1. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG


    Nghệ Sĩ Hồng Nga là một nghệ sĩ tài danh rất đặc biệt của sân khấu cải lương. Chị là trường hợp cá biệt, có một không hai - một diễn viên không hát vai đào chánh mà phần lớn chuyên trị những vai đào mụ, mùi mà trở thành một danh ca thuộc hàng nghệ sĩ lớn. Những vai đào chánh thưởng là của út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên. Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu...

    Có điều rất thú vị dù Hồng Nga chỉ thủ diễn những vai mẹ, vai phụ, đứng cạnh những ngôi sao lớn của sân khấu cải lương, chẳng những không bị ánh hào quang của họ che khuất, trái lại vẫn sáng bật lên. Hồng Nga là người chị, người mẹ điểm xuyết thêm sự lấp lánh của những cô gái trẻ, vai đào mùi chánh. Chị lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của những khán giả nhẹ lòng, dễ thương cảm trước những số phận éo le.


    Trái lại, những vai chánh trẻ ấy nếu thiếu một dàn bao như Hồng Nga thì hiệu quả sân khấu sẽ giảm sút. SK Cải lương có nhiều người trẻ hát đào mụ nhưng để đạt được tầm cỡ ngôi sao diễn bi, hài như Hồng Nga thì hiện nay mới lấp ló một Quỳnh Hương có thể coi là hậu duệ khả dĩ đi theo con đường của người nghệ sĩ tài năng này (trừ trường hợp sau này có một số nghệ sĩ tài danh khi trẻ hát đào chánh, lớn tuổi chuyển sang hát đào mụ).

    Có thể nói từ khi bước lên sân khấu đến nay đã hơn 40 năm, vai Hân Ly trong vở Cô gái Đồ Long của tác giả Hà Triều-Hoa Phượng, có lẽ là vai đào trẻ hiếm hoi mà Hồng Nga thủ diễn, nhưng cũng bị gạch nát mặt cho xấu đi. Tuy nhiên, những vai diễn của Hồng Nga tại sao lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ, để một nghệ sĩ chuyên đóng vai dàn bao trở thành ngôi sao? Câu hỏi này không khó trả lời, chính giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn, chính chắn như ru đưa người nghe vào những cung bậc truyền cảm, điêu luyện của nghệ thuật ca vọng cổ thượng thừa, chính cái thanh đã che mờ đi cái sắc, biến thành một ưu điểm để đưa Hồng Nga lên hàng những ngôi sao lớn của SKCL. Thật vậy, Hồng Nga không phải là cô đào đẹp, nhan sắc bình thường, không có nét sắc sảo hoa nhường nguyệt thẹn, đã vậy khi bước lên sân khấu gương mặt ấy lại phải hóa trang cho già, cho xấu hơn, dẫu khi đó Hồng Nga đang độ tuổi mười tám, đôi mươi.


    Với chất giọng thổ pha chút ít kim, giọng ca Hồng Nga len vào cái khoảng giữa của út Bạch Lan, Ngọc Giàu. Nghe Hồng Nga và Ngọc Giàu ca, có phần hơi giống nhau, có lẽ là do chất giọng thổ nhưng độ mùi và buồn của Hồng Nga mang sắc thái riêng mà khi ca chung với bất cứgiọng ca buồn nào, giọng ca Hồng Nga vẫn rất mùi, rất buồn nhưng không bi lụy, sướt mướt. Trong cái buồn, trong cái mượt mà ru lịm hồn người vẫn có chút gì mạnh mẽ, chịu đựng, chống chọi với số phận chứ không cam chịu một cách thụ động. Nghe Hồng Nga ca, thương hơn là buồn ảo não. Nét đặc biệt nhất của NS Hồng Nga mà ít ai có được chính là khi chị nói lối đã mùi mẫn, ngọt ngào, cuốn hút người nghe chờ đợi "thèm" chị cất tiếng ca.

    Hồng Nga có nghệ thuật sắp nhịp rất hay, không theo khuôn khố, chữ ca thường chẻ ra ngoài nhịp đờn, nhưng ý nghĩa, câu cú trong cách hành văn thì rất gọn, tròn ý, nhấn mạnh được ý tác giả gởi gấm, không vì kỹ thuật sắp nhịp mà ngắt câu, ngắt chữ làm cho lệch ý câu văn. Rất nhiều nghệ sĩ cải lương có giọng ca rất hay, sắp nhịp độc nhưng khi hành văn thì ngắt quảng làm mất, hoặc sai ý nghĩa câu văn. Hồng Nga có phong cách biểu diễn nhẹ nhàng, tự nhiên, chân thật, có khả năng điều tiết phản ứng của khán giả với vai diễn của mình rất hay, có thể làm cho khán giả đang cười bỗng chợt rơi nước mắt hay ngược lại vì tình huống bất ngờ xảy ra.

    Khi diễn chung với Bảo Quốc, khả năng điều tiết này đạt đến mức thượng thừa.. Nhiều khán giả cho rằng Hông Nga diễn rất hay, rất có duyên: Theo tôi, những yếu tố này chỉ là một phần góp vào tài năng của Hồng Nga. Chính giọng ca đủ sức chuyển tải diễn xuất trong ca đã tạo nên nét duyên thu hút. Dù Hồng Nga diễn hài rất tài nhưng để đọng lại trong lòng khán giả chính là giọng ca đặc biệt, đẹp hơn nhan sắc một giai nhân.


    Trước đây khán giả thương cảm một bà Lan trong Tuyệt tình ca hát cặp với Vua Vọng cổ út Trà ôn, mấy câu Văn Thiên tường lớp dựng, câu 5 vọng cổ ca nối ở lớp cuối khi gặp lại chồng với chiếc cà rá kỷ niệm, một lớp diễn để đời dẫu khi ấy Hồng Nga còn rất trẻ. Một bà mẹ cô Hiếu trong Khách sạn Hào Hoa, một bà mẹ của Tô ánh Nguyệt, hay bà Hương trong Đời cô Lựu, một mẹ Điệp trong Lan và Điệp vẫn là hình ảnh một người mẹ chịu thương chịu khó nuôi con, một người đàn bà bị tình yêu phụ rẫy hay một bà già tấm lòng nhân hậu hay một Cố Mẫu quyền uy, tình lý cân phân trong Thái hậu Dương Vân Nga, không kể những vai hài quậy tưng trên sân khấu, cho tới bây giờ khán giả vẫn ghiền giọng ca có sức thu hút kỳ lạ của một "bà già", mỗi lần nói lối chuẩn bị vô vọng cổ. Nghệ sĩ Hồng Nga thưởng thủ vai trong tuồng hơn là ca lẻ. Mấy năm gần đây chị cho ra một album ca cổ, nổi bật nhất là ca đơn “Tình người cung nữ”, với nghệ thuật ca đầy kịch tính , kết hợi với nội dung bài hát phù hợp với ca tự sự sở trường , người nghe không khỏi ngậm ngùi , thương cảm. Giọng ca ấy dường như chưa bị ảnh hưởng bởi thời gian.

    Đẹp người, đẹp dáng. Có giọng hát hay làm đào kép chánh nổi tiếng thì có gì lạ. Không đẹp, lại hát dàn bao, lại tòan là những bà mẹ , đa phần nghèo khổ, cơ hàn, lại thành ngôi sao lớn thuộc hàng danh ca được nhiều người mến mộ. Để thay thế một Hồng Nga quả khó như mò trai đáy biển . SKCL đang ngày càng thiếu những NS trẻ hát dàn bao tài danh như thế.

    Việt Khang

    (Theo Báo sân khấu)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  3. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    NS Hồng Nga đã từng lấy không biết bao nhiêu là nước mắt khán giả khi bà đóng vai bà Hương cả (mẹ của Nguyệt) trong vở tuồng kinh điển Tô Ánh Nguyệt.


    NS Hồng Nga và NSND Diệp Lang trong Tô Ánh Nguyệt

    Thời điểm đó (1985), đoàn 2-84 luôn sốt vé khi trình diễn kịch bản này với bộ tứ Minh Vương – Lệ Thủy – Diệp Lang – Hồng Nga.

    Sau này khi dựng lại năm 1998, NS Hồng Nga lại một lần nữa làm khán giả nao lòng khi bà diễn như là thật, khóc thật nhiều cho vai diễn của mình. Bà khóc không chỉ cho vai bà Hương cả mà cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam thời Pháp thuộc.

    Một vai diễn để đời khác của NS Hồng Nga là vai Bà Sáu (mẹ của cô Hương) trong vở tuồng Nửa đời Hương Phấn. NS Hồng Nga diễn tỉnh rụi, làm khán giả phải bật cười chỉ vì vài câu thoại ở những phân đoạn có pha chút chất hài. Bà lại lấy nước mắt khán giả khi sự thật về nghề nghiệp của con gái mình trên Sài Gòn bị phơi bày.

    Những năm gần đây, NS Hồng Nga cộng tác thường xuyên với Sân khấu kịch Sài Gòn của NS Phước Sang. Bà lại khóc – cười hàng đêm theo từng nhân vật trong những vở bi kịch hay hài kịch ở sân khấu này.




    NS Hồng Nga và danh hài Hoài Linh trong một vở trên SK Kịch Sài Gòn

    Mãi mãi trong lòng khán giả luôn nhớ về nghệ sĩ Hồng Nga với hai mặt luôn đối nghịch nhau : vai hiền từ hay vai độc ác, loại vai nào bà cũng làm khán giả hài lòng.


    Tham gia phụ diễn trong Liveshow của CS Đàm Vĩnh Hưng

    Hiện nay, sau những chuyến lưu diễn nước ngoài hay sau từng đêm diễn trên sân khấu kịch, NS Hồng Nga lại trở về mái ấm của mình ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuổi già của bà trông thật thảnh thơi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  5. minhle
    Avatar của minhle
    Cô Hồng Nga đúng là đa tài. Vai gì diễn cũng hay hết
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. suka
    Avatar của suka
    Thứ Hai, 14/01/2008, 13:47 (GMT+7)
    Nghệ sĩ Hồng Nga: Phong trần để gió cuốn đi!


    TTCT - Trong các ngày 16, 17 và 24-1-2008, live show “48 năm nước mắt, nụ cười!” của nghệ sĩ Hồng Nga sẽ diễn ra tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) với qui mô lớn nhất từ trước đến nay trong giới cải lương.


    Những ngày này, 63 tuổi, bà vẫn một mình phong trần trong gió bụi đường xa trên chiếc xe máy cũ, bươn bả xuôi ngược từ Lái Thiêu về Sài Gòn lo cho các đêm diễn. Những thăng trầm vinh nhục của cả một kiếp người làm vui cho thiên hạ, bà thả trôi vào gió trong tiếng cười giòn tan nghe như muốn khóc!

    Live show của nghệ sĩ Hồng Nga có đến bốn danh hài Bảo Quốc, Phước Sang, Quyền Linh, Anh Vũ làm MC theo lối tấu hài, bởi bà nói với đạo diễn bằng cái giọng lúc nào cũng giỡn giỡn, quậy quậy của mình: “Tôi rất sợ không khí nghiêm trọng. Cái gì cũng nghiêm trọng quá chắc chết!”. Đời bà kể ra có quá nhiều chuyện đau lòng; hài hước, têu tếu là cách bà giấu nỗi buồn, quên nỗi đau để sống tiếp.

    Bà cười, nhớ xa xăm: “Đời này chắc không ai nếm cảnh khổ qua tôi. Đã bao lần tôi như chết nửa con người, chân khuỵu xuống mà vẫn phải chống đỡ nửa tỉnh nửa mê bước ra sân khấu. Khán giả khen tôi diễn hay quá, đồng nghiệp hỏi tôi tại sao khóc dữ quá, nhưng họ đâu biết là tôi đang khóc cho chính mình. Sống như vậy nên chưa bao giờ tôi diễn giả vờ trên sân khấu. Thôi thì cứ cho là cái nghiệp. Đắng cay mình nhận để làm ra mật ngọt cho đời!”.

    Đoạn trường tình mẹ!

    Cớ gì phải xin!

    Dù được khán giả yêu mến nhiều đến vậy, nhưng đến bây giờ Hồng Nga vẫn chưa là nghệ sĩ ưu tú trong khi diễn viên hàng con cháu đã ưu tú cả rồi. Chuyện này gây xôn xao một thời khi báo chí đứng về phía bà, nhắc lại bà cười xòa rất ư giang hồ: “Thôi bỏ đi, tôi không làm đơn xin nghệ sĩ ưu tú nữa. Nếu thấy tôi xứng đáng, Nhà nước hãy phong danh hiệu cho tôi, không thì thôi vậy”.

    Từ năm 2000, vở kịch Mẹ yêu nổi đình nổi đám trên sân khấu Kịch Sài Gòn, ăn khách từ năm này qua năm kia, vai bà mẹ của Hồng Nga gây chấn động khán giả, giúp bà đoạt giải Cù nèo vàng.

    Trên sân khấu, bà mẹ già lụm cụm, cả đời lo cho đàn con thành tài, bây giờ chúng tị nạnh nhau nuôi mẹ, than tốn than phiền. Chỉ khi biết bà có gia tài để lại, chúng tranh nhau nuôi bà xem ai nuôi tăng ký hơn sẽ được phần nhiều. Đứa con cả của bà đã nhẫn tâm đến mức cho mẹ uống thuốc tăng trọng như... heo. Bà mẹ run rẩy, khóc ngất khi phát hiện sự thật.

    Vậy mà không một lời trách mắng, bà thủ thỉ kể với con bằng tiếng nấc: “Hồi còn nhỏ con lúc nào cũng quấn quít mẹ, con đau bệnh mẹ bế trên tay cả đêm, đói lòng hai mẹ con nhường nhau chén cơm, con nói khi mẹ chết con sẽ chết theo...”. Chẳng còn khoảng cách giữa sân khấu và đời thường, khán giả thổn thức cùng nghệ sĩ Hồng Nga trong nỗi buồn mênh mang lan từ sân khấu ra cuộc đời. Riêng với Hồng Nga, kịch là đời, đời thật của bà cũng đoạn trường không kém.

    Hồng Nga diễn tuyệt hay trong những vai bà mẹ phải đau khổ rứt ruột xa con, xa cháu như trong tuồng Tô Ánh Nguyệt, Kim Vân Kiều, Thái hậu Dương Vân Nga... và tạo ấn tượng đặc biệt như vai bà mẹ nghèo lên thăm con trong một gánh hát ở vở kịch Tình nghệ sĩ gây sốt vé những năm 1990-1991. Khi xem những vai diễn đó, nhiều khán giả xé lòng với nhân vật của Hồng Nga nhưng mấy ai biết lòng bà đau thật như trăm ngàn mối cắt...

    Hồng Nga bảo: “Tôi thật tình nhờ ơn cách mạng. Không có mấy ổng vô chắc suốt cuộc đời tôi trả nợ góp!”. Thời trẻ, trước 1975 bà nổi như cồn với những vai khắc dấu ấn trong tim khán giả như bà giáo Lan khóc đời lẻ mọn trong Tuyệt tình ca, mẹ của cô Hương bất lực nhìn chồng đuổi con trong Nửa đời hương phấn..., nhưng chỉ là những vai đào mụ, catsê không nhiều, không đủ nuôi nổi năm đứa con, Hồng Nga phải chuyên mượn nợ góp. Tới cuối tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, lương đã bị trừ hết, cô đào trẻ đành cắn răng mượn nợ tiếp gửi về cho mẹ nuôi con.

    Rồi có mượn nợ cũng chẳng đủ lo cuộc sống, Hồng Nga nuốt nước mắt gửi một đứa con gái 10 tuổi cho người em nuôi giúp, một đứa con gái khác 9 tuổi cũng được một người bạn thân nhận nuôi cho. Sài Gòn giải phóng bất ngờ, hai gia đình kia đem theo những đứa con của Hồng Nga cùng di tản. Hai cô bé được gửi sang Đức, rồi biệt vô âm tín. Hơn 20 năm sau, năm 1995, lần đầu tiên được mời sang Đức diễn, Hồng Nga đã khóc nức nở vì nhớ con. Nghệ sĩ Bảo Quốc mới kể câu chuyện hai đứa con thất lạc của bà cho khán giả Việt kiều nghe. Mọi người ồ lên, đề nghị kiếm giúp. Hồng Nga nửa mừng nửa lo đưa ra cái địa chỉ cũ bà cất giữ mấy chục năm trời, ai ngờ chỉ ngay sáng hôm sau đã nhận được điện thoại báo đã tìm ra manh mối. Lòng nóng như lửa, nhưng Hồng Nga đành phải về nước vì hợp đồng đã hết, không thể ở lại. Phải hơn một năm sau bà mới có thể sang Đức gặp con.

    Những ngày chờ đợi trong lòng bà buồn tủi, vui mừng lẫn lộn. Bà sợ con không nhìn! Mà thật, khi gặp, cô con gái nhỏ nhìn bà như người xa lạ. Sợ con nghĩ mình đến xin tiền, bà nói với người phiên dịch: “Làm ơn nói với con tôi, tôi thương nó, nhớ nó, tôi chỉ muốn gặp nó, biết nó sống thế nào thôi rồi tôi đi, không làm phiền gì nó đâu”. Khi đứa con giật tay về, nhún vai xa lạ, tim bà nhói đau. Cái khoảng cách mấy mươi năm giữa mấy mẹ con vẫn đè nặng một góc nào đó trong tim bà!

    Giang hồ nửa kiếp - sân khấu một đời!

    Hồng Nga diễn vai buồn khổ lấy nước mắt khán giả như mưa vì thương cảm bao nhiêu thì khi bà diễn vai ác chuyên môn đánh ghen, cho vay nặng lãi, đày ải con dâu, người ở... người xem cười rần rần và ghét cay ghét đắng bấy nhiêu. Có những đứa con nít đã lượm đá ném theo bà sau khi vãn hát vì... bà đóng vai ác đạt quá. Nói với Hồng Nga rằng khi xem tuồng có cảm giác ngoài đời bà rất dữ, thì bà gật đầu: “Đúng, ngoài đời tôi rất dữ. Tôi phải dữ để bảo vệ mình, để đừng bị hiếp đáp, để sống nuôi con vì cuộc đời đã dạy cho tôi như thế. Tôi tuy sống đời như giang hồ nhưng không bao giờ sống hèn, sống giả!”...

    Hồng Nga mồ côi cha năm 3 tuổi, mẹ bà đi bước nữa nên bà thường bị cha kế đánh chửi. Hơn 10 tuổi bà phải đi ở đợ, 15 tuổi bắt đầu bỏ nhà đi hát đám, sau đó theo đoàn hát cải lương vì không chịu nổi sự hành hạ của cha dượng. 16-17 tuổi, vào được đoàn cải lương có tiếng ở tỉnh, ký hợp đồng lương 80.000 đồng/tháng, nhưng thường xuyên bị trả có 30.000, 50.000 đồng. Ức quá, cô diễn viên trẻ chịu hết nổi bỏ đi khi trong túi không có một xu.

    Được một người làm hậu đài trong đoàn cho 30 đồng để cô mua vé về Sài Gòn. Về đến rạp Quốc Thanh, một khán giả từng xem cô diễn thấy thương tình, mướn cho một cái ghế bố, bao cho cô ăn cơm thiếu hằng ngày, thỉnh thoảng cho cô vài trăm tiêu vặt... Đi hát, niềm vui lắm nhưng thân phận một cô đào mụ cũng lắm nỗi ưu phiền. Lương tháng không đủ nuôi con, Hồng Nga còn mang nặng tâm trạng của người thế vai.

    Bà kể buồn buồn: “Tôi hồi đó xấu hoắc à, ra sân khấu khán giả chê nghệ sĩ gì mập lùn, xấu quá; trong khi Bạch Tuyết, Phượng Liên ra là khán giả trầm trồ. Khán giả nói trung thực đó chứ, người ta bỏ tiền mua vé có quyền khen chê. Mình cũng biết thân phận mình nên không bon chen gì. Nhưng tôi buồn một chuyện là hay phải thế vai cho Bạch Tuyết những khi cô ấy bận việc. Có khi hóa trang xong để chuẩn bị diễn thế thì Bạch Tuyết vô tới nơi, chủ gánh hát hối mình lau mặt cho lẹ...”.

    Rồi Hồng Nga lấy chồng, đến bốn đời chồng, sinh được năm mặt con. Bà ngậm ngùi: “Chưa có người chồng nào đưa tôi được một hộp sữa nuôi con, nói được với tôi một câu tình nghĩa!”. Người chồng cuối, đi hát với nhau, xe bể bánh, ông đứng hút thuốc, bà bò lăn ra thay bánh xe. Ở với nhau mười năm, ông bảo ông thương người khác rồi, bỏ bà cái rụp. Ngày ông đến với bà hoàn toàn tay trắng, khi đi, nhà có chiếc giường ông cũng mang theo.

    Rồi Hồng Nga một mình vừa đi hát vừa làm đủ thứ để nuôi con. Hồng Nga chơi hụi, đi buôn, rồi bị giựt hụi, giựt tiền... nợ nần ngập đầu, tưởng phải tự tử, bỏ xứ hay làm những chuyện hạ đẳng nhất để sống, để trả nợ. Những lúc như thế bên Hồng Nga luôn có khán giả giúp đỡ, vực dậy. Rồi sân khấu cho bà những vai diễn, những show diễn liên tiếp trong và ngoài nước để bà tạo dựng lại cuộc đời. Bà lại cống hiến cho đời những vai diễn hay.

    Bà đoạt giải Mai vàng, giải diễn viên hài được khán giả yêu thích nhất. Hai nhân vật “bà già giang hồ” của bà trong Xóm Gà và Phận làm trai ở Liên hoan sân khấu xã hội hóa năm 2006 khiến sàn diễn tưng bừng, khán giả vừa khóc vừa cười vừa thương vừa giận, vở diễn đoạt giải liên hoan, đoạt luôn giải Cù nèo vàng năm đó...

    Nhớ ân nghĩa khán giả, Hồng Nga dám mượn nợ hơn cả trăm triệu đồng để đầu tư vào live show của mình để không phụ lòng người mua vé. Bà bảo dù live show này có lỗ đi nữa bà cũng sẽ trích ra 200 triệu đồng ủng hộ người nghèo. Không chỉ bây giờ, mà từ lâu lắm rồi, nhớ về gần nửa cuộc đời sống lang bạt giang hồ của mình luôn được khán giả bảo bọc, những khi đi hát về khuya, đường vắng, thấy một người già co ro nơi đầu cầu hay góc phố, bà quay xe lại dúi cho họ năm mười ngàn đồng.

    Từ hơn mười năm nay, khi cửa nhà êm đẹp, bà nhận bảo trợ gạo mắm hằng tháng cho hơn mười người già ở gần nhà mình với tâm niệm tri ân cuộc đời, tri ân tổ nghiệp đã cho bà đi trọn một nghiệp hát lắm tiếng khóc cười. Đêm nằm gác tay trên trán, bà cố nhớ xem còn nợ ai không để trả cho xong. Bây giờ vui buồn gì bà cũng cười tiếu lâm để gió cuốn đi, chỉ có nghề hát là bà xin ở lại với mình!

    HÒA BÌNH
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. The Following 2 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:


  8. suka
    Avatar của suka
    "Tôi diễn bằng chính nỗi đau của mình"


    “Đêm nào cũng lủi thủi đường xa về một mình, vào nhà lại thấy trống trước trống sau, chỉ có mình với mình, tủi thân lắm”, Hồng Nga bùi ngùi, sau suất diễn tại sân khấu Kịch Sài Gòn.


    Hồng Nga được xem là chuyên gia lấy nước mắt khán giả. Trong hàng loạt vở diễn như Tình nghệ sĩ, Mẹ yêu, Đón con về... chị đều vào vai những bà mẹ quê mùa, tận tụy, hy sinh cho con khiến người xem cảm động. Chị thở dài: “Nếm trải biết bao chuyện đời rồi, cho nên đụng tới là đủ buồn đủ khóc, không cần phải diễn gì nữa”. Cái chuyện đời dài suốt mấy chục năm, từ lúc còn là cô bé 3 tuổi, mồ côi cha, mẹ đi thêm bước nữa; đến lúc thành cô bé 14 tuổi ở quận 4, bưng rổ chanh, ớt, đĩa nhựa ra lề đường ngồi bán, rồi thành cô đào một nách 5 đứa con trôi dạt hết gánh này đến bãi kia.

    Ông thầy Tám Đen đã dạy Nga hát trong những giờ nghỉ bán, có lúc đã phải cưu mang chị và bầy con nheo nhóc. May nhờ giọng ca trong trẻo, làn hơi rất khoẻ nên cũng được mời diễn liên tục. Nhưng chị nghèo lắm, nghèo vì 5 đứa con không trông cậy vào cha và khổ vì những cuộc tình nghệ sĩ lông bông; không một người chồng nào biết nâng đỡ vợ con.

    Kể từ khi bôn ba tấu hài ở các tụ điểm vào khoảng 1979-1980, rồi đoạt danh hiệu diễn viên xuất sắc trong cuộc thi hài Nhà hát Hoà Bình năm 1996, chị mới bước vào những vở kịch dài có đủ nước mắt, tiếng cười. Giờ đây, cái khả năng đóng vai độc, lẳng, mùi trong cải lương của chị mới có đất dụng võ. Hồng Nga muốn khán giả cười là cười, khóc là khóc, ghét là ghét. Chị cũng là một diễn viên lão thành đầy sức khoẻ. Tết này, chị diễn liền tù tì mỗi ngày 3 suất, gần 12 giờ đêm phóng Honda như bay về Lái Thiêu trong cái gió lạnh của xa lộ thênh thang.

    57 tuổi rồi nhưng nỗi buồn vẫn còn đeo đẳng. Trẻ buồn vì chồng, già lại tâm tư vì con. Căn nhà cứ rộng thêm vì thiếu tình thương hòa thuận.

    nguồn : Việt Báo

    Đây là ảnh ns HN chụp với trái mướp mà cô trồng ở vườn nhà.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following User Says Thank You to suka For This Useful Post:


  10. BienCTDM
    Avatar của BienCTDM
    Ba mẹ Biển và Biển rất ngưỡng mộ cô . Biển mong có dịp được nói chuyện với cô !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL