Phụng hoàng cải lương ra đời như thế nào? Những lớp trên và các câu phụng hoàng cải lương của 4 lớp ấy giống và khác phụng hoàng tài tử như thế nào? Cảm ơn.
Như đã nói trước đây, 4 bản oán cho tới hiện nay cũng vẫn chưa có một lòng bản thống nhất. mà tùy theo địa phương, tùy theo ban nhóm nên có nhiều dị bản. Ngay cả cùng một phiên bản cũng chưa chắc giống nhau từng nhịp từng câu xuyên suốt cả bản (48 câu). Chỉ riêng Phụng Hoàng tài tử cũng đã có ít nhất 3 dị bản hiện đang được giới tài tử sử dụng. Vấn đề này gây ra rất trở ngại, phiền toái mỗi khi đi xa "giao lưu" với nhau. Lòng bản đờn khác nhau thì dĩ nhiên người đặt lời ca cũng khác nhau. Rất phiền!
Trở lại cái gọi là "Phụng Hoàng cải lương". Phải hiểu rằng "Phụng Hoàng cải lương" là bản Phụng Hoàng mà cải lương thường hay sử dụng trên sân khấu hoặc thu âm vào dĩa, băng từ hay CD... Đó là Phụng Hoàng đờn theo phong cách (theo rơ) cải lương, tức là từ nhịp tư lơi (thập niên 60 trở về trước) đến nhịp 8 thúc (từ thập niên 70 trở về sau cho đến nay).
Phụng Hoàng thì chỉ có một bản duy nhất mà thôi. Xuất xứ bản Phụng Hoàng là của nhóm nhạc sư miền tây nam phần, các câu dứt LIU là dứt nội tròn 8 nhịp. Các soạn giả cải lương lấy bản Phụng Hoàng (miền tây) để đặt lời ca (chỉ lấy lớp 1 gồm 12 câu) và nó phát triển nhanh trên sân khấu cải lương nên gọi là Phụng Hoàng cải lương.
Cũng bản Phụng Hoàng này, nhưng nhóm nhạc sư miền đông nam phần đờn khác, sửa các câu dứt LIU thành đứt ngoại (dứt 7 nhịp, nhồi lại nhịp thứ 8 để người ca luyến láy đưa hơi), kéo giãn nhịp ra thành nhịp 8 hoãn điệu, thường dùng trong giới tài tử nên gọi là Phụng Hoàng tài tử. Rồi mỗi nhóm chơi sửa lại một chút theo ý riêng, lâu ngày thành nhiều dị bản. Đó là chưa nói vấn đề bản đờn chép tay không mạch lạc, chữ nghĩa (bỏ dấu) không rõ ràng làm cho người học theo bản hiểu sai với bản gốc. Rồi chuyền tay nhau, tam sao thất bổn...
Trong suốt quá trình phát triển, bài bản nào cũng bị sửa đổi hoặc ít hoặc nhiều tùy theo thầy đờn (môn phái). Như chúng ta thấy, bản vọng cổ cũng không ngoại lệ. Ngay cả bản Nam Ai, hầu hết người ta đờn 67 câu, nhưng có nơi đờn 83 câu, thậm chí có nơi đờn 104 câu.
Cho nên chơi tài tử là phải biết hết các cách để khi đi chơi muốn dĩ hòa vi quý thi phải nhập gia tùy tục, nương với nhau mà chơi cho vui vẻ. Nếu cứ khư khư ôm cái của mình cứng nhắc thì khi hòa tấu sẽ lọt chọt như cơm nếp mắc mưa... Ôi, nghề chơi cũng lắm công phu...
Trước năm 1975 chỉ có một tên duy nhất là Phụng Hoàng mà thôi, sau năm 1975 người ta tự nhiên thấy thêm cái tên Phụng Hoàng Lai Nghi (hay Phụng Hoàng Cầu) để gán lên tên của bản Phụng Hoàng nhịp 8 hoãn điệu dùng trong giới tài tử, như chúng ta đã thấy hiện nay.
Tóm lại, ngày xưa chỉ có một bản Phụng Hoàng, đờn nhanh thì là theo rơ cải lương, đờn chậm thì là theo rơ tài tử.
Ngay cả chỉ có 12 cậu Phụng Hoàng cải lương, ngày nay cũng đã đờn khác xưa câu 12 rồi, huống chi là cả hết bản 48 câu. Do đó cái khác nhau cũng không phải là ít nên rất khó nói hết những chỗ khác nhau, chỉ có khi đi chơi nhiều, "đụng độ" nhiều trận thì mới nhận thấy những chỗ khác biệt.
Học đờn, phải thuộc lòng bản đờn như cháo thì mới nghe phân biệt được những chỗ khác nhau. Hoặc khi đi chơi người ta hỏi: "Câu số (mấy) anh (ông) đờn sao", mình phải thuộc mà nói liền. Khi người ta hỏi là phải biết chỗ nào liền, không thuộc như cháo thì làm sao nghiệm ra nhớ nổi.
Nói đến đây, NP nhớ lại có lần ông ba kể câu chuyện là ông Hai Ni (Chợ Mới hay Sa Đéc gì đó) có nói với ông ba là: "Bản Phụng Hoàng cải lương chỉ chơi 10 câu là đủ rồi, vì câu 11 và 12 trùng lại câu 3 và 4". Ông cậu của NP nghe xong cười nói: Nnhư vậy là ông Hai Ni mới biết đờn Phụng Hoàng từ sau những năm 70 mà thôi, nếu ổng biết bản Phụng Hoàng từ lâu thì ổng không có nói như vậy. Vì nguyên thủy câu 4 và câu 12 không giống nhau như ổng tưởng".
Cho nên chỉ cần nghe người ta "bàn luận" về bản đờn, cũng có thể nhận biết được "trình độ" kiến thức của người đó.
Bởi vậy, như ông Ba Tu thật là người khiêm tốn. Có người gọi ông Ba Tu là nhạc sư, ông Ba Tu liền cải chính ngay: "Tôi không phải là nhạc sư, mà chỉ là người đờn và dạy đờn mà thôi".
Ngày xưa, người ta gọi các người đờn trong cánh gà sân khấu cải lương là nhạc công, không ai gọi là nhạc sĩ cả, vì như ai cũng biết, chữ nghĩa đâu đó rõ ràng, chính xác. Chữ SĨ là dành cho những người có học thức, có bằng cấp (về học vấn). Ngày nay thì "áo thụng vái nhau" hơi bị nhiều!