Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. Winnie the Pooh
    Avatar của Winnie the Pooh
    THÁI THANH -- Tiếng Hát Dâng Hiến Tâm Tình


    Tôi nhớ mang máng nữ danh ca Thái Thanh được định cư trên đất nước Hoa kỳ vào năm 1985, 1986 gì đó, theo diện ODP. Và mãi tới năm 1992 tôi mới được xem chị hát ở rạp Maubert Mutualité, quận 5 của kinh thành Paris. Trước đó, bà Võ Phiến có tặng tôi băng nhạc “ Thái Thanh Hải Ngoại 2, Quê Hương Và Kỷ Niệm” do Trung Tâm Diễm Xưa sản xuất.

    Trong tấm ảnh in trên bìa bọc của băng nhạc, Thái Thanh vẫn còn trẻ đẹp như hồi 20 năm về trước. Cũng có thể đó là công cạo sửa và tô điểm thêm của nhiếp ảnh gia. Người trong ảnh vẫn phấn mịn son tươi, vẫn giữ vẻ thông minh rạng rỡ ở sóng mắt nụ cười. Người trong ảnh mặc chiếc áo dài màu hồng quế (hồng ửng tía ngọt lịm), khoác bên ngoài chiếc áo bằng ren thêu dệt lộn với kim tuyến sợi nhỏ mức như sợi tóc. Chị tô son hồng ngọc, phết sơn móng tay màu đỏ sậm như máu đông đặc và đeo hoa tai rẽ hình cánh quạt nặng quằn cùng một vốc chuyền bướm, tất cả nạm chuỗi hột nhả ánh kim cương lấp lánh.

    Trong ảnh, Thái Thanh đang cầm máy vi âm, máy chúc xuống miệng, mặt ngửa lên, giống như gã cuồng đồ đang tu chai rượu. Mặt chị hí hởn, tươi như hoa, môi nở một nụ cười sáng như mây hồng lúc rạng đông.

    Hôm trình diễn ở rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh hát ở phần 1 và phần 3 chương trình. Còn phần 2 thì dành cho các nữ ca sĩ Như Mai, Ngọc Lan, Kim Ngân và nam ca sĩ Duy Quang. Ở phần 1, chị diện chiếc áo màu tể thanh, xanh thật sáng và thật thắm như màu men sứ Sài Diêu vào triều đại của Châu Thái Tôn Hoàng Đế thời Hậu Châu bên Tầu. Ở phần 3 chương trình, chị diện chiếc áo màu nâu đỏ in hoa cánh bướm màu vàng tái như màu hoa kim liên (capucin) hoặc hoa dã lan (iris) . Màu nâu lẫn màu vàng đều tái ngắt và lu chìm, nhưng sự kết hợp của chúng trên nền lụa lại xông xáo choáng lộn bất ngờ.

    Chị mang tiếng hát ra hải ngoại bằng sự tự tin thấy rõ, dù làn hơi tiếng hát đã hao hụt chút ít, chuỗi ngân không còn nhỏ mức và đều đặn, nhưng âm sắc vẫn còn lảnh lót, vẫn còn lóe những ngân vang sáng rỡ. Lúc hát, chị vẫn hăng hái quăng mình trọn vẹn vào phút giây đùa bỡn với tiết điệu và âm thanh. Dù chuỗi ngân có thô rít, nhưng chị vẫn không nao núng, vẫn kéo dài làn hơi để cho làn hơi gợn sóng. Khi hát tới chỗ khá cao hay khi xuống chỗ khá thấp lọt ra khỏi âm vực tiếng hát của mình, chị vẫn cứ đưa tiếng hát của mình lướt tới, vẫn quả cảm chuyển giọng, tới đâu thì tới, không sợ tiếng hát gãy vụn hoặc vỡ bể hay bị sa lầy. Nhìn và lắng nghe chị hát, tôi ngậm ngùi trước sự thành khẩn tha thiết của chị trong lúc chị dâng hiến tiếng hát của mình cho khán giả và nhất là cho lý tưởng của mình mà không cần nhìn lại tuổi đời đang đè nặng trên lưng trên vai mình, không quan tâm cái sinh lực trong tiếng hát của mình đã bị thời gian làm vơi cạn đi ít nhiều.

    Tuy nhiên, hôm đó giọng hát của chị chỉ hơi rạn nứt chút ít ở một vài chỗ, phải tinh lắm mới nhận ra. Nhưng mà, đó vẫn còn là một giọng hát đẹp gợi nên vết da rạn quý giá trên nền men bóng của chiếc độc bình. Hôm đó, chị còn hát bài “Dòng Sông Xanh” của Johann Strauss, vẫn hứng khởi ngân bằng nguyên âm (vocaliser) và vẫn nhún nhẩy theo nhịp điệu Valse xôn xao.

    Sau buổi trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh còn trình diễn thêm một vài nơi ở Paris, rồi trình diễn ở một vài nước trên lục địa Âu Châu. Tôi có nghe loáng thoáng chị được đón nhận nồng nhiệt ở nơi nầy, bị hững hờ ghẻ lạnh ở nơi khác, gây một âm vang vừa đủ để hãnh diện ở chỗ kia. Tôi cũng có nghe vài lời bình phẩm ở lối trình diễn điệu đà và sự diễn tả quá mức của chị ở Washington D.C.

    Tại nơi đây, khi bước ra sân khấu, chị mặc áo choáng lộn như y quan của của gánh Hồ Quảng, lại khoác áo choàng như Người Dơi; lúc hát chị lắc lư hơi nhiều, rồi nhảy loi choi, vung vãi quá nhiều nhiệt tình, nhiều điệu bay bướm thừa thãi. Song dù gì đi nữa, hôm trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, chị vẫn ghi vào ấn tượng tôi hình ảnh một nghệ sĩ hát bằng tâm tình dâng hiến, bằng trái tim mẫn cảm, bằng cái đẹp muôn màu muôn vẻ của tâm hồn. Sau phần 1, đèn ở hí viện bật lên, khán thính giả đứng dậy vỗ tay hét lớn:

    - Hoan hô! Hoan hô Thái Thanh!

    Nhà văn nữ Thụy Khê bảo tôi:

    - Nghe Thái Thanh hát mà nhói cả tim!

    Học giả Phạm Xuân Hy, người chuyên dịch chuyện hồ ly tinh trong “Liêu Trai Chí Dị” hoặc trong “Dạ Vũ thu Đăng” cũng bảo:

    - Thái Thanh hát vẫn còn hay.

    Thái Thanh hát hay điều đó dĩ nhiên rồi, ai mà dám cãi được ? Nhưng Thái Thanh còn hát giỏi nữa, bởi vì chị có kỹ thuật hát khá tinh vi. Nhưng tiếc thay, khi hát ở những chỗ hơi cao, chị thường nhốt sâu tiếng hát trong cuống họng nên tiếng hát thanh thì có thanh, nhưng chua ơi là chua! Từ Thái Thanh lúc đó chị trở thành Thái Chanh một cách ngon ơ! Đây là nhược điểm của chị. Bởi tự luyện tập giọng hát theo lối chầu văn, hát chèo với cách ngoai mồm bẻ miệng nên chị không nắm bắt cách luyện tập theo phương pháp chân truyền của ca sĩ Tây phương. Từ lúc đầu, chị không tập rống khi lên cao để tiếng hát được dàn rộng, không mất âm lượng và có thể giữ được âm sắc ngọt ngào. Trong băng nhạc “Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, chị có hát bài “Sérénade” của Schubert, từ đầu tới cuối chị xài toàn giọng óc, chua tới rùng rợn luôn!

    Nhưng khi hát ở những chỗ không quá cao hoặc không quá thấp, tiếng hát chị đẹp hẳn lên, như khối ngọc giữ màu trong vẻ sáng, không tỳ vết, không lỗi lầm. Ở những nốt nhạc nơi trầm, tiếng chị dầy và ấm hẳn lên, thập phần quyến rũ.

    Qua tiếng hát Thái Thanh, người nghe có cảm tưởng đến ngắm một lạch nước trong chảy thao thao vào một vùng thôn dã thuộc miền trung du của Quê Bắc vào thuở tiền chiến. Nơi đó, có những hình ảnh tiêu biểu như lũy tre xanh rậm rọc bọc quanh làng làm cho khung cảnh ấm cúng và thân mật. Có mảnh ao làng lênh láng nước trong veo, ngày ngày có những cô gái quê đến gánh nước hoặc rửa rau và vo gạo. Có ngôi đình làng dành cho các cuộc tế lễ thành hoàng. Có ngôi chùa, am mây, miếu mạo... dành cho những khách hành hương. Lại còn thêm bóng đa, bóng chuối, bóng na, những cây cau, những nương khoai... làm cho khung cảnh thêm xanh mát, thêm bóng râm êm ả trong nắng trưa.

    Thái Thanh hát những ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc như “Tình Ca”, “Tình Nghèo”, “Tình Tự Tin”, “Nụ Tầm Xuân”, “Tình Hoài Hương” và “Chú Cuội” của Phạm Duy, “Kiếp Cuội Già” và “Khúc Giao Duyên” của Phạm Đình Chương, “Tình Quê Hương” của Đan Thọ, “Các Anh Đi”, “ Nhớ Bến Đà Giang” của Văn Phụng đều truyền cảm, đều gợi cái trong trẻo êm đềm của lạch nước mùa xuân, cái tịch mạc thật thơ mộng của cảnh thôn dã nơi Quê Bắc.

    Vì hát theo lối nhấn từng chữ như lối chầu văn nên chị hát những bài nhạc ngoại quốc như “Celèbre Valse” của Brahams, “Sérénade” của Schubert, “Rêverie” của Robert Schumann... đã được đổi thành lời Việt thì lại không sành điệu bằng Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Tuyết Hằng, Mai Hương và Quỳnh Giao.

    Riêng tôi, tôi chưa thấy ca sĩ nào diễn tả trọn vẹn ý tình qua các ca khúc của Phạm Đình Chương và nhất là của Phạm Duy bằng Thái Thanh.

    Ở bài “Tình Ca”, khi hát tới câu hát “Tôi yêu tiếng xa mờ”, giọng chị sắc vút lên như xuyên vào mối cảm hoài người nghe bằng một luồng gió mạnh, reo xao xuyến trong nội giới chúng ta rất lâu... Ở bài “ Kỷ Vật Cho Em”, khi mở đầu bằng câu “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại” thì ở tiếng “hỏi”, chị như nghẹn nấc làm người nghe bàng hoàng dao động cả tâm hồn; chưa có ca sĩ nào diễn tả tuyệt vời cảm xúc như chị ở tiếng đó. Hình như Trời sinh Phạm Duy ra để soạn ca khúc cho Thái Thanh hát. Trong phút hiển linh của thần trí sáng tạo, anh viết những dòng nhạc truyền cảm tột độ mà chỉ có Thái Thanh diễn tả mới đi đến chỗ cùng tận của ý tình. Cho nên khi hát bài “Bà Mẹ Gio Linh”, Thái Thanh cất tiếng “Hò ơi ới ơi hò”, tiếng hò chị ở chỗ đó như banh gan xé ruột người nghe, như khơi dậy một vết thương rướm máu của họ. Tiếng hò sao mà thảm thiết một cách thần tình, làm sao có ai hò vượt qua chị dẫu đương sự có ăn một trăm, một ngàn cót thóc đi nữa.


    Ngoài ra, bản “Tình Không Biên Giới” của Văn Lương, “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Đông, “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn, “Tiếng Thời Gian” và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền đều được chị trình bày bằng một tình cảm vừa phải, nhưng rất truyền cảm, rất nghệ thuật.

    Nghe Thái Thanh hát các ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc, chúng ta có cảm tưởng được ngắm những bức tranh mộc bản hoặc những bức tranh dân gian bày bán ở chợ quê trong dịp Tết. Những bức tranh dân gian ấy tô màu lòe loẹt và suồng sã nhưng hàm nhuận ý tình thật mộc mạc, thật thân thương: đỏ như ruột dưa hấu, xanh như mực học trò, vàng như nghệ, lục biếc như đọt chuối hay như lá mạ, tím như nước cốt trái mồng tơi...

    Còn ở những bức tranh mộc bản thì tuy khung gỗ khắc có những nét thô tháp nhưng khi được in lên trên nền giấy xốp và thấm mực đều bỗng hiện lên những đường nét tạo hình ấm cúng và duyên dáng lạ kỳ!

    Qua tiếng hát Thái Thanh, chúng ta có thể mương tượng đến tiếng sáo diều vi vút vào buổi chiều quê, khi mà ánh tà dương không còn trải trên mặt ao đầm, và sương mỏng bắt đầu theo bóng chiều lan khắp đó đây. Lúc đó, tàn cây, khóm chuối biến dần thành những khối bóng đậm đen như tô bằng mực tàu trong thứ ánh sáng lu lít mù mờ vào lúc chạng vạng. Tiếng sáo mỏng và thanh cứ vi vút từ đầu bữa cơm chiều dưới ánh đèn dầu cho tới khi trăng lên rọi lóng lánh mặt ao đầm mà vẫn chưa tắt.

    Thái Thanh có giọng hát thiên phú quý báu như thế, nhưng theo tin đồn thì chị chẳng thận trọng giữ gìn. Chị không kiêng khem trong việc ăn uống. Hễ gặp trái chua là chị ăn mê tơi, ăn ngấu nghiến. Gặp trái chát như sung để ăn cặp với bún riêu, như mít đẹt nổi mụn cám vàng chị liền cất giấu ngay trong bụng là chỗ không trời không đất... cho gọn!

    Hồi ở bên quê nhà, Kiều Chinh và Thái Thanh là hai nữ nghệ sĩ trình diễn thích giao du với các nghệ sĩ bên sáng tác nổi tiếng trí thức. Qua ông anh nhạc sĩ Phạm Đình Chương của mình, Thái Thanh ưa giao du với nhóm Cái Bang trong đó có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, nhà văn Mai Thảo, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Thanh Tâm Tuyền... lại thêm có ca sĩ Anh Ngọc, anh bạn đồng nghiệp của chị. Giờ đây, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương và Thanh Nam đã từ trần. Thanh Tâm Tuyền định cư trên vùng Vạn Hồ thuộc tiểu bang Minnesota. Còn Phan Lạc Phúc ở tận bên Úc. Trong chuỗi ngày tàn bóng xế, chị cùng nghệ sĩ dương cầm Nghiêm Phú Phi mở lớp luyện ca.

    Từ năm 1995, làn hơi trong tiếng hát Thái Thanh giảm sút quá nhiều. Chị không còn ngân nga được nữa. Nhưng từ cái gốc của chị, có hai chồi măng mới mọc ra, trong thời gian chẳng bao lâu mà trở thành hai cây trúc tương phi yểu điệu xinh tươi. Mỗi khi lớp lớp sóng nhạc hiện thân thành cơn gió lướt qua, trúc reo lao xao những tiếng hát làm rung cảm khách mộ điệu khắp bốn phương trời hải ngoại. Đó là nữ ca sĩ Ý Lan và nữ ca sĩ Quỳnh Hương, hai cô con gái của chị và của minh tinh điện ảnh Lê Quỳnh.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. minhle
    Avatar của minhle
    Thanks anh Bush.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Ý Lan Quỳnh Hương cũng theo nghiệp ca hát của mẹ.

    Trong khi Ý Lan trở thành một ngôi sao thực sự và được khán giả đặt là Danh Ca, kế thừa xứng đáng sự nghiệp lẫy lừng của mẹ thì con đường ca hát của Quỳnh Hương khá ngắn ngủi.

    Quỳnh Hương chỉ đi hát vài năm, khoảng đầu thập niên 1990, chị cộng tác cho Trung tâm ASIA tại hải ngoại. Chị cùng với NiNi, Hạ Vy Vina Uyển Mi hợp thành tứ ca rất được khán giả ủng hộ. Sau đó, Quỳnh Hương tách ra hát solo một thời gian ngắn rồi giải nghệ luôn.

    Nữ danh ca Thái Thanh chính là em ruột của nữ ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy). Các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo con của NS Phạm Duy gọi danh ca Thái Thanh là dì ruột.

    Hiện nay, danh ca Thái Thanh do tuổi cao đã không cón đi hát nữa, chỉ ở nhà an hưởng tuổi già và vui chơi cùng các con cháu. Danh ca Ý Lan thì vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát và thường xuyên về VN hát cho các phòng trà hay chương trình ca nhạc lớn. Còn Quỳnh Hương đã chuyển sang làm MC và Biên tập cho đài truyền hình SBTN của cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG







    Danh ca THÁI THANH, ngoài cùng bên trái




    Danh ca THÁI THANH, mắc áo dài màu đỏ (T10.2005)


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Ngày xưa chỉ nghe bài hát có tên của cô Thái Thanh chứ cũng ko có dịp nghe hay thưởng thức giọng hát. Hôm nay vào bài của anh Pooh nghe mới thấy sao giọng hát lảnh lót quá! Thanks anh Pooh nhiều! Anh Pooh còn bài nào làm một list của giọng ca này luôn đi anh!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. minhle
    Avatar của minhle
    @ MEM: Hôm nay pa MEM thích nhạc nữa ta?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Trời, Pa thích nhạc mà con, thích các giọng ca cao thánh thót lắm! Con chưa biết hả?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. Winnie the Pooh
    Avatar của Winnie the Pooh
    Thái Thanh, Tiếng Hát Lên Trời

    Trong những phút giây thiếu vắng trống trải nhất hay những nhớ nhung tha thiết nhất của cuộc đời, mọi hiện diện hữu hình đều vô nghĩa; ta chờ đợi một đổi trao, khát khao một giao cảm thì bỗng đâu, một hiện diện vô hình lóe lên tựa nguồn sáng, tựa tri âm: sự hiện diện của tiếng hát.

    Nếu thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung, theo Valéry, hay thi ca là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào của con người, theo Croce, thì âm nhạc hẳn là tiếng nói của những trạng thái tâm hồn vànhạc công hay ca sĩ là nguồn chuyển tiếp, truyền đạt những rung động từ hồn nhạc sĩ đến tâm người nghe.

    Thị giác giúp chúng ta đọc một bài văn, nghiền ngẫm một bài thơ, nhưng chẳng mấy ai có thể thưởng thức một bản nhạc bằng thị quan của riêng mình mà phải nhờ đến người trình diễn, đến ca công, ca kỹ. Ngàn xưa nếu người kỹ nữ bến Tầm Dương chẳng gieo ' tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dâý chắc gì ngàn sau còn lưu dấu vết Tỳ Bà Hành?

    Sự biểu đạt tác phẩm nghệ thuật hay sự truyền thông cảm xúc từ nhạc bản đến thính giả, nơi một vài nghệ sĩ kỳ tài, không chỉ ngưng ở mực độ trình diễn mà còn đi xa hơn nữa, cao hơn nữa, tới một tầm mức nào đó, ca nhân đã sáng tạo, đã đi vào lãnh vực nghệ thuật: nghệ thuật vô hình của sựtruyền cảm, nghệ thuật huyền diệu sai khiến con người tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão, nghệ thuật dị kỳ tái tạo bối cảnh quê hương đã nghìn trùng xa cách, nghệ thuật mời gọi những tâm hồn đơn lạc xích lại gần nhau dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu, nghệ thuật không tưởng đừng cho không gian đụng thời gian khi ca nương cất tiếng hát, tiếng hát của bầu trời, giao hưởng niềm đau và hạnh phúc: Thái Thanh.

    Người ta nói nhiều đến sự nhạy cảm của phụ nữ, đến một thứ giác quan nào đó ngoại tầm nam giới. Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,... đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảmcầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:

    Trời trong em, đồi choáng váng
    Rồi run lên cùng gió bốn miền

    Tiếng hát Thái Thanh đến với chúng ta bằng rung động trực giác rồi tan loãng trong suy tư, xoáy vào những hố sâu, những đỉnh cao, vào tiềm lực của sự sống. Trong nghệ thuật hội họa, Van Gogh dùng sắc độ chói rạng để diễn tả những cuồng nhiệt, những trận bão trongtâm hồn. Trong nghệ thuật trình diễn, Thái Thanh vận dụng tiết tấu âm thanh, tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt giữa con người, tình yêu và vũ trụ:

    Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
    Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
    Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
    Trùng Dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!

    Vẽ lên hình ảnh người nữ ca sĩ dưới ánh đèn sân
    khấu, Hoàng Trúc Ly đã có câu thơ thật hay:

    Vì em tiếng hát lên trời
    Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

    Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960. Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời naỵ Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trờị Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Đổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.

    Ngày nay, những khi tìm lại giọng ca huyền ảo của Thái Thanh trong tiện nghi, ấm cúng, ít ai còn nhớ đến định mệnh gian truân của một tiếng hát, những bước gập ghềnh khúc khuỷu, chênh vênh, trôi nổi, theo vận nước lênh đênh. Tiếng nhạc Phạm Duy gắn bó với tiếng hát Thái Thanh thành tiếngcủa định mệnh, chứng nhân của nửa thế kỷ tang thương, chia lìa trên đất nước. Tiếng Thái Thanh là tiếng nước tôi, là tiếng nước ta, là tiếng chúng ta, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ...

    Tiếng hát Thái Thanh vang vọng những đớn đau riêng của phận đàn bà, mà người xưa đã nhiều lần nhắc đến bằng những công thức: hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố, tạo vật đố hồng nhan. Giọng hát Thái Thanh dịu dàng đằm thắm nhưng vẫn có chất gì đắm đuối và khốc liệt. Thái Thanh tình tự những khát vọng và những đau thương của hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, những thế hệ đàn bà bị dập vùi trong cuộc chiến kéo dài hằng nửa thế kỷ, kèm theo những giằng co tranh chấp, những băng hoại của một xã hội bất an. Nạn nhân âm thầm, vô danh là những người tình, những người vợ, những người mẹ đã có dịp nức nở với tiếng hát Thái Thanh: từ o nghèo thở dài một đêm thanh vắng đến nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, đến lúc anh trở về bại tướng cụt chân, đến nhiều, rất nhiều bà mẹ Việt Nam, từ Cai Kinh ngang tàng đến Gio Linh Đồng Tháp suốt đời cuốc đất trồng khoaị.. Tiếng hát Thái Thanh là tiếng vọng khuya khoắt của những cơn bão lịch sử.

    Và Thái Thanh đã sống lăn lóc giữa cơn lốc đó. Từ tuổi mười lăm, mười bảy, cô Băng Thanh -tên thật Thái Thanh- đã mang ba-lô theo kháng chiến chống Pháp: Hà Nội, khu III, khu IV, chợ Sim, chợ Đại, chợ Neo, Trung Đoàn 9. Về thành, cô đã góp công, tích cực và hiệu lực vào việc củng cố, phát triển nền tân nhạc phôi thai với ban hợp ca Thăng Long, sau đó là kiếp ca nhi phòng trà những nơi gọi là ' Sài Thành hoa lệ' , những đêm màu hồng, chiều màu tím.

    Trong mười năm sa mạc, Bầu trời xanh không hát, chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh như lời Phạm Duy trong một tổ khúc. Sang Hoa Kỳ, TháiThanh hát lại, vẫn đắm say, vừa kiêu sa vừa gần gũi, đam mê và điêu luyện.

    Thái Thanh tạo cho mỗi tác phẩm một sinh mệnh mới: Bài hát được ' Thái Thanh hóá, như đã đạt được ' đỉnh caó của cuộc đời, từ đó khó tìm thấy ai đưa nó vượt lên cao hơn nữa. Bởi Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bàithơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tẻ buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống. Giọng hát Thái Thanh tha thướt và tha thiết buộc người nghe phải sống cao hơn, sâu hơn, sống nhiều hơn. Tiếng hát Thái Thanh có lúc gợi cảm, khơi tình, hổn hển như lời của nước mây như lời thơ Hàn Mặc Tử.

    Khi tiếng hát cất lên, dường như mọi hữu thể làm bằng sỏi đá, sắt thép, thân xác và nước mắt phút chốc tan biến, trở nên vô hình, vô thể, hóa thân trong tiếng hát, khi trầm mặc, khi vút cao; Thái Thanh, phù thủy của âm thanh là một thứ Đào Nương trong truyền thuyết có ma lực hú về những âm tình u khuất.

    Trong những cassette giới thiệu nhạc của mình, Phạm Duy một đôi lần có lưu ý Thái Thanh thỉnh thoảng hát saị Dĩ nhiên một tác giả có quyền đòi hỏi người khác phải trung thành với văn bản của mình; riêng trong nghề ca xướng, nghệ nhân vẫn có thông lệ đổi vài chữ cho hợp với hoàn cảnh, nhất là ở Việt Nam, nền văn nghệ trình diễn vốn dựa trên truyền thống truyền khẩu lâu đờị

    Ví dụ như bài Cho Nhau, Phạm Duy viết:

    Cho nhau ngòi bút cùn trợ..
    Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
    Cho nốt đêm mơ về già

    Thái Thanh hát:

    Cho nhau ngòi bút còn lưa
    ...
    Cho nối đêm mơ về già

    Lưa là một chữ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuốị Ca dao Bình Trị Thiên có câu:

    Trăm năm dù lỗi hẹn hò
    Cây đa bến Cộ con đò vắng đưa
    Cây đa bến Cộ còn lưa
    Con đò đã thác năm xưa tê rồị

    Chính Phạm Duy cũng có lần sử dụng chữ lưa trong bài Mộng Du: Ta theo đường mộng còn lưa ..... Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ chính xác hơn, nhưng không thi vị bằng ngòi bút còn lưa .

    Cho nốt đêm mơ về già, như Phạm Duy đã viết, là cho phứt đi, cho đi cho xong. Thái Thanh thay chữ nốt bằng chữ nối, tình tứ và thủy chung hơn:những giấc mơ về già chỉ là tiếp nối những giấc mơ tuổi xuân mà anh không tặng được em vì gặp em quá muộn; cho nhau chỉ còn trái đắng cuối mùa, nhựa sống trong thân cây chỉ còn dâng được cho em dư vị chua chát và cay đắng.

    Phạm Duy viết:

    Cho nhau thù oán hờn ghen...
    Cho nhau cho cõi âm ty một miền

    Thái Thanh hát:

    Cho nhau cho nỗi âm ty một miền

    Chữ nỗi vô tình buông ra mà hay hơn chữ cõi, vì cõi chỉ là một miền, một không gian, một ý niệm hiện hữu, có vẻ bao la nhưng thực ra hữu hạn. Chữnỗi vô hình, nhỏ bé nhưng vô hạn, đi sâu vào tâm linh con người: với tuổi già nỗi chết nằm trong cuộc sống. Cho em nỗi chết là cho tất cả những niềm hoang mang, khắc khoải, đau thương còn lại, nghĩa là chút tình yêu còn lưa trong từng nhịp đập yếu ớt của trái tim đã cạn dần cạn mòn hết những mùa xuân.

    Nói như thế, không có nghĩa là khuyến khích ca nhân đổi lời tác giả. Chính Thái Thanh nhiều khi hát sai, ví dụ như trong Về Miền Trung: Tan thânthiếu phụ, nát đầu hài nhi mà đổi ra thành Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi là hỏng, nhưng người nghe dễ nhận ra và điều chỉnh. Nhiều chỗ sai, người nghe không để ý.

    Ví dụ câu này có thể xem như là một trong những câu hay nhất của Phạm Duy và tân nhạc Việt Nam:

    Về miền Trung còn chờ mong núi về đồng xanh
    Một chiều nao đốt lửa rực đô thành

    Thái Thanh hát một chiều mai đốt lửạ.. là đánh vỡ một viên ngọc quý. Chữ nao mơ hồ, phiếm định, chỉ là giấc mơ ánh sáng, màu sắc của nghệ sĩ -mà Nguyễn Tuân gọi là cơn hỏa mộng- nó chỉ là hình ảnh nghệ thuật, chứ Phạm Duy mong chi ngày đốt kinh thành Huế? Có lẽ ông còn giữ trong ký ức câu thơ của Chính Hữu trong Ngày Về mà ông rất thích:

    Bỏ kinh thành rừng rực cháy sau lưng

    Thơ không thể dịch được, nghĩa là không thể chuyển thơ từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác mà không làm mất hồn thơ, làm mất chấtthơ, nhưng có thể chuyển thơ sang hình thức nghệ thuật khác như chuyển thơ sang nhạc hay phổ nhạc những bài thơ hoặc ngược lại, đặt lời thơ cho bản nhạc.

    Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

    Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.

    Thụy Khuê
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL