Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, - Thể thao và Du lịch và UBND TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức "Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021" tại TP HCM từ ngày 3 đến 17-1.
Liên hoan đã khai mạc với vở "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" của Nhà hát Kịch TP HCM, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả và văn nghệ sĩ.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, nhận định Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động nghệ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho diễn viên và các đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập được giao lưu, trau dồi thêm về nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật trên lĩnh vực kịch nói.
"Sân chơi này sẽ là nơi tôn vinh những sáng tạo trong lao động nghệ thuật, các văn nghệ sĩ xuất sắc, góp phần làm dày thêm thành tích, vinh danh những giá trị của nghệ thuật diễn xuất. Diễn đàn này còn giúp cho các cơ quan quản lý và các tổ chức tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thực tiễn vận động của văn học nghệ thuật nước nhà" - bà Thúy nhấn mạnh.
Sân khấu Trịnh Kim Chi là đơn vị dàn dựng vở kịch về đề tài Covid-19 tham dự liên hoan năm nay. Ảnh: SÂN KHẤU TRỊNH KIM CHI
Với quyết tâm vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nghệ sĩ làm nghề mong mỏi liên hoan sẽ là chất xúc tác cần thiết, đánh dấu giai đoạn hồi sinh cho các sân khấu kịch nói tại thành phố. Tại liên hoan năm nay, 20 đơn vị nghệ thuật ra mắt 26 vở diễn được đầu tư, dàn dựng trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh. Điều đáng tiếc đối với liên hoan là không thể tổ chức hội thảo để đúc kết một cách có hệ thống những thủ pháp dàn dựng, biểu diễn và lắng nghe sự phản hồi của công chúng.
NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan, cho rằng nếu có thể tổ chức hội thảo dưới hình thức trực tuyến sẽ tạo được sự học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. "Tránh như Liên hoan ở Hải Phòng, nhiều vở chỉ có ban giám khảo ngồi xem, khán phòng vắng khán giả, các đoàn đến dự liên hoan, sau khi hoàn thành vở diễn đều ra về" - ông băn khoăn.
Một vấn đề khác được các nhà chuyên môn quan tâm là sân khấu kịch tại TP HCM bán vé chứ không phát vé mời. Sự phản hồi từ chính lực lượng người xem mua vé sẽ là kênh thông tin hiệu quả để trả lời câu hỏi "Khán giả hôm nay cần gì ở sân khấu kịch?".
Nếu xem nhẹ khâu tiếp cận khán giả, sẽ khó nhận dạng được những vở diễn chất lượng, vừa bảo đảm tính giải trí vừa định hướng tính thẩm mỹ. Làm được điều này có thể giúp ngăn được tình trạng các vở diễn đoạt giải bị "cất kho" vì không bán được vé sau liên hoan. Ngoài ra, đừng để liên hoan là nơi nghệ sĩ đến dự chỉ quan tâm mục đích đoạt huy chương để được xét danh hiệu, bỏ mặc trách nhiệm xây dựng diện mạo sàn diễn chuyên nghiệp.
"Liên hoan lần này sẽ đặt ra những câu hỏi cân não cho người làm nghề. Những vở diễn phải phản ánh được sự quan tâm của nhân dân, phản ánh cuộc sống hôm nay. Không trả lời được, đời sống kịch nói vẫn chỉ tồn tại trong hiu quạnh chứ không phải là đời sống thực" - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.