Do đâu Giải Thanh Tâm bị đình chỉ năm Mậu Thân?
Nhân dịp Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đang chuẩn bị phát Giải Phụng Hoàng cho nghệ sĩ sân khấu cải lương, và công cuộc phát giải này đã tạo được sự chú ý cho nhiều người, vốn mến mộ đờn ca cổ nhạc tài tử, cũng đồng thời ảnh hưởng mạnh đến giới hoạt động sân khấu cải lương ở hải ngoại. Cũng như đã tác động cho một số người chưa từng ở trong nghề cũng dám nhảy ra tổ chức hát cải lương
Nhận thấy Giải Phụng Hoàng ở hải ngoại hiện nay đã tạo được uy tín đáng kể, mà trong những lần tổ chức thi cử đã được nhiều người ủng hộ, diễn tiến được nhiều giới theo dõi, và giải hiện đang trên đà lớn mạnh. Trước khi đề cập đến những điểm tương đồng và những điểm khác biệt của Giải Phụng Hoàng đối với Giải Thanh Tâm ngày xưa ở trong nước, chúng ta thử ngược thời gian của hơn 3 thập niên về trước, để xét đoán xem do đâu mà Giải Thanh Tâm phải đình chỉ vào năm Mậu Thân, cũng đồng thời cho Giải Phụng Hoàng lấy đó làm kinh nghiệm, nếu gặp phải tình huống khó khăn trong hoạt động.
Năm nay Giáp Thân, nhìn lại 36 năm về trước chắc ai cũng không quên cái Tết Mậu Thân, mà đối với bộ môn sân khấu cải lương thì phải nói là cái “Tết Nhớ Ðời”, bởi hầu hết những người trong giới, kể cả những thành phần có làm ăn liên hệ đến bộ môn nghệ thuật cải lương vào thời đó cũng đều phải điêu đứng, khốn khổ, có người tiêu tan sự nghiệp luôn cũng do 2 chữ Mậu Thân.
Nếu căn cứ theo 12 con Giáp của Âm Lịch thì năm Thân là năm con khỉ, nên sau này mỗi khi nhắc đến Mậu Thân thì nghệ sĩ Năm Châu đã chua chát nói rằng: “Cái Năm Con Khỉ Khô”! Và ông còn giải thích thêm là kể từ năm đó nghệ thuật sân khấu cải lương khô cạn, không thấy có cải tiến gì thêm, chỉ ngày càng bết bát hơn thôi. Thật vậy, thời vàng son huy hoàng của bộ môn sân khấu cải lương coi như chấm dứt kể từ Mùng Hai Tết Mậu Thân 1968, và từ đó đến nay chỉ ngày một bi đát thêm, để rồi cuối cùng đại đa số nghệ sĩ phải đi kiếm nghề khác để sống.
Thời thập niên 1950-1960s cải lương cải tiến không ngừng, những nhà làm nghệ thuật đã cho ra đời những mới lạ, mà điển hình là đoàn Hoa Sen đã liên tục đổi mới sân khấu, kể cả kết hợp điện ảnh với cải lương, tạo cho sân khấu bộ môn nghệ thuật cải lương có thêm những cái hay, cái lạ và hấp dẫn. Ðầu năm 1960 đoàn Thủ Ðô ra đời, sân khấu cải lương được cải biến, tuyệt vời đến đỗi làm cho người coi hát không nghĩ là mình đang ở trong rạp hát cải lương, mà lạc lối vào một thế giới nguy nga hùng vĩ nào đó. Một khán giả thuộc giới trí thức đi xem đoàn Thủ Ðô khai trương đã thốt lên rằng: “Nửa thế kỷ sau chưa chắc có ai thực hiện được một sân khấu huy hoàng như vầy”! Mà quả thật đúng như vậy, hơn 4 thập niên rồi có sân khấu nào được như đoàn Thủ Ðô?
Chúng tôi còn nhớ vào thời đó đang xem tuồng “Cây Quạt Lụa Hồng”, đào Ngọc Hương trong vai Công Chúa Huyền Trân, vừa bước ra sân khấu thì đèn sáng chiếu thẳng vào, công chúa theo bực thang bước xuống phía khán giả, đồng thời cũng ngay lúc đó 2 chai dầu thơm được đổ ở chỗ đặt 2 chiếc máy lạnh. Thực hiện lớp trình diễn này là điều mới lạ chưa từng thấy trong lịch sử cải lương, làm khán giả vỗ tay thiếu điều bể rạp, và người ta tưởng đâu thân thể Ngọc Hương tỏa ra mùi thơm bát ngát, làm tăng nét quí phái của cô đào trẻ.
Với những cải tiến độc đáo như vậy, cải lương được khán giả thời đó ủng hộ nhiều cũng không có gì là lạ, mà ngay cả hiện nay nếu có người đứng ra thực hiện, chắc cải lương không đến đỗi đi vào ngõ cụt, nghệ sĩ cải lương không phải miễn cưỡng đi làm nghề không thích hợp với mình.
là những cải tiến về bề mặt sân khấu, còn nói về tuồng tích thì sau năm Mậu Thân hầu như chẳng có tuồng nào hay và được nổi tiếng như những năm trước đó, do bởi các soạn giả không còn cảm hứng để viết lên những kịch bản hay, kể cả thiên tài Hà Triều Hoa Phượng mà trong quá khứ từng cho ra đời những tuồng cải lương như: Nửa Ðời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng... chẳng những làm chấn động giới hâm mộ nghệ thuật sân khấu cải lương, mà luôn cả địa hạt dĩa hát cũng nhảy vào khai thác. Tuồng Con Gái Chị Hằng lan sang lãnh vực điện ảnh, được dựng thành phim thiên hạ đi coi chật rạp suốt cả tháng.
Năm Mậu Thân hoạt động cải lương ngày một xuống dốc, đoàn hát nào cũng hát 1 đêm nghỉ 5, 7 đêm, vậy mà vẫn không có khán giả như hồi trước Mậu Thân, hát mỗi đêm vẫn có đông người đi coi. Tất cả các đoàn hát đều sống cầm chừng và rơi rụng dần dần do không chịu nổi, bởi về mặt tài chánh cung cấp cho nghệ thuật cải lương, sau cái Tết khủng khiếp nói trên đâu còn ai dám bỏ bạc triệu ra đầu tư vào gánh hát, và dĩ nhiên cả cái túi của đào kép hát cũng khô cạn luôn, do đó nhận xét của nghệ sĩ Năm Châu cũng không có gì quá đáng vậy!
Nhiều năm trước đó, ngày Tết gánh nào hát ít nhứt cũng 2 xuất, thông thường là xuất 3 giờ chiều và 9 giờ tối, có gánh cho mở màn đến 4 xuất, tuồng nầy vừa vãn cho đào kép nghỉ độ một tiếng đồng hồ là mở màn hát tiếp tuồng khác, liên tục từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm (nghe nói hát liên hồi như vậy, tuồng bị nhận lớp khá nhiều). Năm Mậu Thân sau đêm hát Mùng Một Tết, đào kép cải lương ngủ lấy sức để hát Mùng Hai, nhưng sáng ra bừng con mắt dậy thấy mình... không còn hát Tết, và dĩ nhiên không còn đếm bạc nhờ hát cải lương, mà phải chạy lánh nạn như mọi người.
Ðêm Mùng Một rạng Mùng Hai năm Mậu Thân, Cộng quân đồng loạt mở cuộc Tổng Công Kích khắp cả các tỉnh thành, các thị xã trên toàn quốc, và ngay tại Thủ Ðô Sài Gòn cũng bị tấn công ở nhiều khu vực. Lúc mọi người đang “ăn Tết” với cảnh chạy loạn thì hầu hết các gánh cải lương cũng phải ngưng hết chương trình đang hát Tết, bỏ của chạy lấy người. Vài tháng sau tình hình tạm yên, thiên hạ trở về để lo ổn định đời sống chứ đâu ai nghĩ đến chuyện đi coi hát cải lương, thành thử ra các gánh đành phải nghỉ dài hạn suốt 5, 7 tháng trời. Trong thời gian nghỉ xả hơi bất đắc dĩ nầy, cũng có một vài gánh mở màn nhưng lại hát ban ngày, do bởi lệnh giới nghiêm về đêm. Cải lương mà hát ban ngày thì chỉ mấy người rảnh rỗi lắm mới mua vé vào rạp, người ta ai cũng phải lo làm ăn sinh sống, không lẽ bỏ công ăn việc làm để đi coi hát!
Ðây là đại họa giáng xuống cho một đất nước, cho cả một xã hội đang hoạt động, mà giới lãnh chịu nặng nề và lâu dài nhứt có lẽ là cải lương, bởi sau biến cố mọi sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng cải lương thì lại không bình thường! Tòa Tổng Trấn Sài Gòn Gia Ðịnh kéo dài lệnh giới nghiêm suốt năm, do đó nghề sống nhờ ban đêm như cải lương đã lãnh đủ. Không riêng gì ở Sài Gòn mà ở các tỉnh cũng thế, mọi sinh hoạt đều ngưng lại sau mỗi buổi chiều, và về đêm thì đường sá vắng tanh, thử hỏi gánh hát mở màn thế nào được!