1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    "Những lời nhận xét, những cử chỉ của bà dành cho người đối diện cũng thường sâu sắc, tinh tế. NSUT Bảo Quốc bộc bạch: “Có dịp trao đổi với chị một số vấn đề trong chân tình đồng nghiệp, rất dễ nhận ra ở chị sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự học hỏi kiên trì và tấm lòng thiết tha với nghệ thuật cải lương ngay cả nguy nan nhất là tấm gương, và cũng là sự động viên, khích lệ lớn lao cho chúng tôi – những người kế tục."
    Ngày nhận giải Thanh Tâm bên cạnh "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga - Lan Chi - "Kiều nữ" Bích Sơn

    BẮT ĐẦU TỪ GÁNH SƠN ĐÔNG MÃI VÕ

    Cái tài của nghệ sĩ Ngọc Giàu cũng đã được ghi nhận bằng hàng loạt danh hiệu, giải thưởng, đặc biệt là danh hiệu NSND vừa được nhà nước phong tặng. Song, chẳng tự nhiên mà có một Ngọc Giàu như thế. NSND Ngọc Giàu tên khai sinh là Phong Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1945, là con thứ sáu trong một gia đình đông con, lao động nghèo ở Thủ Thiêm (nay là Quận 2 - TPHCM). Ký ức tuổi thơ của Ngọc Giàu là những chuỗi ngày bần hàn, cơ cực, nhưng lại rất mê ca hát, những lúc rảnh rỗi bà thường học hát qua đài. Năm 7-8 tuổi, cô bé Ngọc Giàu vừa đi học vừa đi làm mướn, ca hát giúp vui để chủ bán hàng.

    Năm lên 9 tuổi, bà cùng người anh thứ ba theo một nhóm sơn đông mãi võ nhào lộn, phụ bán thuốc để nuôi sống gia đình. Con nít cứ đi biền biệt cả năm trời, sống khi đói khi no, cô bé nhớ nhà, nhớ má, nhớ ba vô cùng. Vậy mà có lần đoàn hát diễn gần chỗ má bán, Ngọc Giàu đòi ghé thăm má, người anh không cho, bảo: "Mày ráng hát nổi tiếng rồi tao cho về". Thế là bà quyết tâm “phải nổi tiếng” để được về thăm ba má. Năm 12 tuổi, nhờ có giọng hát trời phú , bà được nhận vào gánh hát Mai Lan Phương - Ngọc Chiểu và chỉ làm tỳ nữ, rồi ngâm thơ hậu trường. Đến khi về đoàn Ngọc Kiều của Hoàng Kinh - Ngọc Đáng ( tròn 13 tuổi) thì được đóng những vai đào nhì, sau hai tháng được nâng lên đào chính. Biết mình kém sắc nên bà nghiêng về hơi ca, nét diễn để chinh phục khán giả.

    Một lần cùng đoàn đi diễn ở Quảng Ngãi, đoàn Ngọc Kiều diễn vở Đôi mắt giai nhân. Trong số khán giả đến xem đêm diễn ấy có bà bầu của đoàn Kim Chưởng nên bà đã được mời về làm diễn viên của đoàn Kim Chưởng đi lưu diễn khắp các tỉnh từ miền Trung đến miền Tây. Năm 1958, vừa về đến Sài Gòn, Ngọc Giàu được chủ rạp hát Hưng Đạo mời dự lễ khai trương, đồng thời tham gia vai đào chính trong vở Hai cánh én đầu xuân, đóng cặp cùng nam diễn viên tài danh Minh Chí.

    Sau lần diễn đó, nghệ sĩ Minh Chí đã đưa bà đi giới thiệu với các hãng băng đĩa ở Sài Gòn. Chủ hãng Asia, một hãng đĩa lớn ở Sài Gòn, sau khi nghe cô bé 14 tuổi ngâm thơ và hát thử đã ký hợp đồng dài hạn. Hai năm sau, bà được soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng ở đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga mời về đoàn. Từ đó tên tuổi của Ngọc Giàu ngày càng được đông đảo khán giả cải lương ở khắp các tỉnh, thành miền Nam mến mộ. Giọng ca của bà được giới báo chí thời ấy ca ngợi là lụa trải nhung căng. Năm 16 tuổi, bà đã đoạt "huy chương vàng triển vọng" giải Thanh Tâm. Chỉ ba năm sau, 1963, bà đoạt luôn "huy chương vàng xuất sắc" giải Thanh Tâm, là một trong sáu nghệ sĩ hiếm hoi đạt được giải thưởng này..

    Lục Vân Tiên bên cạnh Kiều Nguyệt Nga - Bạch Tuyết

    NHỮNG VAI DIỄN ĐỂ ĐỜI
    Có phải vì những năm tháng phiêu bạt cùng gánh sơn đông mãi võ mà cái máu lãng tử đã thấm đẫm trong tư chất của bà . Sân khấu cải lương với bà hầu như thoát ra khỏi lớp hoá trang cũ kỹ, loè loẹt để đạt tới nét điểm trang tinh tế, chân thật. Hình ảnh người phụ nữ chuộng đời sống xa hoa, chạy theo mốt thời thượng, bỏ chồng trong Cho trọn cuộc tình đến đoạn cao trào, nhân vật trong trạng thái không điên không tỉnh đã được Ngọc Giàu diễn tả chỉ bằng mấy bước chân, rồi đứng lặng, kéo theo cái ánh mắt nửa bàng bạc sự uất nghẹn vì hối hận,nửa trêu cợt, bông lơn. Bất ngờ khán phòng vang dội tiếng vỗ tay.

    Không sang cả và hoàn hảo như Thanh Nga mà sự xuất hiện dễ làm người xem choáng ngợp, ở Ngọc Giàu là cái duyên trời cho cứ ngày một ngày hai làm người ta thấy thương, thấy cảm rồi mê, đâm ra ghiền. NSND Bạch Tuyết nói về người bạn diễn cùng tuổi đời của mình: “Khi không phải ra sân khấu, tôi thường đứng lặng lẽ trong cánh gà nghe chị ca, xem chị diễn những đoạn tôi thích, vừa bằng trái tim hồn nhiên xúc cảm của khán giả, vừa bằng đôi mắt quan sát của đồng nghiệp. Hiếm khi thấy ở người diễn viên nào tính chuẩn xác trong phát âm và hành động sân khấu như chị. Vai Bà Hai Hương trong Đời cô Lựu là một chuẩn mực của nghệ thuật ca - diễn Ngọc giàu. Chất đôn hậu, chân chất mà dí dỏm được thể hiện cả trong đường kim mũi chỉ, cho đến cái dáng điệu lúi húi, nụ cười thật thà mà chua chát, bàn tay run rẩy tìm cho ra chai dầu xanh… Hình tượng Lục Vân Tiên qua phong cách Ngọc Giàu vẫn là một chuẩn mực không một ai thay thế.

    Chúng tôi đã từng đóng cặp trong vở diễn cùng tên này. Sau khi thảo luận rất nhiều về vở diễn và vai diễn, chúng tôi thống nhất mỗi người tự tìm cho mình một cách cảm nhận và biểu đạt về Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, hẹn hai tuần sau đến rạp để ráp lại, hay thì để, dở thì cắt. Không ngờ cả hai cùng một điểm hẹn. Lục Vân Tiên của Ngọc Giàu và Kiều Nguyệt Nga của tôi đã tìm ra một thừa số chung của phép toán biểu hiện. Những hình tượng Lục Vân Tiên từ đó đến nay hầu như chưa làm nổi bước cách tân, so với Lục Vân Tiên – Ngọc Giàu ngày ấy. Những ngày cuối năm 2009, Ngọc Giàu thực hiện live show Khúc tương tư, một đồng nghiệp cho biết, chị nhất định không đưa trích đoạn Lục Vân Tiên vào vì thiếu Bạch Tuyết ( tôi bận việc đi nước ngoài). Tấm lòng ưu ái với bạn diễn của chị khiến tôi nể phục và vô cùng xúc động”.

    Nụ cười luôn nở trên môi - dấu nổi buồn vào bên trong

    Không bon chen để vào những vai chính, song Ngọc giàu lại nổi bật như một nhân vật trung tâm bởi tài năng thể hiện đa dạng của bà. Bà có bản lĩnh của người thiết kế đội hình cho toàn vở diễn. Trên sân khấu, bà thường nhận làm điểm tựa cho bạn diễn, bắc cầu cho những cú đột phá sáng tạo bất ngờ. Vai Bảy cán vá trong Đời cô Lựu là một minh chứng. “Những nhân vật không mấy dòng trong kịch bản, nhưng đã chiếm trọn cảm tình của người xem về tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

    Nghệ thuật cải lương không thành hình hẳn một nhân vật hề chèo như trong nghệ thuật chèo. Song phải cần cảm ơn “cái tay cán vá” của Ngọc Giàu đã mang lại cho sân khấu cải lương một tiếng cười sảng khoái, một kiểu hài hước đồng quê, hào sảng” – NSUT Bảo Quốc cho biết như thế. NSND Ngọc Giàu kể: “Năm 1984, tôi diễn vai này lần đầu tiên ở Pháp, khán giả vỗ tay 3- 4 chập, tôi cứ ra vô hoài để cảm ơn, Bao nhiêu đó đủ bù lại cho tôi nỗi khổ, vì khi bẻ cong như thế, cánh tay tôi bị tê rần, rất khó chịu, diễn một hồi phải chạy vô cánh gà thả tay xuống cho máu chảy đều”.

    Sau vai Bảy cán vá, tự nhiên mấy đạo diễn cứ mời bà đóng vai hài tới tấp. Hết cải lương hài rồi tới kịch hài, tấu hài, trở thành một cây cười ăn khách, đoạt giải nhì Diễn viên hài được yêu thích nhất năm 1990, giải Mai vàng 1995, hai lần nhận giải Cù nèo vàng, tiếp tục là giải của Gala cười 2003 của VTV3. Chị trầm ngâm: "Tôi cảm ơn tổ nghiệp, vì khi tôi lớn tuổi không còn hơi để ca cải lương, nhờ có hài mà tôi diễn được tới bây giờ, nuôi cả gia đình". Quả thật, nhiều chương trình đến nay vẫn yêu cầu bà diễn lại vai này. Cuối năm 2011, bà sang Mỹ diễn chung với Chí Tâm vai anh thợ bạc, khán giả cứ mê mẩn.

    Vai Bảy Cán Vá - vai diễn để đời bên cạnh đàn em Lệ Thủy

    MỘT CUỘC SỐNG BÌNH YÊN
    Ngọc Giàu ngoài đời là người vợ, người mẹ dầy trách nhiệm với gia đình. Cả đời bà, luôn phải làm việc cật lực để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, con cái, người thân, tận tâm chu đáo. Hiện nay, cha mẹ bà đều qua đời, một người con gái đã mất từ nhỏ vì bệnh ung thư máu, đứa con thứ hai đã lấy chồng, người chồng gắn bó mấy mươi năm với bà cũng đã không còn, bà hay lụi hụi một mình trong căn nhà vắng. Tất cả khoảng trống tình cảm bà gửi vào những chú chim nhỏ mà bà nuôi để nghe tiếng hót sau vườn. Bà lót ổ, che chắn, chăm bón lũ chim từng chút nước, chút thức ăn như chim mẹ. Ở nhà là vậy, nhưng khi bước vào hậu trường sân khấu, mỗi khi có Ngọc Giàu bao giờ cũng như rung rinh với những tràng cười vỡ bụng vì các câu chuyện tiếu lâm và cách nói chuyện bặm trợn của bà.

    Cảm ơn biết bao sự hiện diện của những cánh én như Bà , luôn dệt những mùa xuân cho thánh đường nghệ thuật cải lương thêm nhiều hương sắc”
    SONG MINH







    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (29-06-2012), romeo (29-06-2012), Thanh Hậu (29-06-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Cô Ngọc Giàu đẹp quá, ngày xưa cô ca cực kì mùi !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    romeo (29-06-2012)

  5. minhyenlong
    Avatar của minhyenlong
    Một giọng ca mượt như nhung,vai diễn nào của cô cũng gây ấn tượng cho người thưởng thức.Mai Tiểu Loan của cô trong vở Dương Quý Phi và Hoạn Thư trong vở Thúy Kiều là một trong những vai Minhyenlong rất thích.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to minhyenlong For This Useful Post:

    MEM (29-06-2012), romeo (29-06-2012), Thanh Hậu (29-06-2012)

ANH EM CHANNEL