Ngày càng nhiều chương trình ca nhạc với đa dạng thể loại, từ cải lương đến nhạc sến, các chương trình tạp kỹ… được đưa vào các nhà hát lớn, nơi mà trước đây thường chỉ dành cho âm nhạc hàn lâm.
Trong âm nhạc, và nhất là với người yêu nhạc, không có sự phân biệt nhạc sang, nhạc sến; và càng sai lầm khi gọi một dòng nhạc là “nhạc sến” với hàm ý chê bai, mỉa mai. Cách dùng từ trong bài viết này chỉ mang tính tượng trưng trong phạm vi đề cập, để độc giả có thể dễ dàng hình dung.
Nhà hát đắt show… trữ tình
Hơn một năm trở lại đây, thị trường ca nhạc trong nước sôi động hẳn với liên tiếp những chương trình diễn ra. Cùng với những địa điểm “thường thường bậc trung”, các tụ điểm ca nhạc, những nhà hát như Nhà hát Thành phố (TP.HCM), Nhà hát Lớn (Hà Nội) lẫn Trung tâm hội nghị quốc gia… đều sáng đèn đón khách! Đáng chú ý là các live show của ca sĩ hải ngoại, đa số với dòng nhạc mà ta hay gọi chung là “trữ tình”, đều “tiến quân” vào các địa điểm được cho là “sang”.
Lần đầu tiên vở cải lương Bên cầu dệt lụa được công diễn tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM) – Ảnh: Ngọc Thắng
Ca sĩ Tuấn Vũ trong dịp về VN cuối năm ngoái tổ chức live show tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), sau đó, ông tiếp tục có những đêm nhạc tại Nhà hát Lớn theo yêu cầu của đông đảo khán giả ái mộ. Ca sĩ Quang Lê sau show Đôi mắt người xưa tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), là chương trình tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Nguyễn Hưng trong lần đầu thực hiện live show ở quê nhà cũng chọn Trung tâm hội nghị quốc gia. Gương mặt mới của một trung tâm ca nhạc hải ngoại – Mai Quốc Huy, cũng vừa tổ chức live show tại Nhà hát Lớn vào giữa tháng 11 vừa qua.
Tại TP.HCM, ca sĩ Phi Nhung đã đưa live show Dạ cổ hoài lang vào Nhà hát Thành phố (hồi tháng 6). Đêm nhạc Hoàng Trang Không bao giờ quên anh với những nhạc phẩm bolero nổi tiếng của nhạc sĩ cũng được tổ chức tại đây. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Công ty Tiếng hát Việt có chương trình định kỳ hằng tháng tại Nhà hát Thành phố, mà âm nhạc đa phần là những giai điệu trữ tình, lãng mạn. Cũng vì được đón nhận và cảm thấy “ổn” sau 6 kỳ tổ chức, Đàm Vĩnh Hưng cho biết sang năm anh sẽ tiếp tục mở rộng chương trình tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) và Nhà hát Lớn.
Không chỉ ca nhạc, cả cải lương cũng được đưa vào nhà hát, khi HTVC cùng Công ty Quantum Communication lần đầu tiên dựng vở Bên cầu dệt lụa và đưa vào Nhà hát Thành phố công diễn, ghi hình vào tháng 10 qua. Sau chương trình này, được khán giả ủng hộ vì không khí thưởng thức mới lạ, sang trọng…, đơn vị tổ chức cho biết dự kiến họ sẽ tiếp tục dựng vở Nghêu sò ốc hến vào cuối năm nay.
Lợi cả… 3 đường
Khi các chương trình giao hưởng, vũ kịch… vẫn còn chưa phổ biến và chưa thật sự cuốn hút khán giả đến nhà hát, những nhà tổ chức, các nghệ sĩ “đau đầu” vì quá ít địa điểm để thực hiện những đêm nhạc của mình, thì việc các nhà hát “mở cửa” để bớt “quạnh hiu” và làm phong phú các hoạt động biểu diễn cũng là điều dễ hiểu. Nói như ông Hữu Luân, Phó giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM (quản lý Nhà hát Thành phố), “nhà hát là bộ mặt văn hóa của TP.HCM. Quan điểm của trung tâm là luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động văn hóa, các chương trình sân khấu – âm nhạc trong và ngoài nước, càng nhiều càng tốt, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của công chúng”.
Đạo diễn Việt Tú thì cho rằng khi các chương trình không phải hàn lâm vào nhà hát, ngoài nhà tổ chức, nghệ sĩ được “tiếng”, thì khán giả là người được lợi nhiều nhất, vì họ được thưởng thức nghệ thuật trong một không gian sang trọng. Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với chất lượng một số chương trình: “Sự kiểm duyệt của chúng ta còn mơ hồ, nên lắm khi người xem thất vọng vì mang tiếng vào nhà hát nhưng chẳng có gì để thưởng thức”.
Theo: Nguyên Vân (Thanh Niên)