1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Trong chương trình Làn điệu Phương nam với chủ đề Vầng Trăng Mẹ lần II của NS Vũ Luân vừa được tổ chức tại Nhà hát Thành phố tối 7-9, ấn tượng để lại trong lòng khán giả là hình ảnh những người mẹ trên sân khấu qua tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ. Báo SKTP xin được giới thiệu bài viết của tác giả Lâm Hữu Tặng về đêm diễn này.

    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, đa phần ai cũng được sinh ra và được dưỡng nuôi bằng tình thương bao la của mẹ. Trái tim của mẹ vẫn mãi chứa chan tình thương dành cho con, dù cho mẹ chịu muôn phần vất vả. Trong sân khấu cải lương, có những hình tượng người mẹ đã trở thành bất hủ và in sâu trong lòng người thưởng thức.

    Có những người mẹ đã chịu quá nhiều gian khó, chấp nhận hy sinh những gì mình có thể để mong con mình được vui sống hạnh phúc, và có những người mẹ đôi khi bị xã hội lên án bởi những hành động, những việc làm mà mọi người khó chấp nhận, nhưng xét lại cội nguồn của những hành động tội lỗi đó xuất phát từ tình thương con cao cả.

    Mỗi thời đại sẽ có những vở tuồng cũng như những hình tượng về người mẹ trên sân khấu khác nhau. Nhưng dù cho thời gian có đi qua, thì tình thương của mẹ dành cho con vẫn mãi là đề tài không bao giờ cũ trên sân khấu cải lương. Trong không khí của những ngày tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu, trong mỗi chúng ta ai cũng dành cho mẹ những gì tốt đẹp nhất, và tâm hồn ta hướng về hai đấng sinh thành. Và chương trình “Làn điệu Phương Nam – Vầng trăng mẹ lần II” diễn ra vào tối thứ sáu, ngày 07/09/2012 tại Nhà hát Thành Phố như một món quà đặc biệt dành tặng cho những người mẹ lẫn những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương.

    Chương trình đã đem đến cho người xem cảm giác bồi hồi qua những bài ca, những lớp trích đoạn cải lương về mẹ. Qua đó, ta càng thấy trân trọng tình thương của mẹ mình để sống sao cho xứng đáng với tình thương yêu mà mẹ đã dành cho mỗi chúng ta. Lớp trích đoạn cải lương “BÀ MẸ MỘT MẮT” của tác giả, đạo diễn Thanh Hiệp đã đem đến một món ăn tinh thần mới cho khán giả cải lương. Đó là một lớp trích đoạn mà tác giả, đạo diễn Thanh Hiệp viết và dàn dựng, các nghệ sĩ lần đầu vào những vai trong lớp trích đoạn này. Một bà mẹ nghèo (do NSUT Diệu Hiền đóng) ở xứ Vĩnh Long, đã cùng con mình lên sinh sống ở Sài Gòn, để lo cho con mình ăn học.

    Bà mẹ đó đã chịu quá nhiều vất vả, chỉ mong sao con mình được nên người, ăn học thành tài. Cậu con trai Hải (do NS Vũ Luân đóng) vì sĩ diện với gia đình người mình yêu nên anh đã lừa dối gia đình người bạn gái là Hiền (do Mỹ Hằng đóng) rằng gia đình anh rất giàu có, mẹ anh rất sang trọng. Vốn dĩ ba của Hiền là đạo diễn, ông hay thực hiện những thước phim tài liệu và đặc biệt là hình tượng người mẹ. Được sự giới thiệu của những người quen, ông biết đến một người mẹ có một mắt và bà đã sống trọn vẹn cuộc đời mình cho con. Nhưng ai có ngờ, người mẹ đó lại chính là mẹ của Hải.

    Khi Hải biết được mẹ mình sắp tham gia một bộ phim mà ông đạo diễn lại chính là ba của người mình yêu, anh sợ lộ mọi chuyện nên anh đã kêu mẹ về quê sinh sống để che dấu thân phận nghèo nàn của anh. Đôi khi anh hờn trách tại sao mẹ anh lại có một con mắt, ngoại hình xấu xí, nghèo nàn, để anh phải tủi hổ với bè bạn, với người yêu. Rồi việc gì đến cứ đến, trước khi mẹ anh định về quê, mẹ anh đã đưa anh một cái hộp, một vật vô cùng quý giá mà sau này bà định khi nào anh có gia đình bà sẽ đưa cho anh. Trong đó là một bức thư mà trước khi ra đi ba anh để lại.

    Người mẹ có một mắt, còn một mắt kia bà đã hy sinh cho con mình ánh sáng. Thời gian qua bà cứ âm thầm nuôi dạy con và dành cho con ánh sáng của cuộc đời. Mọi chuyện cứ đến, sau khi hiểu ra ngọn ngành sự việc, Hải đã không còn mặc cảm cuộc sống nghèo nàn của mình, không còn thấy xấu hổ vì có người mẹ một mắt mà cảm thấy tự hào khi có một người mẹ nhân từ, bao dung đến thế.

    Cốt truyện hấp dẫn lôi cuốn người xem và tạo nên những tình huống bất ngờ. NSUT Diệu Hiền tuy sức khỏe không được tốt mấy nhưng mỗi khi cô cất lên tiếng hát thật sự đã đem đến người xem sự xúc động vô cùng. Cách diễn vừa có chút quăng bắt pha chút hài hước với những câu “đệm” càng thể hiện đúng bản chất của một người mẹ già ở chốn thôn quê. Cái chân chất càng được thể hiện rõ ở suy nghĩ của bà, bà cũng đâu biết rằng tham gia phim là như thế nào mà bà chỉ biết khi tham gia phim sẽ có được một số tiền để sửa lại căn nhà dột nát.

    Và khi nghe con mình nói đã có bạn gái và ông đạo diễn chính là ba của bạn gái, thì bà chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là điều tốt đẹp khi mà sui gia có cơ hội làm việc chung. Cái vẻ mừng rỡ của bà thật vô tư và gợi cho người xem niềm thương cảm. Giọng ca, nét diễn của cô chân chất như chính con người ngoài đời của cô đem vào trong nhân vật. NSUT Diệu Hiền đã đem đến cho khán giả một hình tượng người mẹ với tình thương con cao cả, một hình tượng đẹp để người xem hằng ghi nhớ và khâm phục.

    NS Vũ Luân trong vai người con là nhân vật chủ đạo của lớp trích đoạn, anh đã thể hiện được nét tươi trẻ của những bạn trẻ đang yêu, tình yêu đầu đời với những ước mơ và mộng đẹp. Nhưng đứng trước gia thế của gia đình bạn gái, anh đã không dám thú thật về hoàn cảnh gia đình của mình. Bởi trong anh còn mang suy nghĩ bồng bột, mang tính trẻ con, sợ người ta sẽ khinh mình nghèo có bà mẹ một mắt xấu xí, không ai sẽ chịu cùng anh kết nghĩa trăm năm.

    Chính cái bồng bột, suy nghĩ nông cạn ấy là nguyên nhân dẫn đến những tình tiết quan trọng trong buổi diễn. Anh lừa dối người mình yêu, anh hằn học với mẹ, và nhiều khi anh đã có những câu nói khiến mẹ anh đau lòng,… sự nông nổi ấy ta thầm trách anh cũng như những người con không dám nhìn nhận những gì đã từng dưỡng nuôi mình có ngày hôm nay. Sau khi hiểu hết mọi chuyện, anh đã biết quay về với nẻo thiện, tự trách bản thân mình đã quá vô tâm chỉ nghĩ đến lợi ích riêng tư mà quên đi nỗi niềm của mẹ. Đoạn mẹ anh định ra đi,anh gọi lại chính là đoạn cao trào khiến khán giả không khỏi bùi ngùi.

    Có thể nói môtip những người con đôi khi muốn bảo vệ hạnh phúc riêng tư của mình mà không muốn nhìn nhận cha mẹ, không dám đối diện vớ sự thật nghèo khó của mình là không mới. Nhưng điều mà Thanh Hiệp đã đưa “rượu mới” vào trong cái bình cũ là hơi thở của cuộc sống. Ông đạo diễn với lòng nhiệt huyết, sự say mê đối với nghề và mang trong lòng một cái tâm thanh khiết.

    Ông muốn tìm một hình ảnh đẹp về những người mẹ chịu thương, chịu khó, và ông mong muốn qua những thước phim, người mẹ đó là biểu tượng cho sự thánh thiện, cho lòng bao dung, cao thượng. Tình yêu đối với nghề và cái tâm trong sáng của ông chính là niềm ước mơ không chỉ của tác giả mà còn là niềm ước mơ của tất cả mọi người về hình ảnh những người làm nghệ thuật, của những người đi tìm nét đẹp tô điểm cho đời.

    Một chi tiết khá đặc sắc mà tác giả đã đem đến cho người xem những suy nghĩ gợi mở đầy tính triết lí. Đó chính là “con mắt” mà người mẹ đã nhường lại cho con. “Con mắt” chính là biểu tượng cho ánh sáng, mẹ đã nhường cho con ánh sáng cuộc đời, để mẹ chịu đựng khi ánh sáng cuộc đời của mẹ chỉ còn một nửa. Và “ánh sáng” đó ta còn có thể hiểu là những gì tốt đẹp nhất, những gì tươi sáng, rực rỡ nhất mẹ dành hết cho con. Trái tim người mẹ mãi chứa đựng một biển tình thương vô bờ bến.

    LÂM HỮU TẶNG
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (23-09-2012), Thanh Hậu (23-09-2012)

  3. Duongtonhu
    Avatar của Duongtonhu
    Bài viết của thằng em trai nhà mình! hihihi...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Duongtonhu For This Useful Post:

    Phong_Vũ (23-09-2012), Thanh Hậu (23-09-2012)

ANH EM CHANNEL