Chút tự bạch :
Tên thật : ĐỖ HỮU HOÀNG
Nick trong CLB và Web : DOHOANG
Ngày tháng “chui” ra : 18.01.1977
Sở thích : Cải lương (Number one), Nhạc trữ tình, Bóng đá, Tennis, Cầu lông. (Thích sao nói vậy, chứ hỏng có “nổ” à nhe).
Sở thích ăn uống : Dễ nuôi, hỏng có kén món gì hết.
Tôi sinh ra ở vùng đất Bình Dương, một nơi nửa thôn quê – nửa thị thành.
Không biết tự bao giờ, cải lương đã thấm vào máu tôi và “theo” tôi đến tận ngày hôm nay. Chắc có lẽ nó ảnh hưởng từ mẹ tôi, một người phụ nữ suốt đời vì chồng con. Mẹ tôi cũng mê cải lương từ bé, ấy thế mà khi sinh tôi ra, tôi được thừa hưởng gien di truyền này của mẹ.
Bây giờ, khi đã trưởng thành trên con đường mưu sinh, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm từ thời tấm bé của mình. Những kỷ niệm về những câu chuyện hoàn toàn có thật dính với niềm đam mê cải lương của tôi mà tôi xin phép được kể ra đây để chia sẻ cùng mọi người.
Ngày đó, chắc tôi khoảng 5 hay 6 tuổi, có một đoàn cải lương về hát ở một trường học gần nhà tôi. Sân khấu thì được dựng trong sân trường, khán giả thì đứng để xem hoặc ngồi trên nhưng chiếc ghế nhỏ xíu tự đem theo. Nhà tôi nghèo lắm, làm gì có tiền để mua vé. Kế bên nhà tôi, có anh Sơn cũng mê cải lương, đêm đó anh dẫn tui chui “lổ chó” phía sau lưng trường để vào, nhưng sợ bị du kích xã làm nhiệm vụ tuần tra và canh gác phát hiện đuổi ra, nên hai anh em chui vô một phòng học để trốn. Một lát sau có một nhóm du kích cầm đèn pin rọi vào từng phòng học để tìm người trốn vé, chắc có lẽ do tướng tá ốm nhách của tôi và anh Sơn nên khi chúng tôi ép sát mình vào vách tường trốn đã không bị phát hiện. Khi họ đi rồi, hai anh em chạy ù ra sân trường hòa vào những khán giả đã vào trước đó.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là chiếc màn sân khấu. Đoàn hát nghèo lắm, không có đủ tiền để may một tấm màn đẹp đẽ. Hai cánh màn là hai màu khác nhau, một bên màu xanh lá cây, còn bên kia là màu đỏ. Thế nhưng tôi như bị hút hồn vào từng màn diễn của nghệ sĩ. Họ hát hay lắm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời mà tôi được đi xem cải lương.
Rồi theo thời gian dần trôi, niềm đam mê cải lương cũng lớn dần trong tôi. Bất cứ đoàn hát nào về (những lúc mẹ có tiền) là mẹ lại đèo tôi trên chiếc xe đạp nhỏ để cùng đi xem. Tôi thuộc nằm lòng từng đoàn hát nhỏ ở tỉnh và tên nghệ sĩ đoàn hát đó mà hai mẹ con đã từng làm khán giả. Từ những đoàn huyện nhỏ xíu như đoàn cải lương Thủ Đức hát Thoại Khanh Châu Tuấn với cô đào chánh Phượng Hoa, đoàn cải lương 7/4 của huyện Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé cũ) với cặp đào kép chánh Bảo Vinh – Mai Tuyết Hoa đến những đoàn đại bang như Sông Bé 1 (cô đào Kim Thủy), Sông Bé 2 (Linh Tâm, Cẩm Thu, Thanh Cúc), đến Sông Bé 3 (với Kiều Hoa, Kiều Lan, Minh Thiện…). Ấn tượng rõ nhất trong tôi thời kỳ này là đoàn CL Bến Cát, một đoàn huyện khác của tỉnh Sông Bé. Đoàn hát các vở tuồng kiếm hiệp, màu sắc hương xa với hai nghệ sĩ Linh Cường – Linh Thủy làm say mê không biết bao nhiêu là khán giả. Sau này NS Linh Cường về TP, còn cô đào Linh Thủy năm xưa không có tin tức gì.
Năm 1988, tôi được 11 tuổi, đoàn CL Trung Hiếu với cặp đào kép đình đám Châu Thanh – Phượng Hằng về rạp hát Dĩ An quê tôi hát “Vụ án Mã Ngưu”, giá vé 300 đồng nhưng nhà nghèo quá không có tiền để đi xem mà tiếc hùi hụi.
Năm 1989, tình cờ một hôm mẹ tôi đi chợ về, gói đồ của mẹ mua được người ta gói bằng tờ trang bìa trắng đen của một tờ báo Sân khấu TPHCM. Tôi chộp lấy, đọc ngấu nghiến vì có hình nghệ sĩ cải lương trên đó. Tờ giấy gói này như một định mệnh đưa tôi chính thức trở thành một đọc giả trung thành của Báo những năm sau đó. Và trong suốt những năm học Đại học tại TPHCM, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo đến năm 1997 (lãnh nhuận bút cũng.....bôn bộn. Đủ cho đời SV uống nước mía. Hehe).
Gần nhà tôi, có ông cậu hàng xóm tên Bình chuyên đi hát “bóng” cho các đám cúng, cũng mê cải lương. Cậu rủ tôi đi theo nhóm của cậu, hàng đêm đạp xe đạp gần 10 cây số lên Lái Thiêu, đến nhà nghệ sĩ Cao Thị Thắng để hát hò cho thỏa đam mê (gần giống CLB ANHEM mình bây giờ tập trung nhà chú Mười vậy). Đến 11 – 12h đêm mới về. Năm đó, tôi 14 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Phú – chồng của NS Cao Thị Thắng – đã đệm đàn và tập cho tôi từng câu trong bài ca cổ “Nhớ cha trong mùa Phượng đỏ” để hát. Tôi tập theo quán tính, chứ có biết nhịp nhàng bài bản cơ bản gì đâu. Chổ nào thầy kêu vô thì vô, tập lần 2, lần 3 mà thầy cố tình không kêu “vô” để thử xem tôi có nhớ không thì tôi cũng trơ ra đó, bị thầy la hoài. Tập hai ba ngày gì đó, tôi chưa kịp hát thì nhóm đó tan rã mất tiêu.
Mùa hè năm 1992, tôi đọc báo thấy Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tuyển sinh Khóa 4 để đào tạo lớp diễn viên kế thừa cho Nhà hát. Niềm đam mê cải lương thôi thúc tôi nộp đơn dự thi vào trường mặc dù tôi biết rất rõ rằng cơ hội đậu của mình là không có. Vì đậu làm sao được khi mà mỗi thí sinh dự thi sau phần thi văn hóa với môn Văn sẽ bước vô phần thi năng khiếu với hai câu vọng cổ, một bài bản cải lương và diễn một trích đoạn chừng 10 phút để BGK xem ‘giò cẳng” và diễn xuất như thế nào. Tôi có học bài bản ngày nào đâu, gần đến ngày thi một tuần, đêm nào cũng lên nhà ông cậu (em cô cậu ruột với mẹ tôi) để ổng luyện cho. Cậu tập cho tôi lại bài “Nhớ Cha Trong mùa Phượng Đỏ”, tập cho hát một đoạn bài bản Tây Thi. Hành trang đi thi của tôi chỉ có bấy nhiêu đó thôi.
Còn trích đoạn phải diễn 10 phút thì sao đây ? Tôi kể ra đây không biết các bạn có tin không, nhưng là sự thật đó. Một thằng nhóc 15 tuổi ốm nhách đạp xe từ tỉnh Sông Bé (giờ là Bình Dương) đến số nhà 310 Trần Hưng Đạo, Q1 – là nơi mà đôi vợ chồng NS Linh Tâm – Cẩm Thu thuê mặt bằng cho thuê băng Video để xin gặp NS Cẩm Thu với mục đích là xin lời của một đoạn kịch bản mà cách đó mấy ngày tôi được xem Cẩm Thu diễn trên TV.
“Em là ai mà muốn gặp chị Cẩm Thu và gặp với mục đích gì ?”. Một chị nhân viên cửa hàng hỏi tôi. Và sau khi nghe tôi nói lý do, dường như có một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt tôi khi nghe chị nói tiếp : “Em tưởng muốn xin kịch bản là xin sao, phải trả tiền bản quyền đó”. Tôi nghe mà rụng rời. Đời thuở nào, một thằng học trò nghèo ở tỉnh, cha mẹ còn phải nuôi cơm, lấy đâu ra tiền để trả tiền bản quyền chứ? Mà có phải nó xin làm gì đâu, chỉ để dự thi cho thỏa niềm đam mê thôi mà.
Thời may cho tôi, sau đó mấy ngày, tình cờ tôi xem được một đoạn Hát bội trên TV. Cô diễn viên đó diễn xuất thật tuyệt vời. Và tôi đã “cương” theo nội dung này để diễn xuất dự thi trên SK Nhà hát THT mà thành phần BGK năm đó gồm toàn những nghệ sĩ ‘máu mặt” của SKCL : NS Thanh Vy, Tấn Đạt, ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc…..Ngày đi xem kết quả (lại tiếp tục đạp xe một mình từ Sông Bé xuống TP, ngày đó thí sinh dự thi vào NH THT phải thi tại Trường TH VHNT TPHCM, Số 5 đường Nam Quốc Cang, Q1 mà ngay cả mấy anh xe ôm cũng còn chưa biết rõ nó nằm ở đâu), dẫu biết chắc rằng mình rớt vì không có khả năng và không được dự thi tiếp vòng 2 nhưng trong tôi vẫn có cảm giác buồn vì ước mơ làm nghệ sĩ của mình đã tan thành mây khói.
Tuy buồn nhưng niềm đam mê cải lương không vì thế mà vơi đi, ngược lại nó càng cháy bỏng trong tim tôi. Tôi tiếp tục làm bạn với Báo SK, xem cải lương trên đài hay ngoài rạp, nghe trên Radio……
Năm 1995, khi Hội diễn SKCN Toàn quốc diễn ra tại TPHCM, ngày nào tôi cũng đạp xe từ chổ ở trọ học tại Q3 đến Nhà hát TP với máy chụp hình KODAK trên tay để chụp hình các nghệ sĩ đang diễn trên SK. Đây là loại máy cá nhân, không có ống kính để canh chỉnh cự ly gì đâu, nên những tấm hình mà tôi chụp mang về nhìn nghệ sĩ người nào cũng……….nhỏ xíu.
Ấy vậy mà vui. À quên, cũng với cái máy cà tàng này (đến tận bây giờ vẫn còn sử dụng tốt, chụp bằng phim) , tôi đã chụp cho NS Diệu Hiền và NS Ánh Hồng chung một kiểu. Sau đó, khi rửa hình xong, tôi đã đem tấm hình này đến tận nhà của cô Diệu Hiền (18 Tân Khai, Q11) để tặng cô, nhưng hôm đó cô đi lưu diễn, và thế là tôi quay về.
Bây giờ, thỉnh thoảng những lúc buồn tôi vẫn một mình từ BD xuống Hưng Đạo để xem cải lương. Và sau khi tan hát, lại lủi thủi một mình về lại Bình Dương.
Dù thời gian có qua nhanh, cảnh vật có nhiều thay đổi nhưng tôi dám tin chắc rằng cải lương vẫn sẽ là niềm đam mê lớn của tôi trong suốt cuộc đời này.
đứng khóc nhé em gái, cảm động thôi là đủ ùi, ở đây mưa lớn lắm đủ ngập lụt sì gòn rùi em khóc nữa chắc chị hết đi chơi lun quá hà. Dĩ nhiên là anh Đỗ Hoàng vửa đẹp trai mà hát hay rùi mà, chị đăng ký làm fan của ảnh mà anh Hoàng không chịu đó
Dohoang đam mê mảnh liệt há, nhưng con người ai cũng có số phận, muốn làm nghệ sĩ cũng có số đấy mà muốn thành người của công chúng thì cũng lắm gian truần, bởi thế mới có câu ca cuộc đời ko như là mơ....nhưng dầu sao đi nữa thì hãy cám ơn cuộc đời đã cho ta một sự nghiệp công danh vững chãi trong cuộc sống và từ đó ta sẽ chắp cánh những ước mơ. Chúc Đỗ hoàng toại nguyện với hoài bảo của mình.
The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:
DOHOANG
Không ngờ rằng những dòng tâm sự tự bạch về cuộc đời, về niềm đam mê cải lương của mình từ thuở ấu thơ lại được mọi người đón nhận và chia sẻ nhiều như vậy.
Đọc tất cả những lời comment, thật xúc động vì tình cảm mọi người đã dành cho mình. Ôi đáng quý biết bao tình cảm đó.
DOHOANG xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
Chúc mọi người nhiều sức khỏe và phát huy hơn nữa niềm đam mê cải lương nhé.
Đúng anh 10 nói đúng đấy, NS bề ngoài trông ai cũng thích còn sau đó mặt trái thì cả vấn đề phức tạp, mình thích ca vì tinh thần văn nghệ thôi , còn làm nghệ sĩ là ko dám mơ,....
Cách đây bốn tháng, lần đó mình lại một mình đi xem TSNT diễn ĐỨA CON HỌ TRIỆU ở Hưng Đạo. Khán phòng vắng lắm.
Ngồi kế bên cạnh mình là một người đàn ông trung niên, cũng đi xem cải lương một mình. Mình lấy làm lạ và làm quen, được biết ông ta là người Nhật, đã làm việc ở Hà Nội được ba năm rồi. Đây là lần đầu tiên ông ta đến TPHCM, tình cờ đi ngang rạp Hưng Đạo nên mua vé vào xem thử nghệ thuật truyền thống của VN như thế nào.
Những tưởng rằng xem chỉ để cho biết và với khán phòng quá vắng như vậy, sẽ khó lòng giữ chân ông ta đến phút cuối cùng (mình tự nhủ như vậy). Nhưng không, ông ta ngồi đến lúc màn nhung kéo lại kết thúc vở diễn.
Mình đã hỏi ông ta rằng, ông thấy thế nào khi lần đầu xem cải lương của VN, ông ta đưa ngón tay cái lên và nói Number One. Tự nhiên lúc đó trong lòng mình có một cảm giác lâng lâng khó tả, niềm tự hào dân tộc trỗi dậy, mình thấy hãnh diện vô cùng.
Một người xa lạ, đến từ một nền văn hóa xa lạ, lần đầu tiên tiếp cận một loại hình nghệ thuật cũng quá xa lạ với ông ta. Nhưng ông ta đã thưởng thức trọn vẹn cả vở diễn, dù rằng ông ta không hiểu nội dung là gì (thỉnh thoàng tôi có thuyết minh bằng vốn tiếng Anh quá ít ỏi của mình), chỉ toàn nghe hát các giai điệu cải lương và xem nghệ sĩ diễn xuất thôi.
Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta - những người được sinh từ cái nôi của cải lương -lại không đam mê cải lương chứ?
Ôi cải lương có sức hút kỳ lạ và mãnh liệt đối với tôi.
Cô và dohoang cùng họ đấy, ít ai trùng họ Đỗ nhỉ???
Vậy hả cô? Họ của mình con thấy ít phổ biến lắm cô. Chị ruột con ở nhà trùng tên với cô đó. Hiii. Chị con là Đỗ Thị Tuyết Mai, chắc giống y như tên của cô rồi. Hic.