1. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Nguồn : Báo Mới
    Phần 1

    Sau khi oanh liệt đoạt chức vô địch Merdeka 1966 tại Malaysia, cuối năm đó, cùng một lúc cả ba tuyển thủ bóng đá miền Nam đều lần lượt "lên xe hoa".

    Libero tài hoa và điển trai Phạm Huỳnh Tam Lang "kết tóc se tơ" cùng "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết, trung vệ dập Phạm Văn Lắm sánh duyên với ca sỹ Mỹ Dung và tiền đạo Nguyễn Văn Ngầu rước nàng cựu nữ sinh Gia Long về dinh. Trong ba cuộc hôn nhân đình đám ấy, cuộc tình giữa "bọ cạp" Tam Lang và cô đào cải lương Bạch Tuyết là lãng mạn và được nhiều người ngưỡng mộ nhất.

    MỐI CƠ DUYÊN CÙNG THẦN TƯỢNG THANH NGA
    Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh ngày 24/12/1945 tại Châu Đốc (An Giang) trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, Bạch Tuyết đã có năng khiếu hát tân nhạc, ngâm thơ, là "linh hồn" trong các chương trình văn nghệ của ngôi trường làng Khánh Bình với giọng ca mượt mà trong trẻo.

    Cuối năm 1955, khi cô bé Bạch Tuyết vừa lên 9 tuổi thì người mẹ thân yêu đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông thảm khốc, từ đó tuổi thơ của Bạch Tuyết là những chuỗi ngày cơ cực. Nỗi đau mồ côi mẹ đã lan tỏa theo tiếng hát thảm sầu của cô bé nghèo trong những lần đi hát kiếm tiền nuôi em ở khắp các quán ăn, nhà hàng thị xã Châu Đốc.



    Năm 1959, cuộc sống nơi quê nghèo quá khó khăn, người cha đành dắt hai chị em Bạch Tuyết lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Cũng như các bạn đồng trang lứa, Bạch Tuyết rất ái mộ các nữ nghệ sỹ tài danh như Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương và đặc biệt là "ngôi sao sáng" trên vòm trời cải lương lúc bấy giờ Thanh Nga.

    Trong một lần đoàn cải lương Thanh Minh diễn ở rạp hát Cao Đồng Hưng (cạnh chợ Bà Chiểu - Gia Định), Bạch Tuyết cùng hai người bạn trốn học để gặp mặt thần tượng Thanh Nga "xin ảnh kèm chữ ký". Sau một hồi năn nỉ "làm mặt khổ", bác bảo vệ rạp mềm lòng "bấm bụng" cho ba cô nữ sinh trong trang phục áo dài được lẻn vào hậu đài rạp Cao Đồng Hưng giáp mặt thần tượng của mình. (Bởi bà bầu Thơ - mẹ cô đào Thanh Nga rất khó tính, đã có lệnh cấm bất kỳ kẻ lạ vào "cánh gà" xem mặt nghệ sỹ).

    Ký tặng hình xong, nghệ sỹ Thanh Nga bất chợt ngắm nhìn Bạch Tuyết giây lát rồi khẽ hỏi: "Em có biết ca cải lương không?". Quá bất ngờ, cô bé nhà quê mặt đỏ bừng ấp úng: "Dạ, em chỉ biết hát tân nhạc thôi!". Sau khi nghe cô bé hát, Thanh Nga mỉm cười: "Em có vóc dáng đẹp, gương mặt kiêu sa, quý phái, giọng kim pha thổ rất hiếm, nếu chịu khổ luyện chị tin là em sẽ trở thành nghệ sỹ cải lương tên tuổi sau này!".

    VƯƠN MÌNH THÀNH “CẢI LƯƠNG CHI BẢO”
    Năm 1961, trong thời gian học nội trú, Bạch Tuyết may mắn hội ngộ soạn giả nổi tiếng Điêu Huyền, được ông nhận làm con nuôi, cho gia nhập đoàn cải lương Kiên Giang và dạy ca cổ nhạc, sau đó giới thiệu Bạch Tuyết hát trên đài phát thanh, nhờ đó, tên tuổi Bạch Tuyết bắt đầu được báo chí và bạn nghe đài chú ý.

    Một lần nọ, đoàn cải lương Kiên Giang diễn vở "Lá thắm chỉ hồng", tới giờ mở màn mà cô đào chính do bận chuyện riêng chưa đến kịp, quá cấp bách, ông bầu bất ngờ quyết định giao cho Bạch Tuyết vào vai cô lái đò Lệ Chi. Diễn xuất tinh tế cùng chất giọng "kim pha thổ" ngọt và ấm của "cánh chim lạ" Bạch Tuyết đã làm "mềm lòng" khán giả, họ vỗ tay tán thưởng rần rần suốt buổi diễn. Tài năng Bạch Tuyết thăng hoa từ đêm đó dù cô chỉ mới 16 tuổi. Có lẽ do thiên phú nên dù tuổi đời còn rất trẻ, tiếng ca và tài diễn xuất của Bạch Tuyết đã tỏ ra vượt trội so với một số nghệ sỹ đàn chị đi trước.

    Đầu năm 1962, Bạch Tuyết được ông bầu Út Trà Ôn "trải thảm" rước về đoàn cải lương Thống Nhất và tài năng nhanh chóng rực sáng khi đảm nhận vai chính trong vở "Tiếng hát Muồng Tênh". Cuối năm đó, do ân nghĩa, Bạch Tuyết về đầu quân cho đoàn Bạch Vân. Năm 1962, Bạch Tuyết đoạt giải Thanh Tâm (do nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập) cho hạng mục "Nghệ sỹ triển vọng" cùng với Tấn Tài, Thanh Tú, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan.

    Năm 1964, Bạch Tuyết được ông bầu Xuân mời về đoàn cải lương Dạ Lý Hương với mức thù lao "đụng nóc", hát cùng kép đẹp Hùng Cường. Họ nhanh chóng trở thành cặp "sóng thần" làm bùng nổ các rạp hát cải lương ở Sài Gòn lúc bấy giờ qua các vở tâm lý xã hội do hai soạn giả trứ danh Hà Triều - Hoa Phượng chắp bút như: "Trăng thề vườn thúy", "Tướng cướp Bạch Hải Đường", "Cung thương sầu nguyệt hạ", "Má hồng phận bạc"… Năm 1965, Bạch Tuyết đoạt giải Thanh Tâm cho hạng mục "Nghệ sỹ xuất sắc" qua vở cải lương "Tần Nương Thất" và được ký giả Nguyễn Lang phong tặng biệt danh "Cải lương chi bảo" trên tuần báo "Sân khấu kịch trường".

    “TIẾNG SÉT ÁI TÌNH” Ở RẠP QUỐC THANH
    Một ngày trước khi đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam lên đường sang Malaysia dự Cúp Merdeka, ông bầu Xuân của đoàn cải lương Dạ Lý Hương có nhã ý mời toàn thể đội bóng đến rạp hát Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi) tham dự buổi văn nghệ và giao lưu với các nghệ sỹ nhằm hun đúc nhuệ khí cho đoàn túc cầu nước nhà sắp "đem chuông đi đánh xứ người". (Thời đó được mời xem đào kép nổi tiếng hát miễn phí là vô cùng vinh dự cho các cầu thủ và ban huấn luyện, ngoại trừ HLV Weigang bởi ông này nghe hát cải lương chẳng khác nào như "vịt nghe sấm"!).

    Hai trích đoạn cải lương cùng các bài tân cổ nhạc do những nghệ sỹ gạo cội Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Phượng Liên, Phương Quang, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Mỹ Dung, Phương Hồng Quế, Thái Châu, Nhật Trường, Tùng Lâm… thể hiện đã được toàn thể thành viên đội bóng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Tiết mục "đinh" của buổi diễn chính là lúc "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết trong tà áo dài nhung đen tuyền thướt tha bước ra sân khấu hát bài "Chuyện ba đứa mình".

    Tiếng hát trong vắt, sắc đẹp kiêu kỳ của nàng Bạch Tuyết đã nhanh chóng "thôi miên" chàng trung vệ thép đẹp trai hào hoa Tam Lang có biệt danh "Bọ cạp" (do ký giả Huyền Vũ đặt cho Tam Lang bởi anh có lối đá hào hoa nghệ sỹ, đặc biệt là ngón sở trường lao người tung hai chân quặp lấy bóng (như bọ cạp) của tiền đạo đối phương mà chưa một lần phạm luật).

    Bài hát vừa kết thúc, trong khi toàn thể đội bóng còn chìm trong ngây ngất thì cầu thủ đầu tiên nhanh chân bước lên sân khấu tặng hoa và gắn huy hiệu đội bóng lên áo dài cô đào cải lương Bạch Tuyết không ai khác mà chính là thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang. Mặt đối mặt, cả hai trộm ngắm nhìn nhau trong nhịp đập loạn xạ của con tim. Chàng trắng trẻo, mang dáng dấp thư sinh, điển trai, hào hoa, nàng có đôi gò má cao ửng hồng, nét đẹp đài các kiêu sa rất gợi tình, quyến rũ…

    Cuộc hội ngộ được xem như định mệnh khi "tiếng sét ái tình" đã "đánh" trúng vào hai quả tim của đôi trai tài gái sắc. Nàng bẽn lẽn hẹn sẽ đợi chàng trong ngày đội tuyển trở về trong chiến thắng khiến chàng loay hoay cài mãi hồi lâu mới gắn xong chiếc huy hiệu với hàng chữ mạ vàng "Tổng cuộc Túc cầu"...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Giang Tiên (21-07-2012), MEM (21-07-2012), nguoiyeuvannghe (21-07-2012), Thanh Hậu (21-07-2012)

  3. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Phan tiep theo

    Phần 2



    Vừa xuống máy bay, tất cả cầu thủ và BHL đều bị choáng bởi sự đón tiếp của đông đảo NHM, quan chức và đặc biệt nhất là 24 nữ nghệ sỹ trẻ trung xinh đẹp ra trao vòng hoa chiến thắng ngay chân cầu thang. "Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết lại chọn đúng thủ quân Tam Lang để trao hoa. Và chiếc Cúp danh giá chàng cầm trên tay đã thay cho vật đính hôn với "người trong mộng".

    CUỘC TÌNH ĐẦY SÓNG GIÓ
    Sau lần đó, cánh ký giả và công chúng thường xuyên thấy chàng "bọ cạp" hào hoa Tam Lang sóng đôi cùng Bạch Tuyết khắp Sài Gòn trên chiếc vespa, tay trong tay trông rất lãng mạn và tình tứ. Kể từ đó, các buổi diễn của đoàn cải lương Dạ Lý Hương, người ta thấy nơi hàng ghế danh dự trong rạp luôn hiện diện chàng trung vệ hào hoa Tam Lang cùng đồng đội Đỗ Thới Vinh (bạn thân nghệ sỹ Hùng Cường).

    Tưởng chừng như đôi minh tinh ấy chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt là lên xe hoa thì éo le thay, sóng gió bất ngờ ập đến khi anh nhân viên điều chỉnh ánh sáng cho đoàn cải lương Dạ Lý Hương phóng xe máy về Tiền Giang mật báo cho gia đình Tam Lang: "Bạch Tuyết từng có thời gian dài làm vợ bé ông Hoàng Đức Ninh" (ông Ninh là em cố vấn Hoàng Đức Nhã - cháu tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu).

    Thân mẫu Tam Lang xuất thân trong một gia đình gia giáo, chồng mất sớm, bà thủ tiết thờ chồng nuôi con, vì thế bà không thể chấp nhận rước về một nàng dâu "nạ dòng" cũng như chưa lần nào bà đặt chân đến rạp hát cải lương xem con dâu tương lai diễn bởi theo quan niệm của bà thì các cô đào hát thuộc thành phần "xướng ca vô loài", không thể bước được chân vào gia đình bà.

    Ngay cả người anh trai Phạm Huỳnh Long Nhi (đại úy phi công ngụy, hiện định cư tại New York, Mỹ) cũng ra sức ngăn cản cuộc hôn nhân, ông không tán thành chuyện mình sẽ có một cô em dâu đã từng dang dở một đời chồng!

    Cũng cần nói thêm, lúc này, gia đình Bạch Tuyết đã trở nên giàu có, bố cô nhanh chóng phất lên thành ông chủ một ga-ra sửa chữa ô tô lớn nhất nhì quận 5, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo luôn tấp nập khách hàng. Tuy nhiên, "nước chảy đá mòn", sau một thời gian dài hơn nửa năm, nhận thấy Tam Lang càng ngày càng đắm đuối với Bạch Tuyết, gia đình chàng cuối cùng cũng đành phải "chào thua"!

    Suy đi nghĩ lại, thân mẫu Tam Lang thấy cũng chẳng nỡ ép duyên con, dù gì thì nàng dâu tương lai của bà cũng là một ngôi sao cải lương và điện ảnh đang tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật, gia đình lại giàu có. Chuyện quá khứ của Bạch Tuyết, thôi thì bà cũng "chín bỏ làm mười", bởi lúc này (1967), con trai bà cũng đã 25 tuổi.

    SÂN CỎ VÀ SÂN KHẤU GIAO DUYÊN
    Nếu như vào đầu thập niên 1940, lễ tang con gái "ông vua địa ốc" Hứa Bổn Hòa được xem là lớn nhất Nam Kỳ thì đến cuối thập niên 1960, lễ cưới của Tam Lang - Bạch Tuyết cũng diễn ra vô cùng long trọng và ầm ĩ nhất Sài Gòn. Sự kiện "cầu thủ ngôi sao lấy tài năng sân khấu" đã tạo nên "cơn địa chấn" cho cánh ký giả các báo đua nhau khai thác, dư luận thì thêu dệt đủ chuyện, tốt có xấu có, vô thưởng vô phạt cũng có, thậm chí có kẻ ác miệng nào đó còn quả quyết "Bạch Tuyết từng cặp với ông bầu Xuân, chán chê rồi mới "nhảy qua lấy Tam Lang".

    Ngày hôn lễ - sau bao lần trì hoãn - rồi cũng diễn ra. Một buổi sáng đẹp trời đầu Xuân Đinh Mùi (2/1967), nhà hàng ba tầng Thanh Thế (Tạ Thu Thâu, Q.1) như muốn vỡ tung do quá tải bởi sức chứa trên 400 quan khách đến dự "lễ cưới thế kỷ" (chữ dùng của ký giả Thanh Đạm trên tuần báo Thao Trường). Hàng đoàn ô tô và xe máy đến dự ngày vui của đôi uyên ương nối đuôi nhau kéo dài hơn 2 cây số.

    Ánh đèn flash nhá sáng liên hồi từ đám ký giả, hàng ngàn tiểu thương chợ Sài Gòn, khách bộ hành hiếu kỳ đứng ngồi ken đặc như bánh canh trước nhà hàng Thanh Thế. Họ chen lấn xô đẩy thậm chí choảng nhau chỉ để có được một chỗ đứng nhằm coi mặt cô dâu chú rể bước lên xe hoa khiến lực lượng an ninh hàng chục người "mệt bở hơi tai".

    Ngoài quan viên hai họ và các vị "tai to mặt lớn" trong chính quyền Sài Gòn, còn có sự hiện diện của gần 50 "ông bà bầu" thuộc giới cải lương và túc cầu. Bên cải lương có thể kể một vài cái tên "máu mặt" như bầu Bảy Cao (đoàn Hoa Sen), bầu Năm Châu (Ban Việt kịch Năm Châu), Phùng Há (đoàn Phụng Hảo), Ba Bản (Thủ Đô), Chín Bia (Nam Phong), vợ chồng bầu Long (Kim Chung), bầu Kim Chưởng (Kim Chưởng), bầu Thanh Tao (đoàn Thanh Tao), bầu Thơ (Thanh Minh), bầu Minh Tơ (đoàn Minh Tơ), bầu Huỳnh Long (đoàn Huỳnh Long), soạn giả Điêu Huyền, Viễn Châu, Nhị Kiều…

    Về phía bóng đá có các vị chức sắc Tổng cuộc Túc cầu: ông Đinh Văn Ngọc (Chủ tịch Ủy hội Quốc gia Thể thao và Thế vận hội), Trần Minh Mẫn (Chủ tịch Tổng cuộc Túc cầu), Nguyễn Phước Vọng, Hoàng Phú Linh (Chủ tịch Tổng cuộc Bóng chuyền)… Ngoài ra còn có ông Nguyễn Văn Bền (chủ nhà in Hồng Hà), ông Văn Bích (chủ cửa hàng dụng cụ thể thao Văn Bích Sport), ông Nguyễn Tấn Kiên (Tổng Giám đốc Quốc tế Bảo hiểm công ty), "ông trùm địa ốc" Nguyễn Tấn Đời, "ông vua kẽm gai" Hoàng Kim Quy… cùng đông đảo văn nghệ sỹ, cầu thủ, ký giả, bạn bè, họ hàng, trọng tài và ban huấn luyện.

    Trong số hàng trăm khách mời dự hôn lễ, có cả chiêm tinh gia Khánh Sơn - người được dư luận thán phục bởi có tài phán đâu trúng đó. Sau vài ly rượu mạnh, men bốc bừng bừng, cao hứng ông Khánh Sơn đứng lên xem quẻ rồi dõng dạc tuyên bố: "Cô dâu chú rể sẽ ăn đời ở kiếp với nhau cho đến ngày răng long đầu bạc bởi tuổi Bạch Tuyết cầm tinh con gà, tuổi Tam Lang thuộc mạng con rắn, mà Tỵ - Dậu - Sửu thì tam hạp quá còn gì nữa!". Cả tiệc cưới đồng loạt vỗ tay tán thành rần rần chẳng khác nào ong vỡ tổ.

    NGÀY VUI VỪA CHỚM VỘI TÀN VÌ KẺ THỨ BA
    Sau hôn lễ, Tam Lang đưa Bạch Tuyết về hưởng "tuần trăng mật" tại căn hộ khá khang trang ở Thủ Đức. Lúc này, báo chí viết bài về Tam Lang thường sử dụng cụm từ "Dượng Ba Bạch Tuyết" bởi Tam Lang là con thứ ba trong gia đình gồm năm anh em.

    Hàng ngày, Tam Lang lái ô tô chở Bạch Tuyết từ nhà ra rạp hát Quốc Thanh rồi vòng lên sân vận động Cộng Hòa tập luyện cùng đồng đội. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, chàng được nàng đưa vé xem diễn vở mới. Thường đi với Tam Lang là những người bạn thân như Lâm Hồng Châu, Pierre Nhung, Phan Dương Cẩm, Lai Văn Ngôn, Nguyễn Văn Chiêu.

    Hạnh phúc từ "cuộc hôn nhân thế kỷ" của đôi trai tài gái sắc Tam Lang - Bạch Tuyết diễn ra trong yên ả chẳng được bao lâu thì bất chợt sóng gió ba đào cuồn cuộn nổi lên. Bản nhạc "Chuyện ba chúng mình" mà cô đào Bạch Tuyết đã vô tình chọn hát phục vụ đội tuyển tại rạp Quốc Thanh trước ngày đội tuyển lên đường dự giải Merdeka giờ đây đã linh ứng! "Người thứ ba" xuất hiện phá đám chẳng ai xa lạ mà là minh tinh cải lương, điện ảnh kiêm ca sĩ, võ sĩ Hùng Cường. Một màn tình hận sắp sửa nổ ra.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    nguoiyeuvannghe (21-07-2012), Thanh Hậu (21-07-2012)

  5. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Từng ba lần tự tử

    “Người nổi tiếng như người lướt ván, phải có kỹ thuật thăng bằng để có thể lướt trên ngọn sóng, xuyên vào lòng con sóng, nếu không biết cách giữ thăng bằng tất phải té, bị hất khỏi ván thôi. Và tôi cũng phải học cách giữ thăng bằng khi đứng trên ván”. Tiến sĩ, NSƯT Bạch Tuyết đã chiêm nghiệm như thế về cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng đầy sóng gió của mình.


    Nghệ sỹ Bạch Tuyết

    Ba lần biếng… sống

    - Mới theo nghề đã trở thành đào chánh, chưa đầy 5 năm đã gặt hái được tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, được gọi bằng mỹ danh “cải lương chi bảo”, được săn đón, chèo kéo với cát sê cao ngất - hiếm người được đời ưu ái như chị…?


    - Trong đời tôi, bất hạnh lớn nhất là mất mẹ sớm, từ năm mới 8 tuổi. Nhưng đấy cũng là đại hạnh vì nhờ sự bất hạnh đó mà tôi nhận ra cuộc đời là phù du, mới có đó rồi sẽ mất đó, không có gì là bất biến, là tồn tại vĩnh viễn cả. Vì thế tôi tiếp nhận những thành công, những vinh quang, những lời tán tụng, khen ngợi với sự tỉnh táo, với tâm lý bình thản, cân bằng. Ngày trước, trong đoàn hát, đào kép chánh ít khi chơi với vệ sĩ, vũ nữ (diễn viên quần chúng) nhưng tôi lại chơi thân và học hỏi được nhiều điều từ những nhân vật âm thầm, lặng lẽ ấy…

    - Có nghĩa chị không gặp khó khăn khi đối mặt với áp lực của một người đứng trên đỉnh vinh quang?

    - Khi nổi tiếng thì cả cuộc đời phải sống với áp lực, phải sẵn sàng chịu mọi tai bay họa gởi thôi, đó là quy luật. Có cái này thì phải mất cái kia. Bạn nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ, kiếm được nhiều tiền… thì ngược lại bạn cũng có thể đánh mất những điều quý giá như cuộc sống bình thường, thời gian bên gia đình, bạn bè, những niềm vui riêng…

    Tôi hiểu ra điều này là nhờ triết học Phật giáo: không có gì là toàn bích, thiện - ác phải song song tồn tại. Tuy nhiên đó là chuyện về sau chứ hồi trẻ tránh sao khỏi khủng hoảng. Tôi rất thông cảm với làn sóng tự tử của những diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay vì tôi đã từng trải qua, trong 10 năm đầu của sự nghiệp tôi đã tự tử đến ba lần.

    - Ba lần tự tử? Tại sao?

    - Lúc đó tôi cảm giác mình như cái hỏa tiễn vậy, phóng nhanh quá mà bệ phóng không chắc thì vừa bay lên là bệ nổ tan tành, không có chỗ về nữa. Mặc dù đã làm việc như một cái máy 24/24 nhưng khi bạn quá nổi tiếng thì xã hội lại đòi hỏi ở bạn tới những 48 tiếng và bạn như bị đốt cháy trong cái khoảng thời gian ảo đó.

    Chỉ có công việc, không có bạn bè. Và thế là không nghĩ ngợi gì sâu xa hết, tôi thấy thế giới này mệt quá, mình làm biếng quá nên muốn nằm xuống và ngủ thôi. Mà trời run rủi sao cả ba lần tôi tìm đến cái chết thì bạn bè đều phát hiện được mà cứu sống. Nghĩ lại thấy mình quá may mắn và thực sự biết ơn họ.

    - Vậy lý do gì khiến chị quyết định không chết nữa?

    - Ba lần tự tử mà không chết tôi thấy chắc số mình chưa chết được thì phải nghĩ cách sống thôi, mình không tính được thì thôi để ông trời tính vậy. Người nổi tiếng như người lướt ván, phải có kỹ thuật thăng bằng để có thể lướt trên ngọn sóng, xuyên vào lòng con sóng, nếu không biết cách giữ thăng bằng tất phải té, bị hất khỏi ván thôi. Và tôi cũng phải học cách giữ thăng bằng khi đứng trên ván.

    Chuyện về những người đàn ông

    - Đến tận hôm nay, những khán giả mộ điệu cải lương vẫn dành nhiều tình cảm cho cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Giữa anh chị có chuyện “tuồng giả tình thật” không?

    - Ngày đó, những vở tuồng tôi hát với anh Hùng Cường tạo hiệu ứng khán giả rất tốt, khán giả đến lớp lớp như … sóng thần vậy nên báo giới mới gọi là cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Hùng Cường là một người cực kỳ giỏi. Trước khi đến với cải lương anh ấy là ngôi sao tân nhạc, là tài tử điện ảnh. Khi hát cùng anh thì tôi cũng được cả khán giả của anh biết đến và yêu thích, và anh cũng là cơ sở để tôi bước qua điện ảnh.

    Đó là một con người tài hoa, có tri thức, đam mê nghề, hết sức nghiêm túc. Với một người như vậy, lại làm việc chung thì không cớ gì lại không đem lòng yêu mến được. Nhưng con người tôi lạ lắm. Tôi nhớ có lần nói với anh ấy: “Em rất thương anh, quý anh. Mọi khán giả yêu anh, muốn được gần gũi anh, muốn được anh yêu. Em lại được anh yêu trong nghệ thuật, em muốn mãi giữ những cảm xúc đẹp, thanh khiết này trong tuồng để dâng hiến cho khán giả”.



    Phải đấu tranh nội tâm và kiềm chế dữ lắm chứ. Rất may là không có chuyện gì xảy ra nếu không chưa chắc cảm xúc và hình ảnh của chúng tôi trong nhau lại đẹp như thế.

    - Chị không tự tin về mình sao?

    - Anh Hùng Cường rất thương tôi và cũng hỏi không hiểu sao tôi lại cứng rắn như thế, nhiều lần chúng tôi “choảng” nhau mà. Tôi cười nói: “Bồ ông toàn người đẹp mà có ai ông yêu quá sáu tháng đâu. Tui đã không yêu thì thôi, chứ dính rồi thì tôi yêu hết mình. Tui mà yêu ông thiệt rồi lỡ bị ông bỏ chắc chết quá” (cười). Cái duyên của tôi không gắn với người trong nghề mà lại xuất hiện ở bên ngoài.

    - Chẳng hạn như trên sân cỏ, cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong một bài báo đã tiết lộ như bị “sét đánh” khi lần đầu nhìn thấy chị...

    - Anh ấy chưa bao giờ nói với tôi vụ này cả (cười). Lần đầu gặp tôi chưa biết nhiều về anh ấy, chỉ nghe người trong đoàn nói đấy là một cầu thủ rất lừng lẫy thôi. Ấn tượng ban đầu của tôi đấy là một con người lịch lãm, tài hoa và rất lành. Đến hôm nay vẫn vậy dù xuất hiện ở đâu, ở vị trí nào anh ấy cũng được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ.

    Thời gian đó, cũng không thiếu những đại gia, những người quyền quý theo đuổi nhưng ở cái tuổi ngồi cửa sổ thấy mình thay đổi được cả thế giới, tôi có những suy nghĩ rất khác: nếu lập gia đình thì tôi sẽ chọn một người tốt, đàng hoàng, không cần nhiều tiền, cả hai sẽ cùng gầy dựng.

    Nghề đào hát của mình dữ dội, bấp bênh quá, sáng nay ngủ dậy thấy bài báo đẩy mình lên tận mây xanh, vài bữa sau đã đạp mình xuống địa ngục, một nghề chứa quá nhiều sự bất ổn, cuộc sống không bình thường, tôi cần một người bạn đời bình thường “đầu đội trời, chân đụng đất”. Sau lần gặp gỡ với Tam Lang, tôi nghĩ nhiều về anh ấy và khi anh ấy cầu hôn thì tôi nhận lời ngay. Đó thực sự là một đám cưới đẹp trong mắt mọi người.

    - Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại không ổn định như chị nghĩ?

    - Tôi chỉ thấy đời sống của anh ấy ổn định hơn mình thôi và đấy cũng là sai lầm. Cuộc sống và nghề nghiệp của hai chúng tôi quá khác biệt. 4, 5 giờ sáng anh ấy đã đi tập, rồi về trại, những trận đấu lớn thì phải cắm trại. Mình sáng đi tập tuồng, chiều đi thu đĩa, tối đi hát, khuya vẫn còn đóng phim. Nhiều khi về chỉ nhìn nhau rồi lại đi tiếp.

    Mình đi lưu diễn ngoài Trung thì chồng đá trong Sài Gòn, mình về Sài Gòn hát thì chồng đi nước ngoài đá. Vợ chồng mà hai đứa cứ như đầu sông, cuối sông vậy, dù có yêu thương nhau thì cũng khó mà chịu đựng mãi tình trạng này. Hơn nữa, bác sĩ nói tôi không thể có con.

    Tam Lang lại là người con rất có hiếu. Sau 3 năm, chúng tôi chia tay xem như cũng tạo cơ hội cho cả hai. Anh ấy có thể có một gia đình bình thường, một người vợ hiền hết lòng với chồng mà có thể phát triển sự nghiệp hơn nữa.

    Chuyện của chúng tôi diễn ra rất lặng lẽ nên đến hôm nay nhiều người gặp tôi còn hỏi Tam Lang khỏe không mà (cười). Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ.

    - Cuối cùng chị cũng đã tìm được hạnh phúc?

    - Tôi đến với người chồng sau như một sự tình cờ, có thể xem như chuyện đại gia với ngôi sao vậy. Với người bạn này, tôi có lòng biết ơn và tin cậy vì nhờ anh ấy mà tôi đi trọn được con đường học vấn. Anh ấy là một tấm gương, là động lực củng cố quyết tâm học tập của tôi. Sống với một người chồng tri thức đầy quá (anh ấy có 2 bằng tiến sĩ), nếu mình thiếu thì cũng vừa thôi...

    Và bất ngờ hơn nữa là cuộc hôn nhân này đã cho tôi một đứa con. Con trai tôi hiện đang làm việc cho một công ty lớn của Mỹ. Cháu sưu tầm những trích đoạn cải lương xưa thành băng để nghe trong xe, bạn bè hỏi thì cháu trả lời là “kinh của Việt Nam”.

    - Chị hài lòng với những gì mình đã đạt được?

    - Tôi hài lòng là đối với cải lương tôi vẫn là một người cần mẫn. Cuộc sống này giống như tuồng hát vậy, lên sân khấu tập cả tháng trời, mở màn ra hát là xong, cũ mèm rồi, nếu đem nó theo nữa thì còn gì là mới, tập tuồng khác thôi. Quan điểm của tôi sống và làm việc mới tồn tại. Bản thân mình không là gì cả cái quan trọng là công việc, sự làm việc của mình kìa.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Thanh Hậu (22-07-2012)

  7. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Cuộc đời cô Ba trãi qua nhiều sóng gió dữ lắm, hôm nào cô Ba rãnh sẽ ghé thăm cô Ba mới được !! Nghe cô Ba kể chuyện.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. Micheal vinh
    Avatar của Micheal vinh
    Khi nao đi rủ Micheal với nhé
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following User Says Thank You to Micheal vinh For This Useful Post:

    Thanh Hậu (22-07-2012)

ANH EM CHANNEL