1. suka
    Avatar của suka
    Nói tới nhạc sĩ Nguyễn Hiền, đa số thường đề cập tới sự kiện ông có một trí nhớ siêu việt và, một kiến thức sâu rộng nhờ khả năng thông thạo nhiều sinh ngữ.

    Cũng không ít người đề cập tới bản chất nhẹ nhàng, lịch lãm của ông trong những giao tiếp đời thường.

    Tuy nhiên, dường như có ít người ghi nhận rằng, nếu theo tỷ lệ, trong số hàng trăm sáng tác của họ Nguyễn (chỉ tính tới tháng 4, 1975,) số lượng ca khúc của ông phổ từ thơ của các thi sĩ; đã đạt tới một con số đáng kể.

    Căn cứ theo tài liệu của trang nhà Ðặc Trưng, một trang nhà sưu tập tương đối đầy đủ các sáng tác âm nhạc, thi ca, văn xuôi... của người Việt trong nước cũng như hải ngoại thì, trong số 18 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, được khán thính giả yêu thích nhất mà trang nhà này sưu tầm được, thì hết 9 ca khúc nổi tiếng ấy, vốn là thơ, hoặc lời do các thi, văn sĩ viết.

    Ðiểm theo danh sách những ca khúc của họ Nguyễn do trang nhà Ðặc Trưng phổ biến theo thứ tự, chúng ta có: “Anh Cho Em Mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn; “Mười Hai Câu Của Tuổi Trẻ,” thơ Song Hồ; “Hồ Than Thở,” thơ Hà Dzũng; “Hoa Bướm Ngày Xưa,” lời Thanh Nam; “Hương Thề,” thơ Hoàng Ngọc Liên; “Lá Thư Gửi Mẹ,” thơ Thái Thủy; “Mái Tóc Dạ Hương,” thơ Ðinh Hùng; “Người Em Nhỏ,” thơ Thiệu Giang; “Thanh Bình Ca,” lời Thanh Nam.

    Tôi không biết sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền có làm thơ không? Nhưng hiển nhiên với số lượng thơ phổ nhạc chiếm tới một nửa tổng số ca khúc của mình, họ Nguyễn nếu không phải là thi sĩ thì ông cũng là một người yêu thơ và, có một trình độ thưởng ngoạn thi ca đặc biệt, hơn người.

    Vì thế, tôi không chút ngạc nhiên khi tình cờ tìm được bài viết của tác giả Lê Hữu, nhan đề “Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối” đăng tải trên Diễn Ðàn Mẫu Tâm.

    Lê Hữu viết bài vừa kể “nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Hiền” tháng 12 năm 2008.

    Trong bài viết công phu của mình, tác giả Lê Hữu đã chỉ ra nhiều điều mang đầy tính thi sĩ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ðó là những phân tích, tôi nghĩ có thể ít người thấy được, nếu Lê Hữu không viết ra.

    Tác giả Lê Hữu đặc biệt ghi nhận nhiều về những đổi mới cũng như phần sáng tạo của Nguyễn Hiền qua ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn. Một trong những ca khúc gắn liền với mùa Xuân của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

    “Anh Cho Em Mùa Xuân” một trong vài ca khúc của nền tân nhạc Việt mà, tôi từng trộm nghĩ, mùa Xuân sẽ giảm đi hương xuân và, vị xuân rất nhiều...; nếu cùng với sự cựa mình, thức dậy của thiên nhiên mà chúng ta không được nghe những nốt nhạc, những ca từ náo nức, rạo rực thương yêu, cùng hy vọng lấp lánh ứa ra từ nốt nhạc đầu tiên, tới cuối cùng của ca khúc ấy.

    Trong bài viết chứa đựng nhiều phát hiện mới mẻ của mình, tác giả Lê Hữu viết nguyên văn như sau:

    “‘Bầy chim lùa vạt nắng... ’ câu hát tôi thích nhất. ‘Lùa vạt nắng’, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Chữ ‘lùa’ ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy chứ không phải là một chữ nào khác? (‘Bầy chim... đùa vạt nắng’ chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng ‘...lùa vạt nắng’). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe ‘lùa nắng cho buồn vào tóc em’ (Nắng Thủy Tinh, Trịnh Công Sơn).

    “Ðiều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ Kim Tuấn trong ‘Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân,’ mà là thơ... Nguyễn Hiền.

    “‘Con chim mừng ríu rít’ trong bài thơ được ông đổi ra thành ‘bày chim lùa vạt nắng’, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn ‘nghe’ được tiếng chim ríu rít mừng vui), vừa thơ hơn và giàu hình ảnh hơn. (......)

    “‘Nhạc chan hòa đây đó’, câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa ‘nhạc, thơ tràn muôn lối’, câu hát cuối của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong ‘Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân’ không có câu nào nói đến ‘nhạc’ cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.” (Lê Hữu)

    Tiếng Việt vốn được ghi nhận là giàu có nhạc tính và hình ảnh. Vì thế mà biên giới hay khoảng cách giữa thơ và nhạc Việt là một biên giới, một khoảng cách rất mong manh, nếu không muốn nói là đã bị san bằng. Ðã hòa lẫn.

    Nhìn lại, người ta thấy những ca khúc nào của nền tân nhạc miền Nam, 20 năm, hôm nay còn tồn tại, còn vang âm trong tâm hồn người thưởng ngoạn, đều là những ca khúc mà cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc, đã đạt tới mức bất hoại trước bản chất vùi dập, xóa bỏ của thời gian.

    Nhưng chọn lựa để đi tới cuộc hợp hôn vĩnh cửu lại hoàn toàn tùy thuộc nơi cảm quan, bản chất của mỗi nhạc sĩ. Có những nhạc sĩ chỉ rung động với những bài thơ mà chia lìa hay khổ đau là đỉnh điểm.

    Cũng có những nhạc sĩ chỉ có thể “thành gia thất” với những nàng thơ mà niềm vui và tiếng cười là chọn lựa thứ nhất.

    Giữa hai cực này, tân nhạc Việt Nam, nghiêng hẳn về phía tuyệt vọng, nát tan, như là một khía cạnh đặc thù, tương tác, song sinh với dòng thi ca Việt Nam khởi từ thời tiền chiến...

    Sự “lấn sân” của những cảm thức sướt mướt tình phụ, đọa lạc thân, tâm của nền thơ nhạc Việt, tôi cho cũng là điều dễ hiểu.

    Ngoài ảnh hưởng của phong trào văn chương lãng mạn khởi tự Pháp, du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 1930, chúng ta cũng đừng quên lịch sử của dân tộc Việt Nam là một chuỗi dài chiến tranh, tang tóc... Trong ký ức của người Việt Nam nào, cũng có ít nhiều khăn tang, tử biệt.

    Do đó, sự chấn thương tình cảm phản ảnh trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật 20 năm miền Nam Việt Nam, đã như một thuộc tính của dòng sinh mệnh ấy. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa tất cả các thi sĩ, nhạc sĩ đều bước về phía của cùng quẫn chia ly mà nhạc sĩ Nguyễn Hiền, là một biểu tượng rõ ràng nhất.

    Không biết có phải, như đã nói, bản chất hay cá tính họ Nguyễn vốn dịu dàng, êm đềm, nên âm điệu và những ca từ ông chọn cho các sáng tác của mình, đều ít tính áo não, thê thiết, như cõi nhạc của khá nhiều nhạc sĩ cùng thời với ông.

    Nói cách khác, trong kho tàng thi ca Việt Nam nói chung, miền Nam Việt Nam, 20 năm nói riêng, họ Nguyễn vẫn có thể tìm đến với những tình yêu tuyệt vọng, hay những kết cuộc bi thảm hơn kiểu mối tình Trương Chi, lúc chết đi trái tim của kẻ bị phụ tình không tiêu tan mà thành khối ngọc nối tiếp tương tư...

    Nhưng Nguyễn Hiền đã chọn cho đời nhạc của mình, một cõi giới khác. Cõi giới của những tỏ tình tha thiết ân cần, đằm thắm nhắn nhủ...

    Thí dụ, như những ca từ trong ca khúc “Người Em Nhỏ” (thơ Thiệu Giang); sáng tác đầu tay này, họ Nguyễn viết khi ông mới bước vào tuổi 18:


    “Tôi có người em nhỏ

    “xanh xanh đôi hàng mi

    “Môi hồng vừa đương độ

    “Chưa biết sầu chia ly.


    “Ngày tôi đi vàng nắng

    “Nghiêng nghiêng một hàng cau

    “Mai ta nhìn mây trắng

    “Gửi lời về thương nhau”


    Ở phần coda, trước khi kết thúc, tuy nói tới “biệt ly” - Nhưng đó lại là cái “biệt ly” xác tín về một tình yêu đã hình thành, một hứa hẹn tái hợp lấp lánh đâu đó:


    “Tôi có người em nhỏ

    “Xanh xanh đôi hàng mi

    “Môi hồng vừa đương độ

    “Ðã biết sầu biệt ly.”


    Trong ca khúc “Lá Thư Gửi Mẹ” (thơ Thái Thủy), dù nội dung nói một cuộc lên đường đi vào lửa đạn, nhưng nốt nhạc của ông vẫn chan chứa một niềm tin; như thể ra đi cũng đồng nghĩa với trở về một cách nào khác:


    “Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa

    “Cho lòng con nặng sầu thương

    “Con đi say tình viễn xứ

    “Ðâu có quên tình cố hương”...


    Ngay trong bài “Mái Tóc Dạ Hương” (thơ Ðinh Hùng,) tuy cũng nói về một chia tay. Nhưng đó là một chia tay chia tay làm thành kỷ niệm trăm năm. Kỷ niệm trăm năm là những hạt ngọc gắn trên vương miện quá khứ. Quá khứ của một tình yêu một thời và do đó, một đời:


    “Từng bước lần theo trăng viễn khơi

    “Trong đêm còn mơ dáng ai cười

    “Tiếng cười như cõi thiên thu lại

    “Tiền kiếp xưa nào em hé môi.


    “Rồi đây trên những lối đi này

    “Ta sẽ cùng ai tay nắm tay

    “Nhịp chân lưu luyến mãi cung đàn

    “Buông lắng chìm tâm tư đắm say.


    “Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em?

    “Chao ôi! màu suối tóc buông mềm

    “nét buồn khuê các hoen sương phủ

    “Nhạt ánh sao mờ bên dáng xiêm.”


    Chọn đường đi riêng, một đường đi không cùng hướng với những người đồng thời, nhưng phù hợp với cá tính, bản chất của mình, phải chăng nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã vô tình cho những thế hệ sau ông, biết rằng:

    - Nền thi ca miền Nam hai mươi năm, không chỉ có nước mắt.

    Nền thi ca ấy, qua ca khúc của ông, còn có tiếng cười hân hoan của lục lạc thương yêu; tiếng reo ngân thánh thót của chuông khánh những mùa Xuân đã qua và, những mùa Xuân sẽ tới, nữa.

    Du Tử Lê

    (15 tháng 6, 2010)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. suka
    Avatar của suka
    Trong chừng mực nào đó, dường như đám đông, dân tộc nào, cũng dành cho giới văn nghệ sĩ một cái “lề”, một đường biên rộng, đủ cho họ sống một đời sống tương đối phóng khoáng hơn người bình thường.

    Tại sao?

    Có thể từ lòng yêu mến tác phẩm hay, tài năng một văn nghệ sĩ mà đám đông đã mặc nhiên có cái nhìn bao dung, rộng lượng với các văn nghệ sĩ.


    Nhạc sĩ Nguyễn Hiền. (Nguồn: tranquanghai.com)

    Cũng vẫn thuộc về đám đông, có người lý trí hơn cho rằng, để giới văn nghệ sĩ có thể cung ứng những sản phẩm tinh thần giá trị, hay để họ phát huy được rực rỡ hơn tài năng trời cho họ, xã hội nên dành cho họ một vài biệt lệ, miễn không quá đáng...

    Có người còn nhiệt tình hơn, khi lý luận rằng: Nếu bắt nhà thơ A, nhà văn B, nhạc sĩ C, phải là có đời sống của một công chức chính ngạch, thuộc loại “thượng hạng ngoại hạng”, hay một nhà đạo đức, một nhà mô phạm gương mẫu... thì làm sao họ có thể cho chúng ta những tác phẩm thơ mộng, lãng mạn như chúng ta đã từng được thụ hưởng?

    Chẳng biết có phải từ những cái nhìn ưu ái đặc biệt vừa kể mà, người Việt Nam dường đã có chung một kết luận mang đầy tính thông cảm, rằng: “Có tài, có tật”.

    Tóm gọn lại, trong sinh hoạt xã hội, đôi khi bạn có một vài hành vi vượt ngoài khuôn khổ đời thường, thí dụ cờ bạc, hút xách, trai gái, sống bừa bãi, cẩu thả... nhưng, nếu được đám đông “phê” cho mấy chữ, đại loại “văn nghệ sĩ mà”... thì kể như bạn đã được tha thứ hoặc, chí ít cũng được giảm khinh.

    Lời phê ấy, giống như một thứ giấy phép “đi trong giờ giới nghiêm” vậy.

    Nhìn vào sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ thời tiền chiến, người ta thấy có nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện thuốc phiện, mê đi hát cô đầu...

    Thế hệ kế tiếp, tính từ điểm mốc 1954, ở miền Nam Việt Nam, số văn nghệ sĩ nghiện thuốc phiện không nhiều. Nhưng số người thích đỏ đen và, những cuộc phiêu lưu tình ái... lại có phần gia tăng...

    Nói như thế, không phải tất cả những văn nghệ sĩ được đám đông công nhận tài năng, tên tuổi đều là những người “sử dụng” cái giấy phép “đi trong giờ giới nghiêm” mà xã hội đã ưu ái ban, cấp cho họ.

    Chẳng những thế, trong số này, còn có nhiều văn nghệ sĩ vẫn sáng tác được những tác phẩm giá trị mà, đời riêng của họ, lại rất nghiêm chỉnh, mẫu mực. Phẩm chất đời sống xã hội của họ, có phần cao hơn người bình thường nữa.

    Một trong những văn nghệ sĩ có được cùng lúc hai mặt tưởng chừng đối chọi nhau kia, là cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

    Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Saigòn, cuối đường Phan Ðình Phùng, cùng với thi sĩ Ðinh Hùng. (Tiệm lấy số nhà 44, làm tên.)

    Thời gian đó, tôi đang viết cuốn “Năm sắc diện, năm định mệnh” mà cố thi sĩ Ðinh Hùng là 1 trong 5 người tôi chọn, nên chúng tôi thường gặp nhau.

    Tôi muốn mở một cái ngoặc ở đây, để nói rõ hơn rằng: Trong số những văn nghệ sĩ miền Nam không bao giờ lái xe, dù xe hai bánh hay xe hơi, không phải là cố nhà văn Mai Thảo.

    Thời gian tham gia kháng chiến nhà văn Mai Thảo đã từng phải đạp xe từ khu này qua khu khác. Thời gian chủ trương tạp chí sáng Tạo ở Saigòn, ông có xe hơi riêng và tự lái. Chỉ sau khi bán đi chiếc Austin, lúc đó tác giả “Ðêm giã từ Hà Nội” mới dùng tới phương tiện xích lô...

    Riêng thi sĩ Ðinh Hùng thì tuyệt đối không.

    Thời gian ở trong vùng kháng chiến, tác giả “Mê hồn ca” cũng chưa một lần đạp xe đạp. Di cư vào miền Nam, ông cũng chưa một lần tự lái xe. Dù cho công việc buộc ông phải thường xuyên xê dịch.

    Phương tiện di chuyển quen thuộc nhất của tác giả “Mộng dưới hoa” là taxi, xích lô...

    Trở lại với tiệm phở 44, giữa khi chúng tôi đang ăn thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bước vào. Ðó là một người đàn ông nho nhã, trắng trẻo. Ông có dáng dấp một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ đã có nhiều năm chơi nhạc cho một số dancing nổi tiếng ở Hà Nội cũng như Saigòn.

    Là bạn thân của nhau, nên khi thấy bạn, thi sĩ Ðinh Hùng gọi, như reo:

    “Lại đây. Lại đây. Nguyễn Hiền.”

    Rất từ tốn, người nhạc sĩ nổi tiếng từ khi còn rất trẻ ở Hà Nội, với nhạc phẩm “Người em nhỏ”, phổ thơ Thiệu Giang, bước lại bàn. Ông bắt tay chúng tôi. Ngồi xuống.

    (Qua một bài viết của tác giả VDA, gần đây, tôi mới biết họ Nguyễn sáng tác ca khúc “Người em nhỏ” nhằm tặng người bạn đời sau này của ông.)

    Sau khi nghe thi sĩ Ðinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là “hữu duyên”!

    Ông nhìn tôi, giải thích:

    “Mấy ngày qua tôi có ý tìm anh. Tôi vừa xin được địa chỉ và số điện thoại nơi làm việc của anh qua Mai Trường...”

    Số là ông mới phổ nhạc xong bài thơ “Khi người về” của tôi. Ông muốn đổi tên nó thành “Tiếng hát ru tôi”.

    Ông nhấn mạnh, ông giữ được gần như nguyên vẹn lời thơ và, kết luận nếu tôi cũng đồng ý thì bản nhạc sẽ được trình bày nay mai trên đài phát thanh với nhan đề ấy.

    Tôi nói, nhan đề ông chọn cho ca khúc có phần thơ hơn nhan đề chính. Tôi thích lắm, và:

    “Chắc anh không biết, anh là người thứ hai sau anh Mai Trường phổ nhạc thơ của tôi...”

    Từ đấy, họ Nguyễn nói về thơ, nồng nhiệt như một thi sĩ.

    Ông kể:

    “Có anh Ðinh Hùng ở đây, anh ấy biết tôi rất thích thơ. Thơ trên báo hay thơ in thành sách... Hễ đến tay tôi là tôi đều đọc hết. Tôi đọc rất kỹ những bài tôi thích... Tôi có thói quen chú ý nhiều tới những động từ và tĩnh từ trong thơ...”

    Thi sĩ Ðinh Hùng chăm chú nghe với những cái gật gù, như đắc ý về những nhận định của bạn ông.

    Trước khi chia tay, để hai người ngồi lại với nhau, tôi nói:

    “Thưa anh, nếu được xin anh làm ơn cho tôi biết trước giờ phát bản nhạc để tôi đón nghe!”

    Tác giả “Hoa bướm ngày xưa” gật đầu. Ông rút trong túi miếng giấy nhỏ, đọc lại số điện thoại nơi tôi làm việc...

    Tôi không biết có phải tính nghiêm túc, cẩn trọng (nhưng vẫn cởi mở của ông,) hay do chiếc cầu nối là thi sĩ Ðinh Hùng mà chúng tôi đã có được một tình thân trong tương kính khá mau chóng.

    Ðúng như những gì tôi cảm nhận được về ông, từ gặp gỡ thứ nhất, mỗi lần ca khúc “Tiếng hát ru tôi” được thu thanh, hoặc phát lại, ông đều tìm cách cho tôi biết.

    Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế, dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.

    Tuy nhiên, tác giả “Lá thư gửi mẹ”, phổ từ thơ của Thái Thủy, cuối cùng đã cho tôi một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa.

    Tôi nhớ kỷ niệm này tới mức mỗi khi bị hỏi về chuyện nhuận bút hay bản quyền tác phẩm, những ngày đầu cuộc đời làm văn nghệ của mình, tôi đều nhắc lại cũng như đã từng viết xuống.

    Ðó là sự kiện, bẵng đi một thời gian không gặp tác giả “Mái tóc dạ hương” (thơ Ðinh Hùng,) một buổi trưa, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn nhờ tôi chở ông từ café La Pagode về Ðài Saigòn. Ngay khi vừa cặp chiếc xe sát lề đường, trước cửa đài, tôi nhác thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền từ phía phở 44 băng qua.

    Ông dơ tay nửa như chào, nửa như muốn bảo đợi...

    Bước lên lề, trước mặt Nguyễn Ðình Toàn, ông rút từ túi sau một khoản tiền, bọc trong một miếng giấy trắng (giống như đã chuẩn bị sẵn,) đưa cho tôi.

    Ông nói:

    “Một trung tâm băng nhạc nó mới thu bài ‘Tiếng hát ru tôi’. Ðây là phần tác quyền của anh”.

    Ông không nói, tôi cũng không hỏi số tiền tác quyền ông chia cho tôi là bao nhiêu. Ðiều đó, với tôi thực sự không quan trọng. Ðiều tôi cảm khích, tôi nhớ mãi tựa hồ mới xẩy ra, chính là cái cung cách cư xử, ăn ở của ông.

    Cung cách như một truyền thống văn hóa có tự bao đời của những người trí thức làm văn nghệ.

    Không biết có phải vì sự việc xẩy ra bất ngờ, hay vì một nguyên nhân nào khác, khiến tôi không nói thêm được với ông lời nào, ngoài ba chữ “Cám ơn anh.”

    Kể lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói tới nhân cách của họ Nguyễn. Một nhân cách đáng kể đi đôi cùng tài năng.

    Nhiều năm trước đây, nhà hàng Tài Bửu (khi còn tọa lạc ở ngã tư đường Magnolia và Bolsa, thuộc thành phố Westminster,) là nơi sinh thời tác giả ca khúc “Anh cho em mùa xuân” (thơ Kim Tuấn,) hay có những buổi sáng ngồi uống café với bằng hữu.

    Trong những gặp gỡ này, mỗi khi có dịp tôi lại kể kỷ niệm trên, (trước mặt ông,) như một cố tình bày tỏ lòng quý trọng của cá nhân tôi đối với ông. Người nhạc sĩ tài hoa, tới cuối đời, vẫn giữ được cho mình, một nhân cách cao. Quý.

    Du Tử Lê,

    (Thứ Năm 17 tháng 6-2010: “Nguyễn Hiền, người tình chung thủy của thi ca miền Nam 20 năm.”)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL