1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    TT=>LTS: Nghệ sĩ sân khấu hay gọi nôm na nghề mình là nghề “ăn cơm tổ”. Sân khấu Việt Nam - nhất là sân khấu Nam bộ - có những dòng tộc đã ăn cơm tổ hơn ba bốn đời, từ sân khấu tuồng, cải lương đến kịch nói. Trải qua những lúc thăng trầm thịnh suy của nghề, gặt hái nhiều vinh quang và có cả cay đắng... họ vừa là nhân chứng, vừa viết nên tính độc đáo và truyền thống lâu đời của sân khấu Việt gần một thế kỷ qua.

    Kỳ 1:
    Ba tôi - NSND Thành Tôn

    TT - NSND Thành Tôn (1917-1997) là một tên tuổi lớn của sân khấu hát bội. Trong ký ức của NSƯT Thành Lộc, hình ảnh cha anh luôn toát lên một nhân cách khẳng khái, trượng nghĩa, lúc nào cũng sống chết với nghề.

    Những người con của NSND Thành Tôn đều thành danh trên sân khấu. Trong ảnh: nghệ sĩ Bạch Lê và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương tuồng cổ thuộc hàng kinh điển: Câu thơ yên ngựa - Ảnh: Hòa Bình

    Ba tôi vốn xuất thân từ đất Vĩnh Long, ông cố là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông, thân phụ là Nguyễn Văn Nở (bầu Nở) đều là nghệ sĩ hát bội. Tính ra ba tôi là đời hát bội thứ tư. Những người con của ông sau này như tôi (NSƯT Thành Lộc), Bạch Long, Bạch Lê, Bạch Lý... đều là nghệ sĩ thành danh ở lĩnh vực khác.

    Tuy là con nhà nòi nhưng ba tôi cho rằng mình cũng không thoát khỏi cái mác kép hát tỉnh lẻ. Ông muốn mình phải nổi danh ở thành phố lớn. Vì vậy, ông quyết khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp.

    Kép tỉnh giữa Sài Gòn

    Lên Sài Gòn, ông gia nhập gánh Minh Tơ của bầu Thắng, là ông ngoại tôi sau này. Trong đoàn, cậu tôi là Khánh Hồng (nghệ sĩ hồ quảng) thích ba tôi, nhưng ông cậu còn lại là Minh Tơ (nghệ sĩ hát bội, cha của NSND cải lương Thanh Tòng) thì... chưa thích lắm! Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp thì cậu tôi vẫn phải nể vì ba tôi.

    Hồi đó, gánh hát lục tỉnh luôn phải chạm mặt du côn, cường hào ác bá nên ba tôi quyết học võ. Ông còn nói nghệ sĩ Sài Gòn kiêu kỳ lắm, ông thì thân cô thế cô, thế nên việc đầu tiên là ông giắt cây... mã tấu theo, phòng khi bị bắt nạt.

    “Ba là người miền Tây lục tỉnh mà để nổi tiếng khắp miền Nam thì cực lắm con ơi! Mình muốn học người ta cũng không cho, người ta giấu nghề” - ba tôi có nói như vậy. Về sau ba tôi không giấu nghề. Ông nói nghề hát bội từ đời này sang đời khác vốn đã rơi rớt, mai một ít nhiều, nếu giấu nghề thì nó sẽ mai một luôn. Mà ngày trước ba tôi học là đứng sau cánh gà, học lỏm cái hay của người khác rồi về nhà tập.
    Ba nói trong hát bội, hát văn khó hơn hát võ. Hát võ thì có múa võ để khán giả coi. Còn hát văn sao cho người ta rớt nước mắt mà không... bị buồn ngủ mới là khó nhất!

    Hồi đó, cả nhà tôi sống bên cánh gà đình Cầu Quan (nay là góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ba tôi tập tuồng ở dưới, nhưng thỉnh thoảng ông đáo lên gác xem anh em tôi có học bài hay không. Đứa nào nghe trống tập tuồng không lo học là bị ông đánh. Sau này, khoảng những năm 1970, khi chị Bạch Lê nổi tiếng là “hồ quảng chi bảo” đi hát có tiền thì chúng tôi mới ra nhà riêng.

    Ba tôi thuộc làu sử ta, sử Tàu nhưng cũng chịu ảnh hưởng của Tây. Chắc cái này ông bị ảnh hưởng bên nhà ngoại tôi, bởi nhà ngoại tôi có nhiều người học trường Tây. Thường ông thích chơi Vespa, diện đồ vest. Có lần ông chạy Vespa hộ tống đoàn đua xe đạp ra tận vĩ tuyến 17.

    Hồi đó, nhà có khó khăn gì ông cũng không cho con cái thất học. Con cái có muốn theo nghệ thuật hay không ông cũng không ép uổng hay ngăn cản. Ông chỉ nói: “Đã làm nghệ sĩ là phải nghệ sĩ giỏi, không được nghệ sĩ trung bình”.

    NSND Thành Tôn - Ảnh tư liệu

    Đường siêu cuối cùng

    Tính ba tôi ngang ngạnh, nổi tiếng là người hay bênh nghệ sĩ. Hễ nghe có tin nghệ sĩ bị đánh hay hiếp đáp ở đâu là dù đang ngủ ông cũng bật dậy, quơ cây mã tấu chạy tới liền.

    Trong đoàn, ông cũng có tiếng là ngang tàng, hay bênh kẻ yếu, người thế cô. Các ông bầu nể ba tôi vì tài nên cũng không muốn “làm căng” với ông, còn những người yếu thì nể ông vì đã bênh vực họ!

    Ba tôi còn kể ông đòi đánh nhau với cả... quỷ! Chuyện này thì có tính tâm linh một chút. Hồi xưa, gánh hát thường đi sâu vô những nơi heo hút. Gặp nơi chướng khí, nội bộ xào xáo, diễn viên diễn trên sân khấu bị tai nạn trọng thương, hoặc tối người trong đoàn ngủ không được... là người ta tin bị ma quỷ phá. Ba tôi tức lắm. Nửa đêm ông cầm mã tấu, thắp một nắm nhang lớn đỏ rực giữa sân khấu rồi thách ma quỷ có giỏi thì hiện lên... ăn thua đủ!

    Ba tôi dạy tôi: “Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh trên sân khấu. Tổ nghiệp phù hộ con hay không là lúc đứng trên sân khấu. Nếu con đứng trong bóng tối mà khán giả vẫn nhớ tới con thì còn hơn là người đứng ngoài ánh sáng mà ít ai nhớ tới. Như vậy là con thành công rồi”.

    Ba tôi nổi tiếng với những vai Châu Sáng, Triệu Tử Long, Lý Bá Huề, Lôi Nhược, Trình Giảo Kim... Những ngày cuối đời, ông bị chứng teo não nằm trong bệnh viện. Chị Kim Thanh (nghệ sĩ hát bội) đến thăm có nói: “Sư phụ ơi, cứu con với. Người ta giao cho con vai Châu Sáng mà con e mình đảm đương không nổi”. Chỉ vậy thôi mà ông bật dậy, đi bài siêu Châu Sáng dạy cho chị Kim Thanh liền. Chị Kim Thanh vừa lĩnh hội đường siêu vừa rớt nước mắt.

    Hơn tuần sau là ba tôi mất!
    NSƯT THÀNH LỘC - QUANG THI ghi

    Bà Hai Gà ở đình Cầu Quan
    Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: “Tam cang, ngũ thường, tứ đức... của người xưa được chúng tôi thể hiện hằng ngày trên sân khấu.Thiện ác rạch ròi, nên nghệ sĩ chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng”. Ngẫm về cuộc đời ông hay các nghệ sĩ hát bội khác thì quả có như vậy!
    Sinh thời, NSND Thành Tôn và nghệ sĩ Hữu Thoại rất coi trọng nhau. NSƯT Thành Lộc nhớ lại mỗi khi gặp nghệ sĩ Hữu Thoại là ba anh bắt phải kính cẩn cúi chào. Còn NSƯT Hữu Danh từng được NSND Thành Tôn truyền nghề thì nhắc: “Bác Thành Tôn hay nói: Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại (nghệ sĩ Hữu Thoại)”.
    NSƯT Hữu Danh kể lại khi anh còn là sinh viên, khoảng năm 1981, một hôm nghệ sĩ Thành Tôn đến gặp anh và người anh là Hữu Nhi (nay là phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM) nói: “Hai đứa bay ăn mặc chỉnh tề rồi đi theo bác. Có chuyện!”.
    Ông đưa hai anh em Hữu Danh, Hữu Nhi đến một ngôi nhà ở gần đình Cầu Quan (góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ở đó có một người đàn bà đang nằm thoi thóp những ngày cuối đời cô đơn trên giường bệnh.
    Người đàn bà này anh không nhớ rõ tên gì, chỉ hay gọi là cô Hai Gà. Thời thuộc Pháp bà làm nghề tú bà ở khu vực đình Cầu Quan. Khi nghệ sĩ Hữu Thoại từ tỉnh phiêu bạt lên Sài Gòn, hai người có thời gian ăn ở như vợ chồng. Được ba năm, bà biết mình không thể có con nên mới giục Hai Thoại đi lấy vợ. Trong lúc Hai Thoại vì còn tình nghĩa nấn ná thì bà nói: “Anh Hai à, anh là người có tài. Anh phải có vợ để có người nối dõi”.
    Mẹ của nghệ sĩ Hữu Danh là người gốc Cần Giờ (TP.HCM). Hồi trẻ, bà tham gia chống Tây nên bị Tây bắt, treo ngược lên cây rồi đổ nước mắm vô mũi tra tấn, tưởng chết. Nửa đêm, cha bà lén bò ra bãi xác kiếm xác con, nghe bà thở thoi thóp mới biết bà còn sống. Sau vụ đó bà bỏ lên Sài Gòn làm thợ may, rồi quen nghệ sĩ Hữu Thoại. Chính bà Hai Gà đem tiền đi hỏi bà cho Hữu Thoại.
    NSƯT Hữu Danh kể cha anh không bao giờ nhắc chuyện đó có lẽ vì nể má anh. Nếu không có NSND Thành Tôn dẫn đến nhà người đàn bà trên thì anh em của anh cũng không bao giờ biết chuyện.
    Khi gặp người đàn bà trên giường bệnh, nghệ sĩ Thành Tôn gọi: “Chị Hai à, con của Hai Thoại nè. Không có chị thì không có tụi nó”. Người đàn bà yếu ớt gượng ngồi dậy, run run mừng tủi: “Con của Hai Thoại đây sao?”.
    Chuyện nhơn nghĩa người xưa kể ra như tuồng tích, như kịch, nhưng là chuyện có thật!
    Q.THI

    Kỳ tới: Nghệ sĩ Hữu Thoại: Nghề này bạc lắm
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (05-09-2012), Giang Tiên (04-09-2012), romeo (04-09-2012), Thanh Hậu (04-09-2012)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Đời nghệ sĩ - Kỳ 2:
    Nghệ sĩ Hữu Thoại: Nghề này bạc lắm
    TT - Nghệ sĩ Hữu Thoại (1911-1976) là nghệ sĩ hát bội vang danh một thuở với những tên tuổi như Minh Tơ, Thành Tôn, Ba Út, Năm Ðồ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai...

    Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: "Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại".

    Nghệ sĩ Hữu Thoại

    Nghệ sĩ Hữu Thoại (1911-1976) là nghệ sĩ hát bội vang danh một thuở với những tên tuổi như Minh Tơ, Thành Tôn, Ba Út, Năm Đồ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai... Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: “Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại”.

    Không những là nghệ sĩ nổi danh, NS Hữu Thoại còn là giảng viên hát bội Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn từ 1960-1975. Khi cải lương phát triển mạnh vào những năm 1960 làm hát bội thất thế, ông cùng tham gia Hội Khuyến lệ cổ ca nhằm phục hưng hát bội. Cha của NS Hữu Thoại là bầu Huê (Cần Thơ). Các con ông là NSƯT Hữu Danh, NS Hữu Nhi, Kim Nên... đều là nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, thuộc thế hệ thứ ba.

    Từ trái qua: NS Hữu Thoại, nhạc sĩ Sáu Vững và NS Thành Tôn - ba nhân vật lãnh đạo Ban hát bội Vân Hạc (1947-1975) - Ảnh tư liệu của NSND Đinh Bằng Phi
    Kiếp ăn đình ngủ ghe
    “Ông nội tôi là kép chính, rồi ba tôi cũng là kép chính. Ba tôi kể có lúc ba tôi hát hay hơn, ông nội tôi cũng ganh tị, đòi lại vai...”, NSƯT Hữu Danh bắt đầu nhớ về ba anh như vậy.

    Trong ký ức của NSƯT Hữu Danh - người có ông nội và bà cô ruột đều là bầu gánh - thì gánh hát xưa là những người mang kiếp ăn đình ngủ ghe, rày đây mai đó. Khi đi diễn họ thác đâu chôn đó, không tính đến chuyện nhà cửa. Còn khoản ăn chơi hưởng lạc thì họ cũng... “tứ đổ tường”. Hữu Danh kể anh nhớ rất rõ những con thằn lằn trên trần nhà chỗ đặt bàn đèn. Mỗi ngày đúng giờ như boong, những con thằn lằn lại bò ra nằm chờ khói thuốc. Con nào con nấy trắng núc ních.

    Trong xã hội xưa, người nghệ sĩ bị xem là “con đào”, “thằng kép”, xướng ca vô loài. Nhưng về nghề, về tổ thì họ rất nghiêm túc. Mỗi năm, đúng vào ngày giỗ tổ, dù đang ở chân trời góc bể nào họ cũng tụ hội về bên bàn thờ tổ, không thiếu một ai.

    Người nào theo gánh hát thì ngày làm việc quần quật, tối ngủ dướt đất lạnh không có mền, phải kéo tấm bạt sân khấu đầy bụi đất làm mền. Nếu là con nhà nghệ sĩ thì còn hi vọng chút nâng đỡ, còn không thân thế thì phải hầu hạ, đấm bóp, cơm dâng nước rót... cho thầy mới hi vọng được truyền chút nghề. Có người theo gánh một hai năm được giao cho chút vai lính lệ, đứa ở... đã vui mừng muốn khóc. Hãy nghe tâm sự của NS Năm Lượm khi được giao một vai chính: “Tôi mừng mà nước mắt chảy ròng ròng cứ làm trôi phấn hoài. Tim đập liên hồi, tay run lẩy bẩy... Tới chừng mặc giáp lịnh vào cứ mắc... đi tiểu muốn chết!” (trích Nhìn về sân khấu hát bội Nam bộ, NSND Đinh Bằng Phi). Tình huống thì oái oăm nhưng cái thiêng liêng về nghề thì ai cũng hiểu!

    Nhưng điều mà NSƯT Hữu Danh nhớ nhất là ký ức đánh nhau mà ba anh kể lại. Xưa đi hát, gánh hát hay gặp lưu manh du đãng, cường hào ác bá nên Hữu Danh quả quyết: “Cứ ba bữa hát là một bữa đánh lộn”. Trong kiếm, mác đạo cụ của đoàn lúc nào cũng thủ sẵn hai cây giáo thật, hai cây mã tấu thật phòng khi “hữu sự” như vậy.

    Một lần gánh hát của ba anh bị chặn trên một cây cầu, một “giang hồ hảo hớn” phanh áo chỉ mâm heo quay bên cạnh nói nếu đánh bại hắn thì được con heo quay, còn nếu thua thì quay đầu đừng hòng vô xã hát. Lúc đó, trong đoàn nhiều người đã xanh mặt! Kép chánh Hữu Thoại nhảy xuống quần với tay anh chị này một hồi, hất được hắn xuống sông thì đoàn mới được “thông quan”.

    Trận ác liệt nhất là khi đoàn đang hát ở Vĩnh Long, đám thanh niên địa phương đâm chết người soát vé rồi xông vô đòi phá tan gánh hát. NS Hữu Thoại và người trong đoàn rút gươm giáo chống đỡ. Cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”. Sau trận kinh hoàng đó, anh kép Hữu Thoại trốn lên Sài Gòn lập nghiệp, tránh sự truy bức của đám thanh niên địa phương lẫn nhà chức trách.

    Con trai của nghệ sĩ Hữu Thoại - NSƯT Hữu Danh (trái) trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ - Ảnh: H.D.
    Nghệ thuật giờ khó quá!
    Hữu Danh kể hồi còn sống ba anh dặn: “Con đừng theo nghề này, bạc lắm!”. Khi NS Hữu Thoại qua đời (1976), có người đồng môn của ông tới nhà thấy gia đình Hữu Danh phải ăn khoai lang chống đói nên đưa anh em Hữu Danh vô khoa hát bội Trường Sân khấu và điện ảnh TP.HCM. Hữu Danh nhớ tiêu chuẩn bao cấp cho sinh viên hồi đó là: kịch nói cấp 16kg gạo/tháng, cải lương cấp 18kg gạo/tháng, hát bội (vì ứ ự à a... tốn sức nhiều hơn) nên được ưu ái 21kg gạo/tháng với hai hộp sữa, 2kg đường. Tiêu chuẩn này đã cứu đói gia đình anh.

    Hồi đó khó khăn, bà cô ruột anh trước năm 1975 là bầu gánh hát, hột xoàn đeo 10 ngón tay mà cũng hết.
    Trong giới, NS Hữu Thoại và NS Thành Tôn là người có chữ nghĩa nên soạn nhiều tích tuồng. Khi ông chết, kịch bản chất đầy một tủ. NS Hữu Danh kể mẹ anh là người gốc Cần Giờ (TP.HCM), ra chợ bán cá nuôi con. Thời hậu chiến bao cấp thiếu thốn đủ điều, bán cá mà còn thiếu đồ gói cá, bà lanh trí nhớ đến... cái tủ kịch bản của chồng!

    Khi anh em Hữu Danh ra trường thì cái tủ kịch bản của NS Hữu Thoại cũng hết. Bây giờ, đã hơn 30 năm trong nghề từ biểu diễn, viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu..., NSƯT Hữu Danh nói mỗi lần nhớ lại cái tủ kịch bản đó anh lại chắc lưỡi ngơ ngẩn: “Tiếc, nhưng cũng không biết làm sao”!
    Khi hỏi con anh có ai nối dõi cha, ông nội không, Hữu Danh lắc đầu: “Không, con tôi không đứa nào theo hát bội nữa. Nó còn không quan tâm hát bội là gì!”. Khi hỏi anh có tin vô tương lai hát bội không, Hữu Danh suy nghĩ rồi... lắc đầu! Trung thực và sòng phẳng.
    Hữu Danh nói: “Nghệ thuật bây giờ khó quá!”.

    “Thu nhập của nghệ sĩ hát bội bây giờ bình quân 2,5 triệu đồng/ tháng. Anh em khó khăn, nhưng rồi quen tính cần kiệm. Phần tôi cộng tiền đạo diễn, tác giả... được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tính ra tiêu xài 200.000 đồng/ngày thì cũng đủ!”.
    Giữa đất Sài Gòn, người nghệ sĩ hát bội nhẩm bài toán sinh kế như vậy đó!

    Hát bội Nam bộ gắn liền văn hóa tâm linh
    “Nghề này buồn mà đam mê. Trên sân khấu thì đam mê, quên hết, nhưng khi nhận tiền công thì... buồn. Được khách nước ngoài hỏi han mình lại thấy tự hào về nghệ thuật dân tộc. Chắc vì vậy mà... sống được!” - cái “mâu thuẫn hai mặt đối lập” của hát bội hôm nay được NSƯT Ngọc Nga, phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, tâm sự như vậy.
    Bình quân mỗi nghệ sĩ nhà hát của chị lương tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Đi diễn thì thù lao kép chính độ 150.000 đồng/suất, kép phụ cỡ 100.000 đồng, nhạc công vài chục ngàn. NS Ngọc Nga nói: “Lương anh em bằng công nhân trong khu chế xuất thôi. Còn lại anh em phải kiếm sống bằng nghề tay trái!”.
    NS Ngọc Nga cho biết từ nhiều năm nay hát bội không thể diễn bán vé. NS Hữu Lập, 56 tuổi nghề ở đoàn Minh Sen (Vũng Tàu), kể: “Bây giờ lễ hội người ta cũng đòi mời nghệ sĩ tài danh (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng). Họ hát một tiếng thù lao mười mấy triệu, bằng tôi đi hát hơn nửa năm. Hết cải lương là họ rút đi hết, còn lại lơ thơ vài người già xem hát bội. Mà trời ơi, khán giả xem hát bội nhìn rúm ró, khép nép như sở thích của họ có gì... xấu hổ lắm vậy!”.
    Hát bội Nam bộ phát triển mạnh nhất thời Tả quân Lê Văn Duyệt ở thành Gia Định (khoảng 1812-1832). Sau năm 1975, hát bội có thời kỳ hoàng kim khoảng 10 năm nữa. Người ta đúc kết rằng hát bội chỉ phát triển khi nó “độc quyền”, không có môn nghệ thuật cạnh tranh.
    Cả NS Hữu Danh, Hữu Lập, Ngọc Nga đều nói rằng con cái họ chia sẻ nhưng không muốn theo hát bội như cha mẹ. Họ đã chứng kiến quá nhiều cái khổ của cha mẹ!
    Dù hết khán giả, mỗi năm Sở VH-TT&DL TP.HCM ra chỉ tiêu kiếm 500 triệu đồng thì Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đều thu đủ. NSƯT Ngọc Nga cho biết tiền mà đoàn kiếm được là nhờ diễn hợp đồng cho các lễ hội kỳ yên của Nam bộ. Mỗi khi đến lễ hội, những hội đình đứng ra mời đoàn hát bội về làm lễ xây chầu (nghi thức nhạc, bái), lễ đại bội (nghi thức thiên lôi mở cửa trời, thái cực sinh lưỡng nghi, chúc thánh Phúc Lộc Thọ...). Nghi thức này là không thể thiếu. Hát bội bây giờ gắn liền với văn hóa tâm linh dân gian.

    QUANG THI
    ___________
    Kỳ tới: Gia đình bầu Thơ: sân khấu là chiếc nôi

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (05-09-2012), Giang Tiên (07-09-2012), romeo (05-09-2012), Thanh Hậu (05-09-2012)

  5. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    “Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 3:
    Gia đình bầu Thơ: sân khấu là chiếc nôi

    TT - Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga (1950 - 1982) là một trong những đại bang nổi tiếng của cải lương Nam bộ (cùng với các đoàn Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu).

    Dòng tộc bà bầu Thơ, NS Năm Nghĩa, NS Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu... được tổ nghề cho nhiều vinh quang nhưng cũng gánh nhiều mất mát chua xót khó giãi bày!

    Bà bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga - Ảnh tư liệu gia đình

    Sinh thời bà bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ) có câu nói nổi tiếng: “Trong nghề này đứa nào giỏi thì được, không thì thôi. Lập gánh không phải là để lăngxê con cháu!”. NS Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu... đều là người có thực tài mà lên.

    Bà bầu Thơ chịu cảnh góa chồng sớm, vì hoàn cảnh gia đình phải đem ba con từ Tây Ninh xuống Sài Gòn may đồ kiếm sống. NS Năm Nghĩa (ông người Bạc Liêu, có công phát triển bài Dạ cổ hoài lang của NS Cao Văn Lầu lên nhịp 8, tiền đề để câu vọng cổ phát triển lên nhịp 32, 64 như bây giờ) thầm thương người góa phụ trẻ tảo tần, nhưng bà dửng dưng, lạnh lùng như gỗ đá. Ông chỉ biết len lén nhét tiền dưới máy may giúp bà, còn bà nghĩ đó là của... người nhà cho.

    NS Năm Nghĩa tâm tình sầu muộn, nửa đêm nằm viết nên một bài vọng cổ Điên đảo vì tình. Bài vọng cổ được phát trên đài phát thanh. Bà Thơ nghe bài vọng cổ thì sự dửng dưng gỗ đá bắt đầu tan chảy. Lúc đó mới thấm, mới chịu.

    Bà Thơ rất yêu chồng. Khi ông Năm Nghĩa qua đời năm 1959, bà từng muốn thác theo ông. Kỳ lạ là năm 1988, bà quy tiên vào đúng ngày giỗ chồng.
    Trước đó, NS Thanh Nga - người con gái mà bà bầu Thơ yêu quý nhất - cũng bị bắn chết cùng với người chồng là luật sư Phạm Duy Lân trong một vụ án mạng, bắt cóc năm 1978. Đó cũng là một cái chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng với người chồng. Trong quãng 10 năm đó (1978 - 1988), những mất mát luôn đến với gia đình bà bầu Thơ một cách khó hiểu.

    Bữa cơm gia đình toàn nói chuyện hát
    Khi bà bầu Thơ về với ông Năm, thấy bạn bè ai cũng có gánh hát riêng mà ông chưa có nên bà thương chồng dốc vốn liếng lập gánh Thanh Minh năm 1950. Năm 1958, NS Thanh Nga đoạt Giải cải lương Thanh Tâm thì năm 1959, bà bầu Thơ đổi sang gánh Thanh Minh - Thanh Nga.

    Trong nhà NSƯT Hữu Châu là con của NS Hữu Thình. NS Hữu Thình và NS Thanh Nga đều là con của người chồng trước với bà bầu Thơ. Sau này, một người con nổi tiếng nữa của bà với NS Năm Nghĩa là NSƯT Bảo Quốc.

    “Khi mang bầu tôi thì mẹ tôi (NS cải lương Thanh Lễ) còn nịt bụng đu dây múa kiếm. Đến khi đoàn bên cạnh có người đu dây bị sẩy thai, bà nội tôi thấy sợ bảo mẹ tôi thôi. Lên 5 tuổi, tham gia vở Giai nhân và loạn tướng, tay tôi cầm sẵn bịch hai trái táo tàu đỏ. Chú Việt Hùng (NS Việt Hùng) bốc tôi lên, thò tay móc mắt. Tôi đưa bịch táo tàu ra, phẩm đỏ chảy đầm đìa, chú Việt Hùng cầm hai con mắt táo tàu lủm vô miệng. Tôi chạy vô cánh gà, bà nội đặt cạch xuống 5 hào đi ăn cà rem.

    Cho nên nếu tính tuổi nghề tôi, có thể tính từ lúc trong bụng hay từ lúc 5 tuổi cũng được” - Hữu Châu nói.

    Hữu Châu kể nếu tính theo ngày thì anh có thể sinh vào mùng một tết. Bà bầu Thơ sợ xui, dặn mẹ anh muốn đẻ cũng chờ tới mùng hai. Sinh anh ra được vài ngày thì nhà trúng số độc đắc, đủ tiền lập thêm một gánh hát đặt theo tên anh là Dạ Minh Châu (1966). Vì vậy Hữu Châu là đứa cháu mà bà bầu Thơ ưu ái hơn một chút, luôn cho ngủ chung với bà.

    “Bây giờ các bạn trẻ đào tạo trong trường bốn năm là ra làm diễn viên. Còn gọi là “con nhà nòi” như tôi, anh Thành Lộc... thì ngồi cánh gà sân khấu từ nhỏ, rồi ngồi trong lòng những nghệ sĩ lớn. Bữa cơm gia đình cũng chỉ toàn nói chuyện hát. Tuổi thơ chúng tôi tắm sông, ngủ đình, ngủ miếu, ngủ chợ... lang bạt theo gánh hát. Như vậy hỏi sao nghề không thấm. Có lẽ chúng tôi khác các bạn hôm nay là ở chỗ có quăng đâu thì chúng tôi cũng trụ được, thích ứng được!”, Hữu Châu tâm sự.

    Nghệ sĩ Hữu Châu xuất sắc trong vai Nguyễn Trãi, vở Bí mật vườn Lệ Chi - Ảnh: GIA TIẾN

    Những mất mát ám ảnh
    Trong nhà NSƯT Hữu Châu còn thờ chiếc khánh tổ của Đoàn Dạ Minh Châu (tổ của hát bội là tượng đẽo bằng gỗ mít, tổ cải lương là chiếc khánh). Hữu Châu nhẩm tính: “Ông nội Năm Nghĩa của chúng tôi đi hát năm 1934. Tính ra nhà tôi thờ tổ, ăn cơm tổ đến nay gần 80 năm”.

    Nhưng vinh quang sân khấu của nhà NSƯT Hữu Châu cũng trộn lẫn những mất mát, đau xót đến giờ vẫn khó bày tỏ.

    “Nhà tôi trước đây ở chung năm tầng lầu, con cháu, cô bác, chú thím... lúc nào cũng vui, cũng rộn rã tiếng cười. Vậy mà... trong vòng 10 năm cứ rơi rụng hết”, Hữu Châu nói.

    Bắt đầu là cái chết bàng hoàng của NS Thanh Nga năm 1978. Năm 1980, anh trai Hữu Châu bệnh chết khi đang đi hát. Năm 1985, cha anh mất trong một tai nạn giao thông. Năm 1988, đến lượt bà bầu Thơ qua đời trong ngày giỗ ông Năm. “Toàn là những cái chết bất đắc kỳ tử, không kịp trăng trối. Không giải thích được, không nói được!”, Hữu Châu chua xót. Năm 2010, em trai của anh là NS Hữu Lộc cũng qua đời trong một tai nạn giao thông.

    “Nghề này lạ lắm! Được triệu triệu người thương thì cũng phải đánh đổi những mất mát. Có khi là máu, có khi là mất mát riêng tư... tùy từng người. Nghĩ vậy tôi cảm thấy lòng mình bình an mà còn tự hào nữa. Chưa bao giờ, và dù có thế nào thì tôi cũng không nghĩ mình bạc tổ hay xa tổ!” - Hữu Châu nói.

    Người “bét” nhất dòng họ
    Gia đình nghệ sĩ Hữu Châu trong ngày giỗ lần thứ 30 cố nghệ sĩ Thanh Nga (từ trái qua): vợ chồng Hà Linh, Hữu Châu, Hữu Lộc, Gia Bảo (cháu nội NSƯT Bảo Quốc) - Ảnh: GIA TIẾN

    Đêm 26-11-1978, những phát súng chát chúa đã cướp mất cuộc đời NS Thanh Nga và người chồng (luật sư Phạm Duy Lân) trong lúc bà cố giành lại đứa con trai Cúc Cu 5 tuổi từ tay bọn bắt cóc. NS Thanh Nga ra đi ở tuổi 36, để lại một huyền thoại sân khấu được truyền tụng đến mãi hôm nay.

    Khi vào bệnh viện nhận thi thể con, bà bầu Thơ vuốt mắt nhưng mắt NS Thanh Nga vẫn mở. Đến khi bà nói: “Thôi, con đi. Thằng Cúc Cu để má lo” thì NS Thanh Nga mới chịu nhắm mắt.

    Đứa trẻ Cúc Cu ngày đó nay là nghệ sĩ hài Hà Linh. Anh kể lúc nhỏ sống với đại gia đình, mọi người hiểu hoàn cảnh mồ côi của anh nên ai cũng yêu quý. Hiện tại anh cũng có một cuộc sống vui vẻ và đầy đủ, nhưng về nghề thì chưa!

    Năm 17 tuổi, biết Hà Linh muốn nối nghiệp mẹ thì cả nhà ai cũng cản! Không phải do kiêng kỵ, Hà Linh nói bởi vì anh... xấu quá, ăn nói không ra câu nên cả nhà không ai tin anh thành danh. Mà họ đúng thiệt!

    Khi là sinh viên trường nghệ thuật, anh thường “bị” giao vai hài. Đến khi Hà Linh đi tấu hài thì được nhận xét: “Mặt này đóng chính kịch mới hợp!”.

    Nghề nghiệp lận đận, dạo này Hà Linh chuyển qua nghề lồng tiếng cho phim. Bước vô phòng thu, Hà Linh mới biết mình dở phần sắc lẫn phần thanh. “Bây giờ mấy vai bèo bèo cỡ xe ôm, ăn xin, ăn cướp bị hỏi cung... người ta mới giao cho tôi. Còn không họ cứ để tôi ngồi một góc đó!” - Hà Linh thành thật.

    Trong dòng tộc, NS Thanh Nga là người nổi tiếng nhất. Bù lại, Hà Linh tự nhận mình là người “bét” nhất dòng họ. Anh chấp nhận điều này với sự thanh thản: “Có lẽ phúc phần của ai đều có số hết, tôi vẫn tự hào về mẹ tôi. Bây giờ tôi hi vọng mình sẽ được giao những vai xấu hoặc ác để có đất diễn!”.

    QUANG THI
    -----------------------------------------------------------
    Kỳ cuối: Con nhà nòi sân khấu họ Lê
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Giang Tiên (07-09-2012), romeo (06-09-2012), Thanh Hậu (07-09-2012)

  7. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Đời nghệ sĩ - Kỳ cuối:

    Con nhà nòi sân khấu họ Lê

    TT - Khởi đầu từ những trí thức "Tây học" chơi kịch, kịch đã thành thể loại dẫn đầu nền kịch Việt hiện đại.Theo huyết thống gia đình, kịch Việt đã hưng thịnh cho đến nay.

    Họ Lê của kịch sĩ Lê Ðại Thanh là một trong những gia đình nghệ sĩ ấy...

    Lê Vân trong phim Chị Dậu -Ảnh tư liệu
    Sinh ra và lớn lên khi cuộc giao lưu văn hóa Ðông - Tây (Pháp - Việt) diễn ra sôi nổi, bồng bột trong các thành thị lớn ở Việt Nam, Lê Ðại Thanh (1907-1996) được Thế Lữ phát hiện tài năng kịch, được mời vào ban kịch Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động kịch suốt những năm 30,40 của thế kỷ 20.
    Riêng Lê Ðại Thanh được Thế Lữ ấn tượng là người "mê làm thơ, nhưng rất sân khấu từ dáng dấp đến cử chỉ, sắm vai kịch hồn nhiên không bợn chút nhọc lòng, diễn kịch với khí chất biển của người trai đất cảng Hải Phòng". Ông từng thủ vai Trần Thiết Chung xuất sắc trong vở Kim tiền, từng được giải thưởng báo Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn. Ông từng lập đoàn kịch Lê Ðại Thanh - Lan Sơn và Gió Biển. Ông cưới bà Ðinh Ngọc Anh, con gái một thế gia vọng tộc người Hải Phòng, thời xuân sắc từng là kịch sĩ đoàn kịch Gió Biển. Năm 1956, bà là người đầu tiên đóng vai người con gái Ðất Ðỏ Võ Thị Sáu.

    Hai ông bà sinh ra hai thế hệ nghệ sĩ hành nghề sân khấu, đã để con cháu tự hình thành tính cách nghệ sĩ, chứa đầy nội lực của bản năng nghệ sĩ.

    Lê Khanh trong kịch ngắn Chỉ tại cái tai - Ảnh tư liệu
    Nội lực "cha truyền con nối"
    Lê Ðại Chúc, Lê Mai và Lê Chức là ba tia pháo hoa bùng nổ ở thế hệ nghệ sĩ con, sau điểm nổ của người cha. Có điều đặc biệt, người cha di truyền cho họ chất nghệ sĩ phong nhiêu và di truyền luôn cả bi kịch đời nghệ sĩ của mình.

    Một thời dài, cha họ bị kết án liên đới vụ Nhân Văn - Giai Phẩm (1957) cùng một số văn nghệ sĩ đương thời, trong đó có Văn Cao. Cha bị thôi việc tại một cơ quan báo chí, tác phẩm không được xuất bản trong thời gian dài. Con gái Lê Mai bị đình chỉ diễn ở Ðoàn Kịch nói trung ương. Gần qua đời ông mới được muộn màng minh oan (gần đây nhất, ngày 10-8, báo Hải Phòng đưa tin sẽ có đường phố Lê Ðại Thanh được đặt tại phường Lâm Hà, quận Kiến An thuộc "thành phố biển" mà cả đời ông gắn bó).

    Mang án di truyền ấy của cha, các con trai ông rất vất vả trong lập nghiệp, nhất là Lê Chức (sinh năm 1947). Theo nghề sân khấu của cha, phải 22 năm sau sự cố -1979, với nỗ lực cá nhân phi thường, Lê Chức mới được đi học ở Kiev, Liên Xô, ngành đạo diễn kịch. Lê Chức từng cùng đại gia đình vượt qua cảnh túng đói (cha ông đói triền miên và cố giấu sự thiếu đói trước mặt con). Người anh Lê Ðại Chúc phải bốc vác ở cảng Hải Phòng ròng rã hai năm trời. Lê Chức đẩy xe bò, làm công nhân sửa đường hơn một năm, rồi thi đậu vào Ðoàn Kịch Hải Phòng.

    Song, người tiếp lửa cho những đứa con nghệ sĩ vượt qua cơn nguy biến, theo hồi tưởng của Lê Chức, lại chính là người cha. Lê Ðại Thanh đã viết Di chúc thơ năm 1965 như rút ruột để lại cho con cái, cho người đời mà chưa bao giờ ông hết thương yêu: Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/Chết là trở về với tinh thể sao trời/ Trả trái đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời trả lại vé cho quê hương...Chính ông thương con trai lận đận mà bảo con bỏ bớt chữ Ðại trong tên ông đặt, chỉ còn là Lê Chức "cho con nhẹ hơn trong cuộc đời".

    10 năm cha mất, Lê Chức xuất bản tập thơ Lê Hoa, rưng rưng ghi tên ba cha con, trở về chữ "Ðại" trong tên mình: Lê Ðại Thanh - Lê Ðại Chúc - Lê Ðại Chức, để ghi ơn sinh thành dưỡng dục từ cha mẹ. Lê Chức cũng đã thành nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn, thi sĩ và hiện đang rất "đắt sô" đạo diễn, giảng dạy, viết kịch, làm thơ... dù ông đương chức phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu VN.

    Lê Ðại Chúc, sinh năm 1944, là tia pháo hoa rực rỡ khác, dù bùng nổ muộn. Là chuyên viên ngành hàng hải, đến tuổi ngũ tuần, theo ông tự sự, Thượng đế bất ngờ ra lệnh Lê Ðại Chúc bỏ nghề tàu biển làm họa sĩ. Như có phép lạ, Lê Ðại Chúc vẽ như... lên đồng suốt hai thập niên cuối thế kỷ 20, đầu 21. Nhẹ nhõm và bay bổng. Ông mê vẽ chân dung, hoa và phong cảnh. Ông hoan hỉ thú nhận có năm ông bán tranh tiền tỉ. Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí, vẽ chưa đầy một giờ, được mua 10.000 USD.

    Trong hai chục năm, ông vẽ hàng ngàn tranh sơn dầu, hàng trăm chân dung người ruột thịt, bạn bè. Thật thú vị khi ông nhận ra mình in bóng người cha Lê Ðại Thanh. Nhà báo hỏi ông có chịu ảnh hưởng từ cha? Ông tự hào: "Sao lại không? Gen di truyền đấy, không lẫn được đâu...".

    Lê Vi trong Giai điệu tình yêu cùng bạn múa Anh Phương - Ảnh tư liệu
    Ba nhan sắc nhà nòi: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi
    Có lẽ công lao lớn nhất dâng đời của cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Mai và NSND Trần Tiến là đã sinh hạ được ba nhan sắc cho nghệ thuật biểu diễn Việt: Lê Vân - nghệ sĩ múa và màn bạc, sinh năm 1958; Lê Khanh của kịch lẫn màn bạc, sinh năm 1963; Lê Vi - nghệ sĩ múa và màn bạc, sinh năm 1967. Cặp vợ chồng này cùng có công thăng hoa chùm tia đẹp bất ngờ nhất từ điểm nổ pháo hoa của ông ngoại Lê Ðại Thanh.

    Song, Lê Mai mới thật là người mẹ tài năng. Tính cách quả cảm của bà trong nuôi dạy con mới thực là cội nguồn của ba cô con gái nghệ sĩ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cha các cô, Trần Tiến, ông vua hài kịch thường vắng nhà đi diễn xa, một mình mẹ Lê Mai cáng đáng cả ba con nhỏ. Bị thôi việc ở Ðoàn Kịch nói trung ương, bà may mắn được nhận về Ðoàn kịch Hà Nội. Khi Lê Vân còn nhỏ, bà gửi con ở nhà trẻ nơi sơ tán của Bộ Văn hóa. Cứ tối thứ bảy, sau diễn kịch, bà lại đạp xe gần 30 cây số đón con và 3 giờ sáng thứ hai lại đạp xe về Hà Nội cho đúng giờ ở đoàn kịch. Rồi Lê Khanh ra đời, cân nặng 1,8 kg, bà lại khốn khổ vì con hay đau ốm, đi diễn một đêm chỉ đủ tiền mua vài viên thuốc cho con một ngày.

    Bà kể có người dại miệng bảo con bé thế thì chỉ có nước "cho vào bánh quy mà đem chôn". Thế mà bà nuôi mát tay, Khanh lớn phổng lên và rất thông minh! Con út Lê Vi ra đời, bà lại lo cho Vi, vừa lo tiếp tế cho Vân và Khanh theo bố sơ tán. Vi là con gái thứ ba, dù bà hi vọng con trai. Bố Trần Tiến hơi buồn, nhưng cả hai vợ chồng nghĩ con là lộc trời nên thương Vi nhất và Vi cũng gắn bó với mẹ nhất. Ði học cũng chỉ chực về với mẹ, lấy chồng cũng ở cùng mẹ, sang Pháp sống với chồng con nhưng quả quyết "con vẫn sẽ về với mẹ".

    Khi các con còn nhỏ xíu, vợ chồng bà chỉ nhắc khéo: Nhà mình có bố Tiến, mẹ Mai đều làm nghệ thuật, các con mà không biết đóng kịch, đóng phim thì phí quá! Có lẽ do gen nghệ thuật từ ông ngoại Lê Ðại Thanh, đến mẹ Lê Mai, rồi từ cha Trần Tiến đã lặn sâu vào các con mà Vân, Vi 11 tuổi đã theo học trường múa, Khanh 15 tuổi đã được tuyển vào Nhà hát Tuổi Trẻ, rồi cả ba tự đi trên con đường đã chọn, bố mẹ không cần can thiệp và tác động. Bản tính Lê Mai không thích phô trương, chưa một lần trong đời bà mang hoa lên sân khấu tặng con, dù bà không bỏ buổi diễn nào của các con.

    Bây giờ đã tuổi thất thập, song bà Lê Mai vẫn đang mơ đến thế hệ thứ tư: bảy cháu ngoại do ba cô con gái sinh ra. Biết đâu chúng sẽ tự nhiên thành nghệ sĩ, như cụ ngoại, ông bà, chú bác, cha mẹ chúng đã là con nhà nòi ba đời, đến đời thứ tư thành nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, tại sao không? Như các dòng sông, bao giờ mà chẳng thao thiết chảy xuôi ra biển lớn?

    Người mẹ hạnh phúc
    Lê Mai tự cho mình là người mẹ hạnh phúc nhất thế gian, bởi có ba cô con gái nghệ sĩ, lại biết lo lắng cho mẹ. Bà bảo số bà được nhờ con, con giỏi hơn mẹ nhưng vẫn giống bố mẹ ở tính giản dị, yêu lao động nghệ thuật. Hôm nhận danh hiệu NSND, Khanh nói lời cảm ơn mẹ Lê Mai, vì “mẹ là người chèo lái con thuyền chở toàn nghệ sĩ đến bến bờ vinh quang”. Lê Mai đã không cầm được nước mắt.

    Duy cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống đã khiến bà và gia đình phải ít nhiều nghĩ ngợi, khi NSƯT Lê Vân lục tung quá khứ của chính mình và cha mẹ, em gái, để giải đáp câu hỏi của đời mình, trong tình yêu và nghệ thuật, để cuối cùng là... sám hối. Bà Lê Mai không nỡ giận, chỉ xót thương, thấy Vân giống mẹ, mạnh mẽ, cứng cỏi, dám sống theo cách riêng.

    Mặc lòng, dù tự truyện Lê Vân đã khuấy động quá khứ và hiện tại của một gia đình danh giá nghệ sĩ, phơi bày vài sự thật đắng lòng thì bà Lê Mai vẫn tỉnh táo và công bằng khi đánh giá: thông điệp của cuốn tự truyện là không người nào, gia đình nào hoàn hảo. Lê Vân đã đau đáu về điều không hoàn hảo ấy, chứng tỏ Vân có tấm lòng thành thực đáng quý!

    Gia đình nghệ sĩ Lê Đại Thanh (từ trái qua): vợ chồng Lê Đại Thanh, Lê Mai, Lê Chức và Lê Đại Chúc - Ảnh tư liệu gia đình
    NGUYỄN THỊ MINH THÁI
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (07-09-2012), Giang Tiên (07-09-2012), romeo (07-09-2012), Thanh Hậu (07-09-2012)

ANH EM CHANNEL