Người dẫn chương trình vừa đọc tên thí sinh giành giải Chuông vàng, ánh mắt của Nguyễn Thanh Toàn đã hướng rất nhanh về phía cha mẹ mình.
Dưới hàng ghế khán giả, thời gian như dừng lại, thoáng chút ngỡ ngàng, sửng sốt rồi gương mặt của hai bậc sinh thành sáng bừng hạnh phúc. Ba gương mặt, ba nụ cười rạng rỡ “gặp nhau”, và niềm vui ấy đã lan tỏa cả khán phòng.
Nguyễn Thanh Toàn trong đêm đăng quang
Là con trai út trong gia đình chỉ có hai chị em, tuổi thơ của Thanh Toàn ở vùng quê nghèo (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) dẫu còn thiếu thốn về vật chất, nhưng lại dễ khiến nhiều người ganh tỵ với ký ức đẹp như những thước phim.
Đó là những buổi chiều Út Toàn về nhà với giỏ cá đầy sau một buổi câu. “Thành quả” của Toàn qua tài chế biến của mẹ thành bữa ngon cho cả nhà. Vừa ăn, nhóc Toàn vừa phổng mũi vì được cha và chị Hai khen tài câu cá; còn mẹ tấm tắc “nhờ Út mà nhà có bữa ăn ngon”.
Ký ức tuổi thơ của Toàn còn là những đêm được theo cha đặt lú ở tít miệt Năm Căn. Lúc chờ con nước, cha ôm đàn sến thả hồn theo ước mơ của thời trai trẻ là được trở thành “tài tử”. Tiếng ca, tiếng đàn của cha miên man trong đêm giữa mênh mông sông nước… Có những đêm rằm, nằm gối đầu ngắm trăng, nghe cha đờn ca, cậu bé Toàn thiếp đi với giấc mơ tuổi thơ bay bổng.
Tình yêu nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương nhẹ len vào tiềm thức tự bao giờ, để đến khi chạm vào đúng nhịp, tình yêu ấy bỗng trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Để giờ đây, khán giả khó có thể quên ông lão trong Bão rừng tre với giọng ca đầy nội lực và giàu cảm xúc.
Và một Thanh Toàn Chuông vàng Vọng cổ 2015 mà NSƯT Minh Vương phải thốt lên: “Trong suốt mười năm nay, tôi chưa thấy ai có đủ can đảm để ca phá cách bài Vạn huê trường hận như em!”.
Bất ngờ hơn, Thanh Toàn đã chứng minh mình không chỉ có sở trường ở những vai lão mà còn thể hiện xuất sắc kép chính lẫn kép gian hùng bằng sự tinh tế từ giọng ca đến ánh mắt, sự sinh động trong biểu cảm trên khuôn mặt và sự chọn lọc trong động tác sân khấu.
Trần Thủ Độ - vai diễn đem đến thành công cho Nguyễn Thanh Toàn trong đêm thi cuối cùng
Đang học năm thứ hai Đại học Công nghệ thông tin, Thanh Toàn làm cha mẹ chưng hửng khi thông báo mình đã nộp hồ sơ thi tuyển khóa đào tạo diễn viên do Nhà hát Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM phối hợp đào tạo.
Đưa con trai lên TP.HCM đi thi, cha mẹ Toàn nửa mừng nửa lo: Mừng vì không ngờ có ngày con trai đủ đam mê và khát khao để viết tiếp giấc mơ nghệ sĩ còn dang dở của cha thời trai trẻ.
Nhưng cũng ngổn ngang nỗi lo rồi con sẽ phải sống xa nhà; lo gia đình nhiều khó khăn liệu có đưa con đi đến cuối con đường để trở thành nghệ sĩ? Càng lo hơn bởi môi trường nghệ thuật và mảnh đất Sài Gòn luôn ẩn chứa nhiều áp lực, nhiều cám dỗ…
Phương (trích đoạn Chuyện tình bên dòng sông Thu) vai diễn giới thiệu một gương mặt kép nhiều triển vọng của sân khấu cải lương
Ngày con trai lên Sài Gòn nhập học, mẹ đi với Toàn vài ngày, chờ con ổn định chỗ trọ. Để con lại thành phố ồn ào, xa lạ so với cuộc sống hiền hòa của vùng đất Cà Mau xa xôi, cha mẹ “gử kèm” lời dặn: “Cố gắng sống cho tốt. Lễ phép với người lớn và cứ sống hết lòng với bạn bè, đừng bao giờ tính toán, lo sợ mình sẽ thua thiệt”.
Không phải cha mẹ Toàn không lo con trai, vốn hiền lành chỉ biết có ruộng vườn, sông nước, dễ rơi vào hoàn cảnh “Thạch Sanh” giữa chốn thị thành, nhưng ông bà vẫn luôn động viên Toàn: “Gieo hạt nào sẽ gặt trái đó. Cứ sống chân thành, ít nhất cũng thanh thản với chính mình”.
Sáu năm ở Sài Gòn, trong mắt bạn bè, Toàn vẫn mộc mạc, hiền lành như ngày nào. Ngoại trừ bản tính thẳng như ruột ngựa và hơi nóng nảy, gần như anh chưa làm điều gì phật lòng bạn bè. Toàn nói, trong tình cảm, có lẽ mình “hơi thiên vị” cho mẹ, nhưng lại chịu ảnh hưởng ở cha rất nhiều.
Lúc Thanh Toàn “bị” bạn bè, đồng nghiệp, khán giả, báo chí… bao vây sau phút đăng quang, cha anh lặng lẽ đứng ở một góc khán phòng quan sát con. Ai đó đẩy ông về phía trước, nhắc: “Lên chụp tấm hình với con đi”, ông lắc đầu, nói khẽ: “Mình không có nhiệm vụ gì, lên đó lỡ làm phiền người khác”.
Cha Toàn vốn vậy, ông thương con theo cách riêng của mình và giữ nó trong thế giới vô ngôn như phần lớn những người cha khác. Tình thương dành cho Toàn là những buổi chiều ông chờ chị em Toàn đi học về để cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm, dù bữa cơm có khi rất vội để ông đi đặt lú cho kịp con nước. Là lời động viên mộc mạc mỗi lần Toàn thất bại hay thành công trên con đường nghệ thuật: “Con giữ sức khỏe và ráng cố gắng hết sức, được tới đâu là sức mình chừng đó!”.
Chưa bao giờ ông đặt cho con áp lực phải đạt được vị trí này hay thứ hạng khác. Chưa bao giờ nói “cha thương con” nhưng ông luôn dõi theo từng bước chân của Toàn. Trước giải Chuông vàng Vọng cổ 2015, Toàn về thăm nhà. Thấy Toàn mải miết cắt cỏ, dọn vườn, ông trăn trở: Liệu con có buồn và thất vọng vì con đường nghệ thuật sao quá nhiều khó khăn?
Hai khán giả đặc biệt - cha mẹ của Thanh Toàn (hàng đầu, từ phải qua) tại đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ 2015
Ngày mới lên Sài Gòn học diễn viên, ngoài giờ đến lớp, Thanh Toàn nhận làm phục vụ quán ăn, giữ xe để kiếm tiền sinh hoạt phí, nhà trọ… giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Tốt nghiệp, được nhận về nhà hát, Toàn tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống.
Khi anh chia sẻ việc mình từng phải đi làm thuê, có người “chê” Toàn dại, “khoe” chi chuyện nghệ sĩ mà đi làm thuê. Nhưng anh lại nghĩ khác, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình thì không có gì xấu. Từ nhỏ, Toàn đã được cha mẹ dạy hãy sống thật với chính mình, nghèo không phải là cái tội.
Cậu bé Toàn hồn nhiên lớn lên với những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng, với cuộc sống dẫu còn thiếu thốn nhưng đầy ắp nụ cười của mẹ cha. Chưa một lần cậu mảy may suy nghĩ hay so sánh vì sao bạn có thứ gì đó mà mình không có.
“Lúc ở nhà, Toàn chưa bao giờ đụng chuyện bếp núc vì đã có chị Hai và mẹ. Vậy mà đi học về, thằng bé khoe, con có thể nấu ăn chiêu đãi cha mẹ” - mẹ Toàn kể, xúc động nhưng tiếng cười giòn tan. Khoe vậy thôi chứ những khi Toàn được về nhà, có bao nhiêu món quê nhà, mẹ lại tranh thủ “phục vụ” con trai. Có lớn bao nhiêu, trong mắt cha mẹ, Toàn vẫn luôn bé bỏng và cần được chở che.
Nhưng cha mẹ không ôm ấp con, không sẵn sàng chu cấp những gì con muốn, con cần. Luôn cho Toàn niềm tin, rằng con có thể làm được mọi việc và nếu một lúc nào đó cuộc sống không như ý, con vẫn còn có gia đình để quay về - đó là cách ông bà nhắn nhủ con trai mình.
Thảo Vân
(Baomoi.com)