1. romeo
    Avatar của romeo
    Một chút lãng mạng thời trai trẻ
    Quê anh ở tận U Minh, Cà Mau, với tên cha mẹ đặt cho là Lý Trọng Nghĩa. Nghĩa sinh ra và lớn lên trong thời đất nước ly loạn, nhưng với độ tuổi ´´ăn chưa no lo chưa tới´´ ngày ngày chỉ gắn với đồng ruộng cũng như bao bạn bè trang lứa. Đặc thù nghệ thuật của vùng này thời đó chỉ mỗi loại hình đờn ca tài tử cải lương, nên hầu hết người dân bản xứ ít nhiều đều biết ca ngâm về loại hình này.

    Chàng trai tên Nghĩa hàng ngày cùng bạn bè vác phảng ra đồng phát cỏ, gieo lúa rồi đến cắt , đập lúa thu hoạch... chu kỳ tuần hoàn như thế năm này như năm nọ. Cà Mau cũng nổi tiếng thời đó là tôm cá, chim chuột, rắn rùa... nên khi làm đồng là nông dân thường bắt được ''mồi'' đem về nhà rồi rủ nhau rai lai vài xị đế. Mỗi khi lai rai như vậy, nếp sinh hoạt quen thuộc là đờn ca tài tử cải lương, từ đó khi ra đồng cũng ca hát vài câu vọng cổ nghêu ngao cho vơi mệt nhọc. Thời trai trẻ của Nghĩa là vậy, thiên phú cho anh có làn hơi chất giọng khác bạn bè, nên mặc dù ca nghêu ngao nhưng vẫn có sự thu hút bạn đồng thuyền, đồng điệu; thậm chí có lúc ra đồng vừa phát cỏ anh vừa ca theo yêu cầu của các bạn ngoài đồng. Thấy bè bạn mến mộ Nghĩa càng muốn ca cho hay, cho điệu nghệ hơn, nhưng không có thầy để học thêm. Vậy là anh sắm cái ra-dio nhỏ (một băng) ra đồng anh cũng mang theo; nghe nghệ sĩ ca trong đài rồi anh ca nhép theo, lâu ngày dài tháng anh quen theo nhịp nhàng, hơi điệu. Những ngày đầu ấy, Nghĩa chỉ học theo kỹ thuật ca ngâm thôi, làn hơi chất giọng ''trời cho'' thì vẫn là của anh thuần chất. Nhiều người lúc đó ở quê Nghĩa nói vui, ''mày lúc này ca khá rồi, mai mốt theo cải lương đi, tướng tá mày cũng dễ thành kép chánh lắm đó!...''

    Câu nói đó là liều thuốc kích thích cho Nghĩa sau đó bước theo nghiệp ca cầm...

    Đường vào nghiệp cầm ca

    Sau Tết Mậu Thân (1968) là thời điểm chiến tranh khá ác liệt, nhưng xứ U Minh vốn là căn cứ địa của cách mạng được gọi là vùng giải phóng do cách mạng quản lý. Một hôm Nghĩa cùng bạn bè ra đồng phát cỏ, anh được mọi người ưu ái cho ngồi trên bờ mẫu ca vọng cổ phục vụ, để mọi người làm choàng công việc phát cỏ thay anh. Được như vậy, anh càng phấn chấn đem hết những bài ca hay và đem hết ''tuyệt chiêu - công lực'' đã học được trên đài ra mà phục vụ bạn bè.

    Lúc đó, tình cờ có một cán bộ văn hoá thông tin tuyên truyền ở xã đi ngang qua, nghe Nghĩa ca, ông cũng dừng lại nghe rồi vỗ tay khen ngợi và mời anh cùng tham gia Đoàn văn nghệ xã nhà (1970). Hai năm sau, cũng tình cờ anh diễn văn nghệ phục vụ xã nhà, có cán bộ văn hóa thông tin ở huyện xuống dự, ông cán bộ chú ý giọng ca của Nghĩa và gợi ý rút anh về Đoàn văn công của huyện (1972). Rồi lại tình cờ một cán bộ Đoàn văn công tỉnh Cà Mau xuống huyện, phát hiện thanh sắc của Nghĩa nên đưa anh về Đoàn văn công tỉnh (1974). Lúc đó, Nghĩa về Đoàn văn công tỉnh hoạt động chung với NSƯT Minh Đương, soạn giả Huỳnh Khánh... ngày nay. Từ đó, Nghĩa chính thức là diễn viên chuyên nghiệp của sân khấu cách mạng với nghệ danh Trọng Nghĩa. Anh không thể nào quên nhưng buổi biểu diễn phục vụ khán giả trong vùng giải phóng thời ấy, mỗi suất có hàng ngàn người xem, mến mộ, quyến luyến làm quen với anh. Làn hơi khỏe khoắn, chất giọng ''đồng pha thổ'' âm vang, trầm ấm thuần chất cải lương Nam bộ của Trọng Nghĩa đã chinh phục người mộ điệu qua nhưng bài vọng cổ: Người con gái Khơmer, Chiến công Võ Thị Thắng, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi... và nhiều chập cải lương khác.

    Sau giải phóng Trọng Nghĩa được đơn vị cử đi bổ túc nghiệp vụ diễn viên cải lương tại Trường Nghệ thuật sân khấu (NTSK) II (1977-1978). Từ đây, anh trớ thành diễn viên cải lương chuyên nghiệp trong giai đoạn mới, khả năng thiên phú cộng với trường lớp chính qui đã trang bị cho anh vốn nghề cơ bản để phát triển khả năng. Khi Trọng Nghĩa từ Trường NTSK về là nhận ngay vai chánh để thử sức, cũng là vai diễn đầu tiên trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp - Tuấn trong ''Tìm lại đứa con'' (Tg: Huỳnh Minh Nhị - Đd: Văn Thành). Là vai diễn chuyên nghiệp đầu tiên, vì trước đây chỉ ca lẻ và hát chập nên chưa có một vai hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó là nền tảng cho anh vào vai thứ hai để tiếp tục ghi thêm dấu ấn của mình với nghề và với khán giả, đại úy Huy Bình trong ''Tìm lại cuộc đời” (Tg: Huy Lam - Điêu Huyền - Hoàng Khâm - Đd: Huỳnh Hành). Một vai diễn đầy tính cách của một sĩ quan chế độ Sài Gòn, tâm lý luôn diễn biến phức tạp từ lý tưởng hảo huyền bị sụp đổ, trở về với hiện thực và nhận ra đâu là chính nghĩa... Trọng Nghĩa vào vai Huy Bình là như thế, làn hơi chất giọng bây giờ sang trọng hơn, ca với tâm trạng nhân vật xúc cảm hơn, chiếm được cảm tình khán giả hơn trước đó.

    Thời kỳ này cải lương rất ăn khách, một vở diễn biểu diễn vài năm vẫn có khán giả xem rất đông. Nên hai vai của Trọng Nghĩa đã diễn hàng trăm suất, khán giả thuộc lòng vở diễn và dấu ấn về vai diễn càng sâu đậm. Đó là giai đoạn anh vun bồi sự hoàn thiện cho vai diễn. Trọng Nghĩa lúc này không còn là chàng trai tên Nghĩa ca hát thuần tuý như thời phát cỏ ngoài đồng, mà là một Trọng Nghĩa diễn viên cải lương chuyên nghiệp đã tách khỏi sự ca ngâm thuần túy mà ca diễn bằng cảm xúc nhân vật để khi khán giả nhớ đến nhân vật là nhớ đến Trọng Nghĩa.


    Cánh én bay về Thành phố

    Quá trình phát triển nào cũng có thời kỳ quá độ của nó và đòi hỏi sự chuyển tiếp để thích nghi với điều kiện mới; và khả năng con người khi đến độ chín mùi cũng đòi hỏi vươn tới sự phát triển thích nghi đó. Trọng Nghĩa có khát vọng học hỏi để tiến xa hơn. Thế nên Trọng Nghĩa về Đoàn Văn Công Thành phố (1981), nhận vai chánh Nguyễn Huệ trong ''Tâm sự Ngọc Hân'' (Tg: Lê Duy Hạnh). Tuy vậy, ở sân khấu này tài năng của anh chưa thật sự tỏa sáng, có lẽ vì ở môi trường mới đầy sao và “vạn sự khởi đầu nan”. Trọng Nghĩa không khỏi trăn trở về khả năng của mình là một kép ở tỉnh hội nhập vào ''rừng sao'' của thành phố. Anh tự đặt ra cho mình tiêu chí để tự hoàn thiện hơn nữa mới có đủ điều kiện hội nhập sau một năm trời thử thách.

    Khi Trọng Nghĩa về Đoàn cải lương Sài Gòn 2 hát chánh với NS Ngọc Bích, vai Khiu Chăm trong ''Nắng lên chùa Tháp'' (Tg: Điêu Huyền - Đd: Bá Huỳnh). Tại đây, Trọng Nghĩa có một kỷ niệm thật đáng nhớ, thay đổi nghệ danh. Lúc đó Ns Diệp Lang cũng ở Đoàn Sài Gòn 2, ông vừa triết lý vừa hài hước với từ ''Trọng Nghĩa'' nghệ danh của anh: ông bà ta có câu ''Trọng nghĩa khinh tài'' tức chữ ''tín - nghĩa'' được đề cao trước chữ ''tài” theo nghề hát xướng mà ''Trọng Nghĩa” là đồng nghĩa với không cần tiền chỉ cần nghề thôi... Mặc dù câu nói của Ns Diệp Lang có tính hài hước cho vui, nhưng kép Trọng Nghĩa nghĩ ra thấy có lý nên ngay sau đó anh tự sửa lại nghệ danh của mình ''Trọng Nghĩa'' thành ''Bảo Anh''.

    Khi Bảo Anh về Đoàn 2 - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (1983) anh mới được khán giả biết đến và mến mộ nhiều qua vai chánh, như Hoàng tử Lý trong ''Chuyện cổ Bát Tràng'' (Tg: Hà Triều). Vở này ăn khách rất lâu suốt mấy năm, cả hàng trăm suất diễn từ SG đến khắp các tỉnh thành trong cả nước.

    Bảo Anh về Đoàn Phước Chung, với hai vai nổi tiếng: Năm 1986, Trường (một Việt kiều) trong ''Chắp cánh uyên ương” (Tg: Phi Hùng - Đd: Bạch Tuyết) và đúp vai Thượng tướng Nguyên Bá và Thái tử Ngũ Châu trong ''Đường gươm Nguyên Bá''... Trong một vở anh có thể đóng hai vai với hai tính cách khác nhau, chính diện và phản diện, thể hiện tài năng đa dạng của anh.

    Đang hồi cải lương hưng thịnh nhưng bỗng nhiên khán giả Thành phố không thấy Ns Bảo Anh xuất hiện trên sân khấu nữa. Không chỉ khán giả thắc mắc mà cả nhiều đồng nghiệp cũng đặc ra câu hỏi tại sao?...


    Địa hạt thứ 2


    Với NS Bảo Anh, sự cầu tiến và ham học hỏi có phần hơi khác đồng nghiệp. Khi tên tuổi đang lúc nổi lên và ăn khách, anh bỗng quyết định rời cải lương bước sang địa hạt khác - kịch nói. Một loại hình vào thời điểm đó chưa thu hút mạnh khán giả, nhưng anh muốn có một thử thách mới. NSƯT Kim Cương mời Bảo Anh và chị can thiệp với lãnh đạo đoàn Phước Chung để xin anh về cộng tác với đơn vị của chị.


    Lãnh đạo đoàn đồng ý yà ns Bảo Anh nhận lời. Một nghệ sĩ dày dạn tay nghề như Kim Cương nhìn người và phán đoán không sai về ns Bảo Anh, một nam diễn viên có vóc dáng lý tưởng, phong cách chững chạc nam tính, chất giọng trầm ấm sang trọng biểu đạt tinh tế ngữ điệu trong mọi tình huống...

    Còn sự quyết định của Bảo Anh cũng là một tư chất cầu tiến. Ns Bảo Anh về đóng chính ở kịch nói Kim Cương. Qua một số vai diễn chính với ns Kim Cương, anh đã tạo dấu ấn riêng: Vua Tô Chiêm - nghiêm khắc đầy quyết đoán trong "Nai đen rừng Đế thích” ( Tg: Nguyễn Đình Thi - đd: Đoàn Bá), Hiếu - một số phận nghiệt ngã trong ''Bông hồng cài áo" (tg: Hoàng Khâm - đd: Minh Nguyệt), Tuấn với một chuyện tình đầy trớ trêu trong "Trà hoa nữ” ( phóng tác Hoàng Dũng - đd Kim Cương), đặc biệt là vai đầy tính cách và bản lĩnh... trong "Huyền thoại mẹ" (tg & đd: Hoàng Dũng), vai này đã đưa Bảo Anh đạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990...

    Theo NS Bảo Anh, nếu ở địa hạt cải lương anh xem” Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là ''thánh đường'' thì với kịch nói anh xem Đoàn kịch Kim Cương cũng là một thánh đường nghệ thuật. Bảo Anh lý giải, hai nơi này là môi trường đủ tố chất cho anh học hỏi rất nhiều để tự hoàn thiện cả kinh nghiệm về chuyện đời và nghề. Cả hai sân khấu này như là một trường học thực nghiệm vun bồi cho anh thực sự trưởng thành. Đó là những vai diễn đúng tầm đủ sức, hay khi khả năng của anh chưa tới thì phải nổ lực để đáp ứng đúng yêu cầu. Bên cạnh là sự học hỏi trực tiếp qua các đạo diễn, nghệ sĩ tài năng, đồng nghiệp nói chung để tự hoàn thiện mình.


    Còn duyên nợ với cải lương

    Bảo một hiện tượng nữa với cuộc đời làm nghề của anh là khi đang được khán giả sân khấu kịch chú ý thì NS Bảo Anh bỗng nhiên biệt tâm. Đó là thời gian Bảo Anh trở về với Cải lương, cùng với đạo diễn Hoa Hạ và Linh Trung thành lập Câu lạc bộ cải lương Ba thế hệ (1995), một mô hình sân khấu xã hội hoá Cải lương đầu tiên ởTP.HCM. Bảo Anh tái ngộ với khán giả thành phố sau năm năm vắng bóng anh. Sự trở lại với cải lương lần này là một tâm huyết lớn với bộ ba nói trên, một mô hình mới mẻ, lực lượng gọn nhẹ, vở diễn được chọn lọc chăm chút mang phong cách hiện đại...

    Nhưng rất tiếc sự cố gắng của bộ ba này cũng chỉ kéo dài khoảng hai năm rồi giải thể, vì tình hình cải lương càng khủng hoảng trầm trọng hơn, mà chỉ một nhóm không thể nào thay đổi được cục diện tình hình. Tuy nhiên, sự nỗ lực của CLB Ba thế hệ cũng đáng ghi nhận là một phát pháo lóe lên sức sống mới cho sân khấu cải lương trong hoàn cảnh này. Ns Bảo Anh cũng tham gia được khoảng chục vở diễn và đáng ghi nhận nhất là vai đại uý Hoàng Bạch trong ''Vượt qua đêm tối'' (Tg: Lê Quý Hiền ; Đd: Hoa Hạ), vai này Ns Bảo Anh tiếp tục đạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1996.

    Mặc dù hiện nay Ns Bảo Anh không đứng trên một sân khấu cải lương chính thức nào, anh cũng không chạy show, thỉnh thoảng anh chỉ tham gia biểu diễn từ thiện ở Sân khấu vàng (Minh Vương - Lệ Thủy), trong vài vở như: Đêm giao thừa, Đoạn tuyệt... Cho đến bây giờ anh vẫn yêu cải lương như thuở nào, dù những lúc hoạt động ở kịch nói, điện ảnh nhưng bên mình anh vẫn mang theo cái radio nhỏ như ngày xưa để nghe cải lương. Đặc biệt hơn là trong nhà anh còn có ''Bộ sưu tập'' về cải lương, anh sưu tầm những vở hay hoặc những giọng ca hay của các nghệ sĩ tài danh để lưu trữ bằng băng dĩa.




    (ns Bảo Anh trong phim Gió nghịch mùa)

    Địa hạt thứ 3

    Như đã nói ở bài trước, NS Bảo Anh có những tư chất riêng chuyện đời và nghề, anh là trong những nghệ sĩ thành phố từ trước đến nay không hát tụ điểm và chạy show ở các tỉnh, mặc dù có khá nhiều bầu show đã mời. Với quan niệm nghề của Bảo Anh là vở phải ra vở, vai phải ra vai, một tiết mục phải hoàn chỉnh với một loại hình sân khấu, còn hát tụ điểm hoặc show ở tỉnh thì chỉ biểu diễn trích đoạn không trọn vai, hay ca lẻ anh không thích. Ns Bảo Anh cũng có khả năng ca tân nhạc, nhưng anh không lấy đó làm nghề phụ vì theo anh, cái gì hông thuộc sở trường thì không ''ôm đồm'' để biểu diễn trước công chúng. Là một nghệ sĩ có nhiều khát vọng, ham học hỏi nhưng ở khả năng cho phép, đó là sự vươn tới địa hạt thứ ba là điện ảnh.

    Bước sang địa hạt thứ ba cũng có cơ duyên. Khi còn hoạt động ở cải lương và kịch nói, thỉnh thoảng tham gia đóng khoảng 10 phim. Khi câu lạc bộ Ba thế hệ giải thể anh chuyển hẳn qua điện ảnh (1997) cũng vì lý lẽ riêng của anh: từ kịch nói Kim Cương về lại cải lương CLB Ba thế hệ, khi cải lương khủng hoảng, anh thà tạm ngưng hoạt động chứ không quay lại với kịch nữa... Mặt khác, Bảo Anh chọn con đường điện ảnh là để hành nghề lâu dài, dù tuổi cao vẫn có những vai thích hợp, còn cải lương nếu tuổi cao hơi giọng cũng theo độ tuổi mà ''về chiều'', có cố gắng biểu diễn vì yêu nghề nhưng rất dễ bị sụp đổ thần tượng trong lòng khán giả...

    Từ lúc Ns Bảo Anh bước sang điện ảnh cho đến nay, anh đã tham gia hơn 20 phim truyện với các loại vai như ông chủ, giám đốc, cán bộ... Nếu những thuận lợi về ngoại hình, âm giọng khẩu khí của một kép đẹp ở cải lương và kịch nói thì ở điện ảnh anh lại có dịp phát huy những sở trường đó để có những vai đầy phong độ và sang trọng. Có thể thấy sự thành công đó qua các vai: Chú Tám cán bộ trong ''Như là huyền thoại'', nhạc sĩ Lâm Thông trong ''Linh lan trắng'', giám đốc Yên trong ''Hoàng hôn ấm áp'', Tổng giám đốc Huân trong ''Gió nghịch mùa'', giáo sư Thanh trong ''Tội phạm''... Một vai mới mà anh khá tâm đắc sắp lên sóng là Tổng giám đốc Nguyễn Bá trong ''Người đẹp Bình Dương''. Và Ns Bảo Anh khẳng định, từ đây đến cuối đời, hoạt động nghệ thuật chính của anh là điện ảnh.

    Để kết thúc bài viết này, xin được nói thêm một chút riêng tư của Ns Bảo Anh mà chúng tôi cho rằng đáng quan tâm và chia sẻ, đó là chữ "hiếu'' của anh. Ở đời không ít người thường quên quá khứ, chối bỏ thuở hàn vi ở quê nhà với những kỷ niệm mộc mạc, khi đã cao sang, danh vọng, họ thiếu sự quan tâm đến ông bà, cha mẹ, họ hàng sống lam lũ ở đồng quê... Ns Bảo Anh thì không như vậy, có đức tính về chữ hiếu đáng được trân trọng, với những thành công đã có nhưng bây giờ anh vẫn ở... nhà thuê. Những thu nhập từ nghề diễn viên mấy chục năm qua, anh có thể tạo lập cơ ngơi cho riêng mình ổn định, nhưng anh lại lo cho ông bà, cha mẹ trước. Ns Bảo Anh tâm sự, anh cảm thấy tự hào và thanh thản là anh đã thực hiện được ba công trình cho gia đình: một là xây ngôi tháp cho ông cố anh, một vị hòa thượng rất đạo hạnh trong vùng, hai là xây khu nhà mồ cho ông bà nội - ngoại, ba là xây nhà ở cho cha mẹ anh ở quê tương đối tươm tất.


    Theo Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to romeo For This Useful Post:

    Duongtonhu (11-09-2012), Thanh Hậu (11-09-2012)

  3. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Khoảng năm 1983-1984, NS Bảo Anh hát chánh với NS trẻ Thanh Thanh Tâm trong vở Cho Rừng Lại Xanh trên SK Đoàn Trần Hữu Trang 2.

    Năm 2006, NS Bảo Anh và cố NS Lương Tuấn đóng vai hai người con chiến sĩ cách mạng của NSUT Lệ Thủy trong vở Đêm Giao Thừa thuộc SKV tại Hưng Đạo.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:

    Duongtonhu (11-09-2012), romeo (11-09-2012), Thanh Hậu (11-09-2012)

  5. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Tìm được thông tin này của nghệ sĩ Bảo Anh rồi, thì ra "Chuyện cổ bát tràng" là ra đời khoảng nữa đầu thập niên 80 rồi chứ không phải cuối thập niên 70. Nghệ sĩ Bảo Anh cũng tài giỏi quá, từ cải lương đến điện ảnh và đẹp cũng không kém gì Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm.. !! Để lục lại trên mạng xem còn tuồng này ngày xưa Bảo Anh đóng không từ thông tin phía trên !!
    Đường Gươm Nguyên Bá mà NS Bảo Anh lãnh hết 2 nhân vật chính luôn, dữ quá !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Duongtonhu (11-09-2012), romeo (11-09-2012)

ANH EM CHANNEL