Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. LamVuBinh
    Avatar của LamVuBinh
    Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể


    Kỳ 1: Tuổi thơ cay đắng

    - Tròn ba năm từ ngày NSND Phùng Há ra đi (5-7-2009, 13-5 âm lịch), cuộc đời gần trọn thế kỷ của bà trở lại với bạn đọc qua câu chuyện kể của NSƯT Nam Hùng - người được Phùng Há nhận làm con nuôi năm 1950.




    Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há thời trẻ - Ảnh tư liệu gia đình


    “Những chuyện tôi viết ra đây do má tôi kể hoặc do bà con trong gia đình kể lại, cũng có chuyện do tôi chứng kiến”, NSƯT Nam Hùng viết vậy khi gửi cho Tuổi Trẻ tập bản thảo 14 trang đánh máy. Tuổi Trẻ trích đăng.

    Như một ngày hội lớn, bà con của hai gia đình, bạn bè thân hữu, chòm xóm thân quen cùng nâng ly chúc mừng ngày thôi nôi của bé Trương Phụng Hảo.

    Sinh ngày 30-4-1911, Phụng Hảo là con thứ sáu của ông Trương Nhơn Trường ở làng Hạt Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, và mẹ là bà Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, Mỹ Tho. Hai ông bà chung sống với nhau có được bảy người con, ba trai bốn gái: Trương Tích Kỳ (con trai trưởng), Trương Ngân Hảo (nữ), Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Hoa (nam, mất lúc còn nhỏ), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo (nữ), Trương Nguyệt Hảo (nữ).
    Lễ thôi nôi được ăn mừng lớn hơn các anh em khác trong nhà cũng vì một lẽ: từ lúc mang thai bé Phụng Hảo, gia đình bắt đầu làm ăn khấm khá, từ một tiệm bán thịt bò nho nhỏ mà chỉ trên một năm đã mở lớn hơn và thêm một trại cưa lớn. Gia đình mới mời một thầy bói người Hoa đến xem tướng mạo cho bé Phụng Hảo, ông thầy xủ quẻ bảo rằng: “Cô bé mặt mày rất sáng, đẹp như nàng tiên trong tranh vẽ, mà tiên thì ở trên trời, tiên trốn xuống trần tiên sẽ bị đọa”. Quẻ báo rằng: “Bé Phụng Hảo tương lai sẽ là một tài nữ được sống trong vinh hoa phú quý, nhưng lại nhiều khổ lụy trong cuộc tình”.

    Vượt ngàn dặm thọ tang cha

    Cuộc sống gia đình yên vui, công cuộc làm ăn càng ngày càng sung túc. Khi bé Phụng Hảo được 7 tuổi thì ông Trương Nhơn Trường đột ngột từ trần chỉ sau vài ngày lâm bệnh. Bà Mai điện về Trung Quốc cho bên nội của các con hay. Đang chuẩn bị mai táng chồng thì bà Mai nhận được một bức điện tín từ Trung Quốc đánh sang: “Hãy hỏa táng ông Trương Nhơn Trường, bà Mai và tất cả các cháu phải đưa ông Trường về làng Hạt Sơn, Trung Quốc”. Bà Mai vô cùng bối rối.

    Đường đến làng Hạt Sơn, Trung Quốc xa xôi vạn dặm. Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân cho tròn câu đạo lý... Bà cùng sáu người con mua vé tàu thủy ra đi. Ở lại Mỹ Tho chỉ còn người con trai trưởng là Trương Tích Kỳ và em trai của ông Trường cùng trông coi gia sản.

    Tang ma chu toàn nhưng lệnh của dòng họ là bà Mai và các con phải ở lại thọ tang ba năm. Ở lại Trung Quốc sống một cuộc sống ăn nhờ ở đậu với người vợ lớn của ông Trường và gia đình bên nội của các con, ngày ngày mẹ con bà phải đi làm ruộng, làm vườn cùng mọi người, cuộc sống hết sức vất vả và khó khăn.

    Thấm thoát đã gần ba năm, ngày trở về sắp đến thì bất ngờ nạn dịch trái rạ hoành hành dữ dội, rất nhiều người chết. Loa truyền của chính quyền buộc tất cả những người có bệnh phải tập trung về một nơi để chữa bệnh, ai không tuân lệnh sẽ bị bắt.

    Bé Nguyệt Hảo bị trái rạ rất nặng, bé Phụng Hảo cũng bị lây. Cuối cùng bé Nguyệt Hảo đã không qua khỏi. Sau khi chôn cất bé Nguyệt Hảo, bà Mai không muốn Phụng Hảo bị đưa vào nơi tập trung trị bệnh nên xin phép gia đình bên nội gửi các con ở lại và tìm cách chạy giấy tờ mua vé tàu đưa bé Phụng Hảo trở về Việt Nam. Trung Quốc lúc này là mùa đông giá rét, tuyết rơi trắng ruộng đồng. Bé Phụng Hảo được che kín mặt mày cùng bà Mai xuống tàu trở về Mỹ Tho.

    Phút hãi hùng trên biển

    Chiếc tàu chở hàng hóa và mấy mươi hành khách người Hoa, thuyền trưởng là một người Pháp. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, người trên tàu tình cờ phát hiện Phụng Hảo bị trái rạ. Mọi người xôn xao sợ hãi. Một buổi họp liền mở ra ngay trên boong tàu, một số người nhất quyết đề nghị đoàn phải bỏ bé Phụng Hảo xuống biển trên một chiếc bè có lương thực và nước uống, một số người khác không đồng ý. Người ta nói nếu không bỏ bé xuống biển, tất cả mọi người sẽ chết vì bị lây trái rạ, phải hi sinh một người để cứu nhiều người vì còn lâu tàu mới về đến Việt Nam.

    Đa số đã thắng thiểu số, mặc bà Mai lạy lục thuyền trưởng và van xin mọi người. Mở chiếc bè trong đó có lương thực và nước uống thòng xuống biển, hai người đàn ông to lớn chụp bé Hảo toan bỏ xuống chiếc bè. Trong khi bà Mai gào khóc quyết nhảy theo con, bé Hảo hét la khủng khiếp thì một tiếng thét thất thanh ra lệnh dừng lại. Một phụ nữ từ trong phòng thuyền trưởng bước ra cương quyết không cho quăng bé Hảo xuống biển. Đó là vợ người thuyền trưởng - một phụ nữ Việt Nam rất đẹp. Vị thuyền trưởng và nhiều người cùng người phụ nữ tranh luận rất dữ dội. Người vợ thuyền trưởng nói: “Không ai có quyền giết người khi luật pháp chưa luận tội. Đứa bé vô tội, chúng ta phải có bổn phận chăm sóc chu đáo cho đến khi tàu cập bến An Nam. Trừ khi đứa bé chết trên tàu ta mới có quyền quăng xuống biển, nếu đứa bé có bề gì thì tôi sẽ là người đứng ra tố cáo”. Thuyền trưởng và mọi người cuối cùng cũng đành đuối lý. Hai mẹ con được đưa vào ở một phòng nhỏ cuối tàu, gần phòng máy, được chu cấp thuốc men và nước uống.

    Trở về Mỹ Tho

    Qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, mẹ con bà Mai cũng về đến quê hương, lạy tạ người nữ ân nhân, hai mẹ con chạy nhanh về nhà.

    Ngôi nhà nơi hai mẹ con trở về lúc này do Trương Tích Kỳ cùng em trai của ông Trường quản lý. Bà Mai kể cho gia đình nghe những niềm đau và nỗi khổ suốt mấy năm thọ tang ở Trung Quốc, những ngỡ nhận được sự chia sẻ của những người thân yêu ruột thịt, nhưng thật bất ngờ khi con trai và chú ruột của Phụng Hảo lại không muốn cho cả hai ở lại nhà mà còn định mua vé tàu đưa bà và Phụng Hảo trở lại Trung Quốc. “Mẹ phải về với các em!” - người con trai nói. Còn người em chồng thì bảo bà Mai phải về chăm sóc mộ phần của ông Trương Nhơn Trường. Đau đớn, tức giận, bà đành đưa bé Phụng Hảo rời khỏi căn nhà thân yêu mà suốt bao năm bà đã cùng chồng gầy dựng.

    Bà Mai dẫn Phụng Hảo về tá túc với bà ngoại ở chợ Giồng Nhỏ, Mỹ Tho. Từ lúc bà Mai cùng các con về thọ tang ở Trung Quốc, bà ngoại của bé Phụng Hảo sau một cơn bạo bệnh đã bị mù lại rất nghèo khổ, phải sống nhờ sự giúp đỡ của dòng họ. Bé Hảo phải ngày ngày mò cua bắt ốc phụ giúp mẹ nuôi ngoại.

    NSƯT NAM HÙNG
    Theo TTO


    Kỳ 2: Cô đào trong lò gạch


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 10 Users Say Thank You to LamVuBinh For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (19-11-2012), DOHOANG (10-07-2012), Duongtonhu (06-07-2012), Giang Tiên (07-07-2012), huongle (06-07-2012), Koala (06-07-2012), MEM (06-07-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (06-07-2012), Thanh Hậu (06-07-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Đúng là từ nhỏ bà Bảy đã chịu nhiều cực khổ như vậy..
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (06-07-2012)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể

    Kỳ 2: Cô đào trong lò gạch


    Năm 1923, phong trào đờn ca tài tử nổi lên khắp nơi ở Mỹ Tho. Bé Phụng Hảo sáng đi bán trái cây, chiều đi học thêm, tối xin phép mẹ đi nghe đờn ca tài tử...

    Nghệ sĩ Phùng Há và Ba Vân trong vở Khi người điên biết yêu - Ảnh tư liệu gia đình

    12 tuổi, Hảo thích thú khi được nhìn những nghệ sĩ, nhạc sĩ mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, bốn người ngồi bốn góc hình chữ bát, người ca ngồi ngay chính giữa trên bộ ván gõ; nhạc thì gồm: kìm, tranh, gáo và cò. Năm Phụng Hảo 13 tuổi, công việc bán trái cây hết sức cực khổ nhưng gia đình cũng không đủ sống, hai mẹ con xin vào in gạch cho lò gạch của ông Bang Hoạch.

    Có những trưa hè oi ả, tiếng hát thánh thót của bé Hảo đã giúp cuộc sống của công nhân lò gạch thêm vui. Có những đêm mưa rả rích, người ta nghe văng vẳng tiếng hát phát ra từ căn nhà lá của bà già mù ở xóm Chợ Giồng.


    Tài hoa lộ diện

    Có phải những đau thương ngang trái của cuộc đời mà tuổi thơ đã nếm trải khiến bé Hảo dù không biết nhịp của bài hát là gì, bài hát điệu gì, nhưng khi cô bé cất lên tiếng hát thì ai bi não ruột. Tiếng đồn bay xa, ông Hai Cu - chủ ban hát Tái Đồng Ban - tìm đến nhà xin được nghe bé Hảo hát.

    Thật lạ lùng! Bé Hảo hát một số bài trong ba Nam sáu Bắc rất đúng điệu. Giọng hát lời ca trong trẻo ngọt ngào, có lúc lại hùng hồn, có khi lại bi ai thống thiết. Đoán được tương lai rực rỡ của cô bé, ông đề nghị ký bản hợp đồng với số tiền 20 đồng trong ba năm (một số tiền rất lớn đối với người nghèo vào thời đó). Vậy là Phụng Hảo về ban hát Tái Đồng Ban, bà Mai được theo con ăn ở khỏi tốn tiền.

    Qua nhiều tháng luyện tập ca cho đúng nhịp, hát cho đúng điệu, Phụng Hảo được nghệ sĩ Tư Chơi vừa dạy đàn, vừa dạy ca. Còn về diễn xuất do nghệ sĩ Năm Châu hướng dẫn. Đến năm 14 tuổi, Phụng Hảo đã có tên trên bảng quảng cáo với nghệ danh Phùng Há. Tên Phùng Há do bà Mai đặt từ âm hưởng Phụng Hảo mà ra.

    Vai hát đầu tiên của Phùng Há trên sân khấu Tái Đồng Ban là vai Giả Thị - vợ của Hoàng Phi Hổ (trong tuồng Hoàng Phi Hổ quy châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh). Khán giả Mỹ Tho đã đổ xô đến xem ban hát Tái Đồng Ban diễn tại nhà lồng chợ Mỹ Tho, chứng kiến cô bé nghèo ở lò gạch ngày nào hát trên sân khấu. Bà Mai nghẹn ngào xúc động nhìn con gái y quang rực rỡ, mỗi khi cất lên tiếng hát mọi người đều chắc lưỡi hít hà.

    Năm 1926 khi Phùng Há được 16 tuổi, đã vững vàng trên sân khấu, để đền ơn đáp nghĩa người đã có công luyện tập giúp đỡ rất nhiều cho Phùng Há nên danh, bà Mai đã đứng ra gả cô cho nghệ sĩ Tư Chơi.

    “Chuyện lạ lùng” ở Mỹ Tho

    Ngày khai trương ban hát Huỳnh Kỳ như một ngày lễ hội, apphich, băngrôn treo rợp trời trên đường phố và chợ Mỹ Tho. Hai ghe bầu loại chở lúa lớn nhất được huy động để chở tranh cảnh, phông màn và nghệ sĩ, công nhân đậu tại bờ sông Mỹ Tho. Bạch Công Tử với bộ comlê màu trắng, đội nón màu trắng cùng cô đào Phùng Há trên chiếc xe hơi mui trần hiệu Fiat Sport từ bungalow (khách sạn) ở bờ sông chạy chầm chậm tới chợ Mỹ Tho - nơi ban hát Huỳnh Kỳ khai trương. Pháo nổ vang rền, người xem đứng chật hai bên đường, trẻ con thì hò reo inh ỏi, có người nói rằng: “Từ cha sanh mẹ đẻ đến bây giờ mới thấy chuyện lạ lùng như vậy”.

    Vào chốn đoạn trường

    Nghệ sĩ Tư Chơi là một nghệ sĩ tài năng, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi. Ngoài Việt văn, Pháp văn ông còn giỏi Hán văn. Sau này ông sáng tác nhiều vở cải lương rất nổi tiếng với bút danh Huỳnh Thủ Trung - tên thật của ông.

    Nhưng cuộc đời có mấy ai biết được chữ ngờ. Đôi trai tài gái sắc chỉ chung sống với nhau trên đôi năm, có được một bé gái bụ bẫm đặt tên là Bửu Chánh thì gia đình xảy ra những bất hòa, tranh cãi quyết liệt và cuối cùng là chia tay mỗi người mỗi ngả.

    Cô Phùng Há về đầu quân cho ban hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, kép Tư Chơi ở lại ban hát Tái Đồng Ban. Cô Phùng Há được đón tiếp nồng hậu, hợp đồng tốt, lãnh lương cao và là đào chánh đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu.

    Hôn nhân tan vỡ, năm 1928 nhiều nỗi đau đớn khác còn dồn dập đổ xuống cuộc đời cô đào trẻ: bà ngoại mất do tuổi cao sức yếu và người mẹ thân yêu cũng qua đời tại nhà thương Mỹ Tho. Chơi vơi một mình giữa bao nhiêu chông gai khắc nghiệt của cuộc đời, cô Phùng Há 18 tuổi đành gom góp tiền bạc nhờ người đưa con gái Bửu Chánh về làng Hạt Sơn, Trung Quốc gửi cho các anh chị chăm sóc và lo việc học hành.

    Đau đớn như ai cắt từng đoạn ruột khi nhìn người ta bồng bé Bửu Chánh xuống tàu. Nhớ lại ngày nào cô cùng mẹ trải qua cơn thập tử nhất sinh giữa muôn trùng sóng dữ. Giờ đây cô chỉ biết chắp tay cầu xin trời Phật cho con được bình an khỏe mạnh, ăn học giỏi giang. Rồi một ngày không xa, khi cuộc sống được ổn định cô sẽ đón con về quê mẹ thân yêu.

    Làm dâu đốc phủ

    Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (tự là Phước George) sinh năm 1901, quê quán Chợ Gạo, Mỹ Tho, con của ông Lê Công Xủng - đốc phủ Mỹ Tho. Ông đốc phủ có hàng ngàn mẫu ruộng cò bay thẳng cánh, hàng trăm tá điền, ghe bầu chở lúa gạo đậu chật cả một khúc sông, có cả một dãy phố mua bán cạnh chợ Mỹ Tho.

    Phước George là con trai duy nhất của ông đốc phủ với người vợ trước. Mười mấy tuổi, Phước George đã được cha cho đi du học ở Pháp, gần 30 tuổi mới trở về nước, được ông bà đốc phủ giao cho quản lý gia sản. Công tử Phước George có dáng dấp của một thư sinh mũi cao, trắng đẹp; tính tình phóng khoáng, rộng rãi, bặt thiệp, có thể tung tiền bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào, thường họp mặt bạn bè ở các nơi như nhà hàng, vũ trường, sòng bạc, sòng me..., rất được tình cảm của nữ giới và bạn bè.

    Bạch công tử thích nhất là nhảy đầm, xem cải lương, nghe đờn ca tài tử. Ban hát thầy Năm Tú diễn ở đâu, cậu đều có mặt. Bạch công tử rất thích tuồng Mộc Quế Anh dâng cây mà người đóng vai Mộc Quế Anh phải là cô Phùng Há. Cậu thường nói: “Cô Phùng Há ở ngoài hiền hậu, nhu mì nhưng khi bước ra sân khấu cô sáng đẹp lạ lùng, lúc thì uyển chuyển khi uy nghi lẫm liệt như một tướng quân lâm trận”.

    Khi ban hát thầy Năm Tú lên Sài Gòn diễn tại rạp hát Moderne gần chợ Bến Thành, ban hát diễn bao nhiêu đêm thì Bạch công tử có mặt bấy nhiêu đêm. Sau khi vãn hát, Bạch công tử thường mời cả đoàn ra nhà hàng ăn uống rồi lại trở về Mỹ Tho, hôm sau lại có mặt. Cứ đều đều như thế, khi cần ở lại đêm thì công tử thường ở khách sạn Continental.
    Cách ăn chơi của Bạch công tử khiến ông bà đốc phủ rất lo lắng. Ông bà muốn cậu phải lấy vợ. Ông bà sẽ tìm những cô gái giàu sang quyền quý, môn đăng hộ đối hoặc đẹp nhất trong vùng nhưng Bạch công tử nhất quyết từ chối và xin cho cậu cưới cô đào hát. Ông đốc phủ quyết liệt phản đối, cương quyết không chấp nhận cô đào hát về làm dâu. Không được như ý muốn, Bạch công tử ăn chơi nhiều hơn, có khi nhiều ngày không về nhà, bà đốc phủ phải cho người đi tìm kiếm khắp nơi. Bà khóc lóc van xin ông đốc phủ cho Phước George được toại nguyện cưới cô đào hát.

    Vậy là cô bé nghèo khổ ở xóm Chợ Giồng ngày nào nay nghiễm nhiên là dâu của ông bà đốc phủ, là vợ của Bạch công tử giàu sang nhất xứ. Cô đào hát về sống chung với gia đình ông bà đốc phủ, bà đốc phủ rất thương cô bởi tánh tình hiền lành chân thật. Năm 1928, Bạch công tử bàn với gia đình là ông sẽ lập một ban hát. Và năm 1929, sau nhiều tháng tập luyện, ban hát khai trương với bảng hiệu Huỳnh Kỳ tại nhà lồng chợ Mỹ Tho (Mỹ Tho ngày xưa chưa có rạp hát).

    Một cuộc sống mới xán lạn mở ra trước mắt cô Phùng Há. Nhưng cũng từ đây, vinh hoa và cay đắng đeo bám cuộc đời cô...
    NSƯT NAM HÙNG


    Kỳ 3: Vinh quang và cay đắng
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 7 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (19-11-2012), Duongtonhu (07-07-2012), Giang Tiên (07-07-2012), Koala (07-07-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012), Thanh Hậu (07-07-2012)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể


    Kỳ 3: Vinh quang và cay đắng


    Sau nhiều đêm thành công vang dội ở Mỹ Tho, ban Huỳnh Kỳ dọn về Sài Gòn ra mắt bà con mộ điệu..

    Nghệ sĩ Phùng Há đang hóa trang - Ảnh tư liệu gia đình


    Ba chiếc ghe bầu loại lớn nhất chở đào kép và tranh cảnh đậu tại bờ sông Bến Thành. Mười chiếc xe ngựa (loại hai ngựa) chở đầy phong cảnh, y trang, gươm đao, giáo mác. Ba mươi chiếc xe kéo chở đào kép, theo sau là Bạch công tử và cô Phùng Há trên chiếc xe hơi mui trần tiến về nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố).


    Trên đỉnh vinh hoa

    Đêm đầu tiên ở Sài Gòn, ban Huỳnh Kỳ chưa hát, Bạch công tử mở tiệc thết đãi bạn bè thân hữu, nghệ sĩ và chính quyền. Cả trăm khách Việt, Tàu, Tây đủ giới đến dự với những món cao lương mỹ vị, uống toàn champagne, martel. Có một sân nhảy đầm, một ban nhạc Tây và một phòng có vài mâm á phiện cùng với những cô gái xinh đẹp tiêm thuốc cho khách hút (thời đó hút á phiện tự do), quả là một đêm vui chơi thỏa thích.

    Hôm sau ban hát Huỳnh Kỳ trình diễn tại nhà hát Tây. Buổi sáng ban hát đi rao bảng (quảng cáo) vòng quanh các đường phố Sài Gòn với mười chiếc xe ngựa (loại hai ngựa) chở các nghệ sĩ hóa trang son phấn rực rỡ, đào kép mặc đồ ông hoàng, bà chúa... Đi đầu có ban nhạc Tây thổi kèn inh ỏi, cuối đoàn có ban nhạc Quảng thổi kèn và đánh trống Quảng, tờ chương trình rải trắng đường đi. Ban hát Huỳnh Kỳ diễn bảy đêm tại nhà hát Tây, rồi lần lượt dọn qua rạp Moderk gần chợ Bến Thành, rạp Cinema Eden đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm, Q.5) và rạp Palikao ở Chợ Lớn mới.

    Có một buổi sáng, Bạch công tử đưa cô Phùng Há đi ăn điểm tâm, rời khách sạn xe ngừng trước một nhà hàng, tài xế mở cửa mời Bạch công tử và cô Phùng Há xuống xe, Bạch công tử móc túi “boa” cho tài xế (dù là tài xế nhà). Người của nhà hàng cầm dù chạy ra đưa Bạch công tử và cô Phùng Há tới cửa: lại móc túi “boa”. Bước vô nhà hàng, một người bồi trân trọng lấy nón móc lên máng: móc túi “boa”. Đang ăn gọi đầu bếp lên khen, công tử lại móc túi “boa”, “boa” luôn cho tất cả những người có mặt ở nhà hàng rồi lên xe ra về. Người ta nói rằng Sài Gòn này chỉ có Bạch công tử là sang hơn cả Tây.

    Qua nhiều năm chung sống với Phước George, chưa bao giờ cô Phùng Há thấy bạn bè xin gì mà ông từ chối, bạn bè tới nhà chơi khen bộ salon đẹp, ông tặng liền không ngần ngại, lại có người khen bộ bàn ăn đẹp, ông bảo kêu xe chở về liền.

    Ban Huỳnh Kỳ diễn bất cứ nơi nào đều chật kín khán giả, không chỉ ở Sài Gòn mà còn chinh phục cả sáu tỉnh Hậu Giang. Như thế được trên ba năm. Sau đó thì tình hình biến động khắp nơi, kinh tế gia đình Phước George cũng bắt đầu khó khăn, ban hát lỗ lã. Đến năm 1931, Bạch công tử cho ban hát Huỳnh Kỳ tan rã...


    Hai lần sinh con, hai lần tiễn biệt

    Không còn gánh hát, Bạch công tử càng ăn chơi nhiều hơn nữa, cờ bạc, rượu chè, hút xách, không kể gì đến tương lai. Cô Phùng Há khuyên nhủ cách nào cũng không được. Cô hai lần sinh con, một trai tên Paul, một gái tên Lý. Cả hai con đều chết khi còn rất nhỏ. Paul và Lý từ lúc bệnh cho đến lúc chết Bạch công tử đều không có mặt ở nhà.

    Đau đớn, lẻ loi, trơ trọi giữa dòng đời, cô Phùng Há cương quyết dứt tình vợ chồng với Bạch công tử Phước George.

    Về chung sống với bà con bên ngoại, năm 1936 cô Phùng Há được ban hát Trần Đắc ký hợp đồng về làm đào chánh, đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu. Với hợp đồng mới và tiền lương rất hậu, danh tiếng của cô Phùng Há càng ngày càng sáng chói.

    Trong lúc đó, công tử Phước George thành hôn với nghệ sĩ tài danh - cô sáu Ngọc Sương. Cô Ngọc Sương quê ở Phan Thiết, ca hay diễn giỏi, nhan sắc mặn mà. Ngoài tài năng ca diễn trên sân khấu, cô lại còn có tài vừa ca vọng cổ vừa đàn guitar. Tánh tình khẳng khái nhưng lại rất nhiều tình cảm, cô là đào chánh của nhiều đoàn hát lớn sau này. Qua đôi năm chung sống và vào năm 1937, cô sáu Ngọc Sương sanh được một con gái đặt tên là Ngọc Tuyết - tự Liliane. Nhưng rồi có lẽ cũng không chịu nổi kiểu ăn chơi bất kể của Phước George, cô trao con lại cho ông và trở về Phan Thiết. Bạch công tử buồn khổ lại chìm đắm trong những cuộc vui. Rồi có một lần vì chán nản, tuyệt vọng, không lối thoát, ông toan bồng con nhảy xuống giếng để cha con cùng chết cho hết nợ đời.

    Hay được tin cô sáu Ngọc Sương và công tử Phước George chia tay, Bạch công tử rất khó khăn khi phải nuôi con nhỏ, cô Phùng Há cho người đưa thư xuống xin được nuôi con gái của Bạch công tử và cô sáu Ngọc Sương.


    Lênh đênh cùng đoàn Phụng Hả

    Sau năm 1940, cô Phùng Há kết hôn với ông Nguyễn Hữu Bửu. Ông là một kỹ sư, một đại điền chủ lớn ở Trà Vinh. Ông đã thành lập đoàn Phụng Hảo cho cô Phùng Há.

    Ông Nguyễn Hữu Bửu là cha ông Nguyễn Long và ông Nguyễn Khánh. Ông Nguyễn Long là thanh niên tiền phong đi tập kết, là cán bộ cách mạng ở miền Bắc. Ông Nguyễn Khánh là tướng của chế độ Sài Gòn ở miền Nam. Ông Nguyễn Hữu Bửu và cô Phùng Há có một ngôi nhà ở Gò Vấp, cùng sống chung với các con cháu như: Bửu Chánh - con gái ruột đã rước từ Trung Quốc về với tên Lý Bửu Trân, Nguyễn Long, Nguyễn Khánh, Lili, Nam Hùng và vài người cháu khác.

    Sau khi Nhật đảo chánh Tây, tình hình biến động, đoàn Phụng Hảo phải rời Sài Gòn lưu diễn ở các tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Điền, Phước Hải... Quá khó khăn vì mỗi khi di chuyển từ bến này qua bến khác cả đoàn hát phải đi bằng xe bò, cuối cùng đoàn Phụng Hảo phải mướn một chuyến ghe đi cạnh theo mé biển về đến Mỹ Tho. Tình hình quá căng đến nỗi đoàn Phụng Hảo không hát được một suất nào và rã gánh tại Mỹ Tho.

    Thời gian sau thì cô Phùng Há và ông Nguyễn Hữu Bửu cũng chia tay.

    Lili


    Bà Phùng Há đã đem Ngọc Tuyết - Liliane (mà bà thường gọi là Lili) về nuôi từ khi cô còn bé. Cô là người được bà thương yêu nhất nhà, lớn lên được chăm sóc chu đáo, ăn học đàng hoàng. Lili tính tình vui vẻ, liến thoắng. Năm bảy, tám tuổi, tôi có dịp sống chung một nhà với Lili ở Gò Vấp; sau này mười mấy tuổi, tôi cũng được bà Phùng Há cho về nhà ăn học. Tôi và Lili sanh cùng năm. Tôi gọi Lili bằng Lili, cô gọi tôi bằng "thằng", xưng hô mày - tao với tôi như thể những thằng con trai.


    Lili có một vẻ đẹp mặn mà như người của biển cả... Khi lớn lên có một gia đình danh giá, giàu có dạm hỏi, cô bằng lòng. Má Phùng Há đồng ý gả. Hiện nay cô sống cùng chồng và người con gái đã lập gia đình tại Canada, hai người con gái lớn đã lập gia đình hiện đang sống tại TP.HCM. Ngày xưa, có những lúc cô đùa giỡn như điên, rồi có những lúc cô ngồi yên lặng thật dài. Ngày nay chắc tóc cô đã bạc nhiều, chắc gì cô đã thoát khỏi những giây phút trầm tư... Cầu mong Lili và gia đình được an lành, hạnh phúc.



    NSƯT NAM HÙNG

    Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (19-11-2012), Duongtonhu (08-07-2012), huongle (08-07-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012), Thanh Hậu (08-07-2012)

  9. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Ủa chú Mem ơi, bài viết hết tại đây, không có kỳ 4 hả chú !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012)

  11. Duongtonhu
    Avatar của Duongtonhu
    Sáng nay thấy báo ra kỳ 4 rồi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 3 Users Say Thank You to Duongtonhu For This Useful Post:

    nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012), Thanh Hậu (08-07-2012)

  13. MEM
    Avatar của MEM
    Chắc tối nay mới có bài online. Sau Kỳ 4 - Vai diễn đi cùng năm tháng sẽ còn 01 Kỳ cuối - Ra đi và gửi lại nữa thôi. Đọc hay quá à! Phải chi còn nhiều nhiều nữa! hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (19-11-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012), Thanh Hậu (08-07-2012)

  15. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Đúng thật là nãy giờ con đọc mà đọc rất kĩ, hay quá mà còn có 1 kì nữa tiếc quá !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012)

  17. MEM
    Avatar của MEM
    Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể:


    Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng


    Vào năm 1948, cô Phùng Há cùng một số anh chị em nghệ sĩ như Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang... thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.

    Rồi mua một căn nhà nhỏ ở 133 đường Cô Bắc làm nhà truyền thống thờ Thánh tổ.

    Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng hoa vương - Ảnh tư liệu gia đình


    Lúc này cô Phùng Há đã làm vợ của ông Châu Văn Sáu - một chủ trang trại nuôi bò với hàng trăm con bò chuyên lấy sữa làm sữa tươi, bơ, kem cung cấp cho một số nhà hàng, các tiệm bánh lớn ở Sài Gòn (trại nuôi bò sữa của ông Châu Văn Sáu ở gần ngã bảy, sau này ở đó hình thành một cái chợ nhỏ mà người ta thường gọi là “chợ Chuồng Bò”).

    Năm 1950, đoàn Phụng Hảo diễn tại Huế, cuối năm 1952 diễn tại Hà Nội danh nổi như cồn. Dựng lại đoàn Phụng Hảo lần này có lẽ là lần thành công nhất của cô Phùng Há so với bao đoàn Phụng Hảo tan - hợp trước đó. Nhưng đến khoảng năm 1959, đoàn Phụng Hảo lại tan rã tại rạp Thuận Thành Đakao. Sau đó ông Châu Văn Sáu và cô Phùng Há cũng chia tay.

    Buồn khổ lại đeo bám bà, năm 1963 người con gái bà đứt ruột sanh ra là Bửu Chánh (tức Lý Bửu Trân) chết do căn bệnh ung thư máu. Sau khi chôn cất con gái, bà đi Pháp thăm hai cháu ngoại - một trai và một gái - con của chị Bửu Chánh.

    Ở Pháp mấy năm, năm 1966, bà Phùng Há trở về nước. Tối bà lại đi hát chầu cho đoàn ca kịch Năm Châu, ban ngày đi dạy về bộ môn cải lương cho Trường Quốc gia âm nhạc.


    Đoạn kết buồn với Bạch công tử

    Khoảng năm 1949, một hôm má Phùng Há bảo tôi đi cùng với Lili đến căn nhà bên hông chợ Bến Thành. Tới nơi, tôi cùng Lili lên lầu thấy một người đàn ông ốm yếu xanh xao, mũi cao trắng trẻo, nằm trên giường, bên cạnh có một mâm hút. Tôi biết ngay đó là Bạch công tử vì trước đó tôi có nghe gia đình bàn tán nhiều lần về ông. Tôi đi xuống để hai cha con ông nói chuyện. Từ đó về sau, tôi đi theo đoàn hát lưu diễn khắp nơi nên không biết gì về ông nữa.

    Năm 1999, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, bà Phùng Há nói bà muốn về thăm mộ của ông Phước George. Cũng năm 1999, có một người ở đường Nguyễn Văn Cừ hỏi có muốn về Chợ Gạo thăm lại quê hương của Bạch công tử Phước George hay không. Thú thật bao lâu nay bà cũng muốn về thăm lại Chợ Gạo - nơi ghi dấu biết bao là kỷ niệm, nhưng bà cũng đành bỏ qua ý định vì mấy mươi năm rồi không còn nhớ những con đường ngày xưa. Người ở đường Nguyễn Văn Cừ có cô em gái làm việc tại Chợ Gạo, ông đã nhờ cô em đưa bà về.

    Trên chiếc xe 16 chỗ ngồi, bà đi cùng vài người bạn và các cháu, con. Đường về Chợ Gạo bây giờ xa lạ quá, quanh co khúc khuỷu. Xe dừng lại trước một mảnh đất rộng lớn, cô dẫn đường chỉ đây là mảnh đất của gia đình công tử Phước George, bà nhìn quanh rồi nói: “Không còn chút gì của ngày xưa”. Miếng đất ngày nay đã thuộc chủ quyền của một người mà cha của ông ngày xưa là bạn thân của công tử Phước George. Ngày xưa ông Phước George đã giúp đỡ rất nhiều cho chủ nhân miếng đất này.

    Khi gặp được con của chủ nhân miếng đất, bà Phùng Há liền hỏi: “Mộ của ông Phước George ở đâu?”, người ấy chỉ: “Kìa!...”. “Trời ơi, như thế này được sao?”. Không thể nào tưởng tượng được vì đó không phải là ngôi mộ mà chỉ là một mảnh đất chừng 1m2, nước đọng, cỏ mọc. Bà như muốn qụy xuống, mọi người chạy tới đỡ bà, bà kêu lên: “Sao lại như thế này hỡi trời? Ông ơi, vợ ông đâu? (không còn ai). Con cháu ông đâu? (không có). Tài sản đất đai của ông đâu? (một thước đất chôn thân cũng không có)”. Có người hàng xóm kể rằng: “Ngày Bạch công tử chết tình hình rất lộn xộn, người ta quấn ông vào một chiếc chiếu, mà chiếc chiếu cũng không lành, không mộ, không bia, không tên, không họ”. Từ đó cho đến nay đã mấy mươi năm rồi, vong linh ông có đau đớn tủi hận chăng, chỉ xương trắng là tan thành đất hòa vào dòng nước ngọt của Chợ Gạo, quê ông.

    Bà Phùng Há xin với người chủ của mảnh đất được hốt cốt của ông đem về Sài Gòn, người ấy trả lời: “Người vợ khi đã có chồng khác thì không có được một cái quyền gì cả, hãy chờ cô Lili - con gái của ông Phước George - từ nước ngoài về rồi sẽ bàn tiếp”. Bà nắm trong tay một nắm đất nơi ông Phước George nằm xuống rồi thất thểu lên xe ra về.


    Suất hát cuối cùng

    Năm 30-4-1975 thống nhất đất nước. Vở hát đầu tiên sau giải phóng là kịch bản Đời cô Lựu, lại có bà cùng góp mặt với các nghệ sĩ: Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Nam Hùng, Hoàng Ấn, Văn Lâu, Tư Hề, Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Tố Nữ... Đoàn cải lương Sài Gòn 1 sau đó cũng được thành lập gồm các nghệ sĩ tài danh với những kịch bản nổi tiếng một thời: Sân khấu về khuya, Phụng Nghi đình, Mạnh Lệ Quân, Bình Tây đại nguyên soái, Người ven đô, Ngao Sò ốc hến (chỉ đạo nghệ thuật Ba Vân, Phùng Há và trưởng đoàn Nguyễn Đạt).
    Năm 1976, bà Phùng Há bàn với lãnh đạo lúc đó là ông Mai Quân tổ chức một suất hát tổng hợp để gây quỹ giúp đỡ nghệ sĩ khó khăn. Ngày 6-12-1976 vở tuồng hoành tráng Phụng Nghi đình được công diễn hai suất tại rạp Hào Huê, một suất trưa và một suất tối với sự tham gia nhiệt tình của dàn nghệ sĩ lừng danh với ba “Lữ Bố”: NS Phùng Há, Thành Được, Nam Hùng; năm “Điêu Thuyền”: NS Thanh Nga, Kim Cương, Mỹ Châu, Phượng Liên, Ngọc Hương; ba “quan tư đồ”: NS Ba Vân, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan; ba “Đổng Trác”: NS Ngọc Giàu, Văn Khoe, Trường Xuân; hai “Lý Nhu”: NS Bảy Nam, Kim Hoàng.

    Khán giả náo nức như đêm hội, nghệ sĩ hát nhiệt tâm, đêm hát hết sức tưng bừng. Nhưng bà đã không thể ngờ được đó là đêm cuối cùng bà hát với người học trò cưng mà bà hết mực yêu thương là NS Thanh Nga trong lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền - lớp hát mà bà và Thanh Nga đã làm mê hoặc hàng bao khán giả (ngày 26-11-1978 nghệ sĩ Thanh Nga, 36 tuổi, và chồng bị ám sát ngay sau suất diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga).

    Cuối tháng 12-1976, bà và nhiều nghệ sĩ miền Nam thuộc Đoàn văn công thành phố, và Đoàn hát bội thành phố được vinh dự ra thủ đô biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng. Cũng với lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền, nhưng lần này bà chọn Út Bạch Lan vào vai quan tư đồ và NS trẻ Tô Kim Hồng vào vai Điêu Thuyền.

    Mùa đông Hà Nội lạnh buốt, lúc đó bà lại bị chứng đau khớp hành, đau nhức không ngủ được, cả đoàn lo lắng không yên. Nhưng khi đêm hát mở màn, bà vẫn uy nghi lẫm lẫm giậm chân bước ra, tràng pháo tay kéo dài không ngớt. Sau suất hát phục vụ đại hội là suất hát giao lưu nghệ sĩ hai miền. Buổi diễn kết thúc, hoa ngợp khán phòng, lần đầu tiên nghệ sĩ miền Nam thấy hoa đẹp và nhiều như vậy. Nghệ sĩ miền Bắc tràn lên sân khấu, nụ cười và nước mắt chan hòa, ôm hôn những người đồng nghiệp cách xa hàng ngàn cây số...


    Và đó là đêm hát cuối cùng

    Thời gian ngắn sau, bà tặng bộ giáp Lữ Bố mà bà hằng yêu quý đã gắn bó nhiều năm với vai diễn và tên tuổi của bà cho Bảo tàng TP. Bộ giáp được làm thủ công, kết “mắt gà” công phu do một nghệ nhân người Hoa trong Chợ Lớn chuyên làm phục trang cho các đoàn hát Quảng Đông chế tác cho riêng bà.

    Bà Phùng Há cũng đã tặng tất cả y trang áo mão gồm 163 món mà trước ngày giải phóng bà đã mua ở Hong Kong để đoàn cải lương Sài Gòn 1 dựng hai vở: Phụng Nghi đình và Mạnh Lệ Quân. Bà cũng tặng toàn bộ trang phục, đao kiếm cho đoàn hát Tiền Giang để xây dựng một vở tuồng sử.

    Những năm sau đó, bà dành hết tình yêu nghề cho học trò. Bà truyền dạy cải lương ở Trường Nghệ thuật sân khấu II, bây giờ là Trường Sân khấu - điện ảnh thành phố. Năm 1979, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khai giảng khóa đầu tiên đào tạo nghệ sĩ trẻ, bà đã nhận lời giảng dạy và đã có nhiều nghệ sĩ thành danh từ lớp học này. Lớp học có nhiều gián đoạn vì sức khỏe không cho phép, nhưng bà vẫn còn truyền nghề cho một số lớp nghệ sĩ đến năm 1995.

    Về sau bà chỉ chuyên tâm vào công tác cứu trợ và đeo đuổi ước mơ xây “ký nhi viện” cho con em nghệ sĩ sau khi đã gầy dựng được “viện dưỡng lão nghệ sĩ”.

    NSƯT NAM HÙNG

    Những vai diễn để đời



    NSND Phùng Há có rất nhiều vai diễn gây được ấn tượng mạnh với công chúng, trong đó có nhiều vai diễn được xem là mẫu mực, thước đo cho các nghệ sĩ lớp sau học hỏi như: Lữ Bố (vở Phụng Nghi đình), Dương Quý Phi (Tình sử Dương Quý Phi), An Lộc Sơn (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện), Kiều Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Lựu (Đời cô Lựu), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều)...Bà cũng là người tiên phong cho trào lưu đào đóng vai kép. Vào khoảng năm 1950, do gánh hát thiếu nam nghệ sĩ giỏi nghề đóng vai khó nên bà đã táo bạo thử nghiệm hình thức mới, vai kép đầu tiên mà bà đóng là An Lộc Sơn. Vai diễn này sau đó được công chúng nồng nhiệt đón nhận và bà tiếp tục có những vai kép hay như Đường Minh Hoàng, Lữ Bố, Tào Tháo, Hoàng tử Lang...


    Đặc biệt, vai Lữ Bố bà đã diễn chung với rất nhiều nữ nghệ sĩ như cô Năm Phỉ, cô ba Thanh Loan, Kim Cương, Thanh Nga... vai diễn này gắn bó với bà mấy chục năm trời và đã cùng bà lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.


    LINH ĐOAN



    Kỳ cuối: Ra đi và gửi lại
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (19-11-2012), Koala (08-07-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012), Thanh Hậu (08-07-2012)

  19. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Ngày 6/12/1975 vở Phụng Nghi Đình diễn ra hoành tráng quá, toàn là nghệ sĩ nổi tiếng không luôn. Phải chi có lưu lại !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 3 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Duongtonhu (08-07-2012), nguoiyeuvannghe (10-07-2012), romeo (09-07-2012)

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL