Bạn Nguyên Phúc ơi cho hỏi thêm nếu như ca câu 6 này nhịp đầu ca theo song lang hay ca chẻ 3/4 nhịp? và nhịp thứ hai thì ca 2/4 của song lang?
Theo căn bản tài tử thì nhịp đầu câu 6 (Lý Con Sáo) là nhịp ngoại 3/4 (giới tài tử xưa gọi là nhịp bảy rưỡi). Nhưng từ ngày có cải lương thì dần dần các nhạc công cải lương sửa lại thành nhịp nội (chẵn 8, thay vì bảy rưỡi). Có rất nhiều bài bản tài tử, những chỗ nhịp ngoại 3/4 (nhịp bảy rưỡi) đã được cải lương sửa thành nhịp nội (chẵn 8). Sở dĩ có sự sửa chữa như vậy là để cho dễ đàn và ca, nghe suông, êm và ngọt... Do đó mà hầu hết bài bản cổ nhạc Nam phần nói chung, bài bản cổ nhạc tài tử nói riêng ngày nay không còn đúng với cách phân nhịp của lòng bản gốc nữa. Đó cũng là "sự cải tiến để phát triển" của âm nhạc mà thôi.
Trở lại câu hỏi của anh
thaydat thì
nhịp đầu của câu 6 bản Lý Con Sáo ngày nay đều ca nhịp nội, và
nhiều nhạc sĩ cũng đàn nhịp nội tại chỗ này. Nhưng
nhịp thứ 2 (nhịp cuối câu 6) thì
phải giữ đúng nhịp ngoại (2/4), vì là căn bản bắt buộc.
Tóm lại, nhịp ngoại 2/4 thì bắt buộc phải giữ đúng; nhưng nhịp ngoại 3/4 (nhịp bảy rưỡi) thì không cần giữ và làm tròn thành nhịp nội cũng được. Đại khái như bản vọng cổ, có người ca chẻ, có người ca nội vậy mà (Phượng Liên thường ca chẻ, Văn Giỏi và Ba Tu thường đàn chẻ).
Đàn và ca chẻ là một nghệ thuật và kỹ thuật. Người mới học đàn và học ca thì thường là đàn và ca nhịp nội (không chẻ bảy rưỡi). Người đàn và ca giỏi thì thường đàn và ca chẻ (bảy rưỡi). Nhịp ngoại 3/4 tức nhịp chẻ bảy rưỡi là tiếng đàn hoặc lời ca dứt trước nhịp xuống của chân phải (phách mạnh của trường canh) tại vị trí bảy rưỡi (3/4) thay vì dứt chẵn tại phách thứ 8 (trùng với ngón chân phải nhịp xuống - nhịp trường canh).
Các anh chị lắng nghe tiếng đàn, lời ca của từng nhạc sĩ, từng nghệ sĩ sẽ nhận thấy rõ điều này (nhịp chẻ 3/4 tức bảy rưỡi).
Đàn vọng cổ toàn nhịp nội (chẵn 8) nghe đều đều như "tụng kinh", giời tài tử xưa gọi là "đàn nhịp tầm bo", tức là đàn còn yếu nên phải đàn nhịp chẵn (nội) để dễ giữ nhịp, như đi cầu khỉ có tay vịn. Đàn nhịp chẻ (bảy rưỡi) là trình độ nhịp cứng, như đi cầu khỉ không cần tay vịn. Ca cũng vậy, mới tập ca (vọng cổ) thì ca toàn nhịp nội (chẵn 8) để dễ giữ nhịp.
Để ý thì sẽ thấy các danh cầm đều đàn nhịp chẻ, các nghệ sĩ nổi tiếng cũng vậy.
Các anh chị thử lắng nghe tiếng đàn vọng cổ của Ba Tu và Văn Giỏi sẽ thấy rất rõ.
Anh
thaydat có thể xem lại trang đầu của thread này để kham khảo thêm:
http://diendan.cailuongso.com/showthread.php?t=1551