Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
  1. MEM
    Avatar của MEM
    Bữa có nghe NSND Viễn Châu có đưa báo NLD quyển hồi ký, mừng thầm trong bụng vì với tuổi đời gần 100 và gắn bó với cải lương từ giai đoạn tiền phong, chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện hay về cải lương cũng như những câu chuyện phía sau bức màn nhung. Chờ mãi, giờ NLDO mới bắt đầu cho trích đăng loạt bài này.

    Trang nhà đăng lại cho cả nhà cùng chia sẻ nhé!



    Gã si tình nặng nghiệp cầm ca


    Viết kịch bản lăng xê Thanh Nga; sáng tác “Tình anh bán chiếu” dành cho Út Trà Ôn; phát hiện, đào luyện “Tư Ếch” Văn Hường, “Chàng là ai” Lệ Thủy, “Mai Đình” Kim Ngọc… Những nội dung trong loạt bài này của soạn giả - NSND Viễn Châu cũng là một phần cuốn hồi ký mà ông sẽ ra mắt nay mai.

    Chuyến xe định mệnh

    Không biết vì sao NSND Năm Châu thường gọi tôi là “tía nó”. Mãi đến giờ, tôi vẫn còn hối hận vì chưa lần nào có cơ hội “tra cứu” cách gọi thân thương và ngộ nghĩnh này của anh

    Nghệ sĩ Kim Cúc và NSND Năm Châu trong vở Vợ và tình. Ảnh do nghệ sĩ Hồng Dung cung cấp


    Một thân, một mình, tôi lên Sài Gòn năm 1943, khi vừa 19 tuổi, bỏ lại sau lưng quá khứ say mê đờn ca tài tử. “Bảo bối” hiểu biết về nghề hát của tôi chỉ là những dịp được xem các gánh ùa về làng sau mùa gặt. Nhờ ba tôi là hương cả xã Đôn Châu (nay thuộc huyện Trà Cú - Trà Vinh) nên anh em nhạc công, nghệ sĩ, cả mấy ông bầu đều được mời đến nhà đờn ca, ăn uống no say. Tôi có dịp lân la làm quen, học lóm các ngón đờn. Vậy đó, mê riết rồi tôi quyết định ra đi...

    Bước vào đam mê
    Đến Sài Gòn, tôi tá túc nhà anh bạn trên đường L’Eglise (nay là Trần Bình Trọng, quận 5 - TPHCM) rồi hỏi thăm, tìm đến nhà nhạc sĩ Jean Tịnh, Trưởng Ban Cổ nhạc Đài Phát thanh Sài Gòn, phụ trách chương trình cổ nhạc mà ở Trà Vinh ngày nào tôi cũng lắng nghe. Gặp tôi, anh hỏi: “Chú em biết đờn cây nào?”. “Dạ, cây nào em cũng học được một chút nhưng có lẽ rành đờn tranh”. “Vậy đờn thử coi”.

    Tôi đờn bản Nam Xuân. Lúc đó, tôi không tính chuyện người ta có nhận mình hay không, chỉ nghĩ đến một ngày không xa, ba mẹ tôi nghe được tiếng đờn của Bảy Bá trên sóng radio nên bài bản réo rắt, khoan thai. Nhạc sĩ Jean Tịnh chấp thuận ngay. Tôi được thu nhận vào ban nhạc toàn những danh cầm đương thời: Jean Tịnh (violon), Chín Hòa (kìm), Bảy Hàm (cò), Hai Biểu (tranh), Hai Thanh (kìm) và tôi (tranh). Danh ca thời đó ở đài là những giọng hát mà tôi mê mỗi khi nghe radio, nay được ngồi đờn để họ ca thì còn gì sung sướng cho bằng: Năm Cần Thơ, Ba Vĩnh Long, Ngọc Nữ, Tư Bé (Kim Danh)…

    Một hôm gặp nhau, anh Mười Còn, một nhạc sĩ mà tôi may mắn quen biết, nhấn mạnh: “Gánh anh Năm Châu chuẩn bị lưu diễn cuốn chiếu từ đây ra Hà Nội hát dài hạn, chú đi không?”. Tôi nghe mà như mở cờ trong bụng vì đờn ở đài hoài cũng chán, không mở mang nghề nghiệp gì được. Tôi dọ hỏi: “Sao anh Mười lại kêu tôi?”. “Sáu Quý đờn tranh của gánh anh Năm vì bệnh không thể đi theo”.

    Hai ngày sau, chuyến xe lửa chở Đoàn Việt kịch Năm Châu đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ, hát ở điểm nào cũng đông. Đó là lần đầu trong đời tôi được đi xe lửa ra tới tận Hà Nội, thấy cuộc đời của một thanh niên 19 tuổi sao đáng yêu đến vậy. Trước mặt là một chân trời mới mà tôi sẽ học hỏi, khám phá nhiều điều mới lạ cho ngón đờn của mình...

    Ở gánh Năm Châu, kỹ thuật, lề lối đâu ra đó. Anh Năm là người dễ gần gũi, có ánh mắt sáng rực và nụ cười chân thành. Nghe tôi đờn, anh thường biểu hiện sự đồng cảm bằng cách gật đầu rồi rít một hơi thuốc. Tôi nghe danh anh Năm khá lâu. Không ở đâu xa, ngay trong ban nhạc cổ Đài Phát thanh Sài Gòn, hễ nhắc tới tên anh (tác giả Nguyễn Thành Châu), ai cũng nể. Tiếng lành về một người tài giỏi trong giới được truyền xa và tôi luôn khao khát có dịp gặp anh. Thì nay, tôi đã ngồi trong ban nhạc cổ của gánh hát anh Năm, diễn suốt 2 tháng rưỡi từ Sài Gòn ra Hà Nội.

    “Cặp đôi hoàn hảo”
    Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chánh sáng giá nhất của ban cải lương thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông. Thế nhưng, anh lại không đoán được số phận long đong của con tim mình, mà có lẽ đây cũng là cái bệnh chung (khó trị) của giới nghệ sĩ.

    Năm 1925, khi kép Hai Giỏi, con của bầu Hai Cu - gánh Nam Đồng Ban, mất do bạo bệnh, anh Năm được mời về thế vai. Đào chánh hát cặp với anh là chị Bảy Phùng Há, lúc đó cũng được mời về hát thế cho cô Năm Phỉ (chị NSND Bảy Nam, dì NSND Kim Cương), buồn vì chồng là nghệ sĩ Hai Giỏi mất đã bỏ đi biền biệt. Hai người tài Năm Châu - Phùng Há nhanh chóng trở thành “cặp đôi hoàn hảo” vì xứng đào, xứng kép. Nam Đồng Ban phất lên đến đỉnh huy hoàng.

    Theo tâm sự của Năm Châu sau này, mối tình chớm nở giữa anh và chị Bảy Phùng Há đã bị chia cắt khi xuất hiện nhạc sĩ Tư Chơi. Năm 1927, chị Bảy thành hôn với nhạc sĩ này. Anh Năm buồn tình bỏ Nam Đồng Ban để qua đoàn Trần Đắc. Tôi còn nhớ anh kể với giọng trầm buồn, đôi lúc nghèn nghẹn: “Tía nó biết không, tôi hay tin cô Bảy chia tay với Tư Chơi khi Bửu Chánh (con gái NSND Phùng Há) mới 3 tuổi. Cô về gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử (Phước George), muốn làm bầu để trả đũa Tư Chơi phụ mình mà theo cô đào Kim Thoa. Biết chuyện, tôi muốn rời đoàn Trần Đắc để về gánh Huỳnh Kỳ thì ông bầu Trần Đắc Nghĩa đã kẹp công tra (hợp đồng) nên không xoay xở kịp. Một lần nữa, tôi trễ tàu nhìn cô Bảy sánh duyên với Bạch Công Tử”.
    Tôi biết ở gánh Trần Đắc, anh Năm đã hát cặp với cô đào chánh Sáu Trâm. Anh Năm đã bỏ ra biết bao công phu để đào tạo cô đào trẻ này trở thành một ngôi sao sáng rực, sau đó họ thành hôn. Rồi ngang trái lại phủ trái ngang. Gánh Trần Đắc chiêu mộ thêm nhiều cô đào trẻ: Tư Sạng xuất hiện, nổi danh với anh Năm qua vở Lỡ tay trót đã nhúng chàm; Sáu Ngọc Sương nổi lên cùng anh qua Một tối tân hôn; cô Thanh Loan bừng sáng với anh qua Hồn bướm mơ tiên; rồi cô Năm Phỉ khi đã nguôi ngoai, quay về hát với anh cũng được khen ngợi qua Huyền Châu Nữ, Túy Hoa vương nữ... Lúc này, cô Sáu Trâm ghen tức, cho rằng anh Năm o bế mấy cô đào, nhất là có “tình ý” với Tư Sạng. Đang trong đêm hát, cô Sáu Trâm rời đoàn trong sự ngơ ngác của các nghệ sĩ.

    “Tía nó biết không, chuyện gì tới đã tới. Tôi gá nghĩa với Tư Sạng, sinh con đẻ cái thì bên kia, cô Bảy đã chia tay Bạch Công Tử, gánh Huỳnh Kỳ rã trong mùng 2 Tết” - giọng anh Năm nặng trĩu nỗi lòng. Anh Năm ở với cô Tư Sạng có 5 người con. Năm 1948, anh chung sống với người vợ thứ ba là chị Kim Cúc, con gái của kịch sĩ tiền phong Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu) và có thêm 6 người con…

    Kỳ tới: Kho báu đầu đời


    NSND Viễn Châu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 8 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (26-05-2012), danhmat (23-05-2012), DOHOANG (28-05-2012), Dungnoixanhau (25-05-2012), Giang Tiên (22-05-2012), khaltt (23-05-2012), romeo (23-05-2012), Thanh Hậu (22-05-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Kì nào cũng hay hết, kì sau về mối tình hai nghệ sĩ tài danh Út Bạch Lan, Thành Được coi bộ đẹp và hấp dẫn. Đón xem !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    10Cuong (26-05-2012), Dungnoixanhau (25-05-2012), romeo (25-05-2012)

  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Giống xem phim truyện dài tập quá.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    Dungnoixanhau (25-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (26-05-2012)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Mời cả nhà nghe lại bài vọng cổ kinh điển:

    Bạn đang Nghe bài hát Tình anh bán chiếu do Út Trà Ôn trình bày và được phát tại website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Dungnoixanhau (25-05-2012), Giang Tiên (26-05-2012), minhle (28-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (26-05-2012)

  9. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Mối tình Út Bạch Lan - Thành Được




    Cuộc hôn nhân Thành Được - Út Bạch Lan có hôn thư giá thú, đám cưới tổ chức long trọng. Sau đó, về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, cả hai tiếp tục tạo dấu ấn qua nhiều vở cải lương. Khi ấy, bóng dáng nghệ sĩ Thanh Nga đã xuất hiện trong cuộc tình của họ…

    Tháng 5-2012, nghệ sĩ (NS) Phượng Liên và NS Mai Thế Hiệp từ Mỹ điện thoại về xin phép tôi tổ chức 2 suất hát tại California - Mỹ. Tôi hỏi duyên cớ gì, Phượng Liên nhắc: “Đã nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên của bác Bảy rồi, tụi con làm để cảm ơn bác đã viết cho đời, cho NS thể loại này”. Tôi mừng nhất khi hay tin NS Thành Được sẽ xuất hiện trong 2 đêm hát.

    Tình duyên đưa đẩy

    Thành Được - người được mệnh danh “ông vua không ngai” - tên thật là Châu Văn Được, bước lên sân khấu năm 1954 trong gánh hát của người chú, lúc đó chỉ đóng thế vai vì một NS bị bệnh. Thế mà 2 năm sau, tên tuổi Thành Được đã nổi bật trong vai Tô Điền Sơn (tuồng Khi hoa anh đào nở của Hà Triều Hoa Phượng) cùng Thúy Nga, cô đào thương sáng giá ở Đoàn Thúy Nga.

    Năm 1958, Thành Được về Đoàn Kim Chưởng, sau đó tới Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, rồi trở lại Kim Chưởng. Lúc này, tôi gặp NS Thành Được, viết tặng anh bài Biệt kinh kỳ. Trong 2 đêm hát ở Mỹ mới đây, anh đã hát lại bài này dù đã 79 tuổi.


    Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan năm 1960 ẢNH TƯ LIỆU CỦA NSND VIỄN CHÂU




    Tình duyên đưa đến, năm 1962, cặp NS tài danh Út Bạch Lan - Thành Được lập đoàn hát mang bảng hiệu Thành Được - Út Bạch Lan. Đến năm 1967, Thành Được đoạt HCV Giải Thanh Tâm với vai diễn tướng cướp Thi Đằng (Tiếng hạc trong trăng). Lúc mới quen, tôi dò hỏi vì sao lấy nghệ danh Thành Được, anh cười giải nghĩa: “Em lấy chữ Thành từ sự kính nể giọng ca của người đàn anh là Thành Công, ghép với chữ Được là tên cúng cơm. Có một dạo em muốn lấy tên Út Được vì cũng thích danh ca Út Trà Ôn nhưng lại thôi”.


    NSND Viễn Châu và NSƯT Út Bạch Lan (ảnh Thanh Hiệp)

    Chất giọng của Thành Được mang hương vị ngọt hậu. Giọng thoại của anh nghe sang trọng, trí thức. Nhờ đó mà những vai trong các tuồng xã hội, anh diễn rất đạt, như Lĩnh Nam - Sân khấu về khuya. Tuy vậy, tướng cướp Thi Đằng vẫn là vai độc đáo nhất, là đỉnh cao trong sự nghiệp ca diễn cải lương của Thành Được. Sau này, anh có thêm các vai tuồng ấn tượng: Tùng (Nửa đời hương phấn), Văn (Con gái chị Hằng), Diệp Băng Đình (Thuyền ra cửa biển), Điệp (Lan và Điệp)...


    “Kép hát thượng thặng”

    Năm 1957, khi bộ tứ bầu gánh Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao rã phần hùn, giải tán Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn, NS Thúy Nga quy tụ một số NS cũ của gánh, thành lập Đoàn Thúy Nga - Phước Trọng, mời NS Thành Được làm kép chánh trong 2 năm. Sau đó, đoàn trình diễn vở Khi hoa anh đào nở với kép chánh Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn, đã thành công lớn về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu.


    NS Thanh Tú, NSƯT Út Bạch Lan, NSND Ngọc Giàu và NS Trang Bích Liễu trong chương trình Làn điệu phương nam năm 2007 (ảnh Thanh Hiệp)


    Trong 3 nam NS ăn khách nhất bấy giờ: Hữu Phước, Thành Được và Hùng Cường thì tuy Thành Được có giọng ca truyền cảm kém hơn Hữu Phước nhưng hơn hẳn Hùng Cường; về sắc vóc thì Thành Được đẹp trai hơn Hữu Phước và khôi ngô không kém Hùng Cường. Vì thế, một dạo điện ảnh miền Nam đã có sự tham gia của 2 nam NS này...




    NS Thành Được và các nghệ sĩ tham gia đêm vinh danh soạn giả NSND Viễn Châu tại Mỹ (13-5-2012) (ảnh: Hùng Lý)


    Tuy nhiên, theo tôi, nếu gọi là đạt chuẩn về giọng ca thì phải nói đến Hữu Phước và Thành Được. Còn Hùng Cường, từ ca nhạc chuyển sang, cuộc dạo chơi của anh rất bảnh, ghé vào khóm hoa nào cũng thơm ngát mùi hương nhưng về diễn xuất không thể có bề dày để quyền biến như 2 NS kia. Hơn nữa, Thành Được và Hữu Phước có nhiều thuận lợi hơn vì được nhiều soạn giả tài danh đương thời cung ứng tuồng mới, “đo ni đóng giày” để nắm bắt nhiều cơ hội biểu dương tài năng ca diễn.

    Ký giả Nguyễn Ang Ca (soạn giả Ngọc Huyền Lan) hồi đó đã tặng biệt danh “Giọng ca vàng” cho Hữu Phước và “kép hát thượng thặng” cho Thành Được.


    Sân khấu - cuộc đời

    Từ Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn tách ra, bà Kim Chưởng cũng lập gánh hát riêng, ký ngay hợp đồng với NS Út Bạch Lan và NS Thành Được sau khi anh rời gánh Thúy Nga. Đoàn Kim Chưởng hồi đó nổi danh là “Anh hùng lưu diễn” vì đi đến sân bãi nào thì… cỏ không thể mọc nổi do khán giả quá đông.


    NSƯT Út Bạch Lan năm 1960 (ảnh do ông Tăng Văn Trọng cung cấp)

    Khán giả say mê những vai diễn của Thành Được - Út Bạch Lan qua các vở tuồng: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp Thành Bát Đa… Chính cuộc tình thắm đượm nhân nghĩa trên sân khấu đã xe mối lương duyên để cả hai trở thành đôi uyên ương ngoài đời.



    NSƯT Út Bạch Lan viếng mộ cố NSƯT Thanh Nga (ảnh Thanh Hiệp)

    Tôi còn nhớ tại Đoàn Kim Chưởng, cuộc hôn nhân của Thành Được - Út Bạch Lan có hôn thư giá thú, đàng trai được cô Bảy Phùng Há đứng chủ hôn, bên đàng gái có bà bầu Kim Chưởng. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả và NS tài danh đều được mời tham dự.

    Đầu năm 1962, Út Bạch Lan và Thành Được rời gánh hát của bà Kim Chưởng để về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Cả hai tiếp tục tạo dấu ấn qua các tuồng: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, Chuyện tình 17, Tình Xuân muôn tuổi, Rồi 30 năm sau, Giấc mộng giữa hoàng lăng... Khi ấy, bóng dáng NS Thanh Nga đã xuất hiện trong cuộc tình của họ…


    Cuộc hội ngộ hiếm hoi của bộ ba: cố NS Ngọc Nuôi (vai Diệu), NS Thành Được (vai Tùng) và NSƯT Út Bạch Lan (vai Hương) trong trích đoạn Nửa đời hương phấn tại Nhà hàng Thành Được - San Jose năm 2005 (ảnh do MC Thanh Tùng cung cấp)

    Tình duyên đào - kép thường đến rồi đi, sum vầy đó rồi lại chia biệt đó... Theo tôi, không thể đổ lỗi do ai, vì ai, mà chỉ nên xét về mặt hiệu quả của nghề hát. Cuộc tình Thành Được - Út Bạch Lan đã để lại cho đời nhiều vai diễn hay, nhiều bài ca cổ bất hủ cùng năm tháng, bởi trong lời ca dạt dào tình cảm có phần đời của chính họ.

    Như em út trong nhà
    Tôi thương Út Bạch Lan và Thành Được như em út trong nhà.
    Khi ở Đoàn Kim Chưởng, vì một lý do khách quan mà Thành Được phải ngồi tù vì bị tòa tuyên vi phạm quy tắc hợp đồng với bà bầu. Tôi đã viết bài ca cổ Đêm lạnh trong tù, sau đó Thành Được thu dĩa bán rất chạy. Còn soạn giả Quy Sắc thì viết bài Xách cơm vô khám nuôi chồng, khán thính giả nghe rất xúc động với giọng ca “sầu nữ” Út Bạch Lan…


    Kỳ tới: Tri ngộ “Tư Ếch” Văn Hường
    Tình cờ, tôi phát hiện kép trẻ Văn Hường, nhận thấy sự tếu táo trong cách ca, cộng thêm làn hơi lạ của anh. Tôi rỉ tai chủ hãng dĩa Hồng Hoa: “Mời Văn Hường về hãng mình đi anh, tôi sẽ có cách làm cho anh ấy nổi tiếng”…


    NSND Viễn Châu (Theo nld)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 6 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    Duongtonhu (29-05-2012), MEM (27-05-2012), minhle (28-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (26-05-2012), Thanh Hien (29-05-2012)

  11. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Hay quá trời hay luôn, cái tấm hình Út Bạch Lan ngày xưa đẹp không thể tả nổi luôn, .. Cờ tiếp kì sau, giống một câu truyện nhiều tập quá !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following User Says Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    romeo (28-05-2012)

  13. MEM
    Avatar của MEM
    Mời cả nhà thưởng thức 1 bài ca cổ của đôi tài danh Thành Được - Út Bạch Lan: Cây khô tưới nước cũng khô.

    Bạn đang Nghe bài hát Cây khô tưới nước cũng khô do Thành Được , Út Bạch Lan trình bày và được phát tại website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Giang Tiên (29-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (28-05-2012)

  15. MEM
    Avatar của MEM
    Tri ngộ “Tư Ếch” Văn Hường

    “Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện nghệ sĩ Văn Hường” - một nhật báo ở Sài Gòn thời đó nhận xét

    Năm 1959, khi đi nghe ca tài tử ở quán Lệ Liễu tại Giải trí trường Thị Nghè - Sài Gòn, tôi phát hiện lối ca của anh kép trẻ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường, SN 1934, quê Thủ Đức). Tôi xem nơi đây là nợ duyên từ buổi đầu tri ngộ với Văn Hường. Quán Lệ Liễu hồi đó được xem là điểm hẹn, nghệ sĩ (NS) lưu diễn xa về Sài Gòn thường ghé đến đây.


    Từ năm 1957, Văn Hường đã hát tại quán này cùng với các NS: Lệ Liễu, Thanh Hoa, Huệ Nhi, Bạch Huệ… và hai danh cầm Năm Cơ, Văn Vỹ. Trong giới tân nhạc, Tùng Lâm, Xuân Phát, Kim Vui, Phi Thoàn, Thanh Hùng, Tòng Sơn… cũng thường tới lui quán Lệ Liễu ca hát.


    Cuộc soán ngôi ngoạn mục

    Lúc này, dù có chất giọng mùi nhưng Văn Hường cố bắt chước Hề Minh ca bài Chồng già vợ trẻ do tôi viết vẫn chưa đạt tới mức chấp nhận. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự tếu táo trong cách ca, cộng thêm làn hơi lạ của anh. Tôi rỉ tai chủ hãng dĩa Hồng Hoa: “Mời NS này về hãng mình đi, tôi sẽ có cách làm cho anh ấy nổi tiếng”.


    Đám cưới NS Văn Hường năm 1964
    (người áo mang kính đen là nhạc sĩ Văn Vĩ) (ảnh Huỳnh Công Minh)



    Nhờ theo ban nhạc cổ Năm Cơ - Văn Vỹ, thường nhận đờn hát chầu, đám cưới, đám giỗ… và thường trực ở quán Lệ Liễu nên Văn Hường có được cơ duyên rèn nhịp, giũa hơi. Tôi đã viết bản Đêm tân hôn cho Văn Hường và dĩa hát này thành công như mong muốn. Tiếp đó, hãng dĩa ký công tra (hợp đồng), Văn Hường soán ngôi Hề Minh một cách bất ngờ khi tôi tiếp tục bung các dĩa: Pháp sư giải nghệ, Tôi đi làm rể, Ông địa núi Tà Lơn, Ông Trượng và Tiên Bửu (ca với Phượng Liên), Nồi nào úp vung nấy (ca với cô Ba Thanh Loan và Túy Phượng)...


    Xét về lối ca, Văn Hường mới hơn, kỹ thuật sắp nhịp hay, độc đáo không kém gì “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn nhưng biết cách biến hóa. Hề Minh có cái hay nhưng lối ca đã xưa, hành văn sắp nhịp quá hiền và cứng nhắc. Tuy nhiên, để có cuộc soán ngôi thì tự thân Văn Hường khó mà làm được. Khi tôi chọn cách viết đúng dấu, đúng chữ, chọn đề tài đúng với sự quan tâm của số đông quần chúng, Văn Hường đã gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.


    Nghệ sĩ Văn Hường khi trai trẻ và lúc về già. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu

    Từ bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 đến những chặng đường thăng trầm của sân khấu cải lương, bài ca vọng cổ đã dung nạp đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố. Tôi tự hỏi: “Tại sao bài ca vọng cổ có thể làm người ta khóc mà không khiến họ cười?”.



    NSND soạn giả Viễn Châu và NS Văn Hường (ảnh do SG Viễn Châu cung cấp)

    Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi định vị bài vọng cổ hài khi thành một tác phẩm phải trải qua ba công đoạn: Sáng tác mang yếu tố hài, giọng ca thể hiện chất hài và nhạc cổ đệm phải biết nhấn nhá chữ đờn hài. Ráp 3 công đoạn này lại sẽ có một trường phái. Thời đó, nhật báo Tiếng Dội nhận xét: “Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện NS Văn Hường”.



    Quyền biến với Tư Ếch

    Không dừng lại ở việc khai thác Văn Hường, không để anh chai lì trong sáng tạo, tôi đặt ra chủ đề Tư Ếch để NS này quyền biến với bài vọng cổ hài đang trên đà thành công. Thế là các dĩa: Tư Ếch đi Sài Gòn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch đi coi cải lương, Tư Ếch đi hội chợ (ca với NSND Ba Vân)… ra đời.

    Tôi dựa theo hơi thở cuộc sống, lấy chuyện lục đục trong gia đình mà viết bài vọng cổ hài. Tôi mượn tính châm biếm khơi gợi ý nghĩa giáo dục. Lời ca và câu chuyện mang tính khuyên nhủ được viết theo tiêu chí: Cười nhưng có trách nhiệm chứ không phải đả phá, châm chọc, phỉ báng. Có lẽ vì thế mà trường phái của tôi được số đông ủng hộ.

    Sau này NS Hoài Linh đã thọ giáo soạn giả NSND Viễn Châu để học ca vọng cổ hài
    và ông đã từng sáng tác bài ca cổ 4 câu "Hoài Linh du xuân ba miền" để tặng Hoài Linh (ảnh Thanh Hiệp)


    Trong bài vọng cổ hài đầu tiên Đêm tân hôn, câu chuyện viết về một đôi vợ chồng mới cưới, sự hoan hỉ đó được tôi tải bằng ca từ trữ tình, vui nhộn để miêu tả tâm trạng tràn ngập hạnh phúc của chú rể, mà NS Văn Hường lại có tài thể hiện ca từ theo trí tưởng tượng. Tôi bảo nhỏ Văn Hường “diễn trong ca”, chỉ vậy thôi mà anh đã làm đúng ý. Vì thế, Đêm tân hôn là phát pháo đầu tiên của trường phái này.



    Từ vọng cổ hài đến kịch bản hài, có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả,
    điển hình là tác phẩm Ngao sò ốc hến của soạn giả NSND Nguyễn Thành Châu.
    Trong ảnh là các NSƯT: Nam Hùng, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu (ảnh Thanh Hiệp)


    Tôi viết thêm nhiều bản, tính sơ Văn Hường đã ca hơn 200 bài vọng cổ hài: Tôi không sợ vợ, Vợ tôi nói tiếng Tây, Năm con vợ, Vợ tôi mê tân nhạc, Vợ tui tui sợ, Vợ tui đẹp ác… Tuy nhiên, không lý chỉ lên án các bà? Gặp tôi vào mỗi sáng đi uống cà phê hoặc hớt tóc, trong khi nhiều ông cảm ơn thì các bà lại mắng vốn: “Không lẽ chỉ có phụ nữ là nhiều khuyết điểm sao?”. Vậy là tôi liền xuống bút viết: Tôi mê tài xỉu, Tôi mê số đuôi, Lá sớ táo quân, Ánh sáng đô thành, Tai nạn Honda…



    Vọng cổ hài phát triển đã có nhiều nghệ sĩ học theo lối ca của NS Văn Hường,
    nổi tiếng sau này có NS Hề Sa (ảnh Thanh Hiệp)


    Tôi nhớ 4 câu thơ trong bài Vợ tui tui sợ: Lỗ đầu ngẫm chẳng có sao/ Băng keo dán lại lấy dầu xức dzô/ Máu ra một lát nó khô/ Nhược bằng cãi lại ô hô sập nhà với lối ca ngâm rất duyên của Văn Hường khiến khán giả thích thú.



    NS hài Bảo Chung và Kiều Mai Lý trong vở Tình mẫu tử của soạn giả Viễn Châu (ảnh Thanh Hiệp)

    Mỗi khi hàng xóm có chuyện hay vợ chồng gây gổ thì nhiều người lại đem 4 câu thơ này ra để khuyên nhủ hãy nhường nhịn. Âu cũng là niềm hạnh phúc cho người viết vọng cổ hài.


    Nặng nghiệp làm bầu

    Tên tuổi NS Văn Hường vươn cao trên thị trường dĩa nhạc và được nhiều đại bang sân khấu mời về hát với cát sê cao ngất ngưởng. Anh trở nên nổi tiếng, cưới vợ, sắm nhà lầu, xe hơi. Vài năm sau, Văn Hường và Thanh Hải hùn vốn thối công tra (đền lại số tiền đã ký hợp đồng với đoàn, thường là gấp 2-3 lần) để lập gánh hát mang tên 2 người.
    Văn Hường nặng nghiệp làm bầu cho đến năm 1975, anh về hai đoàn tập thể Thống Nhất (Tây Ninh) và Sống Chung (Phước Chung), tới năm 1987 mới nghỉ hẳn. Hôm hay tin tôi được tặng danh hiệu NSND, Văn Hường điện thoại réo: “Anh Bảy, đãi đi! Không đãi, Tư Ếch tôi rủ bạn bè tới nổi trận lôi đình là anh mệt”


    NSND VIỄN CHÂU

    Kỳ tới: Lệ Thủy - đào chánh ngoại lệ


    Khi tôi ghé thăm gánh hát Trâm Vàng, một cô bé nhỏ xíu bước ra lễ phép chào. Anh Mười bầu gánh khoe: “Anh Bảy ơi, con nhỏ ca hay lắm, giọng lạ”. Tôi liền kêu Lệ Thủy ca thử. Lỗ tai và đôi mắt chuyên “khai quang điểm nhãn” đào kép hát của tôi đã mách bảo đây là một ngôi sao sáng ở tương lai...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    bachlong (28-05-2012), Duongtonhu (29-05-2012), Giang Tiên (29-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (28-05-2012)

  17. MEM
    Avatar của MEM
    Mời cả nhà nghe một vài bài hát của chú Văn Hường:


    Bạn đang Nghe bài hát Nỗi buồn của tôi do Văn Hường trình bày và được phát tại website Cải Lương Số



    Bạn đang Nghe bài hát Chuyến xe cuối tuần do Lệ Thủy, Văn Hường trình bày và được phát tại website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (28-05-2012), Giang Tiên (29-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (28-05-2012)

  19. MEM
    Avatar của MEM
    Lệ Thủy - Đào chánh ngoại lệ

    Trong số các nữ nghệ sĩ thành danh bước ra từ HCV Giải Thanh Tâm, NSND Lệ Thủy cho đến nay vẫn là một cô đào chánh ngoại lệ. Tôi nhấn mạnh hai chữ ngoại lệ, bởi có ai ở tuổi 65 vẫn là một đào chánh trung tâm?


    NSND Lệ Thủy và NSND Viễn Châu. Ảnh: Thanh Hiệp

    Những nam nghệ sĩ (NS) trẻ thành danh từ năm 1956 đến 1968 gồm: Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Hiền, Thanh Hải, Út Nhị, Minh Tấn, Thanh Tú, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Dũng Thanh Lâm… Nữ NS tài danh thì có: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Bích Sơn, Ngọc Bích, Bích Hạnh, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Trương Ánh Loan, Kiều Phượng Loan... Họ đều đã từng thu dĩa bài ca cổ của tôi.


    Phó thác Chàng là ai?

    Trong số các nữ NS thành danh bước ra từ HCV Giải Thanh Tâm, NSND Lệ Thủy cho đến nay vẫn là một cô đào chánh ngoại lệ. Tôi nhấn mạnh hai chữ ngoại lệ, bởi có ai ở tuổi 65 vẫn là một đào chánh trung tâm? Tuồng nào bây giờ mời Lệ Thủy thì soạn giả, đạo diễn dẫu có viết vai đào mụ cũng phải cân nhắc tính trung tâm của nhân vật. Nếu làm sai, khán giả sẽ phản đối ngay.

    Gặp tôi lần đầu cách đây 50 năm, NSND Lệ Thủy chỉ là một cô bé nhỏ xíu, tóc để ngang vai, tay mân mê chiếc nón tai bèo. Cô từ rạp Biên Hùng bước ra lễ phép chào khi tôi đi công chuyện, ghé thăm gánh hát Trâm Vàng, nơi có anh Mười làm bầu là bạn chí cốt. Anh Mười khoe: “Anh Bảy ơi, con nhỏ ca hay lắm, giọng lạ”. Tôi liền kêu Lệ Thủy ca thử. Lỗ tai và đôi mắt chuyên “khai quang điểm nhãn” đối với đào kép hát của tôi đã mách bảo cô này sẽ là một ngôi sao sáng ở tương lai.

    Tôi đã viết bài Cô hàng chè tươi để lăng xê Lệ Thủy. Chất giọng thổ pha kim của cô đã tạo được nét độc đáo riêng, phảng phất làn hơi của NS Thanh Hương nhưng trẻ trung hơn, duyên dáng hơn. Sau đó, Lệ Thủy được mời về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long.

    Từ năm 1960, tôi muốn tạo một nét mới lạ cho thị trường dĩa ca cổ đã bắt đầu thoái trào vì sự đơn điệu và trùng lắp đề tài khi các hãng ra sức cạnh tranh nhưng vẫn loay hoay với cách khai thác cũ. Do biết tân nhạc, lại lân la chơi với nhiều nhạc sĩ thời đó, tôi đã thử viết kiểu mới: Lấy phần nhạc ghép với bài ca vọng cổ. Trên thực tế, khi viết bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà cho Minh Cảnh ca, đó là buổi sơ khai của tân cổ giao duyên rồi, vì phần nhạc do tôi sáng tác và viết cả ký âm. Tuy nhiên, nếu cứ viết phần nhạc thì làm sao có ý tưởng hay, chưa kể sẽ cạn nguồn khi giai điệu ngũ cung trùng lắp?

    Giải mã sự hạn chế đó, tôi nghĩ tới các bản nhạc đang thịnh hành trên thị trường. Và tôi đã xin phép nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, lấy bài Chàng là ai đang nổi của anh để hình thành bản tân cổ giao duyên, dù trước đó không lâu tôi đã viết bài Cô hàng chè tươi nhưng không phổ biến. Lệ Thủy là người tôi chọn thu bài này.

    Tôi nhớ khi ấy, Lệ Thủy cầm bài ca rồi gãi đầu: “Được không bác Bảy? Con thấy kỳ kỳ, không chừng người ta chê vì con có biết ca tân nhạc đâu?”. Tôi quả quyết: “Mày nghe lời tao ca đi. Ca bài này, mày sẽ nổi tiếng”. Quả thật, sau khi dĩa phát hành, tên tuổi Lệ Thủy đã được khẳng định.


    Làm sống lại Tình mẫu tử

    Lệ Thủy có tính nhân hậu, chân thành, sống cởi mở với mọi người nên anh em đồng nghiệp đều thương mến. Sự thẳng tính của Lệ Thủy anh em đều nể. Sau ngày đất nước thống nhất, một số cán bộ ngành văn hóa thời đó ấu trĩ, buộc NS của Công ty Kim Chung phải lên án bầu Long bóc lột sức lao động của anh em, bắt đi diễn ở tỉnh, hát mỗi ngày mấy suất mà đồng lương không cao. Lệ Thủy lên tiếng phản đối ngay. Thực tế, làm gì có sự bóc lột vì công chúng yêu mến, gánh hát tăng suất là bình thường, còn đi lưu diễn cũng là chuyện đương nhiên của một đoàn hát.

    Năm 2005, tôi nhớ mãi kỷ niệm khi vở Tình mẫu tử của mình được sống lại sau gần 40 năm im lìm. Đó là lúc NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương xắn tay áo thành lập chương trình Những dấu ấn không phai, dựng lại vở này và đạt doanh thu 500 triệu đồng. Tiếp đó, một loạt vở nữa cuốn hút khán giả đến rạp: Một ngày làm vua (Viễn Châu). Thần tượng nửa đêm (Thu An), Nửa đời hương phấn (Hà Triều, Hoa Phượng)… Sau này, NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương còn tổ chức Sân khấu Vàng, một lần nữa đạt doanh thu để trao tặng nhà tình thương cho người nghèo.

    Thỉnh thoảng, đi diễn xa về, NSND Lệ Thủy lại ghé thăm tôi. Hai bác cháu kể chuyện hồi xưa. Cô xúc động: “Tụi con bây giờ đi hát tính ngày, tính tháng chứ không dám tính năm... Thấy bác khỏe, còn sáng tác là con mừng”. Rồi Lệ Thủy bật khóc.

    Sáng tạo với tân cổ giao duyên

    Báo chí thời đó có vài bài phản bác thể loại tân cổ giao duyên, nói tôi chủ trương phá hư bài vọng cổ. Tôi không tranh luận vì dành thời gian đó để viết bài ca cung cấp cho các hãng dĩa. Các nhạc sĩ bấy giờ như: Lam Phương, Trúc Phương, Nguyễn Văn Đông, Hoài Linh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Châu Kỳ… đều ủng hộ tôi. Theo họ, sự phát triển thêm bài ca cổ gắn kết với phần nhạc đã là một sự sáng tạo nối dài thêm ý nghĩa của ca khúc.

    Có điều, khi trào lưu này nở rộ, một số soạn giả viết nội dung không mang tính logic với câu chuyện của ca khúc, gây nên sự phản ứng của vài nhạc sĩ. Chẳng hạn, chuyện anh Châu Kỳ yêu cô tiểu thư nhà giàu nhưng vì môn đăng hộ đối, người ta không thể gả con gái cho một nhạc sĩ lang thang mà anh đã trút tâm sự vào bản Giọt lệ đài trang, thì có soạn giả lại gắn câu chuyện của bài ca này vào đôi tình nhân của triều đình Nhật Bản. Thử hỏi sao nhạc sĩ Châu Kỳ không tức giận đòi kiện hãng dĩa?!
    Kỳ tới: Kim Ngọc - “Mai Đình của tôi”

    Tôi viết vai Mai Đình trong kịch bản Hàn Mặc Tử để Kim Ngọc diễn với Hùng Cường. Khán giả càng thương cô hơn. Từ thành công của vai này, đi đâu gặp Kim Ngọc, tôi cũng nói “Mai Đình của tôi”; còn cô thì hồ hởi: “Con có được ngày nay một phần công lao rất lớn là của chú Bảy”…


    NSND Viễn Châu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 7 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (28-05-2012), DOHOANG (29-05-2012), Duongtonhu (29-05-2012), Giang Tiên (29-05-2012), minhle (29-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (28-05-2012)

  21. MEM
    Avatar của MEM
    Mời cả nhà nghe lại 2 bài tân cổ giao duyên đầu tiên soạn giả Viễn Châu viết theo trường phái mới cách đây hơn 50 năm được ưu ái dành cho Lệ Thủy hát và tạo nên tên cuổi của "cô đào ngoại hạng".


    Bạn đang Nghe bài hát Cô hàng chè tươi do Lệ Thủy trình bày và được phát tại website Cải Lương Số




    Bạn đang Nghe bài hát Chàng là ai do Lệ Thủy trình bày và được phát tại website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  22. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (28-05-2012), DOHOANG (29-05-2012), Duongtonhu (29-05-2012), Giang Tiên (29-05-2012), romeo (28-05-2012), Thanh Hậu (28-05-2012)

Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL