Lúc sinh thời, cố soạn giả Hải Đăng là chủ nhiệm chương trình Câu Lạc Bộ Âm Nhạc Dân Tộc đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM. Trong mục thư tín, một thính giả nữ hỏi: “Xin cho biết bài vọng cổ viết dễ hay khó?” Cố soạn giả Hải Đăng trả lời: “Bạn mến! Bài vọng cổ dễ viết, nhưng khó hay!” (nguyên văn)
Nghệ sĩ Văn Hường khi trai trẻ và lúc về già. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu
Riêng với bài vọng cổ Hài thì chưa được hân hạnh nghe ông trả lời. Mặc dù lúc sinh thời, công có viết bài vọng cổ Hài “Khi người say biết yêu” do hề Sa ca khá thành công, được phát sóng trên đài Thành phố.
Vào thời đất nước cón bao cấp, khi ấy chưa được cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “Cởi trói cho văn nghệ sĩ”. Vì vậy cho nên các bài vọng cổ Hài ngày xưa, trước 30.04.75 của soạn giả Viễn Châu do hề Văn Hường ca vẫn còn bị cấm. có thể nói, bài vọng cổ Hài “Khi người say biết yêu” của cố soạn giả Hải Đăng chẳng khác gì một luồng gió lạ, được thính giả nghe đài đón nhận hết sức nồng nhiệt!
Và, dường như… cố soạn giả Hải Đăng chỉ viết duy nhất có mỗi bài ca vọng cổ Hài này. Giá như vào thời điểm trên, có một thính giả nào đó biên thư hỏi: “Vì sao ông chỉ viết mỗi một bài vọng cổ Hài “Khi người say biết yêu?”.
Có lẽ, cố soạn giả Hải Đăng cũng không ngần ngại mà trả lời hết sức trung thực rằng: “Bạn mến! So với bài vọng cổ thường, bài vọng cổ Hài rất là khó viết và viết khó hay”. Tôi đoán là như thế!
Cho dù câu hỏi trên là một giả định. Nhưng phải khách quan mà nhìn nhận rằng – Bài vọng cổ Hài rất ít người viết lẫn người ca. Chỉ cần điểm sơ qua người viết, cũng như người ca bài vọng cổ Hài hiện nay, cũng đủ để thấy một con số rất là ít ỏi. số lượng đó không đầy một bàn tay!.
Với một bài vọng cổ bình thường, khi nghe qua mà bị “chỏi”, do lời của bài ca không thể chấp nhận được. Ví dụ như trong một bài vọng cổ nọ (vì lý do tế nhị xin được dấu tên. NV) có câu: “Hoa Bần mang một SẮC TÍM KIÊU SA”. Bần – một loài cây sống nơi đồng chua nước mặn, thử hỏi… KIÊU SA cái nỗi gì! Thôi thì… cũng tạm cho qua.
Nhưng một bài vọng cổ Hài thì lại hoàn toàn khác. Bởi lẽ bài vọng cổ Hài nếu như viết không tới, thì tự thân nó sẽ “phô” ra sự vô duyên, kệch cỡm gây khó chịu cho người nghe! Bài vọng cổ Hài một khi nghe mà… không cười nổi, thì chẳng khác gì một anh hề khi hát trên sân khấu dùng những “chiêu thức” để chọc cười khán giả. Nhưng oái oăm thay, khán phòng vẫn lặng trang! Thiết nghĩ, không còn gì để ngại ngùng hơn!
Hiện nay, Người viết bài vọng cổ Hài rất là hiếm hoi. Và, người ca bài vọng cổ Hài cũng rất ít ỏi! Tính ra không quá năm đầu ngón tay! Bên cạnh đó, thời lượng phát sóng dành cho bài vọng cổ Hài cũng không nhiều. Một chương trinh vọng cổ, thường chỉ có mỗi một bài là cùng, lắm khi không có một bài nào! Đây cũng là một trong những nguyên do – Vì sao bài vọng cổ Hài hiện nay vắng bóng!
Hiện tại, những bài vọng cổ Hài của soạn giả – nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu trước đây do nghệ sĩ Văn Hường ca được phép ca trở lại. Trong chương trình vọng cổ được phát trên các đài FM Bình Dương, Bình Phước. Bài vọng cổ Hài thường được xếp ở tiết mục sau cùng. Cũng nhờ có bài vọng cổ Hài mà chương trình vọng cổ nghe qua bớt đơn điệu, gây được sự thích thú cho người nghe.
VÌ SAO BÀI VỌNG CỔ HÀI HIỆN NAY VẮNG BÓNG?
Có câu rằng: “Có cầu ắt có cung”. Trước tình hình bài vọng cổ Hài hiện nay thì lại… “Thiếu cầu lẫn cung”. Ngoài hai danh hài hề Sa và hề Thanh Nam ra, lớp “hậu duệ” sau này ca vọng cổ hài gồm có: Hải Ngàn, Quốc Thái ở Thành phố Hồ Chí Minh và Trần Bảo Phước ở Bình Dương.
Công bình mà nói, chỉ có giọng ca Hải Ngàn thấy xuất hiện đều đặn hơn trên sóng phát thanh. Còn với những giọng ca Hài khác như: Văn Chí Mỹ, Linh Trung, Trần Bảo Phước số lượng bài ca không đáng kể. Như vậy cũng đủ để thấy nguyên nhân – Vì sao bài vọng cổ Hài hiện nay vắng bóng?
Nhân đây, xin được phép kể lại câu chuyện ngày mà cố nghệ sĩ Thành Điển còn là phó phòng văn nghệ đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM. Trong một lần về đài nhận nhuận bút, lúc uống cà phê ông hỏi tôi: “Có viết được vọng cổ Hài, chặp cải lương Hài không? Tôi đáp: “Dạ được, nhưng ngại đài không sử dụng”. Ông nói: “Chú (tức tôi, NV) cứ viết gửi về đài đi, nếu được đài vẫn được sử dụng bình thường như bài vọng cổ khác” (gần nguyên văn)
Ngày ấy, chương trình “ca nhạc cải lương” của đài Thành phố thực hiện rất qui cũ. Mỗi trưa thứ bảy hàng tuần, đều có chương trình: “Những tiết mục mới thu thanh”, nhờ vậy mà người viết rất yên tâm sáng tác. Khi đón nghe chương trình này, người viết sẽ biết bài ca của mình có được sử dụng hay không?
Đây cũng là một động lực giúp cho người viết phấn chấn thêm lên. Còn như không được phát, người viết sẽ cố gắng hơn nữa để được đài chọn phát trong những lần sau. Tiếc rằng một việc làm hay như thế mà giờ đây không còn nữa!
Cũng nhờ sự động viên nơi cố nghệ sĩ Thành Điển mà chặp cải lương Hài “Ngọc Hoàng nổi giận” của tôi được “trình làng” trên sóng phát thanh đài Thành phố. Sau đó ít lâu, được phát trong “Chương trình ca nhạc cải lương theo yêu cầu bạn nghe đài”.
Và rồi, những bài vọng cổ Hài của tôi được liên tiếp phát sóng trên đài như: “Tại tôi ham nếp tẻ” do hề Sa ca, “Tại tôi ham vui tết” Trần Phước Bảo ca, “Tội nghiệp vợ tôi, Tôi làm giám đốc. Hải Ngàn đi Thành phố… do Hải Ngàn ca.
Sở dĩ, tôi ghi lại những dòng này không ngoài mục đích là để nhớ ơn cố nghệ sĩ Thành Điển – Người đã động viên tôi rất nhiều trong việc viết bài vọng cổ Hài. Và, đây cũng là sự tri ân cho người đã khuất!
Tiếc rằng, bài vọng cổ Hài hiện nay không còn đất để “dụng võ” như xưa!
Bởi một lý do hết sức giản đơn – Viết mà không được đài sử dụng thì viết để làm gì? Và, bài vọng cổ Hài hiện nay vắng bóng nguyên nhân là như thế đó!