Cô đào thương ca vọng cổ dài hơi
04/12/2013 8:58:40 SA
Gia đình hạnh phúc của nsưt Phượng Hằng
Đẹp dịu dàng, đằm thắm, giọng ca ngọt ngào, ở NSƯT Phượng Hằng có đủ những tố chất của một đào thương và chị đã phát huy được sở trường của mình khi hóa thân vào những vai người phụ nữ chịu nhiều truân chuyên tìm đến bến bờ hạnh phúc.
Từ nhỏ Phượng Hằng đã được sống trong không gian cung đàn cổ nhạc vì ba mẹ và các anh chị đều theo nghề hát. Khi được 7, 8 tuổi, Phượng Hằng đã thuộc tuồng các vai Nghi Xuân, Tiến Lực, Tôn Văn, Tôn Võ do các anh chị Phượng Mai và Minh Tiến dạy. Đóng các vai đào con, kép con trong đoàn hát Tinh Hoa, các bài bản Cải lương trở nên quá quen thuộc với Phượng Hằng và cũng từ đây khả năng ca diễn của Phượng Hằng được nuôi dưỡng và phát triển. Năm 16 tuổi (1983 ), Phượng Hằng rời đoàn hát Tinh Hoa, lần lượt gia nhập các đoàn hát Tây Ninh 3, đoàn Hương Dạ Thảo, đoàn Phương Bình, đoàn Hậu Giang 1, hát chung với các danh ca Minh Cảnh, Phương Bình, Linh Vương… Điều đặc biệt để khán giả nhớ đến Phượng Hằng đó chính là lối ca dài hơi với chất giọng cao vút trong trẻo của chị. Chị có thể ca một câu vọng cổ hơi dài hơn trăm chữ với khả năng luyến láy trầm bổng nhưng vẫn đảm bảo ý tứ ngữ điệu và lời ca tròn vành rõ chữ. Năm 1987, Phượng Hằng gia nhập đoàn Cải lương Trung Hiếu, cùng với nghệ sĩ Châu Thanh hợp thành một đôi nghệ sĩ ca vọng cổ dài hơi ăn khách nhất trong những năm 87, 88. Thời gian này, tên tuổi của Phượng Hằng bừng sáng trong các vai: Thắm (vở Bông Ô Môi), chị Út (Sóng Vàm Sông Hậu)…
NSƯT Phượng Hằng và NSƯ T Kim Tử Long đôi bạn diễn được khán giả yêu mến hiện giờ bởi sự tâm đầu và ăn ý trong các lớp diễn.
Liên tiếp các tấm huy chương vàng giải Trần Hữu Trang dành tặng cho chị đã đưa nghệ sĩ Phượng Hằng lên những nấc thang thành công trong nghiệp diễn. Gần đây khán giả yêu thích Cải lương gặp lại Phượng Hằng trong các vở Rồng Phượng, Nhảy múa với quỷ dữ, Đường gươm Nguyên Bá, Thiếu phụ Nam Xương, Con gái chị Hằng, Cỗ xe độc mã… các vai đào thương nhiều nỗi niềm ẩn ức do chị thể hiện đã tạo được những dấu ấn trong lòng công chúng. Được đóng nhiều vai, tính cách khác nhau để nâng tay nghề mình lên là điều mà hầu hết các nghệ sĩ xưa nay đều muốn có cơ hội thử sức. Và vai Phượng (Rồng Phượng) đã mở rộng đất diễn để tài năng của Phượng Hằng được thăng hoa, rộ nở. Diễn từ lúc Phượng còn trẻ đến khi đứng tuổi rồi trở thành cụ bà đã tạo cho chị rất nhiều hứng thú khai thác tâm lý nhân vật cũng như trải nghiệm từng quãng đời với những thăng trầm trong vòng quay của số phận nhân vật. Đặc biệt, vừa qua với huy chương vàng trong vai bà mẹ Việt Nam anh hùng (vở Hoa đất) đã khẳng định khả năng diễn xuất đa dạng của Phượng Hằng và tạo cho khán giả một cái nhìn mới về Phượng Hằng chứ không chỉ “đóng đinh” trong những vai đào thương trước đó.
nsưt Phượng Hằng và hai tiểu yêu của chị( tiểu yêu và Lãnh chúa là tên gọi thân mật mà nhà chị Hằng thường gọi nhau)
Tiếp đó, vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở diễn cùng tên cũng đã tạo nên những thành công mới của nghệ sĩ Phượng Hằng. Với vở diễn hoành tráng quy tụ khoảng 200 diễn viên, khi nhận vai diễn Thái hậu Dương Văn Nga, nghệ sĩ Phượng Hằng bị áp lực rất nhiều bởi những cái bóng quá lớn của các nghệ sĩ đã thành danh với vai diễn này. Tâm huyết và nỗ lực sáng tạo, nghệ sĩ Phượng Hằng đã ghi được dấu ấn riêng trong lòng khán giả mộ điệu khi hoá thân Thái hậu Dương Vân Nga, khẳng định sự sáng tạo, tìm tòi cái mới của người nghệ sĩ tài danh đưa nghệ thuật sân khấu thăng hoa.
Gần 40 năm theo nghiệp diễn, sự đam mê đã giúp nghệ sĩ Phượng Hằng không ngừng rèn luyện từng lời ca, nét diễn mỗi ngày để hấp dẫn khán giả. Kể từ khi đạt huy chương vàng xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 1996 với vai bà Năm Trầu trong vở “Hoa đất”, đến nay, nghệ sĩ Phượng Hằng đã đạt được khá nhiều giải thưởng, và niềm vinh dự lớn đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Phượng Hằng là danh hiệu nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước phong tặng năm 2012.
chân dung nsưt Phượng Hằng quay tuồng Cải Lương Bến Đợi
Sân khấu Cải lương đang trầm lắng và thưa vắng khán giả bởi nhiều nguyên nhân, là một nghệ sĩ lăn lộn cùng nghề, nghệ sĩ Phượng Hằng mong mỏi: “Hằng nghĩ anh chị em nghệ sĩ rất sẵn lòng chấp nhận hy sinh để làm nghệ thuật, hầu cứu vãn tình hình sân khấu Cải lương, lấy lại niềm tin trong công chúng. Hằng cũng mong Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh hướng dài lâu cho sự phát triển của sân khấu”.
Trên sân khấu, NSƯT Phượng Hằng lúc thì sôi nổi, trẻ trung, lúc lại trầm lắng trong từng hoàn cảnh phù hợp với nội dung vở diễn. Còn ở ngoài cuộc sống, Phượng Hằng rất giản dị và chan hòa. Dường như đối với chị, chỉ có sân khấu và gia đình nên chị đã khéo léo kết hợp giữa công việc và chăm sóc gia đình chu đáo. Nhiều người bảo nghệ sĩ Phượng Hằng là người phụ nữ của gia đình, vì dù đi diễn xa, ở tỉnh hay ở nước ngoài, lúc nào chị cũng canh cánh bên lòng tình cảm với các con. Dù bận đi diễn, nhưng Phượng Hằng cũng luôn dành thời gian trong tuần để dành cho gia đình, vui vầy bên hai đứa con yêu. Lăn lộn với nghề, lại may mắn có người chồng (đạo diễn Hiền Phương - BTV Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) cùng trong ngành sân khấu nên Phượng Hằng có những thuận lợi và sự hẫu thuẫn vững chắc. Gặp nghệ sĩ Phượng Hằng tại Hà Nội khi ra tham dự chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phối hợp tổ chức, hỏi về cảm xúc của chị về Hà Nội, chị cho biết: “Lần đầu tiên ra Thủ đô là khi Phượng Hằng chưa lập gia đình nên có nhiều thời gian đi thăm thú, vui chơi thưởng ngoạn. Hơn chục năm rồi mới trở lại, thấy Hà Nội bây giờ thay đổi nhiều quá, đẹp và thanh bình. Tiếc là thời gian lưu diễn không nhiều nên không đi thăm được nhiều danh lam thắng cảnh của đất Hà thành. Hi vọng sẽ có nhiều dịp được mang lời ca tiếng hát phục vụ khán giả Thủ đô cũng như bà con miền Bắc nhiều hơn nữa”. Mong ước của chị cũng thành hiện thực vì hai năm trở lại đây, nghệ sĩ Phượng Hằng đã có dịp ra Hà Nội biểu diễn nhiều hơn và trong chương trình “Những ngôi sao Cải lương phương Nam” và gần đây là chuyến lưu diễn tại Bắc Ninh vừa qua cùng một số nghệ sĩ tài danh. Vẫn vẻ đẹp dịu dàng và giọng ca như chim phượng lảnh lót khó lẫn, NSƯT Phượng Hằng đã chinh phục được ngay cả những khán giả khó tính nhất.
Sau mỗi chuyến lưu diễn, trở về TP Hồ Chí Minh, NSƯT Phượng Hằng tham gia một số phim truyện truyền hình, trong đó có bộ phim dài tập “Dòng sông huynh đệ”, hát trực tiếp trong chương trình “Vầng trăng Cổ nhạc”. Rồi chị lại ngợưc xuôi khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hát cho các đài tỉnh, đóng phim… công việc cứ cuốn chị đi cùng những bận rộn lo toan của cuộc sống đời thường nhưng chị vẫn thấy vui vì rất nhiều khán giả nhớ tới chị và mong chị có thêm nhiều vai diễn mới để tri ân Tổ nghiệp và đong đầy những tình cảm thương mến của công chúng gần xa.
tình cảm mà xóm nhà lá của nsưt Phượng Hằng dành cho chị
Nhin thầy tình cảm của mọi người dành cho chị tôi hay hỏi chị chỉ cười và nói chị thương và đối đải thật lòng và tụi nhỏ cũng đối với chị như vậy mọi người coi nhau là người nhà mọi chuyện theo tự nhiên mà em. Chúc chị và cả nhà của mình luôn vui vẻ và gắn bó cùng nhau chúc chị trên con đường nghệ thuật luôn thành công và toả sáng . Mang nét đẹp mặn mà của người phụ nữ Việt Nam và giọng ca véo von ngọn ngào của chị Phượng và Sơn Ca chị đã làm tan chảy những trái tim yêu nghệ thuật dân tộc và đặc biệt là những ai đã từng tiếp xúc với chị thì sẽ càng yêu mến chị hơn. Gặp chị vào một ngày cuối tháng 11 trời se lạnh ngồi vừa uống trà vừa nghe chị kể chuyện đời chuyện nghề có một chút ấm trong cái se lạnh của Sài Thành vào sáng trời lập đông.
Tạp chí tháng 11 |