Sân khấu Kim Thanh là mảnh đất đầu tiên, để cho soạn giả Thu An gieo trồng hạt giống kịch bản thể nghiệm về cuộc đời nghệ thuật của mình. Điều may mắn cho sự nghiệp viết tuồng của ông chỉ một sớm một chiều đã có một sân khấu lớn để cho ông dụng võ, không phải bất cứ soạn giả nào cũng có cơ hội tốt đẹp như vậy.
Nhờ trong thời gian làm thư ký cho Hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản, được tiếp xúc nhiều với một số nghệ sĩ nổi danh đến thu dĩa. Sự tiếp cận thân tình này đã giúp cho ông rất nhiều, nhưng điểm chính vẫn là nhờ vào khả năng nhạy bén, ông đã viết một số bài bản vọng cổ, một vài tuồng thu dĩa, được những nghệ sĩ tài danh thu âm, và tương đối thành công trong bước đầu. Bắt đầu từ sự tin tưởng đó, soạn giả Thu An mới được nghệ sĩ Út Trà Ôn giới thiệu với Ban lãnh đạo đoàn Kim Thanh, chính thức được mời làm soạn giả thường trực, hợp cùng soạn giả Viễn Châu đảm trách mặt tuồng tích cho Đoàn.
Soạn giả Thu An là một người thâm trầm ít nói, gần như lập dị khô khan với người chung quanh, ít giao tiếp với bạn bè, ông không uống rượu, chỉ uống cà phê đen và hút thuốc liền tay. Về việc hút thuốc, ông và soạn giả Mộc Linh có một đặc điểm giống nhau, không bao giờ bỏ gói thuốc xuống bàn, khi hết điếu thuốc này, bắt đầu mò tay vào túi lấy điếu khác nối theo. Đây không phải là tính xấu mà là một thói quen của hai người, dù soạn giả Thu An hút thuốc con mèo đen và soạn giả Mộc Linh chuyên phì phà thuốc Bastos xanh.
Soạn giả Thu An hợp tác với đoàn Kim Thanh viết được ba vở tuồng Giải Thoát, Quê Mẹ và Trăng Nước Lam Giang. Vở Trăng Nước Lam Giang rất ăn khách, là tuồng chủ lực của đoàn Kim Thanh, mỗi bến hát đều được tái diễn đôi ba lần. Vì thế uy tín của soạn giả Thu An được nâng cao và rất được bốn ông bà bầu Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao và Thúy Nga nể trọng. Nhất là bà bầu Kim Chưởng, với đôi mắt tinh tường về nghệ thuật và luôn luôn ôm ấp hoài bảo sẽ thực hiện một đoàn hát riêng cho mình sau này. Bà đã đi nước trước bằng những cuộc tiếp xúc riêng tư, hậu đãi ân cần trong những buổi trà dư tửu hậu, chứng tỏ bà biết trọng nhân tài, hiểu biết sâu sắc về tầm mức quan trọng của giới soạn giả.
Đúng như dự đoán của bà bầu Kim Chưởng, đoàn Kim Thanh hoạt động hơn một năm thì giải tán vì lủng củng nội bộ. Trừ Út Trà Ôn trở lại hợp tác với đoàn Thanh Minh, còn các nghệ sĩ Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, đều tách ra vận động thành lập đoàn hát riêng cho mỗi người. Bà bầu Kim Chưởng kết hợp với nữ nghệ sĩ Thanh Hương, con gái của nghệ sĩ tiền phong Năm Châu và cô Tư Sạng, dựng bảng hiệu Kim Chưởng Thanh Hương với thành phần diễn viên: Kim Chưởng, Thanh Hương, Hữu Phước, Văn Chung, Phước Trọng, Hùng Minh, Hề Minh. Và vai trò giám đốc kỹ thuật kiêm soạn giả thường trực được trang trọng giao cho soạn giả Thu An.
Trên sân khấu Kim Chưởng Thanh Hương, soạn giả Thu An đã phát triển tài năng, kết hợp với họa sĩ thực hiện một số sáng kiến lạ mắt về xảo thuật sân khấu, tăng thêm phần hấp dẫn. Chẳng hạn một dòng suối, nước từ trên cao đổ xuống triền miên, hay cảnh trăng sao lấp lánh trên dòng sông nước bạc cuốn trôi man mác, thật hữu tình và thơ mộng. Ông đã áp dụng những khung cảnh đẹp ấy vào các vở tuồng của ông trên sân khấu Kim Chưởng Thanh Hương như: Tỉnh Mộng, Một Ánh Sao Rơi, Nhặt Cánh Mai Vàng, Tiếng Hát Đền Bá Lạc.
Năm 1958, nữ nghệ sĩ Thanh Hương tách ra thành lập đoàn Thanh Hương Hùng Minh, soạn giả Thu An đề nghị với bà bầu Kim Chưởng, đổi bảng hiệu lại thành Đoàn Thi Ca Vũ Nhạc Kịch Kim Chưởng. Ông muốn thể nghiệm thêm một phong cách mới, đem thi ca vũ nhạc áp dụng vào trong kịch bản cải lương, tìm một hướng đi lạ cho sân khấu.
Theo Trác Nguyên