1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    TIỂU SỬ:

    Huỳnh Trí Bá là tên thật của NSƯT Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình nho học trung nông tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca.

    Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,... Cái tên Bảy Bá được biết từ lúc đó.

    Một kỷ niệm đáng nhớ của NS Bảy Bá trong những năm đầu vào nghề: ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, NS Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi... nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa...

    GIAN NAN BƯỚC CHÂN NGƯỜI NHẠC SĨ

    Năm 1946 gia đình ông tham gia kháng chiến, nhưng chỉ một năm sau đó, người anh tên Thanh Tòng của ông bị bắt và chết trong tù, ông phải bỏ xứ trốn lên Sài Gòn, tìm đến đoàn Năm Châu (lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm) để tiếp tục làm nghề; nhưng không lâu sau đó ông bị địch bắt, bị tra tấn dã man suốt 18 ngày. Không khai thác được gì, chúng đày ông đi Cẩm Giang. Năm 1949, do bọn lính canh sơ hở, ông trốn thoát và trở về Sài Gòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên Trương Văn Bảy.

    MỘT SỰ NGHIỆP ĐỒ SỘ CÓ TỪ NIỀM ĐAM MÊ

    Trong nghề, NS Bảy Bá được các nghệ sĩ đàn anh tận tình giúp đỡ, trong đó có NSND Năm Châu và vợ-NS Kim Cúc. Tuy nhiên, bản thân ông còn có một niềm đam mê cháy bỏng, một trái tim đa cảm và một năng lực sáng tác dồi dào. Hơn 60 năm cầm đàn, cầm bút, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ! Cho tới nay, dù đã bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, như con tằm chăm chỉ nhả những đường tơ óng ả cho đời.

    Trong sự nghiệp sáng tác đáng nể trọng đó, NS Bảy Bá, soạn giả Viễn Châu còn là cha đẻ của bản tân cổ giao duyên (TCGD). Ông đã nói về những gian nan trong quá trình hình thành bài TCGD: "Lúc đầu có nhiều người không đồng ý, không chịu đưa bản nhạc cho tôi sáng tác lời vọng cổ. Thế là với hiểu viết về âm nhạc của mình, tôi đã tự mày mò viết lấy. Tôi cũng không ngờ khi ra đời, TCGD lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau này, nhiều nhạc sĩ mới tin tưởng đưa sáng tác của mình cho tôi viết lời vọng cổ...". Thế mới thấy, niềm đam mê âm nhạc (cả tân lẫn cổ) từ thuở thiếu niên đã giúp ông tạo nên một "kỳ duyên" cho hai loại hình tưởng chừng đối nghịch nhau.

    Nhiều vở tuồng của ông cho tới nay vẫn được người xem nhắc nhở như: "Nát cánh hoa rừng" (vở đầu tay), "Đường ra biên ải", "Đời cô Nga", "Người mẹ mù", "Viên ngọc rắn thần", "Hoa Mộc Lan", "Con gái Hoa Mộc Lan"... Nhiều kịch bản của ông không chỉ được các đoàn đón dựng mà còn được thu vidéo, audio. Đặc biệt kịch bản "Tình mẫu tử" của ông sáng tác trên 20 năm, vừa được nhóm nghệ sĩ U50, U60 "Những dấu ấn không phai"-Nhà hát Trần Hữu Trang trình diễn và đã thu hút rất đông đảo người xem.

    NGƯỜI TẠO DANH CHO NGHỆ SĨ

    Năm 1959, nhân đi nghe ca ở quán, ông chú ý tới lối ca của NS Văn Hường. Thế rồi ông có sáng kiến viết bài vọng cổ hài cho Văn Hường thu đĩa. Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về bản vọng cổ hài hước, đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: "Tôi đi làm rể", "Ba chàng rể quý", "Tư Ếch đi Sài Gòn", "Vợ tôi tôi sợ", "Văn Hường nể vợ", "Tâm sự Văn Hường", "Vợ tôi nói tiếng Tây",...

    Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên "Chàng là ai?"(Tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ NS Lệ Thủy ca. Ngay lập tức ông thành công với thể loại này vì đĩa bán rất chạy. Dù lúc đó có ý kiến không đồng tình với sự "giao duyên" này, nhưng nhiều thính giả ưa thích nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo "mốt" TCGD mà thêm vào khi diễn viên ca vọng cổ.

    Thời kỳ bản vọng cổ lên ngôi, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi đẹp, mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là "người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được đông đảo người xem yêu thích, như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Tấn Tài với "Mùa xuân của mẹ", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", Bạch Tuyết với "Hai sắc hoa Ti-gôn", Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu xuất gia" và "Hai lối mộng",... Sau giải phóng, tác phẩm của ông vẫn được nhiều người ưa thích với các danh ca khó có người thay thế như: "Người mẹ miền Nam" (NS Thanh Nga), "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" (Thanh Kim Huệ), "Nửa mảnh khăn rằn" (Út Bạch Lan),...

    * * *

    Soạn giả Viễn Châu được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1988. Vinh dự đó như một sự khích lệ cho ông tiếp tục sáng tác. Tuy nhiên, điều luôn làm ông cảm thấy phấn khích chính là những người làm nghề, những nghệ sĩ quanh ông vẫn cần sáng tác của ông. Đó niềm vui khi thấy mình vẫn còn có ích cho mọi người, vẫn còn được góp sức làm vui cho đời.


    ( SƯU TẦM )
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Soạn Giả VIỄN CHÂU

    Soạn giả Viễn Châu đã tạo ra một gia tài văn hóa đặc thù rất phong phú của hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 vở cải lương... Trong đó tôi rất thích bài tình ca vọng cổ "Tình anh bán chiếu", được nghệ sĩ Út Trà Ôn trình bày....

    Đó là nguyên bài sáu câu tình ca nói lên một chuyện tình buồn. Đại ý của bài vọng cổ này nói lên sự lãng mạn si tình của anh bán chiếu. Khi người con gái đặt mua chiếu, rồi anh bán chiếu đem lòng nhớ thương. Khi ghe đến ngã sông Phụng Hiệp, nơi chia ra 7 nhánh sông con gọi là Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn anh đến tận nhà cô, cô đưa anh vào chốn phòng riêng để anh đo ni chiếc giường gõ đỏ và đặt anh làm đôi chiếu. Cô hỏi qua giá cả xong anh trả lời lấy giá rẻ để làm quen. Năm ngày sau khi anh sắp sửa lui ghe cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đã quay gót chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô biết đâu rằng anh đã lấy nón lá che ngang để che giấu đôi hàng nước mắt chảy dài, và anh không muốn bàng dân thiên hạ chê cười vì anh là gã trai si tình. Yêu một người con gái với trái tim thành thật có xấu không? Rồi si tình người con gái mới quen đến độ sung sướng để hàng lệ rơi có xấu không? Thưa không, nhưng nét đẹp của văn hóa cổ xưa của đất nước chúng ta rất dễ thương vì nhà thơ Xuân Diệu nhớ người tình cũng đã để nước mắt tuôn trào như sau:

    "Nằm đêm anh cứ thương em
    Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
    Thế này cho hết trăm năm
    Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em"
    (bài "Nằm Đêm Anh Cứ Thương Em", XD)

    Nguyễn Bính cũng âu sầu tương tư bóng hình người láng giềng qua giậu mùng tơi, Hàn Mặc Tử nhớ Mai Đình để hàng lệ rơi, những mối tình xưa trong văn học Việt Nam còn nhiều lắm, và trong đó có "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu. Cái đau lòng của anh bán chiếu là khi năm sau anh trở lại chốn xưa thì hỡi ơi cô khách hàng đã theo chồng. Cái đau cho cuộc tình một chiều là ở sự kiện "tan nát tình anh". Lời ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn làm cho người nghe xót xa cho chàng bán chiếu đã ươm một mối tình quá oan khiên qua mấy câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu.

    Vậy soạn giả Viễn Châu là ai?

    Tôi tham khảo sách "Ngũ Đại Gia của Sân khấu Cải lương" do soạn giả Nguyễn Phương biên soạn, Trường Kỳ phát hành cùng với tài liệu của nhà văn Ba Bé cung cấp như sau:

    Huỳnh Trí Bá là tên thật của nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Vì sinh trưởng trong gia đình có 7 người con, ma ông là thứ 7 nên bạn bè trong xóm gọi tên tục thân thiện là "Bảy Bá". Ông sinh năm 1924 trong một gia đình gia giáo nho học tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ nhạc ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Bảy Bá có khiếu viết văn , làm thơ và ham mê âm nhạc, năm ông 15 tuổi ông tỏ ra xuất chúng về môn đàn tranh. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,... Cái tên Bảy Bá được nổi danh từ lúc đó.

    Một kỷ niệm đáng nhớ của nhạc sĩ Bảy Bá trong những năm đầu mới vào nghề là ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, ông dược dịp thế chân. Trước khả năng đó nhạc sĩ Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi... nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa. Sau khi cha mẹ mất, ông rời những thân nhân cùng cuộc đời ruộng rẫy nghèo khổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu mới vào phạm trù âm nhạc. Ông quyết định trở lên thủ đô, tại Saigòn thì ông ở trọ nhà một người bạn cũng nghèo. Nghệ sĩ Bảy Bá phải mưu sinh bằng nghề đi đờn đám, như các đám cưới, đám hỏi, liên hoan, sinh nhật…Nhiều khi đi về quá khuya, mà cửa nhà đã đóng then cài thì ông không dám kêu cửa vì sợ phá giấc ngủ của người bạn, nên ông kê cây đờn làm gối ngủ phê một giấc cho tới sáng hôm sau ngay ở ngoài hàng ba nhà trọ. Đó là nỗi đam mê yêu nghệ thuật, và chính nó đã khiến nhạc sĩ Viễn Châu gặp nhiều lận đận, rồi cuộc đời chấp nhận sống lang thang, bụi đời trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Năm 1943, nghệ sĩ Bảy Bá tham gia vào đoàn Việt Kịch Năm Châu và lưu diễn khắp mọi miền đất nước, và được bậc thầy của sân khấu cải lương là ông Năm Châu đã tận tình nâng đỡ về nghề nghiệp. Lúc này thì soạn giả Viễn Châu bắt đầu tập viết tuồng vào những năm cuối cùng của thập niên 40, với vở đầu tay tựa đề Nát Cánh Hoa Rừng, cảm tác từ chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó. Ông đã được nhiều người mến mộ.

    Phải nói là trên bước đường nghề nghiệp, Bảy Bá được các nghệ sĩ đàn anh tận tình giúp đỡ, như đã nói trong đó có vợ chồng nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc là phần chính. Nhưng với bản thân ông, ông mang một nỗi niềm đam mê dào dạt bộ môn cải lương, một tâm hồn xao xuyến đa cảm và một khả năng sáng tác dồi dào đã đưa ông đến hết thành công này đến thành công khác. Vì trong khoảng thời gian hơn 60 năm mang kiếp nghệ sĩ cổ nhạc, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ. Một gia tài quá lớn mà ông dể lại cho nền âm nhạc Việt Nam. Những khía cạnh đáng nhớ về soạn giả Viễn Châu:

    Vọng Cổ Hài Hước:

    Ông là người tạo ra hệ phái vọng cổ hài hước mà sau này nhiều gương mặt nổi danh nhờ những bài ca vui, dí dỏm như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,... Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về phạm vi vọng cổ hài hước, nhạc ông đã đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài hước duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: "Tôi đi làm rể", "Ba chàng rể quý", "Tư Ếch đi Sài Gòn", "Vợ tôi tôi sợ", "Văn Hường nể vợ", "Tâm sự Văn Hường", "Vợ tôi nói tiếng Tây",...

    Tân Cổ Giao Duyên:

    Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc cách mạng bằng một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên "Chàng là ai?" (Tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ nghệ sĩ Lệ Thủy ca. Dù lúc đó có một số ý kiến chống báng, không đồng tình với sự giao duyên tân cổ nhạc này. Nhưng càng về sau quần chúng đã nồng nhiệt chấp nhận những tác phẩm của ông, nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo loại nhạc ghép tân cổ giao duyên và thêm vào đôi hai giọng ca tân nhạc và vọng cổ.

    Thời gian trôi qua vọng cổ đã thăng hoa, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi "mùi", mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là "người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Tấn Tài với "Mùa xuân của mẹ", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", Bạch Tuyết với "Hai sắc hoa Ti-gôn", Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu xuất gia" và "Hai lối mộng",...

    Vở Tuồng Cải Lương:

    Trong liên tiếp nhiều thập niên kể từ cuối thập niên 1940, soạn giả Viễn Châu đã sáng chói trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương, ông thành công với khoảng 70 vở tuồng được xem là ăn khách hàng đầu, như Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mạc Tử, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng…

    Tóm lại, tên tuổi của soạn giả Viễn Châu đã thật sự thành công vượt bực trong ngành cổ nhạc. Như trên đã trình bày ông viết nhiều tuồng cãi lương, những bản vọng cổ ăn khách nhất với lời văn mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ nhạc, nhiều tác phẩm của ông gợi lại hình ảnh nông thôn lam lũ và bình dị, để châm biếm những cảnh trái tai, gai mắt trong xã hội muôn mặt, hay để hoài niệm về một thời dĩ vãng, bày tỏ tâm sự của những tâm hồn đa cảm và những mối tình dang dở. Người ái mộ ông chưa hẳn là thích cốt chuyện tình tiết éo le, nhưng vì những tuồng tích quen thuộc đó được ông đệm vào bằng những lời ca văn chương trau chuốt, mượt mà và rất trữ tình. Do đó nếu so sánh giữa những bài ca vọng cổ đơn chiếc và những vỏ tuồng cải lương dài thì vì tài viết văn ghép vào nhạc của ông quá xuất sắc hay quá điêu luyện, nên ông được nhiều bình luận gia về cổ nhạc cho rằng ông đã vượt trội về tên tuổi trong các tác phẩm vọng cổ hơn là soạn giả của những vở tuồng dài cải lương. Lời nhận xét này cũng là lời kết luận của bài viết này vậy.

    Theo Việt Hải
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. suka
    Avatar của suka
    NSƯT, soạn giả Viễn Châu – danh cầm Bảy Bá: Hơn 70 năm tay viết, tay đàn…
    TRÒ CHUYỆN CHỦ NHẬT

    Thứ ba, 03/11/2009, 15:55 (GMT+7)
    Ngày 21-10 vừa qua, người được mệnh danh là “Vua vọng cổ” – NSƯT, soạn giả Viễn Châu, tức danh cầm Bảy Bá, đúng 87 tuổi. Với 87 tuổi đời, ông đã có hơn 70 năm tay viết, tay đàn, sáng tác trên 2.000 bản vọng cổ và 50 kịch bản cải lương. Đặc biệt, ông là người sáng lập ra trường phái vọng cổ hài và tân cổ giao duyên, đã góp phần làm phong phú, hấp dẫn thêm cho nghệ thuật cải lương. Đồng thời với ngón đàn điệu nghệ, sáng tác tài hoa, ông đã đưa nhiều giọng ca trong làng cổ nhạc lên hàng ngôi sao.

    Chuyện nghề... để nhớ!
    Một sáng cuối tuần, chúng tôi đến nhà NSƯT Viễn Châu ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, Q1. Ông bảo: “Trò chuyện chắc lâu, đi lên phòng làm việc của tôi cho yên tĩnh, gian phòng có hơi bừa bộn một chút, tôi để đủ thứ tài liệu, hễ khi sáng tác, nếu cần đến là có ngay…”.

    Mặc dù ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” và đang mang trong người nhiều chứng bệnh, như hai câu thơ ông tự họa: “Đầu nặng, tay run, chân khập khiễng/Lưng đau, cổ nhức, mắt lem nhem”, thế nhưng giọng nói của ông vẫn thanh trong, đầu óc rất minh mẫn và nhờ tài sáng tác nên vẫn đắt hàng.

    Nhắc về những kỷ niệm khi viết vọng cổ, ông hào hứng kể: “Năm 1961, nghệ sĩ Út Trà Ôn đang là giọng ca hay của Hãng đĩa Hoành Sơn. Khi Hãng đĩa Hồng Hoa mời về cộng tác, ông giám đốc muốn tôi viết một bài thật hay để giới thiệu giọng ca này. Tôi cứ suy nghĩ, với một giọng ca hay như vậy, mình phải viết làm sao cho thật hay mới được. Một hai hôm sau, tình cờ trong một chuyến đi Bạc Liêu thăm bà con, về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp, tôi dừng chân ở một quán cà phê ven đường.

    Tôi ngó qua bên đường thấy một anh bán chiếu còn rất trẻ, dáng vẻ quê mùa và hiền lành, đang dựng bao chiếu dưới gốc cây ngồi nghỉ mát. Rồi tôi ngó tuốt trong đồng thấy một đám cưới với những sắc hoa rực rỡ. Ngồi uống cà phê, tôi mới nghĩ ra một chuyện tình của anh bán chiếu trẻ với cô gái... Sau đó, lên xe hơi về lại Sài Gòn, tôi đã soạn xong những ý chính của bài vọng cổ Tình anh bán chiếu dành cho Út Trà Ôn ca.

    Có 2 kỷ niệm này nữa cũng rất vui. Trong đời sáng tác, tôi có 2 bài hát viết chưa ráo mực đã được thu đĩa. Vào khoảng năm 1964, khi Hữu Phước đi gánh Thanh Minh ở các tỉnh miền Trung, về Sài Gòn, đến Hãng đĩa Hồng Hoa chơi, tình cờ lúc đó tôi cũng vô hãng đĩa chơi, vậy là giám đốc Hồng Hoa kêu: “Anh Bảy, có bài vọng cổ nào không, đưa cho Hữu Phước ca, thu đĩa liền!”.

    Lúc đó đi chơi mà bài hát lấy đâu ra, với lại viết bài nào thì thu đĩa hết bài đó, còn đâu. Vậy là Hồng Hoa kêu tôi: “Ông viết đi, thu đĩa liền”. Thấy vậy, tôi nói: “Thôi được rồi, tôi viết liền”. Còn ông Hồng Hoa cho người đi chở nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ – 2 người đờn cổ nhạc và một chuyên viên âm thanh lại.

    Khi các danh cầm, chuyên viên âm thanh đến thì tôi đã viết xong 3 câu vọng cổ của bài Nhớ mẹ, Hữu Phước lấy vô phòng thu. Khi thu xong 3 câu đầu, Hữu Phước trở ra hỏi “Còn 3 câu sau đâu?” thì tôi cũng đã viết xong 3 câu vọng cổ còn lại. Vậy là Nhớ mẹ ra đời và nổi tiếng cho đến giờ.


    Rồi cũng năm đó, nghệ sĩ Thanh Nhàn đi gánh Kim Chung, gặp tôi ở Hãng đĩa Hồng Hoa, ông Hồng Hoa cũng kêu tôi viết liền. Lần trước với bài Nhớ mẹ, cảm hứng tới liền, viết rất nhanh. Còn bây giờ, viết cái gì đây? Lúc đó, tôi đang ngồi ở bàn ăn của công nhân hãng đĩa, bỗng có một anh đầu bếp đi chợ mua một thúng đồ ăn về tới, trong đó có đựng mấy trái khổ qua, vậy là tôi đặt bút viết Trái khổ qua. Tôi không ngờ bài hát này tồn tại đến giờ”.

    Trăn trở cùng cải lương°
    Trong số hơn 2.000 bản vọng cổ, giới mộ điệu được thưởng thức không ít bản vọng cổ hài khá sinh động, dí dỏm của ông, nhưng dường như lâu rồi ông không viết vọng cổ hài nữa. Vậy phải chăng những bản vọng cổ hài mà ông viết trước đây đã quá hay rồi nên sau này ông ngại viết, hay sân khấu cải lương hiện nay đang thiếu những giọng ca hài khiến ông không còn “mặn mà” với vọng cổ hài?

    ° Sau này, hầu như tôi rất hiếm khi viết vọng cổ hài, bởi những bản vọng cổ hài trước đây khá nổi tiếng, không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ và khán giả mộ điệu rất yêu thích. Đó là điều tôi rất vui mừng, hạnh phúc, nhưng lại là một áp lực, đòi hỏi tôi khi đặt bút viết những bản vọng cổ hài mới phải làm sao hay hơn. Tuy vậy, nếu nhìn lại sân khấu cải lương hôm nay, giọng ca hài nào có còn mấy ai? Nếu viết ra vọng cổ hài, ai sẽ ca đây? Đó là một thực tế đáng buồn.

    ° Trong tình hình cải lương hiện nay, nhiều người cho rằng khán giả không hề quay lưng với cải lương, chỉ có điều cải lương đang thiếu một cái gì đó để hấp dẫn khán giả. Là một người gắn bó hơn 70 năm với cải lương, sáng tạo nhiều trường phái vọng cổ, tạo sự mới mẻ, sức hút khán giả, ông nhận xét thế nào về sân khấu cải lương hôm nay?

    ° Tôi nghĩ thế này, ngày xưa ở Sài Gòn có hàng chục rạp hát, các đoàn hát có thể luân phiên biểu diễn. Những người có tiền, thường bỏ tiền ra cho các đào kép lập gánh hát và ký hợp đồng với các đào kép hẳn hòi, nếu hát đoàn này thì không được hát cho đoàn khác. Còn bây giờ, cả một thành phố rộng lớn thế này, chỉ còn một rạp hát Hưng Đạo dành cho cải lương, việc sáng đèn cũng không được thường xuyên, chỉ tập trung vào những ngày cuối tuần.

    Lâu nay, ai cũng nói cải lương xuống dốc, cần phải vực dậy cải lương, tôi suy nghĩ: cải lương muốn vững vàng, cần có nhiều yếu tố. Trước hết là đoàn hát, kế đến là bầu gánh hát, rồi đào kép hát và cuối cùng là tuồng hát. Bốn cái này luôn tồn tại, cải lương mới vững. Hồi xưa có tiền là làm bầu gánh hát được, đào kép luôn sẵn sàng tập trung “lúa thóc đâu, bồ câu đó”. Nhưng bây giờ, những người có tiền không ai dám làm bầu gánh, bởi kêu đào kép rất khó. Các đào kép hát trước đây, khi được các đoàn hát mời về ký hợp đồng đều có trình độ, giọng ca ngang nhau, làm việc quen hơi, bén tiếng, đóng cụp với nhau. Còn bây giờ, cứ mời đại, không có người này thì mời người khác, không ngang tài ngang sức cũng được.

    Có một điều mà tôi cứ trăn trở, trước đây, tuy không có trường lớp, nhưng tại sao cải lương lại hay vậy? Hồi trước, gánh hát giống như một đại gia đình với nhau. Một khi đã vào đoàn, hát chung với nhau thì anh chỉ cho em, bàn bạc, góp ý, thương yêu lẫn nhau. Ai hát chưa hay, còn thiếu điều gì thì được các thành viên chỉ dạy, chỉnh sửa cho hay, thậm chí có lúc gây nhau, xong rồi thôi, vui vẻ làm việc, không giận nhau. Cho nên ngày qua ngày, cái nghề tiến triển hơn, giỏi lên lúc nào không hay. Còn bây giờ, không ai dám nói ai, sao cũng được, có dở cũng kệ, chứ nếu nói là sanh chuyện (?!). Tôi nhận thấy cải lương đang thiếu cái tình với nhau thì phải

    ĐỖ HẠNH (thực hiện)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    NSƯT - Soạn giả Viễn Châu: Gã “si tình” của sân khấu cải lương


    Nghệ danh Viễn Châu hay còn gọi là nhạc sĩ đờn tranh Bảy Bá đã đi vào lòng người mộ điệu với hơn 2.000 bản vọng cổ.
    Tâm sự về quá trình đến với nghề, ông kể: “Nơi chôn nhau cắt rún của tôi là ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình có cha là hương cả. Tôi chào đời ngày 21-10-1924, với tên khai sanh là Huỳnh Trí Bá. Vốn là con thứ sáu trong gia đình nhưng theo cách gọi của người miền Nam, gọi tôi là Bảy Bá. Từ nhỏ tôi đã mê học đờn tranh, tự mày mò những ngón đờn học lóm qua đĩa hát nhựa. Năm 19 tuổi, máu giang hồ nổi lên, tôi xách cây đờn tranh, trốn gia đình mua vé tàu lên Sài Gòn đến Đài Phát thanh Sài Gòn xin được tham gia với ban cổ nhạc. Nghe tôi đờn thử người ta nhận và tôi may mắn được sống với các anh: Sáu Quý, Mười Còn, Jăng Tịnh... Thời đó, ở dưới quê, mấy bà chị tôi đã chạy qua nhà hàng xóm để nghe ké chương trình cổ nhạc, vì cả xã Đôn Châu chỉ có mỗi nhà anh Hai Cang có radio. Đến cuối năm 1943, tôi theo đoàn Tố Như lưu diễn, hai tháng sau anh Mười Còn rủ tôi theo gánh ca kịch của anh Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Từ đó, tôi có cơ may tiếp xúc với các anh: Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân... và làm quen với việc sáng tác”.
    Từ kịch bản đầu tay Nát cánh hoa rừng sáng tác năm 1950, đến nay ông đã viết hơn 70 vở cải lương. Ông còn là cha đẻ của thể loại tân cổ giao duyên, vọng cổ hài, sáng tác của ông đã “dát vàng” cho nhiều tên tuổi như: Tình anh bán chiếu (Út Trà Ôn), Mẹ dạy con (Út Bạch Lan), Áo tình đắp mộ người yêu, Lan và Điệp (Ngọc Giàu), Tiếng trống tàn canh (Thành Được), Quan Âm Thị Kính (Lệ Thủy), Tu là cội phúc, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà (Minh Cảnh), Lắng tiếng chuông ngân (Thanh Nga), Nửa đêm sầu hận (Mỹ Châu), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Tấn Tài), Mồ chồng ngọn cỏ còn xanh (Minh Phụng), Hoa trôi dòng nước bạc (Kim Ngọc), Thoại Khanh - Châu Tuấn (Thanh Thanh Hoa)...
    Nói về những trăn trở, ông bùi ngùi: “Một số cây bút sân khấu hôm nay hết sức tùy tiện khi sử dụng bài bản cải lương. Ai đời khi vui mà cho ca Nam Ai, Ái Tử Kê? Lại còn đẻ non theo phong trào, để dự các trại sáng tác, các hội diễn. Đẻ non kiểu đó thì chết non thôi. Người xem không đến rạp, vì họ không tin những gì họ xem là xuất phát từ tim óc của người viết”.
    Sẽ có bốn thế hệ nghệ sĩ sân khấu như: Kim Chưởng, Út Bạch Lan, Phương Quang, Phương Hồng Thủy, Mỹ Châu, Hồng Nga, Minh Cảnh, Thúy Nga, Lệ Thủy, Minh Phụng, Hề Sa... sẽ xuất hiện trong chương trình này. Các trích đoạn cải lương sẽ được HTV dàn dựng hoành tráng, phả vào đó tiết tấu mới nhưng vẫn giữ chất văn học đậm đà trong sáng tác của ông. Soạn giả Viễn Châu nhấn mạnh: “Tôi muốn tri ân khán giả mộ điệu đã dành cho tôi nhiều tình cảm, để bài vọng cổ sống mãi với thời gian và tôi vẫn là kẻ si tình của sân khấu cải lương. Vậy là hạnh phúc lắm rồi

    Theo Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Tâm sự đời Viễn Châu

    Từ nhỏ đã trót yêu... thơ!
    Khi nghe những bản vọng cổ do NSƯT Viễn Châu sáng tác, nhiều khán giả mộ điệu không khỏi trầm trồ ngợi khen: “Lời vọng cổ của NSƯT Viễn Châu dường như chứa đựng rất nhiều thơ, nhạc, hình ảnh...”.

    Về điều này, NSƯT Viễn Châu tiết lộ:

    - Khi viết bất kỳ bản vọng cổ nào, nếu không chú ý đến hình ảnh sẽ cảm thấy thiếu thiếu, nhất là viết về con người - các danh tướng. Tôi nghĩ, chính hình ảnh sẽ thêm hoa, thêm lá, thêm cành cho bản vọng cổ thêm sinh động. Còn tại sao trong bản vọng cổ của tôi, có những lời ca tựa như thơ, như nhạc? Được như thế là nhờ hồi còn nhỏ ở dưới quê Trà Cú (Trà Vinh) hễ dành dụm được bao nhiêu tiền, tôi đều tìm mua sách thơ của các tác giả nổi tiếng để đọc - đọc rất nhiều. Dần dần, trong những sáng tác của tôi, phần nào đã chịu ảnh hưởng của thơ ca. Đọc nhiều thơ, viết lời vọng cổ có chất thơ, vài năm trở lại đây, mỗi độ xuân về, NSƯT Viễn Châu còn làm thơ, họa về các nghệ sĩ tài hoa của sân khấu cải lương đăng báo xuân. Ông cười bảo:

    - Tết đến, làm vài câu thơ cho vui vậy mà...

    - Thế Tết này, bác có làm thơ?

    Những ngày giáp Tết, nếu có dịp ngồi nghe vua vọng cổ - NSƯT VIỄN CHÂU “tâm sự đời tôi” với nhiều câu chuyện chưa bao giờ kể, thì quả thật vô cùng thú vị...

    Ông khẽ đáp:

    - Hổm rày lu bu sáng tác vọng cổ theo đơn đặt hàng của nghệ sĩ trong nước, ngoài nước, chắc là không làm được rồi.

    Những sáng tác riêng... cho mình

    Hiện NSƯT Viễn Châu đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm - 87 tuổi, nhưng trông ông lúc nào cũng minh mẫn và vui vẻ. Tối tối, ông thường cùng một số bạn bè đi uống cà phê hoặc đến vài tụ điểm cổ nhạc hát vui vài ba bản vọng cổ rồi về. “Vậy chắc vua vọng cổ có những bản ruột của mình?”. Ông hồ hởi kể:

    - Cũng có một số bản vọng cổ tôi viết để dành riêng cho mình đi hát với bạn bè cho vui. Chẳng hạn như: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn tranh và 16 cô đào hát”, “Sao thầy chẳng thương em?”, “Soạn giả gặp Diêm Vương”. “Thiên đường hay địa ngục”. Đặc biệt, vào năm 1994, tôi viết bản “Anh không chết đâu em”, bạn bè rất thích nghe tôi hát; và có khoảng thời gian, mỗi lần tôi đến các điểm cổ nhạc chơi, mới bước vào cửa là ai nấy đều bảo: “Ông Anh không chết đâu em đến kìa!”. Khi nhắc đến đây, NSƯT Viễn Châu liền lấy đàn khảy lên những giai điệu ngọt ngào và hát ngon lành “Anh không chết đâu em”: “Sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, thì trong những hàng tri âm tri kỷ có ai sẽ tiễn đưa tôi ra nơi nghĩa địa... Rồi một chiều nào khi tắt nắng hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt một vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than, nàng ca lên những bài ca áo não thê lương khóc người nghệ sĩ trót mang nhiều cam lụy, ôm ngôi mộ nàng gục đầu nức nở: Anh Bảy ơi anh chết tự bao giờ... Nằm dưới mồ nghe những tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại, tung mồ dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng: Anh không chết đâu em!”.

    ... Và cuộc gặp gỡ bất ngờ!

    NSƯT Viễn Châu tâm sự, khi nhắc đến vọng cổ hài, ông có một kỷ niệm rất vui. Vừa rồi, trong một chuyến cùng anh em ở Đài Truyền hình TP.HCM về Vĩnh Long công tác. Giờ nghỉ trưa, một anh tài xế của nhà đài nói với ông:

    - Bác Viễn Châu ơi, ba cháu rất mến mộ bác, mong một lần được gặp mặt bác, hôm nay bác nhín chút thời gian đến nhà cháu nha!

    Khi đến nhà, mới tới cổng, anh tài xế này nhanh nhảu chạy ù vô nhà, reo lên:

    - Ba ơi, con chở bác Viễn Châu về nhà gặp ba nè!

    Từ sau nhà, một người đàn ông trông thật thà, chất phác, ở trần mặt quần đùi hối hả chạy lên, vẻ mặt mừng rỡ, tay ôm NSƯT Viễn Châu vào người và nói:

    - Ông thiệt là hay nghen. Sao ông viết bài vọng cổ hài “Tôi đi làm rể” giống y chang lúc tui đi làm rể vậy? Hồi đó, tui sang nhà má vợ tương lai làm rể, lúc chẻ củi, tui cũng cởi chiếc áo vắt lên cây ổi trước sân... như lời vọng cổ mà ông viết vậy. Bộ lúc đó ông thấy tui hả?

    Quá bất ngờ với lời khen tặng, NSƯT Viễn Châu không kịp nói gì, chỉ đáp trả bằng một nụ cười thích thú. Giờ ngồi kể lại, ông cười, bảo:

    - Lúc viết bản “Tôi đi làm rể” tôi cứ hình dung ra cảnh ở quê, trong vườn nhà thường có những cây ổi, đi làm rể thường phải chẻ củi... rồi cứ thế mà viết ra... Nào ngờ nhà má vợ của ông bạn đó cũng có cây ổi, khi đi làm rể, ổng cũng chẻ củi, nên đúng thôi. Chứ tôi nào có thấy ổng. Nghĩ lại, cuộc gặp gỡ ông bạn khán giả lần đó thật bất ngờ, nhưng cũng thiệt vui!

    Tôi chợt nghĩ, đâu chỉ có một khán giả đó khen NSƯT Viễn Châu mà còn rất rất nhiều người thích thú với những bản vọng cổ, đặc biệt là vọng cổ hài của ông nên nhiều thế hệ mộ điệu cải lương mới luôn nể trọng gọi ông là là là... VUA VỌNG CỔ.

    ĐỖ HẠNH Theo Tuổi Trẻ Cười
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. minhle
    Avatar của minhle
    Thanks cô mai va MEM! Soạn giả Viễn Châu viết bài tân cổ nào cũng hay! Mấy thần tượng âm nhạc của Minhle được Viễn Châu đo ni đóng giày cho 1 số bài tân cổ thật giá trị.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL