng gọi, như reo:
“Lại đây. Lại đây. Nguyễn Hiền.”
Rất từ tốn, người nhạc sĩ nổi tiếng từ khi còn rất trẻ ở Hà Nội, với nhạc phẩm “Người em nhỏ”, phổ thơ Thiệu Giang, bước lại bàn. Ông bắt tay chúng tôi. Ngồi xuống.
(Qua một bài viết của tác giả VDA, gần đây, tôi mới biết họ Nguyễn sáng tác ca khúc “Người em nhỏ” nhằm tặng người bạn đời sau này của ông.)
Sau khi nghe thi sĩ Ðinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là “hữu duyên”!
Ông nhìn tôi, giải thích:
“Mấy ngày qua tôi có ý tìm anh. Tôi vừa xin được địa chỉ và số điện thoại nơi làm việc của anh qua Mai Trường...”
Số là ông mới phổ nhạc xong bài thơ “Khi người về” của tôi. Ông muốn đổi tên nó thành “Tiếng hát ru tôi”.
Ông nhấn mạnh, ông giữ được gần như nguyên vẹn lời thơ và, kết luận nếu tôi cũng đồng ý thì bản nhạc sẽ được trình bày nay mai trên đài phát thanh với nhan đề ấy.
Tôi nói, nhan đề ông chọn cho ca khúc có phần thơ hơn nhan đề chính. Tôi thích lắm, và:
“Chắc anh không biết, anh là người thứ hai sau anh Mai Trường phổ nhạc thơ của tôi...”
Từ đấy, họ Nguyễn nói về thơ, nồng nhiệt như một thi sĩ.
Ông kể:
“Có anh Ðinh Hùng ở đây, anh ấy biết tôi rất thích thơ. Thơ trên báo hay thơ in thành sách... Hễ đến tay tôi là tôi đều đọc hết. Tôi đọc rất kỹ những bài tôi thích... Tôi có thói quen chú ý nhiều tới những động từ và tĩnh từ trong thơ...”
Thi sĩ Ðinh Hùng chăm chú nghe với những cái gật gù, như đắc ý về những nhận định của bạn ông.
Trước khi chia tay, để hai người ngồi lại với nhau, tôi nói:
“Thưa anh, nếu được xin anh làm ơn cho tôi biết trước giờ phát bản nhạc để tôi đón nghe!”
Tác giả “Hoa bướm ngày xưa” gật đầu. Ông rút trong túi miếng giấy nhỏ, đọc lại số điện thoại nơi tôi làm việc...
Tôi không biết có phải tính nghiêm túc, cẩn trọng (nhưng vẫn cởi mở của ông,) hay do chiếc cầu nối là thi sĩ Ðinh Hùng mà chúng tôi đã có được một tình thân trong tương kính khá mau chóng.
Ðúng như những gì tôi cảm nhận được về ông, từ gặp gỡ thứ nhất, mỗi lần ca khúc “Tiếng hát ru tôi” được thu thanh, hoặc phát lại, ông đều tìm cách cho tôi biết.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế, dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.
Tuy nhiên, tác giả “Lá thư gửi mẹ”, phổ từ thơ của Thái Thủy, cuối cùng đã cho tôi một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa.
Tôi nhớ kỷ niệm này tới mức mỗi khi bị hỏi về chuyện nhuận bút hay bản quyền tác phẩm, những ngày đầu cuộc đời làm văn nghệ của mình, tôi đều nhắc lại cũng như đã từng viết xuống.
Ðó là sự kiện, bẵng đi một thời gian không gặp tác giả “Mái tóc dạ hương” (thơ Ðinh Hùng,) một buổi trưa, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn nhờ tôi chở ông từ café La Pagode về Ðài Saigòn. Ngay khi vừa cặp chiếc xe sát lề đường, trước cửa đài, tôi nhác thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền từ phía phở 44 băng qua.
Ông dơ tay nửa như chào, nửa như muốn bảo đợi...
Bước lên lề, trước mặt Nguyễn Ðình Toàn, ông rút từ túi sau một khoản tiền, bọc trong một miếng giấy trắng (giống như đã chuẩn bị sẵn,) đưa cho tôi.
Ông nói:
“Một trung tâm băng nhạc nó mới thu bài ‘Tiếng hát ru tôi’. Ðây là phần tác quyền của anh”.
Ông không nói, tôi cũng không hỏi số tiền tác quyền ông chia cho tôi là bao nhiêu. Ðiều đó, với tôi thực sự không quan trọng. Ðiều tôi cảm khích, tôi nhớ mãi tựa hồ mới xẩy ra, chính là cái cung cách cư xử, ăn ở của ông.
Cung cách như một truyền thống văn hóa có tự bao đời của những người trí thức làm văn nghệ.
Không biết có phải vì sự việc xẩy ra bất ngờ, hay vì một nguyên nhân nào khác, khiến tôi không nói thêm được với ông lời nào, ngoài ba chữ “Cám ơn anh.”
Kể lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói tới nhân cách của họ Nguyễn. Một nhân cách đáng kể đi đôi cùng tài năng.
Nhiều năm trước đây, nhà hàng Tài Bửu (khi còn tọa lạc ở ngã tư đường Magnolia và Bolsa, thuộc thành phố Westminster,) là nơi sinh thời tác giả ca khúc “Anh cho em mùa xuân” (thơ Kim Tuấn,) hay có những buổi sáng ngồi uống café với bằng hữu.
Trong những gặp gỡ này, mỗi khi có dịp tôi lại kể kỷ niệm trên, (trước mặt ông,) như một cố tình bày tỏ lòng quý trọng của cá nhân tôi đối với ông. Người nhạc sĩ tài hoa, tới cuối đời, vẫn giữ được cho mình, một nhân cách cao. Quý.
Du Tử Lê,
(Thứ Năm 17 tháng 6-2010: “Nguyễn Hiền, người tình chung thủy của thi ca miền Nam 20 năm.”)