Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. trieuton
    Avatar của trieuton
    KHÓC CƯỜI SAU BỨC MÀN NHUNG là loạt bài giới thiệu về những thăng trầm buôn vui của các ngôi sao cải lương một thời lừng lẫy của nhà báo Thanh Hiệp - Báo Người lao động. Khán giả biết đến Minh Cảnh, Minh Vương, Thanh Tú, Văn Chung, Mỹ Châu, Ngọc Giàu… với những hào quang của các nghệ sĩ cải lương tài danh. Song, để đạt được danh vọng đó, con đường của họ không ít thăng trầm, buồn vui.

    Mời cả nhà cùng đọc!


    ------------------------------------------------


    KỲ 1: CẬU BÉ VE CHAI VÀ NGÔI SAO MINH CẢNH



    Năm 11 tuổi, Minh Cảnh phải đi lượm ve chai, bán chuối chiên… kiếm tiền giúp gia đình. Mê vọng cổ từ vài lần nghe dĩa hát của NSND Út Trà Ôn, cơ duyên đưa đẩy Minh Cảnh đến đoàn Kim Chung và vụt sáng từ đó


    Nghệ sĩ (NS) cải lương Minh Cảnh đã sang Mỹ định cư sau khi kết hôn với một phụ nữ ở tiểu bang Texas. Mới đây, tại TP Garland, các nhóm cổ nhạc đã tổ chức vinh danh người NS dù 73 tuổi nhưng vẫn còn xuất hiện trên sân khấu và nhất là vẫn trung thành với trường phái ca vọng cổ hơi dài từng làm nên tên tuổi NS Minh Cảnh.

    “Thần đồng”… 21 tuổi

    NS Minh Cảnh (tên thật Nguyễn Văn Cảnh, SN 1939) xuất hiện trên sân khấu khá muộn, năm 21 tuổi. Ông nhớ lại: “Với dáng người nhỏ nhắn, đôi vai gầy guộc, nhìn tôi lúc ấy giống một bé trai. Tôi còn nhớ ký giả Nguyễn Ang Ca khi đó đã gọi tôi là “thần đồng” sau suất diễn tạo làn sóng người hâm mộ trên sân khấu Đoàn Cải lương Kim Chung”.



    Nghệ sĩ Minh Cảnh trong chương trình Những cánh chim không mỏi
    do HTV tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM năm 2001


    Quê nội của NS Minh Cảnh ở tận Quảng Bình. “Cha tôi vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề đạp xích lô, sau đó chạy taxi. Mẹ tôi là người phụ nữ hiền thục, mua gánh bán bưng phụ giúp chồng nuôi đàn con. Bà sanh đến 20 lần nhưng 12 người vì nghèo khó, bệnh tật mà mất đi, chỉ còn lại 8 người, trong đó tôi lớn nhất” - ông cho biết.

    Năm 11 tuổi, Minh Cảnh về sống với bà ngoại ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật - Điện Biên Phủ (quận 3 - TPHCM). “Năm đó, tôi phải nghỉ học để đi lượm ve chai ở các bô rác; buổi trưa còn tranh thủ bán chuối chiên, bánh cam. Chỗ tôi nhận chuối, bánh nằm trong con hẻm sau lưng nhà NSND Út Trà Ôn. Bữa nào đến sớm, tôi cũng ngồi tựa vào vách nhà ông để nghe máy dĩa bên trong phát ra những bài vọng cổ, riết rồi mê luôn. Vì thế, hôm nào tôi cũng ráng lượm ve chai, bán bánh để kiếm thêm tiền mua bài vọng cổ” - NS Minh Cảnh hồi tưởng.

    Khi bà ngoại Minh Cảnh dọn nhà về quận 8, cậu bé mê vọng cổ được một anh thợ hớt tóc dạy ca theo đờn. “Dịp giỗ tổ sân khấu năm 1960, tôi bán bánh gần rạp Aristo trên đường Lê Lai. Tình cờ làm quen nhạc sĩ Năm Được, đàn violon trong ban cổ nhạc Đoàn Cải lương Kim Chung, tôi được anh dẫn vào hậu trường chơi. Sau đó, tôi được giới thiệu ca 6 câu vọng cổ Lá thư người tình. Không ngờ, ông bầu Long chấp nhận cho tôi vào đoàn, ký hợp đồng 2 năm. Nghệ danh Minh Cảnh của tôi là do vợ nhạc sĩ Năm Được đặt” - ông kể.

    NS Minh Cảnh nổi tiếng trong giới cải lương vì vận dụng hơi ca dài để sáng tạo trường phái mới. Cách ca hơi dài, vô câu vọng cổ 53 chữ, chêm vào bài hò Huế trong tuyệt phẩm đầu tiên Quán gấm đầu làng (soạn giả Loan Thảo) đã tạo nên “thương hiệu” Minh Cảnh.

    Nếu các NS khác nổi danh trên sân khấu rồi mới được các hãng dĩa mời mọc thì ngược lại, Minh Cảnh chưa làm kép một ngày nào đã là ngôi sao làng dĩa nhựa với số lượng phát hành vượt trội. “Tôi không được đào tạo qua trường lớp mà chỉ có giọng ca trời cho. Tôi cũng không phải làm kép con, quân sĩ… để đi lên kép chính, chỉ nhờ giọng ca mà nên danh phận” - ông tự hào.

    Gặp tướng cướp Điền Khắc Kim

    Sau khi tạo dựng tên tuổi trên sân khấu gánh Kim Chung, NS Minh Cảnh đứng ra lập Đoàn Cải lương Minh Cảnh và Đoàn Thiên Cảnh.

    NS Minh Cảnh cho biết trước năm 1975, các băng nhóm thế giới ngầm hoạt động rộng, công khai ở Sài Gòn, chia nhau lãnh địa để bảo kê nhà hàng, sòng bạc, đâm thuê, chém mướn… Nhiều “đại ca” khét tiếng thời đó như Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Long “trăng”, Tạ Tình, Vũ Thế Hùng, Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim… tuy bản chất tàn ác nhưng cũng có nhiều tay mê cải lương. Trong đó, tướng cướp Điền Khắc Kim là một khán giả trung thành của NS Minh Cảnh.

    “Mỗi lần đi xem hát, tay này đều mua tặng tôi lẵng hoa với dòng chữ “Một khán giả vô cùng ái mộ Minh Cảnh”. Ban đầu, tôi đâu biết Điền Khắc Kim là ai, cứ ngỡ đó là một khán giả bình thường và cũng chỉ mấy lần sơ giao. Một hôm, tôi bỗng thấy hình ảnh gã trên báo đăng kèm tin tức một vụ cướp tiệm vàng táo tợn. Tôi giật nảy mình nhưng rồi sau đó vẫn thấy gã đi xem hát và tiếp tục tặng hoa” - NS Minh Cảnh nhớ lại.

    “Một lần, khi vãn hát, tôi mời gã đi ăn khuya và hỏi thẳng chuyện báo đăng. Điền Khắc Kim cười cười, giải thích: “Vụ này em làm để kiếm tiền cứu đám đàn em bị bắt quân dịch. Đại ca yên tâm, lo lót xong vụ này, em giải nghệ xin theo đoàn hát làm quân sĩ”. “Không rõ lời Điền Khắc Kim có chính xác hay không, tôi chỉ biết ký tặng gã bài ca cổ Tu là cội phúc của soạn giả Viễn Châu như một lời gửi gắm” - NS Minh Cảnh ngậm ngùi.

    Trước đây, cố NS Lê Vũ Cầu từng xuất thân từ một băng nhóm xã hội đen ở Quy Nhơn - Bình Định và cũng được NS Minh Cảnh ra tay cưu mang, rứt ra được hang ổ đó rồi theo đoàn của ông và trở thành NS. “Bài học ở đời mà tôi luôn ghi nhớ là lấy chữ tâm của nghề để hướng thiện con người” - ông chiêm nghiệm.

    Khuất phục “đại ca” miệt vườn

    NS Minh Cảnh tiết lộ khi đã có tên tuổi, ông quyết học võ, không phải phục vụ cho diễn xuất mà để… làm bầu. Ông từng chọn những vùng quê xa xôi để đưa gánh hát của mình đến lưu diễn và thường bị quậy phá bởi những kẻ côn đồ miệt vườn khoái xem hát nhưng không muốn tốn tiền mua vé.

    “Một lần, đoàn của tôi diễn ở Bình Định, có đám thanh niên do một tên để râu quai nón đến quậy phá. Tôi dùng vài đường quyền hạ đo ván gã ngay trước rạp. Không ngờ, gã đó lại là chủ một lò võ, sau đêm hát đã mang gà, rượu tới xin kết nghĩa đệ huynh với tôi. Lần khác, khoảng năm 1969-1970, khi lưu diễn ở Phan Rí, chúng tôi bị một đám lính đến gây sự. Khi ra hòa giải, tôi bị 2 tên gí súng vào đầu dọa bắn. Không thể nhịn được nên tôi xuất chiêu, tước hết vũ khí và khống chế chúng. Thấy sự việc nghiêm trọng, tôi quyết định hạ phông màn để chuyển bến, ai dè “đại ca” của nhóm này đã tìm đến xin lỗi...” - ông nhớ lại.

    Bài và ảnh: THANH HIỆP


    Kỳ tới: Thanh Tú và cuộc tình sóng gió

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 7 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:

    DOHOANG (25-06-2012), Giang Tiên (25-06-2012), mecailuong (26-06-2012), MEM (25-06-2012), rongcon (01-07-2012), super6969 (01-07-2012), Thanh Hậu (25-06-2012)

  3. trieuton
    Avatar của trieuton
    Xin lỗi vì đưa lên không đúng mục. Mod giúp di chuyển về Tin tức làng nghệ. Cám ơn !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:

    mecailuong (26-06-2012), MEM (26-06-2012), Thanh Hậu (26-06-2012)

  5. trieuton
    Avatar của trieuton
    KỲ 2: THANH TÚ VÀ CUỘC TÌNH SÓNG GIÓ



    Khi nghệ sĩ Trang Bích Liễu xuất hiện đã làm thay đổi cuộc đời buồn tẻ của nghệ sĩ Thanh Tú. Sau 3 lần đổ vỡ hạnh phúc gia đình, “Nhuận Điền” từng ngán ngẩm chuyện “đi thêm bước nữa” nhưng vẫn quyết vượt qua nghịch cảnh để nên vợ thành chồng

    Khóa diễn viên trẻ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa diễn vở Khói sóng Tiêu Tương (tác giả Hoa Phượng - Cô Nguyệt) để báo cáo tốt nghiệp. Không khí nhộn nhịp làm nghệ sĩ (NS) Thanh Tú nhớ lại năm 1963, khi ông đoạt được HCV Giải Thanh Tâm nhờ vai Lưu Kiến Xuân trong vở này, cùng đợt với Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, Tấn Tài và Diệp Lang.



    Với Thanh Sang trở thành cặp tri kỷ - Trần Minh - Nhuận Điền


    NS Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, SN 1939, là đệ tử ruột của cố NSƯT - nhạc sĩ Út Trong. Ông được thầy giới thiệu gia nhập Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga năm 1961. Lúc đó, NS Thành Được đã rời đoàn để thành lập gánh Út Bạch Lan - Thành Được nên các vai kép đều giao lại cho Thanh Tú.

    Nghệ sĩ Thanh Tú (vai Nhuận Điền, phải) và NSƯT Thanh Sang (vai Trần Minh) trong vở Bên cầu dệt lụa
    Sở hữu giọng ca truyền cảm, hình thể vạm vỡ và gương mặt điển trai, NS Thanh Tú đóng cặp rất ăn ý với NSƯT Thanh Nga trong các vở: Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Tấm lòng của biển…

    “Vở Khói sóng Tiêu Tương là một bước đệm để tôi thăng tiến. Từ đó, các hãng phim biết đến, mời tôi đóng vai chính trong nhiều phim. Tuy nhiên, tôi không ỷ lại mà vẫn cố công học nghề khi qua Đoàn Ánh Chiêu Dương (năm 1969) của NSND Năm Châu.

    Môi trường này đã tôi luyện thêm tôi qua các vở: Nước biển mưa nguồn, Vợ và tình, Sân khấu về khuya… Những bài học mà thầy Năm Châu, Phùng Há dạy tôi vẫn còn nguyên vẹn tới giờ” - NS Thanh Tú nhớ lại.

    Ngày nay, thỉnh thoảng nghe tin có diễn viên trẻ không thích đóng thế vai, NS Thanh Tú băn khoăn: “Họ không tự tin với bản thân. Với nghề này, việc thế vai là cơ hội. Sau khi thế NS Thành Được, năm 1971, tôi được bầu Xuân mời ký hợp đồng đóng cặp với NS Phượng Liên thay cho cặp Hùng Cường - Bạch Tuyết rời đoàn lập gánh riêng.

    Chúng tôi đã giữ vững bảng hiệu Dạ Lý Hương. Tôi không lặp lại nét diễn của NS Hùng Cường mà tạo cái mới trong cảm xúc qua từng vai. Qua các tuồng: Bọt biển 3, Người dừng chân đêm mưa, Kẻ sợ tình, Đời là một chữ T…, chúng tôi được khán giả khen ngợi hết lời” - NS Thanh Tú hào hứng.

    Dính nghiệp làm bầu

    Khi ở Đoàn Dạ Lý Hương, sự xuất hiện của NS Trang Bích Liễu đã làm thay đổi cuộc đời buồn tẻ của NS Thanh Tú. “Trước khi gặp và yêu cô ấy, tôi đã 3 lần đổ vỡ hạnh phúc gia đình… Sau 3 lần gãy gánh, tôi có 3 dòng con, tất cả đều được cha mẹ tôi cưu mang, chăm sóc” - ông ngậm ngùi.

    Thấy mình có lỗi với cha mẹ nên NS Thanh Tú ngán ngẩm chuyện “đi thêm bước nữa”. “Song, có lẽ do duyên đã định nên khi gặp Trang Bích Liễu, tôi như cây khô bỗng tươi xanh, dù biết phải vượt bao khó khăn trở ngại mới trở thành chồng vợ. Tôi bị gia đình Trang Bích Liễu cấm cản, bởi cha mẹ cô ấy biết tôi có 3 đời vợ, sợ con gái đau khổ.
    Chúng tôi đã rời đoàn hát để xuống Cần Thơ lập gánh Thanh Tú - Trang Bích Liễu cho đến ngày cha mẹ cô ấy chấp nhận mới quay về chịu tội” - ông hồi tưởng. Vượt qua sóng gió, suốt mấy mươi năm qua, ông bà đã là một đôi uyên ương trên sân khấu.

    Khi về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, NS Thanh Tú rất được khán giả hâm mộ với vai Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa. Sau khi NSƯT Thanh Nga qua đời, NS Trang Bích Liễu từng thế vai Quỳnh Nga trong Bên cầu dệt lụa nhưng chưa bao giờ NS Thanh Tú rời bỏ vai Nhuận Điền. “Có lẽ nhờ tôi chung thủy với nhân vật nên tổ thương. Từ vai diễn này, tôi đã vượt qua nhiều nghịch cảnh” - NS Thanh Tú thừa nhận.

    Hơn 40 năm theo đuổi sân khấu cải lương, NS Thanh Tú không khỏi bùi ngùi khi đúc kết những bài học mà ông chiêm nghiệm. “Tôi vay nợ lập đoàn hát, ban đầu để tránh xa sự khống chế của gia đình bên vợ nhưng đồng thời cũng muốn nhanh chóng tạo dựng sự nghiệp. Đoạt Giải Thanh Tâm cùng Diệp Lang và Tấn Tài nhưng tôi thấy mình không tiến bộ về nghệ thuật ca hát như họ. Chính nghề làm bầu đã hạn chế nghề diễn. Trước tôi, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương… đều dính nghiệp làm bầu, sau khi rứt ra mới tồn tại và phát triển được” - ông bộc bạch.

    Sau năm 1975, NS Thanh Tú tiếp tục lập Đoàn Kim Tinh diễn thường trực ở Hậu Giang, đến năm 1976 phải giải tán do lỗ lã. Ông phải bán nhà trả nợ và về hát ở các đoàn tập thể: Thanh Nga, Phước Chung, Văn Công TPHCM… Năm 1978, NS Trang Bích Liễu sinh con, cuộc sống của họ lâm vào cảnh thiếu thốn. Lúc đó, NS Thanh Tú mới dẹp bỏ mộng làm bầu, tính quay lại nghề diễn viên thì đã trễ.

    “May là khi tham gia Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tôi có được vai Nhuận Điền, đi đến đâu bà con cũng thương. Có lần trên đường từ Hậu Giang về, kẹt phà mà vợ đau bụng sinh, tôi chạy vào nhà dân xin cứu giúp.
    Chủ nhà đang say ngủ, nghe tôi giới thiệu là NS bèn dọ hỏi: “Chú em nói là NS, vậy có biết Nhuận Điền là thằng nào không?”. Tôi vội đáp: “Thưa bác, thằng đó chính là con” rồi ca liền mấy câu vọng cổ để chứng minh. Chủ nhà tin ngay và lấy ghe đưa vợ tôi tới kịp nhà bảo sanh. Tất cả cũng nhờ vai Nhuận Điền” - ông bày tỏ tri ân.

    Mắc nợ Nhuận Điền

    Khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, vợ chồng NS Thanh Tú chấp nhận rời xa, mở quán nhậu Bên Cầu Dệt Lụa gần Bến xe Miền Tây - TPHCM. “NS không biết làm kinh tế, quán lỗ lã hoài nên tôi đành dẹp. Đó cũng là lúc tôi bị huyết áp dẫn đến tai biến cách đây 3 năm tưởng đã không còn ngồi dậy được” - ông cho biết.

    Giờ thì NS Thanh Tú đã có thể tự đi lại nhưng vẫn chưa ca vọng cổ được. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng: “Tôi biết Nhuận Điền sẽ không lâm nạn vì khán giả và đồng nghiệp vẫn còn thương. Tôi mong mau bình phục để được diễn lại vai này, dù có chết trên sân khấu cũng vui. Cuộc đời tôi đã mắc nợ Nhuận Điền nhiều rồi”.
    Bài và ảnh: THANH HIỆP


    Kỳ tới: Mỹ Châu: Đa sầu, trầm lạnh

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 6 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:

    danhmat (26-06-2012), Giang Tiên (26-06-2012), mecailuong (26-06-2012), MEM (26-06-2012), rongcon (01-07-2012), Thanh Hậu (26-06-2012)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Hihi, ko sao. Trieuton vào nhà chơi là vui rồi! hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    Thanh Hậu (26-06-2012)

  9. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    KỲ 3: MỸ CHÂU - ĐA SẦU, TRẦM LẶNG



    Dù “chuyên trị” vai đa sầu nhưng với phong cách ca diễn lạnh lùng, một dạo NSƯT Mỹ Châu phải hứng chịu nhiều lời đồn đoán không hay, kiểu: “Do thất tình Minh Vương, Minh Phụng mà cô ấy không bao giờ cười lúc diễn”…


    NSƯT Mỹ Châu là một trong số ít nghệ sĩ (NS) luôn khiến khán giả có cảm giác về sự huyền bí trong cuộc đời và cả giọng ca. Khoảng cách mà Mỹ Châu tạo dựng giữa mình với khán giả, theo bà, không phải là kiểu cách ngôi sao. “Tôi luôn ý thức mình là người của công chúng nên phải chỉnh tề khi xuất hiện” - bà giải thích.

    Mê làm bác sĩ, lại theo nghề hát
    Trên thực tế, NSƯT Mỹ Châu sống rất kín đáo, giản dị. Bà không cho phép mình dễ dãi như một số ngôi sao sân khấu - để khán giả vây kín, thân thiết đến mức vào tận nhà, rồi biết hết mọi chuyện riêng tư... “Mình phải tôn trọng mình, không nhận bất cứ điều gì ngoài những tràng pháo tay của khán giả ở rạp hát” - NSƯT Mỹ Châu bày tỏ.

    Là con út trong một gia đình có 4 người con ở huyện Thủ Thừa - Long An, dù đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nhưng Mỹ Châu lại mơ ước trở thành bác sĩ. Thế nhưng, từ ngày cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi các con, lối đi đến tương lai của Mỹ Châu không còn suôn sẻ. “Hồi học tiểu học, tôi mê ca nhạc nhưng mẹ lại thích cải lương.

    Năm 7 tuổi, tôi được bầu Ba Cang của Đoàn Tiếng Chuông phát hiện và tới năm 11 tuổi thì chính thức theo đoàn. Vai diễn đầu tiên tôi đóng là cô đào con Sao Ly trong vở Giai nhân bên suối mộng. Mẹ kể dù mới lên sân khấu nhưng tôi dạn dĩ lắm, được nhiều khán giả khen ngợi” - NSƯT Mỹ Châu nhớ lại.

    NSƯT Mỹ Châu (giữa) cùng chị và mẹ năm 1967 (Ảnh do nhân vật cung cấp)


    Lúc mới vào nghề, Mỹ Châu phải giúp việc cho một NS nổi tiếng. Dù cơ cực, gian nan, có lúc chén cơm chan nước mắt nhưng Mỹ Châu không để mẹ biết mà cố gắng học nghề và chờ đợi cơ hội. “Có lần tôi hỏi mẹ: Tại sao biết con mê nghề bác sĩ mà mẹ lại chọn nghề hát? Mẹ tôi bảo rằng NS mang lời ca tiếng hát cho đời cũng như vị lương y xoa dịu nỗi đau nhân thế bằng tài năng của mình.

    Trị tâm bệnh, làm khán giả vui cười sảng khoái hay rơi lệ xót thương cũng là một cách kê đơn, bốc thuốc” - NSƯT Mỹ Châu kể.Nhìn lại chặng đường đã qua, Mỹ Châu khẳng định chưa bao giờ bà cho phép mình tự bằng lòng với chính mình. Dù nổi danh như cồn, được khán giả và báo giới tặng cho nhiều biệt danh, như: “Lolita Mỹ Châu”, “Nữ hoàng kiếm hiệp”, “Nữ hoàng màu sắc”, “Vương nữ đa sầu”… qua các vai trong hàng loạt vở tuồng: Kiếm sĩ dơi, Sở Vân, Hoa Mộc Lan, Tiêu Anh Phụng, Lý Thần Phi… nhưng Mỹ Châu luôn tính toán cách ca diễn làm sao để được khán giả chấp nhận.

    Dây đờn Mỹ Châu
    Trong một thời gian dài, thị trường băng dĩa Sài Gòn ồ ạt phát hành các tuồng mới do Mỹ Châu đóng vai đào chánh, đều là những số phận truân chuyên, lấy nước mắt khán giả. Đặc biệt, giới sáng tác cổ nhạc còn sáng chế ra một dây đờn mang tên bà.

    Nhạc sĩ Hoàng Thành nhớ lại: “Thường thì các NS xuống hò với hai chữ mang thanh ngang và huyền, còn Mỹ Châu thì dùng hai chữ đều thanh huyền. Phong cách này không lẫn lộn với bất cứ ai, người ca phải có giọng trầm, bảo đảm khoảng lắng nhưng không mất chữ. Nét lạ đó lay động tâm hồn khán giả. Trong vở Khách sạn Hào Hoa, phong cách diễn xuất trầm buồn, gương mặt lạnh lùng nhưng lôi cuốn của Mỹ Châu đã tạo dấu ấn tuyệt vời cho nhân vật Ngọc Hân. Dây đờn Mỹ Châu do tôi sáng chế xuất hiện từ đó”.

    Với phong cách ca diễn trầm lạnh, một dạo NSƯT Mỹ Châu phải hứng chịu nhiều lời đồn đoán không hay: “Mỹ Châu bị trầm cảm nên chưa chịu lấy chồng”, “Do thất tình Minh Vương, Minh Phụng mà cô ấy không bao giờ cười lúc diễn”… Thực tế, cố NS Thanh Giang từng mang trầu cau, sính lễ đến nhà xin cưới nhưng Mỹ Châu từ chối. Mãi đến tuổi 40, Mỹ Châu mới lập gia đình với NS Đức Minh.

    Ước nguyện khi rời sàn diễn
    Ít tâm sự về chuyện hôn nhân, NSƯT Mỹ Châu chỉ cho biết hiện nay, bà sống hạnh phúc bên chồng ở tiểu bang Georgia - Mỹ. Vợ chồng bà sang Mỹ định cư năm 2001 khi NS Đức Minh được người con riêng bảo lãnh, còn NSƯT Mỹ Châu đoàn tụ cùng con cháu của người chị ruột Hồng Châu. “Mẹ vẫn thường nói phụ nữ tuổi dần cao số, ngẫm lại tôi thấy mình lập gia đình muộn có lẽ cũng do duyên phận chưa tới hoặc đúng là... cao số” - bà tâm sự.

    Một dạo khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, vợ chồng NSƯT Mỹ Châu mở tiệm bán cửa sắt, nhôm, kính nhưng chỉ một thời gian ngắn phải đóng cửa. “Việc đứng ra làm bầu gánh hát thì tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Tôi muốn chú tâm cho nghề diễn để không phụ lòng mẹ và gia đình” - bà thổ lộ.

    Mỗi năm, NSƯT Mỹ Châu về nước 6 tháng để sum vầy cùng gia đình. Căn nhà quen thuộc của gia đình bà trên đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp - TPHCM vẫn là nơi tiếp đón đồng nghiệp thân hữu và khán giả thân thiết. Dù đã có biết bao lời mời từ trong và ngoài nước mong Mỹ Châu xuất hiện dù chỉ một lần trên sân khấu nhưng bà đều khiêm tốn từ chối. “Tâm nguyện mà tôi luôn giữ khi rời sàn diễn là không để hình ảnh của mình mai một trong lòng khán giả” - bà bộc bạch.

    Tuy nhiên, để đáp lại tình cảm của khán giả, trong nhiều lần về thăm quê hương, NSƯT Mỹ Châu vẫn thực hiện các CD ca cổ, DVD vở tuồng theo lời mời của một số đài truyền hình. Lúc nào bà cũng mong muốn được thổi vào bài vọng cổ hay vở tuồng những sáng tạo mới. “Với tôi, niềm vui hiện nay là thực hiện các CD, DVD mới khi mình còn giữ được làn hơi” - NSƯT Mỹ Châu cho biết.

    Biết dừng đúng lúc

    Năm 1967, NSƯT Mỹ Châu được trao tặng HCV Giải Thanh Tâm, cùng đợt với NS Phương Bình, NSƯT Bảo Quốc, NS Ngọc Bích. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam vào năm 1999.
    “Đã trải qua nhiều buồn vui, tủi nhục, vinh quang nhưng tôi không để lương tâm mình ray rứt khi nghĩ về quá khứ. Biết dừng lại đúng lúc chính là tâm nguyện của tôi và gia đình” - NSƯT Mỹ Châu tâm sự.


    Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động


    Kỳ tới: Minh Vương - Lao đao tình ái


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 5 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    danhmat (27-06-2012), Giang Tiên (27-06-2012), minhle (27-06-2012), super6969 (01-07-2012), Thanh Hậu (27-06-2012)

  11. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    KỲ 4: MINH VƯƠNG - LAO ĐAO TÌNH ÁI



    “Số tôi lận đận với phụ nữ lắm! Nhờ sân khấu mà tôi gượng dậy được và lao vào biểu diễn” - NSƯT Minh Vương tâm sự.

    Tiệc cưới nghệ sĩ (NS) Hồng Tơ mới đây hầu như không thiếu NS nào của Đoàn Cải lương Kim Chung. NSƯT Minh Vương phấn khởi: “Phải chi mỗi tháng đều có tiệc cưới của anh em thì vui biết mấy”. NS Hồng Tơ và các NS đồng nghiệp đều xúc động vì bệnh tình của NSƯT Minh Vương đã thuyên giảm nhiều vì chứng bệnh đau bao tử hành hạ anh lâu nay.

    Đau thể xác lẫn tâm hồn
    Ít ai có sức chịu đựng dẻo dai trước bệnh tật như NSƯT Minh Vương. Anh tuyệt nhiên không than vãn mà cố vượt qua để có thể gắn bó với nghề. “Nỗi đau thể xác thấm thía gì nỗi đau tâm hồn mới khó tả” - NSƯT Minh Vương thổ lộ. Nhờ có sân khấu mà anh mới có thể vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn đó.


    Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ năm 1964,
    khi anh mới 14 tuổi (ảnh do nhân vật cung cấp)



    Thời mà hầu hết các ngôi sao sân khấu chạy show với đĩa thu âm phần phối nhạc sẵn thì đến bất cứ nơi nào, Minh Vương cũng đưa nhạc sĩ Duy Kim, Duy Khôi hoặc Khải Hoàn theo. “Họ đàn cho tôi ca, cát sê có thể chia cho anh em nhạc sĩ vì tôi thích ca sống để bà con thương” - anh cười hiền hòa, đúng cốt cách của một “ông hoàng” sân khấu xuất thân từ Cần Giuộc - Long An.

    Gần nửa thế kỷ sống dưới ánh đèn sân khấu, chưa lúc nào Minh Vương có ý định rời sàn diễn. “Với tôi, đi hát đã trở thành hơi thở, mạch sống. Thế nên, khi vợ chồng tôi ly dị do nhiều chuyện không vui, ba má đang định cư ở Úc đã bảo lãnh tôi sang nhưng trên đường ra sân bay, tôi đã xé bỏ vé máy bay và điện thoại xin lỗi ba má. Bởi lẽ, tôi biết nếu mình xa sàn diễn cải lương, xa khán giả mộ điệu thì sẽ như con cá chết ngạt khi không được bơi trong nước”- Khôi nguyên Vọng cổ Minh Vương tâm sự.

    Nghị lực và lòng yêu nghề đã giúp Minh Vương vượt qua nhiều nỗi đau của cuộc sống gia đình, nhất là sau khi ly dị, anh trao hết tài sản cho vợ con, rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Anh vẫy một chiếc xích lô đưa mình về nhà người em ruột ở quận 8 - TPHCM. Chính nơi đây hơn 50 năm trước, cậu bé Nguyễn Văn Vưng đi vớt lăng quăng nuôi cá lia thia ngang nhà thầy Bảy Trạch, nghe ông dạy đờn ca tài tử đã dừng chân học lóm. Sau đó, được thầy thương nhận vào dạy hát, để đến kỳ thi giải Khôi nguyên Vọng cổ năm 1964 anh giành giải nhất khi mới 14 tuổi. Nghệ danh Minh Vương được ông bầu Long của Đoàn Kim Chung đặt cho anh ra đời từ đó.

    “Số tôi lận đận với phụ nữ lắm. Nhờ sân khấu mà tôi gượng dậy được và lao vào biểu diễn. Một lần, qua sự mai mối của bạn bè, tôi về Long An cưới vợ. Chẳng may, cô ấy lại bị tai nạn giao thông qua đời ngay sát ngày cưới. Một lần nữa tôi phải cố vượt qua nỗi đau. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được người vợ hiện nay, vốn là chủ một tiệm may. Cô ấy đã hết lòng chăm sóc, lo lắng để tôi yên tâm sống với thế giới màn nhung” - anh bộc bạch.

    Nhắc đến người vợ đã ly dị, NSƯT Minh Vương ưu tư: “Sau nhiều năm không nhìn mặt nhau, tôi cũng đã vượt qua để sánh bước bên bà ấy trong ngày hôn lễ của con trai mình. Tôi đã làm tròn bổn phận người cha trong ngày cưới của con sau nhiều năm không gặp vợ cũ”.

    Vua không ngai

    Dù lao đao vì chuyện tình ái trong cuộc đời nhưng trên sân khấu, với biết bao cuộc tình thơ mộng, NSƯT Minh Vương đã làm say đắm lòng người qua giọng ca cuốn hút, sang trọng. Cũng như các NS Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tú…, một thời anh cũng lập gánh hát. Nghiệp làm bầu lấn át nghề hát nhiều phen khiến anh không thể đứng nổi trên sàn diễn.

    Sau ngày đất nước thống nhất, Minh Vương về Đoàn Văn Công TPHCM rồi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vai Nguyễn Trãi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong, đạo diễn Đoàn Bá) đã giúp anh lột xác về mặt ca diễn. “Hễ làm nghề là Minh Vương trút hết tâm can, đó là bản tính từ nhỏ của anh. Nhớ lại cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ 1964, tôi có sáng kiến để các thí sinh vào vòng chung kết cầm bài ca của tôi sáng tác vừa ráo mực, chỉ cho 5 phút chuẩn bị, ai ca đúng nhịp, thể hiện đúng tâm trạng thì đoạt giải nhất. Mưa gió miền Đông viết ngay bàn chấm thi được anh ca 6 câu ngọt ngào, dễ dàng như móc món đồ trong túi” - NSND Viễn Châu nhận xét.

    Khi sân khấu gặp nhiều khó khăn, có những suất diễn Minh Vương không nhận tiền, tất cả đều chia cho anh em hậu đài và công nhân vệ sinh rạp. Soạn giả Kiên Giang thán phục: “Tính của Minh Vương phóng khoáng, đúng là một “vị vua hào phóng”. Hồi đó, giải nhất Khôi nguyên Vọng cổ được 10.000 đồng, anh tặng thầy Bảy Trạch 7.000 đồng, còn 3.000 đồng đưa cho mẹ”. Nghe tôi nhắc lại chuyện này, NSƯT Minh Vương xua tay: “Ai sống rồi cũng chết, khi đó có mang theo tiền của được đâu?”.

    Sau này, Sân khấu Vàng ra đời, NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy chủ trương đưa diễn viên trẻ vào các vở diễn. Vì thế, giải Chuông vàng vọng cổ của HTV không thể thiếu Minh Vương. Anh không chỉ chấm thi mà còn dành nhiều thời gian trò chuyện, nâng cao cách ca, phân tích kiểu lấy hơi, trau chuốt câu vọng cổ cho thí sinh.

    Nghe đồng nghiệp giục tổ chức live show 60 năm làm “vua không ngai”, Minh Vương thổ lộ: “Dù không ngai mà có nhiều “thần dân” yêu quý, thế là đủ. Trước khi muốn làm “vua” thì hãy là một công dân tốt đã”.

    Cả tin nên mắc sai lầm

    Khi vừa ly dị vợ, Minh Vương thường xuống Cà Mau diễn và được một phụ nữ săn đón. “Cô ta tự nguyện đứng ra trả hết tiền căn nhà mua trả góp của tôi. Tôi đã thiếu suy nghĩ và một phần cũng vì tin cuộc đời hào phóng với mình, không nhận thì có lỗi, để rồi mắc sai lầm” - anh ngao ngán.

    “Khi vụ việc bị phanh phui, căn nhà ấy bị tịch biên, vì thâm lạm tiền Nhà nước nên cô ta phải vào tù. Một dạo, báo chí ngày nào cũng đăng hình tôi đứng ở tòa. Tôi rất đau buồn. Bản án đã giúp tôi thanh minh cho sự nhẹ dạ, cả tin của mình. Tôi phải nộp 690 triệu đồng, rồi bán căn nhà đó thanh toán án phí và lại khăn gói trở về quận 8...” - NSƯT Minh Vương ngậm ngùi.
    THANH HIỆP
    Nguồn tin: NLĐ


    Kỳ tới: Văn Chung - Cười cho quên cay đắng


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 7 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    danhmat (28-06-2012), Duongtonhu (01-07-2012), Giang Tiên (28-06-2012), ngocthu27 (28-06-2012), romeo (28-06-2012), Thanh Hậu (28-06-2012), Thanh Hien (01-07-2012)

  13. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Minh Vương ngày xưa đẹp quá trời đẹp luôn, dễ thương quá..

    Kì sau anh Phong Vũ post vào đây luôn cho tập trung nhé anh, em cảm ơn !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following User Says Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    romeo (28-06-2012)

  15. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    KỲ 5: VĂN CHUNG - CƯỜI CHO QUÊN CAY ĐẮNG


    Cuộc hôn nhân của Văn Chung và “đệ nhất đào thương” Thanh Hương đổ vỡ khi cô đào này diễn cặp với nghệ sĩ Hùng Minh. Văn Chung bèn chuyển sang diễn hài, mượn tiếng cười để vượt qua nỗi đau…

    Bước vào nghề với mơ ước làm kép chính, giọng ca của nghệ sĩ (NS) Văn Chung (tên thật là Quách Văn Chung, SN 1928, tại Sài Gòn) thời trai trẻ rất mùi mẫn. Năm 1948, ông tham gia Việt Nam Cổ nhạc Đoàn của Đài Phát thanh Pháp Á. Thính giả mê cải lương thời đó lập tức chú ý đến giọng ca của Văn Chung và “đệ nhất đào thương” Thanh Hương, con gái NSND Năm Châu và NS Tư Sạng.

    Ngậm đắng nuốt cay

    Năm 1952, từ mối duyên hát chung trong đài, hai người yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân. Cặp NS Văn Chung - Thanh Hương được các hãng Pathé, Asia, Hoành Sơn mời thu thanh nhiều bộ dĩa nguyên vở tuồng và hàng loạt bài vọng cổ. Sau đó, ông được cha vợ thu nhận vào Đoàn Việt kịch Năm Châu. Thoạt tiên, Văn Chung chỉ được giao vai phụ, về sau, diễn các vai kép trẻ do cha vợ viết để lăng xê con rể.

    Nghệ sĩ hài Văn Chung và vợ

    Năm 1955, để khẳng định tên tuổi, Văn Chung quyết định sang đoàn khác. Ông và NS Thanh Hương về cộng tác với Đoàn Thanh Minh. Đây là giai đoạn ông được báo giới Sài Gòn khen ngợi vì sự phấn đấu vượt bậc, tạo được uy tín cho nghề nghiệp.

    Năm 1957, Văn Chung được mời về hát chính trên sân khấu Đoàn Kim Chưởng và nổi tiếng với vai người tình của Kiều Mộng Liên - Thanh Hương đóng trong tuồng Nhặt cánh mai vàng (soạn giả Thu An). Một năm sau, NS Thanh Hương sinh con gái đầu lòng. Năm 1960, vợ chồng ông rời Đoàn Kim Chưởng và lập gánh hát Thanh Hương - Văn Chung.

    “Gánh hát chúng tôi đi đến đâu cũng được bà con khán giả yêu thích. Song, nghiệp làm bầu quá nặng nề, những chuyện đắng lòng sau tấm màn nhung đã khiến tôi choáng váng. Năm 1961, khi gánh hát diễn tại Hậu Giang, NS Hùng Minh diễn cặp với Thanh Hương, dẫn đến việc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ... Gánh hát tan đàn xẻ nghé, Thanh Hương gửi con gái cho người cô thứ ba nuôi dưỡng, bỏ đi cùng Hùng Minh lập gánh Hùng Minh - Thanh Hương” - Văn Chung chua chát.


    NS Văn Chung và Kiều Mai Lý trong live show NSƯT Bảo Quốc tại Mỹ năm 2009

    Ngậm đắng nuốt cay, Văn Chung trở về Sài Gòn gia nhập Đoàn Dạ Lý Hương. “Lúc này, hai kép trẻ là Hùng Cường và Dũng Thanh Lâm đang nổi. Để có thể tồn tại và vượt qua nỗi đau buồn từ chuyện gia đình, tôi được soạn giả Nguyễn Phương đề nghị diễn vai hài lẳng trong tuồng Tiền rừng bạc biển do ông sáng tác. Từ đó, tôi chuyển qua diễn hài” - Văn Chung nhớ lại.

    Muốn xóa niềm đau

    Trong một lần sang Mỹ, trò chuyện với NS Văn Chung tại hậu trường rạp SAC ở miền Nam California, tôi được nghe ông giải thích thêm về bước ngoặt này. “Khi chuyển sang diễn hài, tôi muốn đời mình lạc quan hơn, xóa đi những niềm đau riêng. Có lúc tôi hận đời sao đen bạc, cuộc hôn nhân hạnh phúc bỗng chốc như đàn lạc điệu. Mỗi đêm, tôi đem tiếng cười đến cho khán giả để giúp mình thêm trẻ trung, yêu đời” - ông tâm sự.

    NS Văn Chung để lại nhiều dấu ấn trên sân khấu Dạ Lý Hương qua các vở diễn chung với những danh ca: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Hữu Phước, Thành Được, Út Hiền… Dù chuyển sang diễn hài nhưng ông vẫn ca vọng cổ, bài bản cải lương. So với các danh hài Tùng Lâm, Thanh Hoài, La Thoại Tân, Xuân Phát… thời đó, Văn Chung có phần vượt trội vì biết ca lẫn diễn.


    NS Văn Chung giới thiệu với khán giả kiều bào đêm vinh danh soạn giả Viễn Châu


    “Nghịch cảnh đẩy đưa nên tôi sống với duyên hài cho đến giờ. Thêm nữa, khi biết không thể sánh với những kép trẻ về mặt sắc vóc, hình thể lẫn giọng ca, tôi phải có bước đột phá. Giữa lúc sân khấu Sài Gòn có nhiều danh hài, tôi buộc phải tìm nét riêng. Vậy là tôi sáng chế ra cách diễn khác lạ và được khán giả tặng biệt hiệu hề dê và hề té” – Văn Chung nhớ lại.

    Trở thành danh hài từ giữa thập niên 1960, Văn Chung còn thành công ở lĩnh vực phim ảnh khi đóng những vai hề trong các bộ phim: Lệnh bà xã, Triệu phú bất đắc dĩ, Con ma nhà họ Hứa...

    Ao ước live show cuối đời

    Cuối thập niên 1960, danh hài Văn Chung đi thêm bước nữa. Vợ của ông là con gái một doanh nhân, vì mê duyên hài của Văn Chung mà chấp nhận theo ông nâng khăn sửa túi. Cuộc tình muộn nhưng chung thủy và mặn nồng đã kéo dài gần 40 năm nay.
    Hiện ông bà đang sống tại TP Westminster - miền Nam California (Mỹ). “Nhờ bà nhà mà tôi trẻ lâu, có sức khỏe. Vợ chồng tôi đi đâu cũng có nhau, không bao giờ lớn tiếng. Từ ngày qua Mỹ đến nay, tôi được thường xuyên ăn món ăn Việt, không thiếu thứ gì, cũng nhờ bà ấy” - ông cảm động.


    NS Văn Chung và NS Phượng Liên trong vở Bên cầu dệt lụa diễn tại Mỹ năm 2010


    NS Văn Chung năm nay đã 84 tuổi. Ở tuổi này, hiếm ai còn đứng trên sân khấu biểu diễn. Thế nhưng, từ ngày sang Mỹ định cư đến nay đã gần 20 năm, ông chỉ sống bằng nghề hát. Không chỉ đắt sô diễn hài, ông còn được nhiều hãng băng dĩa tại Mỹ mời quay hình. Hết diễn xuyên bang ở Mỹ, ông lại bay sô sang Paris - Pháp, Toronto và Montréal - Canada…

    “Ở Mỹ, tôi diễn hài thâm niên nên NS hài nào trong nước qua cũng diễn với tôi. Tôi về thăm quê nhà đã 28 lần rồi. Giờ đây, tôi chỉ mong sao về nước thực hiện được một live show cuối đời” - NS Văn Chung ao ước.


    Trích Đoạn Bên Cầu Dệt Lụa - PHƯỢNG LIÊN - LỆ THỦY - VĂN CHUNG


    Sống với trái tim “sắt”

    NS Phượng Liên cho biết có lần đi diễn ở Mỹ, bà và NS Văn Chung làm thủ tục ở sân bay. Đến lượt NS Văn Chung, bỗng dưng chuông báo động reo vang làm hàng trăm hành khách hốt hoảng. Hải quan sân bay lập tức chặn Văn Chung lại nhưng kiểm tra khắp người ông vẫn không phát hiện được mảnh kim loại nào. Khi đó, Văn Chung mới chỉ vào ngực trái và đưa ra giấy xác nhận của bệnh viện…

    Thì ra, cách đây 12 năm, căn bệnh tim ngỡ đã cướp đi mạng sống của NS Văn Chung trên đất Mỹ. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã đặt vào ngực ông một thiết bị hỗ trợ tim bằng kim loại. Do vậy, hễ đi máy bay là ông phải mang theo giấy xác nhận của bệnh viện để làm thủ tục hải quan.

    Bài và ảnh: THANH HIỆP

    Kỳ tới: Ngọc Giàu - Sống là cho

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    danhmat (29-06-2012), Thanh Hậu (29-06-2012), Thanh Hien (01-07-2012)

  17. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Thanh Hậu em gộp chung bài lại giùm anh.
    Anh lại quên nữa rầu.
    Thanks em!!!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    danhmat (29-06-2012), Thanh Hậu (29-06-2012)

  19. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    KỲ 6: NGỌC GIÀU - HÃY SỐNG TỐT THÌ CUỘC ĐỜI SẼ MỈM CƯỜI



    “Người ta nói sống là cho nhưng với tôi như thế vẫn chưa đủ mà là phải cho cái tốt. Hãy sống tốt thì cuộc đời sẽ mỉm cười với mình” - NSND Ngọc Giàu thổ lộ



    NSND Ngọc Giàu cùng con gái và cháu ngoại

    Cách đây 3 năm, khi kết thúc live show Khúc tương tư, dù kết toán bị lỗ nhưng nghệ sĩ (NS) Ngọc Giàu vẫn cười tươi rói: “Một cô bé học chưa hết lớp 5, nhà nghèo đến nỗi phải cắt vạt áo dài của má để may áo bà ba đi học, rồi vào đời chỉ có mỗi cái tên Ngọc Giàu mà ba má đặt cho, 55 năm qua nuôi cả gia đình nhờ bà con khán giả thì nay tri ân qua 2 suất hát, có lỗ mấy cũng vui”. Thế rồi bà vay tiền ngân hàng, thực hiện lời hứa trao tặng tiền mổ mắt cho người nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể.

    Một đời cơ cực

    Mới đây, NSND Ngọc Giàu điện thoại cho tôi khoe: “Sau 3 năm, tôi đã trả hết nợ ngân hàng rồi. Tôi vừa nhận được lá thư của một bạn sinh viên được tặng tiền mổ mắt, nay đã vào ĐH năm nhất. Tôi đọc thư vừa vui mừng vừa cảm động đến không ngủ được”.


    NSND Ngọc Giàu ca bài Mẹ vẫn đợi con về, NSND Viễn Châu đàn tranh
    sáng ngày 20-5-2012 (ảnh Thanh Hiệp)


    Ít ai trong giới NS có cuộc đời cơ cực như NSND Ngọc Giàu. “Cha tôi đặt tên các con theo một câu thơ “Thành, Tâm, Tu, Niệm, Giàu, Sang, Trên, Đời” nhưng tới lượt tôi ra đời, vì nhà quá nghèo, má dứt khoát không sinh nữa. Để biết chữ, tôi phải lội bộ mỗi ngày 6 cây số ra nhà thờ Thủ Thiêm học. Hồi đó, dù chưa biết đọc nhưng tôi đã thuộc nhiều bài ca. Anh thứ ba của tôi theo gánh Sơn Đông mãi võ bán thuốc bắc, năm tôi học chưa hết lớp 5 đã được anh dắt theo...” - bà nhớ lại.


    NSND Ngọc Giàu năm 20 tuổi (ảnh do NS cung cấp)


    Một hôm, bà chủ quán Lệ Liễu ở Thị Nghè đến tìm Ngọc Giàu vì “nghe nói con bé ca hay lắm”. Bà bảo nếu ca ở quán Lệ Liễu, mỗi tháng Ngọc Giàu được trả 10 đồng. “Ba tôi làm công ở các công trường xây dựng, mỗi tháng lái xe hủ lô cũng chỉ kiếm được 5 đồng. Nghĩ đến việc có được số tiền nhờ ca hát ở quán Lệ Liễu thì ba sẽ không còn đội nắng dầm mưa lái xe nữa, tôi liền nhận lời” - NSND Ngọc Giàu kể.

    Sau một thời gian ca ở quán Lệ Liễu, Ngọc Giàu được bà bầu Đoàn Kim Chưởng mời về hát với “vua xàng xê” Minh Chí. “Năm đó tôi mới 14 tuổi, do không có ngực nên mỗi tối khi diễn, tôi phải lấy vải độn vào áo mới đóng vai đào được. Nhờ chú Minh Chí giới thiệu, tôi vào hãng Việt Hải thu dĩa. Soạn giả Viễn Châu đã viết chặp cải lương hài Chú rể trong lu cho tôi ca với NS Thanh Việt và Hề Minh. Sau đó, ông còn viết cho tôi nhiều bài ca cổ: Gió biển Hà Tiên, Áo tình đắp mộ người yêu, Lan và Điệp...” - bà hồi tưởng.


    NSND Kim Cương chụp ảnh lưu niệm với thân sinh của NSND Ngọc Giàu và người chị ruột của bà
    trong ngày giỗ của mẹ NSND Ngọc Giàu năm 2008 (ảnh Thanh Hiệp)

    Nổi tiếng năm 15 tuổi, một năm sau, Ngọc Giàu đoạt HCV Giải Thanh Tâm. “Bao nhiêu năm qua, nhờ giọng ca mà tôi nuôi cả gia đình. Giờ đây, vay nợ làm từ thiện, tri ân tình cảm của công chúng bằng sự san sẻ với người khốn khó, đó là chuyện bình thường với tôi” - NSND Ngọc Giàu tâm sự.

    Không chê vai nào

    NSND Ngọc Giàu cho biết nhìn lại chặng đường đã qua, bà không có điều gì phải tiếc nuối. “Những đau khổ trong đời là hành trang của nghề. Năm con gái tôi lìa đời do bị ung thư máu lúc cháu 12 tuổi, tôi đã nhận ra mình sẽ không giữ được gì nếu trong cuộc sống chỉ biết khư khư ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Người ta nói sống là cho nhưng với tôi như thế vẫn chưa đủ mà là phải cho cái tốt. Hãy sống tốt thì cuộc đời sẽ mỉm cười với mình” - bà thổ lộ.


    NSND Ngọc Giàu và NS Lê Tín trong chương trình biểu diễn tại Mỹ (ảnh Thanh Hiệp)


    Mang trái tim mẫn cảm, Ngọc Giàu đi vào hàng ngàn tính cách nhân vật thấm đẫm nghĩa tình dù đó chỉ là vai phụ. Từ bà lão cho đến con nít, giả trai hay nữ tướng, ở sân khấu cải lương, kịch nói, truyền hình hay điện ảnh, bà không chê vai nào. Với những vai phụ, bà đã “đắp da thêm thịt” để nhân vật sống mãi trong lòng khán giả, điển hình là Bảy cán vá trong vở Đời cô Lựu. NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở này lưu diễn Tây Âu theo lời mời của UNESCO vào tháng 2-1984, nhìn nhận: “Vai Bảy cán vá trong tuồng chỉ có vài dòng nhưng Ngọc Giàu đã làm cho vai này bất tử”.

    Không chỉ với khán giả trong nước, trong các chuyến Ngọc Giàu lưu diễn hải ngoại, khán giả kiều bào vẫn yêu cầu bà “giễu một chút cánh tay cán vá”. Có lần, một bà cụ ở San Diago - Mỹ nhập viện cấp cứu, hay tin Ngọc Giàu sang đã nhắn con cháu bằng mọi cách mời bà vào bệnh viện. “Khi tôi tới giường bệnh, cụ cầm tay ân cần: “Hồi đó nhờ xem cô giễu với vai Bảy cán vá mà tôi quen với ba của tụi nhỏ. Tôi có tới 13 người con, hễ con gái thì đặt chữ lót là Ngọc, con trai chữ Giàu”. Tôi bật khóc vì cảm động và vui sướng” - bà bồi hồi.


    NSND Ngọc Giàu chải tóc cho cô em gái cưng nhất trong nghề - NSND Lệ Thủy (ảnh Thanh Hiệp)


    Ngọc Giàu nhớ hồi còn xuân sắc, bà diễn vai Hoạn Thư bị khán giả ghét cay ghét đắng, nhiều phụ nữ còn ném cả guốc lên sân khấu. “Tối về, tôi khóc và thề không đóng vai ác nữa. Ba tôi liền khuyên: “Con phải mừng vì đóng ác mà bà con tưởng thiệt, vậy là thành công. Quý hơn nữa là cái ác của con cảnh tỉnh người đời tránh xa nó” - bà xúc động.

    Có được nhiều niềm vui

    Ngày chia tay người chồng cũ, Ngọc Giàu đến tá túc nhà NSND Bạch Tuyết trước khi được Nhà nước cấp cho căn phòng nhỏ ở chung cư rạp Hưng Đạo - TPHCM. Sau này, người chồng cũ bán căn nhà mặt tiền, cầm hơn 10 lượng vàng đến đưa cho bà. Nhìn ông tiều tụy, bà xót xa: “Anh cất đi, để dành lo tuổi già. Lớn tuổi rồi, đừng sống phóng túng nữa”. Rồi khi Ngọc Giàu quyết định kết hôn lần thứ hai với nhạc sĩ Nguyễn Kim Bằng, ba của bà vui ra mặt vì tin rằng con gái mình đã tìm được hạnh phúc.

    Mới đây, Nguyễn Ngọc Phượng, con gái của NSND Ngọc Giàu, dẫn con từ Mỹ về thăm bà. “Cháu tôi chưa thôi nôi nhưng đã mê nghe bà ngoại ca vọng cổ” - bà khoe. Sau biết bao đau buồn của cuộc đời, ở tuổi 67, NSND Ngọc Giàu cũng có được nhiều niềm vui. “Bây giờ, đem tiếng cười lạc quan đến cho khán giả là niềm hạnh phúc của tôi” - bà bày tỏ.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (01-07-2012), Giang Tiên (01-07-2012), MEM (01-07-2012), Thanh Hậu (01-07-2012)

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL