1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Chị mồ côi Mẹ từ năm 8 tuổi. Ở cái tuổi còn quá nhỏ ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng chị đã phải đối mặt với một sự mất mát quá đỗi lớn lao. Ngày ấy, chị hoàn tòan cô độc : vui không có người chia sẻ, khổ buồn không có ai giãi bày.


    Nhưng nhớ lời Mẹ dặn trước lúc đi xa, hai chị em ráng sống, đừng để người ta mắng là con không Mẹ, chị đã cố gắng sống thật tốt...Mấy mươi năm trôi qua, giờ chị đã thành công hơn những gì mà mẹ chị mong mỏi khi xưa. Chị đã không chỉ sống tốt mà còn sống đẹp nữa. Và trong cuộc sống, nếu như có những người cứ lơ đễnh để cho những tháng ngày còn Mẹ trôi vuột như cát chảy qua kẽ tay thì nơi chị, nỗi nhớ Mẹ và niềm khao khát được có Mẹ bên mình chưa hề nguôi ngoai chút nào. Chính vì lẽ đó, mà nơi những trang viết, những bài ca, những vở tuồng của chị, khán giả_ độc giả luôn bắt gặp hình ảnh của một người Mẹ.

    Tháng 7 Vu Lan vừa qua, chị đã cùng với các nghệ sĩ trẻ : Hoàng Minh, Phương Trần ,Thanh Toàn cho ra mắt album CD " KÍnh dâng Mẹ " như một lời tri ân, tưởng nhớ đến Mẹ và cũng " thay lời muốn nói " của những người con dâng lên đấng sinh thành với đầy đủ những ngọt ngào yêu thương _ Báo sân khấu tp đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị .

    * Nhắc về Mẹ, kỉ niệm nào với bà khiến chị không thể quên cùng năm tháng ?

    _ NSND Bạch Tuyết : Từ nhỏ phổi tôi đã không được khỏe. KHi còn sống Mẹ đã luôn tìm cách ủ ấm cho tôi. Một hôm, tôi bị sốt. Thức giấc, vừa mở mắt đã thấy Mẹ với muỗng nước cam đang chờ tôi. Đó là sự chở che, chăm sóc mà tôi có được đến năm 8 tuổi.

    * Và bây giờ chị cũng đã là mẹ của cậu con trai thành đạt, chị thường nhắc nhở con trai mình như thế nào và điều gì chị hằng mong mỏi con trai mình hướng đến ?

    _NSND Bạch Tuyết : Trước ngày tiễn con trai lên đường du học, tôi ôm con trai và nói, bà ngoại mất khi Mẹ mới có 8 tuổi con bây giờ đã hạnh phúc hơn Mẹ rồi đó. Và mẹ muốn con rèn luyện để sống tự lập_ tự chủ _ tự tại. Thằng bé 12 tuổi hẳn đã cảm nhận được phần nào nên hco tới lúc trưởng thành, con tôi đã thực hiện được như lời Mẹ nó dặn dò.

    * Trong xã hội hiện tại, ngoài những tấm gương hiếu thảo, thì vẫn còn đó quá nhiều nỗi đau trước thảm cảnh con giết cha mẹ, cháu giết ông bà. Chị có suy nghĩ gì về hiện này ?

    _NSND Bạch Tuyết : Đó là một gương mặt khác của xã hội, bên cạnh sự tốt đẹp, lương thiện, bao giờ cũng tồn tại những tiêu cực. Vấn đề là đừng để "tỉ lệ đen " lấn át ánh thiên lương. Tôi không lạc quan tếu để có một niềm tin rằng, con người vẫn luôn hướng thiện và hướng mỹ.

    * Nhân Đại lễ Vu Lan vừa qua, chị và một số anh chị em ns sang vương quốc Campuchia để biểu diễn phục vụ cho kiều bào. Những ấn tượng nào sâu sắc đã đọng lại trong chị về chuyến đi này ?

    _NSND Bạch Tuyết : Tôi cảm động vì những ân tình của bà con với quê hương, với nghệ thuật cải lương nhưng tôi trĩu nặng và ray rứt mãi về điều kiện sống của bà con mình ở Biển Hồ, còn thiếu thốn và khó khăn quá ! Ngay ở nhà, mình không hiếm thấy cảnh nghèo. Nhưng có rời đất nước, dù chỉ nửa bàn chân thì cũng là máu chảy ruột mềm, sao cứ thấy lòng đau đáu !

    * Là một thành viên của Hội đồng nghệ thuật cuộc thi CVVC năm 2012. Đã qua 4 vòng thi, chị đánh giá như thế nào về các bạn thí sinh của mùa giải năm nay ?

    _NSND Bạch Tuyết : Mỗi năm các thí sinh mới, từ vọng ca đến vóc dáng, điệu bộ đều cho ta cảm xúc mới mẻ tràn đầy sức xuân. Tôi không đánh giá, tôi thưởng thức yêu mến, chăm chút cho từng thí sinh một cách chân thành, giúp các bạn hiểu thêm về giá trị giọng ca, của bài vọng cổ mà các bạn đang đam mê, đang học hỏi và đang ra sức biểu diễn.

    * Nếu một lời nhắn gửi với các bạn chị sẽ nói gì ?

    _NSND Bạch Tuyết: Hãy sống chân thành với mình, yêu tổ quốc, dân tộc, trân trọng bài vọng cổ cải lương_ như giữ gìn từng hơi thở của các bạn.

    * Nghe đâu, chị đã chuyển thể tác phẩm" Kiến tánh thành Phật " của Hòa Thượng Trúc Lâm sang trường ca cải lương. Liệu đây có phải là công trình nghệ thuật thứ năm về Phật giáo mà chị muốn gửi gắm đến các khán giả và Phật tử khắp nơi ?

    _NSND Bạch Tuyết : Tôi đang ở giai đoạn cuối chuẩn bị, mong rẳng phước sinh duyên khởi để có thêm trường ca " Kiến tánh thành Phật ", chuyển thể dựa trên những bài giảng của sư ông Thanh Từ. Tác phẩm sẽ là quà tặng từ tấm lòng đến những tấm lòng.

    Theo Tiểu Trúc.
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (02-10-2012), romeo (02-10-2012), Thanh Hậu (02-10-2012)

  3. linhhueforever
    Avatar của linhhueforever
    Nghe xong CD này, ko biết diễn tả sao luôn??? Chỉ cảm nhận là ko muốn nghe lần nữa.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to linhhueforever For This Useful Post:

    romeo (02-10-2012), Thanh Hậu (02-10-2012)

  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Là sao anh? Nghe xúc động quá không thể nghe lại hay... sao?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    Thanh Hậu (02-10-2012)

  7. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    NSND Bạch Tuyết& Của-để-dành"

    PNCN - Nhà hát Nón lá nằm trong khu vực hồ bơi của công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM), các nghệ sĩ đang chuẩn bị cho buổi tổng dợt chương trình trực tiếp truyền hình.Có ai đó yêu cầu tất cả phải bỏ giày dép ở dưới,NSND Bạch Tuyết nhỏ nhẹ, thế tối nay hát, nghệ sĩ chúng tôi phải đi… chân trần?

    Độ lên xuống của tay, của vai, của gương mặt đi cùng chất bổng trầm của âm nhạc, tương thích với vị trí thưởng thức của công chúng,của ống kính truyền hình, chúng tôi sẽ “tính toán” như thế nào cho chính xác? Ngay sau đó, mọi người được… mang giày lên sân khấu để “chạy chương trình”.


    Vừa lúc, một số thanh niên trong trang phục bơi, người ướt sũng nước tràn vào xem. Bạch Tuyết dừng lại phần trình diễn của mình. Bà nói với người quản lý nhà hát: “Với chúng tôi, buổi tập - dợt là buổi học nghề, làm nghề. Đó là sự thiêng liêng. Tôi cần một không gian nghiêm túc, kín đáo”. Lời đề nghị đã được lắng nghe.


    Ảnh:Hải Đông

    PV: Nhưng không phải ai cũng là người trong nghề, thậm chí đã là người trong nghề, để hiểu và để không… buồn vì những “yêu cầu” đến mức cực đoan của Bạch Tuyết.

    NSND Bạch Tuyết: Tôi hiểu và tôi đã cảm ơn vì sự lắng nghe, sự tôn trọng sau đó mà mọi người đã dành cho nghệ sĩ, cho kỷ luật nghề nghiệp của chúng tôi. Vấn đề không phải ở ngoại cảnh mà là tôi muốn được cùng các nghệ sĩ, nhạc công, chuyên viên ánh sáng… tập trung cho buổi tập, họ lắng nghe sức khỏe giọng hát, nhịp - điệu, bài bản…; còn chúng tôi lắng nghe chính cảm xúc của mình, đi tìm những góc khuất sân khấu để xử lý động tác, điệu bộ... một phút xuất hiện trước công chúng phải thật sự hoàn chỉnh và hoàn hảo ở mức có thể. Không được lóng ngóng, luộm thuộm với bất cứ lý do nào.

    * Tôi đã xem chương trình biểu diễn tối 16/9 tại Nhà hát Nón lá và cùng với nhiều khán giả nhận thấy rõ mồn một rất nhiều nghệ sĩ đã… ca nhép, họ hầu hết là thế hệ em út, con cháu của bà; trong khi NSND Bạch Tuyết lại ca “sống”. Một mặt nào đó, sự cực đoan trong quan niệm nghề hát mà bà gọi là “Đạo Sân khấu ” lại khá… cô độc trong thời buổi hiện tại?

    - Sân khấu là Đạo, quan niệm ấy được chính những nghệ sĩ tiền bối và bậc thầy truyền lại cho chúng tôi với những chuẩn mực không thể thay đổi, không thể thay thế. Tôi không nghĩ đó là sự cực đoan. Chỉ có điều, tôi dị ứng với hát… sai, hát trật, hát ẩu tả. Có hôm ở nhà xem ti vi, nhiều tiết mục thu sẵn, nghệ sĩ thay liên tục mấy bộ áo dài trong một bài ca cổ mà ôi thôi, phát âm thì đớt đát, nhịp thì loạn xạ, câu vô, câu ra không còn phân biệt, ấy thế mà vẫn trót lọt qua các cửa biên tập, đạo diễn. Buồn và thương nghề mình kinh khủng.

    Trở lại “câu chuyện” hát theo đĩa mà bạn đề cập, tình thật, tôi không quá xét nét bởi ở thời buổi mà hầu hết các chương trình biểu diễn đều chủ yếu diễn ra trên sóng truyền hình, trong những nhà hát truyền hình, ở đó khoảng cách sân khấu, ánh sáng sân khấu, âm thanh sân khấu, độ tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng (qua màn ảnh nhỏ) gần như lệ thuộc vào những yếu tố mang tính kỹ thuật, trong đó chất lượng đường truyền đôi khi quyết định đến 70% chất lượng âm thanh.

    Truyền hình có… sóng để đổ thừa, nghệ sĩ - với sự “rối nhiễu” của sóng, chẳng biết phải thanh minh thế nào. Thật ra, với việc hát theo đĩa, trước hết nghệ sĩ lo bị bào mòn cảm xúc, sợ thiếu độ thăng hoa, và lúc nào đó mất tự tin với chính khả năng (hay tài năng!) của mình... Mặt khác, hiện nay có quá ít nhà hát ca - kịch đạt chuẩn, sân khấu được chỉnh trang từ hội trường nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao… từ hệ thống âm thanh, ánh sáng, độ cao lẫn khoảng cách giữa các cánh gà, mặt tiền, ghế khán giả… đều có “vấn đề” nên chỉ cần thiếu bản lĩnh, nghệ sĩ sẽ không dám “phiêu lưu”.

    Cuối cùng, người mà nghệ sĩ luôn mang ơn, nay họ tiếp tục mang nợ, chính là khán giả.


    Cuộc giao duyên giữa nhạc Trịnh và ca kịch cải lương (NSND Bạch Tuyết ca diễn Hạ trắng cùng hai nhạc sĩ lớn Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Thuyết Phong)

    Lại là một buổi tổng duyệt chương trình, ngày 22/9 tại Nhạc viện TP.HCM nhằm chuẩn bị cho Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Campuchia diễn ra từ ngày 24/9 đến 30/9/2012, NSND Bạch Tuyết đến sớm, áo dài, son phấn điểm trang, bà ngồi ở hàng ghế sau. Bài vọng cổ Quê hương do chính bà sáng tác lần đầu tiên được trình diễn với dàn nhạc tươm tất, bề thế.

    * Như vậy, ngày giỗ Tổ Sân khấu (27/9, tức 12 tháng Tám âm lịch) năm nay, bà lại không có mặt ở nhà…

    - Bạn tôi, tác giả Lê Duy Hạnh có nói, nghệ sĩ có ba “tổ”: Tổ quốc, Tổ Nghề và Tổ chức. Trong lúc này đây, với tôi - một công dân nghệ sĩ, việc tham gia Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Campuchia có ý nghĩa quan trọng nên tôi và các anh chị em trong đoàn có thể sẽ cúng Tổ ngay trên đất bạn.

    Câu nói của bạn khiến tôi nhớ da diết ngày tôi đón thầy tôi, NSND Phùng Há từ bệnh viện Nguyễn Trãi về chùa Nghệ sĩ. Bà ra đi khoảng tầm 2g sáng, thiêm thiếp trên chiếc xe chơm chớp ánh đèn, tôi có cảm giác như thầy tôi đang trên một chuyến lưu diễn. Đời nghệ sĩ là những chuyến đi dài, có khi bạn ở một chỗ nhưng cảm xúc và sự đau đáu tìm tòi cứ khiến bạn chông chênh…

    * Bà vừa nhắc đến thầy mình, NSND Phùng Há, hình như, một cách vô tình, bà là một trong số những học trò tiếp nối sự nghiệp truyền nghề của NSND Phùng Há - Năm Châu rõ rệt nhất?

    - Tôi học ở các thầy của mình nhiều điều, nhiều việc. Tôi kể bạn nghe, hồi còn trẻ, cứ hễ vãn hát, tôi chùi mặt thật nhanh để còn dông theo đám bạn. Bất ngờ má Bảy (tức NSND Phùng Há) lẳng lặng đến sau lưng tôi, nhỏ nhẹ bảo, nghề mình có cái mặt, ráng nâng niu, giữ gìn nó cẩn thận cho khán giả, cho cuộc đời này, con tập cách lau nó nhẹ thôi…

    Ngày má đi xa, tôi trang điểm cho bà, nhớ bài học “giữ mặt cho đời”. Ngay cả việc truyền nghề, tôi cũng học bà ở cái “nguyên lý sư phạm” đơn giản nhất là: khi dạy nghĩa là đang học. Tôi muốn truyền đạt đến các học trò của tôi tính mẫu mực, kinh điển của những nghệ sĩ tiên phong bậc thầy như Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Ba Vân, Tám Vân, Kim Cúc, Thanh Nga… cũng như học để hiểu, để nâng sức cảm thụ trong những tác phẩm của các soạn giả lớn như Trần Hữu Trang, Mộc Linh, Trúc Đường, Hoa Phượng - Hà Triều, Quy Sắc, Lê Duy Hạnh…

    Qua cái mốc 61 tuổi, tôi đã thu xếp lại cuộc đời mình. Mãi năm ngoái, tôi mới dám nhận lời giảng dạy theo đúng nghĩa làm thầy. Con trai tôi bảo, bây giờ mẹ cần nói nhiều hơn hát. Tôi xem đó là một “định hướng” phù hợp cho mình.

    * Cuối cùng thì bà, cùng với các nghệ sĩ Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy cũng đã được trao tặng danh hiệu NSND.

    - Tôi nghe bạn nói mà hình dung như thể là cú thở phào vậy. Tôi xúc động, các đồng nghiệp của tôi đều xúc động. Một sự ghi nhận, hơn thế là sự công nhận đầy cao quý.

    Vẫn còn nhiều tài năng và sự cống hiến cần được truy tặng và trao tặng, trong đó tôi mong mỏi cho những cái tên như cô Hai Kim Cúc, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Tuấn, NS Tấn Tài…

    Hôm ba tôi mừng tân gia, món quà tôi tặng ông là tấm bằng danh hiệu NSND, ông cười mãn nguyện lắm. Con trai tôi vốn ít nói, tranh thủ chuyến công tác ở Singapore để bất ngờ về Việt Nam, mua vé chợ đen ba triệu đồng để xem mẹ biểu diễn ở Hà Nội. Ngay sau đêm hát, trên đường tôi trở về TP.HCM, con trai bay qua Singapore thì bất ngờ (lại bất ngờ), hai đứa cháu nội song sinh vừa chào đời (sớm hơn dự báo của bác sĩ một tuần). Đó là những món quà tôi được thưởng “lên Nhân dân” ý nghĩa nhất, là Của - Để - Dành mà tôi có được trong đời.

    Ngay trước giờ chuẩn bị show chụp hình bìa Phụ Nữ Chủ nhật, tôi nói với NSND Bạch Tuyết về nhiếp ảnh gia Hải Đông chính là con trai của họa sĩ Chóe, người mà cách đây hơn 40 năm đã xin vào đoàn cải lương Bạch Tuyết - Hùng Cường với giấc mộng trở thành kép hát. Chóe có giọng ca khá mùi nhưng khả năng diễn thì… chịu, ra sân khấu mà cứ ngây như phổng. Sau một vai nhỏ trong vở tuồng Trăng thề vườn thúy, Chóe rút lui với một đúc kết nhẹ tênh: “Làm kép hát khó gấp trăm lần cầm cọ”.

    Hơn 40 năm sau, Bạch Tuyết xúc động, ngắm nghía mãi chàng nhiếp ảnh “đầu trọc” tài hoa, hiền lành, nhớ người bạn diễn - dù chỉ thoáng qua - nhưng cũng đủ làm một linh nhân trong đời ca kỹ của mình. Bà yên tâm ngồi vào bàn, cây cọ nhảy múa trên tay người nghệ sĩ nửa phảng phất Face painting, nửa như chìm đắm trong thế giới ngũ cung đầy ma mị, liêu trai. Năm mươi năm theo nghề hát, giờ, bà đang tự tay mình “vẽ mặt cho đời”. Chiếc máy ảnh trên tay Hải Đông như thể bị thôi miên…

    Rồi Bạch Tuyết chỉ lên bức tranh được đặt trang trọng trong căn biệt thự màu trắng, nói “của Chóe vẽ đấy”. Chóe ngoài đời mực thước, ôn tồn, sao trong tranh, ông dữ dội và khốc liệt quá vậy? Bạch Tuyết không trả lời, đúng hơn bà minh thị bằng chính sự biến hóa vào ba nhân vật trung thần - vua - nịnh thần trong vở kịch Diễn kịch một mình (tác giả: Lê Duy Hạnh, thiết kế: NSND Lương Đống, âm nhạc: NSND Quang Hải, đạo diễn: Hồng Phúc) mà hơn hai mươi năm trước Chóe đã xem Bạch Tuyết trình diễn. Vở kịch khai phá cho dòng chảy thể nghiệm trong làng kịch nghệ thành phố.

    Những khoảnh khắc chuyển mạch để từ trung sang nịnh, từ nịnh ra gian, rồi bỗng chốc vứt bỏ hết để hiển lộ cái chân lý sau cùng “Không có trung thần trời đất đảo điên, nhân loại đắm chìm trong biển đời lửa máu. Không có trung thần nghệ thuật không còn giá trị, và sân khấu dẫu có hàng trăm vở diễn, muôn ngàn nhân vật, nhung chỉ cần thiếu nhân vật trung thần sân khấu không tồn tại. Diễn viên, khán giả biết còn nơi nào gửi gắm ước mơ…”.

    Chóe vẽ kịch bằng tranh. Bạch Tuyết xem tranh từ kịch… Và thỉnh thoảng, bà thôi ca hát để ngân nga bằng tranh. Một trong 60 bức tranh, Bạch Tuyết vẫn còn giữ lại một bức, ở đó chiếc vương miện bị một bàn tay đặt úp ngược lên đầu người nghệ sĩ, máu lẫn nước mắt từ chiếc vương miện chảy ròng. Duy nhất có đôi mắt trong veo, tinh khôi mà cũng đầy ẩn chứa, như một quầng sáng soi lấy người đối diện.

    Trọn năm mươi năm tuổi nghề, NSND Bạch Tuyết vẫn giữ cho mình đôi mắt ấy - như một Của để dành cho chính đời ca kỹ của mình.

    Thực hiện: Trương Ái Trân
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (03-10-2012), Thanh Hậu (03-10-2012)

ANH EM CHANNEL