Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2
  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Nghệ Sĩ Thanh Kim Huệ


    Thời hoàng kim của sân khấu cải lương trong thập niên 60, nhiều nghệ sĩ trẻ từ 12 đến 15 tuổi nổi danh nhờ vào giọng ca vọng cổ với làn hơi thiên phú, có sắc thái mới lạ, hấp dẫn khán thính giả mặc dù những nghệ sĩ trẻ nầy chưa có những nét đặc sắc về diễn xuất hay về nhan sắc.

    Đây là một trào lưu của khán thính giả thích nghe ca vọng cổ hơn là thưởng thức nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu. Các dĩa hát, các băng cassette ca vọng cổ và tuồng cải lương được sản xuất và phát hành rộng rãi, được đông đảo người mua và thưởng thức từ thành thị đến thôn quê. Điều đó làm cho nghệ sĩ danh ca vọng cổ trẻ càng mau nổi tiếng. Trong số những nghệ sĩ nổi danh nhanh chóng đó có các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên…

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, một giọng ca trong suốt, khỏe khoắn, trẻ trung, thu hút khán thính giả ngay khi Thanh Kim Huệ mới xuất hiện trong làng sân khấu cải lương, nhưng Thanh Kim Huệ gặp lắm nỗi gian nan, khó khăn trở ngại trên con đường nghệ thuật lúc mới khởi đầu chớ không thuận buồm xuôi gió như các nghệ sĩ trẻ khác.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1955 tại Saigon. Thân phụ là nghệ sĩ tiền phong Bùi Văn Lang, Mẹ là bà Ngô Thị Kim.

    Lắm nỗi gian nan
    Năm 12 tuổi bé Huệ theo cha mẹ ở đoàn hát Hằng Xuân – An Khương của ông bà bầu Sáu Đặng, một gánh hát bực trung mới thành lập năm 1967. Ông Bầu Sáu Đặng nguyên là nhạc sĩ cổ nhạc đoàn Thanh Minh Thanh Nga, lập gánh hát để tạo cơ hội phát triển cho hai đứa con của ông là nữ nghệ sĩ trẻ Hằng Xuân và bé An Khương. Bé Huệ được cho ca vọng cổ ngoài màn trước giờ hát, giọng hát của bé Huệ 12 tuổi đã được các ký giả kịch trường và khán giả khen ngợi và tiên đoán có nhiều triển vọng trở thành một danh ca nhanh chóng như trường hợp của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu. Nhưng vận số của Bé Huệ chưa thông, đoàn hát Xuân Hằng – An Khương sau đợt hát khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, lưu diễn ở các rạp quanh Saigon, Chợlớn, chuẩn bị hát bán dàn ở tỉnh Tây Ninh. Ngày đoàn hát đi Tây Ninh, xe đò chở nghệ sĩ đổ xăng tại ngã tư Bảy Hiền, nghệ sĩ Phi Hùng quẹt ống quẹt đốt thuốc hút, vòi đổ xăng bắt lửa phựt cháy, anh tài xế quăng vòi xăng bỏ chạy, xăng văng vô xe, lửa cháy trong xe nghệ sĩ, nữ nghệ sĩ Hằng Xuân, con gái của ông bà Bầu Sáu Đặng bị phỏng nặng và chết ngay sau đó. Gánh hát Hằng Xuân – An Khương tan rã. Bé Huệ được đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhận cho vào học hát, đóng vai em bé trong các tuồng hát của đoàn.

    Năm 1968, ông Lang, cha của bé Huệ thấy Bé Huệ không có cơ hội phát triển khi hát trên một sân khấu mà có quá nhiều nghệ sĩ thượng thặng như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Ngọc Giàu…ông dẫn bé Huệ gia nhập đoàn hát cải lương Thiên Hương, một đoàn hát nhỏ, chuyên hát ở các quận huyện và tỉnh nhỏ với hy vọng ở đoàn hát nhỏ, Bé Huệ sẽ có những vai tuồng để hát chớ không phải chỉ ca salon ngoài màn. Nhưng rồi đoàn hát Thiên Hương cũng bị rã gánh sau cái Tết Mậu Thân máu lửa.

    Năm 1969, bé Huệ theo cha mẹ đi theo đoàn hát cải lương Hoa Phượng của ông Bầu Trung, lưu diễn miền Trung, sau đó đoàn cải lương Thiên Hương về hát các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên. Chiếc ghe chở nghệ sĩ và tranh cảnh của đoàn hát bị chìm trên sông gần Bắc Vàm Cống, nghệ sĩ Thanh Điền đã đeo phao cứu được Bé Huệ và nhiều nghệ sĩ khác. Gánh hát Hoa Phượng tan rã tại đây nhưng tình cảm giữa Bé Huệ và Thanh Điền bắt đầu chớm nở.

    Năm 1970, thân phụ của nghệ sĩ Thanh Điền giới thiệu Thanh Điền và Thanh Kim Huệ với ông Bầu Long. Sau khi thử giọng ca, ông Bầu Long chấp nhận cho Thanh Điền và Thanh Kim Huệ vào hát kép nhì, đào nhì trong đoàn Kim Chung 2. Thanh Kim Huệ đã hát các vai đào nhì trong các tuồng Manh Áo Quê Nghèo, Mây Chiều Phú Sĩ Sơn, …Giọng ca của Thanh Kim Huệ được khán giả nhiệt liệt ngợi khen nhưng năm 1970, thời điểm sau cái Tết Mậu Thân, nghệ sĩ cải lương long đong vì đô thành Saigon giới nghiêm ban đêm, hát suất ban ngày không có khán giả, các đoàn hát hát để kiếm sống lây lất qua ngày nên Thanh Kim Huệ không được may mắn như các danh ca nổi lên trong những năm 1960, 1961, 1962….

    Năm 1972, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ được soạn giả Loan Thảo giới thiệu với bà Sáu Liên, chủ hãng dĩa Việt Nam để thu dĩa vọng cổ. Thanh Kim Huệ nổi danh qua các dĩa vọng cổ Yêu Lầm, Biển Tình, Thà Như Giọt Mưa… Bầu Long – Kim Chung bèn nâng Thanh Kim Huệ lên hát vai đào chánh trong đoàn Kim Chung 2.

    Năm 1974, Thanh Điền thành lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ là đào chánh. Hai nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ thành hôn vào dịp Tết năm 1975.

    Thanh Kim Huệ có chất giọng kim, làn hơi trong suốt và cao vút, kỹ thuật ca khi vô vọng cổ có nhiều lúc lạng, bẻ, uốn éo kiểu như nhiều nghệ sĩ ca vô bài Sương Chiều nhưng giọng ca của Thanh Kim Huệ dầu có luyến láy đến mấy thì vẫn nghe rõ lời, rõ ý, tiếng ca nghe mềm mại, uyển chuyển như vuốt ve mơn trớn, tạo thành một lối ca lạ, hấp dẫn người nghe.

    Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sử dụng nhuần nhuyễn các bài lý, các điệu hò miền Nam vào trong lòng câu vọng cổ hoặc ca gát trước vọng cổ, Thanh Kim Huệ và nam danh ca Thanh Tuấn hợp lại thành một đôi danh ca vọng cổ được giới trẻ ưa thích với các điệu lý ca lồng trong bài vọng cổ.

    Sau năm 1975, Thanh Kim Huệ đã đi hát ở các đoàn cải lương Saigon 2, Saigon 3, đoàn cải lương Kiên Giang, đoàn Saigon 1 rồi trở lại Saigon 3.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ từ khi mới theo nghiệp sân khấu đến nay, đã hát qua trên cả trăm tuồng hát như Mây Chiều Phú Sĩ, Manh Áo Quê Nghèo, Khói Cỏ Quê Hương, Áo Vũ Cơ Hàn, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, Tiếng Hát Rừng Hoang, Linh Hồn Của Quỷ, Quỷ Kiến Sầu, Lỡ Bước Sang Ngang, Ánh Lửa Rừng Khuya, Tiếng Hạc Lưng Trời, Công Chúa Alysa…

    Thanh Kim Huệ cũng là nữ tác giả cải lương có nhiều tuồng được dàn dựng trên đoàn hát Kim Chung 2 và đoàn cải lương Saigon 1. Vở cải lương sáng tác đầu tiên của Thanh Kim Huệ là tuồng Quỷ Kiến Sầu. Thanh Kim Huệ có được 20 soạn phẩm cải lương được dàn dựng trên sân khấu Kim Chung 2 và Saigon 1, đó là các tuồng Nắng Đẹp Muôn Màu, Linh Hồn Của Quỷ, Tiếng Hát Rừng Hoang, Công Chúa Alysa, Em ơi, Đừng Khóc Nữa, Xin Đừng Nói Yêu Em, Bến Tương Tư, Yêu và Ghen…

    Thanh Kim Huệ đã thu dĩa, băng, đài truyền hình hơn 300 bài vọng cổ đủ loại.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, mặc dầu có hơi rong, giọng ca lạ, uyển chuyển, có khả năng thu hút cảm tình của người nghe, Thanh Kim Huệ cũng là một cây viết nữ có nhiều tuồng được dàn dựng trên nhiều sân khấu lớn ở Saigòn nhưng có thể nói là khả năng thiên phú cộng với sự nổ lực thường xuyên của cô cũng chỉ làm cho cô ở vào một hoàn cảnh lưng chừng, khi vừa tỏa sáng thì lại gặp khó khăn ngay trong lúc tình hình sân khấu cải lương đang hồi xuống dốc.

    Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã bán nhà cửa, xe cộ để đổ vào việc duy trì hoạt động của đoàn cải lương Saigon 1. Anh chị về sau mua được nhà, sắm được xe nhờ vào cái nghề chụp hình cho nghệ sĩ và các khách hàng.

    Về gia đình, Thanh Kim Huệ và Thanh Điền có hai con: con trai là Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1977 và con gái Nguyễn Đức Hồng Loan, sinh năm 1986. Nguyễn Đăng Quang đang nối nghiệp Thanh Điền trong nghề chụp ảnh. Hai cha con có hai tiệm chụp ảnh rất đông khách tại Saigon.

    Theo Soạn Giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. suka
    Avatar của suka
    Thanh Kim Huệ: Thần tượng của tôi là...

    Giữa tháng 5/2010, chương trình ''Chát với nghệ sĩ" (Đài Bình Dương) giao lưu với NSUT Thanh Kim Huệ -thần tượng của tôi suốt 29 năm qua


    Được nghe những tâm sự chia sẻ của chị về chuyện đời chuyện nghề, mới hiểu để có một giọng ca vàng, ngọt ngào, trong trẻo nhưhế, chị đã trải qua nhiều khổ luyện trong thời gian dài, hơn nữa chị rất cởi mở san sẻ những bí quyết để có được giọng ca hay thông tin rất cỏ ích cho các bạn nghệ sĩ trẻ.


    Tất cả cho thấy để trở thành một ngôi sao cải lương, được sự thương mến bền lâu của khán giả là không dễ dàng. Suốt một thời gian đài chị luôn là thần tượng tuyệt vời nhất của tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng phải nghe giọng ca, giọng nói của chị.Tôi sưu tầm nhiều băng dĩa có chị ca diễn, nghe radio hàng ngày, đặc biệt là xem báo Sân Khấu từ năm 1999 đến nay cũng vì chị. Vì muốn xem những thông tin mới vầ chị dù ngắn nhất tôi cảm thấy rất vui trong lòng. Có đêm ngủ nằm mơ thấy tôi được trò chuyện cùng chị nữa. Sáng ra, tôi vẫn thấy vui tưởng chừng như đã thật sự được gặpchị ngoài đời vậy.

    Và điều làm tôi rất đỗi tự hào là chị được chọn làm Ban giám khảo Hội thi ''''Chuông vàng vọng cổ'''' ba năm liền, chị cũng đã cùng với ban giám khảo chọn ra những gương mặt chuông vàng, chuông bạc ca hay, nhiều triển vọng để kế thừa cho sân khấu cải lương sau này. Riêng năm 2009, Ban giám khảo ''''Chuông vàng vọng cổ'''' không có mặt chị, tôi buồn mấy ngày liền... Tôi ao ước sao năm nay lại gặp chị trong vai trò giám khảo vì chị quá xứng đáng "cám cân nảy mực". Xin chân thành cảm ơn báo Sân Khấu luôn là chiếc cầu nối thân thiết giữa nghệ sĩ và khán.giả, để khán giả cớ điều kiện bày tỏ tình cảm của mình với người nghệ sĩyêu thích. Qua bài viết này, tôi kính chúc "Búp bê sàngỗ” Thanh Kim Huệ luôn dồi dao sức khỏe, ngày càng có nhiều vai diễn hay và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển và trường tồn của nghệ thuật sân khấu cải lương.

    Báo SK
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. The Following 3 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:


  4. suka
    Avatar của suka
    Thanh Kim Huệ và hồi ức về NSƯT Thanh Nga


    NSƯT Thanh Kim Huệ.

    Ngày được tin chị bị sát hại, tôi tức tốc chạy đến bệnh viện. Chị nằm đó như đang ngủ, tóc xõa dài, mặc nguyên bộ quần áo đỏ rất đẹp. Chị Nga mất, tôi hụt hẫng một thời gian dài, đêm nào cũng nằm mơ thấy chị.

    Tôi nhớ năm 12 tuổi, nhờ một ký giả kịch trường giới thiệu nên được về đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2. Hôm đó, một buổi chiều, đoàn tập vở Đồ long kiếm tại nhà chị Thanh Nga. Chị vào vai nữ hiệp còn tôi đóng vai tỳ nữ theo hầu. Đến lớp của chị tập, lẽ ra phải nói trước một câu thoại để tôi từ trong cánh gà bước ra thì chị lại nói trật nên tôi không ra. Người quản lý thấy vậy liền thúc tôi cứ ra đi, tôi cãi lại: "Tại chị ấy nói sai tuồng làm sao em ra được". Không ngờ chị Nga ở bên ngoài nghe thấy, ai cũng tưởng chị sẽ nổi giận đùng đùng vì từ trước đến nay chị nói gì mọi người cũng nghe. Không ngờ chị phì cười và nói: "Con nhỏ đó nguyên tắc ghê, như vậy là rất tốt, sẽ tạo được sự nghiệp lớn trong nghề chứ chẳng chơi". Lúc đó, tôi chỉ biết cười và trong lòng đã có một ấn tượng đẹp về Thanh Nga, một nữ nghệ sĩ nổi danh, tài sắc, ca hay diễn giỏi, lại là con gái bà bầu nhưng không kiêu ngạo mà rất công bằng.

    Thời đó, tôi còn nhỏ nhưng có biệt tài xem bói bài, chị Nga thường xuyên chở tôi về nhà xem, nhiều lần tôi được chị khen đúng nên cho tiền. Sau năm 1975, tôi rời đoàn nên chị em ít có dịp gặp nhau, lúc đó tôi đã lập gia đình và tạo được tên tuổi cho mình. Có lần tôi diễn, chị còn mang một đống mũ đội đầu của nhân vật vào cho tôi chọn khiến tôi vô cùng cảm động. Lần tôi sang Mỹ du lịch, gặp lại chồng cũ của Thanh Nga, tôi hỏi anh: "Đã sống đến 70 tuổi rồi, ngồi ngẫm nghĩ lại, anh thấy thương ai nhất?", anh đã trả lời: "Đến bây giờ, tôi thương Thanh Nga nhất, cô ấy là một nghệ sĩ có tâm tính hiền lành, trong sáng".

    Một kỷ niệm nữa về chị mà tôi không bao giờ quên là lần hai chị em thu chung bài vọng cổ Người mẹ đào hầm. Lúc đó, tôi đã nổi danh qua các vở Lan và Điệp, Mái tóc người vợ trẻ..., thu xong, thấy chị nói khô cổ quá, tôi liền chạy đi lấy nước cho chị uống, vậy mà chị Nga rưng rưng cảm động: "Trời, em nổi tiếng vậy mà còn đi rót nước cho chị sao?". Chị cứ cầm cốc nước xoay xoay: "Chị tưởng khi người ta đã nổi tiếng thì không ai hạ mình ". Tôi cầm tay chị nói: "Tại em mến, trân trọng chị nên làm vậy thôi, chị uống đi cho em vui". Chị Nga là vậy, chỉ có một việc làm nhỏ cũng suy nghĩ nhiều.

    Trời sinh Thanh Nga ra để làm nghệ sĩ, trong từng vai diễn của chị luôn toát ra sự đài các, sang trọng, rất tự nhiên chứ không cần phải diễn nhiều. Tôi học hỏi và ảnh hưởng ở chị trên sân khấu và ở ngoài đời là tấm gương về sự yêu thương và vị tha. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng không để lại tì vết nào như lời chị từng dạy: "Nghệ sĩ cần có một cái tâm trong sáng".

    Thanh Kim Huệ

    (Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. The Following User Says Thank You to suka For This Useful Post:


  6. suka
    Avatar của suka
    Thị Hến Thanh Kim Huệ

    Khoảng năm 1983-1984, trên các đài truyền hình có một vở cải lương được phát sóng liên tục, đến mấy năm sau vẫn còn phát dài dài mà bà con xem không chán. Lúc đó nhà tôi ở một làng quê miền Tây Nam Bộ, tôi còn nhớ như in những buổi tối cả xóm rồng rắn nhau đi coi cải lương vì trong xóm chỉ có một cái ti vi duy nhất. Mà hễ đêm nào nghe nói có Ngao Sò Ốc Hến thì ôi thôi... đừng mong tìm được chỗ ngồi, cứ là đứng tràn cả ra ngoài sân thò đầu nhìn vô...


    Những tràng cười tưng bừng thôn ấp, khác hẳn những giọt nước mắt sụt sùi của cải lương bi thương truyền thống. Tự nhiên ở đâu ra một vở cải lương hài kỳ lạ! Hình như Ngao Sò Ốc Hến là tiên phong của thể loại này nên vừa lạ, vừa hấp dẫn. Đâu biết nó đã được diễn “nhừ tử” khắp từ thành phố tới miền Tây, miền Đông suốt mấy năm trời rồi mới được thu hình.

    Thật ra, trước đó đã có một ê-kíp diễn Ngao Sò Ốc Hến là NSND Út Trà Ôn, Phượng Liên, Thành Được, nhưng diễn theo kiểu chính kịch, phê phán một cách rất nghiêm túc. Được vài suất thì bị "ngưng" (tất nhiên là bằng lệnh miệng), vì người ta cho rằng "chính quyền sao xấu vậy"! Nhưng may sao, ông Võ Văn Kiệt lại bênh vực, nói "phê phán chế độ phong kiến thôi mà", thế là vở được dựng tiếp. Bây giờ hồi ức của nghệ sĩ vẫn còn cảm thương ông Kiệt nhiều lắm, không phải vì ông bênh tuồng này tuồng kia, mà vì ông có cái nhìn rất thoáng, nhẹ nhàng, hiện đại. Lần này, NSND Ba Vân làm đạo diễn cho vở, lại thêm một người rất thoáng nữa. Ông bảo nghệ sĩ: "Tụi con cứ làm thoải mái cho hợp với tụi con. Miễn đừng lố lăng thì thôi". Ông thử để nghệ sĩ sáng tạo hết khả năng rồi mới bắt tay chỉnh sửa. Và ông vốn là một cây hài tầm cỡ của cải lương, nên mới dám cho Ngao Sò Ốc Hến "chuyển tông" sang hài như thế. Mà thành công đến bất ngờ. Những Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Thanh Điền, Kiều Trúc Phượng, Nam Hùng, Tô Kim Hồng... tự nhiên nổi đình nổi đám lên rồi "chết danh" nghiệp hài luôn. Một tiềm năng không ai ngờ tới. Nhưng khó ở chỗ, hài mà vẫn giữ được chất cải lương, chứ không biến nó thành "kịch chen lời ca", và dù ngẫu hứng lời thoại thế nào thì đường dây kịch bản vẫn xuyên suốt, chặt chẽ. Có thể nói, Ngao Sò Ốc Hến là vở hài kinh điển nhất trong nghệ thuật cải lương.

    Riêng Thanh Kim Huệ từ 15 tuổi đã nổi tiếng với Lan và Điệp, Đường gươm Nguyên Bá, toàn những vai lấy nước mắt khán giả, giờ trở thành nàng Hến thông minh, quá quắt, lẳng lơ, một lần "thoát khỏi chính mình". Chị đã vắt óc nghĩ ra những chi tiết cho nàng Hến "để đời". Đầu tiên là thể hình, tạo ra một kiểu đi với cái mông quăng qua quăng lại hấp dẫn hết biết! Rồi tới giọng nói, một giọng thì thào mơn trớn quyến rũ. "Quan ơi! Chào quan Hến...n... về... ề...". Rồi tới bàn tay vảnh vảnh khiến thầy đề muốn nắm lại mà... hun! Thế là từ đó hình tượng nhân vật trở thành "của chung" trong dân gian. Hễ ai ẹo ẹo, mắt đưa mày liếc là bị người ta kêu "Thị Hến". Thanh Kim Huệ kể chuyện vui: "Hồi đó Báo Công An có đưa một tin, ở miền Tây có ông chồng nhậu xỉn xỉn, nhìn vô ti vi nói: "Trời ơi, coi Thị Hến kìa! Có ở đây tao hun một cái!". Hổng ngờ bà vợ nổi ghen, chọi bể luôn cái ti vi". Đủ biết sức hấp dẫn của nàng Hến!

    Còn kiểu ca của Thanh Kim Huệ cũng thiên biến vạn hóa khi vào vai này. Chị ngắt nhịp, kéo giãn, dồn dập, mùi mẫn, than thở, chua ngoa, khôn khéo, nanh nọc... nói chung là đủ kiểu. Chất giọng trong vắt của cô Lan bây giờ thuần thục qua nhiều cung bậc tâm lý, thật đáng nể.

    Bây giờ nàng Thị Hến - Thanh Kim Huệ vẫn còn trêu ghẹo ông quan huyện Thanh Điền trong rất nhiều buổi diễn, vẫn còn ăn khách cực kỳ. Riết rồi Thanh Kim Huệ "mắc cỡ" quá, muốn đổi tiết mục mới, nhưng bà con cứ yêu cầu hoài, thôi thì... diễn nữa!

    Hoàng Kim
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. The Following 3 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:


  8. suka
    Avatar của suka
    NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ: Đồng vợ đồng chồng...
    29/09/2010 9:54

    (TNO) Khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương Việt Nam có lẽ không ai không biết đến vợ chồng NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ, với những đóng góp dành cho nghệ thuật truyền thống, tâm huyết gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu phù hợp với hơi thở cuộc sống và cả với tình nghĩa phu thê vững bền của họ.
    Vượt qua sóng gió

    Câu tục ngữ “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” quả thực rất phù hợp với gia đình của vợ chồng NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ. Chính mối lương duyên với sân khấu cải lương đã kết tóc se duyên cho họ từ thuở thanh mai trúc mã.

    NSƯT Thanh Kim Huệ nhớ lại: “Năm 1969, khi vừa gia nhập đoàn hát cải lương Hoa Phượng không lâu thì chúng tôi gặp phải tai nạn lật ghe. Chính anh Thanh Điền là người đã cứu tôi và một số nghệ sĩ khác của đoàn. Ngay từ khoảnh khắc đó, tôi đã nhem nhóm tình cảm khó tả dành cho anh chàng diễn viên trẻ này. Và tuy sau đó, đoàn hát Hoa Phượng tan rã, nhưng cơ duyên đối với sân khấu đã đưa chúng tôi đến với nhau và sau đó là tình cảm nồng thắm dành cho nhau đến tận bây giờ”.

    Sân khấu cải lương đã đưa NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ đến với nhau và cũng chính sân khấu cải lương là “thuốc thử” hiệu quả ngày càng gắn kết cặp vợ chồng nghệ sĩ này.

    Trong giai đoạn nghệ thuật cải lương có dấu hiệu xuống dốc, NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ đã quyết tâm bằng mọi giá phải giữ bằng được Đoàn Cải lương Sài Gòn 1. Anh chị đã phải bán nhà cửa, xe cộ, những tài sản quý giá tích góp được sau một thời gian dài theo đuổi nghiệp diễn, để duy trì hoạt động của đoàn hát.

    Ngay sau đó, để có thể yên tâm đứng vững trên sân khấu, vợ chồng Thanh Điền - Thanh Kim Huệ còn quyết định mở một studio chụp ảnh ngay tại nhà riêng, với phó nháy là Thanh Điền, còn cô thợ trang điểm lại là Thanh Kim Huệ!

    NSƯT Thanh Kim Huệ chia sẻ: “Cuộc sống gia đình và đời sống nghệ thuật đã đẩy chúng tôi đến nhiều thời điểm sóng gió. Nhưng chính tình yêu, tình cảm gia đình, tấm lòng dành cho sân khấu, dành cho khán giả đã giúp cho mái ấm của chúng tôi ngày càng vững bền hơn để có thể vượt qua mọi sóng gió”.

    Vợ cải lương - chồng điện ảnh

    Thời gian gần đây, khán giả thường xuyên bắt gặp NSƯT Thanh Điền trên màn ảnh nhỏ, với các vai diễn trong những bộ phim truyền hình như Nhịp đập trái tim, Cái bóng bên chồng, Một ngày không có em, Ra giêng ai cưới em, Ngõ vắng, Vua sân cỏ…

    Còn NSƯT Thanh Kim Huệ thì vẫn gắn bó với sân khấu cải lương bằng các vai diễn sân khấu, các album tân cổ nhạc…, đặc biệt hơn là bằng những kịch bản sân khấu ấn tượng do chính chị sáng tác.



    Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ tham gia chương trình Hiểu về trái tim, tháng 5.2010

    Khi được hỏi về những vai trò mới này, NSƯT Thanh Điền cười xòa: “Thật ra, tôi có tham gia đóng phim từ lâu lắm rồi. Nhưng dạo gần đây, tần suất xuất hiện của tôi trên truyền hình “hơi cao” nên mọi người mới tưởng tôi mới bắt đầu lấn sân ở cái tuổi đầu hai thứ tóc này!”.

    Còn NSƯT Thanh Kim Huệ thì đã bén duyên với nghiệp cầm bút từ nhiều năm nay, với những tác phẩm tiêu biểu như Nắng đẹp muôn màu, Linh hồn của quỷ, Tiếng hát rừng hoang, Công chúa Alysa, Em ơi, đừng khóc nữa, Xin đừng nói yêu em, Bến tương tư, Yêu và ghen…

    Giải thích về lý do “vợ cải lương - chồng điện ảnh” như vậy, NSƯT Thanh Điền cho biết: “Biết tôi có ý định lấn sân qua bên điện ảnh, bả ủng hộ liền. Bà xã tôi nói: “Anh phù hợp với điện ảnh thì cứ theo điện ảnh, em vẫn còn mặn nồng bên sân khấu thì ở lại với sân khấu, cũng là làm nghệ thuật thôi mà!”.



    Vợ chồng NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ cùng tham gia một chương trình sân khấu

    Tuy không còn đồng hành trên cùng một sàn diễn nữa, nhưng NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ vẫn hỗ trợ nhau tối đa bằng sở trường hiện tại của mình.

    Cả hai đã cùng nhau thực hiện chương trình truyền hình Giai điệu quê hương do vợ đảm nhận vai trò soạn giả còn chồng là tổng đạo diễn. NSƯT Thanh Kim Huệ vừa hoàn tất kịch bản truyền hình Chuyện ông Bù, dành riêng cho NSƯT Thanh Điền độc diễn.

    Cặp vợ chồng nghệ sĩ này cũng đang dồn tất cả tâm huyết để cùng nhau sáng tác một kịch bản truyền hình với nội dung liên quan đến đời sống nghệ sĩ cải lương từ xưa đến nay.

    NSƯT Thanh Điền cho biết: “Bao năm sống với cải lương, hai vợ chồng tôi mong muốn có thể mượn điện ảnh để nói đến nghệ thuật cải lương truyền thống, khắc họa chân thật nhất hình ảnh nghệ sĩ sân khấu, từ gian khổ, đến vinh quang, từ nhắc nhở tôn vinh những người làm nghệ thuật chân chính đến lên án những kẻ hám danh tư lợi”.

    Ông còn nói thêm: “Với chúng tôi, nghệ thuật phải gắn liền với đạo lý, với cuộc sống. Vì để đứng được trong lòng khán giả là rất gian khó, chỉ bằng đạo lý và cái nhìn chân thật mới có thể thuyết phục được họ, đặc biệt là lớp khán giả trẻ, đối tượng mà những người nghệ sĩ già như chúng tôi luôn muốn bày tỏ, chia sẻ và cống hiến”.

    Hiền Nhi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following 3 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:


  10. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Một buổi tối đẹp trời tháng 5/1995, trước sảnh Nhà hát TPHCM, trong không khí Hội diễn SKCL chuyên nghiệp toàn quốc.

    Một thằng sinh viên tỉnh nghèo, ốm tong ốm teo, tay cầm cái máy chụp hình Kodak chụp phim (mua giá rẻ bèo).

    Thằng sinh viên tỉnh ấy gặp NS Thanh Kim Huệ, chạy đến và nói "Chị Huệ ơi, cho em xin chụp với chị một tấm hình làm kỷ niệm". Đáp lại là một thái độ phản ứng kịch liệt : "Thôi, thôi không được đâu, để dịp khác đi".

    Dịp khác là dịp nào ? Có nhiều cơ hội để khán giả được gặp trực tiếp nghệ sĩ ngoài đời lắm sao ? Hay tại vì cô ấy nghĩ rằng cô ấy đẹp quý phái, phong cách sang trọng thì không nên chụp hình với những người không xứng tầm ?

    Kể từ đó, trong lòng mình luôn có một ác cảm với người nghệ sĩ này, dù không phủ nhận rằng cô ấy hát hay.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  11. The Following 3 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  12. Hồng Phượng
    Avatar của Hồng Phượng
    Thất vọng tràn trề hén ! Bả thì vậy đó chứ ông Thanh Điền thì rất là hòa nhã dễ gần hơn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  13. The Following 2 Users Say Thank You to Hồng Phượng For This Useful Post:


  14. Scarlet
    Avatar của Scarlet
    Cô Thanh Kim Huệ lúc nào cũng bị khán giả an phiền về việc xin chụp ảnh với cô hết nhưng em cũng nghe nói ở ngoài đời cô rất vui tươi, trẻ trung, dễ gần. NS mà, nhiều lúc họ cũng có những sơ suất không hay chứ đôi khi cũng không có ý khinh khi hay gì gì đâu.
    Nhưng dù sao, nếu mà mình bị cư xử như vậy thì mình cũng cảm thấy mất đi một hình ảnh đẹp về thần tượng
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  15. The Following User Says Thank You to Scarlet For This Useful Post:


Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2
ANH EM CHANNEL