Nguyên văn bởi thaydat
Bây giờ nhịp 28 câu 2 có người ta đàn chữ nhạc xang. Bản của NP về chữ nhạc xê . Từ đâu mà có người về xang có người về xê? Cảm ơn.
Đầu tiên, khi mở nhịp bản vọng cổ ra nhịp 32, tất cả các câu (ở đây chỉ nói trong 6 câu thôi, vì 14 câu sau hiện nay coi như không còn sử dụng nữa) ở nhịp thứ 28 đều về chữ XANG (trừ câu 6 là về XỀ).
Cho đến khoảng giữa thập niên 60, người ta thấy nếu nhịp 28 câu 2 về XANG thì người ca trên sân khấu vì bận diễn xuất quên chú ý tưởng đâu đó là dứt câu 2 (vì chữ XANG), nên bị lính quýnh dễ rớt nhịp. Do đó nhạc giới đổi lại là nhịp thứ 28 nên về XÊ để người ca biết đó là còn 4 nhịp nữa mới dứt câu 2. Từ đó đến nay tất cả nhạc giới đều đờn về XÊ ở nhịp thứ 28 câu 2.
Sau năm 1975, các nhạc sĩ trong rừng về thành vì không biết ở miền nam (Saigon) đã đổi như nói trên, nên vẫn còn đờn theo xưa là nhịp thứ 28 câu 2 về XANG (ông Nguyễn Vĩnh Bảo cũng theo xưa đờn chỗ này chữ XANG).
Tương tự như vậy, ngày xưa nhịp thứ 28 câu 6 về XỀ (người ta gọi là XỀ giả vì không có gõ song lang). Cũng sau đó các nghệ sĩ trên sân khấu lo diễn xuất không chú ý nghe XỀ tưởng là mới tới song lang (có khi không nghe tiếng song lang do không chú ý) nghĩa là còn 8 nhịp nữa mới dứt câu 6 nên ca bị rớt. Do đó nhạc giới sửa lại là chỗ nhịp thứ 28 câu 6 nên về XÊ để tránh sự nhầm lẫn như đã nói trên. Từ đó đến nay tất cả nhạc sĩ đều đờn về XÊ tại nhịp thứ 28 câu 6.
Sau năm 1975, các nhạc sĩ trong rừng về thành không biết miền nam (Saigon) đã đổi nên họ vẫn đờn theo xưa là về XỀ tại nhịp thứ 28 câu 6. Nhưng bây giờ thì đã sửa lại như Saigon rồi.
Tóm lại, hơn nửa thế kỷ nay, nhạc giới miền nam (Saigon) đều đờn nhịp thứ 28 câu 2 và câu 6 về XÊ. Chỉ còn một số rất ít không chịu sửa đổi, vẫn cứ đờn theo xưa, dễ gây nhầm lẫn cho người ca và người đờn chung.
Tuy nhiên đờn như vậy cũng không phải là sai, vì đó là cấu trúc nguyên thủy của bản vọng cổ nhịp 32.
Cũng như hồi xưa bản vọng cổ nhịp 32, tất cả các nhịp thứ 24 (song lang - trừ câu 6) đều về CỐNG, đến giữa thập niên 60, người ta thấy về CỐNG nghe hơi dựng xốc lên nên sửa lại là XÊ cho êm và ngọt. Từ đó đến nay đều đờn XÊ (nhưng ông Bảy Bá thì vẫn đờn CỐNG).
Bản vọng cổ (6 câu) là phổ biến nhất, thông dụng nhất, bất cứ ai biết chơi tài tử, cải lương cũng đều "rành" bản này, vậy mà lòng bản (cấu trúc) cũng chưa đồng nhất thì thử hỏi những bài bản khác (so ra ít phổ biến ít thông dụng hơn) làm sao có sự đồng nhất được.
Tháng 11 năm 1976, về mặt chính trị, người ta tuyên bố nước Việt Nam đã thống nhất hai miền nam bắc (vì đã khai tử không kèn không trống cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, tức là Mặt Trận Giải Phóng bù nhìn của Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát), nhưng về lòng người thì cho tới nay vẫn không thống nhất được. Ngay cả trong bộ môn đờn ca tài tử và cải lương cũng không thống nhất, do mấy ông cố nội trong rừng trong bưng về muốn làm cha, cứ cho của mình là đúng, không chịu theo căn bản cấu trúc bài bản của "ngụy" Saigon. Kẻ chiến thắng có bao giờ chịu "học" theo cái của người chiến bại đâu.
Hồi trước 75 tuy phương tiện truyền thông đại chúng (internet) không có, vậy mà bài bản thống nhất, vì có sự hội họp bàn luận thống nhất giữa hai khối nhạc sư nhạc sĩ miền đông và miền tây nam phần để thành lập Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon (1956), nên đi đâu chơi cũng không có sự lọt chọt. Bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ rồi mà từ sự thống nhất bài bản lại trở về sự bất nhất, mạnh ai nấy đờn theo cách của mình, đi chơi chung bị lọt chọt, không ra làm sao cả.