1. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Đêm 15.1.2010, Đoàn Cải lương Tây Ninh đã tổ chức phúc khảo vở diễn mới "Sóng gió vương triều", kịch bản Song Châu, đạo diễn Linh Châu. Đây là vở diễn được dàn dựng ngay sau khi đoàn giành hai huy vàng và bạc cá nhân ở Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm 2009 với vở diễn "Khu vườn của Thượng đế" (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Đoàn Bá).

    Trưởng đoàn CL Tây Ninh, NSƯT Kim Thoại cho biết: Gần đây, đoàn cũng đã dựng lại một số trích đoạn cải lương tuồng cổ, tuy nhiên "Sóng gió vương triều" là vở diễn dài hơi đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng trên sân khấu Tây Ninh. Hầu hết, anh chị em nghệ sĩ của đoàn đều là diễn viên trẻ, ít người có kinh nghiệm với lối diễn xuất, vũ đạo khá phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian luyện tập.

    Vì là người từng xuất thân từ Đoàn cải lương Thanh Bình (Tây Ninh) trong những năm cuối thập niên 1970, đầu 1980, nghệ sĩ Linh Châu rất kiên nhẫn trong việc chỉnh sửa từng động tác, bước đi cho anh chị em nghệ sĩ Tây Ninh (NS Linh Châu từng hát vai chính ở đoàn tuồng cổ Minh Tơ từ 1988 - 1993).

    Trước và trong đêm phúc khảo, hầu như nghệ sĩ nào cũng tỏ ra rất phấn khích khi "xúng xính" trong trang phục xưa, binh lính, tướng quân, nô tì, hoàng thái hậu... đều nài nỉ anh hề - vốn có nghề tay trái là thợ chụp ảnh dạo - "bắn" hết bô này đến bô khác để làm kỷ niệm.

    Đêm 15.1.2010, dù chỉ là diễn phúc khảo, nhưng khá đông người đã tụ tập ở khoảnh sân nhỏ tại căn cứ của đoàn (nằm cạnh Bảo tàng Tây Ninh" từ lúc 18 giờ tối chờ đợi. Căn-tin của đoàn chỉ có vài chục ghế, nên có người phải ngồi bệch xuống đất. Nhìn mà nhớ cái thưở hoàng kim của cải lương, Bãi hát Thị xã, giờ đã phá bỏ, hàng ngàn chỗ chật kín. Lẫn trong tiếng đờn kìm, đờn tranh là tiếng rao mía ghim, đậu phộng, thuốc lá, và tiếng cười hi hi của lũ trẻ leo tường coi cọp, thoát được cánh bảo vệ - kiểm soát...


    Cảnh Lý Thường Khang - (NS Giang Xuân đóng) bị bắt.

    Vở "Sóng gió vương triều" là vở diễn dành phục vụ tết. Tết Canh Dần này, đoàn về xứ Trảng, quê hương của không ít nghệ sĩ trong đoàn. Xoay quanh sự kiện lịch sử vào năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, Hoàng Thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi. Lúc này, mẹ của Càn Đức là Linh Nhâm thái hậu Ỷ Lan đang giữ vai trò nhiếp chính, nhưng lại bị Thượng Dương thái hậu "toa rập" cùng thái sư Lý Đạo Thành chiếm quyền nhiếp chính. Được sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan lấy lại được quyền bính, lãnh đạo triều đình và quân dân nhà Lý hai lần đánh thắng quân Tống (1075 và 1077)...



    Cảnh Lý Thường Kiệt - (NS Ngân Thanh) thay vua thảo chiếu


    Hẳn nhiên, bất kỳ vở cải lương nào cũng có chút hư cấu. Soạn giả Song Châu và đạo diễn Linh Châu tỏ ra là người đọc khá kỹ về những tình tiết mà sử sách lẫn giai thoại ghi lại về giai đoạn đầy sóng gió này. Vở diễn đã được lồng ghép những chi tiết về một Nguyên phi, sau là Linh Nhâm Thái hậu Ỷ Lan xuất thân từ một thôn nữ trồng dâu, nuôi tằm ở trang Thổ Lỗi, hương Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nhưng rất chịu khó học hỏi, miệt mài đọc sách. Khi Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan.


    Cảnh Thượng Dương thái hậu (DV Thanh Thảo) lập mưu đưa Ỷ Lan (DV Anh Thư) lên dàn hoả.

    Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ.
    Trong vở diễn, đạo diễn Linh Châu khá sáng tạo khi buộc Thượng Dương thái hậu phải hỏi ý kiến của dân trước khi đưa Ỷ Lan lên dàn hoả. Trong thời điểm khó khăn của đất nước, lòng dân luôn hướng về một Ỷ Lan nhân hậu, đến Lý Đạo Thành hủ nho, luôn trung thành với dòng chính, cũng phải run sợ, từ bỏ ý định giết hại Ỷ Lan, tước bỏ binh quyền của Lý Thường Kiệt.


    Hình ảnh Ỷ Lan và tượng Phật bà Quan âm.


    Vở diễn này cũng đã đưa ra câu trả lời về nghi vấn về cái chết của Thượng Dương thái hậu cùng 72 cung nữ trong lãnh cung. Tức tối vì thua "một thôn nữ", Thượng Dương thái hậu đã buộc 72 cung nữ uống thuốc độc rồi tự sát với mục đích xoá đi hình ảnh "Quan Âm Nữ" của Ỷ Lan, để bà phải gánh chịu "những tì vết khó rửa" đến ngàn đời sau.


    Lý Đạo Thành (Nam NS Đông Dương) "ngu trung", luôn tôn thờ dòng chính thất.

    Ngoài một Ỷ Lan - Anh Thư luôn nổi trội trong từng vai diễn, hầu hết những nghệ sĩ góp mặt đêm hôm ấy đều khá "tròn vai". Không thể trách những sai sót nhỏ khi thật lâu rồi anh chị em nghệ sĩ của đoàn mới được diễn vở "màu sắc". Lý Thường Kiệt - Ngân Thanh quá run, hai lần vấp té trên sân khấu vì mũi giày tướng vướng vào mép gỗ của sân khấu; Lý Đạo Thành - Đông Dương hơi loạng choạng khi lia bộ kiểu hát bội; binh lính đấu với Lý Thường Kiệt để mũi giáo "vẹo" đầu. Hoặc việc ngắt câu, nhấn chữ trong lời thoại của Tú Kiều - Hồng Cẩm chưa đúng chỗ...

    Năm 2009 được xem là một trong những năm đầy "sóng gió" của Đoàn cải lương Tây Ninh, hề Gần "ra đi" khi còn quá trẻ, Lê Thanh rời đoàn khi đang tập "Sóng gió vương triều", cả Trưởng đoàn Kim Thoại lẫn Phó đoàn Thanh Thanh Mai mấy phen ngược xuôi tìm người lấp chỗ.

    Những nỗ lực của đoàn được ghi nhận bằng thành tích ở hội diễn, bằng tiếng vỗ tay của khán giả trong đêm 15.1 khi nghe giọng ca đầy sung sức của một nam diễn viên mới chập chững bước vào nghề.

    Đặng Hoàng Thái
    (Theo : danghoangthai.vnweblogs.com, 18/01/2010)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  3. vietngu
    Avatar của vietngu
    Ở Bình Dương mà cũng rành về đoàn CL Tây Ninh quá hé..hjhj
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to vietngu For This Useful Post:

    DOHOANG (15-06-2012)

ANH EM CHANNEL