1. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Rạp Nguyễn Văn Hảo - Hàng Không Mẫu Hạm


    (Tìm lại dấu xưa (1): Rạp hát cải lương trước năm 1975 - Rạp Nguyễn Văn Hảo - Hàng Không Mẫu Hạm)

    Trong những năm từ 1943 đến năm 1954, Saigon, Chợ Lớn và Gia Định chỉ có 4 rạp dành cho hát cải lương ở Saigon. Đó là các rạp hát Nguyễn Văn Hảo ở đường Galliéni( sau là đường Trần Hưng Đạo), rạp aristo ở đường Lê Lai ( ngang hông ga xe lửa Saigon), rạp Thành Xương ở đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Dakao. Tại trung tâm Saigon có rạp hát Tây( théâtre municipal de Saigon), rạp này thường cho các đoàn kịch từ Pháp sang trình diễn. Rạp hát Tây cũng được các trường trung học thời Pháp dùng để tổ chức lễ phát phần thưởng cuối niên học và sau đó có những màn họp xướng, đơn ca và kịch của học sinh các trường đó diễn nhân dịp lễ bãi trường.

    Ngoài ra các đình Cầu Quan, đình Cầu Muối ( quận nhứt), đình Tân Kiểng( quận 5 ), đình Lý Nhơn( quận 4), đình Minh Phụng( Phú Lâm), đình Dọn Bàn, đình Tân An, đình Phước Thành ở Dakao, đình Phú Nhuận cũng có các gánh hát nhỏ ( hát bội hoặc các đoàn cải lương tỉnh) đến mướn đình để hát.

    Ở đường Norodom ( tức đường Thống Nhứt sau này) có rạp hát Norodom đối diện với một đơn vị quân đội Pháp, sau là cơ quan chiến tranh chính trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên khán giả ngại, ít đến rạp này để xem hát. Đoàn Việt Kịch Năm Châu có hát ở rạp Norodom vài lần, thưa khán giả nên về sau không có đoàn hát cải lương về đây hát. Cơ quan xổ số Kiến Thiết Quốc Gia dùng rạp Norodom để xổ số kiến thiết mỗi tuần, có phụ diễn văn nghệ( ca múa nhạc)

    Ở Chợ lớn có rạp hát Palikao dưới dốc cầu Palikao. Rạp Palikao là nơi diễn thường trực của gánh hát bội Phước Thắng của Bà bầu Ba Ngoạn ( bà Ba cũng là chủ của rạp hát này và là mẹ của Câu Tư Phước Cương, chồng của cô Năm Phỉ, cô Bảy Nam, cha của nữ nghệ sĩ kịch nói Kim Cương). Rạp Palikao cũng có cho các gánh hát cải lương mướn để trình diễn.


    Rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp hát được mệnh danh là Hàng Không Mẫu Hạm.


    Mặt tiền của Rạp hát Nguyễn Văn Hảo hướng về đường Galliéni, một con đường tráng nhựa rộng lớn, chạy từ place Cuniac, đầu đường phía Saigon ngang gare xe lửa chạy dài vô đến đường An Bình (Đồng Khánh) con đường tiếp nối vô ChợLớn có tên là đường Les Marins, chạy dài đến đường Tổng Đốc Lộc. Đường Galliéni được xem là con đường giao thông huyết mạch từ Saigon đi Chợ Lớn.

    Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường Bùi Viện.

    Ông Nguyễn Văn Hảo, chủ nhân rạp Nguyễn Văn Hảo, cũng là chủ nhân hai dãi phố lầu chạy song song trên đường Galliéni (đường Trần Hưng Đạo hiện nay) từ ngả tư đường Kitchener ( Nguyễn Thái Học) và đường Galliéni, chạy đến đường Bùi Viện, mổi bên đường có hơn mười căn phố lầu. Góc đường mủi tàu Bùi Viện, Kitchener và Galliéni, là cửa lên lầu ba của vũ trường Tour D’Ivoire.

    Ông Nguyễn Văn Hảo chủ rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chủ hai dãi phố lầu cũng là chủ nhân cây xăng ngay góc đường Yersin và Galliéni.

    Rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1200 ghế, ( chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chánh thức.). Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định nên được các nghệ sĩ gọi tặng là Hàng Không Mẫu Hạm Nguyễn Văn Hảo..

    Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế, Ghế ở lầu ba được đóng bằng ván dài, trên một cái dàn gổ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên cao như ghế băng trong các rạp hát xiệc.

    Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì và hạng nhất có 400 ghế bọc nêm da đỏ có lưng dựa.. Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.

    Phía tay mặt của rạp hát, có một hành lang rộng 5 thước ngang, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu (độ 50 thước) Hành lang này dành cho đoàn hát để phông màn, chổ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba , vũ nữ và quân sĩ. Phía ngoài để xe gắn máy của nghệ sĩ.

    Bên hông rạp phía mặt là dãi hành lang được thiết kế làm phòng vệ sinh nam và phòng vệ sinh nữ khán giả.

    Kế bên rạp hát phía mặt( từ trong rạp nhìn ra đường) là restaurant Vạn Lộc, chủ nhân là bà Vạn Lộc, thân mẫu của trung úy Danh, chồng của nữ nghệ sĩ Thanh Xuân, đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.


    Sân khấu và hậu trường của rạp hát Nguyễn Văn Hảo

    Hầu hết các rạp hát của chủ nhân người Việt hay Tàu xây cất ở miền Nam đều thiết kế phòng dành cho người xem hát rộng đến ba phần tư tổng diện tích. Phần sân khấu và hậu trường sân khấu chỉ được một phần tư trong tổng số diện tích.

    Mặt tiền sân khấu bề ngang 16 thước. Hai bên cánh gà mỗi bên 4 thước và mặt tiền sàn diễn rộng 8 thước. Bề sâu từ mặt tiền sân khấu đến vách rạp hát là 10 thước, tấm phong trắng phía trong cùng ra đến mặt tiền sân khấu là 6 thước, chỉ chừa 4 thước sát phong trong để bàn thờ tổ, một số rương đựng đồ hội và đường đi cho nghệ sĩ qua lại từ cánh gà bên mặt qua bên trái và ngược lại.

    Phía trái của cánh gà là phòng dành cho đồ hội, có tủ đựng y trang hát, có chổ dành cho nghệ sĩ thay phục trang sân khấu, ngoài ra còn một khoảng rộng dùng để làm phòng tiếp khách của ông bà bầu và chổ để 4 cái tủ làm tuồng dành cho hai cặp đào kép chánh.

    Hầm sân khấu rộng, plafond cao hai thước, được nhân viên rạp hát và nghệ sĩ quét dọn rất sạch sẽ để làm nơi cho nghệ sĩ để nhiều tủ làm tuồng và ghế bố hay trải chiếu làm chổ ngủ.


    Rạp hát Nguyễn Văn Hảo, nơi thể nghiệm những tiến bộ của nghệ thuật sân khấu cải lương:

    Từ năm 1954 đến năm 1960, rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất, khán giả đến xem đông nhất, đó là những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỷ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương,

    Hồi tưởng lại không khí náo nhiệt của rạp Nguyễn Văn Hảo mỗi khi có một đoàn hát đại ban về hát. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về Hàng Không Mẩu Hạm Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhứt định đoàn hát phải có tuồng mới, có những tranh cảnh, y trang mới và nhứt định là phải có những cải cách kỷ thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn hơn các đoàn hát khác.

    Đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, mở rộng chiều cao và chiều sâu sân khấu.

    Thông thường các đoàn hát cải lương khi hát ở bất cứ rạp hát nào cũng đều theo kỷ thuật cơ bản là mặt tiền sân khấu mở rộng 6 thước, sâu vô 6 thước và cao từ sàn sân khấu lển đến tấm fries là 3 thước 50. Phải có 4 hàng fries, ba hàng fries phía trong che đầu cánh gà, che dàn đèn trên nóc, hình thành một khuông sân khấu như một khung hình vuôn dài cho khán giả xem nghệ sĩ trình diễn.

    Thời gian này các rạp chiếu phim đã chiếu những phim đại vĩ tuyến(panorama ) chiều rộng của màn ảnh panorama gấp ba lần màn ảnh cũ.

    Vì vậy ông Năm Châu muốn cải tiến sân khấu cải lương bằng cách mở rộng không gian sân khấu, nới rộng chiều cao. Để thực hiện, ông dàn cảnh lầu đài Cô tô trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, bằng cách dựng một sân khấu nhỏ, cao 1 thước 2, vuôn vức mỗi cạnh là 4 thước, đặt trên sân khấu chính của rạp hát. Sân khấu nhỏ được các họa sĩ vẻ thành tầng lầu cao nhứt của Cô Tô Đài. Bốn góc sân khấu nhỏ vẻ những cột rồng, trên hết là mái che. Phía ngoài, trên sàn sân khấu chính, họa sĩ vẻ lan can, sát phong trong hai bên cánh gà thứ ba để hai cái thang sắt từ mặt sân khấu lên đến đầu tấm fries trên. Lúc này tấm fries đã được nâng lên đến 4 thước 50, thay vì 3 thước rưởi như từ trước đến nay.

    Màn mở ra, trên fond trắng máy chiếu rọi cảnh trời xanh có nhiều cụm mây trắng lững lờ bay qua, sân khấu được phủ một làn khói trắng, toàn cảnh khiến cho khán giả có một ảo giác là câu chuyện đang diễn ra trên tầng chót của Cô Tô đài cao ngút tận mây xanh.
    Một điệu nhạc du dương trổi lên, từ trên cao chót sát tấm fries trên, hai bên xuất hiện những gót hài hoa đỏ, từng bước từng bước nhịp nhàng theo nhạc, các cô như tiên nữ từ trên trời hiện xuống, mỗi bên có tám cô cung nữ, cầm đèn lồng. bước theo nhạc xuống sân khấu. Cô đầu tiên đã xuống đến sàn diễn nơi vua Phù Sai đang chuốc rượu cho Tây Thi, cô cung nữ chót hết vẫn mới vừa ló chiếc hài hoa từ trên cao chót vót của Cô Tô Đài. Cảnh trí trên với điệu múa của cung nữ tạo ra một ảo giác là Cô Tô Đài rất cao, cao tới tận mây xanh và các cung nữ cũng từ trên tầng trên, múa dần xuống tầng dưới, nơi mà vua Phù Sai đang yến ẩm với người đẹp Tây Thi.

    Soạn giả kiêm đạo diễn Nguyễn Thành Châu thực hiện việc mở chiều sâu sân khấu bằng cách là thay phông vẻ sau cùng trên sân khấu bằng phông trắng và rọi cảnh trí lên phông đó. Ngoài ra ông đặt nhiều dàn đèn theo từng lớp cánh gà, dùng màu đèn đậm, lợt khác nhau, sử dụng kỷ thuật ánh sáng tạo ảo giác về chiều sâu cho khán giả.
    Lớp diễn Cô Tô Đài tuồng Tây Thi kể trên vừa đẹp, vừa tạo một ấn tượng khó quên cho khán giả nhưng đoàn Việt Kịch Năm Châu chỉ thực hiện được cảnh này trong ba tuần lễ hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Khi dời qua hát rạp hát khác, đoàn không thể di chuyển cái sân khấu nhỏ mỗi cạnh bốn thước theo vì tháo gở cái sân khấu đó mang theo, đoàn hát phải tốn một chuyến xe vận tải đặc biệt cho nó. Số thu không thể đáp ứng cho những chi phí quá nặng nề trong việc dàn cảnh và chuyển cảnh trí.

    Đoàn Hương Muà Thu Mở rộng mặt tiền sân khấu thực hiện sân khấu cải lương panorama!

    Ông bầu Thu An, đoàn cải lương Hương Mùa Thu thấy đoàn Việt Kịch Năm Châu hát tuồng Tây Thi Gái nước Việt với kỷ thuật mở rộng chiều cao sân kháu, bán vé complet suốt cả ba tuần lễ, chúa nhựt ba suất vẫn đông nghẹt khán giả nên ông quảng cáo đoàn Hương Mùa Thu mở rộng sân khấu, thực hiện kỷ thuật sân khấu cải lương panorama, mặt tiền sân khấu rộng 16 thước.

    Khung cửa của sân khấu NVH rộng 10 thước, các đoàn hát dùng các bản “ panneau avant scène “che mỗi bên 2 thước, chừa mặt sân khầu 6 thước, đoàn Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An mở rộng hết 10 thước của khung sân khấu, ngoài ra ông cho vẻ panneau cảnh rừng núi che phần vách 3 thước mỗi bên của mặt tiền sân khấu. Ông Thu An còn cho đóng thêm một sàn sân khấu de ra phía trước,hai thước, che phân nữa của cái hố chổ để nhạc sĩ ngồi tấu đàn. Sàn sân khấu đóng thêm này kéo dài hai bên sát vách khán phòng, mỗi bên có nất thang để nghệ sĩ từ sân khấu đi xuống khán phòng.
    Khai trương sân khấu cải lương panorama, đoàn Hương Mùa Thu hát tuồng Lá Của Rừng Xanh.

    Để sử dụng hết 16 thước của khung sân khấu mở rộng, mở màn trước khi hát tuồng Lá Của Rừng Xanh, đạo diễn Thu An nhờ vũ sư Minh Cao thực hiện một điệu múa tả cảnh rừng núi và hoa bướm với 16 cô vũ nữ và 8 nam vũ sinh. Màn múa với con số 24 vũ sinh lấp đầy mặt sân khấu 16 thước bề rộng nên cũng tạo được cảm giác sân khấu rộng nhưng khi nghệ sĩ hát tuồng Lá Của Rừng xanh, trên sân khấu chỉ có một cặp đào kép chính ca vọng cổ mùi mẫn. Khán giả thấy sân khấu quá trống trải. Kỷ thuật mở rộng chiều ngang của ông Thu An không mang lại hiệu quả sân khấu.

    Có một tai nạn nghề nghiệp làm cho sáng kiến mở rộng chiều ngang bị dẹp bỏ là sau suất hát thứ ba của tuồng Lá Của Rừng Xanh, các vũ sinh nam nữ múa ra tới sát mặt tiền sân khấu( trên tấm bững đóng thêm de ra hai thước) vì đông người, múa dậm chân rất mạnh nên sân khấu giả đổ ụp xuống, làm hai nhạc sĩ ngồi dưới hầm và bốn vũ nữ bị nhào lộn và bị đè dưới dàn sân khấu sập.

    Ông chủ rạp Nguyễn Văn Hảo cấm không cho đoàn hát đóng thêm hay sửa đổi thiết kế của sân khấu của ông.

    Các ký giả viết bài dùng từ “ sân khấu cải lương panorama “ không hiểu với dụng ý khen hay chê nhưng việc làm của ông Thu An chứng tỏ một điều là nghệ sĩ luôn luôn muốn cải tiến sân khấu, xứng với danh xưng: sân khấu cải lương.

    Đoàn cải lương Hoa Sen thực hiện sân khấu quay:

    Tuy ông Nguyễn Văn Hảo cấm không cho người mướn rạp hát của ông đóng thêm hay sửa chữa những trang thiết bị có sẳn của rạp hát nhưng đoàn hát Hoa Sen vẫn thực hiện được cảnh sân khấu quây ngay trên sàn diễn của rạp hát Nguyễn Văn Hảo.
    Đoàn Hoa Sen của ông Bầu Bảy Cao là đoàn hát có doanh thu cao nhứt trong tất cả các đoàn hát cải lương trong cuối thập niên 50, vì vậy tiền mướn rạp hát của đoàn Hoa Sen luôn luôn được trả cao hơn các đoàn khác( tính theo số phần trăm của tổng số thu từng suất hát), vì vậy ông Nguyễn Văn Hảo mắt nhắm mắt mở, để cho đoàn Hoa Sen thiết kế một sân khấu quây ngay tên sân khấu sẳn có của rạp. Vì ông đã ra thông cáo là không được sửa đổi thiết kế của rạp hát, nếu ai vi phạm, có tai nạn sân khấu xảy ra thì người chủ rạp không chịu trách nhiệm trước pháp luật).

    Khai trương tuồng Mộng Hòa Bình, ông bầu Bảy Cao đoàn Hoa Sen quảng cáo: đoàn hát thực hiện sân khấu quây, thay đổi cảnh trí không tắt đèn đổi cảnh mà cảnh trí sẽ tự quây từ cảnh nhà sang cảnh đường phố hay qua một nội cảnh của một căn nhà khác. Chỉ cần xem quảng cáo thôi, khán giả đã chen lấn mua vé để xem một đoàn cải lương lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện được sân khấu quay.

    Ông bầu Bảy Cao cho đóng một cái sân khấu hình tròn. Sân khấu tròn này được chia làm đôi, nửa cái vòng tròn sân khấu nầy sẽ ráp với nửa vòng tròn kia thành một sân khấu tròn với đường thưc kính là 6 thước. Trung tâm sân khấu tròn có khoan một vòng tròn một tất đường trực kính, Vòng tròn trung tâm được lấp một cái bạt đạn lớn với đường trực kính cũng một tất để làm cái trục chính của sàn quây..

    Giữa sân khấu chính của rạp hát, ông Bảy Cao để một cái mâm sắt tròn, có cốt ngay trung tâm, ló lên và được lấp vào cái bạt đạn trong hai mảnh nữa của sân khấu quây. Mặt đưới của sân khấu quây, tiếp giáp với sân khấu chính là tám hàng bánh xe sắt. Khi công nhân dùng sức người đẩy cho sân khấu xoay vòng quanh thì nhờ 8 hàng bánh xe sắt nầy và cái bạt đạn nơi trung tâm làm cho sân khấu chuyển động dễ dàng.
    Buỗi diễn thử màn sân khấu quay, ông Bảy Cao mời nhiều ký giả kịch trường để dự khán. Tôi và các soạn giả Kiên Giang, Hoàng Khâm, Thiếu Linh cũng được cho vào xem buỗi diễn tập.

    Cảnh trí được dàn sẳn hai cảnh trên cái sân khấu tròn đó, Cảnh trước là nhà của một viên đại tá Gestapo Đức, Cảnh phía sau của mặt sân khấu là cảnh nhà hàng vũ trường nơi các điệp viên Pháp trong vai các vũ nữ.

    Lớp hát bắt đầu, sau khi diễn được một lúc, viên đại tá Đức rút súng bắn tên bồi ( nguyên là điệp viên Pháp bị lộ tung tích) Cảnh chuyển dần, mặt sau của sân khấu quây là vũ trường, các vũ nữ đang múa nhảy và trên bàn rượu có nhiều thực khách sĩ quan Đức. Cảnh chuyển chậm, đều và sau cùng dừng lại với cảnh trí là nhà hàng rượu như vừa kể.

    Buỗi diễn thử thành công, các ký giả kịch trường viết bài khen ngợi. Đoàn hát hát suốt một tuần lễ tuồng Mộng Hòa bình với sân khấu quây, khán giả khen nức tiếng. Vé bán dứt cả ba tuần lễ sau, xem chừng sự thành công của đoàn hát Hoa Sen còn vượt qua khỏi sự thành công về tài chánh và kỷ thuật của đoàn Việt Kich Năm Châu.

    Tiếng đồn ngợi khen đoàn Hoa Sen khiến cho các chuyên viên kỷ thuật và họa sĩ các đoàn hát khác đều xin vào hậu trường sân khấu Hoa Sen để xem và học hỏi kỷ thuật sân khấu quây. Tôi và họa sĩ Thiếu Linh vào xem. Tôi quan sát kỷ, thấy vòng ngoài của sân khấu tròn cứ cách nhau bốn tất có một cốt sắt ló lên. cốt sắt này có tiện hàng răng xéo, xiết xuống bìa mặt sân khấu quây để làm chổ cầm cho công nhân sân khấu, nắm chốt sắt mà đó đẩy tới. Mỗi bên sau ba hàng cánh gà có ba công nhân sân khấu ngồi núp, khi đổi cảnh thì tất cả là sáu công nhân ở hai bên cánh gà, nắm các chốt sắt đó dùng sức đẩy tới, sân khấu tròn nhờ sức đẩy của sáu công nhân nầy sẽ xoay quanh. Nhờ có 8 hàng bánh xe sắt và cốt bạt đạn ở giữa nên sự chuyển động của sân khấu quây được nhẹ nhàng..

    Đêm diễn thứ hai của tuần lễ thứ nhì, đến lúc đổi cảnh, viên đại tá Đức bắn phát súng, tên bồi Pháp ngã ra, sân khấu chuyển chưa được một phần tư vòng thì không hiểu vì bánh sắt dưới sàn sân khấu quây bị kẹt hay vì vướng ở một chổ nào đó mà 6 anh dàn cảnh dùng toàn lực mà đẩy, sân khấu cũng không thể quây tiếp được. Ông Bầu Bảy Cao ra hò hét, ráng sức, đẩy mạnh lên! Sáu anh dàn cảnh có nhiệm vụ làm cái máy chuyển cái sân khấu quây đó bèn dùng hết sức bình sanh, đẩy thật mạnh, cái sân khấu quây bị đẩy mạnh quá. giựt một cái như nó rùng mình, chạy vọt tới một vòng thật mau, làm cho cảnh trí trên sàn quây đổ ụp xuống, cảnh trí trúng đầu cô nữ nghệ sĩ Ái Hữu, máu phun ra có vòi. Cô Ái Hữu là vợ của kép ca Ba Khuê, người có vị trí thứ 2 trong đoàn Hoa Sen, anh Ba Khuê chạy tới đở vợ lên, lớn tiếng kêu bỏ màn xuống và nhờ chở cô Ái Hữu đi nhà thương Saigon để cấp cứu.

    Kỷ thuật sân khấu quây của đoàn hát Hoa Sen bị dẹp bỏ luôn sau khi nó làm đổ cảnh trí, làm đổ máu đầu của nữ nghệ sĩ Ái Hữu.

    Ở rạp hát Hoà Bình đường Trần Quốc Toản nối dài( sau này là đường 3 tháng 2 ), tôi có vào hậu trường, xem sân khấu quây thiết kế ở đây, sức dùng để chuyễn động mâm tròn của sân khấu là hai cái moteur lớn, có răng cưa xéo. Mặt dưới sân khấu quay là một vòng tròn răng cưa xéo, ăn khớp với hai cốt răng cưa của hai cái moteur vừa kể. Khi bật công tắc điện, răng cưa chạy chầm chậm, chuyển lên hàng răng cưa xéo áp sát vào nó, làm cho sân khấu quây chậm như những bánh xe có răng cưa trong cái đồng hồ. Tuy nhiên các đoàn hát không dùng đến kỷ thuật chuyển cảnh quây nầy vì còn phải nghĩ cách dàn cảnh sao cho khi chuyển cảnh thì cảnh trí không bị rung và bị đổ xuống.
    Nhắc về rạp hát Nguyễn Văn Hảo còn có ba sự kiện quan trọng làm cho những ai đã từng mưu sinh bằng nghề hát sẽ không thể nào quên:

    - Nhân dịp tết hòa bình đầu tiên sau cuộc đình chiến Pháp - Việt, ( Tết năm 1954 - 1955 ), đoàn hát Thanh Minh của ông Bầu Nghĩa tố chức một đoàn múa lân do nghệ sĩ múa, đi vòng quanh rạp Nguyễn Văn Hảo theo các đường bao quanh khu rạp hát nầy trong chiều 30 Tết và sáng ngày mùng một Tết. Vui hết biết!

    - Ngày 19 tháng 12 năm 1955, đoàn hát Kim Thoa bị liệng lựu đạn lên sân khấu, giết chết nghệ sĩ Ba Cương, nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai và vũ sĩ Phiên, làm cụt chân nghệ sĩ Duy Lân, làm bị thương nhẹ các nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim, Sáu Thoàng, Hữu Phước, Hai Tiền, Hề Minh. Buồn hết biết!

    - Trong cuối thập niên 80, rạp hát Nguyễn Văn Hảo sửa thành nhà hát Kịch Công Nhân, làm mất đất sống của dân cải lương, dành chổ cho ngành kịch nụ cười mới.. Người ta nói là nâng cáp cải lương nhưng dẹp bỏ rạp hát cải lương. Hõng biết nên hiểu như thế nào và nên buồn kiểu nào đây?


    Nhớ hoài cái thuở vàng son của cải lương.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 8 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    MEM (21-02-2014), ntkmq (14-04-2023), romeo (24-02-2014)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Xin lỗi mọi người, bức ảnh lúc nảy là hình của rạp hát Hưng Đạo chứ không phải Nguyễn Văn Hảo, đây là bức hình của cổng rạp Nguyễn Văn Hảo
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    MEM (08-04-2013), romeo (24-02-2014)

  5. shantran
    Avatar của shantran
    Rất hay và bổ ích cho ai đang tìm hiểu về nghệ thuật
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to shantran For This Useful Post:

    romeo (24-02-2014)

  7. Leenaa
    Avatar của Leenaa
    Nguyên văn bởi shantran
    Rất hay và bổ ích cho ai đang tìm hiểu về nghệ thuật
    Hi friend
    you ảe right .
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to Leenaa For This Useful Post:

    MEM (25-03-2023)

ANH EM CHANNEL