TƯ GIA THAYDAT! TẬP HỢP BÀI ĐÀN, AUDIO, VIDEO...
hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ của NGUYENPHUC với THAYDAT, UTHOTVINHHANH và anh em đam mê đàn hát cổ nhạc.
Cuộc tình lẻ trên đường lưu diễn: Yêu là khổ… không yêu thì lỗ!
Soạn giả Nguyễn Phương
Từ năm 1952 đến năm 1958, kép Minh Tấn là kép ca vọng cổ nổi danh của đoàn hát Thanh Minh. Hồi đó người ta chưa dùng danh từ danh ca. Các kép được gọi kép ca có Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Năm Phồi, Thanh Tao, Văn Lang, Văn Ngân, Minh Tấn, Quang Phục, Thanh Cao, các cô đào Kim Anh, Kim Chưởng, Thúy Nga, Tư Sạng,…
Các anh kép ca “đắt mèo nhứt”, đi hát ở các tỉnh, quận xa xôi, nhiều cô gái si mê các anh kép ca. Có cô dám bỏ nhà, ôm quần áo và nữ trang trốn cha trốn mẹ để theo người yêu trong mộng tưởng của mình.
Kép Minh Tấn, có thân hình cân đối, ngực nở bụng thon như một thể tháo gia, nước da trắng mịn, khi anh hát các vai Lữ Bố, Triệu Tử Long, anh múa bộ Quảng thật đẹp, cặp mắt tình tứ, đôi môi son đỏ tuôn ra những lời ca êm dịu, ngọt ngào khiến cho không ít nữ khán giả si mê. Bất cứ hát ở tỉnh nào, quận nào, mỗi buổi sáng khi anh Minh Tấn đi chợ, uống cà phê hoặc ăn sáng thì khán giả bu lại quanh chỗ anh ngồi, nhìn anh mà bàn tán và gợi chuyện. Có người khoản đãi, trả tiền buổi ăn sáng đó. Có người mang đến biếu cho anh một chai rượu, hoặc hộp trà với bánh ngọt. Có khi họ cho một con gà mái dầu và họ nồng nhiệt mời anh đến nhà chơi để đãi đằng ăn nhậu hòng thỏa mãn lòng ái mộ của họ.
Minh Tấn, Hoàng Giang, Hê Kim Quang và Nguyễn Phương, bốn anh em chúng tôi thường đi chung với nhau trong những lúc được mời ăn nhậu. Trong các cuộc tiệc vui chơi đó thì Minh Tấn là người chuyên ca vọng cổ, ngâm thơ, Hoàng Giang nói chuyện pha trò rất vui, Kim Quang thì chọc cười thiên hạ, còn Nguyễn Phương thì chuyên sáng tác các bài ca ca ngợi gia chủ ngay tại chỗ để cho Minh Tấn ca giúp vui trong bàn tiệc. Muốn sáng tác bài ca “nịnh” gia chủ, tôi phải dò hỏi thân thế và những đặc điểm nổi bật của gia chủ đó để khi nhập tiệc hay nhận quà biếu, chúng tôi có những lời nói, những bài ca hợp tình, hợp cảnh, làm vui lòng gia chủ hy vọng còn có nhiều lần lui tới sau này. Vì vậy, tôi trở thành cố vấn của nhóm “ăn nhậu” và cũng là người giữ mối liên lạc giữa một số khán giả ái mộ thân thuộc nhất và các anh Minh Tấn, Kim Quang và Hoàng Giang.
Đoàn hát Thanh Minh hát ở Tây Ninh, đụng trận bão năm Thìn 1952, phải nghỉ hát hơn một tuần lễ. Các tỉnh miền Đông bị ảnh hưởng của trận bão nên đoàn Thanh Minh dời đi Thủ Dầu Một, Tân An đều bị ế khách. Ông Bầu Nghĩa bèn đưa đoàn hát về Hậu Giang, trạm đầu tiên đoàn hát tại thị xã Kế Sách, Sóc Trăng.
Đoàn Thanh Minh hát ở địa điểm nầy nhiều lần nên hầu hết những vở tuồng của đoàn đối với khán giả đều là tuồng cũ. Đêm đầu đoàn hát vở Sĩ Vân Công Chúa, dự định đêm thứ nhì sẽ diễn tuồng Kích Tôn Sơn Bá Tước, đêm thứ ba tuồng Phận Trẻ Lạc Loài, đêm thứ tư tuồng Phạm Công Cúc Hoa.
Đêm hát đầu, khán giả không đông. Chúng tôi phải lãnh lương đờ mi. Kép ca Minh Tấn rủ tôi và Kim Quang, ngày mai đến nhà chị Năm, vợ chệt Ám ở đầu Cầu Sắt kiếm chuyện đấu láo, Minh Tấn cam đoan là chị sẽ mời ở lại dùng cơm. Mấy lần hát ở Kế Sách trước đây, chị Năm có vài lần mời Minh Tấn, Hoàng Giang, Kim Quang và tôi dùng cơm. Để đáp lại, tôi dùng vé mời của soạn giả để mời chị xem hát, ngồi thượng hạng, chỗ tốt nhất trong rạp hát. Tôi biết Minh Tấn nhắm câu chị Năm nầy vì anh biết là chị ta thích anh sau nhiều lần xem anh diễn các vai hoàng tử hay Bá Tước. Anh cũng nghe dư luận đồn là chồng của chị chết hai năm rồi, hiện nay chị đang tòm tem với người nào đó ở trong xã Phú An hay ngay tại chợ huyện Kế Sách.
Chuyện chị Năm tòm tem với ai đó ở chợ huyện thì chỉ là tin đồn, chớ không phải là tin đích xác. Không ai thấy chị Năm lui tới với người đàn ông đó và người ta thấy trong nhà chị Năm không có bóng dáng một người đàn ông nào. Chị Năm xưa nay nổi tiếng là người vui vẻ, cởi mở, hay giúp đỡ xóm giềng. Đối với các nghệ sĩ các gánh hát đã có hát ở chợ quận nầy, chị Năm quen biết và giúp đỡ nhiều nghệ sĩ.
Đúng như dự đoán của Minh Tấn, chị Năm gặp chúng tôi, chị rất vui, mời chúng tôi ở lại dùng cơm. Chị bảo người ở bắt gà làm thịt, xé phay trộn gỏi với bắp chuối hột. Chị cũng không quên cho đi mua một lít rượu đế để cuộc tiệc thêm hào hứng và cho người nhà đi mời thêm vài người khách của chị đến dùng chung cho thêm vui.
Trong khi chờ đợi cháo chín, chị Năm mời chúng tôi dùng trà, bánh ngọt và hỏi chuyện về gánh hát. Chị không dấu cảm tình với Minh Tấn, thích anh trong vai hoàng tử trong tuồng Sĩ Vân Công Chúa. Chị nói: “Anh Minh Tấn làm tuồng đẹp thiệt, anh ca thiệt là mùi, nếu tui lập gánh hát, nhứt định tui sẽ bắt anh về làm kép”.
Minh Tấn gày vô: “Cô Năm muốn bắt tôi về làm kép cho cô hay cho gánh hát?”
– Quỷ anh nà! Nói như vậy người ta tưởng tui với anh có gì đó a…”
Minh Tấn khẽ ngâm:
Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời,
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Chị Năm xuýt xoa khen: Chời ơi, anh làm thơ hay quá! Anh chép cho em bài thơ đó đi.
Minh Tấn được nước, ngâm luôn bốn câu thơ:
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân?
Minh Tấn chỉ là một kép ca. Tôi thầm phục Minh Tấn, không biết anh học ở đâu mấy câu thơ đó, đọc nghe rất hợp tình hợp cảnh.
Tôi bỗng nhớ kép ca Minh Tấn vốn chuyên môn hát cương, anh học thuộc rất nhiều tuồng cổ, nhiều thơ văn diễn tả nhiều tình huống tình cảm: yêu, thương, ghét, hận để khi nào hát cương, đúng trong lớp phải diễn thể hiện loại tình cảm nào, anh sẽ lấy ra mà sử dụng. Trường hợp ứng khẩu để chinh phục chị Năm, chắc là Minh Tấn có chuẩn bị trước nên anh ta đọc thơ y như một thi sĩ si tình chánh cống, chắc là chị Năm mê anh ta như cá cắn câu rồi.
Với vẻ mặt đăm chiêu, chị Năm nói: “ Tui… nhà quê, anh có học, làm kép chánh, đâu có hợp với nhau”.
Minh Tấn bèn ngâm:
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
– Thôi, đừng nói chuyện nầy nữa. Khách mời tới kia.
Chị Năm nói mau như muốn chạy trốn cuộc tấn công ào ạt của Minh Tấn. Nhưng anh chàng nầy đã phát pháo tấn công rồi, phải xung phong thêm lần nữa, Minh Tấn, cất giọng ngâm như sắp vô ca vọng cổ:
Em như chiếc sao băng băng mãi
Để anh buồn, buồn mãi không thôi!
– Hay! Hai câu thơ quá hay! Ông thiếu tá Đỉnh, quận trưởng, anh Hoàng Giang, ông hương quản và chủ hiệu thuốc Tây bên hông chợ cùng đến. Vừa bước vô cửa, nghe Minh Tấn ngâm hai câu thơ: Em như chiếc sao băng băng mãi. Để anh buồn, buồn mãi không thôi, ông Đỉnh hỏi: “Tuồng gì mà có mấy câu thơ hay quá vậy?”
Minh Tấn thấy có đông người đến, cụt hứng. nói: “Dạ, chào Thiếu Tá… dạ… tuồng gì tôi cũng không nhớ. Tự nhiên tôi nhớ mấy câu thơ nên ngâm cho vui đó thôi.”
Ông thiếu tá cười hề hà, có vẻ thích Minh Tấn nên nói: “Anh ngâm thơ hay lắm, giọng ngọt nghe rất êm tai. Bữa nay ăn nhậu, anh phải ngâm cho chúng tôi nghe nhiều câu thơ tình, thiệt mùi, được hông?”
Chị Năm: “Khoan..khoan…Mời ngồi…anh Đỉnh gấp gáp nghe thơ quá vậy…Mời ngồi, để tui biểu bầy trẻ dọn cháo gà ra, ăn cái đã… Sau đó thì tính gì thì tính…”
Chị Năm khéo léo trong việc tiếp khách. Nói năng, đối xử. tỏ ra là người lịch duyệt, sang trọng. Chị là chủ nhà máy xay lúa duy nhất ở huyện Kế Sách. Chị có nhiều người giúp việc trong nhà, giúp coi sóc vườn cam quít và nhiều người giúp việc trong nhà máy xay lúa. Chị cũng quen lớn với nhiều ông bà điền chủ, các ông chủ chành lúa ở chợ Quận và ở Chợ Lớn nên chị rất rành trong việc xã giao. Chị Năm kêu người nhà dọn gỏi gà, cháo gà và một dĩa lòng gà xào với củ hành, dưa leo, cà chua, cà rốt… Minh Tấn đứng lên, phụ dọn đũa chén, khăn bàn như người trong gia đình chị Năm.
Anh Hoàng Giang nhìn Minh Tấn rồi liếc mắt ngó tôi như dọ hỏi: Tại sao Minh Tấn làm như người trong gia đình của chị Năm? Tôi lắc đầu, tỏ ra không hiểu nhưng trong thâm tâm, tôi bắt đầu lo cho Minh Tấn. Ông thiếu tá nầy là người gì của chị Năm mà bữa ăn đãi nghệ sĩ, chị mời ông đến cùng chung vui? Tại sao chị Năm dám kêu tên anh Đỉnh mà không gọi là Thiếu Tá như chúng tôi? Ông chủ tiệm bán thuốc Tây ở chợ quận còn gọi ông Đỉnh một cách trịnh trọng là thưa ông Quận Trưởng…
Ông Đỉnh vui vẻ nói: “Tôi mến anh Hoàng Giang. Anh hát kép độc lẳng vậy mà sao khán giả vẫn thương mến anh chớ không ghét như ghét cái ác của các vai kép độc khác. Anh hát độc mà khán giả cười ào ào, vui thiệt… À… tôi muốn nói là ở trong nhà, mình coi nhau như anh em, đừng kêu tôi ông thiếu tá, nghe cách biệt quá, mất vui…Như cô Năm đây, kêu tôi là anh Đỉnh không, thấy vui hông?”
Hoàng Gia cũng cười ha hả: Đúng vậy! Đúng vậy! Dạ, anh Đỉnh cho phép vậy thì tụi tui vâng lời liền! Bây giờ xin chị Năm mời anh Đỉnh một ly mở màn trước để tụi tui nối gót theo sau.
Chị Năm rót rượu cho mọi người, xong chị cũng có một ly, chị bưng lên, hướng về ông Đỉnh: Mời các anh cùng uống một lượt cho vui, sau đó mời dung gỏi gà, nhâm nhi…Vô! Tui xin vô trước…
Ông Đỉnh: Phải! Phải! Tiên vi chủ, hậu vi khách…
Cuộc tiệc vui vẻ, mọi người ăn uống thật tình như người trong một gia đình. Chúng tôi khen thịt con gà mái dầu ngon quá, gỏi gà, cháo gà đều ngon, nấu không có bột ngọt, không giống như ăn ở tiệm ở quán. Rượu đế Hòa An, đúng 40 độ, rót ra sủi bọt, thơm phức, nhậu rượu đế nầy ngon không thua Martel hay Cognac…
Ông Đỉnh nói: Các anh ở Saigon xuống tỉnh Sóc Trăng nầy mà chưa được ăn bún mắm, chưa ăn cá chấy kho rim với mía, chưa ăn lạp xưởng tươi của bà Lỳ Chu ở Vũng Thơm Phú Nổ, chưa ăn bánh pía, mè láo thì coi như chưa đi đến Sóc Trăng!
Hoàng Giang nịnh khéo một câu: Anh Đỉnh nói nghe mà phát thèm. Tụi tui đi hát nhiều tỉnh nhiều huyện nhưng không phải lúc nào tụi tui cũng có tiền để mà thưởng thức những món ngon vật lạ của địa phương.
Ông chủ tiệm thuốc Tây nói: Anh Minh Tấn là Bá Tước Kích Tôn Sơn, là vua Bách Đa của xứ một ngàn lẻ một đêm, trong kho có thiếu gì vàng. Muốn ăn uống gì, nhút hô bá ứng, có cung phi mỹ nữ hầu hạ, sướng gần chết mà đâu có túng thiếu như kép độc Hoàng Giang, phải vậy hông bá tước?
Minh Tấn nịnh một câu: Nếu tôi được đổi chức Bá Tước lấy vai làm một người đứng bán trong tiệm thuốc Tây của ông chủ đây, tôi xin đổi liền…
Chị Năm: Thôi…Thôi! Ăn uống trong nhà của tui, đừng có nhắc chuyện giàu, nghèo… Mình ở đây, ai cũng giàu hết, mà ai cũng nghèo hết… Thời buổi chiến tranh, vui lúc nào được thì cứ vui, bàn chuyện xa xôi chi cho mất vui. Anh Đỉnh mới nhắc cá chấy kho rim với mía, tui sẽ cho mấy đứa nhỏ đi mua, kho rim sẵn để bữa nào đó đãi anh Đỉnh và mấy anh. Anh Hoàng Giang mời dùm tui cô Thu Ba, cô Út Bạch Lan… Còn bún mắm thì người nhà của tôi nấu không ngon, hỏng biết làm sao để có mà đãi cho anh Đỉnh và mấy anh,…
Ông Đỉnh: Bún mắm thì cũng dễ thôi, phải nấu nước lèo cho thật ngon, nêm mắm cá sặc tươi… nêm nếm cho vừa ăn, cho đủ mùi, đủ thơm, cá thì phải lựa con cá lóc thật lớn, thịt mới ngon, không được dùng cá bông, thịt cá bông quá dai mà ít ngọt, còn thịt heo quay phải là heo sữa, thịt nạc mềm mà ngọt thịt, rau sống, giá sống, bắp chuối hột xắt mỏng, ớt sừng trâu, gia vị và rau sống thiệt ngon thì ăn bún mắm mới ngon… Để tôi biểu chị bếp ở quận nấu, chỉ cũng là một cây nấu ăn ngon đó…
Mọi người lo ăn nhậu, chuốc rượu cho nhau, quên phức cái chuyện ngâm thơ hay hát hò gì của anh Minh Tấn. Hoàng Giang mạnh rượu, ăn nói chân tình, pha trò có duyên nên cuộc vui xoay quanh chuyện Hoàng Giang hát kép độc, bị một bà khán giả la: Thằng Tể Tướng ác quá mà còn cười khà khà…Hoàng Giang nhìn bà cười hô hố thật lâu, bà cũng phát cười…Ờ nó hát giả, mình tưởng thiệt, bậy quá!rồi bà cười ha hả, khán giả vỗ tay một cái rần, hỏng biết là vỗ tay khen Hoàng Giang hay hoan nghinh bà già trầu…
Ông Hương Quản từ khi vô tới giờ nhậu rượu nhiều, ăn đậm, thường rót rượu và gấp thức ăn cho ông Đỉnh, bây giờ mới lên tiếng: Mấy anh hát tuồng cũ hoài, coi chán thấy mẹ… Phải chi hát tuồng Tàu hay tuồng Sử, có quần áo lòe loẹt, có múa may, có trống phách, coi khoái hơn.
Ông Đỉnh xen vô: Gánh Thanh Minh hát tuồng La Mã, làm sao có y phục tuồng Tàu, làm sao có trống phách…
· Vậy mấy anh có tuồng Cô Giang – Nguyễn Thái Họckhông? Tôi khoái cái thằng cha đội xếp có bộ râu ngạnh trê, nó hát vui quá trời. Nếu các anh thiếu thằng kép đóng vai đó, tôi tình nguyện vô đóng thay. Tôi cũng ca vọng cổ một cây nè,… Ông ta nhậu hơi đã rồi nên nói tới đó, ông ta ca: Hỡi ôi Nước mắm mặn không tiền mua dấm, khi nhậu say sao lại phải cho chó….ăn chè…
Anh ta xuống chữ hò nghe rè rè như tiếng xe hơi démarreur nghẹt bô, kêu rẹr rẹt. Mọi người cùng vỗ tay sau khi nghe vô chữ chè, ai nấy đều cười vì ông hương quản nhậu vô rồi cũng quá tếu.. Minh Tấn ngồi rót rượu uống, ăn cháo gà như một người khách được mời ăn nhậu thôi. Còn mấy ông kia thì cứ tiếp tục nói chuyện tuồng hát
Ông Đỉnh nói: Nếu mấy anh có tuồng Cô Giang – Nguyễn Thái Học, hát coi cũng được lắm! Tôi có coi tuồng nầy hát ở rạp Thành Xương. Tôi nhớ kép Năm Nghĩa đóng vai Xứ Nhu, khi giả làm ông cha xứ, Năm Nghĩa ca vọng cổ, giọng hơ hơ nghe đổ hột, mùi lắm…
Sau bữa nhậu, ra về chúng tôi cám ơn chị Năm tiếp đãi nồng hậu. Anh Minh Tấn có vẻ bịn rịn, chưa muốn về liền, Hoàng Giang kéo Minh Tấn đi theo anh, đi kế bên thiếu tá Đỉnh. Ông Đỉnh nói nhắn với ông Bầu Nghĩa, đề nghị hát tuồng Cô Giang – Nguyễn Thái Học.
Anh Hoàng Giang về nói lại với ông Bầu Nghĩa, thành ra đêm thứ hai hát tuồng Kích Tôn Sơn Bá Tước vì quảng cáo rồi, đêm thứ ba sẽ hát tuồng Cô Giang – Nguyễn Thái Học.
Về tới rạp, tôi rủ Minh Tấn ra quán cóc trước cửa rạp uống cà phê đá, ngồi nói chuyện khào. Tôi gợi lại chuyện vừa xảy ra tại nhà chị Năm Ám. Minh Tấn quả quyết là chị Năm có tình ý với anh nhưng chị còn e ngại, anh quyết sẽ tiến tới. Minh Tấn nói: “Chồng của cô ta chết, để lại hai đứa con còn nhỏ, cô đang làm chủ một cái nhà máy xay lúa lớn nhứt ở tại chợ Kế Sách. Nếu tôi vô được cái mối nầy thì tôi sẽ biểu cô ta bỏ vốn ra lập gánh hát, lấy bản hiệu Minh Tấn – Kế Sách.”
· Anh không suy nghĩ thử coi tại sao chị Năm dám gọi ông Thiếu tá Đỉnh bằng anh Đỉnh? Họ phải có tằng tịu gì với nhau…
· Không! Tôi tin là hai người đó là bà con với nhau. Tôi được biết Thiếu Tá Đỉnh là người quê ở Sóc Trăng, xã Hòa Tú quận Thạnh Trị…
· Anh điều tra kỹ quá há!
· Tất nhiên, muốn phát tài, phải biết tính toán chớ anh!… Ông bầu Nghĩa hồi trước cũng là một kép ca như tôi, tới Tây Ninh, ổng đụng bà Bầu Thơ bây giờ, ổng mới có tiền lập ra gánh hát Thanh Minh. Tôi cũng kép ca, thời cơ tới mà không kịp nắm bắt thời cơ thì uổng lắm chớ!
· Nhưng tôi nói cho anh biết trước: Yêu là khổ đó!
· Yêu là khổ… mà không yêu thì lỗ! Cơ hội nầy sẽ không có lần thứ hai đâu.
Đêm đó vãn hát, chúng tôi ăn khuya xong, kéo vô rạp ngủ. Tôi nhìn quanh quất, không thấy Minh Tấn, tôi nói cho Hoàng Giang biết. Hoàng Giang nói: Cái thằng nầy muốn chết, bồ của ông Đỉnh mà nó nhào vô đó là lãnh thẹo ngay!
– Tôi có nói nhưng Minh Tấn nói là hai người đó bà con với nhau…
– Bà con cái mốc xì… Chị Năm dựa hơi ông thiếu Tá mới xây dựng được cái nhà máy xay lúa, vườn cam vườn quít của chị có tới mấy mẫu, ông Thiếu Tá cho lính canh chừng, nếu không thì Việt Cộng vô thâu thuế hay phá nát cái nhà máy xay lúa rồi. Hỏng có bồ bịch gì với nhau, liệu có ai giúp được như vậy cho chị Năm đó không ?
Chúng tôi còn đang nói chuyện dang ca bỗng nghe nhiều loạt súng nổ phía Cầu Sắt, đường đi vô nhà chị Năm, vợ của chệt Ám. Ông Bầu Nghĩa chạy tới chỗ tôi và Hoàng Giang đang ngồi uống trà, tán dóc. Anh Năm Nghĩa: Súng bắn dữ quá, hỏng biết có phải lính đi tuần của Quận đụng độ với du kích không? Hỏng biết đêm mai còn hát được hay là quận sẽ giới nghiêm…
· Không phải đụng độ đâu. Chỉ nghe một thứ tiếng súng, dường như là bắn vô phía trong vườn. Chắc lính đi tuần, thấy khả nghi nên bắn vu vơ đó mà. Anh Hoàng Giang nói cho bầu Nghĩa yên lòng.
Thỉnh thoảng súng nổ dọc theo bờ sông, từng loạt… từng loạt một, theo như kiểu báo cho bên kia biết là bên nầy vẫn thức canh chừng đây!
Chúng tôi thấy êm êm, định đi ngủ, bổng nghe tiếng dộng cửa rạp hát: “Mở cửa, mở cửa, lính trên quận đây.”
Ông Bầu biểu đốt đèn manchon cho sáng lên, ông xách cây đèn pin ra với thầy Bảy Liêm, quản lý của gánh hát.
Đèn manchon được đốt sáng lên. Lính dẫn Minh Tấn vô, mình mẩy Minh Tấn ướt như chuột lột, anh đang run cầm cập vì lạnh và sợ, trên đầu còn dính rễ giề lục bình.
Ông Trung Sĩ đi tuần đêm, bắt được Minh Tấn đang đội giề lục bình, trốn dưới sông gần cầu Sắt. Ông hỏi: Ai là ông bầu gánh hát?
Năm Nghĩa: Dạ tui, tui là bầu gánh hát đây.
· Ông nhìn xem có phải tên nầy là kép trong gánh hát của ông không ?
· Dạ, phải! (ông bầu day qua hỏi Minh Tấn) Minh Tấn! Anh đi đâu mà lội dưới sông đến đổi phải bị mấy thầy đây bắt vậy ?
· Vãn hát, tôi ra chợ kiếm hủ tíu ăn, nhưng đau bụng quá nên đi tới Cầu Sắt, định vô cầu tiêu dựa mé sông sau nhà chị Năm, bất ngờ nghe tiếng la lớn: Ai đó, đứng lại, Trong nhà đốt đèn lên, xét tờ khai gia đình. Rồi tiếng lên cò súng rốp rốp, tôi sợ quá, chưa đi cầu được mà lại té xuống sông, tôi không dám lên nên đội giề lục bình, tính bơi về mé sông trước cửa rạp rồi lên bờ vô rạp. Ai dè mấy ông đi rọi đèn xuống sông, bắn vãi xuống, tui sợ quá, phải lên tiếng là tôi mới té xuống sông. Ổng bắt lên, đánh cho mấy báng súng. Tôi nói tôi là kép hát. Mấy ổng dẫn về rạp để hỏi, nếu không phải thì mấy ổng sẽ bắn bỏ.
· Dạ bẩm thầy, xin thầy cho tôi bảo lãnh anh nầy. Anh nầy tên Minh Tấn, kép hát của đoàn chúng tôi, có tên trong danh sách nhơn viên có trình lên quận và quận có đóng mộc thị thực đây.
· Phải nhốt khám một đêm, ngày mai ông quản lý đem tiền đóng tiền phạt, ký giấy bảo đảm rồi mới được lãnh anh ta về. Tội đi quá giờ giới nghiêm, tội chạy khi nghe lịnh xét hỏi. May là khi tui bắn xuống sông, không trúng anh ta. Ông thiếu tá dặn biểu bắn dọa thôi chớ không thì anh ta ăn đạn rồi. Đến xứ người mà muốn ăn vụng thì cũng phải dò xét coi món đồ quý đó là của ai chứ…
· Dạ, thầy dạy rất phải. Thầy không cho bảo lãnh liền thì xin thầy cho anh ta vô thay quần áo khô rồi anh ta sẽ đi theo thầy xuống bót…
· Khỏi thay áo quần chi mất công, vô bót, tôi cho quạt máy quạt một hồi, áo quần ướt cở nào thì cũng phải khô ngay…
Thầy Bảy Liêm lấy ra năm trăm đồng, lại gần ông Trung Sĩ, khều nhẹ, ông day mặt ra ngoài, Bảy Liêm nhét tiền vô túi quần, nói nhỏ: – Thầy làm vậy, thằng nầy nó tởn rồi, hết dám vuốt râu hùm nữa rồi. Thầy tha cho nó làm phước…Mấy thầy đi đêm canh gác cực khổ quá, xin thông cảm, chút đỉnh nhậu nhẹt chơi.
· Ông Thiếu Tá biểu nhốt dằn mặt nó một đêm để cho nó nhớ là đừng có đi quá giờ giới nghiêm, đừng có đi vô những vùng đất cấm. Ổng là bạn của anh Hoàng Giang nên biểu chúng tôi cho thằng cà chớn nầy một bài học thôi. Bây giờ thì cũng phải đem về bót nhốt. Sáng sớm thấy quản lý lên đóng tiền phạt, ký giấy bảo lãnh thì mới thả anh ta được.
Nói xong, ông Trung Sĩ xô Minh Tấn ra cửa, dẫn về bót. Thì ra ông thiếu tá biết Minh Tấn có ý ve vãn chị Năm nên cho lính phục sẵn ở phía sau nhà của chị Năm. Khi Minh Tấn mò đến định ăn vụng, lính chờ anh ta tới phía sau nhà chị Năm mới bắn chỉ thiên. Minh Tấn hoảng hồn, phóng xuống sông trốn. Minh Tấn đội giề lục bình, tính thả trôi về tới mé sông trước rạp rồi sẽ leo lên bờ. Ai dè mấy chú lính biết tẩy, rọi đèn xuống sông bắn dọa. Anh ta lạnh quá và sợ bị lạc đạn nên lên tiếng để bị bắt, bị đánh cho mấy báng súng dằn mặt
Tôi nói với ông Bầu và Hoàng Giang. Tôi đã khuyên anh ta:Tôi nói yêu là khổ, anh Minh Tấn nói không yêu là lỗ. Bây giờ anh ta vừa khổ vừa lỗ, hỏng biết anh ta còn dám yêu ẩu không ?
Nhớ các bạn nghệ sĩ thời “ăn quán ngủ đình”.
Bún mắm này như Nguyễn Phương miêu miêu tả thì chỉ có ở Sóc Trăng làm thôi NP ơi!Tất cả các tỉnh lân cận không chế biến như vậy cho nên mình chưa được ăn.Hiện tới thời điểm này mình cũng chưa lần nào tới tỉnh Sóc Trăng.
Bộ chưa ăn cơm sao mà luyến tiếc bún mắm vậy NĐBN? Ráng dành phép năm đi khi nào về Việt Nam du lịch đi Sóc Trăng tận hưởng bún mắm chứ nghe sao ngon được?
Làm gì có cá săc và cá lóc đồng lớn đâu mà nấu hả NĐBN? Bên ấy làm gì biết chế biến món ấy chỉ có người dân tộc Khmer ở Sóc trăng mới nấu đúng món nghe. Dân các tỉnh lân cận không chế biến được huống chi ở bên Mỹ hi hi.