1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    LỚP ĐÀO TẠO DIỄN VIÊN CẢI LƯƠNG CỦA NHÀ HÁT TRẦN HỮU TRANG TRONG NHỮNG THẬP NIÊN 80- 90 CỦA THẾ KỲ TRƯỚC LÀ MỘT CHIẾC NÔI CHẮP CÁNH CHO RẤT NHIỀU NGHỆ SĨ TÀI DANH TRÊN SÂN KHẤU. MỖI NGƯỜI MỘT VẺ, CÓ THỂ KỂ ĐẾN NSƯT THANH THANH TÂM MỘT “THẦN ĐỒNG” TỪ LÚC CÒN THƠ ẤU, NGHỆ SĨ VÂN HÀ VÔ CÙNG SẮC NÉT, NSƯT THOẠI MỸ RẤT TÍNH CÁCH VÀ ĐỘC ĐÁO, NSƯT PHƯƠNG HỒNG THỦY THÌ RẤT ĐẰM THẮM VÀ KIÊU SA…

    CÒN ĐỐI VỚI NSƯT TẤN GIAO, KHÔNG HIỂU VÌ SAO MÀ CỨ MỖI KHI XUẤT HIỆN TRÊN SÂN KHẤU, ANH NHƯ MỘT LÀN GIÓ MÁT TRONG LÀNH ĐEM ĐẾN CHO KHÁN GIẢ MỘT CẢM GIÁC RẤT NHẸ NHÀNG THƯ THÁI VÀ VÔ CÙNG DỄ CHỊU. CÓ THỂ NÓI VỚI THẾ HỆ NGHỆ SĨ TRẺ SAU NÀY, NSƯT TẤN GIAO LÀ MỘT TRONG NHỮNG DẤU ẤN TÀI HOA CỦA BỘ MÔN NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG.

    Mội mình lều chõng
    Khi đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình vươn lên với những bước nhảy vọt tích cực của “người khổng lồ” về mọi mặt, nhiều cánh cửa nghề nghiệp được mở rộng chào đón những thanh niên tri thức trẻ, thì anh lại chọn cho mình một hướng đi mà theo nhiều người nhận xét là “ngõ cụt”: học hát cải lương với mơ ước trở thành một nghệ sĩ. Bởi lẽ lúc này sân khấu cải lương đang dần dần bị thu hẹp, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng còn chuyển nghề nói chi đến những người đang chập chững bước vào nghề như anh.

    Tuy sinh ra ở TPHCM nhưng có lẽ do quê Nội ở Chợ Mới – An Giang và quê Ngoại ở Thủ Thừa – Long An, nên cái hương vị đồng bằng cũng còn đâu đó thấm sâu vào tâm hồn của Nguyễn Tấn Giao (tên thật của NSƯT Tấn Giao). Từ nhỏ đã đam mê ca hát nhưng dự định là sau khi học xong lớp 12 sẽ chọn cho mình một công việc khác. Nhưng nhiều khi nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, năm 15 tuổi sau mỗi buổi đi học về thì những tiếng đàn lời ca phát ra từ nhà Thầy Bảo Thu bên cạnh khi Thầy dạy các anh chị Kim Tử Long, Thoại Mỹ… cứ làm cho lòng anh xao xuyến.

    Vì quá đam mê nên Tấn Giao đến thọ giáo với thầy Bảo Thu sau khi được Thầy cho thử giọng, anh cười tươi chia sẻ lúc đó chưa bị bể tiếng nên toàn ca dây đào. Thế là sau mỗi buổi học anh gác bỏ lại sau lưng những trò chơi của tuổi học trò mà chuyên tâm vào việc học hát. Sau khi học xong lớp 12, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mở khóa đào tạo diễn viên mới bắt buộc người dự thi phải ca và diễn một trích đoạn hay tiểu phẩm nào đó. Và Tấn Giao cũng một mình lều chõng với vốn liếng chỉ có biết ca chứ chưa biết diễn.

    Trên sân khấu dự thi với vai Tâm trong trích đoạn Tô Ánh Nguyệt mà dưới hàng ghế giám khảo là những bậc thầy như NSND Phùng Há, Cô Kim Cúc, Thầy Hoàng Ba… có những cái gật đầu, những cái lắc đầu và cũng có những ánh nhìn cứ im thin thít làm anh muốn khóc vì sợ rớt và tim như ngừng đập vậy. Rồi cái tên Tấn Giao chỉ lọt vào lớp dự thính, mà lúc đó học lớp dự thính phải đóng tiền không được miễn phí như các bạn ở lớp chính quy. Được sự động viên và hỗ trợ của thầy cô và gia đình, sau một thời gian học tập Tấn Giao được nhà trường chuyển lên lớp chính quy khi một số bạn ở lớp này thôi học khi không đảm bảo được các yêu cầu của nhà trường.

    Năm 1991, cùng với các bạn đồng môn như Hữu Quốc, Minh Hoàng, Minh Cường, Thanh Lựu… Tấn Giao hoàn thành khóa học với tấm bằng loại A (loại giỏi) và bắt đầu một hành trình mới trên con đường nghệ thuật. Đôi khi ngẫm nghĩ, anh cũng rất tự hào với bản thân vì chỉ một mình lều chõng đi thi, và ban đầu chỉ là một học viên dự thính nhưng cuối cùng anh cũng chứng tỏ được một điều: nếu khổ luyện nghiêm túc thì ắt sẽ thành công.

    Sự cố nhớ đời
    Ra trường, cũng như các bạn học chung lớp NS Tấn Giao cũng mang theo bên mình bao hoài bão lớn là được hát, được thành công trên con đường nghệ thuật. Mặc dù đã lường trước, nhưng dường như những gian nan thử thách và cả những sự cố có một không hai cứ như những cơn lốc bất ngờ hết đến rồi đi, đổ ập vào các nghệ sĩ trẻ. Sau khi Thầy Đoàn Bá – Giám đốc nhà hát lúc bấy giờ xin Sở Văn hóa Thông tin cấp chiếc xe cho sinh viên đi thực tập, thầy và trò háo hức cùng nhau đi diễn ở các tỉnh miền Trung từ Phan Thiết, Phan Rang đến Nha Trang, Đà Nẵng. Ai cũng tự nhủ thầm với bản thân sẽ đem hết những gì đã học được ở trường, những bài học quí báu mà Thầy cô truyền dạy để cố gắng hát phục vụ khán giả.

    Nhưng có ai ngờ được đêm diễn đầu tiên lại là một sự cố nhớ đời mà đến giờ khi nhắc lại, NSƯT Tấn Giao vẫn còn bồi hồi “Khoảng tầm 18h00 của buổi diễn đầu tiên ở Phan Thiết khán giả đến xem rất đông, anh chị em nghệ sĩ ai nấy đều rất mừng và háo hức trong lòng, nhưng ngờ đâu sau khi diễn được chừng 20 đến 30 phút thì lần lượt khán giả đứng dậy bỏ về; rồi nào là đá, cà chua lần lượt ném lên sân khấu…, có lẽ vì do uy danh của nhà hát Trần Hữu Trang quá lớn nên khán giả sẽ được gặp gỡ những nghệ sĩ tài danh, mặc khác khán giả Miền Trung lại rất thích nghe ca hơi dài mà anh em trong đoàn chỉ là những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề và chỉ hát theo những gì mình học được ở trường… Các nghệ sĩ trẻ trong đoàn ai cũng đều khóc”. Sau đêm đó, không đêm nào đoàn bán được vé nên Thầy trò cùng nhau rút về thành phố, ai cũng mang nặng nỗi buồn nhưng đều dấu kín trong lòng, và nhen nhóm đâu đó ý định chuyển nghề đã hình thành trong một vài suy nghĩ.

    Với NS trẻ Tấn Giao, do ý thức được hoàn cảnh của mình không xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề nên ít nhiều cũng thua thiệt trên đường đời. Những gì đạt được ngày hôm nay chỉ là một tấm bằng loại giỏi nhưng cũng đổ mồ hôi nước mắt, không lẽ lại bỏ ngang theo lời khuyên của mọi người. Một mình một ngựa xin đi hát ở các sân khấu tụ điểm, sân khấu trong các công viên Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, Suối Tiên… và với vai trò là một diễn viên hát lót với cát – sê đúng 7500 đồng cho một đêm với mục đích duy nhất là có nơi để cho mình khổ luyện nghề nghiệp. Bao nỗi tủi thân, sa sút tinh thần cứ ngày càng nhiều dồn vào tâm trí nhưng cũng chính nó là động lực thúc giục NS Tấn Giao cố gắng vươn lên với tâm niệm người ta làm được thì mình cũng làm được.

    Dưới màu áo thanh niên xung kích
    Sau khi đoàn về Thành phố, từ 70 bạn học cùng lớp thì số lượng đã giảm đi gần một nửa, rời Đoàn cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long vì thấy mình không hợp với mảng tuồng hồ quảng. Lúc này được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và Ban giám đốc nhà hát, Đoàn cải lương Xung kích trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang ra đời. Đây là một may mắn rất lớn với NS Tấn Giao và các bạn vì vừa có nơi để làm nghề, vừa có điều kiện để đem tuổi trẻ của mình đi phục vụ cho nhân dân ở các xã vùng sâu vùng xa.

    Các miệt bưng biền của Thủ Đức, Duyên Hải (Cần Giờ), Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, rồi đi phục vụ ở Côn Đảo 2 lần vào năm 1994, 1997… kà những điểm diễn mà NS Tấn Giao đã từng đi qua. Cũng từ đó trên hành trang nghệ thuật của mình anh có thêm những vai diễn trong các vở Ân oán giang hồ, Bản tình ca quê mẹ, Những mảnh đời côi cút… và đặc biệt hơn là cái tên Tấn Giao đã chiếm được rất nhiều tình thương của khán giả ở các tỉnh.

    Nhớ về những kỷ niệm đã qua khi hát ở đoàn Xung kích, NSƯT Tấn Giao không dấu được niềm vui và hạnh phúc mặc dù lúc đó khổ cực trăm bề. Do trong đoàn là những bạn bè rất thân vì cũng suốt mấy năm trời cùng học chung lớp, vả lại cùng lứa với nhau nên vui lắm. Lặn lội ở những nơi bưng biền lắm muỗi, nhiều đỉa, nhiều nơi còn không có điện… nhưng các bạn lại vô cùng đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.

    Có lần diễn ở Duyên Hải (Cần Giờ ngày nay), cả đám ngồi trên ghe bị kẹt ở giữa sông vì do con nước, hay cùng nhau “túm rụm” trên chiếc xe lam “một mắt” (xe lam chỉ có một đèn) trên đường lưu diễn khi mắc phải những cơn mưa… . Dù tiền cát – sê ít hỏi hay đến từng xô nước, của khoai được bà con dành cho cũng được chia đều. Đoàn xung kích mà thế hệ duy nhất của NS Tấn Giao được may mắn gắn bó, mang trên vai sứ mạng là những chiến sĩ phục vụ Tổ quốc trên mặt trận văn hóa, đã hình thành trong anh và những người bạn những năm tháng tuổi trẻ rất đẹp. Mà cho đến hôm nay, những hồi ức ấy anh không thể nào quên.

    (Còn tiếp)
    Hạc Lâm
    Nguồn Tin:Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (12-07-2012), Koala (12-07-2012), romeo (12-07-2012), Thanh Hậu (12-07-2012)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    NSUT: Tấn Giao một dấu ấn tài hoa (2)

    Chia sẻ về những “dấu son” trong nghề, mỗi thành tích mà anh đạt được là những kỷ niệm không thể nào quên. Từ khi còn là sinh viên năm cuối (1991), Nghệ sĩ Tấn Giao đã đoạt huy chương vàng cuộc tuyển lựa giọng ca cải lương do Hội Sân Khấu và Sở Văn Hóa Thành phố tổ chức.

    Năm 1995 là một dấu ấn đặc biệt với Tấn Giao, bởi vì lúc này chỉ mới 4 năm ra trường còn là một nghệ sĩ trẻ đang công tác tại Đoàn cải lương Xung kích, NS Tấn Giao đã lập nên một thành tích đáng kể khi đoạt hàng loạt các giải vàng. Huy chương vàng giọng ca cải lương toàn tỉnh Sông Bé, huy chương vàng giọng ca cải lương do Quận 10 tổ chức và đặc biệt là chiếc huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai kỹ sư Nam trong vở tuồng Bản Tình Ca Quê Mẹ. Cũng trong năm này anh thi giải Trần Hữu Trang với vai Tướng cướp Thi Đằng trong vở Tiếng Hạc Trong Trăng, tuy may mắn chưa mỉm cười nhưng anh cũng để lại một ấn tượng rất sâu đậm trong lòng khán giả. Nhớ lại lúc đó, Tấn Giao cũng như các bạn chưa đạt giải trong đó có NSƯT Thanh Ngân đã rớt những giọt nước mắt rất dễ thương, rồi cùng nhau chia sẻ và động viên lẫn nhau cố gắng trau dồi thêm nghề nghiệp của mình.

    Giải Trần Hữu Trang năm 1996, sau khi đã tham khảo rất nhiều ý kiến của các nghệ sĩ tiền bối về việc chọn vai phù hợp với sở trường của mình, NS Tấn Giao dự thi vai Hàn Mạc Tử với phần phụ diễn của cô đào trẻ Ngọc Tuyết là bạn học cùng khóa với anh. Lớp diễn Hàn Mạc Tử gặp lại Mai Đình sau khi biết mình bị bệnh với nhiều cung bậc cảm xúc, rất khó trong việc chuyển tải nội tâm và thể hiện được cái thần của nhân vật. Bỏ một thời gian dài nhịn ăn nhịn uống và dầy công khổ luyện, vai diễn Hàn Mặc Tử đã đem đến chiếc huy chương vàng giải Trần Hữu Trang trong niềm vui sướng và hạnh phúc.Sau khi đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang, cánh cửa nghệ thuật như dang rộng chào đón và tạo nhiều cơ hội mới cho anh trên con đường hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là trong lòng khán giả đã có cái tên Tấn Giao.

    Anh tiếp tục khẳng định bản lĩnh cũng như độ chín trong nghề nghiệp của mình với hàng loạt các giải thưởng lớn khác. Năm 2002 anh lại đạt huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai nhà báo Tâm trong vở Nhảy múa với quỷ dữ. Năm 2005 cũng trong kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc anh đã đạt thêm chiếc huy chương vàng với vai họa sĩ Phan trong vở Trái tim em nói thế của tác giả Hùng Tấn, và cũng vai diễn này NS Tấn Giao đạt giải Mai Vàng do báo Người Lao Động bình chọn năm 2007.Chia sẻ về những vai diễn này anh cho biết ấn tượng nhất với anh là vai họa sĩ Phan trong vở Trái tim em nói thế của tác giả Hùng Tấn. Đây là một vai diễn cực kỳ khó: Phan là một anh họa sĩ nghèo nhưng sống rất chất phác thật thà, nhưng rồi lại gặp một bà chủ lớn tuổi giàu có buôn bán ma túy dụ dỗ và rơi vào con đường nghiện ngập.

    Ban đầu khi được đạo diễn Hoa Hạ giao vai anh rất trăn trở vì vai diễn lạ và đa tính cách, mặt khác không biết khi lên cơn nghiện phải đau đớn và vật vã như thế nào. Thế là anh tìm đến trung tâm cai nghiện để quan sát học hỏi từng cử chỉ về động tác, về ánh mắt cũng như nét biểu cảm trên gương mặt… để đầu tư cho vai diễn của mình, đó cũng là một bài học thực tế rất quan trọng để giúp phong cách ca diễn của mình ngày càng đa dạng hơn.Năm 2007, cùng với những nghệ sĩ đàn anh như NS Minh Vương, NS Thanh Tuấn, NS Kim Tử Long, NS Thoại Mỹ… NS Tấn Giao vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú khi tuổi đời còn rất trẻ.

    Với anh đây là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm vô cùng lớn lao, do đó anh ý thức phải cố gắng phấn đấu, học hỏi và cống hiến nhiều hơn nữa để không phụ lòng Tổ nghiệp, không phụ lòng các cấp lãnh đạo và đặc biệt là với khán giả thương mình. Nhớ lại khi được phong danh hiệu NSƯT cũng có nhiều người thắc mắc là có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT, còn anh tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ mà tại sao được vinh dự này. Anh chỉ trả lời đơn giản là mỗi người đều có một quá trình cống hiến phấn đấu riêng, và chắc có lẽ anh chưa là một nghệ sĩ nổi tiếng lắm nên những cống hiến của anh thầm lặng nên ít được mọi người để ý đến.Những thành quả mà NSƯT Tấn Giao đạt được phía trước là một động lực nhưng cũng là một áp lực. Không bao giờ tự mãn và hài lòng với bản thân mình, anh luôn nỗ lực trên con đường tương lại phía trước để trong mắt khán giả, đồng nghiệp vẫn là một nghệ sĩ Tấn Giao giản dị, tận tâm với nghề nghiệp.

    Hạnh phúc với cuộc sống hiện tại
    NSƯT Tấn Giao là diễn viên chính biên chế của Đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cùng các anh em nghệ sĩ thường xuyên dong ruổi trên khắp mọi miền đất nước để đem lời ca tiếng hát phục vụ cho khán giả, cũng như khi Đoàn kết hợp với Hội cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ,… hát gây quĩ ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam… . Ngoài ra anh cũng thường đi hát trực tiếp cho các đài truyền hình trong và ngoài thành phố, chỉ thỉnh thoảng tăng cường thêm cho các đoàn tỉnh vì đối với anh gia đình luôn là nền tảng quan trọng.Trên sân khấu hiện nay, khán giả lại gặp anh thêm một hình ảnh mới: các vai diễn lẳng hài. Phải nhìn nhận rằng cái duyên hài của anh vô cùng dễ thương, đem đến cho khán giả một cảm giác rất gần gũi và thiện cảm.

    Ấn tượng nhất với khán giả là vai Út cà lăm trong vở Không bán tình em. Từ khi còn học ở trường anh đã rất thích và thuộc luôn vai này khi được xem nghệ sĩ Chiêu Bình hát khi đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang lên thành phố biểu diễn Khi Đoàn 2 nhà hát Trần Hữu Trang dựng lại vở này thì mơ ước của anh trở thành sự thật, anh vào vai rất nhẹ nhàng duyên dáng, dí dỏm và thành công ngoài sức tưởng tượng. Bên cạnh đó anh còn có rất nhiều vai lẳng hài khác như trong vở Vợ là tất cả, Bến phà kỷ niệm… mà “bộ tứ” gồm NS Kim Phương, NS Linh Trung, NS Tô Thiên Kiều và anh đã đem đến cho khán giả những giây phút rất ấn tượng và sảng khoái.Có lẽ một số vai diễn lẳng hài trên sân khấu đã đem lại rất nhiều niềm vui, cộng với cuộc sống gia đình hạnh phúc nên ngoài đời anh rất trẻ so với tuổi của mình.

    Lập gia đình đã được bảy năm, hiện nay anh có hai con một gái 6 tuổi và một trai 4 tuổi. Bà xã của anh là chủ của một Spa chuyên chăm sóc, làm đẹp và bán mỹ phẩm tại địa chỉ 442E Phường Phú Thọ Hòa - Quận Tân Phú – TPHCM. Ngoài giờ đi hát anh thường dành thời gian để chăm sóc vợ và các con, hay cùng những người bạn thân mà đặc biệt là “chiến hữu” là NS Linh Trung uống cà phê, hay “lả lướt” một vài đường bida giải trí.Trong quá trình làm nghề NSƯT Tấn Giao luôn cố gắng hết sức mình. Bắt đầu từ một học viên dự thính của lớp diễn viên cải lương của nhà hát Trần Hữu Trang, cho đến nay anh đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, đó là sự ghi nhận cho những cống hiến của anh đối với bộ môn nghệ thuật cải lương.

    Trầm ngâm một lúc anh tâm sự: “Bây giờ nhiều khi nhớ lại những chặng đường đã qua mà còn thấy sợ, bắt đầu từ hai bàn tay trắng chỉ một mình mải miết đi về phía trước mà không biết tương lai sẽ như thế nào, nhiều bạn bè chuyển nghề đã có cuộc sống ổn định mà mình thì cứ mãi long đong, chỉ mong sao một ngày nào đó có một thành tích trong nghề dù nhỏ nhoi cũng thấy mãn nguyện lắm rồi”. Vậy đó, mà cho đến hôm nay NSƯT Tấn Giao đã là một “đứa con cưng” trong lòng khán giả mộ điệu từ khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, để mỗi khi xuất hiện trên sân khấu khán giả đón chào anh một cách nồng nhiệt, và trên khóe miệng móm nhai trầu của các mẹ già cứ tỏm tẻm “Coi bộ sao mà dễ thương, hiền lành hết sức”.Tuy cuộc sống hiện nay cũng “vừa đủ ăn đủ mặc” nhưng NSƯT Tấn Giao rất vui và hài lòng với những gì đang có, một gia đình hạnh phúc và một sự nghiệp thành đạt. Nhiều khi quay lại để nhìn về quá khứ, anh càng thêm yêu quí và cảm ơn cuộc sống nghề nghiệp đã cho mình những may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời.
    Hạc Lâm
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (20-07-2012), romeo (20-07-2012), Thanh Hậu (20-07-2012)

ANH EM CHANNEL