Soạn giả Viễn Châu:
“Tình anh bán chiếu” khát vọng một chuyện tình
09/10/2005
...Từ một chuyện tình
Năm ấy (1964), soạn giả Viễn Châu - nhạc sĩ Bảy Bá (bác Bảy) là người sáng tác thường trực của hãng dĩa Hồng Hoa, còn cố NSND Út Trà Ôn đang là ''Đệ nhất danh ca'' độc quyền cho hãng dĩa Hoành Sơn. Khi hãng Hông Hoa mời NSND Út Trà Ôn về ký hợp đồng ''Giọng ca độc quyền'', thì chủ hãng Hồng Hoa giao cho NS Bảy Bá viết một bài vọng cổ cho ông Út ca ra mắt.
Một hôm, bác Bảy đi Bạc Liêu về và dừng xe hơi lại ở một quán cà phê bên đường tại Ngã Bảy Phụng Hiệp (nay là thị trấn Phụng Hiệp - tỉnh hậu Giang), ngồi nhả khói thuốc, nhâm nhi hương vị ngạt ngào của cà phê nóng... ông nhìn thấy bên kia đường có một chàng thanh niên vác chiếu đi bán. Chàng ta dừng lại dưới một gốc cây bóng mát, rồi tựa lưng nghỉ, nhìn xa xa ven cạnh khu vườn có một đám cưới đang rước dâu về, đèn hồng pháo cưới đang tưng bừng đón cô dâu chú rể. Chàng bán chiếu say sưa nhìn đám cưới đến khi họ vào nhà thành hôn lễ thì anh ta mới tiếp tục cuộc hành trình của mình. Bác Bảy còn thấy rõ những giọt mồ hôi của anh đọng ở vai áo, nét mặt vô tư nụ cười vui... Hình ảnh chàng bán chiếu dễ thương ấy cứ xuất hiện trong tâm khảm của chàng nhạc sĩ, cùng với ý nghĩ ''Phải chăng chàng bán chiếu kia cũng đang khao khát một chuyện anh ?''. Trên đường từ Bạc Liêu về Sài Gòn, cái từ ấy đã tán nhuyễn ra trong sáu câu vọng cổ và bác Bảy viết một mạch ra bài ''Tình anh bán chiếu'' ngay hôm sau. Chủ hãng dĩa Hãng Hoa xem qua lấy làm hài lòng và NS Út Trà Ôn cũng thích thú, ông Út học thuộc bài rất nhanh. Là bài vọng cổ đầu tiên mà cố NSND Út Trà Ôn giới thiệu giọng ca độc quyền trên hãng dĩa Hồng Hoa, dàn nhạc chỉ gồm hai cây : cố danh cầm Năm Cơ đờn Kìm và Bảy Bá đờn Tranh. Có lẽ, sau bài vọng cổ ''Tôn Tẩn giả điên'' thì ''Tình anh bán chiếu'' giọng ca của cố NSND Út Trà Ôn đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng công chúng qua bao thế hệ, đến đỗi người khó tính nhất thưởng thức vọng cổ họ vẫn chịu nghe ông Út ca và thậm chí hàng vạn người lúc cao hứng cũng ''Hò ơ... Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm...''.
Thành công và khó thành công
Bác Bảy cho biết, không tác giả nào dám mạnh dạn tiên đoán bài vọng cổ thành công để đời, chỉ khi nó trở thành sản phẩm của xã hội thì công chúng và thời gian sẽ thẩm định sức sống của nó. Còn việc sáng tác ra nó là cả tâm huyết của bộ ba : ý tưởng tác giả - tâm trạng người ca - tâm lý người đờn. Tức là phải có cảm xúc thật sự tương đồng của cả ba, từng ngôn ngữ, câu chữ được người ca nắn nót bằng tâm trạng của mình để thể hiện ý tưởng của tác giả. Người đờn, cũng nắn nót từng tiếng nhạc, chuyển đổi tâm lý từ một tiếng đờn thuần túy trở thành tiếng nhạc đồng cảm với tâm trạng của người ca, kỹ thuật nhấn nhá luyến láy phải nằm trong khuôn khổ phục vụ người ca. Người ca phải tôn trọng ý tưởng tác giả, tức là qua giọng ca bộc lộ được tâm tư tình cảm của tác giả đã gởi gắm trong tác phẩm. Nói cách khác, người ca phải chuyển tải được nội dung ý nghĩa mà tác giả muốn gởi đến công chúng, nó còn tùy thuộc vào từng làn hơi chất giọng phù hợp với thể tài của bài ca nữa, như tự sự, trữ tình, hài...
Riêng ''Tình anh bán chiếu'', ngoài giọng ''đồng'' âm vang đầy lực ở làn hơi thiên phú của cố NSND Út Trà Ôn, trong bài này ông còn có những ''tuyệt chiêu'' rất độc đáo: luyến nhấn các âm dấu sắc và dấu hỏi, như lời văn ở câu ''... trong gió lạnh chiều đông, bỗng có ai dạo tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm (âm dấu hỏi - cuối câu I)... cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để dấu đôi dòng nước mắt (dấu sắc), vì không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một kẻ (dấu hỏi) si tình (cuối câu III)... hơi giọng của ông nghe mùi mẫn và nghe như có cả lời tự sự oán than trách móc. Kỹ thuật nhả chữ điêu luyện một cách tuyệt vời, nhất là xuống “Hò” ra “Xề” như: ... cô gái năm xưa chẳng thấy ra... Chào (hò đầu câu I)... hỡi ơi, con sông Phụng Hiệp chảy ra làm bảy ngã thì lệ của tôi cũng lai láng tuôn dòng (dấu huyền - Xề câu VI)... ông ngắt hơi bỏ nhỏ âm dấu huyền gãy gọn, nhưng nghe rất ngọt ngào truyền cảm. Đặc biệt ông còn có lối sắp văn, chẻ nhịp vô cùng độc đáo đã có không biết bao nhiêu người nháy theo nhưng không thể nào sánh được... Bác Bảy còn kể, cố NSND Út Trà Ôn rất tận tâm, nghiêm túc với nghề và tôn trọng tác giả, khi ca xong ông phải hỏi lại bác Bảy, xem coi tác giả vừa lòng chưa. Ông sáng tạo chẻ nhịp, sắp văn cũng hỏi lại bác Bảy, vì ông sợ mình sử dụng kỹ thuật cố làm lệch đi ý tưởng của tác giả không? Hai người cùng đồng tâm trao đổi, không nệ cực nhọc thu khi nào tác phẩm hoàn chỉnh, vì thời đó công nghệ của các hãng dĩa còn rất thô sơ. Khi đã thành một “Đệ nhất danh ca” mà đức tính khiêm tốn và tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài như thế, nên cho đến nay công chúng luôn nhớ đến là một điều xứng đáng. Sau này có Út Rạch Giá (cố trưởng đoàn cải lương Hàm Luông - Bến Tre), ca hơi giọng như “sao y bản chánh”, nhưng kỹ thuật cá nhân còn non, sắp văn chẻ nhịp chưa vững. Kế đó là NSƯT Phương Quang hơi giọng và kỹ thuật luyến láy tương đối hơn, trẻ trung và có nét riêng của anh. Biết bao giọng ca nhái theo cố NSND Út Trà Ôn, nhưng NSƯT Phương Quang là hậu duệ gần nhất của ông. Những năm qua, ngoài những giọng ca ở CLB đờn ca tài tử hay trong dân gian, một số NS trung niên thường ca “Tình anh bán chiếu” ở các show bằng phong cách riêng, khá hay như: Minh Tiến, Út Trà Vinh, Bích Phượng (con gái của NSND Út Trà Ôn)...
Mặc dù, bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” là một trong những bài vọng cổ có tính kinh điển trong kho tàng cổ nhạc Việt Nam, nhưng đến nay ở nhiều nơi, nhiều người ca không đúng văn nguyên tác, vì do sự phổ biến bằng truyền miệng mà “tam sao thất bổn”. Từ ngày đàn ca tài tử - cải lương phát triển mạnh khắp nơi, nhiều người thích ca bài “Tình anh bán chiếu” nhưng không có văn bản chính, cũng không ít người còn nhầm lẫn từ ngữ ca sai văn... Vì lẽ đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu lại bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu.
Đỗ Dũng – Báo SK