Cải lương 'Chuyện tình Khau Vai': Nỗi đau dịu êm khắc vào đá núi
Vở cải lương Chuyện tình Khau Vai vừa kết thúc chuyến “hành hương về vùng đất thánh” của cải lương bằng đêm diễn tại Sóc Trăng (23/7), sau khi có 5 đêm diễn tại TP.HCM, Đồng Tháp và Cần Thơ. Vở diễn đã để lại ấn tượng đậm nét của hương vị “cải lương Bắc” đối với khán giả Nam bộ.
Khán giả có mặt tại những đêm diễn Chuyện tình Khau Vai (tác giả: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) đã có cái nhìn rất khác: miền Bắc không chỉ có cải lương mà còn làm được cải lương hay! Chuyện tình của những người “sống trên đá” Nội dung Chuyện tình Khau Vai là một huyền thoại tuyệt đẹp và đầy lôi cuốn về tình yêu và tình người. Ở đó, chuyện tình yêu bị chia cắt vì sắc tộc, địa vị của chàng Ba - chàng trai người Nùng nghèo khổ - và nàng Út - con gái cưng của tộc trưởng người Giáy hùng mạnh. Nó không chỉ tạo nên một “Romeo & Juliet” của núi rừng Tây Bắc mà trên hết là tấm lòng bao dung, vị tha mà con người dành cho nhau đã lưu dấu muôn đời ở chợ tình Khau Vai. Chợ tình Khau Vai đã trở thành một nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo của người dân trên cao nguyên đá Mèo Vạc (Hà Giang).
Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai. Ảnh: Ngân Anh
“Trước khi bắt tay dựng vở, tôi đã đi thực tế ở Mèo Vạc mới cảm nhận hết sự khắc nghiệt của vùng đất này. Con người nơi đây đúng nghĩa là sống trên đá và chết nằm trong đá. Phải chăng chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng sự bao dung và lòng vị tha mới giúp con người sống và vươn lên trên vùng núi đá khắc nghiệt ấy?” - đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn Triệu Trung Kiên đã kể lại câu chuyện quen thuộc ấy qua ngôn ngữ sân khấu cải lương trữ tình và giàu sáng tạo. Bên cạnh những tình tiết được bồi đắp hợp lý thì những lời ca, lời thoại vốn là lời thơ đầy trữ tình đã đẩy cảm xúc khán giả lên cao. Điểm cộng lớn nhất của Chuyện tình Khau Vai chính là xây dựng được những nhân vật, cả chính lẫn phụ, có cá tính, tâm tư, tình cảm rõ ràng và độc đáo. Đặc biệt, hình tượng những người phụ nữ: nàng Út, bà Liểng (mẹ chàng Ba), vợ tộc trưởng, Dẻn (vợ chàng Ba)… hiện lên nổi bật với đức hy sinh và lòng vị tha vô bờ dành cho người mình yêu. Với diễn xuất chừng mực và tinh tế, các nghệ sĩ: Quang Khải, Như Quỳnh, Minh Hải, Xuân Thông, Mai Lý, Dạ Ngọc Hương… đã chuyển tải bi kịch tình yêu thật nhẹ nhàng, bi mà không lụy. Không có nước mắt ngập tràn mà nỗi đau như khắc vào đá núi ấy thực sự làm nhói tim người xem!
Khẳng định “phong cách” cải lương miền Bắc Nếu xã hội hóa từ lâu đã là phương thức hoạt động chính của sân khấu TP.HCM thì với sân khấu phía Bắc điều này vẫn còn khá lạ lẫm. Chuyện tình Khau Vai chính là vở diễn đầu tiên được thực hiện theo phương thức xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Việt Nam có sự góp vốn từ ngân sách dựng vở và sự đóng góp của các mạnh thường quân. Với kinh phí đầu tư khá lớn (khoảng 1 tỷ đồng), vở diễn đã thu hút khán giả ngay ở phần nhìn với một sân khấu được thiết kế rất sang trọng và đẹp mắt, như đem cả không gian mênh mông bảng lảng sương khói của cao nguyên đá Mèo Vạc về nơi phố thị. Chuyến lưu diễn miền Nam này của Chuyện tình Khau Vai cũng là từ ý tưởng và sự ủng hộ của các doanh nhân mê cải lương - những khán giả cải lương Nam bộ đã bị cải lương miền Bắc chinh phục. Có thể nói Chuyện tình Khau Vai đã thực sự thành công với hàng chục suất diễn phục vụ hàng vạn lượt khán giả. Và nhất là đã giới thiệu được “bản sắc cải lương Bắc” với công chúng phương Nam: không có thế mạnh ở giọng ca “mùi mẫn” cùng phong cách diễn xuất bùng nổ rất “bản năng” của cải lương Nam bộ. Cải lương miền Bắc chinh phục khán giả ở sự chuyên nghiệp, bài bản trong dàn dựng, chỉn chu trong từng lời ca, lớp diễn. Phong cách diễn xuất hiện đại khá gần với kịch nói, khiến tâm lý, tình cảm các nhân vật được bộc lộ một cách rất tự nhiên, có chiều sâu (tuy đôi khi sự thâm trầm này lại tạo cảm giác “khô”, thiếu cao trào đối với khán giả cải lương truyền thống).
“Với Chuyện tình Khau Vai, chúng tôi mong muốn có thể lấy được cảm tình của khán giả miền Nam - quê hương cải lương - nên vở mở rộng cửa mời khán giả đến xem miễn phí. Nếu được đón nhận, chúng tôi sẽ tự tin bán vé cho những chuyến lưu diễn sau!” - đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Nơi gặp gỡ của những người “lỗi hẹn”
Chợ tình Khau Vai là nơi những người yêu nhau mà không đến được với nhau, họ hẹn gặp mặt vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm. Ở đó, vợ tìm bạn của vợ, chồng tìm bạn của chồng chia sẻ bao tâm sự, niềm vui, nỗi buồn với một tình cảm trong sáng nhất mà không có chỗ cho sự hờn ghen, oán trách… Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa
Đã xem qua vở tuồng này tại nhà hát Bến Thành. Nhìn chung thì có cái gì đó thiếu thiếu chất cho cải luơng. Có lẽ vì với riêng cá nhân tôi thì người Bắc hát cải luơng chưa thuyết phục lắm, ko ngọt ngào bằng dân Nam mình. Đã thế xem cải luơng mà ko được nghe vô vọng cổ, coi như mất đi 1 nửa linh hồn củA cải luơng. Lạ thì có lạ, nhưng ko đã. Chỉ khen cái hoành tráng của vợ, diễn viên đẹp.