1. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Thoại Miêu - Ấn tượng từ những vai phụ




    Ấn tượng đầu tiên mà NSUT Thoại Miêu để lại trong lòng tôi đó là vai Tuyết Mai trong vở “Cây sầu riêng trổ bông”. Với nhân vật này, chị đã khắc họa được tính cách phức tạp, vừa có một chút hip pi bất cần lại vừa còn một chút ngây thơ, nông nổi. Và cái hay của Thọai Miêu ở chỗ đó, chị đã không đẩy sự hip pi của nhân vật lên tối đa ở những lớp diễn đầu nên sự hướng thiện của Tuyết Mai trong những màn cuối – quyết tâm làm lại cuộc đời với một binh sĩ trẻ đã đủ sức thuyết phục người xem. Tuy chỉ là một vai đào nhì thôi nhưng sau này, khi dựng lại vở này, dường như không có nghệ sĩ trẻ nào thể hiện được nhân vật Tuyết Mai hay hơn chị.

    Tôi xem NSƯT Thoại Miêu diễn không nhiều nhưng tôi rất thích giọng ca chị. Giọng ca ấy tuy có hơi hướng đượm buồn giống giọng ca của NSƯT Mỹ Châu. Nhưng nếu giọng ca trầm lắng của NSƯT Mỹ Châu gieo vào lòng khán giả một nổi buồn trĩu nặng thì với chất giọng trong hơn, cao hơn, NSUT Thoại Miêu lại gợi lên một nổi buồn man mác.

    Một vai diễn nữa cũng ở dạng đào nhì mà NSƯT Thọai Miêu để lại dấu ấn trong lòng công chúng có lẽ đó là vai Thiên Hương trong vở “ Muôn dặm vì chồng” của cố tác giả Ngọc Linh. Thiên Hương của Thoại Miêu vừa có chất hùng – đó là sự cứng rắn của một nữ nghĩa quân , lại vừa có chất bi – sự lụy tình đối với quan tri phủ Hà Giang – Bùi Hữu Nghĩa. Lớp diễn xúc động nhất là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Hương và Nguyễn Thị Tồn (NSƯT Mỹ Châu). Vì giữa họ có chung một tình yêu lớn đối với một người đàn ông nên cuộc đối mặt này không hề có sự ghen tuông thường tình. Nếu như Nguyễn Thị Tồn qua cách diễn của Mỹ Châu là một người phụ nữ dịu dàng, giàu lòng tin và nhân hậu song có phần ngây thơ trên đường đời thì Thiên Hương của Thọai Miêu thật sinh động, tràn đầy sức sống với một ý chí quật khởi. Tuy nhiên NSƯT Thọai Miêu đã rất tinh tế khi để cho nhân vật của mình dừng lại ở sự quyết liệt để bảo vệ tình yêu của mình chứ không đẩy nhân vật đi đến sự quá quắt. Bởi hơn ai hết, Thiên Hương hiểu được rằng, tình yêu của cô chỉ là một tình cảm thấy thương và cảm phục nhân vật của chị chứ không phải là cảm giác thương hại cho mối tình đơn phương ấy.

    Có một vai diễn nữa tuy chỉ là vai phụ thôi nhưng cũng rất hay của NSUT Thoại Miêu đó là vai Hồng Sương trong vở CL “ Chuyện tình Hàn Mạc Tử”. Là một trong bốn người yêu của thi nhân, nhưng có lẽ Hồng Sương chịu nhiều bất hạnh nhất. Hồng Sương của Thoại Miêu bên ngoài có một chút gì đó lạnh lùng, cao ngạo nhưng ẩn khuất bên trong là cả một trái tim đầy mẫn cảm. Khi đối mặt với bác sĩ Tùng, Hồng Sương đã tỏ ra là một người đầy bản lĩnh khi thể hiện quan điểm: yêu và quyết chiếm được trái tim của người mình yêu. Và khi nghe bác sĩ Tùng có ý định giúp mình, Hồng Sương – Thoại Miêu đã không ngần ngại bộc bạch ước muốn của chính mình: “ Em không bắt anh giở nón cúi đầu giã từ dĩ vãng, cũng không đem tình anh thay thảm cỏ lót chân hồng. Em chỉ xin anh hãy là một người hùng. Trước mặt Hàn Mạc Tử hãy xem em như tình bạn, thứ tình bạn thông thường không pha trộn tình yêu…” Có một chút gì đó vừa nài nỉ, vừa như mang tính “ra lệnh” trong lời ca ấy đã khiến bác sĩ Tùng vì tình yêu đối với Hồng Sương không thể nào chối từ. Và lúc đầu, khi được Hàn Mạc Tử cho biết đã quen Mộng Cầm, Hồng Sương – Thọai Miêu đã lộ rõ sự thất vọng trên gưiong mặt và qua câu hỏi nửa tin nửa ngờ: “Anh đã yêu Mộng Cầm rồi sao?”. Nhưng ngay sau đó nàng đã lấy lại được sự bình tĩnh, tự tin thổ lộ ý nghĩ quyết tranh đua tới cùng để chiếm được trái tim của Hàn. Và ngay cả khi đối mặt với Mộng Cầm, lúc đầu Hồng Sương cũng vẫn giữ thái độ lạnh lùng đã định dùng quyền uy của một người dì để tạo ra cảnh ly biệt mà Mộng Cầm không thể óan hay hờn. Nhưng trước tâm sự của Mộng Cầm, Hồng Sương đã cảm thấy động lòng. Cô chấp nhận hy sinh để cháu mình được trọn niềm vui. Xem Thoại Miêu diễn ta thấy cái hay của nhân vật Hồng Sương là cho dù ở trong bất cứ tình huống nài, cô cũng luôn đứng ở vị trí chủ động. Duy chỉ có một lần Hồng Sương bộc lộ sự yếu đuối và nổi đau sâu thẳm trong tâm hồn mình khi đối diện với Hàn Mạc Tử trong lớp áo của một nữ tu. “Anh yêu Mộng Cầm, chứ nào có yêu tôi. Nhưng nghịch cảnh lại trớ trêu, tôi nặng lòng với anh”. Giọng ca buồn kết hợp với cách nhấn nhá, NSUT Thoại Miêu đã khiến cho nổi buồn Hồng Sương lan tỏa vào trong lòng của người xem.

    Trong vở CL “Rồng Phượng” có một lớp diễn rất thú vị , đó là cuộc gặp nhau giữa hai ông bà già mà ngày trước, khi còn trẻ, họ đã có một thời yêu nhau tha thiết. Vì những định kiến hẹp hòi mà họ bị rẽ chia, giờ đây, họ lại gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le, họ đang cùng đi ngăn cản tình yêu của con gái mình y hệt như cái việc mà ngày xưa họ đã từng oán hờn cha mẹ. Nhân vật của NSUT Thọai Miêu xuất hiện rất ít nhưng lại đầy tâm trạng. Tuy bề ngoài cố làm ra vẻ lạnh nhạt, không quan tâm, chẳng thiết nhìn mặt người xưa nhưng ẩn sâu trong đôi mắty của bà người xem có thể cảm nhận được những tình cảm yêu thương đang cố lòng kìm nén. Sự đối chọi nhau của họ trong lời nói, cử chỉ đã khiến cho người xem thoáng thấy cảm thương cho một mối tình si không đoạn kết!

    Có thể nói, NSUT Thoại Miêu là một trong những trường hợp khá đặc biệf khi ấn tượng mà chị để lại trong lòng công chúng đa phần là ở những vai đào nhì hoặc vai phụ. Tuy đất diễn dành cho những nhân vật ở tuyến này thường không nhiều nhưng NSUT Thoại Miêu vẫn có được những khoảnh khắc xuất thần đột phá cho nhân vật của mình. Đó chính là cái hay, là bản lĩnh của một nghệ sĩ có tài năng và tâm huyết với nghề!


    Theo Đan Ngọc – Báo SKTP
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Có lẽ có một vì sao xấu án ngữ trên bước đường hoạn lộ của NSUT Thoại Miêu. Một nghệ sĩ cải lương như chị mà chỉ dừng lại ở vai trò đào nhì kể cũng là một thiệt thòi. Thoại Miêu đẹp một cách thanh tú, hơi ca đượm buồn có một chút hơi hướng của NSƯT Mỹ Châu

    Vai đào nhì đầu tiên để lại ấn tượng trong lòng khán giả của Thoại Miêu là Tuyết Mai trong “Cây sầu riêng trổ bông”. Với mái tóc uốn cao, đôi hoa tai to tướng, đôi mắt tròn xoe và câu nói cửa miệng : “Kẹo đồng anh ăn còn tôi ăn kẹo dừa”, Thoại Miêu đã khắc hoạ đựơc một tính cách phức tạp, có một chút hippi, bất cần nhưng vẫn còn một chút ngây thơ, nông nổi. Đầu vở diễn,Tuyết Mai là một cô gái sống đời tầm gửi bám vào tên trung tá.... Đến cuối vở, cô quyết tâm làm lại cuộc đời với một anh binh sĩ trẻ. Chính vì đoạn đầu Thoại Miêu không phát triển tối đa mặt hippi trong tính cách của Tuyết Mai nên sự hướng thiện của nhân vật ở màn cuối mới đủ sức thuyết phục. Sau Tuyết Mai là một Ngọc Hà trong Tâm sự Ngọc Hân và Hoàng Anh trong Nàng Hai Bến Nghé. Cả hai đều là những tiểu thư lá ngọc cành vàng. Cái cốt cách đài cát qua diễn xuất của Thoại Miêu thật là đáng yêu. Tôi nhớ nhất là những lớp Hoàng Anh tỏ bày tình cảm với Nguyễn Hồ. Cho dù Nguyễn Hồ có thương tưởng đến Hoàng Anh thì với bản tính và hoàn cảnh của anh, anh cũng không bước qua lằn ranh giai cấp. Vì vậy, Hoàng Anh đã chủ động. Phong thái nàng vừa cương quyết mà lại hết sức dịu dàng duyên dáng. Nàng mạnh dạn thổ lộ tình yêu của mình mà vẫn không vượt quá những qui định của lễ giáo phong kiến.
    Trái ngược với những nhân vật liễu yếu đào tơ đó, Thiên Hương trong “Muôn dặm vì chồng” là một tính cách khác hẳn. Thiên Hương là một vai diễn được cố tác giả Ngọc Linh “đo ni đóng giày” cho Thoại Miêu, và cũng là vai diễn gây tiếng vang nhất trong sự nghiệp của chị. Thiên Hương là một thiếu nữ mạnh mẽ, yêu Bùi Hữu Nghĩa đơn phương nhưng cũng không kém phần sôi nổi. Lớp diễn đối mặt giữa hai người phụ nữ, Thiên Hương và Nguyễn Thị Tồn, là lớp diễn để lại nhiều xúc động. Họ là hai hình ảnh đối lập, một người vợ chính thức dịu dàng với tình yêu chồng đằm thắm và một con gái luôn thể hiện ý chí quật khởi. Nhưng giữa họ không phải là những ghen tuông nhi nữ thường tình mà lại có chung một tình yêu lớn đối với một người đàn ông. Thiên Hương của Thoại Miêu vừa cứng rắn nhưng lại vừa luỵ tình - cái chất tình này những diễn viên trẻ đi sau không diễn được như chị, dù họ thể hiện rất đạt khí chất cứng rắn

    khuyenmap(trích từ cailuongvietnam)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Đệ nhất đào nhì



    NSƯT Thoại Miêu và con gái nuôi – NS Diễm Thanh, hát tặng khán giả trong phim trường Hồn quê đất Việt

    Đường đến sân khấu

    Bốn mươi năm theo nghiệp cầm ca, chỉ diễn những vai phụ là chủ yếu, vậy mà khán giả vẫn nhớ, vẫn yêu quý Thoại Miêu. Những Tuyết Mai trong Cây sầu riêng trổ bông, Ngọc Hà trong Tâm sự Ngọc Hân, Hoàng Anh trong Nàng hai Bến Nghé, Thiên Hương trong Muôn dặm vì chồng… bây giờ nhắc lại, cái ấn tượng mà Thoại Miêu thổi vào nhân vật không dễ phôi pha.

    Nếu như con đường đến với sân khấu của Thoại Mỹ có bàn tay Thoại Miêu dìu dắt thì con đường Thoại Miêu đến với nghề phải tính bằng những ngày tháng làm thuê kiếm tiền đi học, những năm dài nuôi dưỡng ước mơ. Nhà có đến 12 anh chị em, gia đình lại nghèo, không một ai theo nghề hát. Tuổi thơ, niềm đam mê, hay nói đúng hơn là si mê sân khấu của cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hoa (tên thật của NSƯT Thoại Miêu) là tràn ngập hình ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga. Thế nhưng mãi đến năm 17 tuổi, Miêu mới được bước ra sân khấu. Tốt nghiệp hạng ưu của trường Quốc gia âm nhạc, chị đã tự bước đi, tự đến với nghề và khẳng định tên tuổi mình bằng những… vai diễn phụ! Hỏi có nản không, Miêu chỉ cười: “Một vai diễn nhỏ mà có đất diễn còn hơn vai chính mà mình không thể hiện tròn vai!” Đã vậy, chị cứ luôn miệng bảo rằng mình may mắn. Cái tự trọng nghề nghiệp và sự đam mê đó, Miêu cũng truyền hết sang người em gái. Có thể nói, Thoại Miêu, Thoại Mỹ là hai trong số những trường hợp hết sức hiếm hoi của sân khấu cải lương. Là đào nhì, đào thứ mà khán giả luôn yêu quý bởi sự lao động nghiêm túc có đầu tư. Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú dành cho hai cô đào thứ thật không dễ tìm…

    Mối lương duyên dưới ánh đèn màu
    Đã nghỉ hưu từ năm 2008 nhưng Thoại Miêu vẫn miệt mài cống hiến cho nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi chị công tác suốt mấy mươi năm. Lịch đi diễn của chị vẫn dày đặc, để sắp xếp cuộc trò chuyện cho chuyên mục Hồn quê đất Việt, cũng phải mất mấy tháng trời. Nay chị đang ở Côn Đảo, tuần sau ra Đà Nẵng, hôm khác lại ở tận Hải Phòng… Những ngày này, chị và các đồng nghiệp đang ráo riết chuẩn bị kịch bản, lên kinh phí dự trù, mời diễn viên cho các hoạt động biểu diễn cuối năm của nhà hát. Từ ngày rạp Hưng Đạo ngưng hoạt động chờ xây mới, chuyển ra rạp Thủ Đô, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi chồng chị, anh Phan Quốc Hùng làm giám đốc vẫn chưa có vở diễn nào đủ hoành tráng để thu hút khán giả. Biết là cải lương đang ở giai đoạn trầm lắng nhưng không thể không lo. Còn quá nhiều khó khăn chị cần chia sẻ cùng anh và giúp anh thực hiện để vực dậy, cũng như những ngày đầu chị đến với anh…

    Ngày ấy, cách đây mấy mươi năm, nghệ sĩ Quốc Hùng được giao một vai diễn khó mà anh chưa từng thể hiện trong vở Tâm sự Ngọc Hân. Là bạn diễn, Thoại Miêu lo cho anh khó mà tròn vai nên đã đưa anh đi tìm má bảy Phùng Há xin bà chỉ dạy. Cái hết lòng với nghề, với từng vai diễn đã gắn kết họ với nhau để bây giờ, khi hai con lớn khôn và tiếp tục sự nghiệp của mẹ cha ở vai trò đạo diễn, Thoại Miêu vẫn không quên tháng ngày vất vả đã qua và câu chuyện lương duyên của mình với “ông giám đốc nhà hát”. Chị vẫn chung vai, sát cánh với anh trong những bước khó khăn của sân khấu cải lương, của nghề hát và hoạt động của nhà hát.

    (Theo SGTT)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL