1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Trong khi hầu hết khán giả Việt Nam hiện nay chạy theo tân nhạc, thì họa sĩ người Ý Richard di San Marzano lại dành tình cảm đặc biệt cho cải lương. Tháng 11 lại về, để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài sắc – nữ hoàng sân khấu Thanh Nga 33 năm rời sân khấu, họa sĩ Richard di San Marzano đã dành thời gian chia sẻ cùng Hồn Việt.


    Chân dung họa sĩ Richard di san Marzano.

    - PV: Xin họa sĩ cho biết, họa sĩ đã đến với cải lương từ khi nào?

    - Họa sĩ Richard di San Marzano: Việt Nam không chỉ là nơi tôi lựa chọn đến khi trưởng thành, mà còn là nơi tôi đã có duyên nợ từ nhỏ. Năm lên 7, tôi cùng gia đình rời thành phố Birmingham, nước Anh sang TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn) sống, đến năm 14 tuổi thì trở về Anh.

    Tuy có 7 năm sống ở Việt Nam, nhưng trong thời gian đó tôi chưa hiểu về cải lương lắm, cho đến năm 2006 trong lần quay lại Việt Nam công tác, trên chuyến đi Côn Đảo, gặp nghệ sĩ cải lương Linh Huyền, thì tình yêu cải lương ẩn sâu trong tôi mới thực sự được thổi bùng lên.

    Chuyến đi Côn Đảo của hai chúng tôi có mục đích khác nhau: cô ấy trong vai trò là nghệ sĩ ca phục vụ bộ đội, còn tôi với tư cách là họa sĩ tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam để vẽ tranh… Chính nhờ giai điệu mượt mà của cải lương đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau.

    Tuy không biết tiếng Việt, không hiểu được ý nghĩa ca từ cải lương nhưng tôi rất thích loại hình nghệ thuật này. Cũng “may” cho tôi là bắt chuyện được với cô đào duyên dáng, dễ thương, cởi mở Linh Huyền, vì cô ấy đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về loại hình nghệ thuật cải lương.

    - Họa sĩ biết về cải lương như thế nào?

    - Thật không dễ để tìm các tư liệu về cải lương, với những thông tin quá ít ỏi về cải lương như hiện nay. Theo tôi biết, cải lương là một loại hình nghệ thuật được dịch theo nghĩa đen là “kịch cải cách”, xuất hiện vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước.

    Cải lương bắt nguồn từ những bài dân ca truyền thống, nhạc kịch hài và múa mang đậm tính cách người Nam Bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nó còn là kết quả của sự ảnh hưởng lối hát Opera của phương Tây và kịch cổ điển, trong đó có cả không gian sân khấu nữa!

    Về bản chất, cải lương là sự kết hợp đầy sức sống của ca kịch phương Đông và phương Tây, giữa kịch và tuồng. Nó rất du dương bởi cách hát ngắt giọng và lối độc diễn mang phong cách cappella (lối hát không sử dụng nhạc đệm - PV), thẩm mỹ phương Tây dễ tiếp cận hơn nhiều so với xu hướng kịch Trung Quốc hoặc tuồng kabuki (một loại tuồng của Nhật Bản, có hát và múa, ra đời vào thế kỷ 17 như là một nhánh của kịch Nô – PV).
    Trong đó, khía cạnh ít hấp dẫn nhất của cải lương là những đoạn hội thoại dài và nó trở nên gần giống với loại nhạc kịch nhiều kỳ có nhạc điệu dài khá não nuột.

    - Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên về vốn hiểu biết và niềm say mê của họa sĩ với cải lương? Điều gì khiến anh, một họa sĩ người Ý lại mong muốn gìn giữ nghệ thuật cải lương của Việt Nam?

    - Đúng vậy. Rất nhiều người nhìn tôi với một ánh mắt lạ lẫm. Tôi nhớ kỷ niệm được nghệ sĩ Linh Huyền (sau này trở thành người bạn đời của tôi) - mời đến xem trọn vẹn một vở cải lương được trình diễn tại rạp hát Hưng Đạo ở TP. Hồ Chí Minh. Tha thứ cho tôi là tôi đã không còn nhớ tên của vở diễn.

    Tuy nhiên, chính vở diễn đầy màu sắc và sống động ấy đã làm cho tôi ngỡ rằng mình đang xem vở Đám cưới của Figarro (vở Opera tươi tắn nhất của Mozart, lấy cảm hứng từ phần 2 của vở Opera Người thợ cạo thành Seville - PV) hay là The Rakes vậy.

    Theo tôi tìm hiểu, diễn tiến vở cải lương gần giống như kịch câm pan-tô (một loại kịch câm thần thoại Anh - PV) mang đặc tính Đông Dương mà quý vị thấy rất quen thuộc. Tôi thấy mình bắt kịp với một số đoạn độc tấu dàn dựng thông thường.

    Trong ban nhạc, tôi thích người chơi đàn dây (đàn lục huyền cầm, một loại đàn có phím nhô cao tạo ra một kiểu trang trí hình cong) và cũng hơi ngạc nhiên khi thấy có cả đàn ghita đệm (đàn bass, chơi những nốt trầm - PV) và đàn phím điện tử như để lấp vào những khoảnh khắc diễn xuất… Tôi luôn có cảm giác tò mò nếu không muốn nói là rất đam mê loại hình âm nhạc này.

    Hơn thế nữa, có thể nói, cải lương chính là mối nhân duyên để tôi gặp nữ hoàng sân khấu Thanh Nga – một bảo bối của sân khấu cải lương Việt Nam. Tôi có cảm xúc đặc biệt đối với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.


    Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga.

    - Nghệ sĩ Thanh nga được người Việt Nam mến mộ về cả tài, sắc và đức. Là một người nước ngoài, điều gì ở Thanh Nga khiến họa sĩ có “cảm xúc đặc biệt” như vậy?

    - Tuy không hiểu ca từ, nhưng xem qua nét diễn, luyến láy, âm sắc… của từng nghệ sĩ mà tôi biết “chọn” nghệ sĩ nào để ái mộ. Như bất cứ người đàn ông nào, tôi cũng bị vẻ đẹp người phụ nữ này lấy mất tâm trí.

    Tuy vậy, khi xem những vở do nghệ sĩ Thanh Nga biểu diễn tôi phải lặng đi. Đó không chỉ là sự đam mê nhan sắc của Thanh Nga theo cách tầm thường, mà từ lối diễn, giọng ca, thần sắc và thậm chí là nhân cách của bà, mà tôi dấy lên một tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng thật sự.

    Thanh Nga đã sống một cuộc sống ý nghĩa trọn vẹn. Bà có cống hiến rất nhiều cho nền sân khấu cải lương Việt Nam. Bà đã để lại một bộ sưu tập đáng kể gồm những băng thu âm và nhiều tác phẩm cải lương được quay hình. Công lao của bà đối với sân khấu cải lương cũng đã được người Việt Nam ghi nhận, nên dành cho ái ngữ là “nữ hoàng sân khấu cải lương”.

    Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần những vở bà diễn như An Lộc Sơn, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn. Đó là những tác phẩm đã đi vào lòng công chúng Việt Nam cũng như Verdi đã đi vào lòng công chúng Ý và những người yêu Opera vậy.


    Thanh Nga trong vai sơn nữ Phà Ca (năm 16 tuổi) trong vở Người vợ không bao giờ cưới.

    - Được biết gần đây có nhiều báo đài đưa tin họa sĩ đã bỏ nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư dàn dựng những vở cải lương lịch sử như Trần Quốc Toản - Tiểu anh hùng Nam quốc, Bà Chúa thơ Nôm, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… Xin họa sĩ cho biết cụ thể chuyện này là như thế nào, chương trình có dựa trên nguồn tài trợ nào không?

    - Đúng vậy. Chúng tôi làm việc xuất phát từ tình yêu với cải lương và hoàn toàn không dựa trên nguồn tài trợ nào. Tôi đã cùng với người bạn đời của mình – nghệ sĩ cải lương Linh Huyền đồng lòng làm tất cả những gì có thể để đưa sân khấu cải lương đến với công chúng, không đòi hỏi một lợi nhuận nào ngoài ước mong cải lương không… chết.

    Mặc dù không phải là nghệ sĩ đứng trên sân khấu, nhưng để những nghệ sĩ thực sự được diễn trên sân khấu tôi có thể làm tất cả, từ việc hậu đài… cho đến bán tranh để có tiền đưa cho vợ tôi đầu tư cho vở diễn. Tuy vậy, tình hình không khả quan như chúng tôi mong đợi.

    - Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trao đổi thú vị này.

    Richard di san Marzano là họa sĩ theo trường phái màu nước trừu tượng, đã từng sống và làm việc tại Mỹ, Úc, Ý, Pháp và hiện nay là Việt Nam. Tranh của anh được chọn làm poster cho hai sự kiện âm nhạc lớn là The Umbria Jazz Festival, Italia 1998 và The chamber music festival El Paso, USA 1998. Mới đây, anh sáng lập ra cuộc thi Chân dung tự họa tại Việt Nam với số tiền thưởng lên đến 100 triệu đồng, do Dogma Collection tài trợ. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo họa sĩ tham gia.
    (Theo NGUYỄN HOÀN TRUNG HIẾU - HV)





    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Giang Tiên (13-08-2012), MEM (13-08-2012), romeo (13-08-2012), Thanh Hậu (13-08-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Đẹp tuyệt vời ta ơi !

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    MEM (13-08-2012), Phong_Vũ (13-08-2012)

ANH EM CHANNEL