1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Vào khoảng tháng 6 năm 1960, tức là cách đây hơn nửa thế kỷ, đoàn Thanh Minh Thanh Nga đưa lên sân khấu vở hát tâm lý tình cảm “Nửa Ðời Hương Phấn” của hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng, đã gây chấn động giới mộ điệu lúc bấy giờ.
    Hình bao bìa dĩa hát Nửa Ðời Hương Phấn của hãng dĩa Hồng Hoa.
    Tuồng trình diễn liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo suốt cả tháng vẫn còn đông đảo khán giả, do đó tiếng đồn sâu rộng trong thiên hạ, nên đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi lưu diễn đến nơi nào cũng thành công lớn với vở tuồng này. Thêm vào đó hãng dĩa hát Hồng Hoa cũng thu thanh phát hành bộ dĩa “Nửa Ðời Hương Phấn” phổ biến cùng khắp, do vậy mà tuồng đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Rồi từ đó về sau thỉnh thoảng lại được tái diễn và cũng đông đảo người đi coi. Người ta ước tính vở hát ấy có trên cả trăm lần trình diễn.

    Vậy do yếu tố nào mà vở tuồng “Nửa Ðời Hương Phấn” ăn khách và nổi tiếng? Theo như nhận định của những người sành điệu về cải lương thì đây là loại tuồng xã hội hiện đại, mà nhân vật chánh là một cô gái giang hồ, đó là điều mà xưa nay chưa có một soạn giả nào dàn dựng kịch bản như thế. Hà Triều Hoa Phượng đã dựng lên cô gái giang hồ lại có được một nghĩa cử đáng khen, với lòng hy sinh cao đẹp. Cũng như sự thiệt thòi, chịu đựng khổ đau của cô đã làm khán giả bùi ngùi xúc động đến rơi lệ.

    Tình tiết câu chuyện diễn tiến như sau: Cô The từ vùng thôn dã ra chốn thị thành phồn hoa đô hội, rồi đổi tên là Hương. Cô có nhan sắc dễ nhìn khiến cho bao nhiêu khách tìm hoa mến mộ chạy theo săn đón, trong số ấy có chàng trai tên Tùng yêu cô tha thiết, và mong mỏi được cưới cô làm vợ. Hương cũng mềm lòng trước anh chàng trai ấy, vốn chưa biết cô là gái giang hồ.

    Trong khi cả hai ước hẹn thì người anh của Tùng tên là Cang, biết được quá khứ của Hương và vì lý do danh giá gia đình, Cang can thiệp vào chia cách hai người. Tuy lòng đau khổ phải xa người yêu, Hương cũng chấp nhận yêu cầu của Cang. Rồi cô dứt tình với Tùng bằng cách giả bộ phản bội chàng ta.

    Ðể trả thù người yêu phụ bạc, Tùng đi cưới vợ, nhưng trớ trêu thay, cô Diệu vợ Tùng lại là em ruột của Hương. Diệu đâu có biết trước đó Tùng và chị mình từng yêu nhau. Sau ngày cưới, Hương về thăm em thì mới vỡ lẽ ra sự việc. Nỗi ngang trái, đoạn trường này được diễn tả bằng bản ca Phụng Hoàng, một bài ca mà hầu như nhóm đờn ca tài tử nào cũng có người thuộc lòng.

    Xưa nay khán giả cải lương từng coi qua nhiều tuồng, hầu như ai cũng nhìn nhận rằng tuồng nào cũng hay ở màn chót, do vậy mà chỉ trừ những trường hợp đặc biệt nào đó thì người ta mới bỏ ra về nửa chừng, chớ ai cũng muốn coi đến lúc vãn hát để xem kết cuộc ra sao.

    Riêng vở tuồng “Nửa Ðời Hương Phấn” thì màn chót không những hay, mà còn gây ấn tượng sâu sắc trong lòng của khán giả, về tới nhà rồi mà vẫn còn ngậm ngùi thương xót nhân vật nữ với cuộc đời truân chuyên, khổ lụy. Nhân vật nữ chánh, cô Hương trong tuồng đã làm rơi nước mắt hằng bao khán giả, nhiều người nữ trẻ đã khóc, mấy bà già cũng khóc, đàn ông con trai cũng xót xa ứa lệ. Thuở ấy có một cô gái nọ vừa coi hát, lại vừa cầm khăn tay lau nước mắt và thốt lên: “Hoàn cảnh chị Hương sao giống em quá!” Có nhiều người nữ đã đi coi tuồng “Nửa Ðời Hương Phấn” đến cả chục lần.

    Cho ra đời vở tuồng này, hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng đã nghiễm nhiên đi vào chỗ đứng khá cao trong hàng soạn giả cải lương, dù tuổi đời cả hai lúc ấy chỉ ngoài 20.

    Tôi còn nhớ vào năm 1965, tức 5 năm sau vở hát “Nửa Ðời Hương Phấn” được tái diễn tại rạp Hưng Ðạo, hát ban ngày lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Bảy, nhưng vé đã bán hết từ chiều Thứ Sáu.

    Thời điểm này vé cải lương thượng hạng 80 đồng, nhưng suất hát ấy nhà tổ chức đã bán 100 đồng. Ðến chiều Thứ Bảy, ngoài số khán giả đã mua vé, đông đảo khán giả khác đến mua vé chợ đen hạng ba cũng 100 đồng, và thương hạng thì 200 đồng. Hoặc số người không mua được vé, họ đưa 50 đồng tiền cửa thì được vô đứng coi. Khán giả đứng tràn ngập ra đến cửa, và trong hậu trường thì khán giả coi cọp đông nghẹt đến nghẽn lối đi. Hơi người nóng hừng hực, hơi mát của máy lạnh không thấm vào đâu.

    Thật là một buổi hát thu đạt kết quả tài chánh và kết quả tinh thần ngoài sức tưởng tượng, đã cho thấy sự ăn khách của vở hát.
    Ngành Mai-NV

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (21-07-2012), romeo (21-07-2012), Thanh Hậu (21-07-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Hôm bửa qua nhà Ngoại Út chơi nghe ngoại kể tuồng này ngày xưa đóng vui và hay dữ lắm. Cô Ngọc Nuôi hài ở cái khúc kẻ chân mày nè, cãi vã với chị trong rất tự nhiên, rất nhà quê mà tiếc là không có tư liệu về nó. Khi thu âm thì khúc đó bị cắt mất rồi !!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Phong_Vũ (21-07-2012), romeo (21-07-2012)

ANH EM CHANNEL