TƯ GIA THAYDAT! TẬP HỢP BÀI ĐÀN, AUDIO, VIDEO...
hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ của NGUYENPHUC với THAYDAT, UTHOTVINHHANH và anh em đam mê đàn hát cổ nhạc.
Lớp đầu mình mới thuộc (bấm trúng cung thôi) chứ có đúng theo tiết tấu của Ông Ba Tu gì đâu. Chỉ nghe có hơi xuân tình thôi à. Xin lớp cuối để tập tiếp cho thuộc cung đàn rồi sau đó mới cố gắng tập đúng tiết tấu. Hi Hi
Không đúng tiết tấu thì không đúng nhịp, bài đờn sẽ không có hồn và nhất là không có âm hưởng của ông Ba Tu.
Tức là không có cái "hồn cốt" của tiếng đờn của ông Ba Tu.
Bởi vậy đờn cho được bài bản gì thì rất dễ, nhưng đờn cho hay thì không dễ chút nào.
Thật là "nghề chơi cũng lắm công phu"!!!
PS: Chú ơi, chú nghe mấy clips của ông Năm Mấy đờn, chú có nhận xét thế nào?
Theo mình thì Năm Máy đờn lòng bản nhiều nên chắc nhịp đi chơi với người khác thì tốt nhưng đánh giá cao thì mình cũng như Út Hột không đánh giá cao đâu. hơn nữa mình có test thử nhạc lí Năm Máy không OK. Năm Máy còn hạn chế về các điệu lí. Theo nhận xét của Võ Bé Sáu nghệ nhân chơi đàn ở chợ Mới An Giang
Vậy là chú và chú Út Hột đánh giá chính xác về ông Năm Mấy rồi. Vậy mà còn hỏi NP... hic...
Chú đã test nhạc lý ông Năm Mấy ra sao, nói cho NP nghe với... hihi...
Về các điệu lý (dân ca phổ nhạc) thì gần như 100% là người ta "sáng tác" trên cây đàn guitar (6 dây) theo âm vực bát độ của tân nhạc, cho nên đem áp dụng vào cây đàn kìm (2 dây) theo âm vực ngũ âm của cổ nhạc hơi bị giới hạn. Bởi vậy mà ông Năm Mấy bị hạn chế các điệu lý cũng là lẽ bình thường thôi. Như chú thấy đó, ông Ba Tu cũng có đờn các điệu lý nhiều đâu. Với lại các điệu lý là mới "chế" ra, dựa theo ký âm nhạc Bolero của tân nhạc pha trộn với âm hưởng cổ nhạc Nam Phần, nó hoàn toàn không phải cổ nhạc truyền thống, coi như chỉ là một "phiên bản" khác của lối chơi "tân cổ giao duyên" mà thôi. Một thời gian lâu dài nào đó, khi quay trở về nguồn cội cổ nhạc tài tử chính thống thì nó sẽ bị đào thải thôi (như nhiều bài bản sân khấu canh tân đã bị đào thải).
Những điệu lý đó không có gì khó, nghe tới nghe lui ít lần là đờn được thôi.
Bởi vậy mới có câu chuyện (giai thoại) rằng:
Hồi mới "giải phóng", nhạc sĩ guitar cổ nhạc (tên gì quên rồi) của đài phát thanh giải phóng vô Sài Gòn so tài với nhạc sĩ Văn Vĩ. Ông ấy đờn không hết 20 bản tổ và 10 loại bài bản cổ truyền, bèn hỏi Văn Vĩ biết đờn mấy điệu lý (lúc đó có ít điệu lý) như Lý Đất Giồng, Lý Con Khỉ v.v.. hay không. Văn Vĩ hỏi bản đó ra sao, ông "giải phóng" ấy đờn qua một lần là Văn Vĩ đờn lại nghe y chang. Văn Vĩ nói mấy cái nầy đâu phải cổ nhạc mà đem vào bàn luận trong cổ nhạc.
Chắc chú cũng biết nhạc sĩ Thanh Hải (đờn tranh) tốt nghiệp nhạc viện Miền Bắc về tân nhạc tức là nhạc lý rất vững và khả năng thẩm âm cũng rất vững, vậy mà vô Nam nghe 20 bản tổ có đờn lại được đâu, cho dù nghe tới nghe lui không biết bao nhiêu bận. Vì vậy mà Thanh Hải phải đi tầm sư để học về cổ nhạc.
Tân nhạc và các điệu lý (dựa theo cách sáng tác tân nhạc bolero), viết nhạc sao đờn y vậy không thay đổi. Nhưng bài bản cổ nhạc thì thiên biến vạn hóa, cho nên khó mà học mò. Học mò học lóm chỉ được bản vọng cổ và một số bản vắn thôi. Bài bản lớn mà học mò theo video, audio thì không chắc ăn, người ta nghe biết mình học mò học lóm (dĩ nhiên với người không biết gì thì nghe tưởng đâu đờn hay, vì có ngón theo năng khiếu, nhưng người biết thì người ta nghe về căn bản nên phân biệt được rõ ràng là học lóm hay học có thầy). Học mò, học lóm thì không biết nhạc lý, không phân biệt được thang âm, âm vực, không phân biệt sự khác nhau giữa dây và cung (bậc). Thí dụ như mấy người không biết gì mới gọi dây xề, thậm chí Kim Tử Long (và nhiều người) còn gọi dây xề đào nữa mới chết chứ!,
Đến nỗi ông Mười (Floriada) đờn tài tử rất hay rất độc mà còn lọng cọng giữa Hò nhứt và Hò ba, nói chi ai.
Về dây thì phải nói như sau: dây bắc oán, dây nguyệt điều, dây lai, dây Rạch Giá, dây ngân giang, dây Sa Giang, dây Quả Phụ, dây Tố Lang, dây Nhị Ngũ, dây Tứ Nguyệt vân vân...
Về cung (bậc) thì phải nói như sau: hò nhất, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm, hết.
Dây là chỉ danh, tên của từng loại dây, bản thân nó không cao không thấp mà tùy theo mình vặn trục căng hay chùng dây. Dây là so dây vặn trục.
Cung (bậc) là xác định cao độ, coi giọng người ca cao hay thấp so với một chuẩn cố định nào đó. Cung (bậc) là thay đổi vị trí bấm ngón tay.
Xin lỗi ngay cả ông Ba Tu cũng lọng cọng vấn đề nầy, ngay cả về trường canh (nhanh chậm) ổng cũng lạng quạng khi trả lời phỏng vấn của ông Đặng Hoành Loan hỏi về "nhịp", và ông Ba Tu đờn minh họa sai bét. Mà nói ngay ông Đặng Hoành Loan cũng không rành nên đặt câu hỏi không rõ ràng.
Vấn đề nầy nói ra dài dòng lắm, học tắt khó lòng.
Dục tốc bất đạt!
NP hướng dẫn dùm cách đàn dư ngón của thế bấm dùm. Trước nay, mình bấm đờn các cung trên đầu ngón như guitar phím lõm nên tập chạy dây theo chữ đờn của ông Ba Tu đuối quá. Hôm trước có anh bạn nói phải đờn dư ngón và dùng ngón chận 2 cung khi gặp 2 cung đàn dây lớn và dây nhỏ mình tập thử thì đúng là chạy ngón chuyền được nhanh hơn. NP nói rõ thêm nguyên tắc này. Cảm ơn.
Đờn kìm, cách cầm cần đờn và bấm ngón hoàn toàn khác với đờn guitar.
Nếu cầm cần đờn và bấm ngón giống guitar người ta nói mình học mò học lóm.
NP thấy có rất nhiều ngưới cầm cần đờn kìm và bấm ngón như guitar, ngay cả Văn Dần xưng là học trò của Duy Trì.
Tay trái cầm cần đờn dùng lóng thứ nhứt của ngón tay cái bợ (chịu) cần đờn, các ngón bấm phải bấm bằng giữa lóng thứ nhứt của các ngón bấm.
Guitar thì cần đờn lọt hổ khẩu, bấm đầu ngón. Không được lẫn lộn giữa hai cách bấm.
Đờn kim, khi gặp hai cung đờn dây lớn và dây nhỏ trùng một ngăn phím thì chỉ dùng một ngón chận (bấm) cả hai dây, thí dụ như Xề Liu, Cồng U, Hò Xan...
Bấm đầu ngón, chạy vừa mỏi tay vừa nhìn lăng xăng không nhàn nhã ung dung theo cung cách đờn kìm. Hãy nhìn ông Ba Tu đờn thì nhận thấy rõ.
Đờn guitar lực nhấn nhẹ (và yếu) nên cầm cần đờn lọt hổ khẩu và bấm đầu ngón.
Đờn kìm phải đờn nhiều chữ sống cho nên phải cần một lực rất mạnh, do đó tay cầm cần đờn phải chịu (nâng) lóng thứ nhứt ngón cái và bấm lóng thứ nhứt của ngón bấm tạo thế gọng kềm (bên VN viết là kìm) như cái cảo thợ mộc mới đủ lực nhấn. Đôi khi gặp chữ vừa nhấn vừa rung phải bấm cả 2 ngón tay cùng một chữ đờn mới đúng hơi (như chữ Xan chẳng hạn). Mấy người bấm đầu ngón (như guitar) thì chỉ đờn lướt lướt như đờn sến, chữ đờn không chắc, không rọi, không đổ hột, không gân guốc, nghe không ra hơi đờn kìm.
Chú nghe Văn Dần đờn kìm rồi nghe Ba Tu đờn thì biết. Ngay cả ông Vĩnh Bảo đờn kìm cũng không được, ổng chỉ đờn tranh mà thôi.
Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng. Thôi không nói nữa, nói hoài bị vạ miệng.
Đúng là học không có thầy khó thiệt! khi gặp ông bạn chỉ cách đờn ló ngón và nghe NP phân tích mình thấy chí lý vô cùng. Vì không học được thế bấm nên trước đây chạy dây gặp nhiều khó khăn. Cảm ơn NP nhiều nha
Ngón bấm không có dở (hở xa) ra khòi dây đờn nhiều, vì như vậy sẽ bấm vào phím khác bị chậm và nhìn thấy hấp tấp, lăng xăng.
Chỉ rà rà sát dây đờn thôi để bấm nốt nhạc khác nhanh hơn nhiều, và nhìn thong thả, nhàn nhã, ung dung, khoan thai, nhưng thật ra chạy chữ rất nhiều. Theo võ thuật gọi là "vô chiêu thắng hữu chiêu". Nhìn ông Ba Tu đởn để "học theo".